Hai ông cháu bác Ba Phi hướng về phía có tiếng chim kêu xa xa cắm đầu lội miết. Đi một đỗi, hai người lọt vào một khu rừng cây mật cật, chân rừng trống trải nhưng lầy lội, sình sụp vô cùng. Lá mật cật xanh che kín mặt trời, lá mật cật khô rụng đầy mặt đất, trơ những gai lởm chởm. Lá cây rậm rạp, rừng càng trầm lặng âm u đầy vẻ huyền bí. Thằng Đậu cứ vác khúc cán dáo đi theo sau ông nội.
Cảnh rừng âm u, vắng lặng quá ! Đất dưới chân cứ thụt thêm, tàu mật cật nhiều gai gie ra cọ quẹt, đi năm bảy bước thằng Đậu bị trượt chân một cái. Chới với thì vớ vào tàu mật cật bị gai đâm tay, sụp té lại bị gai khô cào chân trầy xuể, thằng Đậu cảm thấy mệt mỏi rã rời, bước đi hết muốn nổi. Ông nội nó cứ lặng lẽ đi phía trước làm như dạo cảnh xem hoa giữa một buổi chiều ảm đạm. Bỗng thằng Đậu nghe có tiếng con chim cú mèo từ trong một lùm cây nào đó cất tiếng kêu thầm thì "thịt hầm, thịt hầm". Đậu nghĩ bụng: "Có cớ làm cho ông nội phải nói chuyện đây".
Con cú mèo lớn bằng con khỉ đột, mình mẩy vằn vện bất thần từ trong lùm rậm bay vụt ra, kêu lên một tiếng "ụt" vang dội, vỗ cánh đánh vào ngọn cây, gió tung mát mặt. Không khí trầm lặng của rừng liền bị náo động. Tiếng vang "ụt, ụp, ụp..." dội đi dội lại nghe như một chuỗi cười ghê rợn của anh kép hát đóng vai ngạ quỷ giữa rừng hoang. Thằng Đậu kêu rú thất thanh, nhảy vọt tới ôm chặt ngang lưng ông nội. Đậu làm bộ để phá cái không khí nghiêm nghị của ông nội đối với nó. Bác Ba ngỡ thằng Đậu giật mình thật, quay lại:
- Người thợ rừng không được phép yếu bóng vía như vậy, con ạ !
Được nước, thằng Đậu nhõng nhẽo luôn với ông nội:
- Lội trong rừng mịt mùng thế này, con sợ quá ông nội ơi !
- Ráng chút nữa ông cháu ta lọt ra trảng trống, đừng sợ.
Ông cháu bác Ba Phi vừa đi khỏi khu rừng mật cật, thằng Đậu chực nhìn lên, giật mình lùi lại ! Giữa rừng mà ai căng một bức màn gấm kỳ cục vậy kìa ! Không lẽ đoàn văn công của chú Mười Nam vô đây dựng sân khấu biểu diễn cho cọp coi ? Thằng Đậu hơi chập chựng, nhưng nó làm gan huơi cán dáo đi tới. Còn cách độ vài mươi mét, Đậu đứng lại xem kỹ lưỡng, nó vụt bật ngửa ngớ người kêu thầm: "Té ra là một ổ ong mật lớn quá xá cỡ".
Hai ông cháu đến gần xem xét ổ ong, họ bàn nhau nên lấy chút ít mật về xài. Ổ ong lớn bằng chiếc đệm, đen ngời tựa vải gấm. Một số ong thợ tập trung xây dựng loi nhoi trên phần khúc mức, một số thì lòng thòng những vòi sừng bò phía dưới tấm tàng ra chiều báo động. Còn lại bao nhiêu ong đực cứ nằm êm ru xếp hàng ngay thẳng để ấp con, thỉnh thoảng chúng chớp cánh lên một lượt tựa một kẻ vô hình cầm góc bức vải gấm giũ lên trước gió. Mỗi lần ổ ong chớp cánh, thằng Đậu giựt mình bật ngửa ra một cái, làm cho ông nội nó phì cười:
- Con trai mà nhát gan như thỏ đế.
Đoạn bác Ba bảo thằng Đậu bẻ nhánh chà khô làm đuốc thổi ong. Thằng Đậu nghe trong người hơi ớn, hỏi:
- Ong đủ ổ chưa, hở nội ?
- Vừa trổ hai quần, như thế cũng tạm gọi là đủ mật.
- Ổ ong lớn quá lấy hết làm sao mang về nổi ?
- Ta chỉ khơi một góc khúc mức, lấy độ vài ba lít mật thôi, còn lại bao nhiêu cứ để dành vào dịp khác sẽ đến lấy.
Hai ông cháu bó đuốc xong. Một bó chà bổi lớn bằng đầu gối, bác Ba còn phải kèm vào một nhánh tràm tươi, để khi đốt lửa un khói lên nhiều. Hai ông cháu nổi lửa đốt đuốc, rề đến bên ổ ong. Ong đóng vào một thân cây tràm lớn bằng đầu gối. Có lẽ hồi ốp kèo cây tràm đang đứng, nhưng bây giờ, ngày một đàn ong tha mật, mang sáp về xây ổ và đẻ con nhiều quá, làm cây tràm bị kéo cong xuống trông tựa một cần bẫy gài nai. Bác Ba cầm cây đuốc lớn huơ khói và trải tấm vải mủ dưới dạ ổ ong để hứng mật. Thằng Đậu cầm cây đuốc nhỏ, trèo lên ngọn đầu kèo ong, ngồi chờ ông nội. Sau đó bác Ba trèo lên ngồi sau lưng thằng Đậu, cốt để chỉ dạy thằng cháu vào nghề. Mỗi người đều cầm một cây đuốc, tay kia cầm cây "dao ăn ong", dao của họ là một đoạn cán dáo và một khúc lưỡi mác cầm đi nãy giờ.
