Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.088
123.232.722
 
“Tô tem sói”(*) - tên phát xít đang được tung hô
Phạm Lưu Vũ

Người chuyển ngữ sang tiếng Việt, ông Trần Đình Hiến khả kính quảng cáo nó là một kho tàng kiến thức kì diệu. NXB, các kênh truyền thông chính thống, cực kì chính thống... đại loại là các “trí thức” cũng chính thống, cực kì chính thống hết lời ca ngợi. Già đời có, cừu non có. Thực bụng có, a dua cũng có. Thậm chí “ăn theo” người khác, “ăn theo” lời nói đầu (rằng nó là một kì thư đệ nhất thế gian...) Sách cỡ này không đọc tất... ngu lâu. Bèn cố gắng tậu 1 cuốn.

 

Đọc xong, bỗng rùng mình, và... giận.

 

Nhưng thôi, kệ họ. Thời buổi thị trường, sách làm ra thì phải quảng cáo, quảng cáo để bán chạy, bán chạy để kiếm lời, để tô son trát phấn cho các kiểu thương hiệu, nào là dịch giả, NXB, Cty Sách, phê bình da, v.v... thế thôi.

 

Song đến khi thấy mấy thằng cháu, hiện đang là sinh viên cũng “uốn ba tấc lưỡi” mà khen nức khen nở cuốn sách, y hệt như những giọng điệu kia thì không thể im lặng được nữa.

 

Trước tiên, phải vả vào mồm mấy cái rồi tự mắng mình cái đã. Mắng rằng: “Mày, cái thân phận nhược tiểu, xưa nay vốn đã ăn không nên đọi, nói không nên lời, lại là cái giống đầu óc ngu si, tứ chi... kém phát triển thì chẳng cần phải biết nhục làm gì. Một nền văn minh sừng sững như Thái sơn, mấy nghìn năm nay luôn là kiểu mẫu cho tứ di (bốn phương mọi rợ), trong đó có tổ tiên mày, ông cha mày. Vậy thì bất kể cái gì của người ta cũng chắc chắn là tuyệt đỉnh, chỉ được phép há to mồm ra mà hớp được hớp nào hay hớp nấy. Không hớp được thì tự trách mình kém, mình ngu. Trách xong hãy mở to mắt ra mà xem người ta “văn minh”, người ta “vĩ đại” như thế nào. Đừng có dại mà há họng phàn nàn...”

 

Vâng! “Em chã” dám phàn nàn. Vậy hãy xem cái “kho tàng kiến thức” này nó “kì diệu” và mới mẻ cỡ nào? Đây là một tiểu thuyết không có cốt truyện, chỉ có những tình huống và chi tiết được dàn dựng, sắp đặt nhằm mục đích... rao giảng kiến thức. Đó là một bức tranh sinh động, hết sức sinh động, phải công nhận như thế, về cuộc sống của một thảo nguyên Mông Cổ với cả quá khứ, hiện tại và tương lai của nó. Trong đó tác giả đã nhân cách hoá giống sói với một “liều lượng” chóng mặt, đến nỗi làm cho chữ “sói” vượt quá cả chữ “nhân”. Sói hơn hẳn người về nhiều mặt, bắt đầu từ “đẳng cấp” trở đi. Sói là thầy? không, còn hơn thế nữa, là tổ tiên thật sự của con người. Với một giọng văn phù thuỷ, dẫn giải tương đối hấp dẫn, tác giả tả sói đã hay, tả ngựa, tả cừu... cũng hay không kém. Đặc biệt tả muỗi còn hay hơn nữa. Chỉ có tả người là dở ẹc. Trong truyện ngoại trừ nhân vật ông già Pilich được xây dựng tương đối công phu, còn lại là một đám nửa người nửa... gia súc (kể cả nhân vật chính Trần Trận – hoá thân của tác giả). Cái đám quan ngựa, quan dê, quan cừu... ấy có một kẻ cầm đầu (Bao Thuận Quý) thì ngu dốt, mù quáng và duy ý chí. Tất cả dồn về cái thảo nguyên này té ra để làm mỗi việc... chuẩn bị chiến tranh (nên nhớ thời điểm xảy ra câu chuyện là thời điểm mà nhân loại vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới thứ 2). Song điều đó chỉ thấp thoáng kiểu “úp úp mở mở” thôi. Một cuốn sách dày cộp lại có số nhân vật ít ỏi đến không ngờ (đếm không quá hai bàn tay), trong đó chỉ duy nhất 1 nhân vật là đàn bà đã có chồng. Tóm lại, con người ở đây chỉ đóng vai trò là đám bung xung, là cái cớ để tác giả dựng lên số kiếp của cả một thảo nguyên như một cơ thể sống có sinh, có tử, đã từng tồn tại hàng ngàn năm nay. Cuốn sách vì thế thực ra chỉ có một “nhân vật” chính. Đó là cái thảo nguyên có tên gọi “ƠLôn” ấy.

