Hoạt động mỹ thuật của thời kỳ mở cửa cho đến nay quả là một quá trình gian nan và vất vả nhưng đầy sáng tạo. Để đánh giá được sự bùng nổ sáng tạo của thời kỳ đổi mới này, có lẽ chúng ta cần dừng lại đôi chút để ngắm nhìn lại về lực lượng và môi trường hoạt động mỹ thuật từ 1975 đến 1986.
Sau khi đất nước thống nhất, Sài Gòn - TP.HCM có lực lượng nghệ sĩ xuất thân từ các nguồn đào tạo hết sức khác nhau: Từ ba miền trong nước; từ các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, Trung Quốc; từ các nước tư bản chủ nghĩa như Pháp, Mỹ, Italia, Anh, Nhật Bản,… Hồi ấy, cả nước vẫn sống trong nền kinh tế bao cấp tập trung, riêng miền Nam đang liên tục tiến hành cải tạo xã hội và xây dựng xã hội theo hướng mới mà dân Sài Gòn và giới văn nghệ sĩ tại chỗ còn quá xa lạ. Vì thế mà rất nhiều người do đã quen sáng tác theo ngôn ngữ mỹ thuật hiện đại trở nên rụt rè trước hoàn cảnh xã hội đổi thay. Trong suốt thời gian này (1975-1986), mỗi năm có không hơn 20 cuộc triển lãm tập thể và khuynh hướng sáng tác chủ yếu là theo các đề tài kháng chiến, lao động sản xuất tại các hợp tác xã, nhà máy, các cuộc cải tạo xã hội. Ngôn ngữ thể hiện không còn đa dạng mà chủ yếu là hiện thực, ấn tượng hay tượng trưng; chưa có ai dám sáng tác theo khuynh hướng trừu tượng. Trong suốt thời gian 12 năm, không hề có một cuộc triển lãm cá nhân nào mà chỉ có các cuộc triển lãm chung do Hội Mỹ thuật thành phố hay Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức theo mỗi năm hay các cuộc triển lãm toàn quốc 5 năm một lần. Các triển lãm cá nhân ở thành phố này chỉ bắt đầu xuất hiện từ 1988, đầu tiên là triển lãm của họa sĩ Rừng (tức Nguyễn Tuấn Khanh).
Việc Đảng và Nhà nước ban hành chính sách Đổi mới, kinh tế mở và văn hóa mở là một sự giải phóng sức lao động sáng tạo toàn diện cho con người. Hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng cho thấy bước đầu có sự bùng nổ, phát triển nhiều mặt: Mục tiêu đào tạo, lực lượng nghệ sĩ, các chuyên ngành, đề tài, chất lượng, ngôn ngữ nghệ thuật, phạm vi và ý thức sáng tạo... Trong khoảng thời gian từ 1988 đến nay, cả nước bước vào giai đoạn kinh tế thị trường và từng bước vận hành theo quy luật của nó. Giai đoạn này cho thấy kinh tế thị trường là chiến trường. Nó thể hiện sự cạnh tranh, mở rộng về nhiều mặt: Trong đó cũng đã hình thành thị trường văn hóa nghệ thuật đa dạng, bao gồm cả thị trường tranh tượng mỹ thuật, sự mở rộng hệ thống các gallery,… Các cuộc giao lưu, triển lãm mỹ thuật giữa nội địa và quốc tế gia tăng kèm theo sự bộc phát về tư duy, xu hướng, ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật. Một điều cần ghi nhận là lần đầu tiên kể từ sau ngày giải phóng, triển lãm tranh trừu tượng đã được tổ chức trong năm 1992 tại gallery Hoàng Hạc, số 2- Lê Duẩn, quận I. Kế đó là cuộc triển lãm giữa các họa sĩ Việt Nam và Singapore tại Hội Mỹ thuật với chủ đề Không gian mới (New Space).
Từ đầu thập niên 90, thế kỷ XX, khuynh hướng nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn- thứ nghệ thuật được sinh ra từ nền văn minh hậu hiện đại ở các nước công nghiệp Tây phương- dần xuất hiện ở Hà Nội và sau đó lan vào thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng. Sau những hoạt động manh nha tại Đại học Mỹ thuật, khu du lịch Bình Quới I, khuynh hướng này ngày càng lan tỏa trong sinh hoạt mỹ thuật thành phố. Một điều đáng chú ý là do hoàn cảnh xã hội rộng mở, nhiều nghệ sĩ nước ngoài và Việt kiều thực hành dạng nghệ thuật này cũng đã về sinh sống và phát triển nghệ thuật của họ, càng làm cho đời sống mỹ thuật thành phố thêm phong phú. Một số họa sĩ trẻ của thành phố cũng đã tự tin đem nghệ thuật của mình đi giao lưu với đồng nghiệp nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc,...
