Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.221.685
 
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*9
Đại Lãn

Theo Cụ Nguyễn Du, cũng giống như nước giếng xưa vốn vắng lặng trong sạch không bị người khuấy động, trăng sáng chiếu soi thấy bóng rõ ràng, vì đó là bản chất vắng lặng của nước. Nếu khuấy động lên thì chúng sẽ đục, ánh trăng sáng sẽ không còn thấy được nữa. Tâm của chúng ta cũng vậy không dao động trước mọi duyên thì với bản chất trong sáng thanh tịnh của nó thì tự nó sẽ chiếu soi khắp cả và, cũng có khả năng hiển thị tất cả qua bà thơ ẩn dụ đạo ý:

 

"Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh

Tỉnh thủy vô ba đào

Bất vị nhân khiên xả

Thử tâm chung bất giao

Túng bị nhân khiên xả

Nhất giao hoàn phục chỉ

Trạm trạm nhất phiến tâm

Minh nguyệt cổ tỉnh thủy".

       

       

       

       

       

       

       

       

(Đạo Ý)**

Dịch:

Trăng sáng chiếu giếng xưa

Nước giếng không gợn sóng

Không bị người khuấy động

Tâm này thật chẳng động

Nếu bị người khuấy động

Lay động rồi lại dừng

Một cõi tâm lắng đọng

Như trăng soi giếng xưa.

 

Thật ra đó chỉ là một thí dụ, cụ đưa để ví dụ cho tâm con người và nước giếng xưa tạm để chúng ta hiểu được rằng tâm ta khi định một chỗ thì nó sẽ hiển thị ra công dụng sáng trong vắng lặng cũng giống như nước giếng xưa nếu khuấy động làm cho nó đục thì nó sẽ không thấy vật gì hết, còn nếu để nguyên không khuấy động thì nó sẽ lắng trong. Đó là một thứ kinh nghiệm được cụ rút ra từ cuộc sống của chính cụ, để cho ta thấy rằng sở dĩ thường ngày chúng ta không thấy được tâm trong sáng vắng lặng rỗng rang của chúng ta, mà chỉ thấy hoàn toàn là  những phiền não khổ đau làm cho chúng ta đau khổ; tâm vật lý này luôn vô thường, luôn tạo ra cho chúng ta những thứ phiền não khổ đau từ: xa lìa người thân, những vật mà mình đang sở hữu thuộc về của mình cũng sinh ra đau khổ; những ai mình ghét bỏ, thù oán, hoặc những vật mà chúng ta không thích, không ưa mà luôn xuất hiện trước chúng ta cũng tạo ra những đau khổ; những điều mà chúng ta ước muốn thuộc về chúng ta (vât chất lẫn tinh thần), mà chúng ta tìm cầu không được cũng làm cho chúng ta đau khổ; nói chung là mọi thay đổi trong cuộc sống bất như ý chúng ta là mang lại cho chúng ta những đau khổ. Chính những đau khổ này nó vấy đục tâm tư chúng ta, nó làm cho tâm tư chúng ta tối tăm u ám như nước giếng xưa đang trong lành bị chúng ta khuấy đục lên vậy, công dụng hiển thị sáng soi không còn nữa. Do đó chúng ta muốn tâm chúng ta trong lành sáng tỏ thì đối với mọi sự vật từ tinh thần cho đến vật chất chúng ta chỉ cần không đắm nhiễm chạy theo nó để bị trói buộc bị khuấy dục lên thì đó chính là tâm vô sự, đó chính là Phật, là tâm không như cụ đã từng viết:

 

“… Phật bổn thị không bất trước vật…”

           

(Phân kinh thạch đài)**

Phật vốn là Không, chẳng chấp vật.

 

Khi tâm chúng ta không chấp vào mọi sự vật chung quanh cuộc sồng từ tinh thần cho đến vật chất thì đó chính là Phật. Phật này bản thể là tính không, tướng của Phật là không vì sự hiện hữu của sắc thân nên Phật do nhân duyên tích hợp mà tác thành, thân Phật này không có thực thể, nó chỉ là một giả hợp của Năm uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là một tích hợp của đất, nước gió, lửa (thuộc vật chất); thọ, tưởng, hành thức là tích hợp của tinh thần (thuộc tâm). Vậy thì từ vật chất đến tinh thần đều do nhân duyên hòa hợp nà hiện hữu, nên sự hiện hữu của Phật này là một hiện hữu giả danh, vì Phật chỉ là một giả danh nên Phật vốn là Không. Khi Phật đã không thì tâm cũng không.

