Chị Tâm gọi điện thoại sang báo tin:
- Chị đã tính rồi. Nhất định chị sẽ đưa ba lên trên này. Ngay ngày mai. Nếu như cậu mà không đi thì chị sẽ cho thằng Ti đi với anh Năm đón ba lên. Không thể để ba một mình mãi dưới quê được.
Tôi nghĩ, cái gì mà chị Tâm đã quyết, ắt sẽ phải thực hiện cho bằng được. Sống bên chị từ nhỏ, tôi chưa hề thấy chị phân vân, xét nét điều gì sau khi chị đã nảy ra ý đồ. Chị chưa hề lui bước. Đức tính này giúp chị khá thành đạt trong xã hội nhưng lại cũng gây không ít phiền phức cho những người chung quanh. Dầu vậy, tôi cũng cố gắng thuyết phục:
- Này, chị có điên không đấy? Ba đã già rồi. Tuổi già chỉ thích hợp với cảnh đồng quê yên tĩnh. Lên trên này ồn ào, ngột ngạt liệu ông cụ có chịu nổi không?
- Ông cụ sẽ nhanh chóng thích nghi – chị trả lời bằng cái giọng gầm gừ chắc nụi – vả lại trên này, trước nhà cũng có sông, có dừa, cũng có tàu thuyền tấp nập. Cậu lo gì. Hay là cậu sợ gánh nặng? Sợ không đủ thời gian để chạy theo mấy con ca sĩ, diễn viên õng à õng ẹo? Tôi không khiến cậu phải tốn thời gian chăm sóc ông cụ đâu.
- Nhưng mà... Tôi ngập ngừng.
- Chẳng nhưn với nhị gì cả. Đã bảo phải đưa ba lên là đưa ba lên. Ông cũng có con, có cháu mà sao lại phải nương nhờ vợ chồng chú Đắc, người láng giềng hàng xóm, không họ hàng ruột thịt là sao?
- Đành là vậy. Nhưng vợ chồng anh chị Đắc rất tốt với ba, với gia đình mình. Nếu như không có anh chị ấy thì làm sao mấy chục công vườn có huê lợi để ba thu hoạch hàng năm?
- Đồ ngu. Cậu tưởng với mấy công đất ấy đủ để ba chi tiêu hàng tháng chắc. Tôi phải mở trương mục cho ba...
Tôi nổi cáu:
- Biết rồi. Biết là chị lo xa cho ba. Nhưng ổng đâu có thèm đụng đến cái trương mục chết tiệt ấy của chị. Hai cái đìa và vườn cây trái đủ để ổng sống cuộc đời nhàn hạ mà. Thiếu chăng là sự ngọt ngào, êm ái kia.
Chị Tâm cười khẩy trong máy:
- Cỡ như cậu mà nay cũng xuống giọng xề. Nhưng trật nhịp rồi cậu ơi – rồi chị gằng giọng: Không bàn tới bàn lui nữa – và cúp máy. Tôi biết đây là biểu hiện của sự bực bội. Cũng may mà tôi ở xa. Nếu không, chị sẽ không tiếc gì mà không tặng cho tôi một cái bạt tai.
Tôi gác máy, quay lại bàn viết. Và theo phản xạ tự nhiên, tôi liếc nhìn về phía khung ảnh gia đình đặt trên kệ sách. Cả tôi và chị đều nhỏ xíu trước ba và má. Ba vịn một tay lên vai chị Tâm. Đầu chị ngoẻo sang một bên, cười lỏn lẻn. Còn tôi đứng với má. Hai tay níu lấy bàn tay má như sợ rằng ông thợ chụp hình sẽ thu mất má con tôi vào ống kính. Bộ dạng tôi ngơ ngáo, cộng với cái đầu cúp ca rê trông cứ như là thằng Tễu, đến độ, lần đầu tiên nhìn thấy, Nga buộc miệng: “ Anh mà còn giữ được nguyên trạng như lúc nhỏ, em chắc anh sẽ rất thành công trong các vai hề”. Có điều phải thừa nhận rằng, trong gia đình ấm cúng bốn người ấy, thì chị Tâm đẹp nhất. Đẹp hơn cả má. Sau này đọc sách báo tôi mới hay rằng chị đẹp trong tuổi dậy thì. Vả lại chị là cốt tủy, là tinh túy của mối tình đẹp nhất trần gian giữa ba và má. Má dịu dàng thì đã đành. Nhưng còn ba thì rất bặm trợn. Ông to, cao lớn hơn má tôi, đen như lõi cây ké. Còn má thì mịn màng như