Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.228.582
 
Trăng đầu ngọn nước
Nguyễn Nguyên An

Chúng tôi đến Nam Đông trong những ngày cuối hạ. Thị trấn Khe Tre rực rỡ cờ hoa long trọng kỷ niệm 60 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Sau bão số 6 năm 2006, tôi lên Nam Đông, rừng cây hai bên đường xơ xác lá, hơn 700 ha cao su gãy đổ tơi bời và hơn 3.000 ngôi nhà bị sập hoặc tốc mái, đường vào huyện cơ man cây đổ rạp, lá rụng dày mấy lớp bốc thum thủm, sức tàn phá của bão Xangsane quả ghê gớm! Bây giờ, chưa tròn một năm, xe lại bon bon giữa hai mái rừng keo và cao su vươn tán xanh ngút, tôi không khỏi xúc động bởi sự hồi sinh của những cánh rừng trên vùng đất từng căn cứ của tỉnh và khu V! Cũng chính sức hồi sinh mãnh liệt này, thúc giục tôi trở lại Nam Đông, huyện Anh hùng Lực lượng Vũ trang và Anh hùng trong thời kỳ đổi mới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Tôi về thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, nơi toàn ròn bà con dân tộc Cơ tu sinh sống chan hoà bên nhau. Cơ tu là nguồn sông đầu ngọn nước. Nơi đầu nguồn Tả Trạch chảy từ núi Mang và núi Atine về. Một chiều, tôi lội bộ ngược sông, đi hết đuờng thảm nhựa dọc dài thôn Dỗi, qua cột điện cuối cùng mạng lưới điện sông Đà trong vườn nhà anh Hồ Văn Hảo và vắt một góc "quăng dao" vượt đèo Tà Gùng. "Đèo Tà Gùng" tôi mạo muội tạm đặt, do đây là con đường đất dân sinh dài 7km, mới cày bạt taluy, vắt qua đỉnh Tà Gùng, cho bà con trong thôn có con đường đến vùng Cha Moong chăm sóc rừng cao su nhà mình. Đứng ở đỉnh Tà Gùng bên mép vực sâu, mùi đất mới vỡ ngai ngái, tôi giật mình nhìn bóng đèn xe của anh thanh niên xuyên thủng chiều chạng vạng, hối hả chạy về thôn, đường đèo chưa có rào chắn, nhỡ sẩy tay lái, xong đời! Sau này, tôi biết anh Thực ở trong thôn, người đầu tiên bị sẩy chân té xuống vực, sống sót nhờ sức vóc trẻ trai của mình. Và…ô kìa trăng đã lên đầu ngọn sông, ánh trăng dùng giằng tiễn biệt với bóng ngày le lói đang cố thẫm  đen dần làng Hương Lộc và Thượng Lộ trải dọc dài hun hút hai bên dòng Tả Trạch, người Cơ tu gọi "ka rung Pa Rang", chảy về Nam Đông. Tôi lại giật mình bởi vẻ đẹp phơi bày của ngày trăng treo đầu ngọn ka rung Pa Rang. Tôi liên tưởng đến đồi Vọng Cảnh ngoại ô Huế, nơi các vị vua triều Nguyễn làm chỗ ngoạn cảnh. Ai đến Vọng Cảnh trước năm giờ mùa này, sẽ thấy mặt trời mọc giữa dòng sông, toả ráng xuống mặt sông, khi những chiếc đò máy chạy qua làm vỡ gương sông, nỡ xoà muôn vạn ánh sao lung linh lấp lánh, cảnh sắc diễm lệ, uy nghi. Còn đây, bắt đầu vào đêm trăng lên, ka rung Pa Rang như dải gương thẫm xanh uốn lượn, chỗ đầy bóng đêm non vương vấn, chỗ dát vàng trăng hoang lộng, như sư phơi bày nửa kín nửa hở của nàng công chúa ngủ muội trong rừng! Núi, rừng, sông và làng mạc yên ả trong bao la ánh trăng thuần khiết! Đang đứng mê mải trong mênh mông trăng, tôi gặp cô Hồ Thị Bon, năm này lên lớp 12 trường THPT Nam Đông. Bon bảo, cô đi chăm sóc ha cao su một tuổi của mình, đi bộ từ rẫy cao su về đến nhà mất một tiếng rưỡi. Tôi trở lại thôn Dỗi, ghé nhà anh Hảo, mấy đứa nhỏ con anh đang xem Tây Du Ký từ chiếc ti vi cũ kỹ. Anh Hảo tâm sự: "Mình có 1ha5 keo và cao su. Vườn nhà 1500m2 mình trồng cây ăn quả và 19 gốc cau. Bão số 6 nhà mình tốc mái, vườn thiệt hại hơn 50%, thành ra còn vất vả lắm". Đi giữa lòng thôn, ánh điện từ những căn nhà toả sáng hoà lẫn ánh trăng, thôn Dỗi chìm trong thanh bình êm ấm. Tôi nghe phía nhà Gươl líu ríu tiếng nói cười, hoá ra hai đội văn nghệ thôn Dỗi dợt lại các điệu múa Gia Giả, Duyên Dáng. Tung Tung để mai đón đoàn khách du lịch. Dưới ánh trăng, mắt các cô thanh nữ đựng đầy trăng. Ôi những đôi mắt con gái Cơ tu sôi lộng mê hồn! Là người lăn lộn, được thua, vấp váp trong trường tình, tôi nhận ra rằng, đa số con gái Cơ tu, thường có đôi mắt đẹp, hình như các cô đựng hết cả nét thâm nghiêm núi, mãnh liệt sông và mênh mông trăng rừng vào những đôi mắt trong của mình?.

