Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.210.152
 
Bác Ba Phi : Chiếc ghe có những cột buồm ký lạ
Anh Động

Bây giờ chẳng lẽ về không, bác Ba Phi ném đầu con nai vào bụi, thế rồi hai ông cháu dắt con chó Đuổi đi sâu vào rừng xanh thêm một chập nữa. Con Đuổi dẫn đầu, ông nội cầm cây mác rừng đi kế, thằng Đậu cân mũi dáo theo sau. Đến một trảng dớn trống, ngọn bằng, từng cọng suôn óng ken nhau như đám mạ trải rộng mút tầm mắt, làm cho thằng Đậu mê ly. Từng cơn gió lùa qua, trảng dớn mịn màng gợn sóng trông  vui như chúng đang vẫy gọi, đón chào và cười đùa với đoàn khách lạ. Bỗng con Đuổi đánh hơi được một sự nguy hiểm nào đó, nó lẩn quẩn quanh chân bác Ba, kêu ư ử. Con Đuổi cứ cụp đuôi và xếp tai ra chiều lo âu. Bác Ba là người từng trải, không thể không quan tâm đến hiện tượng này. Bác bảo thằng Đậu đứng lại. Sau một hồi suy nghĩ, bác Ba nhất định chọn một chỗ để nấu cơm ăn. Vì trời đã trưa rồi, hai ông cháu cảm thấy đói bụng.

 

Thằng Đậu ngồi bên cạnh, con Đuổi ngồi bên chân bác Ba Phi đang sửa soạn nấu cơm. Bác Ba lột chiếc khăn choàng tắm đang bịt khấc trên đầu, trải ra, để gạo vào, quấn chiếc khăn lại thành một cục. Thằng Đậu thấy vậy lấy làm lạ, hỏi:

 

- Túm gạo vô khăn chi vậy ông nội ?

 

- Chiếc khăn thay cho cái nồi nấu cơm.

 

- Nhưng ông nội nấu cơm bằng chiếc nồi vải, lửa cháy mất còn gì?

 

Mặc cho thằng Đậu hoài nghi, bác Ba cứ lặng thinh. Bác dạy con cháu bằng thực tiễn: cái gì chúng thấy lạ, muốn học thì cứ theo dõi mà học, nhất định không dạy lý luận suông. Bởi vậy thằng Đậu cứ ngồi nhìn. Bác Ba dùng mũi mác cắm sâu vào lớp đất mùn, rọc thành một vòng tròn rồi khoét lấy một khối lớn đất bằng cái tĩn đựng nước mắm, bỏ ra ngoài. Bác tiếp tục moi đất tạo thành một cái hố tí hon có chiều sâu độ một gộc tay. Chốc sau, nước rừng đỏ au từ bốn phía rịn vào cái hố nhỏ của bác và không lâu, nước lên đầy lòng hố. Sau đó bác Ba cho túm gạo xuống để ngập nước thiêm thiếp mặt khăn, rồi bệt bùn tô lên dày độ một lóng tay. Cái giếng nhỏ mới đây đã trở thành cái mồ chôn bọc gạo.

 

- Bây giờ ông cháu mình đi bẻ nhánh cây khô chất lên trên cái "nấm mồ gạo" này, nổi lửa đốt một hồi sẽ có cơm ăn.

 

Bác Ba phủi phủi tay cho lớp đất mùn rơi đi. Thằng Đậu mới ngớ người ra, và hiểu cái cách nấu cơm thời thượng cổ của ông nội nó. Đậu vỗ tay khen:

 

- Ông nội tài tình hết cỡ !

 

Được cháu nội khen, bác Ba mỉm cười sung sướng:

 

- Ở cái miệt này, trong đời sống hàng ngày con người phải luôn moi đầu óc ra tạo mọi điều kiện thích nghi để đối phó với thiên nhiên, với thiếu thốn.

 

Ông cháu bác Ba Phi bỏ củi khô xếp đống. Chốc sau thằng Đậu gộp lại mọt bó ôm về để chỗ cái mả chôn túm gạo. Sau đó bác Ba trở vô nổi lửa lên nấu cơm. Thằng Đậu còn phải ở lại bẻ thêm củi.

 

Thấy chỗ gốc cây trâm có nhiều nhánh khô gãy rụng, thằng Đậu rề lại lượm. Đang lom khom, bỗng Đậu nghe có tiếng động trên tán cây. Giật mình nhìn lên. Đậu thấy một con trúc lớn, vảy đen ô đang moi ổ kiến mà ăn. Tế là nhà ngươi nộp mạng cho ông rồi ! Thằng Đậu nghĩ thầm, cầm một que củi rón rén đến gần phang mạnh vào con trúc, hô lớn:

 

- Chết mầy chưa ?

