Tính đến nay tôi đã về đây được 8 năm rồi. Nhà Hoà ở cách nhà tôi không xa , Hòa nhỏ hơn tôi 12 tuổi , lúc tôi mới đến ở Hoà đã có bầu gần sanh , tôi có nghề may và mở tiệm ngay nhà để kiếm sống .Còn Hòa cũng vậy nhưng khác tôi Hoà may đồ kiểu còn tôi thì chuyên may áo dài.Có thể nhờ vậy mà nghề nghiệp chúng tôi không đụng chạm nên dễ qua lại với nhau . Khi nào tôi có hàng may nhiều thì đưa qua cho Hòa phụ ráp .Cuộc sống của chúng tôi cũng tạm ổn. Tính tình Hoà rất vui vẻ thích kể chuyện và hay tâm sự .Còn tôi thì lúc nào cũng sẳn sàng lắng nghe những thông tin mà Hoà mang đến . Hầu hết những chuyện tôi biết trong xóm giềng đều được Hòa kể cho nghe . Hoà gọi tôi bằng chị.
Hoà sinh được một đứa con gái đầu lòng, chồng Hoà làm nghề xây dựng, cuộc sống cũng khá lên nhờ vợ chồng đều có công ăn việc làm. Có lẽ như thế mà trông Hòa ngày càng đẹp ra. Đó là những năm đầu quen biết của chúng tôi.
Một hôm đang ngồi may chung , bất ngờ Hoà nói với tôi “ Chị Tư ! chị biết gì hông ?”. Tôi ngạc nhiên hỏi “ Biết gì ?” Hoà chợt xuống giọng nhỏ lại như thì thầm : “Thằng Huy nó bị sida !”. Quá đổi ngạc nhiên tôi kêu lên “ Trời ! thật không ?! đừng có nói tầm bậy nha?!” Nhưng cái giọng của Hoà thật quả quyết “ Thật mà ! em nghe người ta nói đó với lại em ở sát nhà nó em biết mà ! Chị hổng để ý chứ dạo này nó ốm nhom hà miệng nó lở nhìn ghê lắm…!” . Và những thông tin về thằng Huy tôi lại được nghe , Huy ở cặp vách nhà con Hoà . Tôi biết Huy , tuy ít nói chuyện nhưng cũng thường gặp mặt ,vì nhà chỉ cách nhau vài chục mét , ra vào gặp nhau nó vẫn hay gọi hai tiếng “ Cô Tư” như thay cho câu chào hỏi , cũng có lần tôi nói vui với Hòa “ Thằng Huy nhìn cũng đẹp trai quá há! …” Đó là những chuyện “ Đầu trên , xóm dưới” mà mỗi lần ngồi may với nhau Hoà hay kể …
Sau này thỉnh thoảng mới gặp Huy vì nó đã lên Sai Gòn học sau khi đậu đại học . Ai cũng mừng vì nó học giỏi và gia đình có điều kiện lo cho nó ăn học. Nhưng bây giờ sau laị thế này? . Đêm đó tôi trằn trọc không ngủ được khi nhớ lại gương mặt sáng sủa , cao ráo khoẻ mạnh của thằng Huy .Mà Hoà nói đúng, sau này tôi nhìn thằng Huy có vẻ tiều tụy và ốm đi nhiều…
Tôi miên man suy nghĩ -“ có lẽ nào ?! Nó chưa bước qua tuổi hai mươi kia mà?!”.
Chừng 2 tháng sau tôi biết Huy đã nghỉ học về nhà trị bệnh . Tin Huy bị bệnh như thế làm ai cũng bàn tán xầm xì , người thì nói lên Sài Gòn không lo học chỉ ăn chơi mới bị vướng bệnh; có người thì nói với vẻ hiểu biết hơn bệnh này lây qua nhiều cách lắm chớ đâu phải “ăn chơi” là bị .Cái xóm thường khi ồn ào nay chừng như lắng đọng và lặng lẽ hơn .Thằng Huy như tâm điểm cho sự tò mò dòm ngó của mọi người . Thú thật tôi cũng bắt đầu âm thầm để ý những diễn biến bệnh tật của thằng Huy vì tôi chưa từng đối diện với người mang căn bệnh chết chóc ấy! .
