Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.073
123.233.914
 
Hai giọt nước
Huỳnh Mẫn Chi

Chiều xuống, nắng yếu ớt, gió thổi nhè nhẹ. Hoài đứng tựa người vào cây vú sữa, mắt nhìn quanh quẩn. Hoài có cảm giác dễ chịu khi cô đứng giữa luồng không khí thoáng đãng, êm đềm. Hoài hiểu, cô phải khó khăn lắm mới rời xa được vùng nông thôn nơi đây. Bởi ở nơi này có nhiều người Hoài rất kính trọng. Không những vậy, Hoài còn rất khâm phục sự thông minh và lòng tốt của họ. Hoài lững thững bước đến bờ mương, tay ngắt một bông súng tím lên săm soi. Miệng mỉm cười, hài lòng.

     

  vùng quê này, Hoài sống cùng bạn bè dưới căn nhà lá lụp xụp, nằm ẩn mình trong khu vườn tạp, vắng vẻ. Tối đến, tiếng sinh viên lao nhao, tiếng côn trùng rả rích, tiếng lá dừa khô rơi lộp độp... Hoài sờ sợ. Bởi mớ âm thanh hỗn độn ấy cứ văng vẳng vang lên đều đặn. Làng xóm láng giềng nhìn sang khu vườn nhà bác Nam. Họ cũng dễ dàng nhận ra một sự đổi thay khác thường, từ khi có sinh viên xuất hiện. Vì gia đình bác Nam rất neo đơn, căn nhà lá thênh thang. Người ta chỉ thấy có hai chiếc bóng lặng lẽ ra vào. Đám sinh viên xuất hiện. Bác Nam vui mừng hẳn lên. Đặc biệt, bác Nam rất chú ý đến Hoài. Cô bé có đôi mắt là lạ. Người lạ trông vào lại thấy quen quen. Ngày đầu gặp Hoài, bác Nam cứ ngỡ là người quen. Nhưng dù Hoài sống nhờ gia đình bác Nam tại ấp 1, nhưng cô phải dạy trẻ mù chữ tận ấp 5, ở đó có một ngôi trường cũ kỹ với ba phòng học. Vậy mà, Hoài không hiểu sao một số em ở các vùng lân cận, độ tuổi mười ba, mười bốn, bảng chữ cái vẫn chưa biết đọc.

     

Bác Nam bước đến cạnh Hoài, nét mặt bác ngỡ ngàng khi thấy Hoài đứng một mình ngoài vườn đến mấy tiếng đồng hồ. Bác Nam chợt nhớ, thời trẻ, bác cũng thích buông mình vào những buổi hoàng hôn như vậy. Đưa mắt nhìn Hoài chăm chăm, bác hỏi:

- Nghĩ ngợi gì vậy cháu?

     

Hoài giật mình. Cô quay sang bác Nam, giọng ríu rít:

- Bác ra đây từ lúc nào vậy?

      

Dứt lời, Hoài trấn tĩnh lại tâm trạng mình. Nét mặt bác Nam rạng ngời:

- Cháu thấy nơi đây thế nào?

      

Hoài mỉm cười, nũng nịu:

- Cháu chỉ thấy ở bác một người lạ thường, một người luôn đọc được tâm trạng của người khác. Làm sao bác có được điều đó?

      

Bác Nam xoa đầu Hoài, nói lời bâng quơ:

- Tại bác ở lâu năm ngoài chiến trường, chịu ảnh hưởng của bom đạn.

      

Nét mặt Hoài sung sướng.

- Sao nữa? Bác nói tiếp đi.

     

 Hoài nhận ra bác Nam. Mắt đã long lanh. Giọng nghèn nghẹn khi đi sâu vào những câu chuyện của những ngày bom đạn. Cô cúi đầu, lặng im. Nỗi đau trong ký ức ập đến, Hoài tưởng tượng, Hoài mơ hồ những ngày tháng đau đớn trong chiến tranh.