Bác Ba vừa thổi khói vào ổ ong, vừa bảo thằng Đậu:
- Xem mà học hỏi, ông nội không sống đời để làm việc bao biện cho con cháu hoài đâu.
Bác dùng lưỡi mác gạt từng cục ong già rơi ình ịch xuống đất. Tấm tàng ong bắt đầu bay ra trắng nõn màu trứng gà, hơi mật và phấn hoa bốc lên thơm phức.
- Này ! Khơi từng khối mật nhỏ ở hai bên bìa cây kèo để dưỡng tấm tàng. Bao giờ người thợ rừng ăn ong cũng phải dưỡng tàng để cho ong được nảy nở, phần cứng trên cùng chỗ một cục thù nụ đó là khúc mức. Phần kế đó gọi là ké ong mà thầy thuốc kêu bằng phấn hoa. Còn nguyên một dề tựa cái bánh lái ghe chài thòng diều gà đó là toàn bộ tấm tàng ong.
Thằng Đậu thấy ông nội vừa giảng giải vừa khơi từng khối mật ong rớt xuống tấm vải mủ, trong bụng nó khoái nôn, xin ông cho làm thử. Bác Ba lách mình sang một bên cho cháu chồm tới khơi mật ong. Toàn bộ ong già đã bị khói un bỏ ổ bay lên mát trời, chúng quần đảo rào rào tựa một cơn trốt xoáy chung quanh hai ông cháu bác Ba. Trước sự hù dọa ghê gớm ấy, thằng Đậu khớp quá, hay tay run run cầm cán dáo thọc vào xeo lia lịa. Đậu bất kể khơi vào khúc mức, phấn hoa, hay tấm tàng gì cả, cứ nhắm mắt thọc, xeo quýnh quáng. Bác Ba ngồi sau, thấy thằng cháu chưa được bình tĩnh, ông nhắc chừng:
- Coi kìa ! Chỉ khơi vào khúc mức để lấy mật thôi chớ !
Càng lúc ong già bu vào thằng Đậu càng lính quýnh không còn nghe lời chỉ dạy của ông nội, có những con ong đớp vào mũi, vào tai kêu vo ve như sắp đốt, mắt Đậu hoa lên, mặt nóng bừng, trống ngực đánh như vỡ đê. Thằng Đậu cứ cắm đầu cán dáo xeo quyết liệt vào ổ ong, nạy ra từng khối mật, vừa phấn hoa, cả vừa ong non ở tấm tàng, rơi lịch bịch xuống tấm vải mủ. Thằng Đậu làm mỗi lúc một nhanh tay, hai tay nó khơi ra, nạy ngang như bơi đua nước rút. Cây tràm kèo ong bị tuột bớt sức nặng bắt đầu trở mình ken két. Cây tràm trở thế chuẩn bị búng một cú đàn hồi.
Bác Ba thấy vậy lo ngại, bảo:
- Dừng lại, coi chừng nguy hiểm...
Nhưng không kịp, bác vừa nói thì thằng Đậu cũng vừa thọc cán dáo xeo một cú quyết liệt vào ngay đầu cuống tấm tàng ong. Bác Ba chợt thấy mép rìa cây kèo của tấm tàng ong rách toạc ra, sắp lìa khỏi cây kèo. Hoảng quá bác liền ôm ngang eo ếch thằng Đậu, thét lên:
- Chết rồi !...
Tức thì tấm tàng ong lớn trương chiếc đệm rơi ra khỏi cây kèo. Hai ông cháu bác Ba Phi bị cây tràm kèo ong đàn hồi bắn lên, bay một cái vèo lơ lửng ra không trung. Hai ông cháu kẻ cầm cán dáo, người cầm mũi mác, cứ ôm nhau, nhắm mắt mà chịu trận. Họ nghe hơi gió lướt qua vo vo bên lỗ tai. Đến lúc cả hai thân thể bị rơi đánh ào vào lùm choại, họ mới tỉnh hồn mở mắt ra, thằng Đậu ngơ ngác, xếu mếu gọi ông nội. Còn bác Ba thì tỉnh bơ ngồi dậy móc gói thuốc bánh giồng ra vấn hút. Bật lửa, rít điếu thuốc phì phèo khói cuộn quanh hai hố mắt sâu thẳm. Bác Ba hỏi thằng Đậu:
- Mầy có thấy người ta dốt mà làm ẩu thì tai hại đến ngần nào không ?
Tuy mới hoàn hồn nhưng nội đã châm đúng vào lòng tự ái, Đậu cãi lại:
- Thật là nói "kiểu ông nội" có khác. Hồi nhỏ tới lớn không cho đi học, bắt làm lụng trong rừng trong bụi bây giờ lại chê dốt !
Bị thằng cháu đột đúng chỗ nhược, bác Ba lúng túng, bào chữa hụ hợ cho qua.
- Tại dốt nên không nắm vững nguyên tắc lực đòn bẫy, gây ra tai hại vậy đó.
Thằng Đậu đã hầm hơi, nhưng chẳng lẽ đi cãi tay đôi với ông nội. Nó nghiêng đầu làm ngơ, hướng tai vào tiếng chim kêu, nói:
- Nhờ cây kèo ong bật lên, nên hai ông cháu mình ra tới gần trảng chim rồi kìa !