Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.104
123.229.945
 
Lửa
Trần Văn Bạn

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày chủ nó nối lại quan hệ láng giềng với người hàng xóm và nó bị đem ra bán đứng.

Ngày đó,  chủ nó há miệng cười, rồi như mọi khi, đưa tay vuốt những sợi lông hoe vàng, khô cứng trên người của nó ra chiều âu yếm. Hẳn nhiên, nó sung sướng lắm. Nhưng đột nhiên, nó cảm thấy có cái gì như gọng kìm siết chặt mõm nó và cả thân hình của nó nằm gọn dưới một sức nặng kinh người. Khi nó định thần hiểu ra thì mọi thứ đã muộn màng. Cùng hai  thằng em ruột, chủ nó thít chặt mõm, trói gô bốn chân, xỏ thanh tre tươi, treo ngược lên trời, khiêng nó đến nhà người hàng xóm, rồi quẳng nó lên cái sân gạch dày đặt cứt gà sáp. Trong cái mùi thối hoắc, cay nồng của cứt gà sáp cùng với nỗi đau đớn, ngạt thở chết người, nó vùng vẫy cố thoát nhưng càng giẫy giụa sợi dây thừng càng siết chặt. Mắt nó vằn tia máu đỏ, lồi ra, tai ù ù như có hàng trăm mũi khoan cùng lúc xuyên  vào đầu.

Với đôi mắt mở thao láo, nó nằm bất động, nghe người chủ nói với đám người đứng chung quanh :

“Không lừa, đừng hòng bắt được nó. Nó dữ hơn cọp”

“Dữ à? Để rồi dữ”, người hàng xóm gằn giọng. Cái giọng rin rít của ông ta nghe có vẻ u uất.

“Nhìn thấy ốm ốm vậy mà nó nặng cũng phải hơn hai chục kí”, thằng em kề người chủ  nói.

“Có cho nó ăn chó gì đâu mà mập?”, thằng em út của chủ nó khinh bỉ nói. Cái mặt rỗ chằng rỗ chịt đẫm mồ hôi của hắn bóng nhẫy dưới sắc nắng ban trưa mùa hạ.

“Bây giờ, tính sao đây?”, một lúc sau chủ nó hỏi người hàng xóm.

“Còn tính sao nữa? Tôi đã chuẩn bị mọi thứ”, thằng em kề chủ nó nói.

“Dao, thớt, xoong, nồi, củ riềng, sả ớt, rau ghém đủ chưa?”, người chủ hỏi.

“Khỏi lo, cứ ngồi im đó mà chờ. Anh thì biết gì về chuyện chó mà hỏi”, thằng em kề chủ nó cự.

“Trong các món chó, cái thứ làm tôi quên trời quên đất vẫn cứ là món củn”, thằng em út của chủ nó nói. Cái mặt rỗ chằng rỗ chịt của hắn lồ lộ vẻ khoái cảm của kẻ phàm ăn đang tưởng tượng ra xôi thịt.

“Đồ ngu. Củn là thứ hạ đẳng. Đã là chó thì phải là món luộc”, thằng em kề chủ nó nói.

“Cứt cả. Chỉ có dồi chó là nhất”, thằng thanh niên lùn tịt, đen nhẻm ở đầu xóm nghe chuyện chó hùa theo nhập bọn, nói.

“ Thằng này láo, cả đời không bao giờ có miếng chó ngon để đút vô lỗ miệng mà cứ làm tài khôn.  Chỉ có mẻ chó là nhất”, người chủ nó nói.

“ Mẻ mẹ gì. Đó là cái món hạ tiện”, thằng em người chủ nói.

“Chẳng món mẻ gì cả. Tao chỉ thích nhìn thấy máu nó chảy”, gã hàng xóm nói, mắt long lên đầy giận dữ. Cái thân hình hộ pháp của gã phơi trần dưới nắng trưa trông rất dễ sợ. Chân gã đầy vết sẹo. Đó là dấu vết những cú cắn trộm mà nó như là chứng tích hằn sâu nỗi nhục và hận thù không thể tẩy rửa của gã.

“Có biết cắt tiết không? Chọc bậy, mất món tiết canh như chơi. Thời buổi này, mất chút máu chó thì chó lắm”, một gã trung niên ốm như que củi, da vàng ệch, mắt ốc nhồi, có lẽ do đói ăn lâu ngày, lại không được xổ lãi, nhà ở cách đó khoảng năm phút đi bộ, nghe mùi chó, vừa nhập bọn, nói. Hình như hắn cố che đậy sự dốt nát của mình bằng cái trò chơi chữ.

 

Gã thanh niên lùn và gã trung niên da vàng ệch xắn tay áo, hè nhau khiêng con chó đang hổn hển thở. Họ làm rất cần mẫn như  thể  để chứng minh rằng muốn có miếng chó thì phải đổ công sức. Con chó xấu số được đưa ra phía sau nhà người hàng xóm, nơi có cái giếng nước xây bằng đá ong mà nước được kéo lên dễ dàng bằng cái cần trục dựa trên nguyên tắc cánh tay đòn và được đổ ngay vào cái ang cao ngang rốn đặt sát thành giếng rất thuận tiện cho việc múc nước bằng chiếc gáo dừa để làm sạch một cái xác chết. Ở đó, người ta cũng đã chuẩn bị một đống rơm khô đủ để thui sạch lông những con vật có lớp lông mao dày mọc quanh thân thể, một cái xoong to tướng đầy nước đang sùng sục sôi dưới ánh lửa hừng hực của những khúc củi gộc, những chiếc dao bén nhọn, ánh lên màu thép đục, những sợi dây thừng, những cái bát và thau đựng tiết. Tóm lại, họ khiêng nó đến cái nơi có thể giết thịt con chó một cách hoàn hảo nhất.