trứng gà lột vỏ. Nhìn tấm ảnh, tôi cứ mường tượng rằng ba giống hệt các diễn viên đóng vai cao bồi ở vùng Viễn Tây. Má nói: “ Ổng ngang bướng, coi trời đất bằng vung”. Lớn lên tôi nhận biết thêm điều khác: Chị Tâm có khuôn mặt, thân hình giống tạc như má, còn tính khí thì y chang ba. Loại con gái mà như vậy, theo sách tướng số học, suốt đời sẽ không chịu khuất phục ai, kể cả chồng con. Và điều này rất linh ứng khi chị tôi tìm được bức thư tình từ trong chiếc cặp của anh rể tôi. Sóng gió nổi lên liên tục nhiều tháng ròng đến độ anh Thành phờ phạc. Nghĩa binh chi viện cũng không thành công. Tôi cứ nghĩ đơn giản: chuyện chén đũa khua rổn rảng trong sóng chén là chuyện bình thường, thời gian sẽ xóa phai dần. Nhưng với chị thì không. Chị nói: Đó là một sự thách thức, báng bổ tình yêu, rằng đó là vết ô nhục, đốn mạt đến cả Chúa nhân từ cũng không thể nào tha thứ. Cách giải quyết thật nhanh gọn. Chị lôi anh Thành ra tòa ly dị, giành lấy thằng cu Ti “ để nó không bị ảnh hưởng đến sự dơ dáy...”
Khi ba tôi hay tin, ông rất buồn, chỉ nói một câu trong tiếng thở dài: Nó lớn rồi.
Ngay cả lúc này cũng vậy. Khi nghe chị nói nhất định đưa ba lên thành phố cho bằng được, tôi nghĩ chị đã làm một điều trái khoáy. Sự áp đặt như vậy thế tất sẽ xảy ra trục trặc, đến không biết lúc nào.Với tính khí ấy, khi còn ở chung với chị, mỗi khi đám bạn gái đến chơi nhà là y như thể họ đang bước vào vườn thú hoang. Nga bảo: “ Trông chị dữ dằn quá. Sợ”. Còn Tuyết thì buông một câu xanh dờn: “ Ai mà về làm dâu nhà chị sẽ đến chết mất, rụng tim vì lo sợ”. Rồi tôi nghiệm ra rằng, chị tôi giống như một con báo cái, luôn canh chừng, săn vồ kẻ khác để bảo vệ đàn con, bảo vệ cái mà ý nghĩ của chị cho rằng mình luôn đúng.
Trong trường hợp này, ba ngày sau cái đúng của chị được thực hiện, thằng cu Ti thông tin bằng một câu rất ngắn gọn: “Ngoại lên rồi, cậu ơi!”. Không biết ông cụ có thật sự vui với giọng trẻ thơ trong veo này không?
Như vậy, cuối cùng ba cũng lên với mẹ con chị thật. Chí ít là đang có mặt trong căn nhà chị lúc này. Và để chứng minh rằng mình luôn đúng, chị ra lệnh cho tôi từ một nơi nào đó, thật xa thành phố:
- Chiều nay đi làm về, cậu về luôn bên nhà ăn cơm với ba.
Tôi buông một câu:
- Chị giỏi thật.
oOo
Bữa cơm chiều khá thịnh soạn. Lại có thêm mấy món ba thích: mắm tôm, cà pháo chị mua từ quán bà Cả Đọi. Chị rạng rỡ bên bàn ăn, cười nói luôn miệng. Tôi và ba cũng vui lây với niềm vui của chị. Chị Tâm gắp thức ăn bỏ đầy chén ép ba, rót bia đầy ly, giục:
- Ba ăn đi, ăn nhiều vào. Cái sự ăn uống là cần cho sức khỏe nhiều lắm đấy. Trông ba gầy ốm hơn trước nhiều. Coi này, xương xóc, ốm nhom - Nói và chị bỏ đũa, cầm tay ba giơ lên.
Ba cười sếu sáo:
- Chớ bay có vác nổi bao lúa như tao không nè?
Chị Tâm trợn mắt:
- Ba mà vác lúa! Mà ai bắt ba phải làm vậy?
Ông lắc đầu:
- Ai bắt. Ở nhà một mình, buồn, làm riết rồi thấy ghiền.
Chị Tâm được thể:
- Đó, cậu thấy chưa? Cậu có thấy ba lên sống với chị em mình là hợp lý nhất không nào?
Tôi ngồi im không trả lời. Cu Ti bưng ly nước ngọt chồm lên:
- Con mời ngoại.
