Phải lăn lóc đến tận cùng các ngóc ngách của cõi đời này, lẽ đời này mới viết được như câu thơ mộc như ca dao nhưng lại chan chứa bao điều gan ruột làm cho người đọc thổn thức như vậy.
Dù đã biết tạng của Trịnh Thanh Sơn và chơi với anh hàng chục năm nhưng mỗi lần đọc thơ của anh trong tôi đều trào lên nhiều cảm nhận mới, khó tả...
Mỗi câu thơ, mỗi bài thơ của anh là một tự sự chân thành được thốt lên một cách hồn nhiên từ trong gan ruột, những cảm nhận về đời người và người đời, về nhân sinh và vũ trụ. Sự gắn kết của Sơn với vũ trụ là một gắn kết từ tiềm thức, bản năng chứ không do giác ngộ hay bởi sự nhồi nhét từ những ngôi trường nào đó. Thơ của anh không đao to búa lớn, không vặn mình ép câu, không tìm tứ lạ oái oăm mà như hơi thở, như hơi men tự cất lên khi đã ủ tới ngày tới tháng.
Thơ Trịnh Thanh Sơn thật trái ngược với vẻ bề ngoài của anh: dữ dằn, bạo liệt. Đối với những kẻ Sơn không ưa, anh sẵn sàng đốp chát, nanh nọc. Tính Sơn vậy có lẽ do anh đã lấm láp quăng quật với đời quá nhiều. Đó là điều ngược với thơ Sơn: tinh khiết và lung linh, đằm thắm... Cuộc đời này đẹp quá, lẽ đời này đáng yêu quá. Có lẽ vì thế mà Sơn đã hết mình cho nó và phải trả giá cho tình yêu nồng nhiệt đắm say này: "Xin đừng buộc chỉ cổ tay/Khi xưa ai trắng mai ngày ai đen/Một mai ván lỡ nên thuyền/Gỡ ra thì nát chắc bền thì đau!" (Bóng ca dao).
Sơn là kẻ lãng du, anh lơ mơ với những gì là vật chất hiện hữu nhưng lại đắm đuối mê say những vẻ đẹp không hề chứa đựng một giá trị vật chất nào. Vì thế Sơn trở thành kẻ siêu thoát, hay do anh quá hiểu cái hữu hạn của đời người nên mới yêu nó đến đỗi ngu ngơ: "Em vẫn đấy nhưng đâu còn em nữa/Sông như mê ngơ ngác chảy bên trời/Đời hạn hẹp mà mình mơ mộng quá/Hoa mướp vàng hoa mướp nở bên tôi! (Hoa mướp). Sơn là kẻ nhập thế, trải đời nhưng không dùng mưu mánh, trí tuệ để chiếm đoạt những vật chất của cuộc đời này mà nhập thế để những cảm xúc thi sĩ của mình được phát tiết đến tận cùng...
Cũng giống với nhiều thi sĩ khác, thường sử dụng rượu như một chất kích thích, trong tập Vàng gieo đáy nước của Sơn có trên 20 bài đậm hơi men trong đó. Chất men say trong nhiều bài thơ của Sơn không hề kém độ linh tửu trong thơ Baudelaire. Tôi rất yêu chất tráng khí trong bài Nhớ Trần Vũ Mai của Sơn: "Một nửa đời Mai thơ đã nuốt/Nửa đời sau rượu uống nốt Mai rồi/Rót một ly này đưa Định Nguyễn/Hà Nội còn: Tạ Vũ, Trúc Cương, Tôi!". Bài thơ không chỉ đẹp như một bộ tứ bình, mà còn đẹp về cách sống hết mình với bạn, với đời, với thơ của Sơn. "Thôi thì làm bạn với... men/Thôi thì... nâng chén buồn lên... thôi thì"... "Âm dương biết mấy gần xa/Người nâng chén lạnh, Trời òa cơn mưa" (Khóc Định Nguyễn). "Nắng tắt mà người không đến/Anh ngồi rót biển vào chai" (Biển vắng).
Sơn từng bộc bạch về lối sống thiêu thân của mình trong 2 câu: "Cuộc đời ba chớp nguồn mưa bể/Kiếp thiêu thân nguyện cháy hết mình!" (Khúc ru xa). Có một bài thơ nghe như phần dịch nghĩa trong các bài thơ chữ Hán của Bạch Cư Dị hay Thôi Hộ, Sơn đã láu lỉnh mượn cách diễn đạt nửa ta nửa Tàu đó, nhưng hiệu quả của bài thơ lại khá bất ngờ: "Hà Nội đất vườn chẳng có/Ta đào gạch lên trồng cây xoài non ở góc sân/Thiếu nắng, thiếu gió/Mới có dăm năm mà trông dáng xoài đã già lụ khụ/Những đêm không ngủ/Ta vẫn cùng xoài trò chuyện rì rầm.../Bỗng một sớm mùa Xuân/Xoài cho bốn chùm hoa bói/Những chùm hoa an ủi/Hình như người thương ta còn nhớ ta! (Cây xoài).
Bài thơ sau đây của Sơn làm tôi liên tưởng tới tâm thế bất đắc chí của biết bao kẻ sĩ của bao đời: tâm thế quanh quẩn không biết giãi bày cùng ai cái Chí, cái Trí cái Tâm của mình, cuối cùng chỉ biết kêu trời, như người đọc thường thấy phảng phất trong nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Tiên Điền: "Năm ngoái/Ta bán đi mười cuốn sách cũ/Mua một cuốn sách mới/Năm nay/Ta lại bán đi mười cuốn sách mới/Mua một cuốn sách cũ... Chuyện mua chữ/Cả đời ta cứ loay hoay/Không biết khi nào cho xong/Không biết khi nào cho đủ!" (Mua chữ).
Tuyển thơ Vàng gieo đáy nước của Sơn in đẹp, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn tuyển chọn kỹ càng vừa ra mắt bạn đọc vào những ngày Trịnh Thanh Sơn đang lâm bạo bệnh. Tập thơ xứng đáng là tấm hộ chiếu thơ xác nhận cuộc đời thơ của Trịnh Thanh Sơn.
Cầm tuyển thơ này, người đọc sẽ hiểu đúng và thấy yêu Trịnh Thanh Sơn. Tôi rất tin điều đó.
theo TNO