Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.207.712
 
Kiếp trôi dạt
Dương Ðình Hùng

Bọn họ bốn gia đình kéo nhau lên chiếc xe “ven” từ sáng sớm chiều sương mù, lái xe mất ba tiếng đến khu phố đông người Việt nhất - khu Cabramata – Úc  châu. Ngồi ăn sáng quán cây Dù, đợi nghe tiếng pháo Xuân . Năm này đặc biệt, chính quyền địa phương cho cộng đồng đốt một phong pháo và chỉ được có một, mừng một cái Tết xa quê.

 

Đám đông tụ lại. Tiếng pháo nổ kéo dài năm phút, tiếng vỗ tay, xác pháo đỏ bay, có người mặc áo dài đen, thắp ba nén nhang vái Trời Phật.Họ lì xì tiền tụi nhóc trong cái bao đỏ. Bọn nhóc lắc đầu không lấy vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hai thằng Úc to con chạy lại, quét hết xác pháo đỏ, cho vào túi nylon đen, vất lên xe chạy mất. Xong cái Tết ngoài đường xứ này. Có tiếng vỗ tay reo hò.

Bọn họ lên xe, về bãi biển gần nhà, trong thành phố Sydney cũ, thành phố hơn trăm năm trước tiền thân thành phố Sydney hôm nay. Họ ăn mứt, bánh chưng, uống bia rượu. Bốn người cha họp mặt bạn bè xưa của khu xóm Bóng , Nha Trang.Trôi dạt mãi, có ngày hội tụ, trên bãi cát trắng đùa chơi. Như một chuyền tinh cờ. Giang to con nhất đám, đen bóng, phát biểu :

-Tụi mình đá banh. Tao với bác sĩ Việt một phe. Kỹ sư Đức với thằng Trường một phe.

Cả bọn “ô kê” , cùng nhau  chạy ra bãi cát trắng vàng.

 

Cơn gió lạnh, mặt trời chưa thoát ra khỏi đám mây xám, không ma nào tắm dưới biển. Bọn họ đá banh, la hét lớn như thời con nít trên bãi cát trắng Nha Trang. Thời đội bóng chục đứa nhóc tụ họp, đá ăn thua đội nhà thờ, đội Phước Hải, đánh lộn... Lúc đó thằng Việt trắng chụp gôn. Trường đá hay nhất, lớn lên đá đội tuyển thành phố... Bây giờ già đầu, tóc muối tiêu, gặp nhau đòi đá banh, đá banh chơi ngày Tết.

 

Tụi con nít xứ ấy chẳng đứa nào mê đá bóng tròn, chúng nó mê đá banh bầu dục, môn football húc nhau như bò mộng. Trường học dạy chơi bóng bầu dục, dạy chơi cricket, chơi golf. Chúng nó không thích như cha chúng bây giờ.

 

Ba bà vợ phụ nhau nướng thịt, khói bay lên trời xanh. Chỉ mình bác sĩ Việt ly dị vợ, ly dị vì không thi nổi cái bằng y khoa, không mở nổi phòng mạch . Việt độc thân, chăm học, người trắng giống bột mì.Việt không chơi nữa, đi vào. Giang đen la to :

·Lâu lắm mới có ngày rảnh, tụ nhau được. Chơi thả dàn đi, mày đọc sách hoài.

Việt lắc lắc đầu. Ba thằng còn lại tiếp tục đá banh trên cát biển.

 

Bác sĩ Việt cầm cuốn sách dày cộm, ngồi chăm chú  dưới cây liễu , chuẩn bị kỳ thi bác sĩ cuối đời.

 

*

Thấm thoát trên mười năm, chỉ học và làm thêm để sống. Đầu tiên đại học Queenland, học lại thi lại không biết bao nhiêu lần không qua được trường y . Chạy xuống tiểu bang New South Wales, học tiếp. Năm cuối kỳ thi ra trường, Việt vẫn sợ đoạn cuối thi vấn đáp, thi thực hành trên bệnh nhân bệnh tâm thần.