 

Đặt con chó nằm lên cái chồ xi măng rộng khoảng hơn mét vuông, gã trung niên mắt nhồi ngước nhìn đám đông, hỏi:

“Ai cắt tiết?”

“Tao”, gã hàng xóm gằn giọng. Cái thân hình hộ pháp của gã bắt đầu xâm xấp mồ hôi dưới cái nắng gắt của trưa mùa hạ miền Trung. Gã hậm hực tiến lại, kéo xệch con chó trượt trên mặt chồ, đến khi đầu và cổ chó nhô ra khỏi mặt chồ, nơi đặt sẵn cái thau nhôm, rồi cầm lấy con dao bầu chuẩn bị cho việc giết thịt. Lúc người đàn ông đưa cả cái thân hình hộ pháp đè lên con chó, trong nỗ lực cuối cùng để thoát khỏi ranh giới giữa sự sống và cái chết, con chó vùng dậy chạy. Có lẽ, sợi dây trói con chó được nới lỏng bởi sự dằn xóc, va đập của việc di chuyển và sự giẫy giụa tuyệt vọng nhưng mãnh liệt của con chó. Sau phút sững sờ, đám người lao theo, song đã quá muộn. Con chó chạy qua cái vườn hẹp, len lỏi trong những lổ hổng của hàng tre dày kịt gai nhọn, lướng vướng với sợi dây thừng còn đang thít chặt cái mõm. Sau một lúc, con chó thoát ra ngoài. Liền đó, nó nhảy qua con mương rộng rồi mất hút trên cánh đồng. Đám người giết chó cứ luýnh qua luýnh quýnh, bên này hàng rào tre.

“Khốn nạn thật”, gã hàng xóm hậm hực chửi.

“Chửi rủa gì. Làm ăn như cứt”, gã thanh niên lùn tịt nói.

“Làm ăn như tụi bay mới là cứt. Chỉ mỗi chuyện cột con chó cũng không xong”, người hàng xóm nói.

 

Đám người giết chó hậm hực ra về, chuẩn bị những cuộc vây bắt cho những ngày tiếp theo. Chỉ có gã thanh niên lùn tịt và gã trung niên mắt ốc nhồi là tiu nghỉu.

“Thịt bỏ trong họng rồi mà cũng nhảy ra”, gã trung niên mắt ốc nhồi than.

           

Con chó cố vượt qua cánh đồng, dù đôi chân của nó hầu như không lê được nữa. Nắng trưa tháng năm và cái miệng bị thít chặt khiến nó ngạt thở, tim đập liên hồi và mắt mờ đi. Nó biết rằng nguy cơ bị giết thịt vẫn còn đang rình rập thường trực ở phía sau.

 

Cuối cùng, con chó cũng đến được bờ sông. Việc đầu tiên là nó chọn một nơi kín đáo, có bóng râm, thả cái thân hình mềm nhũn lên mặt đất, cố thở. Khi mặt trời hơi chếch về tây, nó cố đứng lên, tiến lại bên gốc cây sầu đông, đưa cái mõm quệt liên tục vào gốc. Đến xế, sợi dây thừng bung ra cũng là lúc nó quị xuống vì kiệt sức. Rồi nó lịm đi trong cảm giác thân thể hoàn toàn được giải phóng.

 

Chiều. Trong giấc ngủ chập chờn, nó nghe có cái gì rậm rịch, rậm rịch trong lòng đất. Cái sự rậm rịch đó rõ dần, lớn dần rồi chợt bùng lên dữ dội. Nó mở choàng mắt. Một đám người ập đến. Hình như có cái gì đụng vào hông nó. Nó quay ngược đầu lại. Một cú ngoạm đầy bản năng, dũng mãnh và kinh khiếp, đã cắm rất sâu và ngọt những chiếc răng nhọn hoắc, khoẻ mạnh vào cái nơi đang đe doạ tính mạng của nó.

 

Một tiếng hét thất thanh làm vang động cả một khúc sông tĩnh lặng. Tiếng hét chưa dứt con chó đã phóng vọt đi trước sự sững sờ của đám người rượt đuổi. Mặt người chủ nó tái nhợt, nhăn nhó vì đau đớn. Bàn tay kia của ông ta cầm chặt vết thương. Máu bắt đầu len qua kẽ tay, tích thành giọt rồi nhỏ lên mặt đất.

“Đ. mẹ nó, tức chết đi được”, người chủ nó nói trong đau đớn.

“Đã bảo cứ lấy cây nện mẹ vào đầu nó cho chắc ăn, lại không nghe”, thằng em kề người chủ nó nói.

“Tụi bay làm ăn như cái con c, cứ lấp ló lấp thụt ở đằng sau, còn nói gì nữa”, người chủ nói.

“Thôi, cãi cọ làm gì. Về xức dầu, không, nó nhiễm trùng thì thấy mẹ”, thằng thanh niên lùn tịt nói.

“Nhiễm trùng không nói. Lỡ nó bị dại, không chích ngừa thì coi như xong”, gã trung niên da vàng ệch nói.

“Trù hả?”, người chủ nó nói.

“Ừ, có ngon thì đừng chích đi”, gã trung niên mắt ốc nhồi thách.

“Dẹp mẹ ông đi. Đã không làm được cái cứt gì còn gây rối”, thằng em kề người chủ nói.