Chị Tâm nạt;
- Hỗn.
Ông cụ cười hề hề:
- Thì cụng.
Tiếng chạm ly nghe trong suốt. Ông cụ chỉ hớp một chút chiếu lệ rồi đặt xuống. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao vậy ba?
- Gìa cả, răng lợi sếu sáo cả rồi.
Ti nhón người lên, dòm vào miệng ông ngoại xem thực hư. Ba đẩy ly bia ra:
- Uống ba cái thứ lạt phèo, lại còn đá tê rần chưn răng. Coi vậy mà ở dưới quê coi bộ sướng hơn. Chiều chiều tao với thằng Đắc lai rai một xị đế với mấy con khô chạch, hoặc trái xoài, trái cóc quẹt mắm tép rong mà thấy ngon, đậm đà phong vị đồng quê. Hôm nào có anh sáu Đờn Cò từ trong bưng ra thì đám nhậu biến thành đám ca tài tử. Vui. Trên này cứ suốt ngày ca hát rần rần trong tivi nghe nhức cả óc. Mà ca hát gì cứ nhảy cà choi cà choi giống mấy người động kinh, quần áo tóc tai cứ như lũ người rừng!
Chị Tâm liếc về phía tôi, giễu cợt:
- Ba cũng sắp có con dâu động kinh nhảy choi choi trên tivi như ba nói đó.
Ông ngó tôi, như thể điều chị Tâm nói là không thật.
- Mà thôi ba, hôm nào cả nhà mình đi uống rượu, còn ngon hơn món đế của ba nữa kìa.
Nghe chị nói, tôi giật thót người. Vì không sớm thì muộn, chắc chắn chị sẽ nghĩ ra một trò gì đó để làm vừa lòng ba theo ý muốn của riêng chị.
Bữa ăn chấm dứt trong không khí vui vẻ gượng gạo. Ai cũng muốn làm vừa lòng người khác theo sở thích riêng. Tôi nghĩ chắc là ba chưa có gì trong bụng thật đáng của như ở quê, bỡi do sự chăm sóc thái quá. Tôi nói với chị Tâm:
- Để em chở ba đi đâu đó một vòng, hóng mát.
Chị suy nghĩ một lúc, nói:
- Xuống biểu anh Năm lấy xe đưa đi.
Tôi nói “cảm ơn” rồi dắt tay ba xuống cầu thang.
Có những mệnh lệnh mà người ta không tuân thủ. Càng tệ hơn là, người ra lệnh không thèm kiểm soát. Vì vậy tôi ung dung dắt xe máy đèo ba đi không chút băn khoăn. Ba có vẻ thích khi bước ra khỏi những căn phòng tù túng có đầy đủ những tiện nghi của nền văn minh điện tử.. Càng dễ chịu hơn khi ngoài đường có một chút gió tự nhiên, cho dù cũng không trong lành gì. Tôi ngoái lại:
- Có lẽ ba con mình đi làm một xị đế rồi về ngủ?
Ba ừ. Tôi ghé qua chỗ quen mua chai rượu rắn thứ thiệt rồi chở ba ra phía bờ sông.
Dòng sông bị chia cắt bỡi những nhà hàng, những tấm pano quảng cáo lấn ra ngoài bờ nước. Đèn đóm sáng cả một góc trời. Bờ bên kia, những cây dừa vụt lên trong quầng sáng nhập nhoạng. Những căn nhà lá khép nép, ngượng ngịu trước vẻ hào nhoáng chung quanh đến tội nghiệp. Tôi mở chai rượu, móc túi lấy chiếc vỏ hộp film, rót ra. Ba cười:
- Mày khá lắm, cũng rành ba cái món ăn nhậu đó con.
Tôi bưng vỏ film nhựa đưa về phía ba:
- Mời ba. Rượu cửu xà đó. Có cả bìm bịp, cá ngựa nữa.
Ông cười:
- Dân thành phố tụi bay cứ hay thổi phồng. Hễ cái gì mà khó khiếm thì là bổ, là ngon. Rắn dưới miệt đồng thiếu cha gì. Muốn ăn, muốn nhậu lúc nào mà chẳng được. Bổ béo gì ba cái ngữ này, mày ơi – Ông lại cười to.
