Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.232.367
 
Chị và em
Hội An

Bố mẹ tôi chỉ có hai đứa con gái. Trong ký ức mờ nhạt về bố, tôi thường nhớ về một người đàn ông trắng trẻo và cao ráo. Ông hay săm soi nhìn tôi rồi lại nhìn em gái tôi. Có lần ông nói trêu mẹ tôi mà tôi vô tình nghe được: "2 đứa như không phải là con một nhà. Hay con Như là cá người ta rơi vào giỏ tôi?". Tôi hiểu ý ông muốn nói là tôi thì xấu mà em tôi lại quá xinh đẹp. Hay tôi không phải là con của ông thật? Quả thật bố mẹ vừa xót thương vừa như ghen ghét tôi vì tôi đen đủi xấu xí trong khi Lan trắng trẻo mũm mĩm.Có lúc mẹ ôm tôi vào lòng xót xa ái ngại, lúc khác lại thờ ơ ghét bỏ, chỉ âu yếm Lan thôi. Tôi vô tư lớn lên, không để ý thái độ nhiều khi bất thường của người lớn. Tuy nhiên đến khi lớn hẳn, đã không còn bố mẹ nữa thì tôi bắt đầu thoáng có nhưng oán hận bậc sinh thành. Em tôi trắng hồng như trứng gà bóc, còn tôi thì mai mái màu đất sét. Lan tròn trịa, đầy đặn với những đường cong hấp dẫn còn tôi lỏng khỏng như một con bọ ngựa với khuôn mặt hình quả bí và chân tay dài ngoẵng. Sau này thì tôi có da có thịt hơn chút xíu nhưng cái biệt danh "Như bọ ngựa" vẫn theo tôi mãi cho đến khi tốt nghiệp đại học.

 

Nếu như sắc đẹp là thứ tài sản không mua được của phái nữ thì tôi quả là thiệt thòi. Có lần, tôi đã đọc được ở trong một quyển sách nào đó câu chuyện về một người đàn ông kén vợ. Anh ta đã qua tuổi "nhi lập" từ lâu mà vẫn không sao tìm được ý trung nhân. Bố anh ta thấy con loay hoay mãi mới hỏi: "Con cần tìm một người như thế nào?". Anh ta nói: "Của cải (ý là hồi môn) là phù du. Nay còn mai có thể hết. Tính nết có thể sửa sang, cải tạo được (nếu không, từ giáo dục đâu còn ý nghĩa gì). Trí khôn chỉ cần ở mức vừa phải (nhiều quá cũng chẳng để làm gì khi đã làm vợ). Chỉ nhan sắc là thứ duy nhất không thể đắp thêm, không thể cải tạo nên là điều cần có trước tiên và không thay thế (tất nhiên là anh ta không muốn nói đến sắc đẹp giả qua thẩm mỹ viện). Chiều con, ông bố đã cho anh ta bán gần hết sản nghiệp cha ông để lại để sống và đi tìm cho được  người đàn bà đẹp của đời mình. Chao ơi! Nếu tất cả đàn ông trên thế gian này đều như anh ta thì tương lai tôi quả là mờ mịt cho dù tôi có học giỏi, có làm hay, có tốt tính bao nhiêu chăng nữa.

 

Nhưng đó là những ý nghĩ mãi về sau này, còn lúc đó tôi mải học và không để ý hết mọi điều. Bố tôi vì bệnh tật hiểm nghèo đã bỏ vợ con mà đi sớm. Năm sau thì mẹ tôi cũng ra đi mãi mãi sau một cơn cảm hàn nặng, để lại hai chị em tôi côi cút trên đời. May mà chúng tôi còn bà nội. Bà cũng già rồi nhưng bà thương chị em tôi. Ba bà cháu trong một mái tranh nghèo giữa khu vườn rộng đầy cây trái. Khu vườn tuy vậy thu hoạch chẳng được bao nhiêu vì trái cây lúc đó rẻ hều, chỉ sẵn cho chị em tôi lúc nào cũng có cái để ăn được. May mà còn một doi đất ngoài bờ sông đầy phù sa. Bà cháu tôi trồng khoai lang, đậu ve, vừng và rau cải. Lần hồi, đắp đổi, chúng tôi cũng tạm đủ sống và hai chị em tôi vẫn được đi học. Tôi thường nhớ lại những đêm mưa rả rích trên mái tranh, bà nằm giữa hai chị em tôi. Bà gãi lưng cho đứa này rồi đứa khác. Bà công bằng và không xét nét như bố tôi. Hay bà đã quá già để không coi vẻ ngoài là quan trọng? Hay mắt bà đã quá mờ nên chẳng còn thấy chúng tôi đang lớn từng ngày và khác nhau đến tương phản? Tôi vẫn học giỏi và được giấy khen đều đều sau mỗi lớp. Lan cũng vậy. Về môn toán nó có vẻ còn xuất sắc hơn cả tôi.

