Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.097
123.230.155
 
Ngôi nhà có khoảng sân, cổng và tường
Nguyễn Mỹ Nữ

Đã từ rất lâu, tôi vẫn có thói quen: gặp lúc rỗi rãi mà được đi qua một ngôi nhà nào đó có vườn, thì luôn dừng lại để ngắm, nhìn. Có thể chỉ là một thoáng hoặc hơi…lâu lâu. Như hôm qua, sau khi viết xong mấy trang, thấy mệt trí, tôi tắt máy rồi dắt xe ra phố. Đạp loanh quanh mấy ngã đường. Vòng xe quay đều đặn đưa tôi ra ngoại ô và bỗng dừng lại ở một ngôi nhà.

 

            Cái vườn của nhà này, kể ra, chẳng có gì là đặc biệt. Chỉ được cái rộng chứ hồ cá, thảm cỏ, cây cối…sắp xếp và trồng trọt không ra làm sao!.  Điều đó cho thấy chủ nhân là một người rất thiếu thẩm mỹ. Càng nhìn tôi càng thấy tiếc và ước như mình có được một khoảnh đất chỉ độ một phần tư miếng đất ở đây, thì hay biết là dường nào. Ngẫm ra cho đến bây giờ, khi đã bước qua tuổi năm mươi. Nhìn lại đờI mình, tôi vẫn thấy đau đáu nỗi ước mơ từ thủa nhỏ: Đó là có được một ngôi nhà có vườn, cổng và tường. Một ngôi nhà nằm trong những giấc mơ tôi và hình như nó đã được nhốt kín, khoá chặt ở nơi ấy, nên không sao bước ra khỏi cõi mơ để đi vào cõi thực.

 

            Không dưng tôi nhớ đến những ngôi nhà mình và gia đình đã trải qua, từ thủa ấu thơ cho đến tận bây giờ. Đầu tiên là một ngôi nhà ở Quãng Ngãi – nho nhỏ nhưng có thềm, có sân –  ở gần cầu Hàng Bố. Tôi còn nhớ cả cây bông gòn, cao sừng sững, thẳng đuột ở gần cổng, mà cái cổng hồi ấy mới tam bợ làm sao và xấu xí biết là dường nào!. Đâu chỉ có cái cổng, cả ngôi nhà, cả khoảng sân đều xấu tất. Hồi ấy gia đình chúng tôi còn nghèo nên mang tiếng có nhà nhưng lại là nhà muớn - mướn chung nhưng ở riêng - .Trước tiên thì với gia đình dì Hiệu, rồi sau đến gia đình bác Ký Nho. Nhà nào cũng đông con, cũng chật vật nhưng sống rất vui. Mẹ tôi hay bảo: “Nhà này không có cái sân, thì đến ngột ngạt vì trẻ con mất”. Nhà hồi ấy không những có sân trước mà có cả sân sau. Cái sân sau thông hẳn với lò đường chứ chả có rào chắn, tường che gì cả, nên chúng tôi mặc sức mà kéo nhau ra ngoài ấy để xin mía cây, đường dẻo…Có bao nhiêu nơi để chúng tôi nghịch ngợm, lê la và bọn nhóc chúng tôi mặc sức mà tung hoành, chứ có mấy  khi chịu ở nhà đâu cơ chứ!.

 

            Nào phải chỉ có khoảnh sân ấy gắn bó với tuổi thơ tôi vì sau đó mấy năm bố tôi thuyên chuyển vào Qui Nhơn và cả gia đình phải đi theo. Đầu tiên chúng tôi ở nhờ nhà chị cả rồi bố tôi cũng mua được một miếng đất ở khu Hai, cất lên một cái nhà be bé với mái lợp tranh và tường là những miếng thiếc lớn ráp lại. Cái nhà thì bé mà cái sân lại rất to. Sân sao mà nhiều thế chẳng biết nữa. Sân trước trông sang nhà bác Roi. Sân sau trông sang nhà bác Phương. Sân bên hông trái kề nhà bác Lô. Sân bên hông phải kề nhà bác Hai, mẹ con Cúc. Sân đã rộng mà lại toàn cát là cát, nên chỉ cần quét tước cho sạch sẽ cũng đã nhọc người lắm rồi. Mẹ tôi bảo nhà ở khu vực ấy gần biển, chẳng trồng trọt được gì đâu nhưng các anh tôi hì hục, tắm tưới mãi cũng lên được một giàn nho và mấy cây đu đủ. Đu đủ và nho đều rất sai quả nhưng nho sao mà chua. Giàn nho thì vẫn còn đấy ở những giấc mơ tôi nhưng cái sân thì bị những giấc mơ tôi khước từ. Ai đời lại có một cái sân xấu đến thế cơ chứ và cái cổng thì lại chẳng ra hồn. Chỉ là cái khung chằng qua chằng lại bằng giây thép gai, cốt để mở ra và đóng vào. Tường lại chẳng có nên thông thống hết bốn bề khắp lượt.

