Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
981
123.201.141
 
Từ điển THI X/X LOẠI – G&H
Đặng Thân

 

HH & GG & H

 

Thực ra thì đáng lẽ GG phải có mặt trước HH trong bảng chữ cái. Nhưng vì giữ “lễ” [1] cho đúng thuần phong mỹ tục ngàn năm “văn vật” (sẽ bàn sau trong vần V) nên phải đưa HH lên trước GG. Vì sao vậy? Vì HH lại là tiền bối, là thái thượng hoàng, là… đùng đoàng (chết toi). Thế mới thấy cái “lễ” một lần nữa lại là nguyên nhân của đảo lộn xã hội, hủy hoại tôn ti trật tự, rối loạn cương thường/dương.

 

HH là ai? GG nữa? Nghe cái cặp initial [2] này có vẻ như là của những cái tên “bất hủ đã/sắp đi ngủ trên nóc tủ” với những Hakainde Hichilema, Hawthorne Heights, Helly Hansen, Her/His Highness, Hồ Hôi [mồm/toàn thân], hay Hubert Humphrey; Greta Garbo, Graham Green, Günter Grass, Gãi Ghẻ, hoặc Genetic Girl. Hãy nghe câu chuyện của họ xem họ là ai:

 

 

HH: Cái thằng cỏ giả kia, ngươi thật là quá lắm, đồ vô liêm sỉ.

 

GG: Dạ vâng, phận tôi cỏ giả, đâu được thơm tho như bà. Nhưng nếu không có những thằng cỏ giả như tôi thì ai biết được hương nhụy của mùa xuân. Vậy mà Tây phương chúng nó lại cứ thích thú với đám cỏ giả cơ bà ạ. Bà gặp có việc gì không?

 

HH: Ngươi là thằng… thằng đạo… văn. Thằng ăn cắp. Khắp cõi Giao Chỉ ai chả từng biết tới Cái trống thủng của ta. Cớ sao ngươi lại còn bày đặt Cái trống thiếc? Ngươi chắc đã từng nghe dân xứ ta, nhất là mấy ông hủ nho thường nói “thủng thiếc gì” rồi đúng không? Chữ “thủng” của ta là phải cao tay ấn lắm mới dùng được đó nghe con. Nôm thì nói là “thủng” nhưng khi viết thì có thể viết thành có nghĩa là “thủng đáy” hoặc có nghĩa là “thủng lỗ”. Cho nên bài thơ của ta có cái ý rằng “cái trống thủng đáy bị cái dùi làm cho thủng lỗ”. Ha ha ha. Thế mới triệt để. (Ngâm):

 

Của em bưng bít vẫn bùi ngùi
Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi
Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc
Đêm thanh tom cắc một đôi hồi

 

Thế mà… sao ngươi lại nhập nhoạng “thủng thiếc” mà chôm chỉa cái trống bất hủ của ta? Để rồi ngươi thì được vinh danh trong hào quang Nobel mà không hề nhớ thương gì tới cái đời ta vật vã trong chữ và nghĩa.

 

GG: Mong bà bỏ quá chứ quả thực tôi cũng đâu biết gì cái chuyện “thủng thiếc” này. Đúng là trường văn sao lắm oan nghiệt thay. Hầu hết các tiểu thuyết của tôi đều là những câu chuyện ngụ ngôn hiện đại, có cái ý chủ đạo là “cười ra nước mắt”. Điều này thể hiện rõ trong Cái trống thiếc. Ở đây dưới con mắt của nhân vật chính là Oskar, một con người chỉ cao 94 cm với vẻ bề ngoài của một đứa trẻ mãi mãi lên ba, nhưng có sự già dặn trong trí tuệ của người trưởng thành, một thế giới nhố nhăng kệch cỡm mà bí hiểm với những con người bị vùi lấp dưới đổ nát của lịch sử đã hiện ra rõ ràng. Vậy thôi à.

 

HH: Ngụy biện! Cái thằng lùn dị dạng ấy chính là ngươi mô phỏng “cái trống thủng” của ta chứ còn gì nữa. Cái trống thủng của ta chính là để ám chỉ “một thế giới nhố nhăng, kệch cỡm và bí hiểm, một nhân loại phũ phàng với một thân phận quái gở bị vùi lấp dưới những đổ vỡ của lịch sử...”. [3] Ta “đã phát ngôn cho một thế hệ bị bầm giập ê chề đến mất phẩm giá bởi chủ nghĩa quốc xã [4] (national socialism?)”. Ta có thể lấy mọi bài viết về Cái trống thiếc rồi thay chữ “thiếc” bằng chữ “thủng” thì ngay lập tức những bài ấy trở thành bài viết về Cái trống thủng của ta. Như thế mà bảo không ăn cắp sao đặng? Plagiarism [5] hay plagio [6] gì thì cũng chỉ Nôm ra là ăn cắp. Ngươi có biết ta là “bà chúa thơ Nôm” đấy chứ? Ngươi xơi của ta đến 99,99% là cái chắc, tất tần tật cả giầy cả bít tất.