Gã trung niên mắt ốc nhồi không cãi nữa nhưng môi gã nhếch lên.

Bọn họ lục tục kéo nhau trở về với tâm trạng nặng nề và cay cú của buổi đầu xuất quân thất bại. Song điều đó càng khiến họ quyết tâm săn đuổi.

 

*

Nó là kết quả của cuộc tình vụng trộm nồng thắm giữa con chó đực to xương nhưng còm nhom vì thiếu ăn và bệnh tật với con chó cái gầy đét, mình đầy ghẻ lở hay sủa vu vơ và cắn càn. Sự pha trộn giòng máu chỉ có thể khắc phục chút khiếm khuyết về cơ thể song không thể tẩy rửa được thói cắn càn, sủa bậy. Tuy vậy, nó rất hãnh diện về dòng máu của mình. Kết hợp dòng máu không phải là sự lai tạp mà là sự lai tạo có chọn lọc,  có chủ định để tạo ra giống nòi thượng đẳng, tạo ra sự thay đổi triệt để trong thứ bậc loài chó.

 

Người chủ đem nó về nuôi khi nó hãy còn bé lắm. Nhưng chút cơm thừa canh cặn, bữa đói bữa no rồi cũng giúp nó trưởng thành và biến nó thành con chó giữ nhà không chê vào đâu được. Nó luôn thực thi công việc với niềm say mê, khoái trá của kẻ được tin dùng. Trong cái bề dày công trạng chó nhà, thành tích nổi bật, vang dội nhất của nó là hàng ngày nó rượt bắt, đem xác những con gà xấu số của những người láng giềng về cho chủ nó mổ thịt và, thỉnh thoảng, bất thần cắm những chiếc răng nhọn hoắc vào da thịt nhạy cảm của gã hàng xóm khiến anh ta co rúm người lại, mặt tái đi vì đau đớn và giận dữ.

 

Người chủ thuộc tầng lớp nghèo khó ba đời. Nhưng đến đời ông ta thì cùng quẫn. Nhiều  thập kỷ liền, với thân phận hèn kém, ông ta và gia đình lăn lết trong đói rách. Để cầm cự qua ngày và cải thiện địa vị làng xóm của mình, ông ta bắt đầu chơi trò dựa dẫm, xin xỏ và cầu cạnh. Suốt hơn hai mươi năm ròng, ông ta làm dịu những cơn sôi bụng sùng sục của bản thân và đám vợ con mình bằng những hạt gạo đẫm đầy mồ hôi và nước mắt của vợ con người hàng xóm. Bỏ ra hạt gạo xương máu, gã hàng xóm thực hiện tham vọng biến gia đình người chủ chó thành đám tôi tớ. Người chủ chó cay đắng nhận ra rằng, sau bao nhiêu cố gắng, cái thân phận chó má của mình vẫn không được cải thiện. Nên trong khoảng thời gian này, khoảng thời gian đang ăn miếng cơm của ngươì hàng xóm, người chủ lại chơi trò xin xỏ miếng ăn của một người giàu có khác. Khi đã có chút của ăn của để, cái tâm địa phản phúc của ông ta bắt đầu trỗi dậy. Thế là, hai người láng giềng ra sức moi cái bụng đầy cứt thối hoắc của nhau ra bêu xấu. Một lần, không nén được cơn giận  người hàng xóm giáng một cái tát thật lực vào mặt người chủ chó để gọi là “cảnh cáo thằng ăn cháo đá bát”. Để làm dịu cơn đau do cái tát kia hằn lên da thịt người chủ chỉ có một cách duy nhất hoàn hảo là xịt con chó đi cắn trộm người láng giềng. Nhưng sau rốt, kẻ mạnh đã chiến thắng. Một ngày kia, bị người giàu có bỏ rơi, người chủ chó đành múôi mặt quay về cầu xin người hàng xóm được tiếp tục làm thân phận tôi tớ “ để có cái bỏ vô lỗ miệng” mà sống với đời. Vậy là số phận con chó đã được quyết định từ đó.                                             

*

Đời sống  chó hoang, quả thực khắc nghiệt

Ngày đầu, bị hất ra khỏi nhà, trong nỗi mệt mỏi, đau đớn cùng cực, ngồi trong hàng tre trồng chạy dọc theo bờ sông, nhìn hoàng hôn buông xuống lòng nó dậy lên nỗi hoang mang. Dẫu rằng, nó quen sống với bóng đêm nhưng giờ đây, nó hiểu rằng, đêm là cạm bẫy, là rình rập, là chết chóc. Rồi bóng đêm dần tràn ngập. Trong ánh sáng nhá nhem, nó nhìn mãi về phía cái xóm xanh rì những hàng tre, ở phía bên kia cánh đồng, nơi có căn nhà nó từng trú ngụ, từng có miếng ăn, nơi mà giờ đây  chắc chắn người ta đang nốc rượu liên hồi để sáng dạ lập ra một kế hoạch tốt nhất vây bắt và giết thịt một con chó, nơi nó bị tước đoạt vĩnh viễn quyền tự do, quyền sống .