 

Thế thì sự “kì diệu” của “kho tàng kiến thức” ấy nằm ở chỗ nào? Ngoài sự “nhân cách hoá” sói đến mức thần kì như trên, than ôi, cái gọi là “kì diệu” của nó lại nằm ở chỗ... chẳng có gì mới mẻ. Toàn bộ những “kiến thức” thảo nguyên phong phú của tác giả phơi bày trên các trang sách thực chất chỉ là sự rao giảng một cách sinh động, tài hoa thuyết “chọn lọc tự nhiên” và “đấu tranh sinh tồn” mà Đac - uyn đã trình bày trước đó hàng thế kỉ. Điều này thì đến một học sinh học cuối cấp phổ thông cũng dễ dàng nhận thấy. Vâng! giống sói rất chi quan trọng trong việc bảo vệ thảo nguyên bởi nó diệt bớt dê vàng, ngựa, rái cá, chuột... là những giống ăn cỏ vô tội vạ, ăn không có kế hoạch, không nghĩ đến tương lai (thì cũng như những kẻ kiểu Bao Thuận Quý vậy)... Nó còn chén bớt những chú ngựa yếu đuối, bệnh hoạn... giúp tạo ra những giống ngựa ngày càng khoẻ mạnh. Ngoài vai trò là “đồ tể” số 1 của thảo nguyên, nó còn là những “công nhân vệ sinh” hết sức mẫn cán khi chén và tiêu hoá sạch cả xương xảu, lông lá của những sinh vật chết, hoặc thối rữa (kể cả người), vân vân và... vân vân. Rồi ngay cả cái căn bệnh gọi là “bệnh cừu, bệnh gia súc” của “con bệnh Trung Quốc” mà ông “thầy thuốc“ cao tay Trần Trận “khám phá” ra, cũng chả có gì mới, bởi nó đã được Lỗ Tấn tiên sinh nói tới từ già nửa thế kỉ trước. Có điều tiên sinh nói với 1 quan điểm khác, hoàn toàn nhân văn mà thôi.

 

Hay là sự “kì diệu” đó nằm trong chính những kiến thức về loài sói? Gạt bỏ những “nhân cách hoá” một cách thái quá ra, quả thực giờ ta mới biết loài sói về mặt bản năng, thì ra có thể nói là cũng đạt đến trình độ khá cao đấy. Song phải công bằng một tý mới được. Bởi nếu nói về bản năng, thì những con sói lừng lẫy kia của thảo nguyên Mông Cổ còn xa mới đạt tới trình độ như của những con ong, cái kiến (cả loài mối nữa). Những giống côn trùng ấy còn tổ chức thành “xã hội” chặt chẽ, có trên có dưới, có thế hệ, lớp lang, thậm chí có cả “đạo lý” đàng hoàng. Riêng loài ong còn được các nhà khoa học coi là một “loài người” thứ 2 trên Trái Đất này với tư cách là một đỉnh cao về bản năng, so với con người là đỉnh cao về lý trí. Những loài côn trùng ấy cũng là một nền văn hoá “canh nông”, lại “định canh định cư” hẳn hoi đấy. Thử xem chúng có “hèn” không? Đâu phải cứ “du mục”, cứ sống theo kiểu ăn cướp man rợ, lấy thịt đè người như giống sói kia mới gọi là thông minh, quật cường?