 

Tức thì một cục tròn vo bằng trái dừa khô từ trên ngọn cây trâm rơi xuống cái đụi trước mắt thằng Đậu. Đậu nhảy lại ôm gọn con trúc vào lòng. Ở rừng U Minh này loại trúc thường hay đi bươi phá tổ kiến, nó giương vảy cho kiến bám vào thật nhiều rồi xếp lại, chạy đo tìm bàu nước lạn xuống xòe vảy ra, khi kiến nổi lên mặt nước thì trúc nổi lên theo, vớt kiến mà ăn.

Thằng Đậu ôm con trúc chạy về khoe với ông nội:

 

- Tại sao người ta nói hai cái rế nhắc nồi phá được bùa giải tỏa của con trúc, hở nội ?

 

- Có bùa phép gì đâu. Khi con trúc cuốn tròn, người ta bó vào hai cái rế ốp lại vừa khít, trúc làm sao bật đầu ra được mà tìm cách trốn chạy ? Mặc dù bốn chân trúc có nhiều móng bén, nhưng khi toàn thân bị co tròn, trúc thò chân ra cào cấu lọt theo lỗ mặt rế, chỉ bươi vào khơi khơi không có điểm tựa. Thế là trúc đành chịu chết vậy.

 

- Vậy sao người ta nhốt trúc trong cái lu, úp trên bộ ván gõ, trúc cũng dùng bùa giải tỏa mà chui ra được.

 

- Đầu trúc nhỏ, mỏ trúc nhọn, vảy trúc đóng xuôi và trơn. Bình thường trông như thân trúc tròn,  chứ khi trúc chui ra chỗ hẹp thì dẹp lép. Khi đầu trúc dùi ra được, với bốn chân có móng sắc cứ bấu chắc lôi thân mình tới, trúc sẽ lọt ra ngoài. Bởi người ta thường nói "đầu xuôi đuôi lọt" là chỗ đó.

 

Thằng Đậu không chất vấn ông nội nữa, ném con trúc xuống trước mặt bác Ba, rồi chạy đi:

 

- Cho ông nội "trái dừa khô" đó !

 

Bác Ba cười khà khà !

 

Vậy là có mồi nhậu rồi.

Thằng Đậu đi bẻ thêm củi khô. Con Đuổi có vẻ mệt vì trải qua một buổi vất vả, cứ nằm lì đưa mỏ hửi hửi con trúc.

 

Bác Ba dùng một lá chuối nước khung lại thành hình chiếc gàu, cắt cổ con trúc cho huyết chảy vào đó. Bác Ba bẻ nhánh trâm làm đũa, đánh cho huyết sủi bọt, gạt bỏ một số huyết đông thành những sợi chỉ. Đoạn bác móc túi lấy một bọc giấy kiếng có đựng mấy viên thuốc "men pha rượu". Bác dùng một viên bỏ vào tô huyết trúc, khuấy sơ qua, chén huyết bốc hơi nghi ngút, tỏa mùi thơm ngát, bác Ba bưng huyết uống hết nửa tô, dành phần còn lại cho thằng Đậu. Thứ huyết trúc uống bổ phải nói: Chí cường lực tăng ! Xây xẩm mặt mày, vàng da thiếu máu uống vô là hồng hào tươi trẻ. Sau đó bác Ba xô xác con trúc vào ngọn lửa thui cho thật đều rồi tuột bỏ lớp áo giáp của nó. Chỉ trong một loáng, bác mổ rửa sạch sẽ, chặt thân con trúc ra làm tư, dùng nhánh trâm xiên ngang, khơi than, kê lên bếp nướng.

 

Trong lúc bác Ba Phi lui cui làm thì ngoài trảng dớn, thằng Đậu vác một ôm củi chạy vào, gọi thất thanh:

 

- Ông nội, ra xem này !

 

Chạy chưa tới, thằng Đậu quăng ôm củi bừa xuống bên ông nội, mặt mày nó xanh mét cắt không còn chút máu. Đậu nắm tay ông nội lôi ra trảng, vừa thở hào hển vừa bảo:

- Ông nội xem kìa ! Có một thân cây ngả nằm dưới dớn lớn bằng chiếc ghe ngo, còn mấy nhánh chà ló lên, con định bẻ vô chụm nhưng bẻ hoài không gãy.

 

Bác Ba còn phải quay lại trở mấy miếng thịt trúc trên lửa cho chín đều. Bác thủng thẳng bảo:

 

- Thì vậy có gì lạ đâu ?

 

- Lạ ở chỗ thân cây có một lớp vỏ mềm mại, trơn chuồi mà lại dai nhách.