Lần đầu tiên tôi thấy ông cười một cách sảng khoái. Bỗng ông đặt tay lên vai tôi:
- Con cũng đã hơn 30 rồi. Tam thập nhi lập. Con nên tính chuyện vợ con đi là vừa. Cảnh cha già con muộn sau này khổ lắm. Mà cũng liều liệu vậy. Ba nghe con chị Hai mày nói người yêu của bay là ca sĩ hay diễn viên gì đó phải không? Cũng được. Nhưng theo ba nghĩ, e hơi khó hòa nhập với miệt đồng – Chừng như sợ tôi phật lòng, ông thêm – Nói là nói vậy. Liệu sao cho phải. Lấy vợ là cho con chớ đâu phải cho ba.
- Chưa có nhà cửa đình đậu gì. Con e...
Ông chồm sát mặt tôi:
- Nói sao? Chớ bộ bay tính lập nghiệp trên này luôn? Rồi vườn tược, nhà cửa dưới đó bỏ cho ai?
Tôi giải thích:
- Chuyện đó đâu thành vấn đề, ba. Con sẽ cố dành dụm để sửa lại căn nhà. Khi có tuổi như ba, con về hẳn dưới đó dưỡng già.
Tôi thấy ông im lặng không nói gì. Cả hai cùng nhìn về phía dòng sông, vệt đen sẫm, vệt sáng lóa bị chia cắt, gãy vụn như mặt thớt. Ông lên tiếng:
- Ba nói thiệt chớ sống cái kiểu chật chội, chen chúc, ồn ào như thế này, ba không thể nào chịu nổi. Xe cộ ầm ầm, ào ào tới tận khuya. Vừa mới chợp mắt được chút xíu lại tiếng xe đùng đùng, tiếng người rào rào, lẹt xẹt như chạy giặc nhức cả tai, điếc cả óc. Mới ở có mấy bữa mà chịu đời hết thấu rồi. Chiều mai ba về. Nhất định ba phải về. Thấy nhớ ba cái gốc sầu riêng, chôm chôm, cái ao cá ba mới thả. Nhớ quá à nghe?
Tôi lắc lắc bàn tay xương xẩu của ba:
- Ba nói chơi sao chớ, bà Tâm mà chịu để cho ba đi?
- Không chịu tao cũng đi. Ăn ở kiểu gì mà suốt ngày cứ lên thang xuóng lầu. Phòng ốc bịt bùng, đến không khí để thở cũng không có, không phải là không khí thật nữa, y như mượn ké tạm bợ ở đâu đó. Bước ra đường thì bụi bặm, khói xe khiến mọi người phải bịt mặt lại giống y chang một lũ ăn cướp nhà băng. Rồi thì đi một đoạn phải dừng, đoạn khác phải chạy hối hả, bán sống bán chết. Sống kiểu này tao không ham chút nào. Ở dưới quê chắc thiệt, tự do muốn làm gì thì làm, khỏi phiền hà ai. Tao có cái tật, hễ sáng dậy là phải đi ỉa tới hai bận. Iả đồng, gió hiu hiu mát đít. Còn ở đây, cả nhà chỉ có mỗi một phòng vệ sinh, bất tiện hết sức. Mới hôm qua tao đã kẹt vụ này rồi, thiếu điều ỉa ra quần. Còn ra phố nữa, lỡ mắc đái cũng không biết đái chỗ nào. Nhà cửa dày bịt. Người ngợm chen chúc. Dưới mình nó rộng rãi, mát mẻ, muốn làm gì cũng trôi. Mai tao về.
Tôi la lên:
- Không được đâu ba ơi!
- Sao không?
- Làm trái ý bà Tâm là không được đâu.
- Chớ còn bọn bay làm trái ý tao thì coi có được không?
- Con không biết. Chuyện này không phải do con gây ra. Con đã nói với chỉ là cứ để ba dưới đó, lâu lâu chị em kéo về trước để thăm ba, thắp nhang má, còn sau nữa là để thay đổi không khí. Nhưng bà ấy đâu có chịu nghe.
- Đó, bay thấy chưa? Bay cũng muốn có chút không khí trong lành mà.Vậy thì tại sao bay lại a tòng nhốt tao vào cảnh tù túng này? – Ông cụ giằng lấy chai rượu rót đầy vỏ hộp film uống ực một hơi, nói như phân bua – Bọn mày thương ba kiểu này thì quá đáng lắm, không coi tự do của người khác ra làm sao cả. Trong khi miệng nói ra thì cứ xoèn xoẹt, trơn lùi, y chang mấy thằng chuyên hô khẩu hiệu.