 

Sở dĩ nói như thế bởi chủ đề tư tưởng xuyên suốt cuốn sách là chứng minh tính hơn hẳn (về mặt ý chí, quật cường) của “văn hoá du mục” so với “văn hoá canh nông”. Chủ đề này được nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối, nhắc không biết... mỏi mồm. Mà nguyên nhân chí tử của sự “hơn hẳn” này chỉ bởi “văn hoá du mục” mang máu sói, có “sói tính” (thông minh, quật cường), còn “văn hoá canh nông” mang... máu cừu, chỉ có “cừu tính, gia súc tính” (ngu ngốc, hèn đớn) mà thôi. Chính điều này (phải chăng) đã làm cho cuốn sách được tung hô là “kì thư” (hay kì quặc thư) đây? Bằng mọi cách tôn vinh “văn hoá du mục” bất chấp sự thiển cận, hồ đồ, đồng thời mạt sát không tiếc lời “văn hoá canh nông” của chính ông cha mình. Cái món “kì thư” ấy còn vận hết mười hai thành công lực khi công khai kêu gọi hãy “lang cách hóa”... cả dân tộc Hoa Hạ (biến dân tộc Hoa Hạ thành một “tộc” sói đi bằng hai chân). Hãy thử đọc một đoạn văn này thôi: “Lịch sử thế giới cho đến nay, vượt lên tuyến đầu phần lớn là các dân tộc vũ trang bằng tinh thần sói. Trong cuộc cạnh tranh tàn khốc trên thế giới, cừu muốn lặng nhưng sói chẳng dừng. Sói mạnh còn có sói mạnh hơn thôn tính. Dân tộc Hoa Hạ muốn tự cường trong thế giới cá lớn nuốt cá bé, phải thanh toán triệt để tính cừu, tính gia súc trong tính cách dân tộc nông canh, trở nên mạnh mẽ như sói, chí ít phải có tinh thần sói, tô tem sói...” (trang 383). Ái chà chà! Điều này xem ra còn nguy hiểm hơn thảm hoạ si -đa hay thậm chí cả bom nguyên tử nữa đây.

 

