- Hãy kể tội ta nghe!
- Bẩm… bẩm…
- Khó lắm phải không? Quân tử chỉ quen tự tâng công nhỉ ? Bọn Nho giả chúng ngươi hèn mạt lắm. Ta có lột mũ đứa nào mà đái vào chưa ?
- Bẩm hoàng thượng, tiểu thần đáng chết.
- Chết… ha ha ha ha… Công ngươi chưa xứng để được ban cái chết. Hãy nghĩ thêm nhiều kế yên dân, lạc quốc rồi hẵng chết. Tuyệt đối đừng nhúng mũi vào việc hoàng gia mà mang nhục.
- Thần không dám.
- Đám giải còn sống cả chứ.
- Bẩm, chưa có cái xác nào dạt vào bờ. Chắc chúng thoải mái vì thủy văn nơi đây chẳng khác gì ở Lam kinh.
- Trước đoan ngọ một hôm băm nhuyễn lá ngón với rau má, rau muống để giảm bớt độc tố, vo viên cho thợ lặn rải xuống đáy hồ. Sẽ có vài con giải trúng độc trồi lên đớp bóng. Lúc điều khiển thuyền rồng, cố lướt qua chỗ giải nổi.
- Sợ bá quan nhận ra mai mềm của giải, họ bảo đấy không phải rùa trong tứ linh thì hoàng thượng sẽ khó xử.
- Ta đã chào rùa thần rồi thì đố đứa nào dám nói ngược. Hơn nữa thuyền mở dây sau mấy tuần rượu mạnh, khó ai còn tỉnh táo.
***
- Sự nghiệp của ta, được – mất xem xét thỏa chưa?
- Bẩm… Bệ hạ còn lâu mới muôn tuổi. Căn bệnh xoàng thôi, xin đừng nghĩ ngợi.
- An dân dễ hơn lấy lòng kẻ sĩ, ngươi biết tâm sự của ta mà. Sao năm ấy ngươi vào gặp ta xong lại bỏ đi. Đợi thời, ta làm Tuần kiểm. Dù gì ta cũng từng mang mĩ danh Kim Ngô Tướng quân dưới cờ Trần Quí Khoách.
- Thần có mắt như mù.
- Đến khi ta xưng vương, ngươi mới tỏ chí của ta. Ôi! Kẻ sĩ nước Nam này thật tệ. Ta cứ phải nặng lòng…
- Chúng thần có lỗi với nhà vua. Chúng thần tham sống sợ chết, hay tự huyễn trên mấy con chữ, nhiều khi toàn là đám chữ được mua bằng tiền hoặc viết nơi đầu gối.
- Ngươi sẽ chết vì tham. Ngươi không thể sánh với Trương Lương được. Cũng có thể tham làm việc nghĩa. Tất nhiên là việc nghĩa trong con mắt nhà ngươi. Đầu óc ngươi bận rộn với sự chê bai, coi thường kẻ khác. Chắng ích lợi gì cả. Ngươi muốn tạo cảm giác hơn người ư? Lộ rõ là ngươi đang tự nghi ngờ khả năng của mình…
- Đã lưu danh thiên cổ rồi, xin chúa thượng thảnh thơi.
- Đôi lúc ta hơi thiếu tự tin. Chuyện đem giải ở Lam Kinh ra thả xuống Lục Thủy chẳng hạn.
- Đấy là việc hòa hợp với tầm nhìn hãn hữu của thời đại. Bệ hạ bất tử vì dân tộc này bất tử. Bệ hạ thành anh hùng bởi sự nghiệp bệ hạ tạo nên ứng với tiêu chuẩn anh hùng của tâm thức đại chúng. Người đã lật đổ ách thống trị của Minh triều, đã chiến thắng đoàn quân xâm lăng hung bạo. Thế là quá đủ. Nước ta còn nhỏ lắm. Mai này dù có một nhân vật vĩ đại nào đó mở rộng biên cương gấp rưỡi, gấp đôi, mà thiếu tiêu chuẩn “chiến thắng Bắc triều” thì lịch sử cũng xem ông ta là giẻ rách, không hơn một nhúm lâu la, giặc cướp đâu. Đó là sự bất công ấu trĩ trường cửu. Và đó cũng là vách mũi, là nô huyệt của trăm họ. Kẻ sĩ chúng thần đã nguyện làm chiếc cật nứa già vót nhọn để xỏ vào đấy, rồi lại làm sợi thừng bền chắc buộc nọc tre già, thì hà cớ gì bệ hạ chẳng an thư tự tại lưng trâu, thổi sáo điệu bồng lai bên cánh đồng thơm mùi lúa mới?
- Các ngươi nói láo giỏi quá, có lúc ta tưởng mình là tiên thật! May mà ta chưa thành man trá, dẫu đã không ít lần giấu giếm những gì thuộc về con người thường phàm.
- …
- Lắt léo phải chăng là lẽ sống của bọn có chữ?
- Dạ bẩm, thần không hiểu í hoàng thượng.
