Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.477
 
Mưa đỉnh núi xa
Hoa Ngõ Hạnh

Tôi kinh tởm mọi nghề nghiệp. Thầy và thợ, tất cả đều là bọn nhà quê, đê tiện một lũ. Bàn tay cầm bút cũng có giá trị như bàn tay cầm cày. Thế kỷ lạ lùng của những bàn tay ! Tôi chẳng đời nào có được bàn tay. Thân phận tôi đòi luôn đưa đẩy người ta đi quá xa. Tính lương thiện của việc ăn mày chỉ làm tôi não lòng. Bọn sát nhân cũng đáng kinh tởm như bọn bất lực: Phần tôi, tôi vẫn toàn vẹn, và dù sao cũng mặc! (Arthur Rimbaud)

           

            Trời rất oi. Nhìn thẳng ra phía trước thấy không khí dập dờn như sóng cát. Bốn người không ai nói với nhau lời nào. Chỉ lặng lẽ gùi đi. Qua hai quả đồi, một dốc dài và con suối là bắt đầu đổ vào một thung lũng mọc toàn lau. Những cây lau bà to bằng bắp chân người, đầy lông như sâu róm. Lông chích vào đâu nhức nhối da thịt đến đấy. Con đường mòn dần dần hẹp hơn. Đến một ngả rẽ thì hoàn toàn chằng chịt. Cả bốn men theo lối đi cũ của một bầy heo rừng. Tịnh không một tiếng chim. Chỉ có côn trùng vo ve và lá khô xào xạc. Đi một thôi dài, đến ngang gốc cây chò độc lẻ loi thì lão Sáu Chước ra lệnh:

-          Nghỉ!

            Khuôn mặt lão đầy mồ hôi. Ánh mắt lão tôi tối trông rợn lắm. Mỗi người tự lấy thuốc lá cứa sẵn đem theo ra hút. Chặp lâu, lão Sáu ngước mắt lên nhìn thân cây chò chỉ. Nơi ấy, khoảng tầm cao gấp đôi đầu người có một vệt bùn xám vắt ngang. Lão Sáu bảo:

-          Đàn voi mới đi qua đây khoảng mười ngày. Mình chậm mất rồi!

Thời tiết kiểu này không khéo mưa mất!

            Mà mưa thật! Mưa xối xả như trời bị thủng. Cả bốn người không thể nào vượt qua được con suối rộng để sang cánh rừng bên kia. Đành ở lại vào căn lều ngồi chờ... Vẫn không có dấu hiệu gì cắt cơn. Đất dưới chân nhão nhoét. Mấy ngày sau trời mới tạnh và vượt suối được. Lão Sáu lại ngồi thừ ra than:

-          Không khéo mất dấu mất!

            Than vãn chán, lão vuốt ve cây AR15 và nói với nó:

-          Còn lâu mới dụng đến mày!

o0o

            Đi ròng một tháng trời thì tôi thấy chán. Thấy vô vọng quá. Việc lần mò dấu tích đàn voi như lựa tấm với mè. Thế mà trước khi đi lão Sáu hứa như đinh đóng cột với tôi:

-          Nghỉ việc mẹ chỗ cơ quan khốn nạn của mày đi. Có học có hành

đường hoàng mà đi làm nó coi như chó. Nhục! Theo tao đi săn voi. Có tiền là hết nhục!

            Tôi hỏi lại lão có phải đi săn như những dũng sĩ Tây Nguyên không? Nghĩa là dùng con voi nhà nhử con voi rừng và trói lại mang về. Lão cười ha ha:

-          Kiểu ấy là kiểu lãng mạn con ạ! Kiểu tao đơn giản hơn.

            Lão phác tay làm điệu bộ cầm súng và nheo mắt. “Đòm” một cái là xong. Cắt lấy cặp ngà và bốn gan bàn chân. Trờ – iêu – triêu – nặng – triệu, phờ – u – phu – sắc – phú! Đã không?