Phải công nhận ngòi bút của Khương Nhung tiên sinh đã chứng minh rất hùng hồn, khó mà cãi lại được. Bởi nền văn minh canh nông của người Hán đúng là không hiệu quả lắm trong việc tự bảo vệ mình, đến nỗi mặc dù đã đẻ ra lắm thứ triết học khôn ngoan có tiếng trên thế giới, lại có 1 tư tưởng gia quân sự với bộ binh pháp nổi tiếng cổ kim là binh pháp Tôn Tử (lại cũng do học từ sói, trừ mỗi thiên... gián điệp). Vậy mà đánh nhau thì dở ẹc, chỉ mỗi trò cậy lớn bắt nạt, lấy thịt đè người (chiến thuật biển người) là không ai bằng. Mấy ngàn năm cứ bị cái văn minh sói ấy nó đe dọa, đến nỗi phải xây cả Vạn lý trường thành để che chắn cũng không ăn thua. Đỉnh cao là “nỗi nhục Tịnh Khang”, khi mà nền “văn minh cừu” của “con cừu đầu đàn” Tống Huy tông bị “văn minh sói” của Đại Kim tiêu diệt. Thực ra, ngay sau đó còn một “nỗi nhục” khác lớn hơn thế nữa. Đó là cái “văn hoá canh nông” Hoa Hạ rộng lớn ấy đã bị nhấn chìm toàn bộ dưới gót giày của sức mạnh du mục Mông Cổ suốt 100 năm. Chỉ có điều tác giả lại không coi đây là nỗi nhục. Đơn giản chỉ vì đoàn quân Nguyên Mông khét tiếng tàn bạo ấy đã có tác dụng mở rộng cương thổ (bằng cách ăn cướp) cho người Hoa Hạ(!), đã có công bành trướng, “trưng ra cho thế giới thấy phạm vi không gian sinh tồn của người Trung Quốc” (trang 532). Thứ nữa, sự chiếm đóng đó còn là “một cuộc tiếp máu to lớn về tính cách dân tộc.” Chao ôi, quả là đáng sợ thay. Hỡi những láng giềng “hữu nghị”, biết điều chớ có mà “đùa” với cái “không gian sinh tồn” của một dân tộc đã được hưởng cái cuộc tiếp máu (sói) to lớn ấy. Công khai ca tụng “công đức” của những kẻ chiếm đóng tàn bạo dân tộc mình, lại dùng chính lịch sử nhục nhã của ông cha để chứng minh cho sự hèn đớn (rành rành) của nền “văn minh canh nông”, chứng minh cho tác dụng to lớn của cuộc cưỡng hiếp văn hoá ấy, tác giả Khương Nhung ngoài việc coi liêm sỉ chỉ là cái đinh gỉ, còn tỏ ra “có lý” quá trời. Viết đến đây, tôi lại phải trích thêm câu văn này để chứng tỏ sự hồ đồ, bất chấp sự thật lịch sử của họ Khương đã đạt tới trình độ... loạn ngôn: “Đến khi dân tộc thảo nguyên Mông Cổ trỗi dậy, đừng nói gì dân tộc nông canh Trung Quốc bạc nhược tới mức không chịu nổi một đòn, mà tất cả những dân tộc nông canh trên thế giới không còn đủ sức đánh trả.” (trang 530). Nói bậy! ông ta đã quên khuấy mất (hoặc cố tình lờ đi) một sự thật lịch sử khác sờ sờ ngay bên cạnh, rằng những gót giày khủng khiếp của sức mạnh du mục ấy sau khi đã đè bẹp Trung nguyên thiên triều vĩ đại “bạc nhược” của ông ta rồi, đã phải dừng lại nơi biên giới nước Đại Việt nhỏ bé của nhà Trần. Thậm chí kẻ cầm đầu oai phong của nó phải chui vào ống đồng để chạy thoát thân. Mà không phải chỉ 1 “đòn” đâu nhé. Những 3 “đòn” cơ đấy. Nền văn hoá Đại Việt lúc ấy chẳng phải cũng “canh nông” hay sao? Thậm chí chẳng hề dây tí “máu sói” thượng đẳng nào như dân tộc Hoa Hạ vĩ đại của ông ta. Vậy thì cái sự “hèn đớn” hay “quật cường” ở đây đâu phải do “canh nông” (mang máu cừu) hay do “du mục” (mang máu sói) nó quyết định?

 

Dường như cũng cảm thấy hơi “lố” khi hết lời ca ngợi, biết ơn kẻ chiếm đóng, đồng thời để chứng tỏ chính kẻ chiếm đóng sau đó cũng bị lây cái tính “cừu” (chắc lây qua đường... tình dục) của người Hán, dẫn đến tính “sói” bị thoái hoá (tiếc quá), Khương Nhung tiên sinh bèn vớt vát chút thể diện cho dân tộc Hán của ông ta bằng cách viết: “Người Hán chỉ trong tám chín mươi năm là đã đuổi được người Mông Cổ về bên kia thảo nguyên”. Ái dà! nhanh nhẩy?, “chỉ” mất có “tám chín mươi năm” thôi à? Ai mà tài thế? Thưa Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra triều Minh đấy. Ông này đã kịp được tiếp máu sói để trở nên một người có “tính cách sói mạnh mẽ”, từng “sáng tạo ra hình phạt giết 10 họ thảm khốc chưa từng thấy”. Khương Nhung tiên sinh tỏ ra rất tự hào với triều đại này. Triều Minh sau Chu Nguyên Chương còn có “Vĩnh Lạc Đại Đế” Minh Thành tổ vĩ đại nữa. Song Khương Nhung tiên sinh một lần nữa lại quên (hay lờ đi) một sự thật khác được chép rành rành trong Minh sử, rằng cái triều đại có “tính cách sói mạnh mẽ” mà tiên sinh rất đỗi tự hào ấy đã bị Lê Lợi, một anh nông phu “cừu” (lại vẫn canh nông) quét sạch cả 3 đời vua tôi nhà nó ra khỏi bờ cõi nước Đại Việt chỉ trong vòng 10 năm thôi nhé. Hả hê đến nỗi Nguyễn Trãi đã gọi đích danh ông vua đời thứ 3 (kể từ Vĩnh Lạc Đại Đế) Tuyên Đức là “thằng nhãi ranh”. Có phải Khương Nhung tiên sinh tôn thờ “cường bạo” sói đến mức lú lẫn, không còn nhớ gì đến những sự thật lịch sử vang dội đến cỡ đó? hay tiên sinh không thể hiểu nổi một chân lý giản dị của người “láng giềng” Đại Việt: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”?.

