Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ. Cấu trúc địa chất cơ bản là vùng bán sơn địa nhưng có nhiều dạng địa hình tự nhiên như đồi gò, đồng bằng, sông ngòi, rừng nguyên sinh… Nơi đây là vùng đất lý tưởng vì sự đa dạng về thổ nhưỡng và môi trường sinh thái: vừa giàu có về rừng cây gỗ quý nổi tiếng một thời, vừa có chất đất thuận lợi để trồng cây công nghiệp và có cả đồng bằng phù sa màu mỡ.
Trên vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu đãi nên nhìn chung dân cư Bình Dương có đời sống ổn định, nền nếp, phong lưu, văn hóa phát triển. Theo Đại Nam Nhất Thống chí thời Tự Đức, Bình Dương xưa thuộc trấn Phiên An, giữa hai huyện Bình Dương (Tân Bình) và Phước Long, dân cư trù mật, nhà ngói, phố chợ liền lạc, là xứ phồn hoa đô hội của đất Gia Định, cả nước không đâu sánh bằng. Ngày nay dấu ấn xứ phồn hoa đô hội ở Bình Dương vẫn còn được lưu giữ qua nhiều ngôi nhà cổ, một loại hình di tích văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Làng xã ở Bình Dương thường nằm yên bình, tĩnh lặng giữa thiên nhiên đầy cây xanh của vườn cây trái hay vườn cây cảnh, trên vùng đồi gò đã được khai phá thành vườn tược hay trên những cù lao nằm giữa dòng Đồng Nai. Có lẽ phong cảnh nhà vườn với nếp sống phong lưu thể hiện rõ nhất nơi những căn nhà bề thế, cổ kính trên những cù lao trù phú như cù lao Mỹ Hoà, Mỹ Quới (tên cũ của Bạch Đằng, Tân Uyên) cù lao Rùa, cù lao Thạnh Hội… Cù lao ở đây đã được con người chọn để cư trú từ lâu đời, nơi có nhiều dòng họ giàu có “tam đại đồng đường” trong những ngôi nhà cổ đồ sộ giữa vườn cây trái bạt ngàn, không gian tĩnh mịch và môi trường sinh thái trong lành.
Tại Bình Dương hầu như có đủ các kiểu nhà thường thấy ở Nam Bộ.
Nhà chữ đinh: là loại nhà phổ biến nhất tại Bình Dương. Kiểu nhà này có hai căn, căn nhà trên nằm ngang và căn dưới nằm xuôi, đòn dông của hai căn này thẳng góc với nhau, giống như chữ đinh (丁¡) trong Hán tự. Đặc điểm của nhà chữ đinh là cửa cái của nhà trên trổ ở chiều dài của ngôi nhà, còn cửa cái của nhà dưới trổ ở chiều rộng (tức ở đầu hồi nhà), do đó cửa cái hai căn nhà trên và nhà dưới đều mở ra cùng một hướng, có chung mái hiên trước, tạo sự đồng nhất cho toàn bộ ngôi nhà. Kiến trúc nhà chữ đinh thể hiện ý thức về trật tự phong kiến rất rõ. Nhà trên quan trọng vì là nơi thờ cúng tổ tiên nên thường bề thế, cao hơn nhà dưới, đây cũng là nơi sinh hoạt chủ yếu của nam giới. Nhà dưới là nơi ở chung của gia đình, nơi sinh hoạt thường xuyên của phụ nữ. Dù nhà bằng vật liệu bán kiên cố hay kiên cố, phần lớn nhà chữ đinh tại Bình Dương đều thuộc dạng nhà chữ đinh có cầu nối đặc trưng của miền Trung, tức là nhà có phần trung gian nối vách và mái giữa nhà trên và nhà dưới thành một tổng thể chứ không tách rời nhau.
Để cất được một căn nhà chữ đinh, trước tiên phải có diện tích đất khá rộng, sau nữa chi phí cho vật liệu xây dựng khá cao, vì vậy chỉ những gia đình khá giả trở lên mới có khả năng đáp ứng. Có những ngôi nhà chữ đinh diện tích nhà trên đến 250m2 (ngang 10m dài 25m), được xây dựng bề thế với những cột gỗ lớn, các bộ phận trang trí kiến trúc được chạm khắc tinh xảo. Đi khắp Bình Dương, nhất là những nơi có cư dân lâu đời như thị xã Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An… đâu đâu cũng có những ngôi nhà chữ đinh cổ xưa với dạng nhà vườn giống nhau. Phổ biến là nhà chữ đinh có kích thước trung bình, mái ngói cổ rêu phong, hiền hòa giữa những vườn cây xanh, tạo cho cảnh quan cư trú một vẻ đẹp yên bình và sung túc.