Trong khi chúng ta trải qua 20 năm Đổi mới (1986-2006) từ cuối thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, thế giới đang đi vào xu thế toàn cầu hóa với nhiều biến động về kinh tế, chính trị, văn hóa trong tình hình những nguy cơ về thảm họa môi trường, khủng bố, chiến tranh, sự cách biệt giàu nghèo đã và đang đè nặng tâm tư loài người. Điều này đã thật sự ảnh hưởng khá mạnh đến tư duy, khuynh hướng sáng tác của văn nghệ sĩ. Do vậy, ý thức về chính ý nghĩa của sự sáng tạo, về phạm vi đề tài, về ý tưởng lẫn ngôn ngữ mỹ thuật cũng được mở rộng. Các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại đã và đang thực sự ảnh hưởng vào tư tưởng, động cơ, quan niệm sáng tạo của thế hệ họa sĩ trẻ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghệ sĩ trẻ nào tự nhận rằng các khuynh hướng hậu hiện đại này là ngôn ngữ chính, duy nhất của mình và họ cũng chưa cho thấy đã thật sự hình thành một hệ thống lý luận sáng tạo thiên về chủ nghĩa hậu hiện đại. Mặt khác, khuynh hướng nghệ thuật hậu hiện đại đã thực sự mở ra giai đoạn mới cho sự tự do trong tư duy sáng tạo, mở rộng định nghĩa về nghệ thuật, nhưng đồng thời cũng cho thấy ở đó có những sự mập mờ hay sự xóa nhòa lý tưởng nghệ thuật.
Nhìn chung, sau 20 năm đổi mới, trong lĩnh vực mỹ thuật đã diễn ra các luồng tư tưởng cởi mở hơn trong việc chọn lựa đề tài, ngôn ngữ sáng tác. Chúng ta có thể tạm chia các loại đề tài điển hình hiện nay mà các nghệ sĩ đang theo đuổi như: Đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài về thực trạng đổi mới đi lên của xã hội, những tư duy, những bức xúc bên trong tâm tư của con người trước những vấn đề chung của nhân loại như ô nhiễm môi trường, khủng bố, sự băng hoại đạo đức, kể cả những vấn đề tồn tại trong nước… Dựa vào sự phân loại đề tài, chúng ta còn quan tâm đến chất lượng sáng tác, thực trạng về ngôn ngữ, lý luận sáng tạo, không gian triển lãm và một số tư tưởng tồn tại trong các tầng lớp nghệ sĩ. Cụ thể, thực trạng ấy đã thể hiện ở những khía cạnh sau đây.
Thứ nhất, các nghệ sĩ cao tuổi vốn là chiến sĩ gắn bó với đề tài kháng chiến luôn luôn mang quan điểm sáng tạo nghệ thuật phục vụ cho tuyên truyền và thường sử dụng ngôn ngữ hiện thực. Có một số vị đã tỏ ra cảm thông với những khuynh hướng và đề tài mới của xã hội. Một số khác không thích sáng tác theo những đề tài mới và tỏ vẻ ít thông cảm với những ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại.
Thứ hai, trong khi có một số họa sĩ vốn chuyên sáng tác theo đề tài chiến tranh cách mạng đang cố gắng tìm ngôn ngữ, cách nhìn mới gắn với khuynh hướng nghệ thuật thời đại khi trình bày các đề tài loại này thì vẫn còn một số người vẫn còn sử dụng loại ngôn ngữ cách đây ba, bốn mươi năm, hiệu quả thẩm mỹ lại kém, gây nhàm chán.
Thứ ba, trong khi đa số các nghệ sĩ nghiệp dư thực sự yêu nghề đã sáng tác rất tốt với tinh thần nghiên cứu, sáng tạo nghiêm túc thì có một số ít họa sĩ diện này đã gây sốc cho các đồng nghiệp bằng tư tưởng sáng tác quá dễ dãi, với cách sáng tác tốc độ nhanh, hàng trăm bức một năm và kèm theo ở họ còn bày tỏ một sự tự biện luận rằng chính mình đang sáng tác bằng vô thức, tâm thái bất định. Thực trạng này đã gây phản cảm ở một số họa sĩ chuyên nghiệp.