 

Nó thấy đói, đói cồn cào, nước dãi cứ tuôn ra, đầy ứ, rồi lòng thòng rơi trên mặt đất pha cát khô cứng. Nhưng nỗi sợ và cơn đau nhức hành hạ khiến nó cứ dính chặt lên mặt đất đầy lá tre khô. Thời gian trôi lâu. Nó nằm áp lên mặt đất. Đêm, nơi bờ sông thật hoang vắng, tĩnh lặng. Ở đằng kia, trên buị tre, chợt rào lên  những tiếng động rồi vụt tan đi cũng bất ngờ như khi nó xuất hiện. Có lẽ, những con vật ăn đêm rượt đuổi nhau đã làm gãy những cành tre mục và rơi mình lên những cành tre đầy gai nhọn. Điều đó khiến nó giật thót tim. Nhưng rồi nó hiểu rằng chẳng có mối hiểm nguy nào rình rập nó cả. Nó lại nhớ đến một bữa ăn. Nó nghĩ đến một miếng thịt. Nhưng sau rốt, nó không nghĩ ngợi được điều gì nữa. Nó lịm đi.

 

Sáng ra, mình mẩy đau ê ẩm, nó nhanh chóng nhận thức tình thế khốn nạn của mình. Nó hiểu rằng trong cái vẻ tĩnh lặng, thanh bình, êm ả lúc ban mai nơi bờ sông vắng bóng người đang ẩn chứa một hiểm hoạ không thể lường. Quả đúng như điều nó cảm nhận: mặt trời vừa ló dạng, đám người săn chó đã xuất hiện trên cánh đồng và đang hối hả tiến về phía bờ sông, tay vung vẫy gậy gộc và dây nhợ . Tim đập rộn lên,  nó dõi mắt nhìn. Đám người ngày càng tiến đến gần, rất gần, dường như không gì có thể cản bước họ. Nó hỗn loạn, phóng vọt đi, song vẫn đủ khôn ngoan men theo hàng tre, cố tránh và vượt tầm nhìn của đám người đang truy sát nó. Và kìa, trong nỗ lực vượt thoát tử thần và với cái nhìn tinh nhạy của loài chó, nó phát hiện nơi bụi tre um tùm, to lớn một cái lỗ đen ngòm, sâu thẳm ẩn phía sau những cành tre đầy gai nhọn và những chiếc lá non của cây dại. Nó chui tọt vào. Đứng nêm cứng giữa các gốc tre, nó cố nén thở. Liền đó, nó nghe bước chân và tiếng người bàn tán rất hăng bên ngoài.

“Lục cho kĩ, biết đâu nó trốn trong đó”, cái giọng quen thuộc của người chủ vang lên.

“Gai như thế này có trời cũng không chui vào lọt, chứ đừng nói là chó”, thằng em kề người chủ nói.

“Vậy mà chó lọt đó”, gã trung niên mắt ốc nhồi, da vàng ệch, khích.

Một làn khí lạnh chạy dọc sống lưng khiến con chó rùng mình.

“Không có đâu. Đi, đi”, người hàng xóm nói. Vẫn cái giọng rin rít, u uất.

“Chắc chắn nó không thể bơi qua sông. Sông rộng, đầy nước. Vậy, nó ở đâu?”, người chủ như gào lên.

“Đi mà hỏi thiên lôi”, thằng em kề người chủ nói. “Trời đất mênh mông…”, nó lại làu bàu.

“Đừng cãi nữa. Đi tìm đi. Không khéo hết ngày lại về tay không.”, thằng thanh niên lùn tịt nói.

Đám người săn chó kéo nhau đi. Sự căng nén tột cùng bên trong đột ngột giãn ra, con chó như muốn khuỵ xuống.

Sau đó, đám người săn chó còn quần đảo nhiều lần dọc theo bờ sông nhưng chẳng phát hiện được gì.

Thế là hầu như cả ngày hôm đó, mặc cơn đói hành hạ, con chó cứ nằm im trong bụi tre. Chỉ một lần duy nhất, lúc mặt trời đứng bóng, con chó mò ra miệng lỗ, dáo dác nhìn, khi biết là không có một ai theo dõi, nó chạy vội qua bãi cát nóng bỏng tựa như cát rang trên chảo, đến bên mép nước, hối hả cử động chiếc lưỡi đau nhức đưa nước vào bụng rồi phóng vội về cái lỗ, nơi bụi tre.

Nhưng rồi không cưỡng được cơn đói, vả lại, đã bắt đầu quen dần với nỗi sợ hãi, tối đến, con chó thận trọng ra khỏi bụi tre. Trong bóng đêm dày đặc, nó căng mắt quan sát, rình mò, tìm kiếm khắp bụi bờ một con vật ăn đêm nào đó, một con chuột, một con chồn, một con ếch... Với nó, một chút thịt sống không phải là món khoái khẩu nhưng hẳn  sẽ làm dịu cái dạ dày  đang cồn lên cơn đau nhức. Nhưng đêm đó, chẳng có ma nào xuất hiện. Cứ thế, suốt một tuần liền, cơn đói làm con chó kiệt sức dần. Không ít lần nó nhìn thấy cái chết. Đôi lần nó như chạm vào cái chết.

Song, sự sinh tồn có sức sống mãnh liệt kỳ lạ, nó thôi thúc con chó tìm kiếm, sục sạo, rượt đuổi, vồ chụp, cấu xé. Và thế là, một tháng sau, nó đã là con chó dũng mãnh, tinh nhạy trong cái thế giới tự nhiên đầy bất trắc.

 

Đêm đêm, nó lẻn về cái xóm nhỏ, mò đến gần ngôi nhà nó đã gắn bó hơn năm năm trời, nấp vào một nơi kín đáo nào đó và căng mắt nhìn. Nó nhìn thật lâu, nhìn mãi đến tận khi gà trong xóm cất tiếng gáy nó mới trở về nơi ẩn nấp.

