Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.204.468
 
50 năm trong một liên hoan
Hiền Lương

NSND Trọng Khôi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, khi nói về tình hình sân khấu (SK) hiện nay đã phải thừa nhận “Sân khấu vẫn luẩn quẩn với cái bóng của mình” dù trong lịch sử đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ. Chẳng đâu xa, nhìn vào những trích đoạn tiêu biểu nhất do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN lựa chọn trong 50 năm qua, vẫn có trích đoạn chưa khiến bạn nghề tâm phục khẩu phục.

 

Với trích đoạn từ những vở diễn từng oanh oanh liệt liệt một thời với hàng nghìn suất diễn như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Dạ cổ hoài lang, Điều không thể mất  thì chẳng ai dám chê vào đâu rồi. Điều đáng nói gói trong những trích đoạn được lựa chọn từ những vở gần đây. Sau khi xem Kẻ sĩ Thăng Long của NH cải lương Hà Nội và đặc biệt là Cà phê chín đỏ của Đoàn chèo Thanh Hóa, GS Hà Văn Cầu không khỏi thảng thốt: “Tôi không thể nghĩ rằng người ta lại có thể dựng kịch hát dân tộc mà như kịch vậy! Xem cải lương, xem chèo mà tôi chẳng mấy thấy diễn viên hát thì sao gọi là tiêu biểu của loại hình đó được? Đó là chưa tính tới những vở diễn được trao giải đàng hoàng tại các hội diễn, liên hoan mà tác dụng nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật đều không làm cho người trong nghề phải tâm phục khẩu phục, như vở Cà phê chín đỏ của Đoàn chèo Thanh Hóa”.

 

Có thể là trích đoạn, dù đã được lựa chọn kỹ vẫn không thể phản ánh thần thái toàn vở diễn nhưng đó không phải là nguyên nhân chính khiến người ta hoài nghi. TS Phạm Duy Khuê cho rằng qua một số trích đoạn của một số đơn vị, đặc biệt là địa phương thì tính chuyên nghiệp đang dần bị nghiệp dư hóa trầm trọng.

 

LH nhằm tôn vinh những vở diễn hay, vai diễn giỏi trong 50 năm qua. Suốt gần một tuần “đỏ đèn”, dù gì cũng phải đồng tình với quan điểm cho rằng LH đã thu hút khán giả hơn mức dự báo. Nhưng, những trích đoạn tiêu biểu trong thực đơn chưa thể là bữa ngon cho người yêu sân khấu. 50 năm, người còn người mất, có những vai diễn để đời giờ không còn người thể hiện xứng tầm, có những vở diễn làm xong vai trò lịch sử của nó, nay đã mai một. Có những nhà hát, đơn vị nghệ thuật không còn giữ được thương hiệu ngày nào, nay dựng lại một trích đoạn tiêu biểu đã là khó, nói gì tới việc dựng hoàn chỉnh cả một vở. Trong lúc SK, như người ta thường nói là đang thiếu vắng kịch bản hay thì tại sao trong lúc dàn kịch mục của mình vẫn có những tác phẩm chất lượng cao mà các đơn vị không khôi phục lại với đạo diễn mới, nghệ sĩ mới và diễn cho lớp khán giả mới? Điều đó hẳn có ý nghĩa hơn là dựng những kịch bản non yếu một cách gượng ép? Mong muốn này đã được lãnh đạo nhiều đơn vị nghệ thuật bày tỏ.

 

Tới với ngày hội, tâm trạng các nghệ sĩ không thiếu trăn trở, ưu tư trước thực trạng SK đang vắng khán giả. NSƯT Ngọc Bình, Trưởng đoàn ca kịch Huế xót xa khi thấy không chỉ đơn vị anh mà các đơn vị bạn đang phải tự nghiệp dư hóa, chạy theo thị hiếu khán giả, dựng những chương trình tạp kỹ mà bỏ rơi các vở diễn mang vấn đề lớn. Chỉ khi nào đi hội diễn, liên hoan, các đoàn mới nhăm nhe dựng vở quy mô. Theo anh, cần phải biết cách đầu tư hiệu quả, không nên nuôi tràn lan, có thể giảm bớt những đơn vị hoạt động không hiệu quả để tránh cái vòng luẩn quẩn chưa lo xong “nhà” này đã phải lo cho “nhà” khác. Nhà nước cần đầu tư cho những đơn vị tiêu biểu của sân khấu truyền thống, các đơn vị khác thì cần phải xã hội hóa để nhanh chóng hòa nhập với cơ chế thị trường.

 

NSƯT Thoại Mỹ lo cho hành trang hội nhập của SK, bởi theo chị thì nó khá “nghèo nàn và lạc hậu”. Rạp hát cũ kỹ, thiết bị âm thanh ánh sáng “giản dị”, không thể hỗ trợ nhiều cho nghệ thuật, đặc biệt là loại hình cải lương của chị có thể phát triển, đáp ứng nhu cầu đổi mới. Ngành SK thời gian qua vẫn chưa thực quan tâm tới việc đào tạo lực lượng kế thừa - từ tác giả kịch bản, đạo diễn tới nghệ sĩ biểu diễn. Nhiều nghệ sĩ trẻ sau khi dự thi, đoạt các giải thưởng tài năng cải lương, về “nhà” lại không có  đất dụng võ nên tài năng mai một dần...

 

Lúc này đây, khi SK đang gặp khó, rất cần sự quan tâm, từ nhiều góc độ khác nhau nhằm tạo dựng sức sống mới cho SK.

 

Theo HNM

Hiền Lương
Số lần đọc: 3748
Ngày đăng: 26.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trò chuyện giữa Ea Sola và Hoa Hạ - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 1 - Nguyễn Ngọc Bạch
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 2 và hết - Nguyễn Ngọc Bạch
Suy nghĩ về nhạc cải lương - Nguyễn Ngọc Bạch
Cải lương chi bảo: Bạch Tuyết - Thanh Hiệp
Nghệ sĩ Hồng Tuyết “Sân khấu là chổ đứng khán giả là niềm vui” - Võ Quê
Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh - Cây đại thụ của nghệ thuật cải lương - Khuyết danh
Thương nhau hát lý qua cầu - Thanh Bình
Dòng kênh đi từ hướng mặt trời - Thanh Hiền
Nghệ thuật Cải Lương - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Yêu… (tạp văn)