           

Lão nốc cạn ly rượu và chệnh choạng ra về. Khuôn mặt lão lạnh tanh. Đêm ấy tôi suy nghĩ rất lung. Bỏ thành phố về quê thì có gì là nhục.

           

Hôm sau tôi tìm đến nhà lão Sáu Chước. Thấy tôi, lão cười ha ha: “Sao? Đồng ý đầu quân rồi hả? Nên nhớ đây là chuyện tày đình đấy nhé!”. Tôi gật đầu. Lão đòi tôi làm một bữa rượu thịt gà đãi lão. Tôi bảo chuyện gà vịt chuyện nhỏ, voi mới là chuyện lớn. Lão Sáu vỗ đùi ha ha: “Xưa nay, chuyện gì cho là lớn cũng hỏng hết con ạ!”.

           

Sau bữa rượu thịt nhập môn, chờ mãi vẫn không thấy lão Sáu phát lệnh đi. Lão cứ sai lương khô, gạo muối cho sẵn vào balô để đó. Đùng cái, một đêm khuya lão gõ cửa nhà tôi: “Đi ngay!”. Chiều nay có “mối” của lão từ trên nguồn về báo đêm qua đàn voi lại ra phá mía ở Nà Lau. Dọc đường đi lão Sáu tranh thủ huấn “đạo” săn voi cho tôi. Lão bảo: “Mày chỉ có việc làm mồi nhử. Chuyện bắn hạ để tao lo. Con đầu đàn là con dữ nhất. Cặp ngà của nó dễ đến nửa tạ đấy. Có được cặp đó tha hồ mà tiền. Có tiền, tờ – iên – tiên – huyền – tiền...”.

           

Tôi cứ thắc mắc không hiểu làm mồi nhử là thế nào. Lão Sáu Chước giải thích: “Mày có khôn mà không có ngoan! Mày có biết đi câu quăng không? Biết à? Người ta thả con vịt đã mắc mồi dưới bụng cho nó bơi bơi trên mặt nước. Con cá thấy con vịt bơi bèn trồi lên đớp một phát. Có lúc con vịt chỉ gãy chân nhưng có lúc thì ngủm củ tỏi vì toạc ruột. Mày cũng như con vịt đấy. Mày nhử cho con voi đầu đàn tập trung tấn công mày còn tao thì bắn. Tao chưa bao giờ bắn tồi cả. Mà có bắn tồi thì chính tao cũng phải trả giá chứ không riêng gì mày. Đời sống phải tập làm quen với trả giá chứ!”.

o0o

           

Một thời gian dài sau, bốn chúng tôi có mặt trên đỉnh núi Yến. Trong đoàn chỉ có tôi là tân binh. Hai anh em Xuân, Thu xông trận rất thiện xạ. Nó đã qua đây nhiều lần. Đỉnh núi Yến cao vút, suốt mấy ngày sương mờ, cây lá trên đỉnh thì co rút lại như những cây kim. Côn trùng ở đấy con nào cũng có màu sắc sặc sỡ và chậm chạp đến đáng sợ. Chúng tôi đi như bơi trong sương. Lão Sáu hả hê lắm: “Mày thấy giống thiên cung trong Tây du ký không?”. Tôi bảo rất giống. Lão chợt cả cười. Làm gì có thiên cung mà giống. Toàn là chuyện hoang đường do những đầu óc khổ hạnh nghĩ ra. Nếu đã có thiên đường và địa ngục thì những con người nhân ái, lam lũ hẳn đâu phải khổ nữa.

