Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.436
 
Mật đắng
Đổ Thị Hồng Vân

 

Theo thói quen nghề nghiệp, Thông xem lại máy, kiểm tra phim rồi khoác túi lên vai. Ông Duy khoát tay:

- Mày để đồ nghề ở nhà, không người ta lại tưởng phóng viên nhiếp ảnh.

- Cháu muốn chụp gấu thật, ảnh động vật ngộ nghĩnh lắm cậu ạ.

 - Không được! Cất đi! Mau lên, muộn bây giờ.

 

Đúng 9 giờ, hai cậu cháu Thông đã có mặt tại quán: “Lương Sơn Bạc”  xem lấy mật gấu, nhân thể làm luôn mấy “xê xê” về dùng.

Đó là khu nhà có mặt tiền rộng đến chục mét chia làm hai gian: bên để khách “giải trí với mật gấu”, bên để mua bán, trao đổi hàng.

 

Một chú gấu ngựa cỡ vài tạ vừa bị gây mê, đặt nằm ngửa trên sàn xe có bánh đẩy ra giữa gian trái. Thân hình đồ sộ của nó tỏa hơi ấm, sực mùi rất đặc trưng. Bộ ngực rộng, cổ dưới, vòng lông trắng gặp nhau tại điểm giữa hơi ngoằng xuống tựa chữ Y làm cho chú thêm oai phong. Thông chen vào nắm được chân trước của gấu. Anh hình dung: Nếu để lại dấu trên mặt đất, nó phải gần bằng cái bát ăn cơm, nhát vồ ít nhất cũng mất một mảng mông lợn! Giờ đây, tứ chi nó đờ đẫn. Những cái vuốt khoằm khoằm, rắn như thép duỗi ra. Đôi mắt khép hờ, lim dim ngủ. Lục, chủ nhà, hôm nay ăn mặc bảnh bao, tóc chải bóng lộn, quay sang vợ:

- Bật màn hình lên, mình ơi!

 

Lục lấy một nắm bông quệt vào thứ thuốc mỡ gì đó trăng trắng, bôi lên bụng con vật, đặt ống nghe, di chuyển, siêu âm tìm vị trí túi mật. Trên màn hình, cái túi hình giọt nước to hơn ngón chân cái nhập nhòa, nhập nhòa hiện dần. Lục vén tay áo, cầm ống tiêm lên. Phập! Mũi kim to và sắc cắm ngập vào bụng con vật. Một dòng nước xanh xanh hơi vàng từ từ chảy vào ống xi lanh cỡ cổ tay người lớn. Thông rùng mình, ớn lạnh. Ông Duy chăm chăm nhìn dòng mật, tặc lưỡi:

- Mật con này tuyệt quá! Trong xanh như nhựa xoan. Lần này, tôi sẽ lấy hẳn mười “xê xê” về ngâm rượu.

Thắm – vợ Lục -  liếc ông Duy, cười hi hí:

- Vâng, hôm nay có cả tay gấu đấy, bác lấy mà dùng. Gớm! Có cái gì hay nhất em là…em cứ ưu tiên cho bác!

 

Được lời như cởi tấm lòng, một mắt ông Duy nhìn Lục, “mắt kia” ông đảo nhanh sang thân hình quả lê của Thắm:

- Thế mới gọi là tình nghĩa anh em chứ. Tôi có bao giờ để cho cô chú thiệt đâu!

 

Túi mật đã gần cạn. Lục ngừng tay, rút mũi kim ra. Gấu được đẩy vào cũi để rồi sau vài tháng nữa lại vật ra, hút lần tiếp theo, tiếp theo nữa…Hết con này đến con khác, chủ nhật tuần nào cũng có gấu phải “tế mật”.

