Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.207.711
 
Một thoáng phù hoa
Trần Trung Sáng

Khó có thể hình dung được mối quan hệ gần gũi nào giữa nghề thợ mộc chân chất vốn được hình thành, truyền bá rộng rãi từ những làng mạc Quảng Nam với cái nghề  điện tử được xem là hiện đại và khá mới mẻ ở chốn thị thành. Vậy mà điều kỳ diệu ấy đã xảy ra, kể từ đầu thập niên 60, khi ba tôi đến chọn một chỗ cắm dùi lập lán trại tìm kế sinh nhai ở mãnh đất thuộc Khu giải trí hãy còn đang thưa thớt vài ba kiốt hầu như bỏ không tại Đà Nẵng.

 

Cái lán trại đi vào lịch sử ấy, làm thay đổi cả gia đình tôi, đầu tiên cũng chẳng hề khác với cái xưởng thợ mộc nhỏ nhoi với dăm ba người thợ cùng ván, gỗ, bào, cưa, dùi, đục… mà ba tôi đã trầy trụa chuyển dời hết nơi này sang nơi khác suốt thời trai trẻ. Chỉ có một điều thay đổi nhỏ : lần này, ngoài việc đóng giường, tủ, bàn, ghế…, ba tôi tập trung nhiều hơn vào mặt hàng buýp - phê, thùng ô-pạt-lơ ( loại tủ gỗ dành để máy đĩa hát và radio ). Lần đầu tiên, cơ sở làm ăn đặt giữa phố đông người qua lại, ba tôi phấn khích nổ lực tạo sự chú ý bằng cách mở hết cở âm thanh các đĩa nhạc phát ra từ thùng loa gỗ làm rộn rã cả khúc đường. Công việc ngày một phát đạt thuận lợi. Cái lán trại tuyềnh toàng dần dần biến thành một cửa hiệu ngăn nắp. Một ngày kia, một người bạn cũ của ba tôi – ông Tường Quang, một chủ hiệu Radio ở Hội An ghé thăm, bàn ba tôi nên chuyển việc kinh doanh sang hẳn nghề điện tử. Rồi cũng chính ông dẫn ba tôi vào Sài Gòn tìm hiểu công việc kinh doanh các mặt hàng này và cho mượn vốn để mạnh dạn đổi nghề.

   

Vài năm sau, hầu hết những người thợ mộc còn gắn bó với gia đình tôi đều  trở thành những người thợ vô tuyến điện. Kế đến, cửa hiệu Radio mang tên Anh Sáng của ba tôi trở thành đại lý bảo hành đầu tiên của hãng National ( Nhật ) tại Đà Nẵng. Gia đình tôi sở hữu một chiếc xe hơi có nhiều hình chữ rực rỡ, chói chang nhằm mục đích chính tuyên truyền cho các sản phẩm điện tử của hãng National. Bởi lúc này cũng là thời điểm vô tuyến truyền hình đang bắt đầu có mặt. Ngoài chương trình phát hình của quân đội Mỹ, cũng đã bắt đầu bắt hình thành các chương trình của Đài truyền hình Huế, Đà Nẵng. Nhà nhà đổ xô mua sắm Tivi, bắt các trụ cột ăngten… Nhịp sống của Đà Nẵng càng trở nên hối hả, sôi động, nhất là khi cuộc chiến đang ngày một đang lan rộng, dân cư  tấp nập dồn về đô thị.

 

¨

           

Cái xóm nhỏ tôi được biết với tên gọi Khu giải trí, nghe nói xa xưa hơn nữa còn được gọi là Bến xe,  hoặc Khu Hội chợ...mà dấu vết để lại là một ngôi nhà bát giác nằm giữa khoảng đất trống– có lúc được làm Sở vệ sinh, có lúc bỏ phế hoang tàn cho bọn trẻ đánh giày và những kẻ lang thang trú ngụ.

     

Nhớ những đêm đầu tiên, tôi cùng ba tôi đến nằm ngủ ở một chiếc ghế xếp dưới tấm bạt che của lán trại, tôi rất thích thú khi mỗi đêm khuya lắng nghe văng vẳng những điệu ca vọng cổ ngân dài cùng tiếng vỗ tay giục giã từng hồi từ rạp hát, làm những giấc mơ cũng chừng lấp lánh ánh sáng phồn hoa. Nhưng thời gian ấy cũng kéo dài không lâu. Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm 1963, người ta giải toả rạp hát trong Khu giải trí, dành toàn bộ khu đất trống để thành lập công trường Quách thị Trang – tên của người nữ sinh đã bỏ mình trong cuộc biểu tình chống đối triều đại họ Ngô.

