Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.306
 
Viết nhân ngày giỗ cha
Nguyễn Thị Hậu

Ba tôi tuổi Nhâm Tuất, nếu còn năm nay ông tròn 85 tuổi. Tôi là con gái út, lại “ẩn”  tuổi Tuất của cha, có lẽ vì vậy mà trong mấy đứa con tôi giống Ba và hợp tính Ba nhất nên được ông cưng nhất nhà!

 

Nhớ ngày tôi còn rất nhỏ, một lần cơ quan tổ chức chiếu phim ở ngay khu tập thể, đây là một bộ phim tư liệu không cho trẻ em xem. Quen được ba cưng chiều tôi nhõng nhẽo đòi đi nhưng ông cương quyết không cho. Gian dỗi tôi lăn ra khóc ầm ĩ, ba tôi dỗ dành một hồi không được, tức quá, ông cho tôi một bạt tai rồi bỏ đi! Khuya hôm đó, chợt tỉnh giấc, tôi nghe ba nói với má: “Con nó còn nhỏ, đánh nó, thiệt là bậy quá! Anh em có sai thì mình phê bình được, còn mình làm sai sao nói được anh em!” Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi bị Ba đánh đòn.

 

Năm tôi sáu tuổi, Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, tôi phải một mình theo trại trẻ đi sơ tán. Hơn nửa năm trời tôi không được gặp ba vì ông đi biểu diễn ở chiến trường. Ngày trở về lên thăm tôi, tôi đã không nhận ra ông trong bộ quân phục, đôi dép râu và mái tóc đã ngả màu muối tiêu! Mãi tới khi ba ứa nước mắt, gọi nhỏ: “con Hậu!”, tôi mới sực tỉnh, chạy lại ôm chầm cổ ba làm cái kiếng của ông rớt xuống bị gãy. Thế là cả ngày hôm đó hai cha con loay hoay tìm cách cột lại để ba có kiếng đeo thấy đường đạp xe quay về Hà Nội. Mấy tháng trời nhớ ba tôi không khóc, vậy mà chiều đó khi nhìn thấy ông còng lưng đạp xe đi, tấm khăn dù “chiến lợi phẩm” bay phất phơ trong giá lạnh chiều đông, tôi đã khóc lặng lẽ bên cây gạo trên bờ đê, nơi mà tôi thường ra đứng ngóng chờ ba má.

 

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Trong không khí náo nức chung tôi có một niềm vui nhỏ dành tặng ba nhân ngày đầu năm. Đó là việc tôi thi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu. Khi tôi hồi hộp báo tin, không như tôi nghĩ, ba ngồi lặng với vẻ băn khoăn lo lắng. Cuối cùng ba nói với tôi, trang nghiêm mà trìu mến:

- Ba rất vui khi có một đứa con muốn nối nghiệp ba. Trước khi con tự quyết định tương lai của mình, ba muốn nói với con điều này. Mọi nghề nghiệp đều đẹp và đều sẽ thành công nếu ta lao động kiên nhẫn và trung thực. Nhưng trong nghệ thuật thì còn phải có một điều kiện quan trọng, đó là tài năng. Không có tài thì không có vai diễn hay, mà đã là diễn viên phải là một diễn viên giỏi. Đây không phải là chuyện danh tiếng mà là chuyện làm gì để có ích nhiều hơn cho mọi người, cho xã hội, và cho bản thân mình. Với ba tôi, danh hiệu “nghệ sĩ” thật là cao quý… Lần đầu tiên ba tâm sự với tôi về nghề nghiệp cùng những buồn vui thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ, khi hiểu được điều đó tôi mới thực sự trở thành “người bạn” nhỏ của ba.

 

Khi tôi tốt nghiệp đại học và được trường giữ lại làm giảng viên, ba tôi rất vui vì trước đây ông cũng là một thầy giáo. Ông hay nói với tôi: “Người thầy giáo cũng như người nghệ sĩ. Phải yêu nghề, yêu người, yêu đời sâu sắc thì mới có thể đứng trên bục giảng hay trên sân khấu để mang đến cho mọi người những điều tốt đẹp của cuộc sống. Thầy giáo hay nghệ sĩ đều là những “kỹ sư tâm hồn”, nhưng tiếc rằng giữa hai nghề này luôn có một khoảng cách khá xa… Người thầy giáo thì thiếu tâm hồn nghệ sĩ, còn người nghệ sĩ lại thiếu đạo đức của người thầy!”

 