 

Hành tung con chó rồi cũng bị bại lộ. Dưới ánh trăng héo úa, vàng vọt hạ tuần, một vài nông dân tháo nước ruộng, đã phát hiện con chó chạy bước nhỏ trên những chiếc bờ ruộng hẹp, theo hướng từ bờ sông về phía xóm nhà. Như vậy, nghĩa là con chó vẫn còn đang lẩn quất ở đâu đó quanh thôn xóm này. Điều đó khiến đám người săn chó thật sự cảm thấy bàng hoàng vì rằng non tháng trời bọn họ đã lùng sục một cách gắt gao, không để lọt cây kim, sợi tóc trên một vùng rộng lớn, trải dài từ xóm nhà, xuyên qua cánh đồng, đến bờ sông rồi chạy men theo dòng sông đến tận vùng hạ bạn và bọn họ nghĩ rằng những cuộc càn quét khốc liệt khiến con chó không thể cưỡng được nỗi sợ hãi đã bỏ xứ mà đi và rất có thể nó đã bị giết thịt bởi bọn người buôn chó rồi – Dạo này, khắp nơi, nổi lên như nấm mọc sau mưa, các băng nhóm săn bắt chó trộm để bán cho bọn người buôn chó. Đám này mà càn quét, vây ráp thì không con chó hoang nào hòng trốn thoát được.

 

Liền đó, bọn người săn chó hối hả tổ chức các cuộc vây bắt. Song, bọn họ đủ khôn để hiểu rằng, thành lập đoàn toán, trang bị gậy gộc, dây nhợ, săn bắt công khai là việc làm công cốc. Vậy nên giải pháp tối ưu để sập bẫy một con chó tinh khôn là phải phân nhỏ lực lượng hợp lí và vây bắt bí mật. Bọn họ họp bàn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của nhóm là hàng đêm thay nhau chốt chặt các lối ra vào  xóm, liên tục bí mật rình rập, theo dõi mọi động tĩnh có thể có của con chó ở mọi nơi mọi lúc. Dĩ nhiên, không loại trừ ban ngày.

 

Con chó cũng hiểu rằng nó đang chơi trò mạo hiểm. Lẻn vào tận sào huyệt của đối phương nghĩa là nó mặc nhiên đem tính  mạng của mình ra đánh đổi. Chỉ cần một sai lệch nhỏ trong tính toán, một phán đoán sai lầm, sự thiếu nhạy bén trong đánh hơi, sao nhãng trong quan sát thì mọi cái sẽ chấm dứt. Với độ tinh khôn của hai dòng máu con chó biết rằng, giờ đây, bọn người săn chó đang bí mật giăng bẫy nó. Sự đối mặt ngẫu nhiên của nó với một vài nông dân trong đêm tối trên đồng ruộng là mầm mống của tai hoạ. Bao giờ cũng thế, miệng lưỡi con người ta cứ luôn  tuôn ra những điều mà lí trí muốn trì níu lại. Ở con người, cái bí mật nhất là cái công khai nhất. Hẳn nhiên, cái tin  con chó xuất hiện đã lan đi khắp làng và còn có thể lan đi xa hơn nữa.

 

Tuy vậy, con chó vẫn không từ bỏ quyết tâm trở về xóm nhà và dứt khoát nó  không thể để mình rơi vào tay của bọn người săn chó. Vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn. Con chó dành toàn bộ thời gian bí mật rình rập, theo dõi hành tung đám người săn chó và dùng mọi mánh khoé để đánh lạc hướng bọn họ. Nó liên tục thay đổi lịch trình di chuyển, địa điểm tập kết. Nó căng mắt tập trung quan sát và thận trọng bước ra khỏi nơi ẩn nấp, thận trọng di chuyển trên vùng đất soi phẳng đầy cây đậu phộng đang kì ra hoa, đi qua cánh đồng trống trải đang vào lúc lúa trổ đòng, thận trọng tiến đến rìa xóm, dừng lại quan sát, nghe ngóng. Khi biết chắc an toàn con chó lẻn nhanh vào xóm qua những con đường hẹp, qua những lỗ hổng hàng rào vườn nhà hoặc nhảy vọt qua những rào chắn người ta dựng lên để chống trộm rồi thận trọng, dò dẫm, vừa đi vừa nấp trong cái mê trận xóm làng để đến gần ngôi nhà người chủ. Đôi khi, nó vừa ló ra khỏi nơi ẩn nấp đã vội thụt vào. Có lúc, đi trên cánh  đồng nó phải bỏ cuộc giữa chừng. Có lần, nó ngồi ở rìa xóm suốt đêm để rồi đành phải quay về với nỗi mệt mỏi và thất vọng đè nặng.

 

Với đêm tối, con chó dùng đôi mắt tinh tường thiên phú để nhìn, còn đám người săn chó thì dùng đèn  để soi. Bọn người săn chó tận dụng thành tựu khoa học kĩ thuật để tiêu diệt, con chó dựa vào vũ khí bản năng để sinh tồn. Đó là trò chơi kỳ thú, trò vờn nhau hú tim, một cuộc rượt đuổi ngoạn mục. Và rồi con chó đã giành thế thượng phong. Bọn người săn chó luôn  nằm trong tầm kiểm soát của nó; nó đột nhập vào thôn xóm mà không bị phát hiện; nó xác định, theo dõi và quan sát mục tiêu như mong muốn. Còn bọn người săn chó thì đã quá mệt mỏi, thất vọng với trò rượt đuổi vô hình và ở họ bắt đầu nổ ra các cuộc cãi vã.

“ Nó trốn đi đường nào mà tìm hoài không ra”, người chủ hậm hực nói.

