Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.624
 
Tiếng sáo
Hiếu Minh

Người ta gọi ông ấy là người thổi sáo trên núi. Khi đêm buông mình trên từng ngọn cây kẽ lá tưởng chừng như nghe thấy tiếng thở của loài côn trùng bé  nhỏ nhất thì tiếng sáo của ông ấy vang lên, vì thế mà tiếng sáo rõ mồn một.

 

Nhà ông ở trên một ngọn đồi trung du, mảnh đất trung du quanh năm khô cằn nứt nẻ cây cối chẳng buồn mọc khắp mảnh đồi toàn là cỏ dại những loài cây thấp. Thế mà một nửa quả đồi ấy đã biến thành ao cá ruộng nương vườn tược dưới bàn tay của người thổi sáo trên núi ấy. Ngày còn chiến tranh người thổi sao ấy là một thanh niên trai tráng đi theo tiếng gọi quê hương lên đường vào Nam. Ông là một chiến sĩ đặc công dũng cảm, dưới họng súng của ông không biết bao nhiêu tên giặc đã phải đền tội,  cũng bàn tay ấy đã vĩnh biệt  bao nhiêu bạn bè của ông đã ngã xuống. Họ mãi mãi không trở về, từng người từng người một, có người vừa lấy vợ hôm trước thì hôm sau đi B lúc  đánh giặc thì quên mình nhưng trong những phút giây bình yên hiếm hoi thì hình ảnh người vợ trẻ lại trở về đầy ăm ắp như con suối mùa nước về giữa đại ngàn xa xôi, có chàng trai lại canh cánh về người mẹ già bên những gốc cau già nua người lo mái nhà mùa bão giông không người lợp lại. Thế mà họ đã ra đi hết thảy mang theo cả vùng kí ức quê nhà còn ông ở lại. Ở lại để chứng kiến những đứa trẻ đến trường trong niềm vui hoà bình, ở lại để lợp lại mái nhà người mẹ có những đứa con đã ra đi, ở lại để sống phần đời của những người đã mất. Ở lại trong nỗi nhớ thương khác nhau về những miến đất đã đi qua những cánh rừng cháy rụi những cành cây ngã chúi trong một buổi chiều không im tiếng súng.

 

Ngày mới giải ngũ trở về quê hương ông oà khóc khi nhìn những cánh đồng đang vào vụ gặt những mẹ những chị áo đẫm mồ hôi nói những câu chuyện thanh bình, đây rồi đây là cái hạnh phúc lớn lao mà ông và những bạn  bè ông đã thay nhau ngã xuống để đổi lấy. Ông gào to trong ánh nắng quê nhà “ chúng mày ơi về đây quê mình vào mùa lúa rồi” Nói rồi ông khóc khóc trong hạnh phúc và trong đau đớn. Phải chi tất cả còn sống cùng nhau ào xuống cánh đồng đầy những lúa vàng kia mà lăn lộn cho thoả những ngày xa quê đến  nỗi nhớ cũng chia nhau. Nhưng điều đó mãi mãi là không thể.

 

Ông lấy vợ ra ở ngoài trại phía trên ngọn đồi, bản lĩnh người lính đã qua chiến trận khiến ông không nao núng trước bất kì khó khăn gì, ông trồng cây san đất làm vườn. Ông đào ao thả cá giữa ngọn đồi khô cằn vừa lấy nước tưới cây vừa có cá ăn. Có người cho ông là khùng ông chẳng bảo gì lẳng lặng với mảnh đất khóm cây. Trên ngọn đồi ấy ông lập một cái miếu thờ người làng chẳng biết ông thờ ai, có người cho là ông thờ thần núi để làm ăn thuận lợi. Ông chắng nói với ai chỉ đến ngày tết nhất hay lẽ lạt lại thấy ông lầm rầm khấn vái ngoài đó. Ông ngồi lặng trước ngôi miếu thờ những ngày 30-4 cờ hoa rực rỡ cả dân tộc vui mừng vì tự do độc lập hình như ông khóc lâu lắm trong những phút giây ấy.

 

