Đập ngay vào mắt người xem là trang bìa cuốn tiểu thuyết với những khuôn mặt có đôi mắt nửa thất thần nửa đầy tinh quái như mời gọi: Xem đi, cứ thử xem cho biết, những CHUYỆN TÌNH trong màn TẠP KỸ của cuộc sống đấy!
Ừ, thì xem thử …
1. LẠ, khi lướt qua từ trang đầu đến trang cuối, thấy những tiêu đề HỒI THỨ NHẤT đến HỒI THỨ BỐN CHÍN, với hai câu thơ mở ra và đóng lại nội dung của từng HỒI… Chẳng có câu kết quen thuộc kiểu như “muốn biết… thế nào xin xem hồi sau sẽ rõ” nhưng bất giác người đọc cứ muốn tiếp tục cùng các nhân vật trong truyện “nhảy cóc” từ chuyện tình này sang chuyện tình khác, từ thơ mộng lãng mạn đến trần trụi trâng tráo, từ chuyện thật (của nhân vật trong tiểu thuyết) đến chuyện “nhảm nhí” mà một vài nhân vật kể lại (hay bịa ra?), từ chuyện tình đang diễn tiến đến chuyện tình trong ký ức/ hồi ức/ tưởng tượng… Trong cái vỏ tuần tự của kiểu chương hồi “cổ điển”, bên trong lại là vô số đọan cách cách nhau bởi dấu ***, các đoạn này thay đổi sắc thái bằng lối kể chuyện hay trần thuật hay miêu tả hay bình luận… Những con người và những mảnh đời, mảnh tình “hiện đại” vô cùng lộn xộn hiện ra chẳng có thứ tự lớp lang gì cả, chẳng theo một bình tuyến thời gian bình diện không gian nào cả…Một mảng của bức tranh đời sống đô thị hiện lên rõ ràng, sắc nét và vô cùng sinh động. Người đọc bỗng quên đi kết cấu chương hồi “chặt chẽ” giả tạo mà tác giả đã cố tình dựng nên, để rồi khi hết mỗi chương lại tò mò đọc tiếp…xem sao.
Kể ra nếu tác giả đừng cho số thứ tự các chương một cách nghiêm ngắn như thế, mà cũng xếp đặt lung tung beng lộn tùng phèo (chẳng hạn, bắt đầu có thể là chương 5, tiếp theo là 31 rồi 43…chương 1 không cần là chương mở đầu và chương kết không phải là chương 49) như những gì anh bày ra và cùng độc giả chiêm nghiệm, thì có lẽ hình thức của cuốn tiểu thuyết này có vẻ nhất quán (?!) hơn chăng, và có lẽ, cũng khó đọc mà thú vị hơn chăng?.
2. HÀI, chính xác hơn là sự hài hước. Tràn ngập trong tiểu thuyết là những câu chuyện tiếu lâm hiện đại, những giai thọai (mà chắc có bạn đọc sẽ bảo là “nhảm nhí”), những bài báo, phiếm luận, tiểu phẩm kiểu “chị Thanh Tâm kính mến” hay “Bạn gái cần biết” hay “Đàn ông sợ gì nhất” qua kiểu ngôn từ tung tẩy, nghĩa đen nghĩa bóng, nghiêm túc dung tục lẫn vào nhau như một mớ bòng bong rối mù chuyển tải các sự kiện, thông tin, tâm trạng, suy nghĩ (mà không cần nhiều đối thọai) của đám người thị dân – công sở. Tác giả cho các nhân vật nhìn, nghe và ngẫm về bản thân, về mọi người về mọi việc từ một góc “lệch pha” làm cho người đọc phải (buồn) cười (ngay cả) ở thời điểm “trang nghiêm” nhất (lễ đón nhận Huy chương “vì sự nghiệp”, đám ma ông bố của nữ nhà thơ…), ở con người “nghiêm túc” nhất (ông giáo sư khả kính – là người truyền giảng Phật pháp lại bị một nhân vật nhận xét là chuyên viết “dâm thư”), ở tâm trạng đáng được đồng cảm nhất (khi nhân vật Trình gặp lại “mối tình đầu” hay lúc anh ta đi khám bệnh lậu) chẳng hạn…Tất cả là thứ ta thường gặp đây đó giống như gia vị nêm vào cho “nồi lẩu” cuộc sống đỡ phần tẻ nhạt. Nhưng khi tập hợp trong một “bàn tiệc” thì có khi làm cho con người “bội thực” vì chính món “đặc sản” mình kỳ công nấu nướng và chiêu đãi chính mình! Ở đây, cái hài không còn chỉ là “hài hước” mà đằng sau nó đã lấp ló cái bi, thậm chí trên “gương mặt cười” của nó người đọc đã thấy cái bi hiện hữu…