Tôi chỉ còn biết ngồi im. Và trong trường hợp này không thể trách chị Tâm được.
oOo
Mấy ngày sau, chị Tâm coi bộ hể hả. Tôi đoán chắc chị có chuyện vui. Và quả nhiên, sau đó ít hôm, chị gọi tôi sang để thuyết phục ba, cố lôi bằng được ba đi nhà hàng. Chị kéo ngăn tủ, lôi ra nào sơ mi, quần tây, giày vớ lại còn cả một đùm cà vạt đủ màu sắc. Ba lắc đầu nguầy nguậy:
- Tao không đi đâu hết. Cứ biểu thằng Năm ra chợ Cầu Ông Lãnh mua mấy con khô sặt, trái xoài xanh, vại rượu mang về đây là đủ rồi. Tụi bay đi đi. Tao không quen ba chỗ đó.
Chị Tâm xuống nước năn nỉ:
- Thôi mà ba, con đã lỡ hẹn với đám bạn bè làm ăn với con rồi. Ba mà có mặt tối nay, không chỉ làm tăng uy tín cho con, mà còn có lợi cho việc làm ăn của công ty nữa đó. Ba cứu con đó.
- Tao mà làm được, cứu được gì cho mày?
- Thôi mà ba. Con biết là có lỗi với ba. Nhưng trong trường hợp này không có ba là không xong – nói và bộ mặt của chị Tâm thụng xuống, nước mắt dân dấn chực chảy ra. Hồi còn nhỏ chị đã nhiều bận thắng cả má và ba bằng cái kiểu này, giờ chị có thắng thêm keo nữa chắc ba cũng không nề hà, dù ông biết rằng con cái sai trăm phần trăm. Chính điều này đã làm ông xiêu lòng. Và thay vì mặc những thứ chị Tâm mang ra, ông lại bận bộ đồ bà ba trắng. Xét cho cùng, cả ba và chị Tâm ai cũng thắng một chút trong trận đi ăn nhà hàng này. Ai cũng nhún một chút để nhượng bộ nhau, dù biết đi tới chốn cao lầu phù phiếm là không phù hợp với một ông già qua tuổi thất tuần và giữa chốn thanh lịch lại có một ông già ngồi chen vô y như một cọng hoa bươm bướm cắm chen vào lọ thủy tinh toàn tulip chói rực.
Lúc bước vào nhà hàng, ngồi yên vị quanh bàn tôi mới thấy chị mình cũng có những nhược điểm vốn có ở người phụ nữ. Và càng thương ba hơn bỡi sự lẻ loi, cô độc của ông quanh đám người xa lạ. Bà Nguyệt ngồi bên ba, lộng lẫy. Cu Ti ngồi bên trái, nhỏ bé, hoàn toàn bị chìm lấp trong không khí không phải dành cho lứa tuổi của nó. Ba bị chơi vơi giữa cái ngây thơ chân chất và sự giàu có phù hoa. Thỉnh thoảng bà Nguyệt lại nhẹ nhàng đỡ phía dưới cánh tay ba mỗi khi ba phải nâng cốc. Tôi thấy ngực mình nằng nặng khi nhìn về phía bà Nguyệt, giám đốc một công ty tư doanh đang phất, góa chồng và lớn hơn chị Tâm mươi tuổi. Mà hơn hết là bộ bà ba trắng của ba như một vết xước bên chiếc robe cực kỳ sang trọng của bà. Phía đối diện là ông Khải, mặt bắt đầu đỏ kè, xum xoe bên chị Tâm. Thỉnh thoảng nói nịnh với ba vài câu, chị Tâm vài câu không ăn nhập đâu vào đâu. Ba cố gắng im lặng và chịu đựng, thỉnh thoảng cũng cố nở nụ cười xã giao, nhưng sao trông cứ méo xệch, đau khổ. Tôi chắc ba đã từng gặp nhiều đau khổ trong suốt cuộc đời, nhưng chúng có giống như sự đau khổ lần này không khi ông bị lôi kéo vào cái không khí ồn ào xa lạ, ngắc ngoải đến não nề, lại được phết thêm lên mùi men bia rượu, đèn đóm nhập nhòa như thể tất cả mọi người đang ngồi trong âm cung. Một ông già sắp kề miệng huyệt . Một thằng bé mới tám tuổi đầu đâu chỉ có chịu đựng sự chả chớt, õng ẹo trong cái nhà hàng nồng nặc này mà còn không hiểu tại sao lại có một bà rực rỡ luôn quan tâm tới mình?
“Dã man”. Tôi hét to và bỏ đi mà không cần, không thèm biết mọi người trong bàn phản ứng ra sao. “Đồ súc vật. Thứ mọi rợ . Bọn thổ tả”. Tôi lẩm bẩm trong miệng như một thằng điên cho đến khi ngoắc được chiếc taxi, đóng sập cửa lại.