           

Đêm trên đỉnh núi lão Sáu không ngủ. Khi chiều lão đi lùng và bắn được một con rắn hổ chúa lớn. Lão cắt huyết, lấy cồn thực phẩm mang theo hòa với nước suối làm rượu. Lão uống một mình, say đến lặc lè như con gấu say mật. Lão cẩn thận chặt con rắn thành từng khúc lùi vào than hồng đến khi mùi thơm dậy lên thì dùng rựa cạo đi phần cháy và ăn ngon lành. Tôi cũng không tài nào ngủ được. Nỗi ưu tư của lão Sáu giày vò sang cả tôi. Lão kể đỉnh núi cao xa như thế này không bao giờ có thú dữ cả. Beo cọp khi nào cũng sống bám theo hươu nai ở những cánh rừng lau lách. Đấy là qui luật của thiên nhiên. Qui luật của cả cuộc đời nữa.

           

Hừng sáng hôm sau chúng tôi vội lên đường đổ dốc. Theo phán đoán của lão Sáu đàn voi đã chuyển sang lưu vực sông Rô. Chúng tôi đi ngang qua làng Mực, làng Dung. Đi một thôi dài thì đứng trước bờ sông. Nước đổ và đá tảng khủng khiếp. Chỉ cần sểnh một cái là tan thân ngay. Lão Sáu một mình lần mò sang được bờ bên kia và căng dây cho chúng tôi lần lượt bám qua. Đêm sau đã ngủ ở lại một thị trấn nhỏ ven bờ sông.

           

Thị trấn có rất nhiều người Kinh với tên gọi rất lạ: thị trấn Trại Cây Ớt. Trại Cây Ớt mọc lên nhờ dân đào vàng. Đấy là đại bản doanh của chúng. Thôi thì đủ loại người. Tội phạm truy nã, nông dân thất nghiệp, đĩ điếm hết mùa... hẹn nhau làm một xã hội nhỏ. Chúng tôi vào một ngôi nhà có bảng treo “nhà trọ”. Bên ngoài ngôi nhà có vẻ chẳng đến nỗi nào nhưng bên trong tồi tàn lắm. Chủ quán – một người đàn ông trung niên có đôi mắt cú vọ và chiếc mũi két. Mặt lão choắt lại như nắm tay ngồi khật khừ sau hàng rượu

-          Loại gì? – Lão chủ đánh tiếng bằng giọng khê nồng

            Sáu Chước đặt chiếc balô lên cái bàn gỗ nhớp nhúa và gọi:

-          Một chai rượu, một đĩa mồi rồi tính sau!

            Lão chủ quán mắt vẫn bất động nhại lại như con vẹt:

-          Một chai rượu, một đĩa mồi rồi tính sau!

            Kỳ lạ thay, từ bên trong một mụ đàn bà có cái bụng to như lợn sề bưng rượu ra. Giọng của mụ the thé đến là khó chịu:

-          Ở lại một đêm mười ngàn, thêm em út ba mươi, lo lót tạm trú năm mươi... Vị chi...

            Sáu Chước văng tục:

-          Chi cái con ... gì mà dữ thế!

     Mụ đàn bà cười khả ố:

-          Thì chi toàn con ấy cả! Tùy anh hai thôi!

            Ngã giá xong chúng tôi yên tâm ngồi uống rượu. Lão Sáu đã say típ mắt. Lão cứ ngoẹo cần cổ hát nghêu ngao: “Con vỏi con voi. Cái vòi đi trước. Hai chân trước đi trước. Hai chân sau đi sau. Còn cái đuôi đi sau rốt”. Hát xong lão chửi đổng: “Thằng nào sáng tác bài này ngu! Trật tự hiển nhiên mà mô tả nữa à! Chả lẽ cái đuôi đi trước...” Trong cơn hứng khởi vì rượu lão đấm mạnh tay xuống bàn. Ly chén bể tung tóe. Vừa lúc đó một gã thanh niên ào vào quán. Trên mình gã độc một bộ áo quần màu xanh đã rách và nhớp te tua. Mặt gã nhiều vết cứa rớm máu. Gã nói oang oang như đang phát biểu hội nghị mà kỳ thực gã chỉ nói với chủ quán:

-          Mẹ! Đi cả cử, không đãi được cái quái gì, mất toi tiền sắm

chuyến mà còn bị “ông lớn”(*) đuổi chạy té đái nữa...