 

Ngoài việc dẫn ra những nỗi nhục của ông cha để chứng minh cho tính “ưu việt” tuyệt đối của “tính cách sói”, Khương Nhung tiên sinh còn tỏ ra hàm hồ tới mức dẫn chứng cả sự “quật cường” của cái nước Trung Sơn bé tý thời Chiến Quốc ra cho cái “học thuyết” rởm đời của tiên sinh tăng thêm phần... ngụy biện. Than ôi, cái nước “vô danh tiểu tốt” thuộc giống “Bạch Địch” (hay “tiên Ngu”) nằm ở phía tây nước Tấn ấy, chẳng đã bị Nhạc Dương, tướng của Nguỵ Văn Hầu vây hãm suốt 3 tháng trời, đến nỗi phải đem cả con người ta ra nấu cháo để khủng bố tinh thần mà vẫn không thoát khỏi số phận bị diệt, từ đó biến mất hẳn trên bản đồ đó sao?

 

Nói gì thì nói, chưa kể đến những chiến thắng oanh liệt của Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt hoặc Quang Trung Nguyễn Huệ (toàn thị là văn minh canh nông) đối với cái “văn minh sói” hoặc có dính tí “huyết sói” ưu việt tuyệt đỉnh ấy. Chỉ sơ sơ vài sự thật lịch sử mà Khương Nhung tiên sinh đã cố tình lờ đi đó thôi, thì cái học thuyết “sói vi quý” của tiên sinh cũng đã sụp đổ tan tành rồi. Cái kiến thức ấy dẫu “kì diệu” đến mấy, thì cũng chỉ lừa được trẻ con. Sao lừa nổi những bậc cao sĩ. Vậy mà ngày nay, con cháu của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi... những vị anh hùng của một nền văn minh canh nông đã nhiều phen đập tan cái sức mạnh sói tính ấy lại dễ dàng nhẹ dạ đồng ý ngay lập tức với những tư tưởng sói của con cháu những kẻ bại trận kia. Để (nói theo chữ của Đức Thánh Trần): “uốn lưỡi cú diều” mà ca ngợi cuốn sách. Thật chẳng còn hiểu ra làm sao nữa?

 

