Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.220.331
 
Sống và yêu dọc “ những mùa không đợi “
Nguyễn Trọng Tạo

Octavio Paz từng ví tình yêu là “lửa hai ngọn”, là ”hành động kép” của con người. Tình yêu là 1 “bông hoa máu”. Cruz lại coi tình yêu là “cú đốt dịu dàng”, là “vết thương thú vị” hay là “vết thương không kín miệng dễ chịu”. Dù cách nói khác nhau, người ta đều nhận thấy hi mặt đối lập của tình yêu là hạnh phúc tột cùng và bất hạnh cùng cực .

        

Cũng như nhiều nhà thơ nữ khác, Thanh Yến viết nhiều về tình yêu. Qua hai tập “VƯỜN MỘNG”,  “KHOẢNH KHẮC THU”, va giờ đây với tập “MÙA KHÔNG ĐỢI”, chị đã khải thị những cảm xúc tình yêu đầy đa đoan, trắc ẩn, như là 1 thể hiện nội tâm đa chiều của người phụ nữ trên dòng sông tình nhiều dịu êm và cuộn xiết. Nhưng hạnh phúc thường ngắn ngủi. Standan khắt khe hơn, coi hạnh phúc chỉ là những khoảnh khắc. Vì thế mà hạnh phúc trong thơ Thanh Yến thường lướt nhanh, nhường chỗ cho tiếc nuối và bất hạnh bao trùm. Ngay cả khi chọn thể thơ lục bát gồm những cặp 6/8 quen thuộc, những cặp vần và nhịp ôm ấp nhau trong hanh phúc, thì Thanh Yến vẫn cảm thấy tính bất an đã ẩn chứa đâu đó, mà thành ra “Lục Bát Lỡ Nhịp”. Vẫn vần điệu của lục bát đó thôi, nhưng chị không chọn những cặp câu chẵn lại chọn lục bát lẻ câu để phân đoạn. Trong bài thơ này, mỗi đoạn có 3 câu 6/8/6 - 8/6/8 – 6/8/6 và 8/6/8. Mười hai câu thơ lục bát đã bị ngắt đoạn như thế, tạo nên 1 cảm giác lỡ nhịp, 1 tâm trạng đỗ vỡ của tình yêu, thật độc đáo và da diết:

     Mở toang cánh cửa ban mai
     Mới hay trời cũng hoài thai sắc hồng
     Vẫy chào thôi nhé ngày đông

 

     Xuân ơi người ấy vẫn không kịp về
     Ngả vàng cọng cỏ đường đê

                        Trắng hoa cau rụng hương quê nhói lòng.

 

                        Mưa xuân rơi giữa đồng không

                        Giọt long lanh giấu giữa dòng mắt ai

     Câu thơ vỡ vụn trong tay

 
                        Gió đùa tóc lệch bờ vai rối bời

Ngỡ rằng đã hết chơi vơi

Nào hay níu vội mây trời đang bay.

         Cứ tưởng đã chạm vào hạnh phúc, đã níu giữ được hạnh phúc trong tay, lại hóa ra là “níu phải mây trời đang bay !” Cái tâm trạng lỡ làng sao mà buồn đến thế. Tâm trạng ấy một lần nữa lại vịn vào câu lục bát trong bài “Niềm Riêng” thật đẹp mà thật buồn:

Se se gió cuốn miệt mài

     Mùa thu bất chợt nghiêng vai lá buồn

        Vượt qua cách nói nhẹ nhàng giàu hình ảnh êm dịu, Thanh Yến ngày càng mạnh mẽ hơn khi động đến nỗi cô đơn trong tình yêu : “Nhàu nát giấc mơ / Thay cho tấm trải giường phẳng phiu đêm trước“, “Oằn mình trong cơn lốc“, “Ban mai không xa đuợc nếp nhăn” ... để rồi thấy hiện lên từ thẳm sâu tiềm thức:

Cô đơn giãy giụa tận tim mình

         Những câu thơ như xuyên qua tuyệt vọng, dù đó là nỗi buồn hiển thị bằng thời gian từ khước niềm hy vọng của con người: 