Nhà chữ Nhị cũng khá phổ biến tại Bình Dương. Loại nhà này có hai căn: nhà trên ở phía trước và nhà dưới liền ngay phía sau nhà trên, do đó hai cây đòn dông của nhà trên và nhà dưới nằm song song với nhau như chữ nhị (二þ). Bố cục mỗi căn nhà thường là ba gian, tuy nhiên sau này người ta cất nhà dưới dài thêm một gian so với nhà trên để lấy ánh sáng. Nhà dưới là không gian cư trú, còn nhà trên chủ yếu dành làm nơi thờ tự. Nhà chữ nhị cũng thuộc loại nhà có diện tích đất tương đối lớn.
Nhà chữ Đinh và nhà chữ Nhị là những ngôi nhà có tuổi khá xưa, phần lớn được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, chủ nhân thường là người giàu có. Tuy đã trải qua trùng tu nhiều lần nhưng nhờ xây dựng bằng các loại gỗ quý, thợ dựng khéo léo và kỹ lưỡng, con cháu có sự lưu tâm giữ gìn nên đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn.
Nhà ba gian hoặc ba gian hai chái là loại nhà phổ biến trong dân chúng. Không gian của căn nhà vừa để ở, vừa có chức năng thờ tự và tiếp khách. Nhà ba gian phân bố ở vùng nông thôn và cả thành phố. Để tận dụng diện tích làm nhà ở, theo độ che rộng của mái nhà, người ta xây dựng thêm một hoặc hai chái hai bên nhà ba gian.
- Nhà năm gian hai chái tại Bình Dương được tầng lớp điền chủ, phú gia, trí thức giàu có ưa chuộng. Kiểu nhà này chiếm diện tích đất rộng, kỹ thuật xây dựng công phu, vật liệu tốn kém vì là sự kết hợp giữa kiểu nhà gỗ truyền thống với phong cách kiến trúc và vật liệu xây dựng của phương Tây, thường được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XX: nền nhà cao có bậc tam cấp, tường xây gạch dày, tô hồ quét vôi. Cột nhà có khi là cột bê-tông nhưng vì kèo gỗ và lợp ngói, có trần nhà.
Nhà cổ ở Bình Dương cũng thể hiện tính chất chung của nhà cổ Nam bộ, đó là có kết cấu nhà cột giữa (nhà rôi) và nhà xuyên trính (nhà rường) theo hệ thống khung chịu lực truyền thống như ở miền Bắc, miền Trung. Về sau có thêm dạng nhà đúc kết cấu bê tông chịu lực theo kiểu phương Tây.
Nhà cột giữa thuộc kết cấu cổ truyền, cột cái (cột giữa) kết gắn trực tiếp vào đòn dông và giao điểm của hai cây kèo, tạo thành một bộ vì nhà giản đơn, thích hợp với loại hình nhà thô sơ, bán kiên cố. Hạn chế của nhà cột giữa là không gian nhà chật hẹp do sự hiện diện của hàng cột giữa.
Nhà xuyên trính còn gọi là nhà rường phổ biến hơn nhà cột giữa. Bộ khung sườn nhà này không có hàng cột cái ở giữa nên không gian nội thất khá rộng rãi. Một số nhà rường biến thể là nhà bát dần được xây cất rất qui mô. Mái ngói của dạng nhà bát dần kéo sà thấp xuống (giống như chữ Bát…..trong Hán tự). Bên ngoài nhìn vào kiểu “mái xụ" này thấy nhà có vẻ thấp, nhưng bước vào bên trong sẽ thấy hệ thống kèo cột và trần nhà rất cao làm cho nhà thoáng mát vì kiểu mái đó có tác dụng che mưa và ánh nắng chói chang vùng nhiệt đới, đồng thời hạn chế được tầm nhìn từ bên ngoài. Nhà ông Trần Công Vàng ở thị xã Thủ Dầu Một là một ngôi nhà rường theo kiểu chữ đinh, gồm 5 gian 2 chái, dài 24m, ngang 22m với 6 hàng 24 cây cột, đầu kèo chạm trổ tinh xảo. Cột nhà xưa thường bằng các danh mộc như sao, cẩm lai, gỗ mun.