Lẽ ra nếu dừng lại ở phần “Vĩ Thanh” thì cuốn tiểu thuyết ca ngợi thiên tài sói ấy dù có nhiều chỗ hồ đồ, song cũng tạm coi là có thể đọc để giải trí, cười cợt cho vui. Tiếc rằng tác giả lại tương thêm một phần dài lê thê gọi là “Khai quật bằng lý tính”, thực chất là những “chiết ný” cực kì quái đản, bệnh hoạn. Lịch sử đã được/bị nhìn dưới một góc độ hết sức thiển cận, méo mó và dị dạng. Chưa kể sự nhảm nhí, phản khoa học và phản nhân văn của những “chiết ný” ấy (ví dụ chỉ bằng cách chiết tự chữ “mĩ” (hoa hậu là... con cừu to), tác giả suy ngay ra rằng du mục Mông Cổ chính là tổ tiên của người Hán. Chưa biết đúng sai ra sao, chỉ thấy một điều rằng ông này đích thị là kẻ: “thấy người kiêu nhận liều là... ông tổ”). Riêng về mặt thủ pháp, bố cục... thì cả phần sách dày tới 68 trang khổ to này thuộc loại văn chương hạng bét. Để trình bày cái “tư tưởng sói” siêu hạng của mình, tác giả tiếp tục dùng những “màn” sắp đặt để rao giảng “kiến thức”. Tiếc rằng ở phần này, “thủ pháp” đó được vận dụng một cách hết sức vụng về, dớ dẩn. Đó là cuộc “thuyết giảng” giáo lý sói giữa nhân vật chính (Trần Trận) với gã “quan cừu” ngây ngô Dương Khắc. Cứ sau một đoạn lê thê “hùng biện” làm người đọc tưởng lầm đang đọc 1 cuốn sách lịch sử hay triết học quái gở nào đó, tác giả lại cho cái mồm của Trần Trận dừng lại nghỉ một chút, để cái gã Dương Khắc kia tấm tắc, tung hứng mấy nhời. Kết quả của sự “thuyết giảng” này là gã học trò Dương Khắc ngay lập tức từ bỏ cái tư tưởng “sô vanh Đại Hán” bấy lâu nay của mình (như chính miệng gã nói ra) để chuyển hẳn sang “sô vanh sói” cho nó tăng thêm phần bạo liệt. Thật chẳng khác gì cảnh một thầy một tớ diễn tuồng. Thà cứ viết lửng lơ con cá vàng, không cần nhân vật, không cần bối cảnh... còn hơn. Chứ viết theo kiểu này thì xưa nay các nhà viết tiểu thuyết tối kị. Viết cũng còn ngượng bút, nói chi đến việc đọc tránh sao cho khỏi ngượng mắt, ngượng mồm...

 

Nếu nhân vật Trần Trận chính là hoá thân của tác giả, thì phần “chiết ný” ấy đã lòi ra 1 sự thật, rằng Khương Nhung tiên sinh đâu phải nhà văn. Ông ta đã lộ rõ là 1 nhà đầu cơ tư tưởng có thứ hạng, kẻ chuyên nghiên cứu để “cải cách thể chế”... đấy chứ. Và ông ta viết cuốn sách này cốt để truyền bá, cốt công khai cái tư tưởng “sô vanh sói” của một nhà “cải cách thể chế” quái đản đó thôi. Nhân loại (cả chính Trung Quốc nữa) đã từng chứng kiến và vật vã qua bao cuộc “đấu tranh giai cấp” đẫm máu, nồi da nấu thịt... rồi. Vậy mà đối với nhà “cải cách thể chế” Khương Nhung tiên sinh hình như vẫn chưa ăn thua. Rằng cái sự giết chóc ghê tởm ấy cần phải có tính sói để “khốc liệt” và “sâu rộng” hơn nữa. Hãy đọc đoạn văn này để mà rùng mình: “Mình thấy khiếm khuyết chí mạng của văn minh nông canh Hoa Hạ là ở chỗ trong nền văn minh nông canh không có cạnh tranh sinh tồn khốc liệt sâu rộng hơn so với đấu tranh giai cấp.(trang 492)

 

Một nhà văn như ông Khương Nhung, lại là người sùng bái tính sói, thì cứ việc nhân cách hóa sói tha hồ. Song ông ta lại làm thế nhằm kêu gào “lang sói hóa” dân tộc Hoa Hạ vĩ đại của ông ta, đồng thời biến cả vũ trụ này thành một “thảo nguyên” để loài sói Hoa Hạ ấy mặc sức tung hoành thì phải coi chừng. Không biết dịch giả nghĩ gì khi dịch đoạn văn này: “Người Trung Quốc hiện nay phải cảm thấy may mắn và tự hào vì có một di sản tinh thần lâu đời vĩ đại và quý báu như thế. Giờ đã đến lúc lột bỏ cái vỏ nông canh cừu tính để tinh thần ấy tỏa sáng chói lọi. Nó là nguyên liệu tinh thần bản thổ quý báu nhất của công trình chuyển đổi tính cách dân tộc Trung Hoa đương đại. “Con sư tử ngủ phương Đông” sẽ do tinh thần tô tem sói mà sống lại, thức tỉnh và vươn lên.” (trang 511)

 

Dù sao cũng phải cám ơn ông Trần Đình Hiến đã bỏ công dịch cuốn sách này để giúp chúng ta hình dung, rằng những “sói tính” ghê gớm kia không chỉ len lỏi dưới dạng thuốc độc, thuốc gây ung thư hay những cú điện giật trong vô vàn kiểu hàng hoá, thực phẩm, kem đánh răng, đồ chơi trẻ em... mang nhãn hiệu Made in China đang tràn ngập khắp thế gian mà báo chí trong nước và khắp nơi trên thế giới đang đề cập. Mà cả trong văn chương nữa. Biết đâu đây chính là mớ “cơ sở lý luận” cho những “thực tiễn” mang “sói tính” ấy?

