Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.067
123.234.061
 
Tha hương (*)
Nguyễn Một *

Người ta đồn “Tuyết yêu tôi”. Họ còn khẳng định chính miệng em nói ra điều ấy. Ngay cả chính tôi, tôi cũng không biết rõ được là Tuyết có yêu tôi hay không. Có lần mấy người đã nhìn thấy tôi ôm bờ vai nhỏ nhắn gầy guộc của Tuyết để vỗ về sau lần em bị gã chồng vũ phu tìm vào tận đây để hành hung. Buổi chiều đầu tiên, khi Tuyết đến đây dắt theo đứa con trai nhỏ, đôi mắt buồn bã ngơ ngác, đã làm cho em nhanh chóng nhận được sự thương cảm của mọi người. Hai ngày sau, xóm tôi bị náo loạn bởi gã đàn ông thô lỗ và tục tằn. Hắn đến, chửi toáng ngay từ đầu ngõ, bằng nhiều thứ ngôn ngữ mà ở đây rất ít được nghe. Chửi thỏa thích, hắn xông vào đánh Tuyết. Lúc hàng xóm gỡ được hắn ra khỏi người Tuyết, hắn vẫn cố cắn vào vành tai của Tuyết như con chó dại và nhổ đánh toẹt xuống nền nhà một bãi máu tươi, kèm theo câu nguyền rủa :

 

-          Mày mà bỏ tao chỉ có nước làm đĩ mà sống, nhưng bỏ tao không dễ đâu.

 

Lúc tôi về, chồng Tuyết đã đi, mang theo tất cả áo quần của ai mẹ con. Câu chuyện áy qua miệng mấy bà hàng xóm là tôi nổi gai ốc cùng mình. Tôi tiếc không có ở nhà để bảo vệ cho em. Ngoài tôi ra em còn biết trông cậy vào ai nơi đất khách quê người.

***

 

Khi chia tay Tuyết, rời quê hương để tìm kế sinh nhau, tôi được chị Lệ, chị của Tuyết giúp đỡ tận tình, từ công việc làm ăn đến nơi ăn chốn ở. Ngoài tôi ra, chị Lệ còn cưu mang một gã họa sĩ lang thang thất nghiệp. Không biết chịo lôi anh ta từ đâu về với đống đồ nghề lỉnh kỉnh. Căn hộ của họ trở thành xưởng vẽ bề bộn với nhiều bức tranh lộn xộn những ngựa, những người không ra hình thù gì cả. Vậy mà chị Lệ cứ tấm tắc khen đẹp. Tôi không quan tâm lắm đến quan hệ của họ. Nhưng theo lời của những người đàn bà trong xóm thì hình như chị quen gã từ hồi gã còn là sinh viên. Bây giờ họ sống với nhau theo kiểu “già nhân ngãi non vợ chồng”. Gã họa sĩ thường ít ra khỏi nhà. Sau giờ làm việc của chị Lệ, họ thường đóng chặt của lại, sống tự nhiên ch8ảng màng sự dị nghị của mọi người. Tôi nghe mấy bà hàng xóm xì xào :

 

-          Gớm ! Con Lệ ở truồng dồng dỗng trên giường cho thằng ấy vẽ, rõ là cái đồ dở hơi ! Đàn bà như thế mà không biết xấu hổ, đi ra ngòai cái mặt cứ câng câng, thấy mà ghét !

 

Mặc ai muốn gì thì nói, tôi vẫn cứ phục cách sống của hai người. Họ “sống ra sống” chứ cứ như tôi cái gì cũng sợ thì suốt đời chỉ là thằng công chức quèn. “Yêu không dám nói, ghét không dám chê” người ta cũng khinh.

Cả năm trời tôi mới có dịp nói chuyện với gã họa sĩ được một lần. Đấy là vào cái dịp sinh nhật lần thứ ba mươi sáu của chị Lệ, cũng bánh kem, cũng nến hồng, nhưng chẳng vui vẻ gì. Gã nhìn tôi không mấy thiện cảm. Buổi sinh nhật chỉ có ba người. Chị Lệ lăng xăng cố làm cho chúng tôi thân nhau :

 

-          Này anh ! Long nó hiền lắm đấy, người đồng hương của em.