            Nghe đến “ông lớn” lão Sáu Chước vụt tỉnh hẳn cơn say. Lão ngẩn người ra, đôi mắt tinh như cú vọ sắp phát sáng:

-          Đuổi ở đâu, khi nào?

-          Mới đêm qua, cách đây một buổi đường đi ngược bờ sông. Bọn

tôi đang ngủ trong trại thì hai chục “ông” càn xuống. Sém chút nữa toi mạng...

           

Lão Sáu quyết liền: “Sáng mai đi”. Tên chủ quán nghe nói thế cũng ngẩn ngơ.

o0o

           

Khi ve rừng đổ hai hồi quá ngọ chúng tôi dừng lại nấu cơm. Từ sáng đến giờ cứ cắm cúi đi. Men theo triền núi dọc bờ sông mà bước. Hiện tại đã đến một cánh rừng hơi ẩm, chỉ có cây chuối rừng và giang. Nhìn sang cánh bên kia cũng thấy chuối. Hàng vạn tàu lá bị gió lật phất phới trắng xóa. Hàng vạn bông chuối đỏ như máu tươi giữa rừng. Khi đi kiếm thêm củi khô, bất ngờ tôi lọt vào một khu rừng chuối cũng rộng mênh mông nhưng có cả một khoảng trống dập nát ngã la liệt như bị dội bom. Đầy rẫy khoảng trống đó những dấu chân voi còn mới. Đích thị tọa độ rồi. Lão Sáu chạy lên xem mững rỡ nhưng lão xụi mặt ngay:

-          Đàn này đông quá, khó ăn đây!

           

Phán xong lão phân công ngay. Tôi đi chặt thêm củi. Hai anh em Xuân, Thu lo dựng trại. Tới chiều trại dựng xong. Lão Sáu bày hương đèn ra khấn. Không biết lão khấn gì, cứ nghe giọng như cầu cơ lên đồng, mê muội mà kinh dị lắm.

           

Khi trăng lên quá đầu, thế trận đã được bày sẵn: tôi tay không ngồi nấp ở hướng dọc từ suối lên. Hai anh em Xuân, Thu và lão Sáu ba họng súng bố trí theo hình tam giác. Mũi súng từ sau lưng tôi chỉa tới. Nửa đêm, cách xa bảy cây số đã nghe tiếng ầm ầm dội lại. Đàn voi đã về, lão Sáu nhắc khẽ tôi hết sức bình tĩnh. Chẳng mấy chốc tôi đã thấy những thân hình to như đá tảng lừng lững đi thẳng về phía tôi. Vừa đi chúng vừa quật ngã chuối ào ào. Còn cách tôi khoảng hơn trăm mét, như có linh tính chẳng lành con đầu đàn dừng lại. Thình lình tôi vọt ra hét thật to. Con đầu đàn cũng huơ vòi rống lên. Cùng lúc đó ba họng súng đồng loạt khạc lửa. Đang đà tiến, con voi bị trúng đạn khựng lại và đổ phịch. Nhưng liền sau một phát súng tôi nghe tiếng kêu thất thanh: “Ôi... Chết tôi rồi ông Sáu ơi!”. Tiếp theo là tiếng rên rỉ kéo dài rùng rợn.

