Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.945
 
Bác Ba Phi : Kho lương thực của két và chiếc tàu bằng xương
Anh Động

Mấy chục bà con giúp bác Ba Phi đến mấy ngày mới "bó" xong mười công lúa sa-mo ngập nước. Sau đó mươi hôm, lúa ló đọt lên khỏi nước. Tuy trải qua một cuộc sống ngầm trong lòng nước, lúa vẫn xanh um.

 

Một thời gian nữa, lúa bắt đầu trổ. Và chỉ trong vài ngày, mười công lúa sớm của bác Ba trổ rộ như mâm xôi, mặc dù từng bụi của nó vẫn còn bi bó siết trong vòng dây tranh.

 

Một bữa, bác Ba ra thăm ruộng về bảo với thằng Đậu rằng mười công lúa sa-mo đã vàng mơ hết rồi. Lúa trúng vô kể: bông dài, trái nẹo, ngọn xây đụn trông tựa lúa quây trong đệm. Như thế phải vào miếng ruộng cất một cái chòi để chuẩn bị kêu thợ gặt vào thu hoạch.

 

Sáng ngày, bác Ba bảo thằng Đậu:

 

- Vác búa đi cùng ông nội ra miếng ruộng đốn cây cất một cái chòi !

 

Độ này ngơi mưa, nước đồng cũng giựt cạn, ông cháu bác Ba kẻ vác búa, người xách liềm hái lội bộ ra miếng lúa sa-mo. Họ định vừa đốn cây dựng chòi, vừa cắt tranh lợp mái luôn. Trên đường đi, hai ông cháu lý quốc với nhau:

 

- Mười công lúa sớm nầy chắc thu hoạch được hai trăm giạ.

 

- Có nghĩa là bốn tấn một héc-ta hở ông nội ?

 

- Không phải. Đằng này là công tầm ba thước: tầm ta, còn tính theo héc-ta tầm hai thước sáu  ba ba: tầm tây.

 

- Thằng Tây vô cướp nước mình nó cũng vác tầm theo nữa hở ông nội ?

 

- Cái thằng này tối dạ như đêm ba mươi. Tầm tây là tầm điền, tầm ta là tầm cấy, biết chưa ?

Câu chuyện hai ông cháu vụt nín ngang, họ bàng hoàng trước quang cảnh thay đổi kỳ lạ ! Mười công lúa chín mới hôm qua còn trông vàng rực, tại sao bữa nay lại đổi màu xanh lục và cứ xạo xự như đang có một cơn dông ?

 

Bác Ba chỉ tay bảo thằng Đậu:

 

- Mắt tỏ, mày xem !Xưa nay lúa xanh chín tới hóa vàng, đằng này lúa vàng lại hóa màu xanh ?

 

Tuy bảo cháu, nhưng bác Ba cũng móc túi  lấy cây kiếng soi ra đeo lên mắt để xem. Thằng Đậu vụt thét lớn:

 

- Chết rồi ông nội ơi ! Bầy kéc đang bu ăn, đậu lợp kín đám ruộng của mình !

 

không ai bảo ai, hai ông cháu chạy ào tới, thét to:

 

- Chúng mày đâu phải địa chủ, lúa mới vàng mơ lại kéo tới thu tô?

 

Đàn kéc trạc hà sa số nhảy nhót xôn xao. Những con kéc lớn bằng bắp tay, mỏ đỏ, ức vàng, mình xanh lá cây non cứ tranh nhau cắn đứt từng bông lúa, kêu réo om sòm. Ông cháu bác Ba đuổi xua quyết liệt. Bầy kéc hè nhau mỗi con cắn một chùm bông lúa bay lên một cái rần. Chúng đảo xây quần mấy vòng rồi hướng thẳng vào rừng U Minh mà bay. Nóng của quá, ông cháu bác Ba kẻ xách búa, người cầm liềm đuổi theo. Chạy ngang qua đám ruộng, bác Ba càng chua xót hơn ! Lúa còn trơ những rạ là rạ. Ô hô, một chục công lúa sớm trúng như bồn đã đi đới nhà ma, chẳng còn sót lại một bông. Bác Ba uất ức, chỉ liềm hái lên trời thét lớn:

 

- Ông thề đuổi theo tận hang ổ chúng mầy !