        

Một đài phun nước nằm giữa khuôn viên. Rãi rác những chiếc ghế đá nằm dọc theo các lối đi nhỏ trải đanh bê tông. Ay vậy mà tuổi thọ công trường này cũng chẳng dài lâu. Sau vài lần được dành làm lễ đài cho ngày Phật đản và vài cuộc mitting thì hầu như những đài phun nước, ghế đá, cây xanh ...đều bỏ mặc chỏng chơ, chẳng ai còn ngó ngàng. Không lâu sau, môt đơn vị quân đội thuộc tiểu đoàn mãnh hổ Đại Hàn được điều đến, giăng rào cổng ngõ, thép gai bốn phía. Thế là một công trình mang dấu ấn Hàn quốc đầu tiên ra đời tại Đà Nẵng : Đình Hoà Bình.

        

Mảnh đất ba tôi đến cắm dùi ngày nào bấy giờ không còn là dãy phố vắng vẻ với vài kiốt quạnh hiu, mà trở thành một tụ điểm thương mại sầm uất, góp phần cho hoạt động kinh doanh của trung tâm Đà Nẵng thêm phong phú.

     

Nếu muốn nhắc đến những cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp đầu tiên của Kim Dung đã có mặt tại Đà Nẵng như thế nào, thì người ta không thể quên được Bình Dân thư quán – cái kiôt của một gia đình người Hoa nằm ngay góc đường Hùng Vương- Nguyễn thị Giang ( nay là đường Nguyễn thị Minh Khai ). Thật lạ lùng,  chẳng biết vì sao Kim Dung và những nhân vật của ông ra đời và gần gũi với bối cảnh của cuộc chiến Việt Nam đúng lúc như vậy? Người ta say sưa theo dõi hành tung của những cao thủ võ lâm ở chốn giang hồ chẳng khác những kiểu biến hoá khôn lường của các chính khách trên chính trường miền Nam lúc này. Thế nhưng, cửa hiệu Bình Dân thư quán không phải là một điển hình thành công. Có một đêm tôi nhìn thấy một trong những người đàn ông rường cột của gia đình gốc Hoa này, say rượu vừa đi nghiêng ngã, vừa chửi rủa : “ Đả đảo Nguyễn văn Thiệu. Chính quyền Nguyễn văn Thiệu làm cho dân đen chết đói !... “ Một thời gian sau, cả gia đình này âm thầm bán nhà, lặng lẽ dọn đi trong đêm tối. Nghe nói họ vỡ nợ, vào lập nghiệp mới ở Sài Gòn.

         

Trái ngược với Bình Dân thư quán, ở phía đầu xóm, sát kề với lối vào công viên Đình Hoà Bình là gia đình của một người thợ hớt tóc được biết với cái tên chỏi tai :  Hoa mùa xuân. Có lẽ đây là một hiệu hớt tóc nổi tiếng nhất Đà Nẵng, song người ta không hẳn biết nó vì chuyện hớt tóc, mà vì tại đây có bầy con trai 5 đứa là những người đầu tiên đem lại một nghề mới trên vỉa hè Đà Nẵng : Nghề làm chìa khoá và mở ổ khoá. Hùng “ chìa khoá “- người con cả trong gia đình vốn nằm trong một đơn vị kỹ thuật của không quân, có lần tình cờ học lỏm được nghề ổ khoá dùng để phục vụ trong quân đội Mỹ, đã đem nghề này về gia đình, rồi về sau truyền bá tràn ngập trên các ngả tư đường phố. Từ bàn tay trắng của một gia đình lao động, những người con của gia đình Hoa Mùa Xuân chẳng những làm thay đổi cho chính cuộc đời mình mà còn “ xoá đói, giảm nghèo “ cho nhiều cuộc đời khác. Về sau 1975, Hùng còn phất lên với nhà cửa, xe hơi, khiến nhiều người đồn đại là anh ta đã lấy được tiền trong một két sắt của chế độ cũ để lại.

     