Vậy tâm chúng ta đục hay trong cũng từ nơi ta cả chứ không ai làm cho tâm ta lu mờ và sáng trong được, cho nên cụ khuyên chúng ta nên:

 

"… Nhân liễu thử tâm nhân tự độ,

Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu…"

           

           

(Phân kinh thạch đài)**

Dịch:

… Người rõ tâm này, người tự độ,

Linh Sơn[1] chỉ ở nơi tâm ngươi …

 

Vì thường thì chúng ta hay cầu Phật ở nơi bên ngoài chúng ta, tức là vong thân cầu Phật tại Linh sơn, rất nhiều người nổ lực tìm cầu Phật bên ngoài mà bỏ quên ông Phật chính mình nơi mỗi người, đó là một cái nhìn vô minh thiếu chánh kiến, nên lầm đường lạc lối cầu Phật bên ngoài. Theo cái nhìn thấu tâm đạt lý của cụ Nguyễn Du thì khi chúng ta đã tỏ rõ bản tâm của mình rồi thì chính mỗi người phải tự mình độ lấy chính mình ra khỏi vô minh mờ tối của chính mình tạo ra đó thì tự nhiên tâm rỗng rang trong sáng của chính mình hiện hữu chứ không cần phải dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào khác ngoài chúng ta. Nhiều nhà nghiên cứu về Nguyển Du mà không biết chữ Hán hay không đọc những tập thơ mà cụ viết bằng chữ Hán để biết cuộc đời của cụ đã chịu ảnh hưởng Phật giáo như thế nào mà viết về Nguyễn Du và Phật giáo thì, đương nhiên có những cái nhìn tưởng tượng lệch lạc về vấn đề này. Qua những điều chúng tôi trích dẫn từ văn thơ của cụ như vậy, ai dám bảo cụ không phải là người của Phật giáo? không phải là người tu theo Phật nào?! Những điều chính cụ viết ra không chịu hiểu không chịu đọc rồi ngồi đó tưởng tượng sai lầm rằng Nguyễn Du ảnh hưởng tâm học của người này người kia v.v… đem áp đặt lên người cụ, trong khi thơ cụ không có bất cứ chỗ nào đề cập đến chủ trương tâm học. Bỡi vì “Người rõ tâm này, người tự độ, Linh Sơn (chỗ Phật nói pháp) chỉ tại tâm ngươi” không phải là “tức tâm tức Phật, tức Phật tức tâm” Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm sao? Mà theo cụ thì sở dĩ chúng ta không nhận ra được tự tánh tâm mình, không nhận ra bản lai diện mục của chính mình là vì chúng ta tìm Phật bên ngoài, chạy rông từ kiếp này sang kiếp, từ nơi này đến nơi kia để tìm; nhưng rốt cùng tìm mãi không ra chỉ vì ngưởi chỉ đi tìm cái bóng của minh không thôi, trong khi bản lai diện mục lù lù nơi chính ta mà ta không biết, càng chạy đi tìm thì càng lạc lối càng xa quê hương xứ sở nguyên sơ của chính mình chỉ vì vô minh phiền não che lấp nên không thấy đó thôi:

 

"Niên niên thu sắc hồn như hử

Nhân tại tha hương bất tự tri".

           

           

(Giang Đầu Tản Bộ)**

Sắc thu hồn vẫn luôn như vậy

Vì mãi xa nhà không biết thôi.

 

Tóm lại qua những bài thơ mà chúng tôi đã trích dẫn trong ba tập thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du cho chúng ta một cái nhìn đúng về nhà thơ đã ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo trong đời sống “bất ly Thiền” hằng ngày của cụ, là một nhà thơ vĩ đại không những là của Việt Nam ta không thôi, mà cụ còn là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất thế giới nữa. Cái vĩ đại của Cụ nhờ vào hai yếu tố thứ nhất bỡi một thứ trí tuệ nghiệp được huân tập di truyền từ nhiều kiếp trước cộng với cái trí tuệ nghiệp được huân tập từ kiếp này, từ cuộc sống qua đó Phật giáo là một tác động quan trọng đối cuộc sống của cụ, nhất là Thiền tông là một nhân tố tác động chính yếu cho việc cụ khám phá ra bộ mặt thật của chính mình cũng như mọi sự vật khác, để từ đó cụ sáng tác ra những tác phẩm mang tính nhân bản triệt để hơn qua Truyện Kiều và Văn Tế thập loại chúng sanh mang đậm tư tưởng Phật giáo trong việc phủ nhận thuyết Thiên mệnh của Nho giáo đã làm hủ hóa khiến con người không tự mình vương lên trong cuộc sống được:

 

“ … Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao. …” (Kiều)

 

Với quan niệm mệnh trời như vậy thì chúng ta còn làm được gì, đành phải bó tay bó chân thôi!

