Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.215.453
 
Nhà thơ Quang Dũng: Cẩn tắc vẫn... áy náy!
Phạm Nhật Linh

Trái ngược với vóc dáng cao to, hùng dũng và cái tên gọi cũng rất đỗi... oai phong, sinh thời, nhà thơ Quang Dũng lại là người khá... "nhát gan". Thậm chí, quá ư cẩn thận và hay... lo cũng là một nét đặc trưng tính cách của ông.

 

Theo nhà thơ Yên Thao cho biết, trong ăn uống, Quang Dũng rất ngại gắp những thức ăn lạ. Ông nhìn chúng bằng con mắt cảnh giác, như thể ăn vào là bụng ắt... sinh chuyện. Ở nông thôn, mỗi lần đánh răng ông lại đi xin nước đun sôi về dùng chứ không chịu dùng nước giếng.

 

Quang Dũng và Trần Lê Văn là đôi bạn thân. Hồi kháng chiến chống Pháp, mỗi lần đi công tác, các ông thường ủ nhau đi cho có đôi. Trần Lê Văn có đặc tính là đi đêm sợ cọp; Quang Dũng đi ban ngày thì sợ máy bay. Thành thử, để đi được cùng nhau, họ thường rủ nhau đi lúc chạng vạng, tranh tối tranh sáng. Có những cung đường vắng vẻ, bọn cướp hay ẩn náu bên đường để ra đòn phủ đầu đối với khách xa. Quang Dũng rất sợ gặp phải bọn này nên ông đã nghĩ ra một mẹo. Vừa đi đường ông vừa lẩm bẩm (cốt để ai đó đang rình núp nghe thấy): "Bảo đợi người ta thì chẳng đợi. Có tiền mang đi hết, để người ta không còn xu nào. Đói bỏ mẹ!". Ông bảo phải ráo trước như vậy mới có cơ thoát nạn.

 

Sinh thời, Quang Dũng có chiếc xe đạp nhưng rất ít khi ông cho ai mượn. Mỗi lần đi đâu về, bê lên nhà, ông đều lấy dây thừng cột chặt. Có lần, cùng nhà văn Kim Lân từ nơi sơ tán về HN, mặc dù đường xa nắng gắt nhưng ông tỏ ý không muốn đèo ông bạn vàng, dù rằng nhà văn Kim Lân cũng thuộc vào hạng thấp bé nhẹ cân. Không phải ông tiếc gì bạn ông đâu mà vì ông lo đèo 2 người thì... bục lốp.

 

Thời kỳ không khí văn nghệ ở ta còn chưa được thật cởi mở, các bạn trẻ đến chơi với ông ở nhà xuất bản Văn học, hễ ai đó nhắc tới bài thơ "Tây Tiến" trứ danh của ông là ông lại ái ngại vô cùng. Có lần, ông phát hoảng lên kêu cầu một người hãy "vặn nhỏ volum" khi anh này cao hứng ngâm nga mấy câu: "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" từng bị xem là "rơi rớt" quan điểm tiểu tư sản của ông.

 

Nhà thơ Trần Lê Văn kể, có lần gặp người tình cũ ở HN Quang Dũng ngây ngất làm một mạch mấy bài thơ "Không đề" và vì sợ "lộ bem" với bà xã, ông đã "gửi nhờ" chúng trong sổ tay của Trần Lê Văn. Thế rồi không hiểu ngẫm ngợi sau trước thế nào, có lần ông đến xin lại để hủy đi. May mà Trần Lê Văn nhất quyết không nghe và nhờ thế mà sau này bạn đọc mới biết bài thơ "Không đề" tài hoa in trong tập "Mây đầu ô" của Quang Dũng.

 

 

Nhà nghèo, chỗ ở chật chội, bề bộn, song Quang Dũng cũng không sốt sắng việc sắp đặt sao cho ngăn nắp. Ông muốn đồ đạc lủng củng mỗi nơi một thứ để kẻ trộm nếu đột nhập vào nhà thì kiểu gì cũng sẽ va vấp, phát ra tiếng động. Chính vì vậy, một lần bạn thơ Ngô Quân Miện đến chơi. Khi ông vào tận gian trong thì Quang Dũng mới hay. Quang Dũng giật mình hỏi ngay: "Thế ông vào tận đây mà không... va đụng vào thứ gì à?". Rồi cứ thế nhà thơ luôn miệng thắc mắc: "Lạ thật, lạ thật!"

 

Cũng theo nhà thơ Ngô Quân Miện thì trong những năm Mỹ đánh B52 ác liệt, một lần nhà thơ Quang Dũng đèo cháu bé con trai Ngô Quân Miện về quê. Cứ đi được 10 cây số 2 bác cháu lại dừng lại đi vệ sinh một lần và lần nào ông cũng phải tìm chỗ có hầm trú ẩn mới chịu dừng xe.

 

Do bộ dạng cao lớn, gương mặt râu ria, nên cũng đã có lần đi công tác địa phương, Quang Dũng bị anh chị em dân quân "bắt sống" vì ngỡ là... phi công Mỹ đang trên đường lẩn trốn. Mọi sự sau đó cũng được giải quyết ổn thỏa, Quang Dũng nói với vẻ sợ: "May mà tôi chưa bị tra tấn".

 

Tóm lược về tính cách cẩn thận, lo nghĩ một cách thái quá của Quang Dũng (có báo in bài về Quang Dũng, đã đặt cái tít là "Cẩn thận quá đáng"), nhà thơ Vân Long, người bạn thuộc thế hệ hậu sinh của ông đã đúc kết bằng một câu của nhóm văn nghệ sĩ xứ Đoài về tác giả "Tây tiến" như sau; "Đó là một người hễ mở cửa sổ khi ngủ thì sợ trúng... gió độc, mà đóng kín cửa thì lại sợ bị... ngạt hơi".

 

Ảnh : Nhà thơ Quang Dũng –Theo văn nghệ công an

Phạm Nhật Linh
Số lần đọc: 2552
Ngày đăng: 27.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về “thị trấn văn chương” - Quang Thiện
Kín mà... hở!? - Tú Ngai
Văn Xương Các Vĩnh Long - Bình Tam Lê
Lẳng lơ ? Chính chuyên ? - Trần Tuyết Lan
Về sự thờ sách - Jorge Luis Borges
Kỷ niệm 100 năm Đông Kinh nghĩa thục (1907-2007): Một bài thơ khai sáng thế kỷ - Trần Thanh Đạm
Cafe Văn học tháng 7 của Hội đồng Anh - Inrasara
Phấn hương rừng thơm mãi - Hà văn Thùy
Nhân có cuộc thi thơ Haiku. - Lê Anh Thu
Một đốm lửa thơ - Trần Kiêm Ðoàn