 

Thằng Đậu cũng vung búa lên thét theo:

 

- Con cũng thề...

 

Hô được mấy tiếng, thằng Đậu trượt chân té ngửa. Nó bị ông nội chạy bỏ mấy chục thước. Lồm cồm ngồi dậy, thằng Đậu cố sức đuổi theo. Bầy kéc bay ào ào xanh trời. Ông cháu bác Ba đuổi theo xồn xộn trắng nước. Chân người đuổi không kịp cánh chim bay. Chỉ một lúc ông cháu bác Ba mệt lử khử, chân hươu đá chân nai, mũi thở phì phò như kép bễ. Bầy kéc bỏ rơi hai ông cháu mỗi lúc một xa dần. Đường hàng không của kéc rộng rãi mênh mông bốn bề lộng gió mặc sức mà tung bay, khốn nỗi tuyến đường bộ của ông cháu bác Ba quanh co lùm bụi, lung đầm lầy lội. Rốt cuộc, một lúc sau đàn kéc đi mất dạng, bỏ hai ông cháu bác Ba phía sau, theo dấu những chiếc lông rơi mà lần mò định hướng.

 

Cũng không khó khắn cho lắm, ông cháu bác Ba vào tới rừng U Minh. Nơi đây là một khoảnh rừng cổ thụ. Những cây tràm gốc lớn cỡ ôm, những cây tràm "ông ngoại" cành đeo đầy hoa phong lan nhiều màu sắc. Những cây buồi thẳng đuột, thân tựa chiếc bồ đập lúa nhô cao thượng tầng, đứng lưa thưa rải rác. Khoảnh rừng nầy chân rừng trống, có nhiều lá mục chồng chất lên nhau thành một lớp mùn dầy đen đậm. Cạnh bìa rừng có một con đầm rộng, nước đỏ thẫm, chỗ đuôi con đầm là nối tiếp ngọn lung Xẻo Lá. Lung chạy thẳng ngang hậu đất của bác Ba.

 

Bấy giờ ông cháu bác Ba mới nhận ra, nếu có chiếc xuồng thì cứ bơi theo con lung này về nhà một cách thoải mái.

 

Ông cháu bác Ba đi luẩn quẩn trong khu rừng cổ thụ một lúc để tìm dấu vết bầy kéc, nhưng tuyệt đối chẳng thấy gì. Bác Ba thua buồn ngồi tựa lưng vào một thân cây buồi lớn như cái miếu Thổ Thần, mở gói thuốc bánh giồng ra vấn hút. Còn thằng Đậu thì chạy tung tăng, tìm gỡ những buồng hoa phong lan trắng muốt, tím rịm có mùi thơm ngào ngạt. Từng chùm hoa buông thả theo những cành cây lòng thòng đủ màu sắc, thấy mà ham ! Hết gỡ hoa phong lan, Đậu lại tìm bứt những lá "U Minh" màu xanh lục có nhiều cánh li ti uốn éo xếp lại thành hình chiếc quạt hoa quì. Thằng Đậu mê mải theo những món đồ chơi vô cùng thú vị của rừng, nó không đếm xỉa gì tới ông nội đang ngồi hút thuốc dựa gốc cây buồi kia.

 

- Sửa soạn long bưng lội tắt về nhà, Đậu à !

 

Nghe tiếng ông nội gọi, thằng Đậu vội chạy đến. Nó chợt thấy ông liền dừng lại kêu thảng thốt:

 

- Thánh thần ơi ! Sao đầu tóc của ông nội bạc phếu hết trơn vậy ? Ông nội ngồi chơi mà lại thay chiếc áo trắng làm chi nữa ?

 

Bác Ba ngơ ngác trước câu hỏi lạ lùng của thằng cháu. Bác chậm rãi đưa tay sờ lên mái tóc rồi hạ xuống nhìn, lại sờ lên vai áo, hạ xuống nhìn. Lòng bàn tay bác dính đầy một lớp bột trắng như phấn. Lấy làm lạ, bác đưa lên mũi ngửi. Bác Ba vụt châu mày, nôn ọe và phun nước miếng phì phèo.

 

- Mồ tổ cha, cứt chim !

