- Sẵn đường ông cháu mình tạt qua thăm rẫy khoai, Đậu ạ !
Tuy đội thúng thịt nai nặng trịch, thằng Đậu vẫn đi theo ông nội. Hai ông cháu đi quẹo về hướng Lung Tràm. Ở đó bác Ba có cuốc mười công rẫy vừa khoai lang, vừa khoai môn, xuống giống hơn tháng nay, khoai lên rất tốt.
Ông cháu bác Ba lội qua một con lung lầy rồi đến một vùng đất trấp mới khai phá. Đất mùn xốp, đen như than dày một lớp, chân bước cứ phập phều tựa đi trên tấm nệm muốt.
Đến mấy bụi khoai môn trồng ở đầu rẫy, thằng Đậu giật mình ngơ ngẩn. Nó để thúng thịt nai xuống, ngồi lại xem. Đậu cứ mê mẩn, nhìn những bụi khoai môn. Lá môn xanh lặc lìa có núm đỏ chính giữa, lá nào lá nấy ngắt thả ngửa xuống sông, cầm sào nhảy xuống chống qua được.
- Tổ mẹ ba con heo rừng...
Bác Ba Phi kêu lớn ở đằng kia làm thằng Đậu giật mình. Nó đội thúng thịt lưỡi nai nhảy phóng qua con mương óng, chạy rút đến ông nội. Theo tay bác Ba chỉ, thằng Đậu thấy đám rẫy khoai lang bị heo rừng ăn lâm nhâm đều khắp. Khoai mới xuống củ mắc mớ chi lũ heo cũng đến ủi phá ? Thằng Đậu nổi dóa, nó bảo ông nội:
- Mình cho bầy heo nầy không còn lưỡi để kêu như lũ nai kia đi, ông nội!
Bác Ba không phải ngây thơ như thằng cháu nội. Loài heo rừng không phải dùng lưỡi để cuốn thức ăn vào miệng như nai, chúng có đặc điểm khác. Heo rừng tìm thức ăn bằng cách đánh hơi đường mũi, dùng mỏ ủi bươi lên. Có khi con heo ủi đất tìm thức ăn, thân lút ngập, chỉ còn có cái đuôi ló lên. Bác Ba sắp đặt kế hoạch trong bụng, trừng trị lũ heo rừng này nhưng chưa nói ra với thằng Đậu...
Chiều hôm ấy nhà bác Ba Phi mở tiệc linh đình. Bác Ba mời bà con lối xóm đến nhậu chơi một bữa thịt lưỡi nai. Thói thường ở đời hễ rượu vào thì lời ra. Vào tiệc nhâm nhi mấy cốc, khách "dậy giặc" với nhau:
- Ông ba Phi chơi cái kiểu này thật là tàn ác, người ta có cái lưỡi để uốn éo chữa mình, lại thiến đi.
- Cuộc đời chỉ có cái lưỡi là đồ ăn hại nhất. Lưỡi hay khoác lác, lưỡi hay xu nịnh, lưỡi hay nạt nộ, lưỡi hay hăm dọa, lưỡi hay xuyên tạc sự thật. Chẳng thà cắt mẹ nó làm mồi nhậu sướng hơn.
- Đừng nói giỡn các cha. Có cái lưỡi nói dóc như ông chủ nhà đây cũng nổi tiếng cả nước, nào thua một nghệ sĩ lớn.
Cả đám vỗ tay cười rộ lên, làm bác Ba đỏ mặt. Bị chạm nọc, bác Ba thét lên giữa bàn tiệc:
- Đồ tốn rau, hao nước mắm ! Các người khỏi dạy đời.