Gia đình thằng Huy rất lo lắng chăm sóc cho nó trong thời gian đầu , buổi sáng tôi đều thấy nó ngồi băng ghế nhà , nó im lặng nhìn vào đâu đâu …Mổi ngày hai lần ,tôi đi ăn cơm thì phải ngang qua nhà nó. Tôi thấy nó gầy đi nhiều .Nhìn thấy tôi ánh mắt nó như ánh lên niềm vui khi tôi dừng lại hỏi thămvài câu. Nó chỉ cười và gọi “Cô Tư’” nghe thật nhỏ. Tôi nhìn thấy vệt trắng trắng lở ở hai góc khoé miệng của nó! .
Kéo dài gần hai năm, càng ngày nó càng tiều tụy hơn, tôi nhìn màu da nó đã xạm đen, mắt nó đỏ ngầu lên , nó không giữ nước miếng trong miệng lại được ,có thể sự lở loét làm cho nó đau đớn . Trong xóm có những người bắt đầu sợ sệt về hình ảnh của nó , có người dặn con họ không được đến gần… Tôi ít thấy ai trò chuyện với nó,chỉ có tôi với Hòa . Tôi nghe Hoà kể Gia đình để nó một mình ở nhà ,chỉ có mẹ nó nuôi nó thôi, còn những người khác đã đi ở chỗ khác rồi !Ban ngày mẹ nó cũng đi suốt ,chỉ đến giờ cơm thì mang về cho nó ăn thôi. Tôi tượng tượng đến sự cô đơn của nó và sự ghẽ lạnh của gia đình mà không khỏi chạnh lòng . Thật vậy ,có hôm tôi đi ngang nhà nhìn cảnh trống vắng và một mình nó ngồi im lặng bên trong với thân hình giờ chỉ còn da bọc xương , tôi không khỏi rùng mình…
Ngày hôm đó tôi và Hoà ngồi trong nhà may vá như mọi khi. ,tôi bỗng nghe tiếng làu nhàu của vợ anh Bảy ngang nhà “ trời ơi! Chổ mua bán mà đứng đó ai dám ăn ?” – Rồi tiếp đến tôi nghe tiếng của một bà mẹ gọi con “ Đi về , nhanh lên !” Tôi và Hoà cùng nhìn ra thấy thằng Huy đứng gần nồi bún riêu của vợ anh Bảy, nó có vẻ đói như muốn được ăn ,nhưng nó chỉ nhìn chằm chặp vào nồi bún mà không nói gì . Nước miếng nó rớt dài , hai mắt nó sâu hút .Tôi biết nhà nó không có ai mới để nó đi lang thang như thế . Hoà nhanh nhẩu nói “ Chị Bảy bán cho nó ăn đi rồi mẹ nó về trả tiền cho” . Nhưng chị Bảy nói” trời ơi ! bán cho nó ăn chắc nồi bún tôi đem đổ luôn quá , ai dám ăn? “
Lúc ấy tôi không làm sao chịu nổi cái cảnh thằng Huy nhìn nồi bún một cách thèm thuồng ,tôi liền vào trong bếp lấy cái tô đưa cho chị Bảy và nói “ Chị bán đi ,rồi tụi em kêu nó về cho”. Chị Bảy như trút được gánh nặng cầm lấy cái tô ,nhưng thằng Huy bổng khụy người xuống đất hai tay ôm bụng có vẻ đau đớn . Tôi nhìn xuống phía dưới cái quần nó sủng nước.
Thằng Huy được đưa về nhà.Kể từ hôm đó , mẹ nó khoá cửa không cho nó ra ngoaì .Hình như cả nhà không còn ai tha thiết với nó nữa !