“Lẽ ra chúng ta không phải thức đêm thức hôm khổ sở như thế này”, thằng em kề người chủ than.

“Chỉ tại cái cung cách làm ăn như cứt …”, vẫn cái giọng rin rít, u uất, gã hàng xóm nói.

“Đổ thừa là cái thói chó má của con người. Thằng nào cũng cùng một giuộc, được thì giành ăn, thua thì trút cho thằng khác. Hồi đó, sao không thằng nào xông vô cột chó, chỉ để mỗi một thằng này liều mình?”, thằng em kề người chủ giận dữ nói.

“ Đừng vì chuyện con chó mà làm mất hoà khí anh em.”, người chủ nói.

“Không, đó là chuyện chó.”, gã hàng xóm lạnh lùng nói.

Im lặng.

Thằng em kề người chủ hậm hực, bỏ đi ra xa ngồi. Mặt nó tái đi trong nỗi nhục của việc phải nuốt miếng ăn ban phát.

“Đã bảo không còn chó mà cứ bảo còn chó”, lát sau thằng thanh niên lùn tịt nói.

“Không thời nào hết chó. Không bao giờ hết chó. Chó luôn luôn còn”, gã trung niên da vàng ệch, mắt ốc nhồi nói, mặt gã vênh lên theo cái cung cách của bọn người luôn tự nhận mình thuộc tầng lớp thượng đẳng.

“Cha này điên mẹ nó rồi”, thằng thanh niên lùn tịt nói.

“Cha Thừa, cha Tám đúng là phường bịp bợm. Làm gì có chuyện mấy chả gặp con chó trên đồng.”, thằng em út người chủ  bực dọc nói.

“Không lẽ mấy lão dựng chứng nói để chơi khăm mình?”, người chủ nói.

“Bây giờ các ông có còn già miệng với tôi nữa không?”. Không có câu trả lời, thằng thanh niên lùn tịt  tiếp: “Tôi hỏi các người, từ đó đến giờ, có ai nhìn thấy con chó bao giờ chưa?”.

“Không lẽ bao nhiêu đêm thức trắng giơ mình ra cho muỗi mòng cắn bây giờ lại tay không?”, người chủ nói.

“Chứ làm gì bây giờ? Nằm lăn ra ăn vạ à?”, gã trung niên da vàng ệch, mắt ốc nhồi nói.

“Dẹp mẹ cái mõm tụi bay đi, hùa theo kiếm chút thịt chó mà hễ cứ mở miệng là khích bác.”, người chủ nói.

“Tụi tôi cần mẹ gì chút thịt chó của anh”, gã trung niên da vàng ệch nói.

“Con C , bây giờ không gác ghiếc, rượt đuổi gì nữa. Cứ nằm nhà phơi cu ra ngủ với vợ là sướng nhất”, thằng em kề người chủ đi vào, nói.

“ Đúng là chó má”, cái giọng rin rít, u uất của người hàng xóm lại dội lên.

Thế là, tư tưởng rã đám và bỏ cuộc len dần, len dần vào đám người săn chó khiến họ thật sự ngao ngán cuộc chơi.

 

Bây giờ, con chó ngày càng tiến gần, rất gần đến mục tiêu. Mục tiêu, đó là điểm nhìn, là cái cụ thể, là người  chủ cũ, là vợ và đám con của ông ta. Nhiều đêm con chó ngồi trong bụi chuối, phía trước ngôi nhà, chỉ cách cánh cửa chính dăm ba sãi chân, có thể thấy rõ cái dáng gầy gò, cao khều hơi chồm về phía trước khi di chuyển của người chủ, nhìn bước đi lẫm chẫm của thằng con lên năm và cái dáng ngồi co ro, bần tiện của vợ ông ta sau bữa cơm tối trong ánh sáng vàng vọt được hắt ra từ chiếc đèn dầu, đặt trên bàn, ở giữa nhà ; nghe họ nói, cười, bàn tán, cãi vã, văng tục, chửi bới trong muôn chuyện đời thường của một gia đình nông dân trong cái im ắng, tĩnh lặng của làng quê trung bộ và nghe cả tiếng muỗi vo ve quanh mình. Táo tợn hơn, lúc canh ba, canh tư, mấy lần con chó lẻn vào nhà qua cánh cửa chính mà chủ nhà bỏ ngỏ để đón chút gió mát của đêm mùa hạ. Trong bóng đêm tối om, nó lướt qua rất nhẹ và sát đám người đang chìm trong giấc ngủ mê mệt trên những chiếc chiếu cói đã tã trải lên nền nhà, nghe hơi thở đều đều của bọn người mà giờ  đây với nó đã trở nên thù địch, nghe cái mùi ngầy nguậy, nồng nồng quen thuộc của mồ hôi tích tụ quyện chặt vào giường chiếu, áo quần, mùng mền lâu ngày không giặt giũ trong ngôi nhà tranh ẩm thấp, chật chội, lòng dậy lên cảm giác nôn nao, đi vào mọi ngóc ngách, xác định cụ thể, chi tiết đến từng phân vuông của từng vị trí, từng mục tiêu. Trong đêm, có thể thấy đôi mắt con chó ánh lên thứ ánh sáng khác lạ, thứ ánh sáng vừa mang sắc đỏ rực vừa u tối của khối lửa chợt thổi bùng- thứ ánh sáng làm tim con người ta đau nhói. Đó là màu sắc của cái chết. Phải, đó là bóng dáng của thần chết. Đây là sự trở lại và đây cũng là điểm đến. Song, con chó vẫn chưa quyết định tấn công.

