Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.165
123.224.250
 
Chuyện sót lại của thiên niên kỷ trước
Trung Trung Ðỉnh

Thân tặng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán

 

Té ra tạo hóa luôn luôn đùa giỡn với sự rắc rối quanh co của con người. Bản thân sự việc thì đơn giản mà các câu chuyện được con người đặt lại rắc rối, quanh co. Cũng bởi tại con người, dù không muốn, nhưng vẫn cố truy tìm cho ra sự thật. Mà sự thật nào có ở đâu xa. Sự thật luôn quẩn quanh trong tâm tưởng và trong cuộc sống hàng ngày của ta.

 

Vâng, đấy là triết lý của anh Quang, nhà nghiên cứu văn học dân gian, người chuyên sưu tầm, dịch thuật các trường ca cổ của dân tộc JRai ra tiếng Việt, một nhà dân tộc học trẻ tuổi nhưng có nhiều kinh nghiệm điền dã mà tôi rất khâm phục, khi anh thấy tôi và anh Đức tình cờ gặp lại Rơ Chăm Nhất, người bạn thân của chúng tôi thời chiến tranh, nay đã trở thành già làng, thành người hát kể nổi tiếng của vùng cư dân tận sâu hút trong một ngôi làng hẻo lánh, giáp với biên giới Campuchia và Lào. Tôi phải kể thêm về anh Đức và cả anh Nhất nữa, để bạn đọc dễ hình dung ra sự rắc rối của câu chuyện do họ “đặt ra”. Vâng, nhìn anh Đức, ta có thể thấy ngay anh là người thế nào, bởi bộ quân phục tàu tàu, cùng cái máy ảnh chỉ chụp được đen trắng cà khổ thời chiến tranh còn lại. Anh Đức chuyên chụp đen trắng và kiên quyết rửa ảnh theo kiểu thủ công, là tác giả nổi tiếng của những tấm hình được giải quốc tế liên tục. Câu chuyện quẩn quanh trong hai anh, thêm tôi là người chứng kiến, “ngậm miệng ăn tiền!”. Sở dĩ tôi gọi cuộc hội ngộ này là cuộc gặp tình cờ vì trước khi ngẫu hứng theo anh Quang đi vùng sâu vùng xa, thực lòng cả tôi và anh Đức đều không ai nhắc nửa lời tới cái tên Rơ Chăm Nhất, khiến anh Quang cứ ngớ người ra. Hơn hai chục năm nay ông Nhất vẫn ở đây, làm đội trưởng đội chiếu bóng lưu động, làm phó phòng, trưởng phòng, rồi về hưu. Nổi tiếng nhất vùng vì có trí nhớ siêu việt, thuộc nằm lòng không biết bao nhiêu bài hát cổ, câu chuyện cổ. Còn bác Bình, bác vẫn ra ra vào vào như cơm bữa. Bác Đức thì khỏi nói, không chỉ nổi tiếng ở trong tỉnh, trong nước, mà còn nổi tiếng khắp thế giới. Một trong ba người các bác, chỉ cần hú một cái là có thể gặp nhau ngay! Vậy mà... Tệ quá! Tệ quá!...