Đó là câu chuyện của ban ngày còn về đêm ông biến mình trong tiếng sáo vi vu. Cây sáo ông vẫn thổi những khi đêm về là kỉ vật của một đồng đội của ông. Người ấy đã dạy ông thổi sáo, chia sẻ với ông từng nỗi nhớ nhà từng dòng thư xa, kể cho ông nghe về hội Lim những liền anh liền chị quan họ trong ngày hội xuân. Có khi nghe một tiếng gà rừng mà nước mắt cứ chực rơi. Một đêm trong lần trinh sát đồn địch hai người bị phát hiện, họ cùng chạy trên những cánh đồng hoang tàn xơ xác. Ông chỉ nghe tiếng “bụp” rồi người đồng đội của ông ngã xuống, diù về đơn vị thì người ấy ra đi, giữa bàn tay ông máu loang đỏ. Ông bỏ một mình ra ngồi với cây sáo nhỏ người đồng đội  để lại. Mơí hôm qua thôi người đồng đội ấy còn kể cho ông nghe về mối tình đầu, một cô gái làng quan họ duyên dáng trong những ngày hội xuân. Họ không lấy được nhau vì duyên quan họ mong chờ ngày trở về chỉ để nhìn nhau hát đôi câu “ người ở đừng về”.  Thế mà giờ đây cát bụi hoá những kiếp người, duyên quan họ không niú được bạn ông trở lại trong ngày hội xuân ông ngơ ngẩn với tiếng sáo vô hồn không nốt nhạc không tiếng ca. Không chỉ một lần ấy mà nhiều lần sau ông cũng cầm cây sáo vĩnh biệt những người bạn của mình. Cây sáo trở thành kỉ vật ông giữ gìn và coi nó như một người bạn tâm giao. Mỗi lần có đồng đội nào ngã xuống người ta lại nghe thấy tiếng sáo vảng đâu đó đưa tiễn những linh hồn. Tiếng sáo cũng vang lên trong những đêm mừng công chiến thắng lúc đó tiếng sáo trong trẻo và rộn rã giữa hàng ngàn tiếng cười vui, tình đồng đội thắm thiết trong từng thanh âm. Ông quý tiếng sáo hơn chính mạng sống của mình, có lần tiểu đội ông đang di chuyển thì bị phục kích ông đánh rơi cây sáo,thế mà người lính ấy nhất định quay lại tìm lại cây sáo trong đêm tối trong làn đạn địch không chút nao núng. Lần ấy ông suýt bị kỉ luật vì một chuyện không đâu. Vâng có thể với ai đó thì là một chuyện không đâu nhưng với ông thì đó là cả một quãng đời đã đi qua đầy những đau thương, cây sáo giúp ông nhớ lại những khuôn mặt dáng hình tiếng sáo giúp ông mạnh mẽ hơn khi đương đầu với lủa đạn, những người bạn vẫn quanh ông quanh tiếng sáo này che chở chở cho ông qua ngày tháng chiến tranh khốc liệt , không gì có thể mang nó đi khỏi ông cả khoảng trời xám màu lủa đạn này.

 

Bây giờ thì đêm đã quên mình đã buông xuống bao nhiêu là cánh đồng làng mạc hay bao nhiêu mái nhà đã thiếp ngủ, đêm đang quây quanh tiếng sáo của người cựu chiến binh, lúc nào ông cũng là một người lính bên tiếng sao của mình. Tiếng sáo của ông có khi chẳng vào một bài nhạc nào cả chỉ vang lên thôi nhưng lúc nào cũng da diết réo gọi. Trong màn đêm trong vắt như sương tiếng sáo chu du qua những cánh đồng những ngọn núi mờ xa, tiếng sáo băng qua cánh rừng lay động những ngọn cây, tiếng sáo là tiếng gọi những linh hồn đồng đội, ngày trước tiếng sáo tiễn đưa họ còn bây gìơ tiếng sáo gọi họ về trong tình thương đồng đội.

 

Người ta kể rằng có lúc sau khi tiếng sáo của ông vang lên thì có tiếng nói chuyện rôm rả như những người bạn lâu ngày mới gặp. Tiếng sáo gợi lại một không gian hư ảo có phần ma quái làm nhiều người tránh xa ông, cho ông là người không bình thường nhưng ban ngày ông vẫn là một nông dân cần cù hết lòng với bà con làng xóm. Chỉ khi về đêm là ông như đang đi vào một thế giới khác chỉ ông biết lối vào, phải chăng cây sáo chính là tấm giấy thông hành cho ông đi vào đó. Tiếng sáo có những đêm buồn da diết như rên rỉ khóc lóc khiến người nghe phải sởn gai ốc, cũng có những lúc nhẹ nhàng bình thản như vừa trút bỏ những phiền muộn, như nỗi cô đơn được san lấp những kỉ niệm tuôn chảy ào ạt bùng lên như đám lửa ai đó nhen lên. Tiếng sáo ban đấu lan đi xa xa lắm sau như ngưng tụ đọng lại tại một điển đã cố định và tại đó người cực chiến binh thấy mình gần lại với quá khứ, sống lại những ngày tháng xa xôi hào hùng. Nhưng dù thế nào thì tiếng sáo của ông vẫn có một thanh âm lạc đi day dứt như muốn vụt ra mà lại không thể.

      

Cuộc sống của người cựu chiến binh cũng bình thường như những người khác , ông sinh ra trên đất này sống cuộc sống của những người dân trên đất này không có gì khác. Trong bữa ăn ông không bao giờ ăn cổ gà, chẳng ai biết tại sao. Mãi rồi ông mới kể đó là do một đêm sau trận đánh đồn đich, đồng đội ông chết gần hết một mình ông ngồi trên chiếc ghe với những thi hài đầu gần lìa khỏi cổ vì bom xén. Qúa khứ đau thương đeo đuổi ông tới tận những phút giây bình yên của cuộc đời ám ảnh ông.