-          Ừ !

-          Hồi ở quê khi nó còn nhỏ, nó chơi thân với con Tuyết lắm. Hai đứa thật đẹp đôi, nhưng… ai dè…

-          Ừ !

-          Nó vào đây làm ăn, em xin việc cho nó làm, bây giờ được cấp nhà rồi.

-          Ừ !

 

Thấy không thể cạy miệng được người yêu, chị Lệ chuyển đề tài :

 

-          Nó cũng biết vẽ nữa. Hồi ở quê nó đập cục pin vẽ hình má em giống y hệt.

 

Tôi tính nói “Thôi chị ạ !…” nhưng thấy gã nhếch mép cười, tôi điên tiết muốn tống vào mồm gã một quả và hét vào mặt gã : “Đồ thối thây, tao biết mà coi khinh mấy thằng vẽ chân dung, nhưng dù sao thì nó cũng kiếm được vài chục ngàn, chứ không bám gấu váy đàn bà để mà vẽ ba cái thứ đùi chẳng ra đùi, mông chẳng ra mông như mày”. Mặc cho tôi lồng lộn trong lòng, sau nụ cười khinh mạn ấy, gã uống rượu tì tì. Gần cuối bữa tiệc gã mới mở miệng bảo tôi theo kiểu đàn anh :

 

-          Này cậu ạ ! Thà sống chấp nhận cho người ta ghét, chứ đừng để người ta khinh vì sự hèn nhát của mình !

 

Tôi co rúm người lại, hình như gã đọc được ý nghĩ của tôi. Câu nói ấy đã làm rạn nứt vĩnh viễn mối quan hệ giữa tôi với gã mà chị Lệ đã cố công bồi đắp. Gã nói đúng ! Nhưng thói thường người đời rất ghét những ai chọc mũi dao vào yếu huyệt của họ. Tôi không phải là trường hợp ngoại lệ. Lần đầu tiên trong đời tôi uống rượu nhiều đến như vậy. Tôi gục xuống trước ánh mắt thương hại của gã. Chị Lệ dìu tôi về phòng đắp khăn nóng cho tôi, hình như chị có an ủi tôi :

 

-          Em đừng giận anh ấy, nghệ sĩ thường hay gàn như vậy nhưng họ là những con người chân chính.

 

Tôi không còn biết gì nữa, đầu óc mụ mị. Bàn tay dịu dàng của chị đã đưa tôi về với quê hương bên dòng sông Giao Thủy êm đềm xanh thẳm, đưa tôi về với Tuyết của tôi.

***

 

Quê tôi nghèo, nhưng có một dòng sông. Dòng sông là tài sản lớn nhất của tuổi thơ tôi. Trường làng tôi là ngôi đình lớn nằm dưới gốc đa cổ thụ. Cả ba lớp nhất, nhì, ba đều do thầy Hồng đảm trách. Tôi và Tuyết cùng học lớp nhì. Trong số những đứa trẻ cùng trường chỉ có chị em Tuyết là có tên văn hoa nhất. Nhà Tuyết khá hơn những gia đình trong xóm. Ba Tuyết làm lính Quân tiếp vụ ở Đà Nẵng. Mỗi chủ nhật ông mang về cả thùng đồ hộp để phát cho lũ trẻ chúng tôi. Mẹ Tuyết không phải “chân lấm tay bùn” như mẹ tôi, nhưng hai bà lại rất thân với nhau. Nhiều lần bà kể cho mẹ tôi nghe “ba của Tuyết muốn dời gia đình ra Đà Nẵng, nhưng bà không muốn xa quê hương xóm giềng”. Tôi cũng cầu mong như vậy. Tôi và Tuyết thân nhau từ bé. Mỗi lần tan học, chúng tôi rủ nhau ra sông để chơi đùa trên cát, khi đã chán chê tôi dẫn Tuyết lùng sục trong các bụi lùm bên sông để tìm hoa dủ dẻ. Tôi không thích hoa, tôi chỉ thích trái, bất kể sim, mua, duối hay dủ dẻ… Nói chung bất cứ thứ gì ăn được là tôi thích. Tuyết thường mang hoa dủ dẻ về ủ trong tập cho thơm. Nhìn bàn tay nhỏ nhắn xinh đẹp của Tuyết nâng chùm hoa tôi cũng đâm mê. Nhất là cặp mắt đen láy, tròn xoe khép lại nhẹ nhàng mỗi khi tôi dúi những cánh hoa màu vàng lợt vào tay em. Đôi mắt đã làm tôi ngơ ngẩn cả người. Mỗi lần trốn học tìm hoa cho Tuyết, tôi bị thầy Hồng đánh sưng cả mông. Biết chuyện, mẹ tôi mắng :