Một tuần sau ,tôi nghe Hoà kể lại( vì tôi không có ở nhà) . Thằng Huy nó trèo qua ban công ôm cột điện tuột xuống đất, té gảy cột sống. Nó hôn mê và bác sĩ bảo chở về nhà. Mấy ngày kế tiếp, nhà thằng Huy có nhiều người ra vào, có lẽ gia đình đang lo hậu sự cho nó … Sáng hôm sau Hoà sang nhà tôi nói “ Hôm nay em nghỉ qua may đồ tang cho thằng Huy”. Tôi yên lặng chẳng nói được gì , trong lòng tôi chợt nghĩ : Liệu Thằng Huy có thể sống thêm vài tháng nữa hay vài năm nữa được chăng nếu không vì sự cô đơn hay đói khát khiến nó phải tìm cách trèo qua ban công ôm cột điện tuột xuống đất !? ? Cuối cùng tôi cũng không biết nó chết sớm vì bệnh tật hay nó chết sớm chính vì sự vô tâm thờ ơ của những ngưòi thân ?!.
Có lẽ sau cái chết của thằng Huy tôi và Hoà có dịp trao đổi và tìm hiểu sâu thêm về căn bệnh này. Nghe nói làm móng dùng kềm kéo chung cũng có khả năng lây nhiễm nên từ đó Hoà sợ không dám làm móng tay ,móng chân nữa, nó tự mua kềm kéo về tự làm .
Nhưng thật nghiệt ngã,một thời gian sau tôi không nghĩ rằng chính mình lại phải chứng kiến lần lượt hai con người, hai số phận phải ra đi vì căn bệnh Aids . hai năm sau đó Hòa bỗng phát bệnh không còn may được nữa . Thoạt đầu chỉ là suy nhược , rồi dần dần biến chứng ,da dẽ nổi lên những mảng sần sùi sậm màu. Ơ nhà nói Hoà bị gan hốt thuốc cho uống nhưng chẳng thấy hết . Rồi những cơn ho kéo dài và nó sụt ký thấy rõ trong thời gian không bao lâu. Ơ nha lại bảo bệnh nó chuyển qua phổi và tìm thuốc nam ,thuốc bắc đủ thứ để uống nhưng chẳng ăn thua gì. Cuối cùng chẳng còn cách nào khác phải đưa vào bệnh . Sau đó tôi nghe người ta xầm xì bàn tán Hoà đã vướng Aids . Tôi thực sự sự hoang mang , không muốn tin vào những gì người ta nói.
Vì nếu thực sự người có bệnh như thế đều được giữ bí mật làm sao mà họ biết ? Nhưng những người nói cho tôi nghe họ cả quyết là như thế . Còn tôi , tôi không bao giờ tin là sự thật , vậy nó bị lây bệnh từ đâu ?! . Tự khi Hoà bệnh tôi luôn an ủi động viên tinh thần cho Hoà yên tâm điều trị gia đình cũng hết lòng chăm lo sức khoẻ của nó, chỉ có chồng Hoà là cứ bỏ đi suốt , không quan tâm lo lắng gì , nó thường tâm sự với tôi như vậy .
Có thời gian tôi thấy sức khoẻ nó có vẻ hồi phục Hoà tiếp tục may trở lại .Ai cũng mừng dùm cho Hoà .Nhưng chỉ được vài tháng thì trở bệnh nặng. Cổ nó nổi hạch , luôn hành đau nhức khó ăn uống được . Gia đình không còn mang nó đến bệnh viện nữa , nói là để trị thuốc nam .Tôi vận động những ngưòi thân được ít tiền để tiếp lo bệnh tình cho Hoà…
Lúc này tôi biết ngoài gia đình thì Hoà không có ai gọi là bè bạn vì những người khác có vẻ né tránh , ngaị tiếp xúc với nó . Lần cuối cùng Hoà trở bệnh nặng phải chở đi cấp cứu ở bệnh viện . Buổi tối hôm đó tôi đang nằm trên salon đọc sách , bên ngoài tối trời , tôi nhìn thấy một bóng người gầy gò đứng trước cửa nhà tôi . Loáng thoáng qua cửa kiếng , tôi cứ ngỡ những người đi xin vẫn thường như thế trước nhà tôi, tôi nói “ không có tiền chị ơi!”, nhưng người đó không đi ,cái bóng như ngập ngừng không dám bước vào ,tôi bật đứng dậy đi về phía cửa… Trời