 

GG: Bà cứ hay cả vú lấp miệng em chứ nhà bà cũng có một em bê nguyên hình ảnh thằng Oskar nhà cháu về làm của riêng rồi đặt tên là Thiên sứ gì đấy. Bọn Đức nhà cháu cái khoản chữ Hán cũng chẳng kém cạnh gì cái xứ ngàn năm Bắc thuộc đâu nhá, không tin thì nghe thằng Cù Bin (Wolfgang Kubin) nó vừa phát biểu trong bài Văn học Trung Quốc hiện là “một đống rác” [7] đấy. “Thiên” là “lệch”, thì ắt nó là một đứa “lùn dị dạng” hổng giống ai rồi còn gì. “Thiên” còn là “trời”, nó chả là cái giống “lệch một phương trời” hay “một phương trời lệch” thì là gì nữa. Lại còn không thèm viết rõ tên tôi ra mà chỉ ghi là mình muợn tích của ông nhà văn GG. Em nó hơi bị Việt gian nên cứ lái ra xa thế, chứ thực ra nó đặt hẳn tên là Cái trống sứ thì còn hay hớm hơn đấy. Vì “cái trống” là một biểu vật văn hóa rất An Nam: nó có mặt trong mọi lễ hội của mọi lứa tuổi và tầng lớp từ buổi sơ khai (nhà cháu tự dưng muốn nghe Hoàng Ngọc-Tuấn gõ tây ban cầm bài Trống cơm [8] quá), nó được lưu lại trên mọi di chỉ văn hóa dân tộc điển hình nhất (trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn…), nó hiện diện trang trọng tại mọi đại sảnh và phòng khánh tiết của chính phủ tối cao cho tới gọi tên việc các em Giao Chỉ mang bầu đẻ đái. Ấy thế mà khi đẻ sao không gọi vỡ trống mà lại gọi là vỡ đê/bầu? Phải chăng đó chính là cái kẽ hở (khe nứt) ngôn ngữ để cho bà viết Cái trống thủng. Nói theo kiểu vài nơi ở đồng bằng Bắc Bộ xứ bà thì nó thành Cái thống thủng. Tức là cái truyền thống văn hóa dân tộc nhà bà nó bị thủng như váy đụp con mẹ ăn mày. Mà nói theo tiếng quê nhà bà thì nó là Cái trống thũng, thể hiện một dân tộc phù thũng. Nếu lấy tên là Cái trống sứ thì sẽ toát lên được mọi ý nghĩa kể trên, lại còn nâng được cái tầm của xứ sở này lên chỗ để cho mọi người ngắm nhìn, sử dụng cho những nơi sang trọng hay trưng bày (trong tủ kính cùng bọn Chu Đậu, Bát Tràng chẳng hạn). Nhưng mà, chuông khánh còn chẳng ăn ai nữa là mảnh sành mảnh sứ. Trống sứ là china drum, cái xứ bà sao làm gì cũng dây dưa đến “china” là sao thế nhỉ?

 

HH: Đúng là cái đồ “Tây phương hùng biện”, làm bà rát hết cả tai. Lảm nhảm vừa thôi. Cái khúc chiết, tinh tướng, kiêu ngạo của ngươi chỉ đáng quẹt đít cho cái “Đông phương minh triết” mà thôi con ơi. Phân tích cho lắm thì chỉ tổ tích phân nhiều thôi con ạ. Rõ là cái loài “biện giả bất thiện” [9], biết đến bao giờ mới ngộ được. Có mấy thằng Tây nhà ngươi mới lúc nào cũng “china” nhặng xị thì có chứ bọn ta đâu có thèm dùng cái từ này, chỉ hay dùng đồ China mà thôi. Như bác Nguyễn Du xài đồ của Thanh Tâm Tài Nhân ấy. Cho đến bây giờ thì chúng nó xài xe Tầu, lẩu Tầu, gà Tầu, gạo Tầu, thuốc Tầu, điện Tầu, chăn Tầu, ghẻ Tầu, tư tưởng Tầu, đường lối Tầu… Con bé đó là H. Ta thấy ngươi ăn cắp của ta trắng trợn nên mới phù phép hóa thân ra nó đấy. Để nó ăn cắp lại cái nhà ngươi đã ăn cắp đem trở lại cố quốc của nó. Đáng nhẽ con bé không nên đề là đã chỉ “mượn” của ngươi mà cần ghi rõ rằng: “muợn” của nhà văn GG, người đã “cầm nhầm” của HH (theo đúng tinh thần của Marx đồng hương với ngươi: tước đoạt lại những kẻ đi tước đoạt). Thật đúng là:

 

Tiểu nhân đắc chí nhờ ăn gian

Quân tử cố cùng sinh ăn cướp

 

 

 

____________________

 

[1] Xin xem bàn về chữ “lễ” này tại: http://vannghesongcuulong.org/vietnamese/phongvan_chitiet.asp?PVSKID=90

và bài “’Lễ’ của nước Việt” của Phạm Lưu Vũ tại: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9539&rb=09

[2] Chữ cái đầu của một từ (tiếng Anh).

[3] Nguồn: http://www.vietducinfo.com/vietducinfo/show_article.php?id=10021

[4] Nguồn: http://www.danangpt.vnn.vn/home/news/detail.php?id=1176&a=59&idmax=1176

[5] Đạo văn (tiếng Anh).

[6] Ăn cắp (tiếng Latinh).

[7] Xem: http://www.tiasang.com.vn/news?id=1523

[8] Xem và nghe tại: http://tienve.org/home/music/viewMusic.do?action=viewArtwork&artworkId=4945

[9] Có nghĩa: kẻ ưa tranh biện không bao giờ đạt tới toàn thiện (Lão Tử, Đạo Đức Kinh).

 

 

Đặng Thân
Số lần đọc: 3238
Ngày đăng: 04.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điện thoại - Nguyễn Đức Thiện
Ba mươi năm … - Nguyễn Thị Ánh Huỳnh
Thời gian - Huỳnh Duy Hiếu
Hai bài thơ của Nguyễn Nho Đinh Duy - Nguyễn Nho Đinh Duy
Khi không - Phan Tử Nho
Bão rớt - Nguyễn Hữu Hồng Minh
Chạy trốn - Tôn Nữ Ngọc Hoa
Biển xoá biển ? - Vũ Trọng Quang
Hồ Ba Bể ơi - Huy Dung
- Phan Tử Nho
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)