Sự hài hước xuyên suốt trong tiểu thuyết này tự nhiên như đời sống, và có thể nói là đặc trưng cho lớp thị dân - nửa - nông dân mà dường như cuộc sống của họ dịch chuyển tịnh tiến từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước đến những năm đầu của thế kỷ này. Thật không dễ nhìn cuộc sống vốn nhiều bức xúc, tù túng, thậm chí có lúc như mất phương hướng, quan sát con người vô định khi tốt lúc xấu khi cao thượng lúc tầm thường khi sâu sắc lúc hời hợt nhạt nhẽo, chẳng có ai chẳng có gì là hòan hảo… bằng đôi mắt hài hước mà không châm biếm chua cay, mà không đẩy mọi sự vào tình trạng lố bịch đến thảm hại, mà vẫn nhìn thấy dưới /qua tất cả những cái đó cuộc sống hỷ nộ ái ố diễn ra một cách hợp - lý – như/vì - nó - đang - tồn - tại. Phải chăng đấy là sự hòan hảo, bởi chỉ có sự thông minh và sâu sắc của cuộc sống mới biết hài hước và đùa giễu chính mình như thế.
3. NGỘ ra, trong cuộc sống, chuyện tình…chưa hẳn là chuyện của TÌNH YÊU, cũng vậy, người tình chưa phải/không hẳn đã là người yêu!
Không chủ định nhưng dường như trong tiểu thuyết này, hai nhân vật Trình và Dung được tác giả khá “ưu ái”. Hiện lên với vẻ ngơ ngác trong tâm trạng và đời sống như Trình hay trong suy tư đầy lý tưởng như Dung… dù hoàn cảnh lối sống tính cách tâm trạng có khác nhau, họ vẫn giống nhau/là nhau ở chỗ, trong các mối quan hệ yêu đương của họ cái “tình” nhiều hơn, nhiều đến độ nó như một thói quen “mặc định” mà chưa hẳn là một nhu cầu nội tâm! Mà YÊU lại là/ phải là sự thôi thúc mãnh liệt từ một nhu cầu nội tâm đặc biệt. Điều này còn thấp thóang trong suy nghĩ của Trình, của Dung khi nhìn nhận về những người khác những mối quan hệ khác luôn có phần dịu dàng thể tất, vì đó như là một điều tự nhiên, ai mà chả thế, đâu có gì là nghiêm trọng, đâu có gì là mãi mãi… Dường như trong cuộc kiếm sống bon chen gấp gáp họ đã không kịp/ không chịu thích nghi, để rồi sau mỗi lần cố bám víu vào những tình cảm mong manh như thế họ lại càng bị trôi tuột đi, chịu nhiều va đập hơn trong cái vòng luẩn quẩn nhưng đầy gai góc của cuộc sống…
Và tác giả, khi cố gắng sắp đặt cuộc sống hiện tại với những mảnh đời xô bồ những mối quan hệ lỏng lẻo vào một kết cấu “chương hồi” cổ điển chặt chẽ , tạo được một hình thức chuyển tải nội dung khá lạ và gây ấn tượng mạnh với người đọc, thì anh cũng làm cho người đọc, sau khi chứng kiến tất cả những cái đó, bất giác hoang mang. Có thể nào/ có khi nào trong cuộc sống những màn tạp kỹ mà ta là nhân vật chính sẽ xuất hiện theo thứ tự “chương hồi”, hay là không thể, và không bao giờ…?
Sài Gòn, 16/9/2007