 

Đến giờ phút này, hình như con chó vẫn tiếp tục chiến thuật ẩn mình. Ẩn mình là trò chơi của sự biến mất trong tồn tại, là cái vô hình trong hữu hình khiến đối phương không nhìn thấy, không xác định được mục tiêu và tệ hại hơn là mất cảnh giác. Mất cảnh giác là sự phơi mình ra ánh sáng để đối phương mặc sức tấn công từ trong bóng tối, là sự thất bại, sự tự hủy diệt, là tự sát. Bọn người săn chó đã thật sự chấp nhận bỏ cuộc và bọn họ không còn nghĩ đến chuyện con chó. Gia đình người chủ cũng không nghĩ rằng con chó vẫn đang hiện diện trong vùng. Vả lại, có hay không sự hiện diện của con chó không còn ý nghĩa đối với cái đời sống chật vật, tất bật của gia đình họ. Và đó là một tai họa.

 

Trong một đêm trời tối đen như mực, ngay từ lúc chạng vạng, con chó đã lẻn vào nhà và nấp trong cái xó chất lỉnh kỉnh đồ đạc cũ nát của chiếc buồng hẹp. Khoảng hai giờ sáng, con chó tự tin đứng lên, rời vị trí ẩn nấp, đi đến cửa buồng rồi với ý thức trả thù se sắt, nó tiến về phía chiếc giường, nơi bên trên có người đàn ông đang say ngủ, bất thần lao vào mục tiêu với sức mạnh kinh người. Một tiếng thét thất thanh chợt dội lên làm xao động trời đêm. Trong cơn say máu, trong nỗi hận thù tích tụ trào dâng đến đỉnh điểm, con chó liên hồi ngoạm vào cổ người chủ và giật. Cả nhà hốt hoảng bừng dậy. Nháo nhác, luýnh quýnh, phải một lúc lâu vợ con người chủ mới đốt được đèn. Con chó buông kẻ thù, vùng chạy thoát thân. Thật rủi cho con chó. Dạo này, trời đã bắt đầu chuyển sang mùa thu. Đầu hôm, trời hãy còn nóng bức, cửa vẫn được mở toang để đón gió như mọi đêm. Nhưng, lúc quá nửa đêm, đứa con gái người chủ đã chốt chặt lại sau khi bất ngờ thức giấc trút đi thứ nước tiểu ngai ngái căng đầy bọng đái một cách bất thường khi thấy khí trời trở nên mát dịu.  Sự háo hức trả thù tột độ đã khiến con chó khinh suất trong tình huống này. Nó không nghĩ rằng lối thoát đã bị bít chặt.

 

Trong cơn hỗn loạn con chó liên tục phóng vào cánh cửa đã bị chốt chặt. Người vợ và đứa con gái chạy lại với người đàn ông đang nằm thở khò khè, đau đớn trên giường. Máu tuôn ra từ cổ họng ông ta làm ướt đẫm cổ áo và thấm lên chiếc chiếu sờn rách, xỉn màu. Có vẻ ông ta đang ngạt thở. Hai thằng con trai bật dậy, nhào tới chồm lên con chó. Con chó phóng vọt đi, chạy men theo lối xuống nhà dưới. Cửa sau bít kín, nó quay ngược trở lại, thấy cửa buồng bỏ trống liền chạy tọt vào. Hai thằng con trai người chủ kéo vội cánh cửa buồng, khóa trái. Đằng kia, người đàn ông lên cơn co giật, sự sống dường như ngưng đọng trong đôi mắt đã trở nên đờ đẫn. Miệng ông ta  cứng lại, lưỡi líu đi. Ông ta muốn nói điều gì đó nhưng không nói được

Đứa con gái tung cửa, phóng ra bên ngoài, lạc giọng kêu cứu. Lát sau, hàng xóm chạy lại, bàng hoàng, bao quanh nạn nhân.

“Đưa đi cấp cứu đi. Máu tuôn xối xả thế này, không đưa đi kịp thì coi như xong”, gã trung niên da vàng ệch, mắt ốc nhồi, nói.

“Chắc là trúng động mạch”, người hàng xóm nói.

“Tưởng nó đã bỏ đi, ai biết đâu nó vẫn còn quay lại cắn. Ác chi ác dữ vậy trời”, nước mắt nước mũi ròng ròng, người đàn bà ngồi bên chồng than khóc.

“Đ. mẹ nó, tức hộc máu”, thằng em kề người chủ gầm lên trong cơn điên.

“Đời gì lại có chuyện chó cắn chủ”, một người nào đó nói.

“Cắn gì? Trả thù chứ cắn gì?”, những người hàng xóm xầm xì bàn tán.

Người ta dùng võng khiêng nạn nhân đến trung tâm xã để từ đó thuê xe đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu.

Lúc này, người ta vẫn chưa tính đến chuyện con chó. Với con chó ranh ma, quỉ quyệt, dám phục kích cắn vào cổ người thì tấn công tiêu diệt nó trong buồng tối quả là trò mạo hiểm. Vả lại, con chó đã bị nhốt kỹ trong buồng, nó không thể nào trốn thoát.  Mọi người tản ra, trở về nhà, chờ đợi.

 

Gần sáng, cùng với tin xấu bay về là cái xác thõng thượt của người chủ trên chiếc võng đánh nhịp theo những bước chân chạy đều đều đang hướng về cái xóm nhỏ. Xác vừa về đến đầu ngõ, người ta bu lại và vợ con người chủ khóc rống lên. Không khí ồn ào như đám giặc. Người ta bắt đầu bàn tính  chuyện hậu sự.