 

Cho đến khi tôi đậu đại học nông nghiệp. Trường đóng ở Hà Bắc cách nhà đến mấy trăm cây số. Chỉ có Lan và bà ở nhà. Ở vào lớp cuối cấp, Lan đã chẳng thể nào tập trung vào chuyện học vì khi đó em đã như một bông hoa xinh đẹp bị vây quanh bởi cả đàn bướm đủ màu đủ vẻ không lúc nào ngớt. Bà tôi hiền lành nên khuyên can cháu mãi chẳng được. Vả lại sắc đẹp em tôi đâu phải là tội lỗi. Bà đã già rồi làm sao đủ sức để xua được đàn bướm kia. Tôi có nhận được thư bà nhờ người viết hộ. Tôi viết thư về cho Lan phân tích, cảnh tỉnh nhưng những lá thư của tôi như rơi vào vực nước xoáy. Lan chỉ trả lời thư tôi một lần. Em nói rằng em tin ở bản thân mình, rằng chị cứ yên tâm. Chẳng yên tâm thì tôi cũng chẳng làm gì được vì tôi cũng còn phải lo học và tôi đang xa nhà đến mấy trăm cây số. Chưa kể là tôi đâu đủ từng trải để làm thầy em trong lĩnh vực mới mẻ này.

 

Điều hệ quả tất nhiên đã đến. Lan không đậu cả tốt nghiệp chứ đừng nói gì đến đại học. Em buồn chán nên đi làm. Vả lại bà tôi cũng quá già rồi. Đâu thể nuôi em mãi. Sau khi em học hành dở dang, bà buồn bã rồi cũng ra đi sau một cơn cảm nặng. Hàng xóm gọi điện cho tôi về. Hôm đó trời giông bão. Vườn nhà tôi cây đổ ngổn ngang. Em tôi ngồi bó gối ủ rũ. Nhìn cảnh tượng hoang tàn bên nấm mộ bà hiu hắt, tôi khóc miên man. Suốt một đời lụm cụm, chẳng nhẽ đến lúc nhắm mắt xuôi tay, người ta mới có thể về đến nơi thơ thái cực lạc? Về bên kia, liệu bà có thể phù hộ cho sắc đẹp của em tôi thoát khỏi đa đoan?

 