 

“… Thôi đành nhắm mắt đưa chân.

Thử xem con tạo xoay vần ra sao?...” (Kiều)

 

Đúng là với quan niệm như vậy nó làm cho con người trở nên yếu mền, nhu nhược. Đây mới là quan niệm làm cho con người bi quan yếm thế của Nho giáo đối với cuộc sống, chứ không phải quan niệm đời là khổ của Phật giáo là quan niệm bi quan yếm thế như nhiều người lầm tưởng. Vì đời chỉ là kết quả khổ, phát sinh từ nguyên nhân, chính con người của mỗi cá nhân mang đến kết quả đó mà thôi chứ đời không phải là nguyên nhân sinh ra đau khổ. Vậy muốn quả khổ này mất đi thì chỉ cần triệt tiêu nguyên nhân sinh ra khổ thì đời tự nhiên hết khổ thế thôi. Vậy thì việc gì Phật giáo phải bi quan yếm thế như một số người hiểu biết lệch lạc sai lầm về Phật giáo vậy! Ở đây với quan niệm mệnh Trời bắt làm người có thân, bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao thì, đây mới chính là quan niệm làm cho con người trở nên bi quan yếm thế không tự chủ trước cuộc sống. Nhưng đó là quan niệm mệnh trời của Nho giáo mà cụ đưa ra làm tiền đề và, tiếp theo đó cụ đưa ra quan điểm tự tác tự thọ, của Phật giáo qua nhân quả báo ứng để kết luận, tức là tự con người làm thì tự con người nhận lấy cái quả đó, mà phủ nhận cái quyền sinh sát của mệnh Trời kia. Thật sự nếu có Trời đi chăng nữa thì Trời theo cụ chỉ là một cán cân mà thôi:

 

“Có đâu thiên vị người nào,

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai. …”(Kiều)

 

Như vậy thì Trời đâu có thiên vị và làm theo ý Trời được, mà phải lệ thuộc vào tác nhân của người tạo ra mà theo đó mới bắt người chịu những kết quả tương ứng với những tác nhân trước đó của họ. Vậy thì mệnh Trời đã bị con người tước đoạt rồi, vì Trời nếu có, bây giờ chỉ làm một cán cân, cân gúp cho con người trong việc cân tội phước, họa phúc, nặng nhẹ thế nào thôi. Vì vấn đề nặng nhẹ có được do chính con người tạo ra. Bây giờ con người đại diện cho chữ tài và Trời đại diện cho chữ mệnh cả hai bình đẳng như nhau trên mặt lý tính. Ở đây chúng tôi chỉ bàn sơ qua việc này để kết luận cho bài viết này, việc này chúng tôi sẽ bàn chi tiết hơn trong phần thứ hai, bài kế tiếp về “Từ Thiên mệnh đến Nhân mệnh” trong truyện Kiều.

 

……………………………….

* Bài này trích một phần từ bài viết:

- Nguyễn Du “Từ Thiên mệnh đến Nhân mệnh” trong truyện Kiều.

**Sách tham khảo:

- Tổng tập Văn Học Việt Nam tập 13, 14.

- Tố Như thi, Quách Tấn dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn 1973.

- Nguyễn Du toàn tập, Mai Quốc Liên chủ biên, NXB Văn học 1996.

- Nguyễn Du, niên phổ và tác phẩm của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính, NXB Văn                 hoá thông tin.



[1] Linh Sơn: gọi cho đủ là Linh Thứu sơn, là chỉ cho núi Linh Thứu nơi đức Đạo sư nói pháp độ sinh khi Ngài còn tại thế. Có hai thời kỳ đức Đạo sư nói pháp ở nơi đây: Một, thời kỳ đức Đạo sư thuyết Kinh Pháp Hoa. Hai, thời đức Đạo sư phó pháp cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp (theo Thiền tông) “Dĩ tâm truyền tâm”.

Đại Lãn
Số lần đọc: 3151
Ngày đăng: 21.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Biển của Hoàng Phương - Võ Tấn Cường
Sống và yêu dọc “ những mùa không đợi “ - Nguyễn Trọng Tạo
HUY CẬN: Đốt LỬA THIÊNG, Rực Sáng: CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG! - Lê Xuân Quang
Đọc “Sóng vỗ mạn đời” của Phan Như : Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng - Lê Huỳnh Lâm
Đọc tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hòai : Những màn tạp kỹ chương hồi - Nguyễn Thị Hậu
Trần Lê Sơn Ý từ Bàn chân không đóng móng - Vũ Trọng Quang
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*1 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 2 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 3 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 4 - Đại Lãn