     

Bác Nam nhìn Hoài đau đáu, đôi mắt sòng sọc, đỏ ngầu, Hoài im lặng. Bỗng nhiên, ánh mắt ấy lắng dịu nhìn Hoài trìu mến. Hoài đón nhận ánh mắt ấy một sự cảm thông và đồng cảm. Hoài nghĩ, mọi trắc ẩn trong cuộc đời mỗi con người chính là khoảnh khắc thời gian chợt hiện về rồi bất chợt tan nhanh, Hoài nghèn nghẹn:

- Chiến tranh qua rồi. Bác đã lắng dần nỗi đau chứ?

      

Bác Nam lắc đầu. Giọng bải hoải:

- Không! Nỗi đau ấy giống như những hòn đá thả xuống nước. Hòn đá to. Hòn đá nhỏ. Chúng chỉ lắng chứ làm sao tan được?

      

Bác Nam nhìn Hoài lặng im. Với bác Nam, khi có một ai đó nói đến chiến tranh, dù là những lời bâng quơ hay một câu chuyện xưa cũ nhắc lại. Chuyện này, chuyện kia đều là những câu chuyện đau lòng. Người ta cố quên nhưng lại chính là nỗi đau không thể xóa.

     

Bác Nam ngậm ngùi cúi mặt. Hoài thở dài, nghĩ ngợi. Nỗi đau ẩn náu trong lòng Hoài bấy lâu nay sống dậy. Hoài thấy lòng vò xé. Cô ngẩng mặt nhìn bác Nam khá lâu. Bác Nam trong bộ bà ba ngả màu trắng phếch, khoác trên thân hình gầy guộc. Cái chân thật phải chống đỡ chiếc chân giả. Ngày đầu gặp bác Nam thoáng nhìn, cô tưởng bác Nam là một người kiệt sức. Thế nhưng, suy nghĩ của Hoài đã trái ngược lại với bác Nam. Bác Nam rất nhanh nhẹn. Mỗi khi ai có cần việc, bác đều xông xáo góp sức cùng với mọi người. Nghĩ đến đây, Hoài càng cảm mến bác Nam. Cô quay mặt sang nơi khác. Hai hàng nước mắt xuất hiện. Bác Nam mỉm cười đặt tay lên vai Hoài:

- Cháu cứ khóc đi, vì bác đã đọc được tâm trạng cháu.

    

Hoài ngập ngừng:

- Ba cháu đã mất gần ba mươi năm rồi, vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

    

Nét mặt ưu phiền, Hoài lắc đầu uể oải nhìn bác Nam. Bởi vì với Hoài, chiến tranh đi qua đã để lại cho cô một người mẹ hóa đá, một người cha thiên cổ. Mẹ Hoài đã chờ cha bao năm tháng ở chiến trường. Suốt hai mươi mấy năm trời, mẹ đã tìm kiếm nắm xương còn lại của cha Hoài khắp nơi. Với Hoài, dù cha mình đã trở thành cát bụi, cô vẫn muốn được nhìn thấy một chút gì của cha mình như một niềm tự hào.

    

Tia mặt trời cuối cùng trên cành cây trơ trụi ở đầu ngỏ, nó lướt qua khuôn mặt hom hem của bác Nam, phản chiếu một niềm tin sáng chói, Hoài chăm chú nhìn bác Nam. Cô thoáng thấy, nét mặt bác Nam tái nhợt trước khi trả lời:

- Bác sẽ cố gắng giúp cháu tìm hài cốt của cha.

    