Tệ thì kể cũng có tệ thật, nhưng quá thì chưa chắc! Bởi hồi ấy Rơ Chăm Nhất và Đức cùng thuộc diện phải ra quân, họ tuy đều không có ý định chạy trốn sự thực, nhưng danh sách ra quân không ai chối bỏ được, bởi lúc cấp trên người ta đã rờ đến gáy mình mà chần chừ xin xỏ là không thể được. Lòng tự trọng của người lính khiến cả hai anh cùng hát bài “trâu ơi ta về đồng cỏ mênh mông...”, tuy mỗi người mỗi cách. May mà hồi ấy anh Đức yêu được chị Tình, nhà chị có cửa hàng in tráng phim, làm ảnh màu đầu tiên khi thành phố Pleiku còn gọi là thị xã. Chị cũng là thợ chụp hình, vì mến anh và cả vì thương anh nghèo, lại có tài, mỗi lần anh tới mua phim, mua thuốc ảnh, chị đều trừ phần trăm, mới đầu mười, sau nâng lên hai mươi rồi đến bao cấp trăm phần trăm luôn! Ở đời trong rủi có cái may là thế. Sau này căn tiệm ảnh màu nổi tiếng của gia đình chị dành cho chị tất, vì ba má và vợ chồng người anh xuống Sài Gòn làm ăn cùng bà dì, ông bác. Thời bao cấp tem phiếu, cái gì cũng khan hiếm. Phim giấy ảnh càng khan hiếm tợn. Anh ú ớ bao năm chẳng biết làm ăn gì, nhưng lại có quan hệ rộng, thành thử được việc. Mỗi quý anh ra Hà Nội, vô Sài Gòn một đôi chuyến, nhờ bạn bè mua tận gốc về cho chị hành nghề. Anh kiên quyết không buôn bán và kiên quyết không chụp hình ma chay cưới xin. Việc ấy là của chị. Chị tần tảo nuôi chồng, nuôi hai đứa con nhỏ và cả cái máy ảnh chuyên chụp vẩn vơ đen trắng của anh. Vậy mà rồi mọi chuyện cũng êm. Còn anh Nhất, hồi ấy dẫn vợ về huyện, được tổ chức gợi ý nếu muốn làm cán bộ chiếu bóng tiếp thì phải đi học ba tháng. Thế là anh đi. Anh cho rằng mình gặp may, may hơn cả Đức và H’Iên, cô vợ mới cưới theo kiểu con Kinh, ngày trước là người yêu của Đức, sau chuyển thành người yêu của anh. Câu chuyện tình giữa hai người đàn ông này với cô chị nuôi Rơ Lan H’Iên tựa như chuyện bịa tạc, bởi H’Iên đâu biết anh Đức nó có tình yêu với mình. Cô chưa bao giờ nghĩ tình yêu lại có từ phía anh Đức bởi tính anh lúc nào cũng quàu quạu, mặt anh lúc nào cũng nhăn nhăn. Anh là kẻ bị kỷ luật vì chụp hình lén con gái tắm truồng, đồng bào phạt, đơn vị kỷ luật, tiếng đồn xấu về anh cả tỉnh ai không biết? Chính vì án kỷ luật nên anh mới không được ra phía trước, quanh năm làm rẫy, gùi hàng.

 