Bình Dương hiện còn nhiều ngôi nhà cổ có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật, niên đại trên dưới 100 năm, chủ yếu tập trung ở thị xã Thủ Dầu Một và huyện Tân Uyên, như nhà ông Trần Văn Tề (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một), nhà ông Trần Văn Hổ (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một), nhà ông Trần Công Vàng (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một), nhà ông Nguyễn Văn Đằng (xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên), nhà ông Đỗ Cao Thứa (xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên), nhà ông Nguyễn Tri Quang (xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một)… Trong số đó có hai ngôi nhà được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1993, đó là nhà ông Trần Văn Hổ và nhà ông Trần Công Vàng.
Hầu hết nhà cổ ở Bình Dương có giá trị về mỹ thuật kiến trúc và trang trí là nhà chữ đinh. Riêng nhà của một số gia đình giàu có nổi tiếng ở thị xã Thủ Dầu Một, ở huyện Tân Uyên thì có qui mô khá lớn và hình thức đa dạng chứ không chỉ là kiểu nhà chữ đinh truyền thống. Nhà ông Trần Văn Hổ thuộc kiểu nhà 5 gian 2 chái rất rộng lớn, hoàn toàn bằng gỗ chạm trổ kỹ lưỡng từ cột, kèo đến vách. Kiểu nhà này xưa vốn là đặc quyền của tầng lớp quan lại cao cấp thời Nguyễn, thường dân không được phép xây dựng. Nhà ông Nguyễn Văn Đằng theo kiểu nhà chữ công £¨工¤£© có hai gian lớn gọi là Đông lang – Tây lang; hay kiểu nhà chữ khẩu £¨口£© (gồm 4 căn với hướng đòn dông tạo thành hình vuông) của ông Nguyễn Tri Quang. Hầu hết những căn nhà cổ vừa nêu trên đều khẳng định chức năng thờ cúng ông bà tổ tiên và thể hiện niềm tự hào về gia tộc trên các bức đại tự như Trung Nghĩa Đường, Trần Miêu Duệ, Nguyễn Phủ Đường… tại gian thờ chính trong nhà.
Việc xây dựng nhà ngày xưa rất công phu. Gia tộc ông Đỗ Cao Thứa cho biết nhà xây 3 năm mới hoàn thành, do những người “thợ Bắc” thi công. Vì địa thế vùng Tân Uyên thấp nên nhà phải đắp nền cao rất công phu. Đất phải lấy từ ấp Bình Hóa (xã Uyên Hưng) vận chuyển bằng xe bò đến bờ sông, sau đó chở đất bằng ghe qua sông rồi mướn người gánh về đổ đắp nền nhà. Nền cao hơn mặt đất 0,8m, xung quanh nền nhà được bọc móng rất kiên cố bằng những tảng đá ong vốn có nhiều ở miền Đông Nam Bộ.
Nhà cổ tại Bình Dương là dấu ấn thời kỳ phong kiến giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Hầu hết nhà cửa thời kỳ này còn tồn tại cho tới nay đều nhờ kỹ thuật xây dựng kiên cố với các loại danh mộc quý, chắc như lim, căm xe, cà chất… Khung sườn các nhà xưa hầu hết sử dụng kỹ thuật lắp ghép tự nhiên (lắp mộng) chưa dùng đinh sắt. Các bức vách gỗ phía trước nhà hoặc vách ngăn giữa gian thờ tự với gian nhà trong, những cây kèo, hoành phi, câu đối, bao lam, bàn thờ, trang thờ, bình phong… đều được chạm trổ tinh xảo theo phong cách chạm lộng, chạm thủng, chạm chìm khéo léo. Ngôi nhà vừa là công trình kiến trúc tài hoa, vừa chứa đựng những tác phẩm điêu khắc phản ánh các giai đoạn của nền mỹ thuật Nam Bộ: giai đoạn sớm là chạm trổ trên gỗ mộc, toàn bộ chỉ để gỗ tự nhiên, giai đoạn muộn hơn là dùng sơn ta để sơn son thếp vàng hoặc cẩn ốc, khảm trai, sơn mài…