  Tay níu hư không

  Thấp thỏm nhìn chiều giãy chết

hay là chính con người không giữ nổi thời gian:

                        Đánh rơi ngày tháng chưa kịp đặt tên

         Sự ra đi của thời gian mà lại là thời gian “chưa kịp đặt tên” chính là sự dồn đuổi con người vào chốn tận cùng của hang động cô đơn. Cô đơn vốn là tiền kiếp đeo đuổi con người ngay từ trong bào thai tối tăm của sinh tử. Cô đơn mang theo cơn đói giao lưu và tình yêu như là sự cứu rỗi. cô đơn hy vọng được chia sẻ bởi đối tượng ái tình. Nhờ đối tượng ấy mà con người phát hiện ra chính mình. Nhưng khi phát hiện ra mình thì than ôi, con người lại rơi vào 1 trạng thái cô đơn khác bởi bản chất của mỗi ngườì là riêng biệt. Và con người tự giải cô đơn bằng cuộc dấn thân tìm kiếm những khoảnh khắc hạnh phúc trong ái tình, trong sáng tạo bởi hy vọng mong manh được sống ngay cả sau khi cô đơn đã nằm dài dưới đáy huyệt . Làm thơ cũng là 1 hành động sống, 1 hành động tự cứu rỗi cô đơn. Tôi không hiểu cuộc đời thật của Thanh Yến nhưng đọc thơ chị với những nỗi niềm đa đoan trắc ẩn hiển hiện thì tôi tin cuộc đời và thơ chị phần nào đồng nhất. Người ta nói “văn học là nhân học”, “thơ là người” nhưng không phải ai viết văn làm thơ cũng thực hiện được điều ấy. Thanh Yến đã phần nào soi sáng khát vọng tình yêu và nỗi cô đơn khắc khoải của chính mình bằng nhiều câu thơ chân thành, tự bạch:

 -  Giây phút  chơi vơi

    Ngấu nghiến từng câu chữ

    Níu vầng trăng vỡ vụn bên đời

 -  Nào hay bão trong thơ là thật

    Không còn xanh khi mây xám giăng

 -  Mùa về không đợi

    Rướn mình tìm ốc đảo hoang sơ

    ...Ngổn ngang mớ tro tàn

    Ký ức hóa vôi...

và ngay cả trong “Ước Vọng”, chị vẫn chân thành thổ lộ tâm trạng đắng cay, xa xót của mình:

    Đừng có ngày gặp gỡ

    Đừng vội tay trong tay

    Đừng thêm lần lầm lỡ

    Bài thơ không đắng cay !

         Người phương Tây cho rằng: làm thơ là cuộc kiếm tìm bản thể bị đánh mất của mình. Điều ấy cũng đúng với thơ phương Đông, nhưng dường như thơ phương Đông không ráo riết để tìm kiếm bản thể bị đánh mất, mà thường lan tỏa lắm nẻo mơ hồ chung quanh con đường ấy. Thanh Yến đôi lúc né tránh sự trần trụi của ngôn từ bằng ẩn dụ mơ hồ nhưng lại có tính khiêu gợi cảm giác mạnh về điếu mình muốn nói:

                                      -  Áp má mây trần tìm hơi ấm lạ

   Quay cuồng tia chớp xé màu đêm

-  Hoàng hôn về đau nhói ngày xanh

   Con sóng ầm ào – rất lạ

   Dốc chiều xô lệch trăng xuân

-  Bao nắng gió không khô nỗi nhớ

   Kỷ niệm theo mùa chạm khẽ vào Đông

                                          -  Chút chiều loang vỡ nhòa trong nắng

                                          Hoàng hôn trượt sấp bóng tôi rơi

-  Thiếu bàn tay vuốt ve tuổi dại

   Đêm giật mình hơi thở cũng mồ côi ...