 

Thông đi vào phía trong, xem trang trại. Mới được mấy bước, anh vội đưa tay lên bịt mũi. Một thứ mùi rất lạ xộc lên. Nó vừa hôi vừa hắc, ngai ngái, khai khai… pha tạp làm anh buồn nôn. Kia, bể thức ăn của các lãnh chúa rừng xanh. Cô gái đang pha trộn món ăn cho chúng giải thích:

- Rau, cám công nghiệp, cá, gan lợn và… hơn hai chục loại thuốc nữa  chú ạ!

- Thuốc gì mà lắm thế?

- Cháu cũng không biết, ông bà chủ bảo cho vào thì cứ cho vào.

- Thế nếu bọn gấu này ở rừng thì lấy đâu thuốc mà uống?

Cô gái cười:

- Chú đi mà hỏi chúng!

Thông nhớ những thước phim trong “thế giới động vật”: Gấu bắt cá tươi, gấu bẻ măng, nhặt hạt dẻ, leo trèo lấy mật ong… những sản phẩm của núi rừng thơm ngon, tinh khiết như thế, đâu lại có cái thứ thức ăn bốc mùi kinh khủng này. Thông khó chịu, định quay ra nhưng những ánh mắt gấu loang loáng làm anh chững lại, bước nhanh vào khoảng đất trống ở giữa, dừng lại…thở, đã thoáng hơn, đã có thể quan sát. Trừ một vài con đang nằm, tất cả đều nhộn nhạo. Chúng bám tay vào song sắt, dậm chân, lắc mình. Những bắp thịt rùng rùng chuyển động. Thông ngạc nhiên thấy tất cả lũ gấu đều có chung động tác: hoặc lắc lư như con lật đật, hoặc quay tròn như đuổi chiếc đuôi của mình. Anh nhìn những túi thuốc trên nắp mấy cái nồi quân dụng: bột, viên, xanh xanh, trắng trắng, hồng hồng… Ở đây, gấu không được leo trèo thì lắc - cũng giống như con người dùng thuốc lắc - cho tiêu mỡ, cho cơ bắp khỏe, và quên đi nỗi nhớ rừng xanh. Và quan trọng nhất là để cho túi mật chóng đầy phục vụ con người, những kẻ tự xưng là chúa của muôn loài, những kẻ cần phải có sức khỏe để làm chủ trái đất! Những cái đầu gấu bù xù ngơ ngẩn, những đôi mắt đờ đẫn vô hồn, tiếng hồng hộc giận dữ…

 

Rồi chúng ăn, ăn như điên như dại, như không hề biết rằng thủy tổ của mình không bao giờ biết đến những món tạp pí lù, bao nhiêu thứ thuốc như thế. Thông không không dám đứng gần bất cứ con nào, có thể nát mặt như chơi. Đi một vòng, đến cuối trang trại, anh sững lại: Một chú gấu con khoảng vài cân nằm cuộn tròn trong ổ rơm góc chuồng, chai sữa vứt lăn lóc bên cạnh. “Ê, cún con, dậy nào! Rừ…r…ừ…”. Nghe tiếng người lạ, chú ngóc đầu, mở mắt. Thông thích thú ngắm cái mặt tròn ngô nghê, đôi má phị, cái mõm đen chun ngủn. Đặc biệt, mắt nó tròn xoe, lấp lánh như hai hạt huyền, nhìn anh hồn nhiên như một đứa trẻ. Anh mê mẩn vuốt ve khúc lưng mềm mềm, nần nẫn thịt của nó. Gấu con khoái chí, nằm ệch ra, ôm tay Thông cắn cắn, nhằn nhằn, cái vòng trắng dưới cổ xinh thật là xinh. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, anh rời trang trại, trở ra phòng khách.