 

Khi trời đã sáng tỏ, người ta ngồi lại quyết định số phận con chó. Bọn họ gồm người hàng xóm, thằng em út người chủ, thằng thanh niên lùn tịt, gã trung niên da vàng ệch, mắt ốc nhồi và hai cậu thiếu niên lực lưỡng. Sau lúc, trốn tránh, tròng tréo trách nhiệm xung trận, sau lúc bàn cãi lằng nhằng, cuối cùng, bọn họ thống nhất phân công gã trung niên da vàng ệch, mắt ốc nhồi, thằng thanh niên lùn tịt và hai cậu thiếu niên trực tiếp vào buồng tấn công con chó. Gã trung niên da vàng ệch, mắt ốc nhồi vinh dự nhận trọng trách chỉ huy. Vũ khí là những chiếc gậy bằng tre đài. Phương tiện chiếu sáng là những cây đèn tạ chứa đầy dầu hỏa. Bên ngoài, mặt trời đã lên cao nhưng căn buồng kín mít, chật chội vẫn mờ tối.

 

Gậy gộc, đèn đuốc trên tay, toán người bước nhanh vào buồng, chốt chặt bên trong, đề phòng con chó thoát ra bên ngoài. Căng mắt nhìn bọn họ quen dần với thứ ánh sáng vàng vọt, u tối. Bọn họ dò dẫm, thận trọng tiến từng bước một. Căn phòng vốn đã quá chật chội với linh tinh các thứ đồ vật chất đầy, giờ lại càng ngột ngạt hơn với bốn con người được trang bị đầy đủ vũ khí đứng chen chúc nhau ở phía cửa nên bọn người bắt chó rất khó khăn trong xoay trở và quan sát. Đến lúc này, bọn người săn chó vẫn chưa thấy bóng dáng con chó. Trong lúc bọn người bắt chó đang quờ quạng tìm kiếm giải pháp tối ưu cho việc tấn công, đột nhiên, từ bên dưới đống đồ đạc chất ở góc buồng, con chó phóng thẳng vào đám người truy sát nó. Bọn người bắt chó lúng ta lúng túng hè nhau nện vào con chó. Nhưng những chiếc gậy không nhằm vào  mục tiêu lại va vào nhau, va vào đồ vật, va vào những chiếc đèn. Kết quả là những chiếc đèn tạ đầy dầu rơi và vỡ ra trên nền nhà. Lửa bén nhanh vào những vật dụng dễ cháy, trong chớp mắt đã trùm kín lối ra vào. Bọn người truy bắt chó, trong cơn hăng tiết, cứ lao theo con chó đập túi bụi. Khi họ giật mình hiểu ra thì đã qúa muộn: lửa phủ khắp căn phòng và bắt đầu táp lên mái tranh. Bọn họ nháo nhào về phía cửa. Chìm trong khối lửa rừng rực, bọn họ tranh nhau tháo chốt cửa. Đến lúc cửa bật ra chỉ có cậu thiếu niên cao lớn, lực lưỡng nhất bọn thoát được ra ngoài. Khắp người cậu ta đã bị cháy xém. Còn đám người ở ngoài sân, khi phát hiện khói và mùi khét toả ra vội vã chạy lại, đứng dồn cục ở trước cửa buồng, hỏi vọng vào. Và đến khi lửa cháy rần rật trên mái nhà họ vừa hoảng hồn la ơi ới vừa tranh nhau tuôn ra ngoài và hớt hải tìm gàu, xoong kéo nước từ cái giếng ở trước nhà để chữa lửa, không một ai để ý đến cái xác của người chủ đặt ở nhà trên. Mặc nước được dội, lửa vẫn lan nhanh.

Bây giờ, ngôi nhà tranh đã biến thành biển lửa. Mọi người dừng lại, đứng nhìn ngọn lửa hoành hành. Họ hiểu rằng với những chiếc gàu nước nhỏ bé hòng dập tắt biển lửa chỉ là việc làm vô vọng.

                                                                       

Mỹ khê, Đà Nẵng 09/2006

Trần Văn Bạn
Số lần đọc: 2954
Ngày đăng: 18.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những cuộc đời ảo - Lê Nguyệt Minh
Tiếng hô bài chòi đêm cuối năm - Nguyễn Mỹ Nữ
Cha con và chị và em - Nguyễn Lệ Uyên
Hiến xác - Lê Hoài Lương
Tuyệt tự - Trang Thanh
Tôi, Em và Lão - Lãng Hiển Xuân
Chuyện gặp trên đường - Nguyễn An
Thu đi lá rơi xào xạc -1 - Trịnh Thanh Son
Thu đi lá rơi xào xạc - 2 - Trịnh Thanh Son
Thu đi lá rơi xào xạc - 3 - Trịnh Thanh Son
Cùng một tác giả
Thế giới mùi vị (truyện ngắn)
Lửa (truyện ngắn)
Về một sự thật (truyện ngắn)
Cái đuôi (truyện ngắn)
Tái sinh (truyện ngắn)
Điều con muốn biết (truyện ngắn)
Lưỡng tính (truyện ngắn)
Bảy sắc cầu vồng (truyện ngắn)
Khuôn mặt phòng họp (truyện ngắn)
Lụt (truyện ngắn)
Một vụ hiếp dâm 2 (truyện ngắn)
Một vụ hiếp dâm 1 (truyện ngắn)
Thây ma (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Ông Già và Con Ngựa (truyện ngắn)
Khâu miệng (truyện ngắn)
Án văn (truyện ngắn)
Dao và thớt (truyện ngắn)