Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.206.577
 
Lẳng lơ ? Chính chuyên ?
Trần Tuyết Lan

“Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn

Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ”

(Quan âm Thị Kính – chèo cổ)

 

1.

Tôi thích Mầu. Mầu hay. Mầu đáng yêu vì Mầu dám đến với người Mầu yêu (tôi cũng thế!). Ở cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, đó là chuyện tày đình. Đã thế lại yêu chú tiểu. Thật động trời.

Nhưng thế mới là Mầu. Nàng đâu cần cái tiếng gái ngoan để chịu sống cả đời lạnh lùng bên người nàng không yêu. Cái tiếng ngỡ là thơm ấy, thứ hạnh phúc nửa vời ấy nàng không thèm đến. Thà làm một con thiêu thân, thà mang tiếng lẳng lơ, người đời gọi là đĩ thõa mà được gần người nàng yêu, nàng cũng cam lòng. Nàng liều lĩnh, bất chấp tất cả để quyết giành được tình yêu.

 

Có điều, Mầu lẳng lơ, si tình hết mức mà lại không hợp cảnh, hợp tình, hợp cách với người Mầu yêu. Khát vọng đẹp đẽ, quyết liệt của nàng đã đặt không đúng chỗ. Giá nàng tỉnh táo hơn, tinh tế, nhạy cảm hơn thì đâu đến nỗi bất hạnh, dở dang thế. Giá nàng... Nhưng thôi, nếu Mầu mà lại có những cái mà chúng ta mong Mầu có được thì nàng đâu còn là Mầu nữa. Chúng ta làm sao có được một nhân vật Thị Mầu.

 

Sự lẳng lơ, dại dột của lứa mười sáu, mười bảy tuổi ấy đã in vào tâm thức dân gian thành một biểu tượng rất riêng. Nó vượt kích cỡ, cả về sự đáng cười và đáng thương hại. Nàng chỉ khiến người ta thích thú vì sự tự tin đến ngây ngô ngốc nghếch (điều khiến người đời thỏa mãn vì họ tự thấy giỏi hơn nàng). Nàng còn khiến người ta thích thú vì nàng phạm tội trắng trợn (điều khiến người đời thỏa mãn vì họ được thấy có kẻ chịu tội thay mình).

Nhưng mấy ai thấy Mầu đáng trân trọng như tôi? Mấy ai công khai phải lòng nàng?

 

2. 

Tôi viết về Mầu như thế. Viết xong cứ lưỡng lự: Có nên để chữ “tôi cũng thế!”? Mà có thật là mình “cũng thế!”? “Cũng thế” có phải dễ đâu? Và tôi thực sự loay hoay với một câu hỏi: Chính chuyên và lẳng lơ – cái gì hơn? Cái gì đem lại hạnh phúc thật hơn cho cuộc sống, cho thân phận những người đàn bà (trong đó có mình)?

 

Trước hết, nói về sự chính chuyên, cho phải phép.

Thử hỏi trên đời còn ai chính chuyên hơn Thị Kính? Thương chồng, yêu chồng đến vậy thì thôi. Thế mà oan khuất ở đâu chồng chồng đổ xuống. Hiền lành (nhu nhược?) nàng chỉ biết nín đi để sống, nhịn đi để cười.

 

Mà nào có được một ngày vui. Chỉ thấy từ đầu tới cuối toàn những buồn những tủi. Oan từ chồng, oan từ cả người dưng. Oan chẳng biết để đâu cho hết. Nàng gánh hết, còn làm phúc làm đức cho người hại mình...

 

Sống khổ thế, chết đi (may quá) được làm Quan Âm.

Nàng được người đời thành tâm cúng bái. Theo triết lý nhà Phật: “Sống gửi, thác về”. Thế thì nhất! Cái sự “về” ấy được coi là lý tưởng! Những người đàn bà nên lấy đức hạnh của nàng làm gương! “Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ” – Cứ nói ác, nói lấy được đi thế, cái gì chẳng được sơn son, chứ nàng chẳng được thờ cúng cho tới muôn đời đấy thôi!

Còn cái sự lẳng lơ, đĩ thõa?

 

Mầu vốn cho ít được nhiều, sống bản năng, không “chín chắn” (dù nàng đã tự nhân: Nhà tao có chín chị em, chỉ có mình tao là chín chắn nhất). Nàng không hy sinh, không kiềm chế, không nghĩ ngợi. Muốn gì làm nấy. Làm bằng được. Có được cái mình muốn là vui, là tung tăng cười cợt giữa đời. Bất chấp hậu quả.

Cái sự thích sướng mà không chịu nghĩ đến lúc khổ của Mầu thật tệ. Tệ cho chính nàng! Ngay cái sự sướng quá (không kèm sự khổ) nhiều khi cũng tệ. Nó khiến người ta trở nên vô tâm. Vô tâm lại dễ dẫn đến nhẫn tâm! Cho nên tôi có thương, có thích, có thông cảm với Mầu, nhưng cũng không thể “theo” được Mầu về cái khoản này.

 

3.

Biết vậy. Nhưng sống theo được chân lý không dễ! Thị Kính có chịu thương chịu khó cỡ nào, có nhân hậu, thương người cỡ mấy, cũng chỉ khiến được người ta quí, người ta thương. Còn nói đến sự thích, sự mê, dù không phải tất cả, dù không dám “công khai”, nhưng cũng chẳng thể đếm hết được những kẻ trót phải lòng Mầu trên chiếu chèo.

Cứ nhìn cái háo hức của thiên hạ mỗi khi Mầu xuất hiện thì rõ. Nàng lướt đến đâu, mắt thiên hạ dõi theo đến đó, bình phẩm nhiệt tình. Ngay cả nhiều người “đứng đắn” ngoài đời cũng thế.

Như vậy tức là Kính hay Mầu thì cũng đều có cái khổ và cái sướng.

Đã trót mang thân đàn bà, dù ở thời xưa, thời nay, hay tới thời sau, có ai không muốn được khen là chính chuyên, ngay ngắn?!

Mà cũng có người đàn bà nào lại không muốn được yêu, được thương, được sống đúng lòng mình cho thỏa!

Thôi! Cũng nên thương cho thân phận đàn bà...

 

Trần Tuyết Lan
Số lần đọc: 4071
Ngày đăng: 20.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về sự thờ sách - Jorge Luis Borges
Kỷ niệm 100 năm Đông Kinh nghĩa thục (1907-2007): Một bài thơ khai sáng thế kỷ - Trần Thanh Đạm
Cafe Văn học tháng 7 của Hội đồng Anh - Inrasara
Phấn hương rừng thơm mãi - Hà văn Thùy
Nhân có cuộc thi thơ Haiku. - Lê Anh Thu
Một đốm lửa thơ - Trần Kiêm Ðoàn
BÀI THƠ Trăng Hè của cụ ĐOÀN VĂN CỪ: Mùa Trăng đặc biệt - Đặc Trưng Việt Nam! - Lê Xuân Quang
Đi tìm thơ hay -1 - Bùi Công Thuấn
Đi tìm thơ hay -2 - Bùi Công Thuấn
Nỗi đau của Chế Lan Viên - Khổng Ðức