 

Quán “Lương Sơn Bạc” đang đến lúc tưng bừng nhất. Những đĩa thịt gấu nghi ngút khói được bê ra. Các quý khách nâng ly rượu pha mật gấu đang chúc tụng nhau. Những khuôn mặt hồng hào, sung mãn, tiếng cười nói râm ran không át nổi tiếng nhạc đệm cho một giọng ca khá hay: “…Một đêm trong rừng vắng, có anh lữ khách nhìn trời xa xăm biết đâu thôn nữ nhìn mình đăm đăm…”. Thời gian gần đây, nghe đồn “Lương Sơn Bạc” nổi danh “quán sạch”, các quý bà cũng tấp tểnh theo các ông. Cũng cụng ly, cũng nhắp rượu, khà khà nhấm nháp, mắt lim dim mơ màng… Một tay mày râu có lẽ lần đầu mới đến quán, hết hít ngửi chén rượu hạt mít lại nhai nhai, nghe nghe món đồ nhậu rồi ghé tai ông bạn cùng đi:

- Này, có chắc rượu mật gấu không hay mật lợn? Thịt này tôi chả hiểu thịt gì, nửa mùi ngựa, nửa mùi trâu... Lấy đâu ra thịt gấu mà chiêu đãi không mất tiền  lắm thế?

Ông kia cổ đỏ lựng như gà chọi, lườm bạn:

- Im mẹ nó cái mồm đi! Nói thế không sợ mất lòng tốt của người ta à, được nhậu, không mất tiền lại có mật tươi mà dùng. Có ai bắt ông phải đến đây đâu. Lần sau ở nhà mà rúc váy vợ, đừng đi theo tôi nữa!

- Đồ sâu rượu! Rồi cũng sớm chết toi,  nốc cho đẫy vào!

 

Ông Duy rất tinh ý, chẳng cần ngồi gần hai gã nhà quê kia ông cũng biết tỏng hai thằng cha ấy thì thào những gì rồi. Gì thì gì, ông phải xắn tay áo lên, giữ uy tín cho quán và nhất là để lấy lòng cô chủ. Bởi cô Thắm vẫn ngon mắt lắm, mông tròn, to, bộ ngực thây lẩy. Mà vợ ông già rồi, nhăn nhúm như bị… Ông đứng dậy, giơ tay ra hiệu cho tắt ca nhạc rồi nâng cao ly rượu:

- Kính thưa các quý vị! Hôm nay, “Lương Sơn Bạc” kỷ niệm con gấu thứ hai trăm được hút mật, mà lại là mật của “ Võ Tòng”, khỏe nhất đàn đấy! Mong rằng cái món tửu gấu này thấm vào huyết quản, tăng thêm sức mạnh cho những người đàn ông chúng ta (xin lỗi các quý phu nhân nhé!) làm cho chị em đã yêu lại muốn yêu thêm tí nữa…tí nữa…Các vị khách từng đến đây có thấy thế không nào?

Tất cả vỗ tay, gõ đĩa rào rào, cười ha hả. Ông Duy tít mắt nhìn Thắm từ gian bên bước ra, kéo hai vạt áo khép nép:

- Em xin có nhời tiếp theo anh Duy. Quán của chúng em đây lấy tụ điểm vui chơi là chính, ngày chủ nhật, bạn bè gặp nhau vui chén rượu đầy… chứ em nói thật, nuôi gấu, bán mật cũng chỉ lấy công làm lãi thôi. Chỉ mong khi về, các anh chị chiếu cố lấy cho vài “xê” và tuyên truyền hộ chúng em. Mật ở đây là mật thật, trăm nghe không bằng một thấy. Em xin có nhời cám ơn các anh, các chị!

Chà! Con mẹ này múa mép khá đấy - Thông thầm nghĩ, cúi nhìn chén rượu, tìm xem cái ma lực nào trong cái thứ chất lỏng vừa đắng vừa cay, cháy họng này. Chợt nhớ tới gấu con, anh vội vã đến bên ông cậu rì rầm trao đổi. Ông Duy gật gù “Việc này chỉ có tao lo được, cứ về nhà đã”.