 

-          Thằng này lớn lên rồi đến khổ vì gái.

 

Ngày ấy, còn quá nhỏ nên tôi không chú ý lắm đến câu nói của mẹ. Chỉ chờ mẹ xoa đầu xong, tôi tót ra sông vùng vẫy thỏa thích. Dòng nước mát vuốt ve thân hình đen trũi của tôi và nụ cười trong trẻo của em sau mội cú bông nhông là tôi quên béng những trận đòn của thầy Hồng.

 

Dạo ấy, chiến tranh xảy ra liên miên trên quê hương tôi. Nhưng đó là nỗi lo của người lớn. Còn với tuổi thơ chẳng có chuyện gì đáng quan tâm vì thường xuyên được nghỉ học và ít bị đòn hơn. Chúng tôi cứ thế lớn lên như cây cỏ đồng bằng.

 

Một hôm Tuyết vạch ngực lên cho tôi xem và bảo :

 

-          Anh Long ! Ở ngực em nổi lên cái cục gì cưng cứng như ngón tay cái vậy ?

 

Tôi đưa tay sờ thử. Về nhà, đánh bạo hỏi mẹ. Mẹ tôi nạt :

 

-          Đồ con nít ranh.

 

Người lớn thật khó hiểu.

 

Sáng ra, mẹ Tuyết qua nhà tôi. Không biết hai bà xì xầm chuyện gì có vẻ bí mật lắm. Hai hôm sau gặp tôi mặt Tuyết đỏ bừng, quay đi… Mấy ngày xa nhau, tôi cứ vơ vẩn như người mất hồn. Cả tháng sau chúng tôi mới chơi lại với nhau. Nhưng tôi không còn dám tắm truồng và hai đứa không còn ôm nhau lăn tròn trên cát như ngày xưa.

 

Ba Tuyết tử trận trong ngày Đà Nẵng đựơc giải phóng. Chị Lệ vào miền Nam làm ăn. Tuyết nghỉ học sớm ở nhà phụ mẹ. Tôi thi đậu vào Cao Đẳng Sư Phạm nhưng không đủ tiền ăn học. Tôi buồn đời quyết định vào Nam làm ăn. Ngày chia tay bên bờ sông, chúng tôi nắm tay nhau, tôi không dám mở miệng, chỉ sợ mình bật khóc trước mặt con gái. Khi lên tàu tôi mới sực nhớ tôi chưa hề thổ lộ tình yêu của tôi đối với em. Tôi vào miền Nam tìm đến địa chỉ của chị Lệ nhờ chị giúp đỡ tôi trở thành công chức mẫn cán với hy vọng sẽ dành dụm đựơc ít tiền để về quê cưới vợ. Tôi luôn có niềm tin chắc chắn là Tuyết sẽ chờ tôi. Hai năm sau, tôi nhận đựơc thiệp hồng của Tuyết với dòng chữ dửng dưng : “Em lập gia đình, anh gắng về dự đám cưới của em”. Tôi đổ gục như một cây chuối bị chặt ngang hông. Tôi không dám về lại quê hương. Tôi không đủ can đảm đặt chân lên bờ sông đầy ắp những kỷ niệm của hai đứa, đầy ắp mùi hương ngọt ngào của hoa dủ dẻ trong ký ức tuổi thơ. “Cầu cho em được một người tình như tôi đã yêu em”. Tôi lẩm bẩm nhiều lần câu thơ của Puskin như một ngừơi điên.

