(Thương tặng em gái T.D và những ai 18)
1. Kém tôi ba tuổi, nhưng không biết ăn thứ gì mà nó “đần độn” đến vậy. Mười bảy tuổi, bằng tuổi nó ngày nay, ngày xưa tôi đã tham gia công tác xã hội, làm việc từ thiện và biết “iu” nữa cơ! Còn nó… coi kìa… dzễ sợ không chứ? Người gì cứ đen trùi trũi, mái tóc củn cởn cháy xém vì nắng, cao nhòng và thụôc diện “suy dinh dưỡng” nặng, cao 1m60 mà có 34 kg hỏi sao không “dẹp lép như con tép” được? Hình vóc đã vậy, tính tình càng trái ngược tuổi tên. Với cái tên Thuỳ Dung dịu dàng và thanh nhẹ, cha mẹ đặt cho thật quý giá biết bao, thế mà nó “nhẫn tâm” xoá bỏ công lao to tát của “tiền nhân” một cách chẳng thương tiếc, Đi họ cthì thôi, về nhà là y như rằng cái “mỏ” của nó quang quác quang quác như bầy vịt trời vậy. Nó “đánh đông dẹp tây” như một vị tướng xông pha trận mạc, hết la nhỏ út sao bày biện giường chiếu tùm lum, lại quay sang mắng hai thằng nhóc sao không biết dọn dẹp (?)
Sà lên mâm cơm, nó chê nồi cơm có mùi khen khét, rồi mến thử canh nó chê canh không được chua, cá còn tanh(?) Tôi thì tức đến lộn ruột nhưng dại gì cãi với kẻ “đần độn” kia chứ?
2. Cha mẹ không la rầy nó vì hai đấng thân sinh rất thông cảm với việc ra đời thiếu ngày tháng nên thành ra “cà chớn” của nó. Hầu như nó muốn gì cha mẹ cũng chìu, và có cả khi “cưỡng ép” tôi nhường nhịn nó nữa chứ! Từ chiếc bút Hero (phần thưởng cho năm học) đến chiếc khăn tay, khăn mặt… tôi đều phải nhường nó “lựa” trước. Nó lật tới lật lui, xem trước xem sau rồi mới “duyệt” mà cái nào nó “duyệt” thì cái còn lại xem như đồ bỏ rồi đó!
Phòng hai đứa lâu ngày bị nhện giăng, tôi bảo nó quét thì nó trề môi cả… thước rồi phán:
- Quét làm gì, vài bữa nó cũng đóng lại hà!
Thế là tôi phải xách chổi đi “tảo thanh” chứ không lẽ “kình” với nó cho phòng ốc thành ổ nhện sao? Ao quần mặc xong nó máng khắp phòng, có bốn chiếc đinh mắc đồ thì y như rằng nó chiếm hết ba chiếc rưỡi, tôi bảo nó giặt bớt thì nó trả lời:
- Tuần giặt lần cho đáng!
Trời! Có tức không chứ? Và chịu hết xiết, tôi mang đống lỉnh kỉnh ấy ra dọn dẹp thì thế nào chiều hôm đó cũng… có chuyện. Nó lật qua lật lại bâu áo, cửa tay… rồi khen chê đủ điều (mà thường là chê nhiều hơn khen) rồi buông một câu xanh dờn:
- Đồ tui để đây không mượn giặt, lỡ giặt rồi thì mai này đừng kể công nhé! Rồi tủm tỉm cười và đem cất vô tủ.
Tôi tức muốn… ói máu nhưng không làm sao được, vì nó có nhờ mình giặt đâu, tại thấy “gai mắt” quá rồi tự làm thôi.
Lũ bạn của nó không cùng cha cùng mẹ như cực kỳ… giống nó. Đồ gì đâu mà dzô dziên hết sức, mỗi lần đến nhà là tíu tít lên (thật không biết xấu hổ là gì)
- Hoa cúc nhỏ Dung trồng đẹp quá!
- Cả mấy cây măng cũng nõn nà làm sao!
- Ừ, ừ… còn bụi hồng này nữa, sao cánh ướt rượt sương và thơm quá vậy? Ep vô vở chắc là thơm phải biết!
Rồi bọn nó tha hồ khen, tha hồ ngắm và tha hồ vặt sạch trọi vườn hoa “ mồ hôi nước mắt” của tôi. Tôi ngồi nhà sau mà tức muốn… điên lên được, nhưng không thể bước lên hét vào mặt lũ “mật dzạy” kia được, dù sau thì tôi cũng ngán những giọt nước mặt cá sấu của con em “trời đánh” này lắm. Đến khi lũ “thánh đâm” kia về, tôi lật đật chạy ra vườn hoa thì… trời ơi…
- Dung, Dung đâu ra tao biểu?
- Chị kêu chi dzậy?
- Sao bạn mày hái hết hoa của tao rồi?
- Tại… tại… tụi nó khen hoa đẹp quá! Mà nhỏ Oanh Kiều còn hứa sẽ cho chị mấy cây Hoàng Anh mà chị thích!
