Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.991
 
Về sự thờ sách
Jorge Luis Borges

Nguyễn Tiến Văn dịch từ bản tiếng Anh.

 

   Trong sách VIII của sử thi Odyssey, chúng ta đọc rằng thần linh đan dệt các bất hạnh để những thế hệ tương lai có cái gì mà hát về; Mallarmé phát biểu, “Thế giới hiện hữu để kết thúc vào một cuốn sách”, dường như lập lại, khoảng 30 thế ki về sau, cũng một quan niệm về một sự biện minh mĩ học cho những điều ác. Hai viễn đích luận này, tuy thế, không hoàn toàn trùng khít; cái trước thuộc về một thời đại của lời nói, và cái sau về một thời đại của chữ viết. Một cái nói về kể truyện và cái kia nói về sách. Một cuốn sách, bất ki sách nào, đối với chúng ta là một vật thiêng : Cervantes, chắc hẳn không lắng nghe mọi điều mà mọi người nói, đọc ngay cả “những mẩu giấy tả tơi trên đường sá”. Lửa, trong một hài kịch của Bernard Shaw, đe dọa thư viện ở Alexandria; ai đó la lên là kí ức của loài người sẽ cháy mất, và Caesar đáp lại “Một kí ức ô nhục. Cứ để nó cháy”. Caesar của lịch sử, trong thiển kiến, có thể tán đồng hoặc lên án cái lệnh mà tác gia gán cho ông ta, nhưng ông ắt hẳn không coi nó, như chúng ta, là một trò đùa phạm thánh. Lí do minh bạch : với người xưa chữ viết chẳng là gì hơn một sự thay thế cho lời nói.

 

   Người ta biết rõ là Pythagoras không viết; Gomperz (Griechische Denker [Những nhà tư tưởng Hi Lạp] I, 3) cho rằng ấy là bởi ông ta tin tưởng hơn vào những đức tính của sự dạy dỗ bằng lời. Quyết liệt hơn sự kiêng bỏ đơn thuần của Pythagoras là chứng ngôn một mực của Plato. Trong Timaeus ông phát biểu : “Gian nan là công việc khám phá ra kẻ tạo tác và là cha của vũ trụ này, và đã khám phá ra ông rồi, không thể nói điều đó cho mọi người”; và trong Phaedrus ông kể lại một ngụ ngôn Ai Cập chống chữ viết (thực hành nó khiến cho người ta lơ là việc hành xử kí ức và lệ thuộc vào biểu tượng), và nói rằng giống như hình tượng sơn vẽ “dường như sống động, nhưng không trả lời một tiếng cho những câu hỏi người ta đặt ra”. Để giảm bớt hoặc loại trừ khó khăn đó, ông sáng tạo đối thoại triết học. Một vị thầy kén chọn một đệ tử, nhưng một cuốn sách không kén chọn độc giả của nó, họ có thể ác độc hoặc ngu xuẩn; sự không tin kiểu Plato này đeo đẳng trong lời của Clement ở Alexandria, một người thuộc văn hóa phiếm thần : “Đường lối thận trọng nhất là không viết nhưng học và dạy bằng lời truyền miệng, bởi vì cái gì viết ra thì còn đó” (Stromateis), và trong cùng luận thuyết đó : “Viết mọi điều trong một cuốn sách là đặt một lưỡi gươm vào tay một đứa trẻ”, phái sinh từ Phúc âm “chớ cho chó đồ thiêng, cũng đừng ném ngọc châu cho heo, e rằng chúng lấy chân giày đạp, quay lại và xé nát các ngươi”. Câu ấy là từ Jesus, kẻ vĩ đại nhất trong các vị thầy truyền miệng, kẻ duy nhất có lần viết vài từ trên mặt đất, và chẳng ai đọc cái Ngài đã viết (Phúc âm John, ch. 8, câu 6).

