Hằng năm vào dịp tháng 4, người dân Hàn Quốc trong cả nước cùng du khách trên thế giới về thành phố Gyeongju dự lễ hội tuyền thống mang tên “Lễ Hội Rượu Và Bánh Hàn Quốc 2007’’ ( Korea Traditional Drink And Rice Cake Festival 2007 In Gyeongju). Năm nay là năm thứ 10, ban tổ chức lễ hội đã mời thêm rượu, bánh của hai thành phố di sản thế giới Tây An (Trung Quốc), Nara (Nhật Bản). Riêng Huế, thành phố di sản thế giới của Việt Nam được mời tham dự với Nhã nhạc cung đình Huế, Ca Huế và biểu diễn mở đầu chương trình khai mạc lễ hội. Ngài thị trưởng thành phố Gyeongju đã trang trọng chào mừng đoàn nghệ thuật Huế đến từ Việt Nam: “Chúng tôi được biết Nhã nhạc cung đình Huế, Việt Nam đã được Unesco công nhận là một di sản văn hóa nghệ thuật quý của thế giới và Festival Huế là lễ hội có quy mô nổi tiếng và mang tính quốc tế. Nhân dịp này, xin mời đoàn hãy tự giới thiệu sự nguy nga tráng lệ của Nhã nhạc cung đình Huế tại lễ hội bánh và rượu của chúng tôi”.
Tại lễ hội này chúng tôi đã được nghe người Gyeongju giới thiệu: “ Với người Hàn Quốc, vui uống rượu, buồn cũng uống rượu. Và bánh là một loại thực phẩm đặc sắc, luôn gắn bó trong cuộc sống thường nhật của người Hàn Quốc. Năm nay, lễ hội được tổ chức quy mô hơn. Hướng tới, lễ hội sẽ mang tính quốc tế hơn với sự tham dự của nhiều nước anh em. Nếu như rượu được chế biến bằng phương pháp truyền thống, có sức quyến rũ từ hương và vị thì bánh được làm với không khí dân gian, khi buồn, lúc vui cùng nhau san sẻ và lễ hội rượu và bánh của người Hàn Quốc chúng tôi được xem là một trong những phong tục đẹp.”
Trong không gian thoáng đạt, cờ hoa rực rỡ muôn hồng nghìn tía, chúng tôi đã có dịp nhìn ngắm hằng trăm gian hàng giới thiệu tại chỗ từ nguyên liệu làm bánh đến các khuôn mẫu, khâu chế biến, các công đoạn ban đầu đến khi hình thành sản phẩm. Hằng trăm loại bánh được làm từ bột gạo tẻ, gạo nếp, khoai tây, bột ngô, bột kê, cao lương, chuối, các loại đậu đỗ…với nhiều hình thức, sắc màu, hương vị khác nhau. Và rượu thì cũng rất phong phú, đa dạng chũng loại được chứa đựng trong nhiều hình thức mẫu mã chai, lít, hũ, bầu…bằng gốm, sành sứ, thủy tinh rất tinh xảo, đẹp mắt có sức lôi cuốn thu hút, kích thích sự ham muốn được nhấp cạn men nồng của người đến dự lễ hội.
Và không chỉ được nhìn ngắm rượu và bánh, chúng tôi còn được các chủ gian hàng mời nhâm nhi nhiều thứ rượu đậm đà hương vị lạ, kỳ thú; mời thưởng thức các loại bánh mặn ngọt rất hấp dẫn. Các gian hàng rượu, bánh của Trung Quốc, Nhật Bản cũng được sự hưởng ứng nhiệt thành của công chúng Hàn Quốc bởi hai thành phố Tây An và Na Ra đã mang đến những hương vị ẩm thực lạ cho người bản địa.
Trong những ngày ở thành phố Gyeongju, các chương trình biểu diễn Nhã nhạc cung đình, Ca Huế đã tạo sự quan tâm đặc biệt của công chúng hàn Quốc và du khách tại lễ hội. Hòa thanh,, tiết tấu của nghệ thuật âm nhạc cổ truyền Huế đã có sức cuốn hút tình đồng điệu, mối đồng cảm từ người thưởng ngoạn. Các tiết mục đại nhạc Mã Vũ, Du Xuân, Tẩu Mã…những bài tiểu nhạc Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Ngâm, Tiểu Khúc…cùng các làn điệu Ca Huế đã mang đến lễ hội một sắc thái mới lạ, truyền cảm. Hình ảnh nón lá Huế, áo dài tím Huế trong tiết mục “Nón quê em” cũng hòa sắc sinh động giữa không gian lễ hội chứa chan tình hữu nghị Việt-Hàn. Những chiếc nón bài thơ xứ Huế được tặng cho khán giả ngay sau khi kết thúc phần biểu diễn đã được người Gyeongju hân hoan tiếp nhận với những nụ cười thân thiện, hiếu khách.
Thành phố Gyeongju ngày nay trong lịch sử đã từng là cố đô thuộc triều đại Sinla kéo dài hàng ngàn năm và được mệnh danh là “thành phố bảo tàng không có mái” hay “thành phố bảo tàng mở” vì có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới như Khu lăng mộ Gumgwangchong và Cheomachong, Làng cổ Yangdong nằm ở thung lủng Seolchong, Đài Thiên văn Cheomseongdae…Với một hệ thống nhiều di sản văn hóa thế giới như thế, người dân Gyeongju đã ra sức tập trung gìn giữ bảo tồn cũng như quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc một cách triệt để, có hiệu quả. Chúng tôi đã có dip chứng kiến không khí nhộn nhịp, đông đảo ở một số bảo tàng lịch sử, văn hóa của thành phố này với hình ảnh các đoàn thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, các đoàn sinh viên học sinh đến tham quan một cách chí thú khác hẳn không khí trầm lặng của những bảo tàng ở xứ mình. Chính sự trân trọng bảo tồn, giáo dục truyền thống ấy mà thành phố Gyeongju đã trở thành một điểm đến lý tưởng cho các tầng lớp nhân dân Hàn Quốc và du khách trên thế giới.
Trong những ngày ở Gyeongju, ngoài các chương trình biểu diễn giới thiệu âm nhạc truyền thống Huế, đoàn chúng tôi còn được mời tham quan, tìm hiểu, học hỏi những công trình văn hóa, những giá trị lịch sử của một trong những thành phố cổ, xinh đẹp của xứ sở kim chi. Qua những gì tiếp thu được từ thành phố Gyeongju, tôi không khỏi liên tưởng đến Huế, thành phố cố đô yêu dấu của mình. Huế không những có nhiều loại rượu, bánh ngon, độc đáo mà còn rất nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể tổ chức nhiều lễ hội định kỳ quanh năm mang tính quốc tế. Đế làm được điều ấy, theo tôi Huế đang hướng tới việc định hình một đội ngũ có trình độ chuyên nghiệp cao về tổ chức lễ hội. Thêm nữa, những người có trách nhiệm luôn chân thành, tâm huyết, có tầm nghĩ, tầm nhìn nhằm tập hợp trí tuệ, chất xám của những người tài hoa từ muôn phương về với Huế, một thành phố đang có nỗ lực mong muốn là thành phố festival của cả nước. Đã có thời Huế từng là nơi giàu lực hút và tỏa tài năng, trí tuệ, tôi tin Huế đang tích cực để cho sức hút và tỏa ấy ngày càng sung mãn, ngày càng hoàn thiện nhằm có một “Huế luôn luôn mới” trong tâm thức những người yêu Huế.