Thứ tư, sau 20 năm đổi mới, lực lượng nghệ sĩ mỹ thuật phát triển rất nhiều về mọi mặt. TP.HCM đã thực sự trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất phía Nam. Hiện tại, số lượng hội viên mỹ thuật đã gần 700 người với nhiều chuyên ngành, nhiều câu lạc bộ có sức hoạt động mạnh. Một số họa sĩ Việt kiều trở về ở hẳn tại thành phố. Các cuộc triển lãm cá nhân, nhóm và giao lưu quốc tế liên tục diễn ra. Tuy nhiên, không gian trưng bày rất thiếu và không đúng tiêu chuẩn. Gallery của Hội thì xuống cấp. Hệ thống các nhà trưng bày và cả Bảo tàng Mỹ thuật thì không đúng tiêu chuẩn, chưa đáp ứng với nhu cầu thực sự và chưa xứng với tầm cỡ của thành phố. Đây là nỗi bức xúc thực sự của giới mỹ thuật.
Thứ năm, hiện nay, phương tiện thông tin về mỹ thuật như tạp chí, sách báo, phát thanh, truyền hình cũng rất thiếu. Cả nước chỉ duy nhất có một Tạp chí Mỹ thuật đúng nghĩa của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng số trang, số ấn bản quá ít. Nội dung tạp chí này cũng chưa đề cập hết các hoạt động của lãnh vực nghệ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng của cả nước vốn đang phát triển rất mạnh và cần có tiếng nói của giới chuyên môn ở nhiều lãnh vực.
Thứ sáu, lực lượng các nhà phê bình lý luận nghệ thuật đang thiếu về số lượng và cả chất lượng. Họ ngại thu thập, trao đổi thông tin và thiếu cả cách tổ chức, biện pháp hoạt động. Cho nên, dường như có “sự thả nổi" trong lãnh vực này. Những hiện tượng văn học nghệ thuật ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đã xuất hiện ở Việt Nam nói chung, ở thành phố này nói riêng. Nhưng ngoài những mặt tích cực thì bản thân trong khuynh hướng này cũng cho thấy có những tư tưởng chưa rõ ràng về vai trò chức năng và lý tưởng thẩm mỹ. Điều này đã gây băn khoăn trong nhiều quốc gia chứ không phải riêng chỉ Việt Nam... Vì vậy, giới nghệ sĩ rất cần có được sự trợ giúp của ngành lý luận phê bình nghệ thuật trong việc cung cấp thông tin và hệ thống hóa những vấn đề lý luận của các loại hình nghệ thuật mới xuất hiện trong nước nhưng vốn dĩ gắn liền với hoàn cảnh xã hội và một hệ tư tưởng không hề tương ứng với hoàn cảnh Việt Nam. Việc tạo ra những diễn đàn thường xuyên của hoạt động lý luận trong thời kỳ hội nhập và tạo cho được phương tiện thông tin liên tục cùng với việc mở rộng, cải tiến, đầu tư, đổi mới không gian triển lãm nghệ thuật là vô cùng cần thiết.
Trong khi nghiên cứu phân tích kỹ về chủ nghĩa hậu hiện đại, đặc biệt là những mặt tiêu cực, đã đến lúc chúng ta cũng nên công khai trao đổi mở rộng các vấn đề cơ bản của nghệ thuật bằng cách mở rộng các định nghĩa về nghệ thuật, nghệ sĩ, tác phẩm chứ không quá bảo thủ như thời gian trước đây. Từ đấy, chúng ta tiến hành xây dựng hệ thống lý luận nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới thực sự hợp với thời đại trên tinh thần tỉnh táo và gạn lọc.
Để làm được việc này thì bản thân các tổ chức, hội nghệ thuật, hội nghề nghiệp cần phải được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Nhà nước và các cơ quan, giới chức hữu quan.
Sau 20 năm thực hiện chính sách đổi mới về nhiều mặt, trong đó có lãnh vực tư tưởng, văn hóa nghệ thuật, riêng hoạt động mỹ thuật đã có nhiều bước tiến rất mạnh. Cho dù trong bước đi của thời kỳ đổi mới còn có những điều chưa hay nhưng với quyết tâm điều chỉnh, cải tiến, sửa sai trên tinh thần cởi mở, hy vọng trong tương lai nền văn hóa nghệ thuật của chúng ta sẽ ngày càng khởi sắc.
Ảnh : Tranh- Hạnh phúc - Sơn mài của Đào Minh Tri
Trích vanhoanghethuat.org.vn