 

Bác Ba nghe mà tức cười. Nhưng bác cũng chiều ý cháu, theo nó ra trảng để xem thử. Bác Ba ngẫm nghĩ và bảo thầm:

 

- Hay là loại ghe Ô, ghe Sa thời giặc Xiêm La đánh thua Nguyễn Huệ chúng bỏ lại, có thể họ bọc một lớp nhung hóa chất gì đó nên chưa mục, bởi vậy thằng Đậu bảo vừa mềm vừa trơn và vừa dai chớ gì.

 

Con Đuổi chạy theo bên chân hai ông cháu, nhưng dọc đường nó vụt kêu lên ăng ẳng rồi cúp đuôi, xếp tai nằm mẹp không đi nữa. Lấy làm lạ, bác Ba đến nâng bổng bốn chân nó dậy, con Đuổi mới chịu đi tiếp. Nhưng nó cứ luấn quấn bên chân hai ông cháu bác Ba và bộ tướng rất cóm róm. Cách vài mươi thước tới chỗ thân cây đổ, con Đuổi nhất định nằm lại và rên la thảm thiết. Bác Ba nổi giận bỏ con Đuổi lại, dắt thằng Đậu đi tới. Bác lầm bầm mắng con chó là đồ "bể rừng". Con Đuối thấy chủ cứ đi tới, nó lăn ra giữa đường, kêu la dường như là bảo chủ phải dừng lại ngay. Thấy con chó làm kiểu kỳ lạ, bác Ba sinh nghi, bảo thằng Đậu trở lại chỗ nấu cơm lấy vũ khí ra. Bác tin rằng ngoài trảng dớn cao chưa qua đầu thì chẳng có gì phải nguy hiểm. Có lẽ con Đuổi gần ngày sanh con, tinh thần hay hoảng loạn, và vừa rồi nó mới bị rắn hổ mây nuốt nên ê ẩm cả người. Mặc cho con Đuổi kêu vang, bác Ba lượm cây mác xốc tới, thằng Đậu cầm mũi dáo theo sau. Đến gần mục tiêu, thằng Đậu ra dấu cho ông nội dừng lại. Đậu chỉ thân cây để cho ông nội xem. Bác Ba mọp người, móc túi lấy cây kiếng đeo lên mắt, nhìn. Thân cây ngả nằm khuất dưới lớp lá dớn khô, chỉ có mấy nhánh trùi trũi nhô lên lấp ló. Bác Ba men tới thêm mấy bước nữa. Chợt bác đứng lại, phì cười:

 

- Mấy cái chà gạc nai !

 

Thằng Đậu chưa thật tin, chạy lại rờ xem. Quả thật, bốn cặp chà gạc nai từ trong thân cây chỉa lên. Lạy trời ! Thân cây thì làm sao trổ ra chà gạc nai được ? Tức mình, thằng Đậu đâm một dáo vào thân cây. Bất thần Đậu bật ngửa ra lăn tròn mấy vòng tới bên chân ông nội, hước hơi lên mấy cái gần như sắp chết giấc. Bác Ba vội ôm đứa cháu trấn tĩnh nó:

 

- Bình tĩnh, có ông nội đây !

 

Mặc cho ông nội động viên, thằng Đậu cũng cứ la ú ớ, vì nó khiếp đảm quá mà thất thần á khẩu. Một lúc thật lâu mới hổn hển, thét lên:

 

- Con rắn hổ mây nằm kia kìa !

 

Bác Ba không tin, bảo:

 

- Loài rắn hổ mây không bao giờ nằm đầu sát mặt đất, kể cả lúc chúng ngủ cũng dựng đứng nửa thân lên.

 

Sợ cháu không tin, bác Ba dắt nó đến bên mấy bộ chà gạc nai bảo xem kỹ lại để chứng minh lời mình nói là sự thật. Bây giờ thằng Đậu mới có dịp xem kỹ hơn. Quả là một con trăn gió nằm chình ình khuất dưới lớp lá dớn, thân hình to bằng một cây cổ thụ. Vậy mà nãy giờ cứ ngỡ một thân cây đổ ! Con trăn gió đã nuốt một lượt bốn con nai vào bụng, gạc nai đâm thủng lưng xuyên ra ngoài lởm chởm. Nghe có tiếng động, con trăn từ từ bỏ đi, trông nó như một chiếc ghe có những cột buồm kỳ lạ.

Anh Động
Số lần đọc: 3091
Ngày đăng: 19.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi cuối đường - Nguyễn Thị Diệp Mai
Mảnh vụn - Ngọc Hiệp
Chim Nhạn trở về - Nguyễn Thị Diệp Mai
Lửa cháy phía Phương Thành - Nguyễn Thị Diệp Mai
Đại ca Bầu - Nguyễn Thị Diệp Mai
Quên - Thu Trang
Hư ảo cuộc đời - Thu Trang
Quê ngoại - Thu Trang
Ông Mười - Nguyễn Trọng Tấn
Con khỉ nhà 3B - Thảo Bích
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)