- Ngươi đừng giả chết bắt quạ nữa. Mấy đoạn thần thoại trong “Lam Sơn thực lục” ngươi khéo hạ thấp văn phong để đời sau nếu không xem là ngụy thư, cũng chẳng nỡ coi tác giả là bồi bút. Thanh cao đến thế là cùng.
- Thần cắn rơm cắn cỏ xin bệ hạ bỏ ngoài tai lời sàm tấu.
- Ta biết ngươi cũng sẽ bất tử. Ngươi sẽ vĩnh viễn là biểu tượng của kẻ sĩ bất toại, bất mãn. Vương quyền cổ kim, nhẹ thì vung roi đe nẹt kẻ sĩ, nhưng thỏa hiệp mới là trường kế. Kẻ sĩ là người của kẻ chợ, không thể xây dựng được bá đồ trên ngôi làng lớn mang tên quốc gia đâu. Lại càng không thay đổi được thể chế. Ta và ngươi là hai mặt của một chiếc lá. Thế mà ngươi từng dám viết tên ta và tên ngươi bằng mỡ trên một mặt, rồi cho kiến đục và thả trên nguồn sông suối. Ta tha chết cho ngươi vì ngươi không hiểu Quân và Thần chỉ có thể Cộng khổ. Chớ hoang tưởng Đồng cam. Quên khắc cốt điều này, ngươi sẽ bị tru di dưới đao búa của con cháu ta.
***
- Sao đêm rằm mà đèn đuốc sáng thế?
- Ông ngủ đi. Quân canh nhiều lắm, chắc mai có việc lớn.
- Sao khuê ở phương nào?
- Trăng còn thẹn với đèn, nói chi đến sao!
- Chúng sắp giết ta?
- Vua vừa lên ngôi, có lẽ nào.
- …
- Ông ơi, bà Lộ nhà ông là rắn thật ư? Ngoài chợ người ta kể thế này…
- Nực cười quá. Chúng sợ cái chết của ta làm lòng dân bất an chăng. Chúng thực hiện âm mưu giết vua, hại người trung nghĩa y hệt nghi án truyện Chu Tuệ - Kiều Oanh giết Thái tử bên Tàu.
- Chúng tôi ngoài đời dân dã, mấy ai biết đến tên ông.
- Thế ư. Thái tổ mắng ta đúng đấy. Kẻ sĩ cứ vơ hết vào mình. Ta chỉ là con tốt vô tình bị cuốn vào trận mạc tranh giành quyền lực tối cao nơi cung cấm. Vậy nên chúng sẽ giết ta thật nhanh để dẹp mọi thị phi, ngờ vực. Này, lão quân cai ngục, anh có biết chuyện Rùa thần đòi gươm Thái tổ không?
- Vâng, trời đất tất phải có điềm lành đón hòa bình.
- Thái tổ ơi, sao người bất công với thần quá. Bình Ngô xong, thần chỉ được xếp hàng giữa bọn thuộc lại nhì nhằng. Đáng lí lúc ấy ta phải làm Phạm Lãi của nước Nam. Can dự chi thêm huyền thoại thần qui. Hôm nay nhìn ba đời vươn cổ chờ chết mà tràn hận. Hậu nhân ai là người cởi trói minh oan cho ta khỏi cũi lồng rắn độc. Một đời phò tá rồng phượng, đâu ngờ lại thác đi trong gian lưới ác xà!
- Ông nói toàn chữ nhà quan, tôi không hiểu, nhưng nghe giọng ai lụy lắm.
- Ta vướng họa cũng vì nghiệp sách đèn. Xa lạ với từ chương như anh lại hay.
- Tôi gác ngục từ chế độ cũ. Xưa chúng giết người làm phản cũng nhiều. Ít ai kêu oan. Họ đáng kính và hiên ngang. Từ ngày vua trả kiếm, máu vẫn chảy mà dây oan cứ nối dài mãi.
- Ta đã linh cảm một kết cục xấu nên chọn tên tự là Ức Trai. Song xấu tệ thế này thật không tưởng.
- Tôi ngu muội tạm hiểu Ức Trai nghĩa là kẻ chay tịnh chịu oan ức.
- Không, Ức là bị đè nén.
Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, tức 19 tháng 9 năm 1442, Nguyễn Trãi, văn hào, thi hào, nhà tư tưởng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam rơi đầu giữa pháp trường. Trong kháng chiến chống giặc Ngô, là thư kí của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã cùng vua thực hiện thành công chiến thuật đánh vào lòng người rất khôn khéo. Tuy nhiên đóng góp lớn lao nhất của Nguyễn Trãi với nhà Lê lại nổi bật ở vở kịch trả gươm. Huyền thoại hoàn kiếm là món mẹo chính trị cao tay, định danh vị, chính thống hóa ách đô hộ nhân dân Việt Nam của một triều đình phong kiến kéo dài nhiều trăm năm.
Thảo điền tháng 01.2007