- Tao không cần, tao không cần gì hết, tao chỉ cần tụi nó trả lại hoa của tao thôi! Hu… hu… tôi bật khóc nức nở mà không hiểu vì sao. Có lẽ vì tiếc mấy nụ hoa khổ công chăm sóc, hay vì tức tụi nó “phổng tay trên” cũng không chừng.
3. Thật không bút nào tả hết sự “căm giận” của tôi với nhỏ em đáng ghét này. Từ việc nhỏ đến chuyện to, từ việc nhà đến việc học tôi và nó luôn là “đối thủ” của nhau. Nó quang quác tới đâu tôi nhịn nhường tới đó, nó học khá thế nào thì tôi ì ạch hơn thế. Và điều dĩ nhiên nó được cha mẹ qúi mến bao nhiêu thì tôi càng bị la “chằng chằng” hơn nữa. Vì làm chị mà không biết “làm gương” cho em út. Sao đời lắm bất công thế hở trời, ai chẳng biết vì nó ốm yếu, mẹ bận chăm sóc nhiều nên sự học của tôi phải lỡ mất hai năm (và cả một năm tôi bị lưu ban) nên bây giờ tôi vẫn học bằng nó. Cha mẹ nói tôi học dở vì không năm nào được lĩnh thưởng như nó, nhưng không lẽ mấy tấm giấy khen kia không đáng tự hào?
Tôi ngán ngẫm nhìn đống quần áo (tôi thường giặt đồ cho cả gia đình) rồi lại nghĩ đến bài phát biểu sắp tới mà ớn lạnh cả sống lưng, lại còn bài tập làm văn chưa làm nữa chứ. Là một trong những học sinh khá văn của trường, ngày mốt đây Đoàn trường tôi sẽ tổ chức buổi giao lưu “Học văn trong nhà trường” cùng trường bạn, lẽ nào tôi để “phe mình” chịu lép? Thế thì còn gì “danh tiếng” một “cây văn” kiêm Uỷ viên BCH Đoàn trường? Nhưng ai “thanh toán” giúp đống áo quần này đây. Mẹ ư, mẹ bận bán buôn cả ngày mệt mỏi quá rồi, nhỏ Dung ư? Tôi thà “thua keo này ta bày keo khác” với đối phương chứ không thèm nhờ nhỏ em khó ưa này đâu. Nhưng mà…
- Chị Hai nè… - Nó từ đâu “hiện về” khều vai tôi.
- Gì? Tôi gắt
- Để em giặt đồ cho.
- Đừng đùa, tao không cần mày, đây là bổn phận của tao! Tôi dấm dẳng bằng thái độ “bất cần đời”
- Em biết, nhưng ngày mốt trường chị có buổi giao lưu với trường em!
- Rồi sao?
- Chị đừng làm “mất mặt” một “cây văn”, nhất là trường em toàn chọn những bạn không “dễ ăn dễ nuốt” chút nào!
- Tao chả sợ!
- Nếu bài luận văn của chị “bảo vệ” xong, đàng này…
- Mày muốn gì?
- Em muốn giúp chị.
- Tốt nhất mày nên đi chơi và chút nữa yên lặng cho tao làm bài!
- Chị không làm kịp đâu, hai bày văn mà có một buổi chiều.
- Thì chiều mai!
- Chiều mai chị còn đi lao động!
- Ua, sao việc gì của tao mày cũng biết?
- Tại “người ta” quan tâm chị mà chị không biết thôi! Mà chị Hai nè… em muốn giúp chị thật đó…
- Mày đang diễn trò gì vậy con nhỏ kia?
- Có trò gì đâu… người ta có lòng tốt mà bị nghi ngờ… thật là uổng quá… Mà người ta đâu còn nhỏ nữa mà chị cứ biểu đi chơi hoài…
Cái gì? Nó nói “không còn nhỏ nữa” ư? Nghiã là nó đã lớn, tự bao giờ vậy kìa?
- Gì nhìn người ta dzữ dzậy?
- Nhìn coi phải mày hôn chứ gì?
- Chứ không lẽ con ma lem nào? Thôi chị vào làm bài đi! - Nó gạt tay tôi và ngồi vào vị trí thuận lợi nhật của thau đồ – Ừ mà chị Hai nè…
- Mày đừng nói là đổi ý nha em! Tôi cười cười.
- Ai “tiểu nhân” vậy? Em chỉ muốn hỏi chị là xem gương mặt em để tóc dài có hợp không?
- Quá đẹp chứ sao lại không hợp? Tôi trả lời một cách ngây ngô trước sự thay đổi đột ngột của nó.
- Mà nè… ai biểu mày dễ thương quá vậy hở cưng? Tôi xưng hô ngọt xớt.
- Tại… tại ít hôm nữa em 18 tuổi rồi, chị đừng nói là không có quà nghe!
- À há! Tôi vỗ trán cho sự đảng trí của mình, em gái tôi hoá ra không “đáng ghét” hay “trời đánh” như ngày nào tôi tưởng. Đã qua rồi cái thời “bất kham” của tuổi “cà chớn”, thiên thần 18 mang lại cho em tôi sự dịu dàng, đáng yêu của nàng thiếu nữ đang xuân. Oi… em gái của tôi…