 

   Clement ở Alexandria viết về sự bất tín vào chữ viết lúc cuối thế kỉ thứ 2; cuối thế kỉ thứ 4 thấy sự khởi đầu của tiến trình tâm thần mà tột đỉnh, sau nhiều thế hệ, sẽ đưa tới sự thống ngự của chữ viết trên lời nói, của cây bút trên tiếng nói. Một vận may đáng kể xác định rằng một nhà văn thiết lập được khoảnh khắc chính xác (và tôi không đang cường điệu đâu) khi tiến trình rộng lớn này khởi đầu. Thánh Augustine kể lại trong Quyển 6 của Tự bạch (Confessions) :

 

Khi ông [Ambrose] đang đọc, đôi mắt ông chạy qua trang sách và tâm ông nhận biết được nghĩa, nhưng tiếng nói và cái lưỡi của ông im lặng. Ông không hạn chế tiếp cận với bất cứ ai vào phòng, cũng chẳng có đến cả thông lệ báo danh một người khách. Rất thường khi chúng tôi ở đó, chúng tôi thấy ông đọc thầm lặng và chẳng bao giờ cách khác. Sau khi ngồi im lặng một hồi lâu (bởi ai mà dám bắt ông gánh thêm khi đang chuyên chú tập trung như thế ?) chúng tôi thường đi ra. Chúng tôi cho rằng trong cái om sòm của những rắc rối của  kẻ khác, ông hẳn không muốn bị mời cứu xét một vấn đề nữa. Chúng tôi tự hỏi không biết ông đọc thầm lặng chắc hẳn để tự vệ kẻo lỡ có một ai đó nghe quan tâm và hăm hở vào sự vụ, rồi ông lại phải giảng giải văn bản đang đọc nếu nó có chứa khó khăn, hoặc kẻ kia có thể muốn tranh luận một số vấn đề khúc mắc. Nếu thời gian của ông bị tiêu phí theo cách đó, ông sẽ thông qua được ít  sách hơn là ông ao ước. Ngoài ra, nhu cầu bảo tồn giọng nói, thường dễ bị khan tiếng, cũng có thể là một lí do rất hay để đọc thầm. Bất kể ông có thời gian này do động cơ gì, con người này có lí do tốt để làm như vậy”.

 

   Thánh Augustine là một môn đệ của thánh Ambrose, giám mục địa phận Milan, khoảng năm 384; sau đó 13 năm, ở Numidia, ông viết tác phẩm Tự bạch và vẫn còn thắc mắc về cảnh tượng phi thường kia : một người trong phòng, với một cuốn sách, đọc và không nói lên thành lời.*

 

   Sự con người thông qua trực tiếp từ kí hiệu viết đến trực nhận, bỏ qua âm thanh; nghệ thuật ki lạ con người khởi xướng, nghệ thuật đọc thầm, sẽ dẫn tới những hậu quả ki diệu. Nó sẽ dẫn, nhiều năm về sau, đến quan niệm quyển sách như một cứu cánh tự thân, chứ không phải một phương tiện cho một cứu cánh. (Quan niệm huyền học này, chuyển sang văn học thế tục, rồi ra sẽ sản sinh những định mệnh độc đáo của Flaubert, và Mallarmé, của Henry James và James Joyce). Chồng lên  ý niệm về một Thượng đế nói với con người để ra lệnh cho họ làm gì hoặc cấm họ làm gì là ý niệm về Quyển Sách Tuyệt đối, về một Thánh thư. Với người Hồi giáo, cuốn Koran (cũng gọi là “Quyển sách”, tức al-Kitab) không chỉ là một tác phẩm của Thượng đế, giống như linh hồn của con người hoặc vũ trụ; nó là một trong những thuộc tính của Thượng đế, giống như sự vĩnh hằng của Ngài hoặc sự thịnh nộ của Ngài. Trong chương 13 chúng ta đọc rằng văn bản nguyên ủy, Mẹ của Quyển sách, được ki thác trên Trời. Muhammad al-Ghazali, vị Algazel của những nhà kinh viện, tuyên bố : “Kinh Koran được chép trong một cuốn sách, được phát âm bằng lưỡi, được nhớ trong tâm và, dù vậy, vẫn tồn tại tại trung tâm của Thượng đế và không bị biến cải bằng sự nó thông qua các trang viết và sự hiểu biết của con người ? George Sale nhận xét rằng kinh Koran không tạo dựng này chẳng là gì khác hơn ý tượng của nó hoặc nguyên hình kiểu Plato của nó (its idea or Platonic archetype);  chắc hẳn al-Ghazali sử dụng ý tưởng về nguyên hình, truyền thông qua Hồi giáo do Bách khoa thư của Huynh đệ Thanh tịnh (Eucyclopedia of the Brethen of Purity) và do Avicenna, để biện minh cho quan niệm về Mẹ của Quyển sách.