Người ta khuyên em tôi vào làm trong một tổ thêu đan của hợp tác xã. May mắn là em tôi khéo tay. Bàn tay nuột nà với những ngón búp măng mà ngày xưa tôi thường ghen tỵ đã trở nên nổi tiếng trong tổ thêu vì những mẫu thêu tinh tế, cách pha màu sống động. Đàn bướm quanh em tôi không hề giảm đi. Cho đến một hôm có một con bướm lạ xuất hiện. Đó là một người đàn ông hào hoa phong nhã. Anh ta là nhân viên xuất nhập khẩu thường về nhận những sản phẩm thêu của hợp tác xã. Nhận được mong manh hương thơm một bông hoa đẹp, anh ta liền tìm đến. Một cô gái đẹp một thân một mình trong một khu vườn rộng, dù có bị vây quanh bởi cả đàn bướm thì với anh ta, một kẻ lọc lõi trong tình trường chẳng khó khăn gì để chiếm giữ. Lan bắt đầu xao xuyến thực sự trước vẻ hào nhoáng phố thị khác hẳn những gã trai nông thôn từng theo đuổi. Rồi những món quà thơm tho đắt tiền. Cả những lá thư tình mùi mẫn mà lời lẽ cóp nhặt ở đâu đó. Nhưng lúc này Lan đâu còn đủ tỉnh táo để phân biệt. Kết cục, khi đã ở trong vòng tay người đàn ông lọc lõi thì càng không tỉnh táo nổi. Khôn ngoan cũng thể đàn bà. Vả chăng, cái cơ thể tròn đầy, ngà ngọc của em lẽ nào không chưa đựng những ham muốn bản năng khi được đánh thức. Vậy là em đã bất chấp tất cả. Cả khi biết là anh ta đã có nhà cửa vợ con đề huề ở thành phố. Anh ta về sống đàng hoàng với Lan mỗi đợt nhận hàng vài ba ngày rồi lại đi với rất nhiều lời hứa. Lan tin vào những lời hứa của anh ta như tin vào cứu cánh. "Hãy biết chờ đợi rồi cuối cùng chúng ta sẽ ở bên nhau trọn vẹn" (!), "Tình yêu mới là điều quan trọng nhất em ơi" (!)

Khổ thân em tôi. Phải chờ đợi mãi mà chẳng bao giờ được mặc áo cưới, được lên xe hoa như bao cô gái bình thường khác. Anh ta có yêu Lan không? Có lẽ là có. Có rung động. Có đắm say. Có những lời hứa xuất phát từ trái tim. Nhưng anh ta đã như chim vào lồng, như cá trong chậu. Đâu đủ dũng cảm và sức lực để phá bỏ hoàn cảnh hiện tại mà tiến tới hôn nhân với em tôi được.

 

*

Thời gian đó tôi đã chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Bạn bè tôi cũng đã nhiều người nhắm xin chỗ này chỗ kia chuẩn bị cho tương lai. Riêng tôi vẫn như một con bé khờ khạo hoàn toàn. Được phân công về tỉnh, rồi lại phân về nông trường miền núi này. Với tôi, ở đâu cũng được miễn là đúng nghề mình. Tôi chẳng quen biết ai có quyền thế, lại cũng chẳng có tiền bạc gì để chạy chọt nên đâm ra lại yên tâm.

 

Ở nông trường này tuy buồn tẻ nhưng tôi được đón tiếp khá thân thiện. Hình như giữa những bộ quần áo bảo hộ, với những đồi chè xanh bạt ngàn, những đồi dứa um tùm trên đất đỏ hay đàn bò vàng đủng đỉnh trên bãi cỏ non, tôi thấy được bình đẳng hơn, đỡ mặc cảm hơn với vẻ ngoài của mình so với những hào nhoáng phố phường. Nơi ở mới của tôi hoàn toàn tốt đẹp. Những thân thiện của bà con nửa công nhân nửa dân cày làm tôi yên tâm gắn bó và hết mình với công việc.

 

Tôi về thăm nhà, định đón Lan lên ở với tôi cho có chị có em. Vẫn biết không có cái tổ thêu nào ở đó, vẫn biết chưa thể tìm ngay được một công việc phù hợp với em nhưng tôi chỉ còn có Lan là ruột thịt. Tôi nhớ lời trăn trối của bà mà hàng xóm nhắn lại: "dặn Như phải lo cho em". Tôi ra mộ thắp nhang và hứa với bà: "Cháu đã học xong rồi, chúng cháu sẽ luôn có nhau. Bà cứ yên tâm bà nhé". Nén nhang cháy, ngọn khói liu riu như nụ cười mãn nguyện của bà chấp nhận lời hứa thành thực của tôi.