Vào những năm 1980, khi sức khoẻ và trí tuệ còn sung mãn, Ba tôi đã bắt tay vào công việc được ông coi là quan trọng nhất đời mình. Đó là biên soạn một công trình có tính tổng kết cuộc đời hoạt động sân khấu của ông, cũng là ghi lại dấu ấn giai đoạn hình thành và phát triển sân khấu cải lương Nam Bộ. Tư liệu của công trình ông đã cẩn thận thu thập, gìn giữ suốt từ những năm kháng chiến chống Pháp đến tận lúc bấy giờ. Đó là các mẩu chuyện, các vở kịch ngắn, những đoạn hồi ký, các đề cương nghiên cứu và nhất là các tập Nhật ký trải dài năm tháng theo những chuyến lưu diễn ở mọi miền đất nước. Còn nhớ những năm ấy, cứ sáng chủ nhật, sau cữ cà phê mà Má tôi đã pha sẵn để trên bàn cùng 2 điếu thuốc, Ba vào phòng làm việc và miệt mài viết hoặc đọc sách cho đến trưa, khi mùi canh chua, cá kho tộ của Má nấu bay lên thơm phức, ông hấp háy đôi mắt sau cặp kiếng trắng, miệng tủm tỉm than: “Cha! Đói rồi nghen!”. Trong bữa cơm cả nhà vui vẻ nghe Ba kể về một ý định mới nảy sinh mà ông muốn đưa vào đoạn hồi ký này, đề cương kia hay một đoạn văn nào đấy, một cuốn sách ông mới đọc và thích thú … Thỉnh thoảng một vài người bạn điện thoại tìm Ba và thế là ông lại “cương quyết ra đi”, dù sáng chủ nhật đó ở nhà đã chuẩn bị làm nồi mắm kho mà Ba thích nhất, dù cho đôi mắt của Má liếc xéo qua, và dù cho tôi năn nỉ “Bữa nay Ba đừng đi nhậu nghen Ba!”. Tuy Ba tôi thường xuyên vắng nhà nhưng bữa cơm không có Ba vẫn không sao là bữa cơm bình thường. Có lẽ vì vậy tình cảm của Má tôi thường dồn vào việc chuẩn bị bữa cơm trưa cho Ba mang đến cơ quan. Và Ba cũng thể hiện tình yêu mà Ba dành cho Má  bằng cách ăn hết những gì mà Má chuẩn bị, hoặc nếu lỡ nhậu thì cũng nhờ các em các cháu “Ăn giùm chú kẻo thím Bảy lại giận!”… Cứ thế cho đến ngày Ba biết mình mắc bệnh nan y. Không tuyệt vọng, không chán nản, không làm phiền lòng người thân vì bệnh tật của mình, Ba bình tĩnh đón nhận tất cả và chuẩn bị cho ngày ra đi của mình, cho cả những người ở lại.

 

Sau ngày Ba tôi mất, toàn bộ tài liệu, hồ sơ của ông đều được Má tôi cẩn thận giữ gìn. Duy chỉ có những vở kịch ngắn Ba tôi viết trong kháng chiến 9 năm, in litô chữ tím, chữ xanh trên khổ giấy học trò thì bị mục nát không sao cứu chữa được. Có lần tôi hỏi “Má có đọc những gì Ba để lại không?” Má tôi cười buồn và lắc đầu nhè nhe. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng Má vẫn đang nhớ Ba lắm, dù Ba mất đã lâu. Nhưng khi đọc kỹ những gì Ba để lại tôi mới hiểu, trong suốt cuộc đời Ba tôi không có gì mà Má tôi đã không cùng trải qua, không chịu đựng cùng ông, chưa kể những vất vả lo toan của người phụ nữ, và nỗi đau riêng của người “lỡ” làm vợ một người nghệ sĩ như Ba tôi... Âm thầm sẻ chia những nỗi đau nhân tình thế thái, lặng lẽ góp thêm những niềm vui trong mỗi thành công, quả thật chúng tôi không thể hình dung cuộc đời của Ba tôi mà thiếu vắng Má tôi bên cạnh. Cho đến ngày cuối đời Ba tôi vẫn nói “Cuộc đời Ba nếu có làm được gì thì công lao của Má các con là hơn phân nửa”.

 

Vài năm trước tôi cố gắng tập hợp những gì Ba tôi để lại và in thành một cuốn sách. Việc này đã nhận được sự động viên của nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông. Với bất cứ ai khi tôi ngỏ lời nhờ giúp đỡ, tôi đều nhận được trước tiên là những tình cảm sâu sắc nhớ về ba tôi và sau đó là những hồi ức vô cùng cảm động, giúp tôi hiểu thêm về ông và những gì ông đóng góp cho Sân khấu Nam Bộ – quê hương mà ông vô cùng yêu quý! Đối với chúng tôi không có gì quý giá hơn điều đó.

 

Lại đến ngày giỗ Ba… Đã hơn hai mươi năm nhưng hàng ngày trên mâm cơm của gia đình vẫn dành cho ba tôi một đôi đũa, một cái chén, và mọi người vẫn như có ý chờ ông về ăn cơm nhà. Dường như ba toi về trễ vì bận họp hay còn đang lang thang quán xá đâu đó với những người bạn nghệ sĩ của ông… Trong những giấc mơ của tôi Ba vẫn luôn hiện về với đôi mắt trìu mến yêu thương, nụ cười hóm hỉnh thật hiền, mái tóc nghệ sĩ bac trắng như cước… Tự biết mình chỉ được thừa hưởng một cách không “đến nơi đến chốn” tri thức, tài năng của Ba, một phần nhỏ sự lo toan, chịu đựng của Má, và nhiều hơn một chút là tình yêu những điều tốt đẹp dù cuộc sống có thế nào đi nữa…  Với tôi như vậy cũng là quá đủ.

 

Vì điều đó đã tạo nên chính con người tôi…

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 4292
Ngày đăng: 29.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hồi kết - Bích Ngân
Văn nghệ mùa Vu Lan 2007 : Bên mẹ - Trần Kiêm Ðoàn
Ngày con đi thi… - Hội An
Làm sao về được mùa đông - Lê Nguyệt Minh
Một phút mưa - Phạm Trung Kiên
Trở lại Blao* với Quang - Ngụy Ngữ
Không lời - Văn Chấn Ngọc
Mưa trái mùa - Lê Nguyệt Minh
Nỗi nhớ Mùa đông - Lê Nguyệt Minh
Ghi của người làm thơ trên sàn chứng khoán - Lê Anh Thu
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)