Những câu thơ như thế, tạo nên những ấn tượng cho thơ Thanh Yến, găm vào người đọc những ngẫm ngợi sâu sắc, những dư âm dịu dàng của xót xa, ngậm ngùi thân phận. Vì thế mà người đọc không hy vọng đi tìm niềm vui, sự vô tư trong thơ chị. Hình như những đắng chát của cuộc đời đã khiến tâm hồn trở nên từng trải, và vì thế mà những câu thơ bột phát kia lại mang tới cho người đọc những kinh nghiệm sống, những kinh nghiệm buồn thương mà tình yêu đã gạn lọc âm thầm qua trái tim nữ tính.

 

Tuy nhiên, hồi ức trong thơ chị không chỉ là buồn thương cô quạnh, mà đôi lúc cũng lóe lên những hình ảnh tươi đẹp, quyến rũ. Đấy là sự va đập cuộc sống thường nhật làm vỡ ra những kỷ niệm tươi non. Có những nét đẹp riêng của miền quê Nam Bộ hiện lên trong thơ Thanh Yến như những giai điệu xa xăm:          

            - Tiếng chim chanh chỏi góc vườn

              Lắng nghe cá quẫy dưới mương trưa hè

              Cỏ bùn vướng gót chân quê

              Lúa non ươm cả đường đê qua làng

              Gập ghềnh cầu khỉ vắt ngang ...

            - Cay cay mắt ... bếp nhà ai khói tỏa

              Chim nỉ non nhớ tổ kêu chiều

            - Đò chở hoàng hôn đỏ tím qua nhà

            - Rưng rưng mây tím ngủ trong thơ …

Nhưng những vẻ đẹp ấy chỉ lướt qua trong thơ chị. Tôi nói “lướt qua” vì bao trùm thơ chị là 1 gam màu sẫm, trầm chứ không rực rỡ, sáng tươi.  Cái gam màu trầm, sẫm chủ đạo ấy lan tỏa trong thơ chị như 1 sự dồn nén nội tâm đến cùng cực. Nhiều lúc chị muốn thét lên, nhưng cả tiếng thét cũng trở nên nghẹn tắc. Cái ý tưởng ”Phục Sinh”  có khi đã vụt hiện trong thơ chị :                   

                             Người đàn bà đốt cháy mình lần nữa 

                         Đẩy lùi bóng đêm

                         Dằn vặt nỗi ăn năn

                         Người đàn bà giấu nụ cười se sắt

và dù ý tưởng “Tự phục sinh /Thêm một lần rực lửa“ của chị thật là mạnh mẽ, ta vẫn cảm thấy kết cục của nó vẫn chỉ là những “tàn tro ký ức hóa vôi” mà thôi. Bởi vì chị luôn hướng tới tình yêu, mà tình yêu là “lửa hai ngọn”, mình tự đốt lửa lên và chính lửa lại đốt thiêu mình. Thanh Yến là người dám cho và dám nhận, có nghĩa là chị chấp nhận tất cả, cũng như chị đã chấp nhận: “Câu thơ thả đêm vào gió cát“.

 

“Nhà thơ không có tiểu sử. Thơ là tiểu sử của nhà thơ”. Nhận xét ấy thật hợp với Thanh Yến. Chị đã sống bằng thơ, sống trong thơ, dù chị biết:“Thương trường thơ bán có dễ đâu / Tóc vội trắng cuộc hành trình rong ruổi / Nhíu mày đếm tuổi - vết hằn sâu“. Đấy là thơ của một người đàn bà dấn thân, một người đàn bà chỉ biết sống và yêu dọc những ”MÙA KHÔNG ĐỢI ”.

 

Ha Noi, 6.2005

Nguyễn Trọng Tạo
Số lần đọc: 2786
Ngày đăng: 19.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hòai : Những màn tạp kỹ chương hồi - Nguyễn Thị Hậu
Trần Lê Sơn Ý từ Bàn chân không đóng móng - Vũ Trọng Quang
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*1 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 2 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 3 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 4 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 5 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 6 - Đại Lãn
Đọc sách :Kẻ nếm trải tận cùng nỗi đau - Phạm Viết Đào
Xuân Diệu : ’’Vua’’ THƠ TÌNH - ’’Chúa’’ THƠ YÊU và 2 Thi phẩm đặc biệt... - Lê Xuân Quang