           

Đàn voi bỏ chạy mất hút. Trên nền đất nhớp nháp Thu đang co mình ôm đùi vật vã. Viên đạc lạc phá một mảng lớn gần bàng quang. Máu ra như suối. Anh ta la rất to và đòi uống nước liên hồi. Lão Sáu Chước chẳng biết đi đâu mất. Tôi và Xuân khiêng về trại, đến gần sáng thì tắt thở. Khuôn mặt Thu nhăn rúm và thảm hại. Ngay lúc đó lão Sáu quay về. Cặp mắt cú vọ tinh quái của lão chiếu thẳng vào hai chúng tôi thăm dò: “Bọn bây thấy thế nào?”. Tôi hiểu ý lão ngay. Vội nói với Xuân: “Con người cũng như giày dép có số cả mà! Chẳng ai có lỗi trong chuyện này đâu!”. Lão Sáu bật ra cười ha hả. “Thằng này nhỏ nhưng biết điều! Cực nhất là con người không biết điều!”. Tôi chợt nghe lạnh sống lưng. Trong khẩu âm của lão có sự đe dọa. Biết đâu cái lão già này cho hai chúng tôi một loạt đạn để giấu nhẹm chuyện lão tổ chức đi săn và bắn nhầm người. Xuân vẫn ngồi im không nói một lời. Lão Sáu lại quét ánh mắt ngang một lượt đầy những tia chớp hoài nghi. Tôi ngồi bên bấm nhẹ vào hông nó một cái. Nó đứng dậy tỏ vẻ quyết liệt: Phải tìm ra con voi bị thương hồi tối! Lão Sáu gật đầu. Lúc đó tôi mới hết lo cho nó vì đã hiểu ra tâm địa của lão lúc này.

o0o

           

Khi chúng tôi quay lại chỗ con voi bị hạ hồi hôm, một cảnh tượng kinh hoàng đã diễn ra: con voi đã biến đâu mất! Trên mặt đất còn lại nhiều vết cày xới dữ dội!

           

Lão Sáu Chước không nén nổi sự căm giận. Tôi đưa ra ý kiến để lần theo dấu vết dễ tìm lại nó, lão gạt phắt đi. Vô ích. Đêm qua, sau khi con đầu đàn bị hạ, cả đàn bỏ chạy. Nửa đêm chúng lặng lẽ quay lại. Những con voi đực mạnh nhất đã dùng vòi hợp lại đưa xác con voi đầu đàn chạy vào rừng sâu...

           

Suốt ngày hôm sau trời đổ mưa. Mưa mãi. Mưa như chưa bao giờ được mưa. Thỉnh thoảng có cả sấm chớp đì đùng nữa. Ba người còn lại không ai muốn nói với ai lời nào. Vô nghĩa. Phù du. Chả là gì cả!

           

Đành ra về! Hãy về thôi... Về đi...

           

Chỉ còn một buổi đường nữa là đến đỉnh núi Yến. Từ núi Yến đổ dốc một hơi đến khe Ba Nhó, đến Nà Lau. Nà Lau trở về chẳng còn bao xa nữa... Vậy mà... vẫn mưa. Một màn mưa mờ đục nhưng mỏng nhẹ trên đỉnh núi xa. Trên ấy bao giờ cũng mưa nhưng nhẹ nhàng lắm. Đặc biệt lúc nào trong ngày cũng lạnh. Lạnh đến nỗi các cây co rúm lá lại như những chiếc kim may. Còn côn trùng thì biến đổi thành màu sắc sặc sỡ và chậm chạp đến kinh dị. Một thế giới khác thường nhưng vô ưu. Tôi suy nghĩ mông lung lắm...

           

Vẫn mưa!

------------------------

(*) Ông lớn: voi, tiếng lóng.

Hoa Ngõ Hạnh
Số lần đọc: 2718
Ngày đăng: 13.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lục Bình trôi - Trần Lệ Thường
Căn nhà dưới tàn bông nhãn - Nguyên Quân
Vườn ổi ngự - Nguyễn Văn Hoa
Vợ chồng già - Nguyễn Lệ Uyên
Tiếng sáo - Hiếu Minh
Đợi hoài không thấy mưa ngâu - Trần Lệ Thường
Khoảng đời ngụ cư - Nguyễn Đình Bổn
Món cá chép - Trang Thanh
Bão xa - Nguyễn Lệ Uyên
Ngày của tuổi hai mươi - Nguyễn Đình Bổn