Bây giờ mảnh vườn của mẹ không còn giàn bầu, giàn bí, không còn những hột mồng tơi tim tím cho các em thơ làm mực, những hoa mướp vàng dâng hương sắc cho những con ong màu xanh mực cũng héo tàn theo thời gian, vườn của mẹ không còn hoa cúc, hoa nhài và chiếc cầu tre xiêu vẹo nhô ra sông, để mỗi chiều hè những trẻ nhỏ thay phiên nhau tung mình xuống dòng sông thơ dại chỉ còn trong tâm tưởng. Dòng sông chảy ngang qua ngôi nhà tuổi thơ giờ đây không còn trong xanh như ngày xửa ngày xưa.
Chiều mưa lất phất tôi về thăm khoảng vườn xưa cũ của mẹ, lẳng lặng ra bãi đất bồi trước nhà đứng nhìn dòng sông mà lòng cô quạnh, tuổi thơ vùn vụt hiện về những gương mặt thời thơ ấu hồn nhiên của xóm bờ sông mà tôi gọi là xóm lũ lụt, nguyên nhân để có tên xóm lũ lụt, do hàng năm khoảng trên dưới mười trận lụt ghé thăm xóm nhỏ.
Ẩn sâu trong những lùm cỏ lau là hình ảnh thân thương của Hùng mồ côi cha mẹ khi mới hai tuổi, của Việt con chú Thoàng, của Tư con bác Tố, Vui con o Toại, của bé Ti, cu Lợi con bác Liên, bé Lắc, bé Xiêu con bác Hào, bé Gô con o Mười... Những gương mặt thơ ngây ngày nọ bây giờ không còn nữa, người đã là bác sĩ, người là kỹ sư, giáo viên, công nhân, cũng có người đang thất nghiệp,... Ngay cả những con chuồn chuồn cũng đành đoạn bỏ đi, chỉ còn lại những cái tên gợi lên trong tâm khảm như: chuồn ớt đỏ chói, chuồn voi oai vệ, chuồn cờ hùng dũng, những con chuồn chuồn màu vàng nghệ hiền lành, chuồn kim bé tí tẹo. Không biết chuồn chuồn có biết rằng, trước khi hoá kiếp trở thành chuồn chuồn để bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm, thì chuồn chuồn đã có một kiếp sống ở sông nước và lũ trẻ chúng tôi thường gọi là con “ăn mày”. “Ăn mày” có thân hình mềm mại, xanh non như một loài thực vật lơ lửng miền sông nước, ao hồ.
Chiều nay nhìn sông hoang vắng mà nhớ dòng tóc của mẹ xanh mượt mà như màu sông ngày xưa, giờ tóc mẹ đã chuyển sang màu mây trắng. Chuyến đò ngang hôm nay chỉ còn một chiếc bóng hao gầy, tiếng mái chèo khua nước lay động vùng không gian của ký ức, từ xa xăm tiếng chuông nhà thờ xứ đạo Thuỷ Thanh ở xóm Cồn Hến rung vang, tiếng chuông chùa Giác Hải xa xa vọng về gợi lên trong tâm cảm một nỗi quạnh vắng. Cơn gió chiều khẽ lay những tà áo dài trắng làm chao động hồn sông ngày nào.
Dạo quanh mảnh vườn nhỏ trong buổi chiều xáo xác, vô vàn những chiếc thuyền lá tre lơ lửng giữa khoảng không chưa tìm được trú ngụ. Chốc chốc những cơn gió xô những đọt tre lay động, thân tre va chạm vào nhau phát ra âm thanh kẽo cà kẽo kẹt chỉ còn sót lại trong những mảnh vườn xưa cổ. Tiếng hò ru con vọng ra từ ngôi nhà nhỏ bên xóm khiến tôi chạnh lòng, chợt nhớ câu thơ của nhà văn đoản mệnh Nguyễn Xuân Hoàng:
Mắt già sau cửa bàn khoa
Mẹ nhìn con mẹ bước qua nỗi buồn
Hầu hết thế hệ chúng tôi đều lớn lên từ những mảnh vườn của mẹ, những khu vườn đầm ấm kỷ niệm, tràn ngập tình yêu thương luôn được mẹ cha gieo trồng tạo nên một màu xanh kỳ vọng.
Đêm nay, ngồi bên mảnh vườn xưa của mẹ, nghe gió sông lùa vào những khóm lá xào xạc mà ngỡ như hơi thở người tình. Tôi đợi một bình minh trong đêm tối dưới ánh trăng bạt ngàn độ lượng thả ánh vàng vào đêm hoang vắng. Bất chợt nghe trong thăm thẳm mảnh vườn xưa cổ, văng vẳng tiếng bước chân ai về trong khuya khoắc. Gương mặt của mẹ hiền lớn dần lớn dần trong giấc mơ tràn ngập cả mảnh vườn, hình ảnh những bé thơ chạy ùa ra trước ngõ níu tay, níu áo khi dáng mẹ vừa nghiêng trước ngõ, mảnh vườn hôm đó rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Giờ đây, vườn xưa đã tàn tạ không còn cây ổi, cây vú sữa,... nhưng thật hạnh phúc là khu vườn còn hình bóng mẹ già hướng về phía trời xa mỗi khi chiều xuống, mẹ như linh hồn của mảnh vườn xưa. Ánh mắt mẹ trìu mến, nhưng trong sâu thẳm đôi mắt mỏi mòn của mẹ, những vết xước cuộc đời dọc ngang chằng chịt.
Huế, 6/2007