Nói xong bác Ba bỏ đi xuống nhà bếp. Thấy bác gái còn thái thịt lưỡi nai xào lá cách, vắt nước cốt dừa để rội thêm cho khách nhậu, bác Ba hầm hầm bưng chảo thịt hắt xuống mương. Hai quai chảo bị lửa hun nóng quá làm những đầu ngón tay bác Ba sắp bỏng, bác vội bóp vào hai bên trái tai mình cho đỡ. Nào ngờ lọ nghẹ dính trên đầu ngón tay, bệt vào mặt bác nhiều kẻ sọc tèm lem. Cả nhà bác Ba, ai cũng bò lăn ra cười. Thấy mọi người cứ cười một cách vô duyên. Bác Ba Phi càng nổi dóa, quát:
- Thà đổ xuống mương nuôi cá có ích hơn để tụi bây ăn nhậu rồi ngạo đời.
Nhưng người ta vẫn không giận và cứ cười. Có người lại vỗ tay reo lên:
- Hoan hô ! Gánh hát chưa tới mà thằng hề đã tới.
Bác Ba Phi lớ ngớ không hiểu chuyện gì. Một người cất tiếng nói sang chuyện khác:
- Nói dóc mà được nổi tiếng không phải ai muốn nói cũng được. Đừng tự ái bỏ cuộc mà làm hư bột hư đường cái sự nghiệp lớn của mình, bác Ba ơi !
Bác Ba Phi chưng hửng, vụt bật cười theo:
- Ừ, ờ... vậy sao ?
Lúc ấy thằng Đậu cầm một tấm gương soi mặt, chạy tới đưa cho ông nội:
- Ông nội nhìn vô kiếng coi ai ở trỏng !
Bác Ba soi gương thấy mặt mày mình dính đầy lọ nghẹ, liền ném gương, cười chảy nước mắt.
Rửa mặt xong, ra giữa đám nhậu bác Ba Phi tuyên bố;
- Ngày mai mời bà con ăn tiếp thịt heo rừng giúp tôi với nghe ! Chia tiền mặt cũng được, chia lúa mùa cũng được. Tôi còn phải ra sông Đốc kêu lái vô chở đi tiêu thụ bớt.
Nghe bác Ba nói, khách khứa dòm nhau chưa ai tin là sự thật.
Khách về, bác Ba Phi lấy cây mác cán dài có ba khâu yếm ra ngồi mài cho tới tối. Vừa mài bác vừa đưa ngón tay trỏ lên cào cào qua mép lưỡi mác để thăm chừng độ bén. Chốc chốc bác vén ống quần lên, đưa lưỡi mác cạo một cái đứt ngọt một cuộn lông chân. Nhưng dường như cũng chưa đạt yêu cầu, bác Ba cứ mài cho đến khi để một sợi tóc nằm ngang trên lưỡi mác, thổi nhẹ là sợi tóc đứt làm hai, mới chịu thôi. Bác lấy giẻ lau khô lưỡi mác, rồi dùng dầu dừa thoa sương qua một lớp chống sét.
Đầu canh năm bác Ba Phi thức dậy, đâm một chén củ tỏi khuấy loãng rưới đều vào quần áo và xoa vào nách, vào cổ. Xong đâu đó bác bảo thằng Đậu cũng làm như vậy. Giống heo rừng thính mũi lắm, chỉ có xoa nước tỏi chúng mới không đánh được hơi người. Làm xong, bác Ba Phi cầm cây mác cán dài, thằng Đậu cắp cây giáo nhỏ xíu, hai ông cháu lội băng băng ra hướng đám rẫy khoai.