 

Nhà ông Duy ba tầng, xây theo kiểu biệt thự Pháp. Thông nằm khểnh trên ghế xa lông êm ái, mặc ông cậu quát gọi bà giúp việc pha nước. Anh thấy mệt mỏi:

- Cậu có biết nguồn gốc gấu trong trang trại không? Hàng trăm con, khiếp thật!

- Mày chõ mũi vào việc của nhà người ta làm gì? Có cầu thì có cung, gấu ở trong rừng chứ còn ở đâu. - Ông Duy tủm tỉm - Gấu mẹ đẻ gấu con, gấu con đẻ gấu cháu…

- Cậu cứ đùa, cậu chỉ cho cháu xem chỗ nào rừng Việt Nam có gấu sinh sôi như thế? Cháu hỏi để biết thôi. Hay… chính cậu…đẻ ra chúng!

 

Ông cậu trừng mắt:

- Tao cấm mày hỏi han đến những chuyện ấy! Rỗi hơi à? Thôi, không nói chuyện mua bán gì nữa!

Thông cười dàn hòa:

- Gớm, làm gì mà như bị kiến đốt thế. Cháu chỉ quan tâm đến thằng gấu con thôi. Mẹ nó đâu hả cậu?

- Ngoẻo ngay sau khi đẻ con. Người ta chở đến đây, nó đã có chửa. Thằng Lục ngu như con lợn lại còn hút mật con mẹ, đâm ra mới yếu thế. May được cái cu cậu phàm ăn nên mập ú. Để cậu nói với cái Thắm, nhưng liệu mày có nuôi được không? Nghi ngờ nguồn gốc những con gấu trong trang trại sao  còn dám nuôi gấu con? Nó còn lớn nữa chứ?

- Trông nó côi cút tội nghiệp thật đáng thương. Trước mắt, cháu cứ nuôi cho vui cửa vui nhà. Sau này, nếu không được phép nuôi, có thể cháu sẽ cho nó theo rạp xiếc. Con gấu đẹp thế mà đè ra lấy mật thì dã man quá. Cậu cứ hỏi mua đi, bao nhiêu cũng được.

 

Từ hôm đó Tô Tô - tên chú gấu con - ở với Thông. Bốn mươi tuổi, bị vợ bỏ, chê anh hãm tài, quanh đời với cái nghề “phó nháy” không bao giờ khấm khá lên được. Cũng có một vài mối tình khác, song Thông cảm thấy chưa yên ổn với cái gọi là tổ ấm nên lần lữa chối từ. Bây giờ, anh đã có Tô Tô. Nó yêu quý Thông lạ lùng. Ngay từ buổi đầu đi làm về, khi mở cánh cửa ngoài, anh đã thấy Tô Tô chống hai chân trước lên cửa xếp như đứng chờ sẵn anh từ bao lâu rồi. Hai mẩu tai run rẩy, đôi mắt tròn xoe như hạt nhãn, cái mõm chun ngủn ấm  a ấm ứ. Anh bế nó lên, dụi trán vào bộ mặt ngô nghê đáng yêu. Nhìn nhà cửa, anh phát hoảng. Chai, lon lăn lông lốc, mấy cuốn tạp chí rách tan, tủ lạnh mở toang, bơ, pho mát bôi nhoe nhoét… Ngay lập tức, anh đi mua cũi, mua xích. Thông bận như nuôi con mọn. Đầu anh giờ phải tính toán: Hôm nay, Tô Tô ăn gì? Dạy nó thói quen gì? Không chịu tắm xà phòng thơm thì làm thế nào?.. Đến ngày thứ ba, tự dưng nó đốc chứng không chịu bú sữa, ấn bình vào mồm, nó nhất định lắc đầu, nhằn ra. Nhớ đến Bình - bạn làm bác sĩ, anh nhờ tư vấn nuôi gấu, Bình cười ngất:

- Ông bị ấm đầu rồi! Hay lâu không có hơi đàn bà sinh ra lú lẫn? Hỏi tôi về bệnh tật con người thì có thể giải thích và chữa được, chứ gấu, xin vái cả nón! Mà có hỏi bác sĩ cả thành phố này thì ai cũng mù tịt hết.