 

Năm tháng làm việc, công việc vệ sinh, có tiền sống, gởi cho người nhà. Mỗi ngày qua đi nhiều mỏi mệt chán chường. Mỗi buổi sáng dậy sớm, mất ba tiếng từ nhà tới được trường đại học New South Wales, đổi xe lửa, xe buýt. Người là cỗ máy thần kỳ.

 

Việt còn sống tạm trong căn hộ của kỹ sư Đức, trong thành phố  Old Sydney. Căn phòng đủ dưỡng khí để thở, để tiếp tục học. Riêng kỹ sư Đức may mắn hơn, còn vợ và hai con sau nhiều năm miệt mài kinh sử, lấy được bằng kỹ sư vi tính.không thể xin việc làm, vì mái tóc đã đổi màu, tuổi đời gần kề năm mươi.

Tự ái cao, Đức không xếp hàng hàng tháng xin phụ cấp thất nghiệp, nghe lời nói chua cay của mụ mập người Úc , hắn quyết định đi làm, làm mọi thứ miễn có tiền.

 

Mảnh đất có nhiều dịp may, nhiều tài nguyên, nhiều việc làm miẽn đừng làm biếng. Giờ đây hắn có hai xe hơi, vợ một chồng mọt, lái quanh thành phố lau sạch những gì làm bẩn cuộc sống quý báu này, làm sạch sẽ cuộc sống nhiều cay đắng này...

 

Sáng sớm hắn có thể thu dọn lau sạch năm sáu cơ quan làm việc.chiều cũng thế. Tối tìm vài nhà hàng làm tiếp. Ngày tháng qua mau giống nhau. Bao nhiêu ướưc mơ cũ trôi đi.kiếm chút tiền dư thừa mua nhà, gởi vào ngân hàng, gởi cho bạn bè còn nghèo ở quê nhà.

Giờ Đức lo làm ăn, bớt làm thơ, bớt hát nhạc, bớt mộng thắm, bớt đam mê như ngày cũ.

Buổi cơm tối hắn thường nói với Việt, giọng đượm màu buồn chán :

·Đất nước này cần những worker, labour, người lao động làm việc, họ thiếu lao động chân tay, đâu cần bác sĩ như mày, kỹ sư như tao, đâu cần trí thức...

Lắng nghe , Việt gật cái đầu sói , tóc rụng theo thời gian, may còn màu đen – hắn  đồng ý quan niệm mới của Đức.

 

*

Tối mồng một Tết năm đó, bọn họ trở về tụ họp nhà Giang đen, vì nhà lớn trên đồi nhin thấy một phần nước biển xanh. Không hoa mai vàng, không câu đối đỏ, không gì cho Tết.

Giang cho làm một hồ cá lớn dài năm mét, đặt chính giữa phòng khách, có vài chục loại cá khác nhau, khác màu tung tăng trong hồ sủi bọt ngày đêm. Hắn mê biển, mê tôm cá.

 

Giang đen thích ở vùng này vì đẹp giống như quê nhà cũ. Cái vịnh lớn, cái đầm có nhiều ngôi nhà đẹp trên đồi nhìn xuống. Phố thị vài chục ngàn dân, êm đềm buồn chết người. Họ, con cái những cư dân người Anh đầu tiên ở đây khi tới châu Uc nầy. Kiến trúc cổ điển Anh in dấu trên khắp thành phố, từ tòa nhà chính quyền địa phương, nhà thờ, đến sân bóng bầu dục cạnh vịnh lớn, trung tâm thành phố Old Sydney.