 

Sớm mai tôi được đánh thức bởi tiếng chuông ngân từ bên sông vẳng lại, lồm cồm ngồi dậy tôi tưởng mình đã ngủ ngon giấc trong ngôi làng Việt xưa cổ nào đó, Hoá ra thôn Dỗi. Mở cửa bước ra sân, tôi vấp một khoảnh sân bừng ánh trăng. Trăng vẫn đang thức, đang khoe bày, đang sóng soãi, đang nhuế nhoá cây cỏ. Tôi tự thẹn với trăng, vì mình ngủ thẳng giấc khi trăng vẫn kiên nhẫn chờ. Tôi cùng trăng đi vào thác Ka Dang. Thác Ka Dang huyền hoặc dưới ánh trăng luồn kẻ lá. Thác Ka Dang là điểm du lịch sinh thái thôn Dỗi. Từ đầu năm đến nay thu hút chín lượt người, chủ yếu người nước ngoài, thu nhập 9 triệu đồng. Và mặt trời lên, ánh trăng khẽ khàng tạm biệt ngày mới, trên bầu trời xanh, còn treo một đĩa gương trăng lạnh. Tôi ra cửa rừng, bất ngờ phát hiện mái dãy núi ôm ấp thôn Dỗi có hai màu, một xanh non của rừng keo tai tượng mới trồng và màu thẫm xanh của rừng nguyên sinh, giữa rừng trẻ và già như có một dòng suối xanh quyến luyến chở che nhau. Dòng sông xanh lá này chính là cốt cách cần cù, chịu thương chịu khó của bà con Cơ tu, xưa kia họ thích canh tác "phát, cốt, đốt, trỉa", cư trú vùng đất cao "Pơ Phương dal", nay họ quen định cư, biết trồng lúa nước, chăn nuôi, trồng cây gây rừng bảo vệ sinh thái làm du lịch để giảm bớt sự hung dữ của thiên nhiên khi nổi chứng! Về thôn, tôi gặp anh Hồ Văn Tân đang chăn cặp bò lai Sind. Tôi gợi chuyện? Anh nói:

 - Ngoài 2 sào vườn này, tôi còn một ha rừng, trồng 800 cây keo đã 2 năm tuổi, từ gốc lên đến ngọn đã 2m5. Năm năm tới mới thu hoạch. Đất ha keo và 2 sào vườn đã được cấp thẻ đỏ.

 

Lại một đêm trăng tôi ngồi trò chuyện ông Trần Văn Cang bên cút rượu làng. Năm nay ông 68 tuổi, người thấp đậm, tay chân còn rắn chắc đen nhẽm. Bà con thôn Dỗi thường tổ chức lễ đâm trâu vào ngày mừng lúa mới và ngày 28 tháng Chạp âm lịch. Ông bảo rằng, không phải ai tuổi cao cũng được mời đâm trâu. Trước khi làm lễ đâm trâu, các bô lão họp lại chọn mời người tuổi 60 trở lên, rồi sắm một mâm lễ vật rượu thịt đến mời ông. Ông Cang nhận lễ vật và bảo: "Cộng đồng tin tưởng mời tui, tui đâu dám chối". Đến ngày đâm trâu, bà con cột trâu trước nhà Gươl, nhảy múa, ca hát, cúng Giàng suốt đêm, sáng mai ông Cang cũng nhảy múa ca hát rồi đâm đúng vào nách phải con trâu, đâm thế nào để khi trâu ngã vật ra chết, phải cách cột đúng một mét, đầu phải gối núi, đuôi hướng ra sông và không được đụng cột hoặc nằm dài ngoài ba mét tính từ chân cột, năm ấy người làng được khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt, khi có lễ đâm trâu các cụ lại mời. Ông Cang đã ba đời đâm trâu!