- Thật là bất công! Con người xét về mặt sinh học cũng chỉ là động vật bậc cao, không có các loài khác thì “chúa của muôn loài” cũng chẳng thể tồn tại được. Thế cậu có biết bác sĩ thú y nào không?

Bình lại cười phá lên:

- Có đấy, bác sĩ Lộc - nhà đại phẫu thuật chó, mèo bằng giềng mẻ! Năm ngoái, tớ nuôi một tên mèo cực đẹp, vằn xám hung hung nhé. Chả hiểu ăn uống thế nào mà đi ngoài mấy hôm liền. Nghe người ta mách ông Lộc bác sĩ thú y, mình tìm đến, ông ấy bảo: “ Cậu đi ngoài hay dùng gì? Biseptol hả? Về lấy một phần tư viên, nghiền ra, đổ vào mồm nó”. “Sao lại thế, ruột mèo khác ruột người chứ? Ông là bác sĩ gì vậy?”. “Này, anh mày đây đích danh được Cục cử đi học hẳn hoi, nhưng học về, làm chó gì có cái bệnh viện thú y nào mà hành nghề, thành thử quên sạch kiến thức, mà dân thì có mấy ai chữa bệnh cho loài vật. Có một vài người cũng hỏi về bệnh tật chó mèo, mình cứ từ người mà suy ra, ấy thế mà cũng khối con khỏi. Không chịu khỏi hả? cho ăn củ riềng, thế là xong!”. Đấy, cậu đem Tô Tô đến đấy mà chữa!

 

Thông ngao ngán. Anh nhớ đến “Lương Sơn Bạc” và mũi kim xuyên bụng gấu. Không, mình không thể trao nó cho ai. Về nhà, anh bế nó lên nựng nịu: “Ngoan nào, ăn đi, mày có thương tao không?…” Tô Tô níu áo, rúc vào ngực anh run run. Thông chợt hiểu ra: có lẽ nó rét. Lúc chiều, anh tắm cho nó hơi lâu và quên không sấy khô ngay. Nó còn là một đứa trẻ con mà. Đêm âý, anh tìm củi, đốt lửa sưởi ấm cho nó ngủ. Sáng ra, cu cậu tỉnh như sáo, ôm bình sữa mút chùn chụt.

 

Gần một năm đã qua. Tô Tô lớn nhanh như thổi. Sữa, thịt, cá, rau, đậu, bí, khoai, mật ong… nó chả chê thứ gì, thậm chí Thông ăn gì nó ăn thứ ấy. Đi làm về, anh mở xích, nó vào trong phòng, chồm hỗm xem anh ăn cơm, hai tay bê cái bát nhựa  xin xỏ trông thật buồn cười. Thông dạy nó làm đủ trò: vỗ tay, nhảy dây, đội bát nước… Anh có hàng mấy trăm kiểu ảnh về nó. Anh lựa chọn một vài kiểu gửi dự thi triển lãm ảnh toàn quốc.

 

Sáng chủ nhật mùa hè hôm ấy, Thông ở nhà để hoàn thiện những tấm ảnh cho một hãng quảng cáo. Chợt, chuông điện thoại réo vang…Ban tổ chức cuộc thi triển lãm ảnh toàn quốc thông báo cho anh tin vui: Anh được giải nhì với tấm ảnh “Tình bạn” chụp cảnh Thông và Tô Tô  đang nhảy nhót trên bãi cỏ xanh mượt, dưới bóng cây cổ thụ xum xuê. Thật là một hạnh phúc bất ngờ! Thông chạy ra túm lấy cổ Tô Tô mà lắc lấy lắc để. Cu cậu thấy chủ vui cũng nhảy cẩng lên, cái đầu bù xù ngúc nga ngúc ngoắc, cái mông béo tròn ngoảy bên nọ, ngoảy bên kia... Nhớ đến “Lương Sơn Bạc”, nảy ý muốn thăm lại “ quê hương” của Tô Tô, anh phóng xe đi.