Hoài ngỡ ngàng nhìn bác Nam. Từ lâu, Hoài đã trông đợi ở đâu đó. Một người dành cho cô những lời lẽ này. Cha Hoài là người như thế nào? Hoài không rõ. Cô chỉ nghe qua lời kể của mẹ: Cha mẹ cưới nhau, vài tháng, gia đình nhận tin ông nội hy sinh, cha vô cùng đau đớn nên tức tốc lên đường. Mẹ ở lại quê nhà, bom dội đạn bắn suốt ngày, bà nội chết trong trận bom càn giặc quét năm ấy. Mẹ vì quá đau lòng bỏ làng đi tìm cha để báo tin. Bà muốn góp sức chống trả quân thù. Vậy mà khi đến nơi, đơn vị của cha Hoài đã dời đi nơi khác. Mẹ lại tiếp tục đi tìm cha Hoài, tìm mãi không được. Những ngày tháng oanh liệt ấy, Hoài đã cất tiếng khóc chào đời, cuộc sống cùng quẫn cứ ụp lên đầu người vợ trẻ đang bôn ba khắp chốn. Đến độ, mẹ Hoài không còn nhớ quê hương của mình ở phương nào. Cho đến ngày bầu trời rực lửa, tia sáng bình minh bừng chiếu khắp mọi nơi, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nẻo, đất nước hòa bình độc lập. Mẹ Hoài cứ trông ngóng tin cha khắp nơi, người ta bảo với mẹ Hoài là cha cô đã hy sinh. Mẹ Hoài không tin, mẹ Hoài vẫn đi tìm, mẹ Hoài cứ trông đợi. Bà đi tìm kiếm cha hai mươi mấy năm rồi nhưng vẫn biệt tin. Giờ đây, ngôi nhà tạm bợ ấy là tổ ấm của Hoài. Vùng quê xa lạ ấy là quê hương của Hoài. Bỗng dưng, Hoài bị đánh thức bởi câu nói của bác Nam:

- Cháu vào bếp lo buổi cơm chiều đi.

    

Một tuần lễ sau, đêm cuối cùng của các sinh viên trong chiến dịch mùa hè xanh ở vùng quê ấy, cũng là buổi tiệc tiễn đưa đám sinh viên tình nguyện. Các cô cậu học trò nhỏ cứ bày biện đủ thứ trò đùa. Đứa này cứ theo giễu cợt với đứa kia. Giọng hát, câu nói, tiếng cười, mớ âm thanh ấy cứ vang lên khắp nhà bác Nam. Một vài bà lão lối xóm, miệng nhai trầu bỏm bẻm, mắt sáng long lanh cũng đến dự, bác Nam đứng bên cạnh đám sinh viên với ý định nói vài lời dặn dò, nhưng cứ mãi ngậm ngùi. Một lúc sau, bác Nam bỏ vào trong, Hoài hiểu tâm trạng bác Nam.

     

Ngồi trầm tư khá lâu, giọng bác Nam run run. Bác từ từ thổ lộ những điều thầm kín đời mình. Hoài lắng tai nghe. Cô không dám hỏi gì cả. Thời trẻ, bác Nam cũng có hoàn cảnh giống như ba Hoài. Cưới vợ xong, bác theo cách mạng. Bác Nam cũng có nỗi đau người cha vừa bị giặc giết chết thương tâm. Chính gì vậy, bác Nam đã lên đường bỏ lại phía sau một người mẹ già, một cô vợ trẻ. Trên chiến trường bao lần sinh tử, bác Bác quay lại thăm họ. Một cảnh tượng diễn ra không thể ngờ, mẹ và vợ bác Nam đã chết trong trận cháy do giặc đốt. Người trong làng hốt hoảng kéo nhau đi nơi khác sinh sống. Nhìn cảnh đau đớn của làng mạc, bác Nam vật vã như muốn đầu hàng trước cảnh vật hoang tàn ấy. Thế nhưng, bác Nam phải cố đứng lên, bác cố ném nỗi đau đớn để trở về đơn vị.

- Trời ơi!

     

Hoài kêu lên, mặt đỏ gay vì xúc động. Bác Nam vẫn ngồi bất động, khi nhớ về nỗi đau trong quá khứ đời mình. Bác chỉ kể cho Hoài nghe với giọng tiếng được tiếng mất. Mặc dù, bác Nam vẫn còn nhớ rất rõ. Đêm hôm đó, địch lại tấn công đơn vị, đồng đội của bác, người hy sinh, kẻ bị thương. Căn cứ thì bốc cháy, bom đạn nổ vang rền… Bỗng dưng, một làn gió mạnh thổi qua. Bác Nam bị tạt ngang một hướng. Đất phủ lên cả người, bác Nam nghe xung quanh vọng lên tiếng thở, tiếng nghiến răng vì đau đớn, tuyệt vọng. Tỉnh lại, bác Nam thấy mình ở trạm xá. Bác Nam thấy quá đau nhức và ê ẩm. Thế là, bác Nam hốt hoảng:

- Trời ơi! Sao tôi lại ở trong đây?