 

Nhưng rồi lời hứa của tôi hoàn toàn không thực hiện được. Em gái tôi lấy lý do đã gắn bó với nghề thêu và không muốn ngôi nhà bà để lại hoang lạnh, không muốn xa những gì thân thuộc nên không muốn đi với chị. Tôi biết người đàn ông của nó thỉnh thoảng vẫn về. Biết rằng tình ruột thịt dù nặng nhưng lại không có độ dính bằng tình yêu đầu đời mà nó đã bước vào. Khi đã có cái mong manh ảo huyền nhưng thi vị do người đàn ông mang lại thì dù đi với chị có chắc chắn mấy cũng chẳng được nó chọn. Tôi đành bất lực nhớ mấy bác hàng xóm trông nom và báo tình hình về nó cho tôi thôi

*

 

Tôi quen Trung trong một buổi sinh hoạt chi đoàn. Anh là đội trưởng đội cơ khí của nông trường. Anh không đẹp trai nhưng tầm thước, rắn rỏi và vâm váp. Tôi ngỡ ngàng đón nhận tình yêu của anh mà vẫn không tin đó là sự thật. xung quanh anh có biết bao cô gái đẹp của nông trường, kể cả những cô chẳng thua hoa khôi, hoa hậu mấy tý. Sau này tôi cứ cật vấn mãi tại sao anh đến với tôi thì anh nói ý nhị: "Chẳng phải ai cũng phát hiện được vẻ đẹp hoàn hảo của một cỗ máy trong vẻ ngoài bình dị của nó". Tôi dằn dỗi: "Anh so sánh em với mấy cái máy vô tri vô giác của anh". Anh cười hiền lành: "Đừng giận anh. Bệnh nghề nghiệp mà!".

 

Chẳng phải anh không thích người đẹp. Tôi từng biết anh hát không hay lắm nhưng lại hay hát. Và tôi đã bắt gặp anh say mê hát một mình bài hát có lời rất dễ thương:         

           "Thương đôi mắt sao trời lung linh

                                    Thương yêu ngón tay ngà xinh xinh

                                    Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng

                                    Thương em mong manh như một nhành lan"

 

Hay với tình yêu, tôi đã trở nên đẹp hơn trong mắt anh? Chẳng phải người ta đã nói sắc đẹp nằm trong mắt kẻ si tình đó sao? Dù sao thì tôi không chỉ yêu mà còn biết ơn anh nữa. Nếu các bạn thời đi học của tôi biết được rằng "Như bọ ngựa" mà cũng có người yêu đàng hoàng như anh thì sao nhỉ?

 

Tôi còn làm biết bao việc lẩn thẩn để cắt nghĩa tình yêu của anh cho đến tận mùa thu năm sau, anh giục tôi cùng anh đi ra thị trấn để đăng ký kết hôn. "Để em tin anh và tin vào mình hơn". Anh nói với tôi như vậy.

 

Rồi sau đó ít lâu, chúng tôi làm đám cưới. Một đám cưới giản dị ở nông trường. Không có tiệc tùng, chỉ có bánh kẹo, nước trà với hoa dại và rất nhiều tiết mục văn nghệ tự phát. Người ta nói cô dâu xinh hơn bình thường rất nhiều. Không biết có đúng không? Trong trạng thái lâng lâng hạnh phúc, tôi chẳng thể ý niệm được điều gì rõ rệt. Đêm tân hôn, anh trêu tôi: "Có nàng tiên út xấu xí bị nhà trời đày xuống trần gian đã chui lạc vào giường tôi đây này". Tôi đáp trả: "Người nhà trời mà lạc địa chỉ sao?" Rồi xấu hổ dụi đầu vào ngực anh, ngửi thấy mùi mồ hôi đàn ông lạ lẫm. Phía rừng xa, đôi chim từ quy vẫn khắc khoải hót tìm nhau trong đêm vắng. Tôi nằm trong vòng tay anh ấm áp, vững chãi, cảm thấy bình an, tin cậy. Chúng tôi được nông trường chia đất, giúp dựng nhà. Với bàn tay khéo léo của anh, dần dần, trong nhà tôi đã có đủ những đồ đạc giản dị mà xinh xắn. Tôi nuôi thêm ít heo gà để có thêm thu nhập. Rồi hai đứa con tôi lần lượt ra đời, đều trắng trẻo, đẹp đẽ. Tôi thầm cám ơn số phận, thầm cám ơn anh đã cho tôi hạnh phúc bình dị như bao người đàn bà khác.