Đến nơi, hai ông cháu bác Ba tìm chỗ kín ngồi núp, để lắng nghe động tịnh. Hôm nay sao bốn bề lặng trang ? Có lẽ hồi sáng bác chỉ hăm he có mấy tiếng mà Thần Vòng báo động cho lũ heo trốn hết ? Bác Ba Phi không bao giờ tin dị đoan. Ở miệt rừng nầy, mười người thợ rừng đều tin chuyện hoang đường ấy hết tám. Họ bảo rằng heo rừng có cô hồn phò trợ nên chúng có linh tính lạ thường ! Thí dụ như trên một con đường heo tới lui nhẵn đất, bất ngờ có ai đến đặt bẫy hoặc ngồi rình để bắn, tức thì Thần Vòng báo cho chúng dạt ngay, đổ đường khác mà đi. Có người còn bảo vạn săn nào vào buổi xuất hành đầu năm, không có cúng tế Thần Vòng thì suốt mùa đừng mong bắt được một con heo. Thần Vòng là vong hồn của bà Thị Cư, một người con gái đã từng chinh phục cọp rừng ở U Minh này ! Nhưng chẳng may một lần Cư sơ suất bị một thần hổ giết chết, hồn thiên hóa thành một vị thần chăn giữ các bầy heo rừng trong một xứ. Những vạn săn không cúng vái bà, giăng giò, đánh bẫy tới đâu đều nghe bà cất tiếng kêu lảnh lót để ven heo của mình đi dạt nơi khác mà tránh nguy hiểm...
Mặc cho muỗi rừng U Minh bu cắn phải vuốt, bác Ba Phi cùng thằng Đậu kiên trì ngồi đợi. Bác không tin Thần Vòng và cũng không bao giờ chịu cho là giống heo rừng có linh tính. Chẳng qua chúng có cái bản năng đặc biệt là sáng hơi và thính tai thôi. Nếu hôm nay thất bại bác sẽ ăn sao, nói sao với những người đã ghi tên vào sổ mua thịt heo rừng của bác hôm qua ? Lại càng khó nói hơn là bác đã kêu hàng chục "chú ị" mổ heo hàng xáo ngoài chợ sông Đốc vào, buổi sáng này cân ba mươi con heo đứng. Bác Ba Phi đã chắc ăn như ghịt, không lẽ thời vận "bẻ chĩa" bác hay sao ? Cứ bình tĩnh chờ xem !
Thằng Đậu ngồi sau lưng ông nội, cứ ngủ gà ngủ gật. Cuối cùng nó ngằm ngoẻo xuống đám cỏ, ngáy đều đều. Bác Ba thấy thương cháu quá, lột chiếc áo vắt bên vai, đắp thêm cho nó ấm và đỡ muỗi cắn. Chiếc sao mai đã lên hơn một con sào. Chân trời phía đông hơi ửng hồng báo hiệu đêm sắp hết. Từng vệt mây đâm ngang lộ ra tựa những cây đòn xóc đen nằm dài. Bây giờ thì không còn chờ đợi được nữa, quả quyết là bầy heo rừng đã đánh hơi người nên chém vè lại, hoãn cuộc đào bới này rồi. Nghĩ vậy, bác Ba mọp người xuống nhìn ngang qua mặt rẫy khoai một lần chót để xuống mối chắc chắn qua một đêm mất công toi. Rảo mắt qua một lượt thật kỹ, bác Ba chợt giật mình ! Qua ánh sáng mập mờ của buổi bình minh, bác thấy ở vạt rẫy khoai tại sao đêm nay mọc lên nhiều gốc củi lụt lô nhô, lớn có, nhỏ có ? Những chiếc gốc nhỏ cỡ đầu chày giã gạo, những gốc lớn cỡ một ôm. Đám rẫy trước khi vỡ đất đã cạy dọn sạch sẽ đến một nhánh chà cũng không còn, tại sao đêm nay ai khiêng củi đến để đặc gật thế nầy ? Bác Ba ức lắm, để thằng Đậu nằm lại bác cầm cây mác dài, mon men lại xem thử. Đi được mười mét, bác Ba vội dừng lại. Mỗi gốc củi lụt sao lại có gắn một cọng bông lau làm dấu ? Những cọng bông tín hiệu cứ lất phất trước mặt bác Ba trong ánh sáng tản mạn của một đêm sắp tàn. Bác Ba Phi rón rén bước nhẹ đếm một gốc củi gần nhất, đưa tay sờ thử cọng bông lau. Trời đất ! Cọng bông lau biết nguẩy qua nguẩy lại. Bác Ba chụp lại thử xem. Cọng bông lau cắm trên gốc củi lụt như bực bội giựt lia lịa. Và bác Ba nghe bên dưới gốc củi có tiếng ịt ịt phát ra tựa có heo kêu. Bác Ba nắm giật mạnh, cọng bông lau vùng vắng và giật mạnh. Bác Ba Phi đã hiểu ra đây là cái gì rồi ! Máu trong cơ thể tràn lên một cái rần muốn đứng tim, bác phải đưa tay bợ ngực. Bác Ba nói thầm:
- Tổ cha lũ heo ! Ủi chi ủi lút nửa con xuống đất.