ơi! tôi không thể quên đựơc hình ảnh cuối cùng của Hòa mà tôi nhìn thấy . Nó rũ rượi , tóc ngắn cũn cởn, cái đầu trơ xương ,cổ nó còn quấn gạc trắng (vì nó bó thuốc hạch nổi ở cổ ) tấm gạc thấm thuốc rỉ ra những vệt nước màu nâu sậm như máu chạy dọc theo cổ nó xuống tận vai … . Tôi kêu lớn “ Trời ơi ! bệnh hoạn sao còn đi đâu lung lung vậy? – Không ở ngoài bệnh viện à?” Nụ cười héo hắt nó nói: “ ở bệnh viện buồn quá trốn về – Em nhớ chị!” . Nước mắt tôi bất chợt trào ra ,cổ như nghẹn lại …
Hoà đã nằm liệt giường , nhà nó không ai muốn vào thăm. Tôi chỉ hỏi thăm tình hình sức khỏe của Hòa mỗi ngày. Không hơn mươi ngày sau , vào buổi trưa đang nằm ngủ mơ màng, tôi nghe có tiếng người lao xao phía trước, mở mắt không nổi vì còn say ngủ , tôi hỏi cháu tôi :“ Ai làm gì ồn ào phía trước vậy cháu?” – Nó trả lời:” người ta khiêng mấy chậu kiểng cô à” . Lúc này không hiểu sao cái đầu tôi bổng nhức lên dữ dội , hé mắt nhìn qua góc cửa nhà, tôi thấy ai đó đã dời trống trơn những chậu kiểng trước sân nhà của Hoà . Tôi biết nó đã đi rồi !.
Sau ngày Hoà chết chồng nó bỏ đi luôn , đứa con gái nhỏ thì ở với dì, gần năm sau thì bên nội của đứa nhỏ kêu dắt nó về để chịu tang ba nó ! Chồng Hoà cũng chết sau đó , người nhà chỉ nói bệnh , còn tôi cũng không muốn tò mò để hỏi thêm ba nó chết vì sao ? Nhưng đứa bé vẫn còn là những thắc mắc trong đầu tôi chưa được giải toả. Liệu nó có bị gì không nếu cha mẹ nó đã như thế ? .
Một lần , trong ngày cưới của cậu nó ,mọi ngưòi bận rộn với công việc không ai để ý, nó chạy theo chiếc xe bán kem ,trèo lên yên phía sau để ngồi ,ngưòi bán kem không kịp dừng lại ,bàn chân nhỏ xíu của nó thọc sâu vào dây sên của chiếc xe kem. Con bé được mang đến bệnh viện , trước khi cắt bỏ một ngón chân của nó người ta phải làm xét nghiệm . Mọi chuyyện đã rõ !
Đứa bé năm nay đã 8 tuổi học lớp 3 , nhà dì nó nghèo nên cũng gặp khó khăn ,tôi tự cảm thấy như mình có phần trách nhiệm để lo lắng cho nó thông qua tình cảm của mẹ nó khi còn sống đối với tôi. Năm nào tôi cũng mua tập vở, quần áo mới vào mỗi khi tựu trường. Em gái tôi ở nước ngoài ngoài biết chuyện cũng gởi tiền về để giúp đỡ cho con của Hòa. Nó được các ngành các cấp quan tâm chăm sóc cho nó như thuốc men , học bổng hàng năm …
Có lần ban công tác xã hội ở đài truyền hình VTV1 đến khu vực tôi ở để phỏng vấn trực tiếp về “ thái độ của cộng đồng đối với những người bị lây nhiểm HIV và có nên công khai tên tuổi của những ngườibị lây nhiểm để dể nhận biết trong việc phòng tránh hay không”? . Nhân dịp này tôi cũng đã nói lên những suy nghỉ theo cách hiểu của mình: “ Tôi biết HIV là căn bệnh hiện chưa có thuốc chửa trị, đó là thứ bệnh không phân biệt hay từ chối bất kỳ ai, nếu có cơ hội để lây nhiểm do chúng ta vô tình hay thiếu hiểu biết để phòng tránh .Hãy tự đặt ta vào hoàn cảnh của những người kém may mắn đó . Tôi nghĩ ai cũng cần được cái nhìn thông cảm của mọi người ,của cộng đồng xã hội, họ cần được sự sẻ chia. Chính những vòng tay nhân ái sẽ giúp họ vượt qua những mặc cảm ,tự ti của bệnh tật để kéo dài thêm cuộc sống và sống có ích”.