 

Thằng Đậu ngửa cổ lên cười hăng hắc:

 

- Lại một lần nữa chim lấy đầu ông nội làm cầu tiêu.

 

Nhưng đang cười bò lết, thằng Đậu vụt nín bặt, và trỏ tay lên ngọn cây buồi:

 

- Không phải chim. Kéc, kéc kìa !

 

Bác Ba nhìn lên. Quả thật là một đàn kéc đông đến hàng hà sa số ! Kéc đậu tầng tầng, lớp lớp trên một thân cây buồi chết khô đứng trơ trọi tự bao giờ. Kéc có sắc lông xanh tựa lá cây và chúng cứ đậu một cách im lìm, làm cho ông cháu bác Ba Phi trông qua ngỡ là một thân cây còn xum xuê những lá tươi, cành rậm.

 

Nổi giận lôi đình cho bầy kéc vô phép, bác Ba Phi chụp chiếc búa bổ mấy nhát vào thân cây buồi chết khô, quát lớn:

 

- Ông phải đào mả cha chúng bây vì cái tội hỗn láo nầy !

 

Bầy kéc vụt bay lên một cái rần, la dậy trời đất rồi hướng về phía rừng xanh, đi thẳng, bỏ lại một thân cây buồi chết khô đến bây giờ mới hiện nguyên hình. Những nhát búa bửa của bác Ba dội ra một thứ âm thanh lạ lùng. Nếu cây buồi đặc ruột thì tiếng kêu "cạch, cạch", còn cây buồi bộng ruột thì kêu "cum, cum" như tiếng mõ, đằng nầy... Bác Ba lưỡng lự, trở đay búa nện vào thân cây mấy nhát nữa. Rõ ràng là tiếng dội nghe bình bịch như nện vào một bồ chứa đầy lúa. Bác Ba tức mình quá, trở lưỡi búa lại chém mấy nhát thật mạnh vào thân cây. Lại một chuyện bất ngờ không thể tưởng tượng nổi: Lúa hột từ trong thân cây buồi tuôn ra như suối chảy. Ông cháu bác Ba quýnh hồn đứng chết trân một hồi lâu mới hốt lúa lên xem. Hột lúa trọng ong, rõ ràng là giống lúa sa-mo mùa sớm còn tươi rói. Bác Ba liền hiểu ra, vươn vai thở khì, dẫn giải cho thằng Đậu:

 

- Đây là cái kho lương thực của chim kéc. Thân cây buồi khô bộng ruột, bên trên có những lỗ rỗng. Kéc tha hết đám lúa mười công của mình về vựa vào đây.

 

Nghe ông nội nói, thằng Đậu nổi nóng:

 

- Mẹ kiếp tụi kéc ! Hồi làm mùa cứ thả phể trên mây xanh, khi thu hoạch lại kéo cả lũ đến huy động lương thực của người ta, phải khui vựa lúa của chúng mà lấy lại cho người sản xuất.

Ông cháu bác Ba bàn cách lội về mướn xuồng vô lòi kho lúa của bầy kéc. Thằng Đậu đưa ý kiến:

 

- Ông nội về chống ghe vô, con ở đây giữ, kẻo heo rừng kéo tới ăn lúa hết. Vừa cướp lại trên tay thầy pháp lại cúng vào tay thầy chùa ức lắm.

 

Bác Ba phân tích tình hình với cháu:

 

- Lúa hột còn nằm trong bọng cây, ta lấy bổi nhét lỗ ví lúa lại rồi cùng về chống ghe.

Thằng Đậu mừng rỡ, nhưng nó lại nhắc ông nội:

 

- Nhưng mà ông nội phải đi tắm cái đã, kẻo thúi lắm !