*

 

Nhận được tin Lan bị tạt a-xít vào một buổi chiều mưa dầm gió bấc, tôi lập cập run rẩy không bước nổi lên đằng sau xe để anh chở đi mua vé. Tôi khóc vì thương em và giận mình đã không cương quyết hơn với nó. Tại sao tôi biết tình trạng một mình em không thể yên ổn nổi với mối tình ngang trái đó mà vẫn lần khân, không cứng rắn hơn. Tôi đã mải mê với hạnh phúc của mình mà quên đi nhiệm vụ làm chị mà bà nội dặn lại. Không biết nông nỗi đến mức nào. Trung an ủi tôi bình tĩnh rồi dặn dò cứ ở bệnh viện giúp em. Việc nhà và các con anh sẽ lo chu toàn. Việc cơ quan anh sẽ xin phép và bàn giao những gì cần thiết cho phòng kỹ thuật. Tiền nong đã mang đi hết số để dành nhưng anh dặn nếu thiếu cứ nhắn về anh sẽ xoay sở và gửi tiếp. Lúc này lòng tôi rối bời, không nhớ cả câu cám ơn anh khi chia tay bước lên chiếc ô tô đỏ quạch đầy bùn trong màn mưa tầm tã.

           

Còn nghiêm trọng hơn cả trong hình dung của tôi. Em bị tạt a-xít trên đường đi giao nộp đồ thêu về và người ta đã không bắt được thủ phạm. Không có chứng cớ gì để kết luận đó là người của tình địch em ở thành phố. Tôi nhìn khuôn mặt băng kín mít của em mà xót xa. Chiều bệnh viện trong màn mưa ảm đạm, chị em tôi còn biết làm gì hơn là ôm nhau khóc trong hờn tủi, trong tiếc nuối, trong ân hận muộn màng, trong đau khổ cùng cực. Đẹp để làm gì em ơi? Lần đầu tiên, tôi oán hận cái đẹp của em tôi. Chẳng thà tạo hoá cứ bắt nó xấu xí như tôi, cuộc đời nó đã bằng phẳng hơn. Trong nỗi đau, tôi nhớ đến một câu thơ  đã đọc ở đâu đó:

Đẹp ơi cái đẹp chả bền

Nên ta nhặt chữ đắp đền phù dung.

           

Cái ông nhà thơ nào đó thật vớ vẩn. Lại có thể đền bù cho vẻ đẹp mong manh chóng tàn bằng cách loay hoay ca ngợi đoá phù dung được ư? Bây giờ thì tôi cầu mong cho bệnh viện có phép thần kỳ trả lại cho em tôi khuôn mặt cũ, dù có phải tốn kém, dù tôi có hy sinh mọi điều cũng được.

           

Ngày hôm sau thì người đàn ông của Lan đến. Anh ta xách một túi quà hớt hải bước vào. Anh ta sượng sùng chào tôi rồi ngồi lại bên giường, nắm lấy tay Lan. Xót thương, tiếc nuối, đau đớn hay hối hận? Tôi khó lòng đọc nổi đó là ý nghĩ nào trên khuôn mặt xương xương với cặp mắt sâu và cái cằm hơi lẹm trong ánh sáng mờ tối của căn phòng.

- Chị Như hiểu cho tôi. Tôi thương Lan lắm.

Tôi giận dữ:

- Nếu anh không thương thì nó đã không ra nông nỗi này!

- Nhưng tôi cũng không hiểu lý do tại sao?

- Tại sao à? Không hiểu à? Biết đến bao giờ anh mới hiểu là những người đàn ông như anh đã luôn đem đến bất hạnh cho những đứa con gái nhẹ dạ như em tôi. Anh cút đi.

 

Tôi không thấy kẻ thù trực tiếp của em tôi. Nhưng giờ đây anh ta đã trở thành kẻ thù với muôn vàn căm ghét.