 

Chị Lệ đi đám cưới về mang theo chùm hoa dủ dẻ khô Tuyết gởi vào tặng tôi. Chị an ủi tôi :

 

-          Cậu đừng trách nó. Mẹ chị bệnh, mình nó lo không nổi, mang ơn người ta, với lại cậu đã nói gì với nó đâu mà bắt nó chờ.

 

Tôi mỉm cười cay đắng.

***

 

Khi Tuyết dắt con vào đây, chị Lệ đã bỏ đi gần ba tháng. Gã họa sĩ đã “quất ngựa truy phong” lúc chị đang mang bầu. Cắn răng chịu đựng “lời ong tiếng ve” của xóm giềng để nuôi đứa bé cứng cáp rồi chị ẵm con đi. Chị nói với tôi:

 

-          Chị đi nơi khác làm ăn và chị sẽ trả thù lũ đàn ông bội bạc.

 

Tội nghiệp bé Bầu. Ngày ra đi nó ôm cổ mân mê đùa nghịch chòm râu cằm lởm chởm của tôi. Cầm lòng không đậu, tôi hôn nó ràn rụa nước mắt. Chị Lệ nhờ tôi trông hộ căn nhà. Tuyết đến, tôi giao chìa khóa lại cho em. Qua Tuyết tôi biết mẹ em đã mất. Còn quê nhà cũng không khá hơn ngày tôi ra đi được mấy vì bão lụt triền miên. Chồng của Tuyết là một gã lái buôn cây. Hắn yêu Tuyết điên cuồng như con thú, nhưng lại rất chi li đê tiện. Sau cái ngày hắn vào tận miền Nam hành hung, Tuyết đã khóc và nói với tôi :

 

-          Nghèo là rất nhục. Nghèo là mất hết tất cả. Phải cần có tiền anh biết không ?

 

Tôi không an ủi Tuyết bằng lời. Tôi nghĩ chắc em xúc động quá mới nói như vậy thôi, chứ ngày xưa chúng tôi đâu cần tiền mà cũng hạnh phúc vậy. Tôi san sẻ cùng em món tiền ít ỏi kiếm đượ từ đồng lương công chức. Tôi hy vọng khi nỗi buồn qua đi tôi sẽ nhắc lại với Tuyết những kỷ niệm thời thơ ấu. Chắc là Tuyết sẽ hiểu được lòng tôi.

 

Chúng tôi dường như không có duyên nợ với nhau. Tôi chưa kịp nói với Tuyết dự định của tôi thì chị Lệ trở về. Đi với chị là người đàn ông mâp mạp trên chiếc xe hơi đờimới bóng lộn. Hai chị em ôm chầm lấy nhau mừng rỡ :

 

-          Chị về quê tìm em mới hay em vào đây. Biết chuyện, chị đã lo thủ tục ly hôn cho em.

-          Cảm ơn chị.

-          À quên ! – Chị Lệ quay qua tôi – Chị em lâu ngày gặp nhau mừng quá, quên giới thiệu với cậu Long, đây là anh Đường, ông xã của chị, giám đốc khách sạn Hoa Biển ở Vũng Tàu. Còn đây là cậu Long cùng cơ quan cũ với em.

 

Ông Đường hờ hững đưa tay về phía tôi. Tôi nắm bàn tay mềm nhũn đầy đặn của ông. Tôi có cảm giác như đụng phải con sùng đất. Chị Lệ vốn đã đẹp nay chị càng rực rỡ hơn trong bộ trang phục đắt tiền. Chẳng trách sao chị mê họăc đựơc người đàn ông tóc đã hoa râm.

 

Đầu óc tôi choáng váng khi nghe chị Lệ giục Tuyết :

 

-          Bỏ hết, xuống dưới đó rồi sắm lại. Ba cái đồ này xuống Vũng Tàu ai mà xài.

 

“Ba cái đồ” tôi nhịn ăn, nhịn mặc để sắm cho Tuyết ! Thêm một lần nữa, tôi để vuột mất hạnh phúc trong tầm tay.