 

Bác Ba cười gượng, rồi bẽn lẽn lội xuống con đầm trước mặt, khoát nước tắm. Bác gội đầu và xoa râu cho trôi đi những lớp cứt kéc đang tô đầy trên người. Nước đầm sâu đến cổ, màu đỏ thẫm và mát lạnh. Nước ngọt ngào làm sao ! Càng tắm bác Ba càng thấy mát mẻ dễ chịu. Bác nghe tâm hồn sảng khoái, thân thể nhẹ nhàng, khỏe khoắn vô cùng. Như quên hết tuổi già đã qua lục tuần, bác Ba cảm giác đang sống lại thời thanh niên tráng kiện. Bác tung mình quẫy nước nhào lộn mấy vòng cho thỏa thích. Nhưng sau một cái lộn mèo cuối cùng, bỗng đầu bác Ba chạm vào một vật cứng và lớn tựa bộ ngựa nằm dưới lòng nước. Mặc dù đầu bị ê ẩm, bác Ba cũng dò bàn chân sờ thử vào vật kia. Vật đó có mô hình khum khum như nấm mả, thân lớn gấp ba chiếc giường ngủ nhập lại. Không lẽ giữa đầm lầy trong rừng lại nổi cù lao ? Bác Ba sờ kỹ mép bìa của cái mô, hồi lâu bác mới thở ra cái khì và xác nhận đó là gì. Bác đưa tay ngoắc thằng Đậu.

 

Thấy ông nội gọi, thằng Đậu vội nhảy ùm xuống đầm. Sau khi nghe lời ông, lặn một hơi dài xuống nước sờ thử theo mép rìa của cái mô, thằng Đậu nổi lên la lớn:

 

- Con càng đước quá mạng, ông nội ơi ! Rìa mu có răng cưa mà.

 

Bởi vì là một cái mu con rùa thì không đời nào mép rìa trước và phía sau có hình răng cưa lồi lõm, thằng Đậu đã thừa biết điều này. Bác Ba phì cười, đáp lại lời cháu:

 

- Quả thật là con càng đước, nhưng nó đã rũ xương rồi,còn có cái bọng không.

 

Sau khi nghiên cứu kỹ, ông cháu bác Ba Phi quyết định lên bờ đốn cây, chặt dây mây cột, trục cái mu con càng đước rũ xác này lên, có việc rất cần thiết. Thế rồi họ xốc cắm những cây đòn xeo, đòn trục gát nạng qua và một sợi dây mây dốc đánh thật lớn. Xong đâu đó, hai ông cháu cầm những cây nằm đẽo dẹp xoe vòng theo rìa chiếc mu con càng đước phần lấp trong bùn. Rồi kẻ dưới nước, người trên bờ hè hụi xeo, trục. Quay gần suốt một tiếng đồng hồ cái mu con càng đước mới bật lên, rồi dùng búa bửa bỏ phần cái yếm bên dưới. Hai ông cháu bác Ba trổ nghề "đóng tàu" dã chiến đến mệt phở hơi tai. Thằng Đậu múc nước chùi rửa sạch sẽ lòng tàu, rồi hai ông cháu bắt đầu hạ thủy. Hai người nhìn cái mu con càng đước lật ngửa trên nước mà cười ngất, thật là nó lớn không thua chiếc phum của đám quận Nhung.

 

Ông cháu bác Ba dùng cái yếm con càng đước làm bàn khiêng. Họ bổ rộng lỗ hổng "kho lương thực" của lũ kéc cho lúa chảy ra rào rào. Cứ như thế, hết khiêng này đến khiêng khác, hai ông cháu chuyển sạch kho lúa của kéc xuống tàu.

 

"Tàu" cứ đi bon bon về hướng hậu đất. Thấy chỉ trong vòng một ngày mà gặp bao nhiêu là chuyện lạ nhất trần đời, thằng Đậu ngồi trước mũi vít đốc, cười nói huyên thiên:

 

- Bọn ngụy chở lính bằng tàu sắt, chủ đò chở khách bằng tàu cây, còn ông cháu mình thì chở lúa bằng tàu... xương, hén ông nội ?

Anh Động
Số lần đọc: 2940
Ngày đăng: 19.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi cuối đường - Nguyễn Thị Diệp Mai
Mảnh vụn - Ngọc Hiệp
Chim Nhạn trở về - Nguyễn Thị Diệp Mai
Lửa cháy phía Phương Thành - Nguyễn Thị Diệp Mai
Đại ca Bầu - Nguyễn Thị Diệp Mai
Quên - Thu Trang
Hư ảo cuộc đời - Thu Trang
Quê ngoại - Thu Trang
Ông Mười - Nguyễn Trọng Tấn
Con khỉ nhà 3B - Thảo Bích
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)