 

Gì thế kia? Hay mình nằm mơ? Thông dụi mắt: Đúng, con “Võ Tòng” đang đứng trên sân thượng tầng hai của quán, nhăn mõm, nhe nanh, nhìn xuống cái thang gỗ dưới chân, nơi ông Duy và cô Thắm đang tụt xuống. Trên mình cô Thắm độc chiếc áo sơ mi của ông Duy chưa kịp cài cúc, tà áo bay phấp phới. Ông Duy trần như nhộng, một tay giữ thang, tay kia cầm cái khăn tắm chụp ra phía trước. Cả hai trợn ngược mắt lên chỗ con gấu đang đứng, ú ớ kêu không nên lời, chẳng còn tí hồn vía nào để ý đến cái đám đông đang cười lăn cười bò bên dưới.

 

Trong nhà, mọi người xúm quanh Lục. Máu me bê bết trên mặt, loang lổ thấm ướt chiếc áo phông trắng. Ba vết tay gấu đào thành rãnh bên má, sượt xuống cả bả vai phải của Lục.

 

Sáng nay, Lục không biết rằng: con “Võ Tòng” bị gây mê bằng thuốc giả,  lượng moocphin quá ít. Khi Lục và đám tùy tùng đang hý hoáy bên con gấu cũng là lúc ông Duy và Thắm đang…tình tính tang…trên gác hai.

 

Lúc mũi kim phập vào bụng, “Võ Tòng” chợt mở mắt, nó giơ tay tát vào mặt Lục rồi hồng hộc chạy lên cầu thang, húc toang cánh cửa phòng mà cô Thắm sơ ý không khóa trái. Nó giương mắt nhìn ông Duy và Thắm rồi hộc lên. Cả hai thất kinh, vớ lấy một thứ gì đó để che tạm, lao ra cửa sau, may mà còn có cái thang …

 

Thông bấm máy di động gọi cảnh sát, cứu thương. Cái đám đông lại được một phen kinh hồn bạt vía, chạy tọt hết vào nhà, chốt cửa rõ chặt. “Võ Tòng” trở xuống, lao vào trang trại. Nó giận dữ cào cấu cái cũi từng tù đày nó biết bao nhiêu tháng ngày. Tất cả lũ gấu trong chuồng đều hộc lên, quay cuồng như điên như dại. Mọi người run cầm cập chờ cấp cứu. Tiếng còi đã hú vang ngoài đường.

Đổ Thị Hồng Vân
Số lần đọc: 2470
Ngày đăng: 04.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thiên thần 18 - Đào Phạm Thùy Trang
Báo hiếu cha - Lê Xuân Quang
Cậu bé và con khỉ - Nguyên Quân
Từ mái trường xưa - Nguyễn Lệ Uyên
Lão gù ở ngã ba sông - Nguyễn Đình Bổn
Thở dài - Nguyễn Lệ Uyên
Chuyến xe ngày hai tám - Nguyên Quân
Huyền thoại mai vàng - Trần Hoài Dương
Chim vịt kêu chiều - Nguyễn Đình Bổn
Lưỡng lự * - Lê Anh Hoài
Cùng một tác giả
Cánh chim lưu lạc (truyện ngắn)
Đồng sàng dị mộng (truyện ngắn)
Mật đắng (truyện ngắn)
Karaoke… xóm phố (truyện ngắn)
Nước mắt trần ai (truyện ngắn)
Nhà sáng tác (truyện ngắn)
Xôn xao nắng chiều (truyện ngắn)
Chuyện sau trận lụt (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Số đào hoa ! (truyện ngắn)
Lửa đêm đen (truyện ngắn)
Con nhà tông... (truyện ngắn)
Đèn màu (truyện ngắn)
Chân trời nơi đâu? (truyện ngắn)