Thời kỳ đầu nhà cổ tại Bình Dương được thi công xây dựng và trang trí chạm trổ bởi các nhóm thợ mộc nổi tiếng khéo tay từ miền Trung vào như thợ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Bình Định (thường gọi chung là “thợ Huế”). Bên cạnh đó còn có thợ mộc của “trường phái thợ Thủ” (Thủ Dầu Một) với tay nghề giỏi nức tiếng đã dần đảm trách vai trò chính yếu trong xây cất nhà và trang trí nội thất. “Thợ Thủ” không chỉ hành nghề ở Bình Dương mà còn ở nhiều nơi khác. Người ta rước “thợ Thủ” về xây nhà và nuôi nhóm thợ trong nhà hàng năm để họ chạm khắc trang trí cho ngôi nhà. Những thế hệ nghệ nhân “thợ Thủ” đã trải nghiệm tài nghệ của mình và lưu danh về kỹ thuật xây cất và nghệ thuật trang trí nội thất những ngôi nhà trên khắp Nam Bộ. Trong “Nam kỳ nhân vật phong tục diễn ca” Nguyễn Liên Phong đã nêu:
…“Nhà khéo cất tốn bạc muôn
Tiếng đồn thợ Thủ ráp khuôn kỹ càng”
Những nghệ nhân nghề mộc khéo léo, tài giỏi của Bình Dương xưa đã để lại những tác phẩm nghệ thuật của mình trên các kèo đùi ếch, trên “lá dung” đầu kèo, bao lam, hoành phi, câu đối, bàn ghế, tủ thờ… được chạm, cẩn tinh xảo, làm nổi bật sắc gỗ mộc thanh cảnh, vàng óng, đỏ tươi và sắc mun ánh ngời bóng loáng của sơn ta, của xà cừ… Đặc biệt toàn bộ vách trước những căn nhà truyền thống ở Bình Dương thường được “thợ Thủ” chạm trổ tỉ mỉ tài hoa, tạo nên vẻ đẹp sinh động nhưng tôn nghiêm cho căn nhà. Từng khung vuông, khung chữ nhật của bức vách trước được chạm khắc nhiều đồ án hoa văn các môtíp điển hình như tứ linh, tứ quý, quả lựu, hoa mẫu đơn… Vách trước cũng thường chạm đôi “mắt cửa” hay biểu tượng của âm dương, nhật nguyệt và khung viền cửa trước (bao lam) thường chạm trổ kiểu đòn võng khéo léo.
Nhà xưa ở Bình Dương hầu hết lợp ngói âm dương, nền nhà lót gạch tàu đỏ. Trong nhà theo mô thức trang trí nội thất thống nhất, gồm bộ trường kỷ gỗ đen ở gian giữa phía trước bàn thờ, hai gian nhà hai bên bày hai bộ ván ngựa. Ở một góc nhà có tủ kiếng để chưng bày các cổ vật kỉ niệm. Bàn thờ, nhất là các câu đối trên cột hoặc các bài minh bằng Hán tự đặt trên bàn thờ tổ tiên đều được cẩn ốc hoặc sơn son thếp vàng. Nội dung các câu đối, bài minh hầu hết đều đề cao lòng hiếu đễ với ông bà tổ tiên, nề nếp gia phong, việc kính trọng và phụng dưỡng cha me. Ngoài dấu ấn đặc trưng của tâm thức Nho giáo đương thời thể hiện như yếu tố chủ đạo trong nội dung các câu đối, bài minh… chủ đề trang trí trong những ngôi nhà xưa tại Bình Dương còn thấy một nội dung khác của văn hoá Nho giáo, đó là những bài thơ cổ tả phong cảnh hay là điển tích xưa. Ngoài đồ trang trí nội thất chủ yếu bằng gỗ như tủ thờ, bàn thờ, trường kỷ, bộ ván, mấy bộ bàn ghế… trong nhà còn có nhiều đồ gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu như đôn tròn, lục giác, đôn voi, chậu kiểng, độc bình. Nhiều ngôi nhà cổ còn có vài vật dụng Tây phương như đèn Măng sông, quạt trần, máy hát đĩa…
Về Bình Dương đắm mình trong không gian tĩnh lặng của những ngôi nhà cổ giữa khu vườn êm ả, tiếng ồn, khói bụi đường xa dường như không len lỏi vào đến nơi đây, cuộc sống xô bồ gấp gáp chốn thị thành dường như không hiện diện ở nơi đây… Chợt thấy mình như được quay về với những ngày xưa yêu dấu…
Tham khảo: Tài liệu của Ban quản lý di tích tỉnh Bình Dương