    

Một đêm tiếng sáo ông chợt im bặt.

     

Sáng hôm sau người ta thấy ông khoác cái ba lô từ những năm tháng xưa, ông bước đi dặn lại vợ con những điều ngắn ngủi

- Mẹ con ở nhà chăm sóc nhau tôi đi một thời gian rồi về

Ông đi bước những bước vội vàng trên con đường cái lớn ánh nắng nhảy múa trên những cành cây loà xoà hai bên đường. Không ai biết ông đi đâu, từ ngày giải ngũ ông cũng ít đi xa nên chuyến đi lần này cũng khiến không ít người thắc mắc, ông vẫn trầm lặng như thế. Mọi người ai có công việc của mình cũng quên ngay chuyến đi lạ lùng của người thối sáo trên núi. Thời gian ấy tiếng sáo không vang lên trong những đêm giăng trên xóm làng trung du, đêm yên tĩnh hơn và cũng mờ nhạt hơn. Không biết tiếng sáo của ông có vang lên ở nơi nào khác trên đất nước này không.

     

Chừng 2 tháng sau ông về, khuôn mặt ông đen hơn nhưng có nỗi niềm khó tả. Ông chào hỏi mọi người như đi xa lâu lắm mới về nhà, ai cũng thấy ông vui hơn. Đêm người ta chờ nghe tiếng sáo của ông như một điều tất nhiên và bình dị. Đêm khuya lắm tiếng sáo của ông mới vang lên ban đầu nhỏ nhẹ như một lời chia sẻ rồi bỗng dưng thành từng chuỗi tiếp theo nhau. Đó là tiếng sáo của một nỗi vui mừng lớn lắm như muốn vỡ oà ra. Tiếng sáo quây quần tiếng sáo gần gũi lúc xa lúc gần mang theo một sự thanh thản lạ kì.

   

Hai tháng ông lặn lội vào chiến trường xưa nhìn lại những gốc cây những con đường những vạt rừng rồi những cánh đồng hồi sinh. Không còn vết tích của chiến tranh ông không nhận ra đâu là nơi những người bạn ông đã ngã xuống. Đã từ lâu lắm ông nung nấu chuyến đi này, ông muốn tìm lại hài cốt của những đồng đội của ông. Những đêm trên núi với cây sáo, tiếng sáo đã thôi thúc ông, đồng đội réo gọi ông, họ là những người con anh hùng của quê hương đất nước này không lẽ nào cứ phải chịu cảnh cô hồn nơi rừng thiêng núi thẳm. Nhưng tất cả những đổi thay trước mắt như đùa giỡn với ước vọng của ông, tay ông cầm bó hương mà nước mắt cứ rơi “tao đây thằng Dần dây hôm nay tao mới trở lại được, chúng mày sống khôn chết thiêng vẽ đường chỉ lối tao đưa chúng mày về quê hương bản quán”. Núi rừng im lặng như cùng sẻ chia với ông, cây cối vẫn xanh như tuổi đời một thời đã qua. Ông chợt nhớ tới cây sáo nó như muốn nói cho ông điều gì, tiếng sáo cất lên vang vọng, tiếng sáo đưa ông đi về quá khứ chiến tranh tất cả hiển hiện trong tâm trí ông như mới vừa qua. Từng nắm đất chôn cất bạn bè ông giờ đây rõ mồn một. Tiếng sáo là hoá thân của đồng đội dẫn đường chỉ lối cho ông.

    

Bây giờ ông ngồi một mình, ông vừa qua miếu thắp hương nước mắt ông lại rơi. Bạn bè ngày xưa vui buồn có nhau giờ  dẫu âm dương cách biệt người còn người mất nhưng sẽ chẳng ai có thể quên được những ngày tháng gian khổ ấy. Và tiếng sáo vang lên giữa đêm, đêm ấy ở một cánh rừng xa có những người khuôn mặt non trẻ nụ cưòi rạng rỡ cùng ngồi và hát bên nhau. Họ hát say sưa theo tiếng sáo “ dù đạn bom man rợ thét gào…”

 

Hiếu Minh
Số lần đọc: 2380
Ngày đăng: 02.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khoảng đời ngụ cư - Nguyễn Đình Bổn
Món cá chép - Trang Thanh
Bão xa - Nguyễn Lệ Uyên
Ngày của tuổi hai mươi - Nguyễn Đình Bổn
Củ ấu và qủa... bồ hòn - Lê Xuân Quang
Mưa mặt nạ - Nhật Chiêu
Buôn dưa lê - Trang Thanh
Độc huyền - Nguyễn Đình Bổn
Cánh chim lưu lạc - Đổ Thị Hồng Vân
Phố mới - Nguyễn Thị Thu Hiền
Cùng một tác giả
Chị… (truyện ngắn)
Tiếng sáo (truyện ngắn)
Yêu (thơ)