 

   Còn quá độ hơn cả người Hồi giáo là người Do thái, chương đầu tiên trong Thánh kinh Do thái chứa câu nổi tiếng : “Và thượng đế nói, “Hãy có ánh sáng” và thế là có ánh sáng”; những nhà huyền học Kabbala tranh luận rằng hiệu năng lời phán đó từ Thượng đế tới từ các chữ cái của các từ. Cuốn Sepher Yetzirah (Sách về Hình thành), được viết ở Syria hoặc Palestine vào khoảng thế ki thứ 6, khải lộ Jehovah của các Đạo quân, Thượng đế của Israel và Thượng đế Toàn năng, đã sáng tạo vũ trụ bằng phương tiện là các số cơ bản từ 1 đến 10 và bằng 22 chữ cái của bảng mẫu tự abc. Sự những chữ số có thể là công cụ hoặc thành tố của sự sáng tạo là giáo điều của Pythagoras và Iamblichus; sự các chữ cái cũng thế là một dấu chỉ rõ về sự thờ phượng mới về chữ viết. Đoạn thứ 2 của chương 2 đọc là : “22 chữ cái nền tảng. Thượng đế vẽ chúng, khắc chúng, kết chúng, cân chúng, đảo chúng và với chúng tạo mọi vật đang có và mọi vật sẽ có”. Rồi cuốn sách khải lộ chữ cái nào có quyền lực trên khí, chữ cái nào trên nước, chữ cái nào trên lửa, và chữ cái nào trên minh triết, và chữ cái nào trên hòa bình, và chữ cái nào trên ân sủng, và chữ cái nào trên giấc ngủ, và chữ cái nào trên giận dữ, và cách nào (chẳng hạn) chữ cái kaf, vốn có quyền lực trên đời sống, được sử dụng để hình thành mặt trời trong thế giới, ngày Thứ tư trong tuần lễ, và tay trái trên thân thể.

 

   Những người Ki tô giáo còn đi xa hơn. Ý tưởng rằng thần tính đã viết  một cuốn sách tác động họ tưởng tượng rằng thần ấy đã viết hai cuốn, và rằng cuốn kia là vũ trụ. Vào đầu thế kỉ 17, Francis Bacon tuyên bố trong cuốn Advancement of Learning (Thăng tiến học vấn) rằng Thượng đế hiến cho chúng ta 2 cuốn sách để chúng ta không rơi vào sai lầm; cuốn đầu, sách Thánh kinh, khải lộ ý chí của Ngài; cuốn sau, sách tạo vật, khải lộ quyền năng của Ngài và là chìa khóa cho cuốn trước. Bacon chủ đích rất nhiều hơn là tạo một ẩn dụ; ông tin rằng thế giới có thể tỉnh lược thành những mô thức thiết yếu (nhiệt độ, mật độ, trọng lượng, màu sắc), vốn tạo, trong một số lượng hạn định, một abecedarium naturae (bảng mẫu tự abc tự nhiên) hoặc chuỗi các chữ cái bằng vào đó văn bản phổ quát được viết ra.** Sir Thomas Browne, khoảng 1642, thừa nhận rằng “Như thế có hai cuốn sách từ đó tôi thu thập Thần tính của mình; ngoài cuốn sách viết ra của Thượng đế, một cuốn nữa của Tự nhiên tôi tớ Ngài, thủ bản phổ quát và công cộng kia, nó nằm trải trước mắt của tất cả : những kẻ chưa từng thấy Ngài trong cuốn này, đã khám phá ra Ngài trong cuốn kia (Religio Medici, I, 16). Trong cùng đoạn đó chúng ta đọc : “vắn tắt, mọi vật là nhân tạo; bởi Tự nhiên là Nghệ thuật của Thượng đế”. Hai trăm năm qua đi, và tác gia Carlyle người Scotland, ở nhiều chỗ trong những sách của ông, đặc thù ở trong luận văn về Cagliostro, đi xa hơn giả thuyết Bacon; ông nói rằng lịch sử phổ quát là một Thánh thư mà chúng ta giải mã và viết một cách không chắc, và trong đó bản thân chính chúng ta nữa cũng được viết ra. Sau này, Léon Bloy lại sẽ viết :