 

            Sau rốt, gia đình tôi cũng vươn lên được và thoát ra khỏi cảnh nghèo. Bố mẹ tôi đã mua được nhà trên phố. Ngôi nhà ban đầu có sân sau  với trụi lủi hai cây bông trang gần giếng nước. Sau đó kinh tế khá thêm nên ngôi nhà của chúng tôi được đập ra để xây lạI và đổ mê .Hai cây bông trang và cả khoảnh sân phía sau đành biến mất, để nhường chỗ cho các phòng. Cả nhà mừng rỡ, hăm hở. Còn tôi thấy lòng buồn nao nao. Khoảng sân, cái cổng và tường cao của tôi sẽ đặt ở nơi nào đây, giữa căn nhà mình rộng thênh lầu hai, lầu một…

 

            Rồi tôi đi học xa, đi dạy xa, đi làm ăn xa và về nhà chồng. Ngôi nhà của phía chồng tôi ở ngay mặt phố nên làm gì có đất, lại chẳng có gác, lầu nên thiếu cả một chút không gian trên cao để mà phơi phóng quần áo hay là ngắm nghía trời mây. Ngày mới lấy nhau, tôi còn tin, sẽ có lúc vợ chồng tôi tạo dựng được một căn nhà trong mơ ước nhưng gắng gỏi làm lụng hết sức và tằn tiện căn cơ hết mình cũng chỉ thất bại, mất mát…Năm tháng dần trôi. Tuổi đời chồng chất…Nhìn lại. Tóc đã có nhiều sợi bạc trên mái đầu của cả hai. Mệt mỏi nhiều và ngậm ngùi cũng không phải là ít. Tôi tập cho mình một thói quen mới: quên đi căn-nhà-của-ước-mơ và nghe lòng mình như có phần thanh thản thì đùng một cái má chồng tôi quyết định bán căn nhà chung của gia đình.

 

            Bằng số tiền được cho cộng với sự giúp đỡ của các anh chị ở nước ngoài, vợ chồng tôi cũng mua được một căn nhà cấp bốn ngay mặt tiền. Niềm vui lớn quá, nỗi bất ngờ kềnh càng quá, khiến nhiều đêm tôi vẫn không thôi bàng hoàng. Sao có thể tin nổi sẽ có lúc mình có nhà. Đã đành được sống với những người thân . Với biết bao tình cảm, thương yêu ắp đầy mà phức tạp, hệ luỵ cũng không phải là ít. Ngôi nhà chúng tôi mua trước là đầm rồi được đắp lên mà thành ra đất. Để rồI có đất ắt có nhà. Nhà của muôn người và nhà của chúng tôi.

 

Dọn về đây sống những ngày đầu năm 2002. Chúng tôi tập thích ứng với một môi trường hết sức…nhếch nhác. Quen kiểu dân Nại sống ở đầm nên những người hàng xóm mới của chúng tôi sao mà hồn nhiên quá mức trong cách sống, lối xử sự…?. Cả xóm có đến  hai, ba cái lò heo và chỉ cần qua cỡ nửa đêm là tim bắt thót vì tiếng heo bị chọc tiết hay giựt điện gì đấy kêu inh ỏi. Mùi hôi của heo và chuồng trại rồi mùi thum thủm của cá, tôm, cua, ghẹ…từ những cơ sở chế biến nhỏ lẻ vây quanh… ngào ngạt suốt đêm ngày. Ngào ngạt hơn khi có mưa. Của đáng tội mùi heo cũng nồng nã hơn lúc trời không có nắng và những khi xe heo đậu xịch trước cửa lò. Rồi Ka ra oke Bạn bè tới chơi lắc đầu nghe chửi tục và điếc mũi bởi mùi hôi. Bảo: “ Sao mày viết được?” Tôi hất đầu: “ Sao không?”

 

Có nhà riêng, cả chồng lẫn vợ cắm cúi cày bừa kiếm tiền để trang bị tiện nghi trong tổ ấm của mình. Và vui khi thấy có cái này, cái khác…Như vui bởi những chậu cây đặt nhờ đường luồng nhà hàng xóm luôn tốt xanh và tươi đẹp. Vui, khi  bây giờ có  ngồi lì đến mấy ngày ở nhà làm việc thấy cũng chẳng sao. Heo la mặc heo. Tôm, ghẹ tươi thì nhờ mà ươn hôi là hết nhờ. Vẫn chẳng có gì ảnh hưởng. Bởi vẫn có: “Lá bên ngoài khung cửa mở”. Vẫn cùng với một người lang thang trên mạng, tưới cây, dọn nhà, viết lách… Cùng vớI một ngườI coi T V, nghe nhạc, uống rượu, đọc sách, tán gẫu vớI bạn bè… Mắc gì không viết được khi ở đây, theo tháng ngày tất cả hoá đã hành thân quen, gần gũi. Và thương. Và quyến luyến…

 

Người thân có đôi lần gợi ý: hay đổi nhà? Để được ở một cái xóm có  lịch sự, văn minh. Để được hít thở thứ không khí trong trẻo, sạch sẽ. Để…Và có đất làm vườn. Ừ! vườn. Ừ! cổng. Ừ! Tường…Thôi thì để tôi tìm gặp trong những giấc mơ tôi cũng được. Cũng được mà! Còn giờ? Sao thương thế những sắc hoa vàng rực ngay trước tổ ấm mình ./.

Nguyễn Mỹ Nữ
Số lần đọc: 2470
Ngày đăng: 25.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
A lô... Tôi xin lỗi - Nguyễn Lệ Uyên
Con mắt thứ ba - Trần Kim Trắc
Đường về trần gian - Đoàn Quang
Thế là…Chị ơi ! - Vũ Ngọc Tiến
Bão - Trang Thanh
Cha và...Con - Lê Xuân Quang
Kỷ Niệm Sông Elbe - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Lửa - Trần Văn Bạn
Những cuộc đời ảo - Lê Nguyệt Minh
Tiếng hô bài chòi đêm cuối năm - Nguyễn Mỹ Nữ