      

Bỗng dưng, bác Nam nghe bên tai mình giọng một phụ nữ thốt lên:

- Đồng chí đã may mắn đấy, chỉ có mất một chân…

      

Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, bác Nam nghe nói câu này như muốn chết đi. Nhưng bác đành nằm lặng thinh để chống lại vết thương, cơn đau. Nỗi đau lớn nhất của bác Nam lúc này là sự mất mát. Mất mẹ, mất vợ, bác Nam thấy mình đã mất mát quá lớn lao cuộc sống. Giờ đây, bác Nam phải mất thêm một cái chân, sức chịu đựng của bác dường như đã giảm xuống.

     

Hai tuần lễ sau, bác Nam vẫn chưa bình phục. Chân phải mất đi một đoạn ngang đầu gối. Bác Nam rất muốn trở lại đơn vị nhưng không biết nói nguyện vọng này với ai. Bỗng một cô cứu thương nói giọng Bắc đi ngang qua. Bác Nam lớ ngớ ngồi dậy:

- Cô Bắc ơi! Cô giúp tôi quay lại đơn vị để chiến đấu với…

     

Cô gái ấy đáp ngay lời bác Nam:

- Đơn vị đồng chí đã đi xa rồi. Bị thương chưa bình phục, đồng chí có thể giúp được gì cho đồng đội?

      

Bất thình lình, Hoài ngắt ngang lời bác Nam:

- Bác ơi! Có phải cô Bắc ấy là bác Bắc bây giờ không?

     

Bác Nam  ngập ngừng ấp úng:

- Đúng! Vì lúc đó nghe giọng Bắc của cô cứu thương khẳng khái quá nên bác cứ gọi cô Bắc cho dễ dàng tiếp xúc. Sau này cô ta nghe giọng miền Nam của bác nên gọi là anh Nam mỗi khi giao tiếp. Để rồi Nam Bắc khắng khít với nhau cho đến giờ này. Ha… Ha…!

    

Bỗng con gà trống trong chuồng gỗ nhốt kín, vùng vẫy vỗ cánh, gân cổ gáy:

- Ò ó o…Ò o …!

     

Bên trong, bác Bắc trở mình. Tiếng động đậy, tiếng ho sùn sụt, tiếng thở dài, tiếng lầm bầm vọng ra:

- Khuya rồi! Ông cứ lảm nhảm làm chi ba cái chuyện cũ rích ấy. 

    

Thu đến, những ngày hè xanh chìm vào khu xóm ngoại ô. Mọi người nhắc đến cô cậu sinh viên như chuyện đã thuộc về ký ức. Mỗi mình bác Nam, những buổi hoàng hôn bác hay lẩn thẩn ra vườn. Mắt ngóng đợi về một phương trời xa xăm. Bác Nam thấy lòng mình nao nao một thứ tình cảm bao la, sâu nặng, một thứ tình cảm bác chỉ dành riêng cho Hoài, một cô bé thích nghe kể chuyện thời chiến tranh. Nếu có dịp gặp lại, bác Nam sẽ kể cho Hoài nghe những chuyện còn ly kỳ hơn nữa của thời ấy.

     

Một hôm, bước chân ra khỏi nhà, bác Nam bất ngờ nhận được thư của Hoài. Bác mừng vui không thể tả. Bác Nam sung sướng bóc thư ra xem, bác muốn biết đời sống cô bé ấy như thế nào? Sao mãi biệt tăm gần hai tháng trời mới gửi thư? Kéo thư ra khỏi phong bì, bác Nam ngạc nhiên. Giọng thảng thốt:

- Con này! Ở đâu nó có tấm ảnh thời trai trẻ của tôi vậy?

Phá phách gì đây?

     

Đọc lướt qua vài hàng đầu, bác Nam choáng váng:

     "Bác Nam kính yêu của cháu!