Nói xong, bác Ba kê lưỡi mác cứa một nhát phớt qua giữa lưng con heo. Và cứ thế, như một con kỳ đà, bác Ba nhẹ nhàng đi tới một con heo khác, cứa phớt lưỡi mác vào lưng một cái. Lưỡi mác bác Ba bén như nước, từng nhát cứa qua ngọt sớt lớp da lưng heo, không một con nào hay biết gì.
Bác Ba cứ cứa đứt da lưng hết tất cả những con heo rừng ủi rẫy khoai, rồi bò trở lại bên thằng Đậu. Bác thấy nó còn nằm chò co, ngủ ngáy khò khò, bác nắm chân nó giật giật, gọi dậy. Thằng Đậu say ngủ, giật mình chới với. Trong giấc mơ nó thấy đang tả xung hữu đột với một bầy heo rừng, nên nó lấy cây dáo chĩa ngay vào ngực bác Ba, thét lớn:
- Heo rừng !
Tiếng thét của thằng Đậu vừa bật ra, bầy heo rừng đang ủi phá đám rẫy chợt giật mình lồng lên và kêu "Hồ... ộc ! Hồ... ộc" vang dội cả một vùng. Tiếp theo đó là tiếng "cụp, cụp, cụp..." nghe đều cả một đám rẫy.
Còn đằng này, bị thằng Đậu phản ứng bất ngờ, bác Ba giật mình vung mác lên đỡ lấy mũi dáo của nó. Bác nói hổn hển:
- Ông nội đây ! Ông đã cứa đứt da lưng gần trăm con heo.
Thằng Đậu nghe ông nội báo mừng quá, nó nắm tay ông lôi lả đến chỗ bầy heo. Ơi là trời ! Heo rừng lớp lớn, lớp nhỏ không biết tại sao gãy cúp xương sống hết thảy, nằm làng khang trên mặt rẫy tựa cùi đòn. Đứng xem một chút, thằng Đậu ném dáo chống nạnh, lắc đầu thở ra:
- Ông nội làm thế này thì chỉ có môn đem ghe chài vô mà chở.
Bác Ba cười bảo:
- Yên chí ! Hai ông cháu mình nắm đuôi lôi chúng bỏ xuống mương ống.
Thằng Đậu lại cằn nhằn:
- Có bỏ thì bỏ mẹ ở đây, còn lôi lả đi đâu cho mệt ?
- Cái thằng đại ngốc. Mình làm theo kiểu dân Bến Tre thọc dừa khô vậy. Lôi chúng bỏ xuống mương ống, ra tháo nước đập, rút ống bọng, nước xổ ra, chừng đó heo sẽ trôi đùn về tận nhà, mặc sức mà lôi lên.
Nghe ông nội nói phải, thằng Đậu cùng ông lôi những con heo rừng, vòng theo những mương khoai kéo ra mương ống.
Vừa làm thằng Đậu vừa hỏi ông nội:
- Tại sao mỗi con heo ông nội chỉ cứa có một nhát dao vào lớp da lưng vậy ?
Bác Ba giải thích:
- Trời sanh giống heo rừng xương sống ngay đơ như cán cuốc. Muốn bắt chúng khỏi phải tốn nhiều sức, ta chỉ cần nhá một nhát dao vừa đứt lớp da lưng, rồi nạt lên một tiếng cho chúng giật mình, nhảy dựng lên, cụp đốt xương sống, nằm tại trận.