 

Nhiều con đường đèo trải dài theo khu rừng nguyên khai, im lặng trong sương mù na ná đèo Phượng X.Nha Trang.Nhà Giang đẹp, bãi cỏ cắt xén cũ, hồ tắm bán nguyệt lớn trong nhà, bàn bida sáu lỗ ít người chơi. Nhóm đàn ông thích uống hơn chơi bida, uống với nhau truyền cho nhau hơi lửa bạn bè. Đám con nít nhảy xuống hồ tắm quậy phá.

 

Ba bà vợ ngồi nói chuyện trời đất, chuyện số đề, đánh lôtô... chuyện vợ chồng xa nhau, chuyện Tết đi chùa Bà ở quê nhà. Con Giang la to :

·Măm, mua Mc Donald.

Thằng nhóc khác phụ họa :

·Con , Pizza.

Tụi con nít ăn cơm không quen, quen gà ráng, fromage.  Người lớn khác con nít, đem phở ở tiệm về ăn, phở từ tiệm vợ Giang đen. Quán phở độc nhất vùng này.

 

*

Giang thành công, giàu có nhất trong đám bạn thời niên thiếu cũ. Vùng đất nhiều may mắn dành riêng những người như nó. Cuộc sống mới đã ổn định. Thời gian đầu, Giang làm nhiều nghề như mọi người khác. Bây giờ xe hơi tới tận nhà đón đi làm, có quá nhiều việc. Khi có tiền nhiều, cuối tuần hắn đi câu chơi, cá tôm cua đầy sông rạch.

 

Con nước trên sông trên biển, đâu có nhiều cá nhiều tôm, Giang thuộc như cháo. Hắn đi sâu vào các đầm sâu câu cua, chài tôm. Nghêu sò nằm đầy trên cát, không đủ sức bắt hết. Bán cá tôm được khá tiền, không ai đóng thuế.

 

Làm tiền dễ , mua tàu riêng đánh cá, trở lại thiên đàng sóng biển, đam mê miệt mài, sung sướng hơn Đức, Việt nhiều. Giang đen thích lênh đênh trên sóng biển, nghề đánh cá có sẵn trong giòng máu gia truyền.

 

Giang đen mỗi năm về nước chơi một lần, xây cái đình thờ họ lớn nhất vùng xóm Bóng. Ngôi nhà cũ bỏ đi, mua căn nhà lớn ở phố chính Nha Trang. Cưới cô vợ đẹp cùng quê. Xưa, nàng đâu thèm nhìn thằng đen thui đó.

 

 Vợ Giang không quen biển, đến Úc , mở tiệm phở trông chừng, giết thì giờ qua ngày, vì Giang thường đi ra khơi chơi. Tiền đẻ tiền. Cô ta mở một tiệm phở lớn, tụi tây khoái ăn phở, ăn hết dĩa rau, ăn hết tô phở lớn gấp đôi phở Tàu Bay ngã Bảy. Xây một cái bếp lớn, một kho lạnh chứa nguyên con bò nấu phở. Thuê mấy thằng con trai, con gái học sinh bưng phở. Bọn nó con nhà giàu cả, nổi tiếng trong thành phố nhỏ này, khoái kiếm tiền thêm, tự lập. Tóc đỏ, tóc vàng , tóc nâu , vợ Giang khoái chí nhìn tụi nhỏ lăng xăng bưng phở thu tiền, tự nhủ : “Mình cũng làm bà chủ bự vậy !”.

Đêm xuống , bọn họ uống say, lo gì, đã có mấy bà vợ lái xe đưa về.

Vợ Trường nhìn chồng nói :

·Anh ơi về thôi, tối còn làm lò bánh mì .

Trường đứng dậy ra về , lòng còn tiếc nuối đêm vui hiếm có.

 

*

Khi tất cả mọi người ngủ say trong đêm khuya, thì chỉ còn gia đình Trường thức làm việc. Làm bánh mì , công việc này quen thuộc với nó nhiều năm rồi.