 

“Không có con người nào trên trái đất có thể tuyên bố mình là ai. Không ai biết mình đã tới thế giới này để làm gì, những hành vi, cảm xúc, tư tưởng của mình  tương ứng với cái gì, hoặc tên thực sự của mình là gì, cái Tên bất khả hủy diệt trong sổ bộ của Ánh sáng…Lịch sử là một văn bản lễ thức bao la, nơi các chữ i và các dấu chấm không phải thua về giá trị so với các câu hoặc các chương trọn vẹn, nhưng tầm quan trọng của cả hai là không thể xác định và được che giấu một cách thâm sâu. (L’Ame de Napoléon [Tâm hồn Napoléon]).

 

   Thế giới, theo Mallarmé, hiện hữu cho một cuốn sách; theo Bloy, chúng ta là những câu, hoặc từ, hoặc chữ cái của một cuốn sách huyền thuật, và cuốn sách không ngừng nghỉ đó là cái duy nhất trong thế giới : chính xác hơn, nó là thế giới.

____________________________________

*Các nhà bình luận đã ghi nhận rằng thông lệ thời đó là đọc lớn tiếng để nắm nghĩa rõ hơn, vì không có dấu chấm câu, cũng chẳng có sự phân li  các từ, và có thói quen đọc chung vì khan hiếm thủ bản. Đối thoại của Lucian ở Samosata, Chống một kẻ mua sách ngu dốt, cũng chứa một kí lục về thói quen đó vào thế kỉ  thứ 2.

 

**Những tác phẩm của Galileo tràn đầy quan niệm vũ trụ như một cuốn sách. Tiết thứ 2 trong tuyển tập của Favaro (Galileo Galilei : Pensieri, motti  e sentence [Galileo Galilei : Tư tưởng, vận động &Anquiet]; Florence, 1949) mang tựa đề “Il libro della Natura” [Cuốn sách Tự nhiên]. Tôi thích dẫn đoạn sau đây : “Triết học được viết trong cuốn sách rất lớn luôn mở ra trước mắt chúng ta (tôi muốn nói vũ trụ), nhưng nó không thể hiểu được trừ khi trước tiên ta học cái ngôn ngữ và biết những chữ trong đó nó được viết. Ngôn ngữ của sách đó mang tính toán học và các chữ là các hình tam giác, hình tròn, và những hình dạng hình học khác”.

 

   Viết năm 1951. Nguyên bản : “Del culto de los libros”. Dịch ra tiếng Anh : Eliot Weinberger 1999; NXB Viking/ Penguin.

Jorge Luis Borges
Số lần đọc: 2549
Ngày đăng: 16.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ niệm 100 năm Đông Kinh nghĩa thục (1907-2007): Một bài thơ khai sáng thế kỷ - Trần Thanh Đạm
Cafe Văn học tháng 7 của Hội đồng Anh - Inrasara
Phấn hương rừng thơm mãi - Hà văn Thùy
Nhân có cuộc thi thơ Haiku. - Lê Anh Thu
Một đốm lửa thơ - Trần Kiêm Ðoàn
BÀI THƠ Trăng Hè của cụ ĐOÀN VĂN CỪ: Mùa Trăng đặc biệt - Đặc Trưng Việt Nam! - Lê Xuân Quang
Đi tìm thơ hay -1 - Bùi Công Thuấn
Đi tìm thơ hay -2 - Bùi Công Thuấn
Nỗi đau của Chế Lan Viên - Khổng Ðức
Trở lại đoạn kết Truyện Kiều - Nguyễn Minh Hùng
Cùng một tác giả