Tôi sẽ không bao giờ kể chuyện này ra, nếu bây giờ chính anh Nhất, khi đã trở thành già làng, và cả anh Đức nữa, hai người không tự kể ra. Các anh “hồi ký lại” còn tôi và Quang cùng Rơ Lan H’Iên thì ngồi nghe, bên ghè rượu cần. Thỉnh thoảng thấy mọi người mải chuyện quên ăn uống thì H’Iên vít cần thúc khách m’nhâm! (uống). Vâng, bây giờ H’Iên đã trở thành bà mẹ của hai chàng trai, một nối nghiệp cha, tức là đi bộ đội, một đang làm thư ký gì đó của xã, cũng cỡ tuổi chúng tôi hồi trong rừng, nhưng xem ra có vẻ tồ tẹt hơn. Hình như chiến tranh khiến chúng tôi trưởng thành trước tuổi. Tôi nhớ hồi ấy, từ hôm về chỗ sản xuất phía sau cùng tôi, gặp Rơ Lan H’Iên, bỗng dưng anh Nhất trở thành một anh Nhất hoàn toàn khác. Anh suốt ngày tự cho phép mình quẩn quanh bên bếp chị nuôi, chỉ trừ lúc nửa đêm về sáng, ngẫu nhiên nổi hứng trổ tài đi săn, anh xách súng đi là đi cho kỳ bắn được con gì đó mới về. Còn anh Đức, nhìn anh đã thấy chán đời, anh là người Kinh duy nhất nếu không có tôi về. Sau này ở với nhau tôi mới biết, anh Đức yêu thầm nhớ vụng Rơ Lan H’Iên, yêu mà không dám nói là yêu, cứ len lén tìm cách chụp hình khi cô đang tắm bất chấp ba lần bị kỷ luật. Cái máy ảnh cổ lỗ của anh hồi ấy không ai biết sử dụng, không ai coi đó là của quý trừ phi thỉnh thoảng lắm anh Đức mới chụp cho tập thể một pô làm kỷ niệm. Chúng tôi gọi anh là Đức-ki-bo, Đức-gàn vì thế. Mãi sau này mới hiểu do quan niệm cực đoan, anh đã liệt mình vào hàng ngũ nghệ sĩ nên không thể chụp ảnh vặt, không thể dùng xe tăng để giết ruồi, anh nói một cách kiêu ngạo và đáng ghét thế. Khổ nỗi, anh Đức rình H’Iên tắm để chụp hình thì không ai biết, nhưng chính anh lại phải chứng kiến cảnh H’Iên và Rơ Chăm Nhất, một người giả bộ đi hái măng để xuống suối IaPiar tắm, ngồi chờ người kia. Người kia giả đò đi kiếm củi giúp chị nuôi, thực ra là tới điểm hẹn. Họ ào vào nhau không còn biết trời đất là gì khiến anh Đức rụng rời chân tay bỏ chạy, theo anh Đức kể là, lần đầu thì chạy về lán, nghĩ ngợi, buồn chán cả đêm, lần sau quyết định rình chụp hình lúc họ yêu nhau. Nhưng chụp được vài kiểu, khi rửa ảnh, tự nhiên run tay quá, thấy mình thấp hèn quá, anh bèn lặng lẽ hủy cả phim và ảnh, làm như mọi chuyện không có gì. Nhưng anh không thể để riêng trong bụng cái cục ấm ức, cái cục buồn nản ấy trong lòng, nên mới gọi tôi tới lán hầm của anh, mở một lô một lốc ảnh “nuy” cho tôi xem. Đó là lần đầu tiên tôi nghe từ “nuy”, và được xem những tấm ảnh H’Iên trong đủ các tư thế. Anh soi đèn pin, bí mật cho tôi thưởng thức một cách đầy khoái cảm. Chao ôi là anh Đức! Tôi kinh ngạc về cái trò rồ dại của anh. Nghệ thuật gì mà chụp hình con gái cởi truồng!? Tôi không thể ngờ anh đồi bại thế, tôi phản ứng và bị anh gằn cho một trận rằng, tao tưởng mày có văn hóa hơn thì mày phải hiểu, nhưng tao cũng không ngờ. Thôi đành chịu vậy, tao phải dặn mày là, nếu mày để lộ chuyện này ra, tao nói thật, tao không sợ kỷ luật, nhưng sợ cô ấy không chịu nổi, cô ấy mà tự tử khi thấy những tấm ảnh này thì tao suốt đời là con chó! Không, tôi không để lộ, nhưng từ đây tôi coi anh là tên đồi trụy, là thằng đào ngũ không hơn không kém. Tôi khinh anh! Anh cúi gằm mặt xuống khi nghe tôi nói những lời ấy. Tôi bỏ anh lại trong cái lán hầm ẩm thấp và hôi hám theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhiều ngày sau khi được xem những tấm hình H’Iên, tôi cứ bị ám ảnh bởi những đường cong và thứ ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Tôi không cho phép mình liên tưởng bậy bạ, nhưng thỉnh thoảng gặp cô gùi sắn từ rẫy về, gùi rau xuống suối rửa, tôi thoáng thấy trong đầu mình một ánh chớp từ nơi bắp vế cô tỏa ra khi chiếc máy ghi hình nhấn nút. Nghe đâu trước khi về đây hắn từng là phóng viên nhiếp ảnh của tờ báo mặt trận, bị kỷ luật vì lén chụp ảnh mấy cô văn công tắm suối cởi truồng. Lộ. Hắn bị mặt trận kỷ luật đưa về đơn vị cấp sư đoàn chụp ảnh tư liệu. Ảnh tư liệu hắn chụp được chăng hay chớ, nhưng lại bị dân bản tóm được trong khi đang rình lũ con gái tắm bên vòi nước, tất nhiên là không quần không áo. Đồng bào phạt, đơn vị kỷ luật hạ hết sao gạch từ chuẩn úy xuống trung sĩ rồi từ trung sĩ xuống lính trơn, và đẩy về phía sau sản xuất! Đấy, một cái lý lịch nhem nhuốc như vậy mà cấp trên vẫn không xử lý dứt điểm. Ai vẫn cho hắn cầm máy chụp hình? Ai cung cấp phim, cung cấp thuốc ảnh cho hắn? Bao nhiêu câu hỏi được tôi đặt ra và tôi đề đạt với anh Nhất. Anh Nhất bảo mình không biết. Chụp hình thì làm được gì ai mà phải lo?