 

Lò bánh cung cấp một phần lớn nhu cầu của thành phố nhỏ nầy. Hắn thức suốt đêm, nhồi bột, nướng. Sáng mai lại lái xe, chập chờn đem đi bỏ mối, phân phối hơn mười tiệm khác. Chưa kể vợ hắn mở tiệm bánh, bán cả ngày.

 

Vợ Trường giờ mập tròn đứng suốt ngày ngửi mùi bánh thơm bốc ra. Không ăn cũng mập, mập gấp hai lần hắn. Trái lại khuôn mặt Trường teo lại, không phải vì lo toan, chỉ vì thức đêm làm sớm.

 

Mặt teo, mụn mọc, mụn khốn kiếp tiếp tục mọc gần được ba mươi năm trên cái mặt đen sì. Màu trắng của bột mì, đen của lớp da, vàng đỏ của mụn không dứt trên khuôn mặt Trường. Nhìn nó, tưởng thổ dân Úc .

Công việc kinh doanh khấm khá, ít đá banh , nhậu nhẹt. Trường mua luôn ngôi nhà bự chẳng thua Giang đen, có hồ tắm, có bàn bida. Nhưng nó không bao giờ chơi, không có thì giờ chơi nữa. Làm bánh mì cực giống như đá banh thời cũ, thời chỉ biết một việc đá banh. Đá bóng ít tiền, làm bánh mì sướng hơn vì được nhiều tiền. Hắn giờ đây mê sống, mê tiền, tiền ai cũng thích ! Hắn cám ơn đời.

Trường mụn muốn khuếch trương hai ba tiệm nữa ở thành phố bên cạnh, hắn đang tìm mua nhà.

 

*

Cuối năm Việt trắng tiếp tục thi lấy bằng bác sĩ . Phần nội khoa lại thi ở bệnh viện tâm thần vùng Magoura. Bệnh viện lớn có chục tòa nhà cổ trên bãi biển miền Nam thành phố Sydney. Người ta dự định bán luôn bệnh viện điên để xây khách sạn lớn.

Bệnh nhân của Việt, lão già Úc nói cái giọng the thé khó nghe. Hỏi bệnh khó khăn, ông ta lại khó tính không cho khám. Ông  giáo sư chấm thi hắc ám không chút thiện cảm. Cái liếc nhìn chòng chọc của ông phát ớn lạnh.

Kết quả Việt rớt kỳ thi cuối. Không bao giờ Việt trắng trở thành bác sĩ xứ nầy. Không sao cả, nhiều người đồng cảnh ngộ. Thằng Đức nhận xét có lý.

 

*

Việt trắng không tốt nghiệp bác sĩ được, không còn phép tiếp tục học Y. Mõi sáng hắn vẫn tới thư viện đạihoc y khoa New South Wales, lên tầng lầu thứ mwòi hai ngồi đến tắt mặt trời, chọn ghế cạnh cửa sổ, nhìn xuống vườn địa đàng một thời mơ tưởng, nhìn xa thấy biển Ranwich màu xanh.

Hắn đọc ngấu nghiến sách vở. Chuyện học và đọc quen thân với hắn hơn hai mươi năm nay rồi, một đoạn đường dài. Bây giờ học không cần thi, học để biết đời hơn. Nhiều chồng sách cao ngồng trên bàn, hắn lấy đọc lẩm bẩm mọt mình, người ta nói Việt điên rồi./.

Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2910
Ngày đăng: 27.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngôi nhà có khoảng sân, cổng và tường - Nguyễn Mỹ Nữ
A lô... Tôi xin lỗi - Nguyễn Lệ Uyên
Con mắt thứ ba - Trần Kim Trắc
Đường về trần gian - Đoàn Quang
Thế là…Chị ơi ! - Vũ Ngọc Tiến
Bão - Trang Thanh
Cha và...Con - Lê Xuân Quang
Kỷ Niệm Sông Elbe - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Lửa - Trần Văn Bạn
Những cuộc đời ảo - Lê Nguyệt Minh