 

Cảm thấy mình thừa thãi, tôi cúi xuống ôm thằng bé con của Tuyết vào lòng :

 

-          Cháu ngoan của chú, đi rồi có nhớ chú không ?

-          Nhớ chú nhiều.

-          Có thương chú không ?

-          Thương chú nhất sau mẹ Tuyết.

 

Tôi nghe nghẹn nơi cổ. Tôi bỗng nhớ bé Bầu con chị Lệ, chẳng thấy cháu đâu. Tôi muốn hỏi chị nhưng không dám. Nhìn chiếc xe hơi bóng loáng vút đi mang theo hai mẹ con của Tuyết, tôi cố nuốt miếng nứơc bọt qua cổ họng khô khốc của mình.

 

***

 

Chuyẹn xảy ra đã lâu rồi mà tôi vẫn không thể tin đựơc là con người có thể thay đổi nhanh chóng đến như vậy. Thằng bạn cùng cơ quan của tôi thường nói :

 

-          Bây giờ chuyện gì lại không thể xảy ra. Thời đại công nghiệp hóa, con ngừơi đến là chóng mặt với đồng tiền. Còn mày cứ ngơ ngẩn như từ cung trăng rớt xuống. Chẳng trách sao cuộc đời mày chẳng ra gì.

 

Thật tình tôi không muốn kể thêm đoạn này. Nó cứ rờn rợn làm sao ấy. Nhưng thật sự không thể giấu được dù nó tàn nhẫn như mũi dao xuyên qua trái tim ngu muội của tôi.

Tuyết đi đựơc nửa năm nhưng chẳng có lấy một lá thư. Tôi nhớ quay quắt, tìm xuống Vũng Tàu. Đứng trước biệt thự đồ sộ của ông chủ khách sạn, tôi không dám bấm chuông. Đón xe trở về Long Khánh, tôi ôm đầu nguyền rủa sự nhút nhát của mình.

 

Một năm sau Tuyết về thăm tôi trên chiếc Dream II màu nho. Tôi sững sờ không còn nhận ra cô thôn nữ ngày nào.

 

Tuyết bảo tôi :

 

-          Chị Lệ biểu em về nói với anh là chị Lệ cho anh căn nhà của chỉ, anh bán kiếm ít tiền phòng thân. Chứ người khờ như anh có ngày chết đói. Còn em, em đã có nhà riêng, có xe. Khi nào về Vũng Tàu ghé lại nhà em, em sẽ tiếp đãi anh như vua, “Ông xã” của em lâu lâu mới qua Việt Nam ghé ở vài bữa rồi chạy qua bên đó với bà vợ già của lão, anh đừng ngại…

Tuyết nheo mắt nhìn tôi cười, nói giọng tỉnh queo. Còn tôi ngồi trơ trên ghế mồm há hốc như trời trồng, đầu óc mụ mẫm, mọi thứ xung quanh như quay cuồng chao đảo.

Tuyết đi đã lâu rồi tôi mới sực tỉnh.

Tôi gục xuống bàn.

Tuyết ơi ! Tuổi thơ của tôi ơi ! Tôi muốn nghĩ ra một đoạn kết thật tuyệt vời cho mối tình của chúng ta, nhưng đã muộn mất rồi !

(*) Truyện này đăng trên Tiền Phong đổi tên là Linh Chi – nhưng tác giả thích tên Tha hương hơn

Nguyễn Một *
Số lần đọc: 2690
Ngày đăng: 13.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lục Bình trôi - Trần Lệ Thường
Căn nhà dưới tàn bông nhãn - Nguyên Quân
Vườn ổi ngự - Nguyễn Văn Hoa
Vợ chồng già - Nguyễn Lệ Uyên
Tiếng sáo - Hiếu Minh
Đợi hoài không thấy mưa ngâu - Trần Lệ Thường
Khoảng đời ngụ cư - Nguyễn Đình Bổn
Món cá chép - Trang Thanh
Bão xa - Nguyễn Lệ Uyên
Ngày của tuổi hai mươi - Nguyễn Đình Bổn