Mẹ cháu rất vui mừng khi biết cháu gặp được bác, người đã hứa giúp cháu tìm hài cốt của cha mình. Bác chính là ân nhân của gia đình cháu. Thư này, ngoài thăm hỏi sức khỏe gia đình hai bác, cháu xin kèm theo lời nhắn gửi của mẹ: "Chồng tôi tên: Trần Quyết Thắng - sinh năm 1945 - đơn vị - đóng quân ở… - tử trận tại…".

    

Bác Nam chưa tin mình đã đọc đúng dòng chữ trong thư. Tay run rẩy, mắt nhìn vào thư chăm chăm. Bác Nam cố nhẩm lại một lần nữa. Bác gào lên: "Trời ơi! Tại sao lại là tôi… Nắm xương tàn đang tìm kiếm chính là tôi…". Lòng dạ đau buốt, bác Nam cố lê gót vào nhà. Miệng lầm bầm: "Vợ tôi còn sống. Hoài chính là con gái của tôi… Sao có thể như vậy chứ?"

     

Nhìn bác Nam, bác Bắc băn khoăn. Mọi ngày, bác Nam có bao giờ như vậy đâu, lúc thì sầu muộn, lúc lại phấn khởi, tươi cười. Bác Bắc thắc mắc:

- Ông làm sao vậy?

    

Bác Nam thở dài, mặt đờ đẫn.

- Tôi phải đi miền Tây ngay bây giờ.

    

Bác Bắc cau mày, khó chịu.

- Đi miền Tây làm gì? Trước đây, tôi chưa từng nghe ông nói.

      

Lặng thinh một lúc, bác Nam nói dè dặt:

- Tôi không ngờ được chuyện của ngày hôm nay. Hai mươi mấy năm rồi, tôi còn chờ đợi gì nữa chứ? Tôi phải đến đó ngay khi tôi còn trên cõi đời này.

     

Bác Bắc bực bội bỏ xuống nhà sau. Bác tin chồng mình sẽ bỏ ngay quyết định đi xa như vậy? Ông đi miền Tây để làm gì chứ? Thế nhưng, hy vọng của bác Bắc đã tan vỡ. Bác Nam vẫn tất bật chuẩn bị hành lý cho chuyến đi.

     

Mặt trời đã lên cao. Bác Nam ngồi trên xe đò. Xe chạy vùn vụt qua từng hàng cây mọc len lỏi bên vệ đường. Khu vườn cây trái, cánh đồng lúa, tất cả bạt ngàn ẩn hiện. Bác Nam lấy thư ra xem địa chỉ của Hoài, một nơi bác phải tìm tới. Thỉnh thoảng, bác kề vai vào người hành khách ngồi bên cạnh để hỏi đường đi nước bước. Bất ngờ từ bên ngoài, một luồng gió lùa vào tận trong xe, quất mạnh vào mặt bác Nam, rát buốt. Bác Nam chới với nép người sau lưng cô gái ngồi bên cạnh để tránh gió. Bác cứ ngỡ con gái mình nũng nịu đòi bố kể chuyện thời chiến tranh.

Huỳnh Mẫn Chi
Số lần đọc: 2213
Ngày đăng: 04.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đàn bà không nhan sắc - Trần Lệ Thường
Thư cho một người bạn - Lãng Hiển Xuân
Lời trăn trối - Dương Ðình Hùng
Nửa tình nửa thơ - Lê Vũ
Gió Thắm - Mường Mán
Tuyệt đối yên tĩnh - Trần Đức Tiến
Vùng xoáy - Lê Vũ
Bạn cùng làng - Hồ Tĩnh Tâm
Kiếp trôi dạt - Dương Ðình Hùng
Ngôi nhà có khoảng sân, cổng và tường - Nguyễn Mỹ Nữ
Cùng một tác giả
Về hưu (truyện ngắn)
Ba tôi (truyện ngắn)
Khoảng trống (truyện ngắn)
Ông bà đạo diễn (truyện ngắn)
Bóng ma (truyện ngắn)
Bóng mờ (truyện ngắn)
Đời tư (truyện ngắn)
Hai giọt nước (truyện ngắn)