Đúng là chẳng làm được gì ai, nhưng cái hắn làm được anh đâu có biết! Nó còn tệ hại hơn cả hủ hóa, hơn cả những người bị kỷ luật vì tội quan hệ nam nữ lung tung! Tôi không thể hình dung nếu tôi để lộ ra cho anh biết thì sự thể sẽ thế nào nhỉ? May mà đánh đùng một cái, chuyện mới đến đấy thì liên tiếp nghe tin quân ta thắng lớn ngoài mặt trận, giải phóng Tây Nguyên rồi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đơn vị chúng tôi kéo về thị xã, tất nhiên cánh lính phía sau cũng được về theo, chuyện anh Đức thành ra chuyện vặt, chẳng ai buồn nhắc tới nữa, bởi chúng tôi được đơn vị cho tự do đi tìm việc, bằng không thì chờ ngày ra quân. Rơ Lan H’Iên về trước tiên. Cô về mà anh Rơ Chăm Nhất không kịp biết vì anh được thủ trưởng đơn vị gọi lên hướng dẫn gấp cho làm thuyết minh chiếu bóng từ tiếng Kinh ra tiếng dân tộc. Anh phải đi phục vụ liên miên, không có thời gian dừng lại. Rơ Lan H’Iên về làng được đâu ba bốn tháng thì biết mình mang thai, cô ra thị xã tìm Rơ Chăm Nhất, không gặp Nhất mà lại gặp Đức. Đức dẫn cô lên gặp thủ trưởng đơn vị, đơn vị đã sát nhập vào một đơn vị khác, nhưng vẫn tìm được vài người và may mắn thay, Rơ Chăm Nhất đang làm thủ tục ra quân vì đội chiếu bóng cũng đã giải thể. Đức bảo Nhất là “tao đem trả nó cho mày”. Nhất mừng quá báo cáo tổ chức cho anh “bắt vợ” trước khi về quê. Đơn vị bỏ qua chuyện “bậy bạ” của anh, hơn thế, còn tổ chức liên hoan cho anh chu đáo, bạn bè gọi vui anh là Nhất-ăn-cơm-trước-kẻng! Lần đầu tiên Đức chụp hình đám cưới và đó cũng là lần cuối cùng, Đức bảo với tôi thế.

Thoắt cái, vậy là chúng tôi đã xa nhau hơn hai lăm năm trời! Chuyện cũ nhắc lại sao cứ như vừa mới hôm qua? Không ngờ những bức ảnh anh Đức chụp H’Iên ngày nào bây giờ vẫn còn nguyên vẹn. Anh mở cặp lấy ra cho cả nhà xem. Không ai có thể tưởng tượng được cái bà H’Iên ngồi đây, ngày xưa lại đẹp đến thế này! Hai gã trai yêu bà ngày xưa bây giờ thành hai ông già tóc trắng, một người vẫn mộng mơ ngơ ngẩn với cái máy chụp hình cà khổ, còn một người hai chục năm qua lặn lội khắp các buôn làng quanh vùng, cóp nhặt hàng trăm bài hát cổ, hàng chục bản trường ca cổ mà ông gọi là H’mon...

Đón mừng năm mới, tôi chép ra đây thành cái truyện này, tặng các bạn tôi, bởi vì, câu chuyện ấy là của thế kỷ trước, của thiên niên kỷ trước, và bởi vì, nó không còn là chuyện bí mật quan trọng của riêng chúng tôi nữa.

Trung Trung Ðỉnh
Số lần đọc: 3179
Ngày đăng: 25.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đạo bùa hoá giải - Đỗ Trí Dũng
Bên kia giấc mơ màu hạt dẻ - Nguyễn Quỳnh Trang
Ở xứ vô loài - Nguyễn Đình Tú
Thẩm tranh - Lê Anh Hoài
Cơn mưa hoa mận trắng - Phạm Duy Nghĩa
Căn phòng thiêu thân - Bích Khoa
Tín hiệu trong đêm - Hoàng Ngọc Thư
Ngày cuối cùng của Dâm phụ - Trần Thị Trường
Đêm hóa thạch - Tạ Duy Anh
Người đất - Hoàng Ngọc Thư