 

Đêm đã khuya, rượu đã nhạt, chào ông Cang tôi về. Trăng càng khuya, càng bịn rịn cánh rừng màu ghi cổ tích. Tôi lang thang với trăng và nhớ lại hôm mới đến thôn Dỗi, ở nhà anh Lê Văn Đạt. Đạt vừa tốt nghiệp trung học, hiện đang theo học lớp đối tượng Đảng. Ngôi nhà ngói, vách gỗ kiền rộng rinh bởi chỉ có Đạt và cô em gái học lớp 11cùng mẹ Đạt. Cha Đạt là ông Lê Văn Nưng mất cách đây ba tháng. Ở Đạt toát ra một vẻ đẹp mạnh mẽ của núi rừng. Tôi lại nghĩ đến chàng Vọi nhân vật của một nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn. Vọi vạm vỡ như Đạt nhưng ngây ngô hơn. Ở với gia đình Đạt ba đêm trăng, tôi mới biết năm 1995, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đến thôn Dỗi, đã ghé thăm gia đình Lê Văn Nưng.

 

Tổng số hộ Thượng Lộ có 227 hộ, 1.128 nhân khẩu, riêng thôn Dỗi 118 hộ, 507 nhân khẩu; 90% nhà có ti vi, chỉ 38 xe Honda. Thôn lại có hai đội văn nghệ, trong đó một thanh niên, một thiếu niên. Ngoài thu nhập theo vụ, theo mùa từ rừng, ruộng vườn, chăn nuôi, ao cá… bà con thôn Dỗi còn đón du khách về du lịch sinh thái thác Ka Dang. Nhưng thác Ka Dang chưa thu hút du khách, bởi chưa lều trại, hàng quán và các dịch vụ khác. Khách đến với Ka Dang trơ trọi dòng suối rừng! Thực sự họ đến với những điệu múa đậm đà bản sắc dân tộc Cơ tu do hai đội văn nghệ thôn biểu diễn là chính. Một lần biểu diễn mỗi diễn viên được 20 ngàn đồng, tháng vài lần, nên vẫn còn một số bà con thôn Dỗi nhiêu khê chuyện cơm áo. Tôi nghĩ, giá như thác Ka Dang có các dịch vụ cần thiết và trên đỉnh đèo Tà Gùng có nhà Gươl cho du khách ngoạn cảnh, chắc cuộc sống của bà con thôn khởi sắc hơn.

 

Chia tay với mùa trăng đầu ngọn nước, bài hát "Trăng Nam Đông" của nhạc sĩ Minh Phương vừa sáng tác cứ ngân vang mãi trong lòng tôi theo nhịp bánh xe lăn về Huế "…Yêu mùa trăng Nam Đông…kiêng p ar rương Nam Đông"…

 

Nam Đông, tháng 8 năm 2007

Nguyễn Nguyên An
Số lần đọc: 3188
Ngày đăng: 05.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quê nhà ..khi nhìn lại - Vũ Trà My
Thành phố Gyeongju một lần tôi đến - Võ Quê
Lên núi tìm hoa - Bích Ngân
Nén nhang cho người bạc mệnh - Phạm Ngọc Lư
Chuyện chính ủy - nhà văn cắt tay ngắn, vẫn viết dài - Nguyễn Khắc Phê
Điệu hò cách cảm - Trương Hoàng Minh
Tấm lòng của cha và con người lính - Nguyễn Nguyên An
Sương khói Tây Hồ - Nguyễn Thanh Mừng
Ngọn lửa prô_ mê _tê đã tắt . - Ngô Nguyên Nghiễm
Nhà thơ Nguyễn Phan Thịnh :Độc hành lặng lẽ với xa xôi - Trần Hữu Dũng
Cùng một tác giả
Hai Bà Mẹ (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Ăn chay (truyện ngắn)
Kim (truyện ngắn)
Cổ Tích Thời Nay (truyện ngắn)
Con Trai Miền Gió Cát (truyện ngắn)
Đất sau mưa (truyện ngắn)
Bầu bí nương nhau (truyện ngắn)
Ánh mắt trẻ thơ (nhiếp ảnh)
Nỗi Buồn rực rỡ (truyện ngắn)
Ngôi mả đá (truyện ngắn)
Huyền Anh Quán (tạp văn)
Mẹ (thơ)
Ngọn Đèn Tỏ Mãi (truyện ngắn)
Thăm chồng (truyện ngắn)
Bức Tường (truyện ngắn)
Nhân Cách Thơ (truyện ngắn)
Trâu ở chùa (truyện ngắn)
Tình Cỏ Lau (truyện ngắn)
Nhỏ ơi (truyện ngắn)
Chị em sinh đôi (truyện ngắn)
Tráo ông địa (truyện ngắn)
Hai lần khóc... (truyện ngắn)
Thầy cũ (truyện ngắn)
Tin Buồn (văn hóa)
Bao Dung (truyện ngắn)
Người Thầy Thuốc (truyện ngắn)
Biếc tình (tạp văn)