 

Không dám bàn đến chất lượng dịch thuật ở đây. Việc đó xin nhường cho các nhà chuyên môn. Chỉ riêng câu thơ: “Quân bất kiến, Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai...” trong bài “Tương tiến tửu” của Lý Bạch (ông này theo Khương Nhung cũng là người mang dòng máu sói, căn cứ vào cái “hào khí ngất trời” trong thơ của ông ta) mà dịch giả dịch là: “Quân biết không, nước sông Hoàng Hà tự trời cao đổ xuống...”  thì nghe cứ... buồn cười làm sao ấy. Cứ như thể Lý Bạch nói với một ông bạn... tên Quân nào đó vậy. Có vẻ như dịch giả không dịch “thạo” thơ cho lắm. Bàn kĩ về những sự hồ đồ, chủ quan và phi nhân của cuốn sách thì còn nhiều, nhiều nữa. Chỉ riêng nội dung tư tưởng của cuốn sách, thì văn chương kiểu phát xít như thế này trừ những kẻ yêu thích chiến tranh, quen thói lấy thịt đè người, dẫm đạp lên nhau mà tồn tại nhắm mắt tung hô... còn ngoài ra, những người yêu chuộng hoà bình chắc chắn không thể chấp nhận.

 

Cuối cùng chỉ băn khoăn một điều. Rằng nhà xuất bản CAND tất phải đứng về phía nhân dân. Mà đã “nhân dân” tất phải yêu chuộng hòa bình. Phải chăng NXB có “thâm ý” xuất bản cuốn sách này để nhân dân “nâng cao cảnh giác” với cái tư tưởng “sô vanh sói” kia đang hàng ngày hàng giờ phà cái hơi tanh tưởi của nó vào những hải đảo, biên cương... thậm chí phà vào tận gáy ta, vào những bàn tay, ánh mắt trẻ thơ, vào cả cái dạ dày của ta nữa...? Ôi! Nếu có được cái “thâm ý” ấy thì tốt quá. Đáng tiếc hình như sự thật không phải như vậy.

 

Một ngày đầu tháng 6/2007  

 

(*) Tô Tem Sói – tác giả Khương Nhung, người dịch: Trần Đình Hiến. Nhà Xuất bản Công an Nhân dân qúi I/2007, số trang: 560 khổ to (16x24).

 

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 5507
Ngày đăng: 13.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ván ù son - Trần Tuyết Lan
Nhìn lại cuộc bút chiến của PHAN VĂN TRỊ và TÔN THỌ TƯỜNG - Đoàn Hữu Hậu
Khôi Vũ,Hoá giải lời nguyền hai trăm năm - Inrasara
Với bài thơ “DƯỚI TRĂNG” Của Nguyễn Duy Hoàng. - Nắng Xuân
Nỗi Buồn Rực Rỡ Trong Tác Phẩm Nguyễn Nguyên An - Nguyễn Thị Thuỳ Vân
Nguyễn Hoa : Bâng khuâng mình đấy có yêu được mình ? - Trịnh Thanh Son
Giọt lệ giữa không trung - Bùi Kim Anh
Thương nhớ một thời : nhân đọc tập thơ RU EM RU TÔI của Trương Vĩnh Tuấn ,Nhà xuất bản Hộii nhà văn – 2003. - Nguyễn Đức Thiện
Đọc Am Vang Của Sóng , nhà thơ Nguyễn Hải Thảo - Hoàng Thị Giao
Mười hai con giáp- một góc văn hoá phương Đông - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)