Còn ý kiến có nên công khaitên tuổi của những người bị lây nhiểm hay không ? theo tôi : “ ngoài những cơ quan chuyên môn quản lý người bệnh cũng cần nên thông báo cho những người có trách nhiệm ở các cấp chính quyền địa phương, tại cụm dân cư , tổ NDTQ để họ có nhiệm vụ , vận động giúp đỡ người bệnh , và thái độ cư xử của của mọi người sẽ giúp cho người bệnh có thêm lòng tin để hoà nhập với cộng đồng xã hội. Đối với việc phòng tránh Aids, làm sao phổ cập thường xuyên để mọi người ý thức làm chủ được mọi hành vi sinh hoạt của bản thân và trong giao tiếp với môi trường chung quanh .Như thế mới hạn chế bớt sự lây nhiểm mà hiện tại chúng ta nhìn thấy chỉ mới có một phần nổi trong tảng băng chìm”.
Sau câu chuyện của Hoà , có phần sa sút tinh thần, tôi phân vân về bản thân mình. Chúng tôi từng vui đùa , tiếp xúc với nhau ,và còn nhiều sinh hoạt riêng tư của tôi ở những môi trường khác .Tôi muốn rõ về sức khoẻ của mình thật cụ thể. Sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng tôi quyết định đến bệnh viện để làm một cuộc xét nghiệm .
Cũng vô tình thôi, ngày hẹn lấy kết quả lại là ngày giỗ của Hòa.Tôi sang dự và thắp nén nhang thầm khấn trong đầu:” Hoà ơi! Phù hộ cho chị khoẻ mạnh , làm ăn khấm khá để chị có điều kiện tiếp giúp con em nha!”
Thật hồi hộp. Vị Bác sỹ với vẻ mặt nghiêm nghị nhìn tôi rồi nói : “ mời chị sang phòng bên”. Tim như thót lại , tôi căng thẳng vô cùng. Sau khi ngồi yên ổn trên ghế , tôi nhìn ngón tay trỏ của vị bác sỹ chỉ theo từng hàng của mỗi loại xét nghiệm… Sau cùng câu nói nhẹ nhàng của người bác sỹ làm cho tôi trút hết gánh nặng về sự lo lắng “ Tất cả đều Negative” ( tôi hiểu được từ tiếng Anh đó) .Riêng phần gan bác sỹ nói tôi có dấu hiệu bị sơ nhiểm cần điều trị.
Đã gần đến Trung Thu !
Anh trăng non không đủ để soi khắp trần gian. Nhân thế vẫn còn đâu đó nỗi buồn! Qua ô cửa,tôi thấy đứa con gái nhỏ của Hoà đang đứng một mình nhìn những đứa trẻ khác xum xoe lồng đèn được cha mẹ mua cho sớm.Tôi luôn để mắt theo dõi tình hình sức khoẻ của con bé.Trông nó có vẻ ốm yếu nhưng không có biểu hiện gì đáng lo, thỉnh thoảng cũng cảm cúm , sốt ho như bao trẻ khác. Hy vọng cuộc sống sẽ có những điều kỳ diệu . Nào ai biết được?. Tôi bùi ngùi, bước qua nắm tay nó đi ra đầu ngõ chỉ vào một rừng đèn đủ màu sắc đang bày bán. Tôi nói: “ Nè, con thích cái nào cô mua cho”. Nó hớn hở chỉ vào chiếc đèn ông sao. Tôi thắp nến vào đèn cho nó thầm nghĩ : “ Tình thương cũng là thứ ánh sáng kỳ diệu mang đến hạnh phúc cho con người”. Hai cô cháu tôi cùng dắt nhau đi …
Ngày 14 tháng 9 năm 2006