- Anh cút ngay đi

- Chi cho tôi gửi lại Lan ít tiền để điều trị…

- Em tôi không cần nữa. - Tôi gần như hét lên. Anh ta lầm lũi đi ra như chạy trốn. Tôi không cần để ý đến thái độ của em tôi lúc này. Có thể nó vẫn cần sự an ủi của thói quen nhưng sự tàn bạo của sự việc giúp tôi cứng rắn hơn. Một lúc sau chị y tá vào đưa cho tôi gói tiền nói là của anh thanh niên gửi.

 

Anh ta còn đến vài lần nữa nhưng tôi đã xua từ ngoài cửa phòng. Tôi không muốn em tôi đau đớn hơn. Tôi cũng biết những tình yêu kiểu này đến đây là đến hồi kết thúc. Khi sắc đẹp em tôi không còn, anh ta lại tiếp tục tìm kiếm một bông hoa mới.

 

Em tôi nằm bệnh viện đúng một tháng. Chồng tôi gửi tiền thêm hai lần. Nhưng không một lực lượng siêu nhiên nào nghe được lời cầu ước của tôi. Ngày ra viện, tôi lại phải thay đổi điều ước của mình. Bây giờ tôi ước cho mọi loại gương trên mặt đất đều biến mất để em tôi không bao giờ phải đau khổ khi nhìn thấy một khuôn mặt dị dạng, co rúm lại, méo mó lồi lõm, nâu xám đủ cấp độ màu thay thế cho những nét yêu kiều ngày xưa của mình. Nhưng rồi điều tôi lo sợ đã đến. Em tôi rú lên man dại trên chiếc ô tô đưa chị em tôi rời bệnh viện về quê khi nhìn thấy mình trong tấm gương chiếu hậu. Tôi ôm lấy em đau đớn xót xa. Giá có thể là gánh nặng để tôi gánh đỡ. Giá có thể là những điều san sẻ được. Đằng này nó là thứ mà người đàn ông trong câu chuyện đã nói là không mua bán được, không thay thế. Tôi nhìn ra xung quanh. Tất cả đều bình thường, kể cả xấu xí như tôi. Chao ơi! Sao tạo hoá lại chọn đúng em tôi để trút giận dữ?

 

Tôi định đưa em về nhà mình ở nông trường. Tôi chắc chồng tôi cũng đồng ý vì anh thương tôi và rộng lượng. Nhưng Lan đã từ chối. Em không muốn người lạ phải kinh sợ em. Em muốn sống cùng nỗi đau chỉ một mình, ở một nơi quen thuộc. Em không còn muốn tiếp xúc với mọi người nữa. Biết làm sao hơn. Một lần nữa tôi lại bất lực, chỉ biết nhờ vả bạn bè nó thi thoảng ghé thăm thôi. May mà đôi mắt em không bị tổn thương. Em sẽ tìm quên trong công việc cũ.

 

Một thời gian sau, tôi nhận được tin sức khoẻ em đã hồi phục. Bạn bè đi nhận và giao nộp đồ thêu cho em. Hàng xóm mua bán giúp em những thứ cần thiết. Gần như em tôi đã che giấu được khuôn mặt biến dạng của mình trong khu vườn rộng vắng vẻ. Chồng tôi thương cảm đã vay mượn tiền sắm cho em cái ti vi để em có tiếng nói bầu bạn trong nhà. Từ đó ngày nào tôi cũng mua hai tờ vé số. Tôi ước chi tôi may mắn để có tiền giải phẫu thẩm mỹ cho em. Nhưng người ta nói phải ra nước ngoài và số tiền phải nhiều lắm. Biết bao giờ tôi mới có số tiền đó để lo được cho em?

Hội An
Số lần đọc: 2491
Ngày đăng: 05.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mật đắng - Đổ Thị Hồng Vân
Hài nhi không biết cười - Trần Văn Bạn
Một Buổi Chiều - Ian Ranking
Thiên thần 18 - Đào Phạm Thùy Trang
Báo hiếu cha - Lê Xuân Quang
Cậu bé và con khỉ - Nguyên Quân
Từ mái trường xưa - Nguyễn Lệ Uyên
Lão gù ở ngã ba sông - Nguyễn Đình Bổn
Thở dài - Nguyễn Lệ Uyên
Chuyến xe ngày hai tám - Nguyên Quân
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)