Dãy phố của chúng tôi lại còn xô bồ và tấp nập hơn bởi sự có mặt của hai quán càphê có tên Thanh Hải và Thuỷ Liên. Nó xô bồ đến mức chính quyền phải để mắt tới và ngay phía trước lề đường nơi đây được cắm một biển to tương tự biển hiệu giao thông: Cấm quân nhân (!). Sở dĩ có cái trường hợp cấm kỵ là vì suốt nhiều năm liền,  khu vực này thường xuyên diễn ra các cuộc gây gỗ, xung đột, bắn phá của nhiều binh chủng thuộc quân đội Sài Gòn. Và do vậy, cái biển cấm ấy chỉ thực sự được áp dụng mỗi khi có các đội tuần tiểu Quân cảnh thường xuyên ghé qua. Bình thường, mỗi ngày tình cờ hoặc cố ý hẹn trước, nhiều tốp lính vẫn xô xát, rượt đuổi...rồi giải tán rất nhanh. Có cả những lần các đơn vị lùng sục nhau, huy động những chiếc xe jeep cài đặt súng ống đạn dược chạy trên đường phố. Vậy mà ấn tượng mạnh nhất với tôi lại là một sự kiện nho nhỏ. Đó là một lần tôi nhìn thấy phía sau xóm, ở khu nhà bát giác bỏ hoang, có tiếng đánh đấm  sầm sập. Tôi tò mò chạy theo một nhóm lính quần áo rằn ri về hướng đó để theo dõi. Ở sát bờ tường, một gã đàn ông mặc đồ lính lôi hổ đang cầm một thanh gỗ đập vào một thiếu niên đứng dang thẳng hai tay. Gã vừa đánh vừa hét : “ Mày có nghe tao không? Tao là Tony Hải (*)– đệ tam du đảng miền Nam. Dân bụi đời thì phải biết tên tao. Bây giờ tao ra lệnh mày phải về nhà, bỏ hút sách nghe chưa?”. Đám lính tráng từ hai quán cà phê dồn đến đông hơn. Bỗng nhiên, gã lôi hổ xưng danh Tony Hải quay lại, chỉ tay vào đám đông gầm lên : “ Còn tụi mày nữa, cút hết ! “ Thật bất ngờ, cái đám đông tưởng hổn tạp hung dữ mọi ngày, chẳng những không can thiệp mà lại giải tán thật nhanh.

       

Dù vậy, Tony Hải chỉ là kẻ ghé qua thoáng chốc, không phải cư dân thường trực tại đây. Có một nhân vật khác, một mình một ngựa, tưởng chừng như được sinh ra và lớn lên từ bãi cát trắng trước ngôi nhà bát giác. Nhân vật này có tên L. U.. Hồi ba tôi mới đến cắm dùi, tôi đã trông thấy gã đàn ông này thường quần áo bảnh bao, thắt cà vạt cầm những bộ đồ nghề ảo thuật, đứng trước ngôi nhà bát giác thu hút đám đông bằng những bài hát lô - tô và những trò xiếc rẽ tiền. Người ta xầm xì, gã kiếm sống bằng nghề “hai ngón”, nhưng hầu như ở xóm tôi không ai quan tâm đến việc riêng của gã. Thỉnh thoảng gã đi biền biệt vài ba tháng, rồi về lại nương náu với đám thợ  thầy trong hiệu bán giày da Hợp Lực. Những lúc gã có mặt, bọn trẻ con thường thích thú chào đón những trò ảo thuật mới lạ, nhưng người lớn đôi lúc dè dặt bởi điều đó có thể dự báo những cuộc bố ráp, mà nhà nào cũng chứa chấp dăm ba thanh niên trốn quân dịch.

       

 Vào thời điểm này, công việc làm ăn của ba tôi càng phát triển thì nhu cầu hoạt động lại càng đòi hỏi phải đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp trong phạm vi kinh doanh sửa chữa Radio, Tivi mà còn bước sang lĩnh vực băng đĩa nhạc, cassette, xe gắn máy...; song đồng thời cũng phải chịu đựng sự cạnh tranh và nhiều thử thách rủi ro, nguy hiểm. Đôi  lần tôi thấy ba tôi đã phải đối phó cả với những vụ  điều tra vì bị tình nghi có mối quan hệ hàng hoá các vùng do mặt trận giải phóng kiểm soát, phải chạy chọt tốn rất nhiều tiền mới thoát nạn.

     

Thế nhưng, cũng như những gia đình khác cùng xóm, sự khó khăn vì việc làm ăn thường qua rất nhanh, không đe doạ bằng một dạo mỗi nhà nhận được  cái thông tư do Đại tá Thị trưởng Nguyễn Ngọc Khôi ban hành : Giải toả dãy kiốt Hùng Vương. 

        

Dường như cái thông tư đó lặp đi lặp lại khoảng 3 lần. Lần thứ nhất, cả xóm xầm xì với nhau, rồi phớt lờ, mặc kệ (!). Lần thứ hai, sau khi phổ biến chủ trương bằng văn bản, có một đoàn xe cảnh sát cầm súng ống, rào kẽm gai  đến vây quanh xóm, lúc ấy ba tôi cùng toàn bộ những người đàn ông trong xóm phanh ngực áo đến trước mũi xe GMC thách bắn, chứ không chịu đi đâu hết (!)... Lần thứ ba, mọi việc trở thành êm xuôi lặng lẽ, mà đến giờ này tôi vẫn không hiểu được đó là do sự mệt mỏi của một chính quyền sắp tan rã, hay là kết quả của một sự việc tâm linh (?)

      

Hồi đó, sau khi giải toả rạp hát ở Khu giải trí, người ta vẫn giữ nguyên lại một cây cổ thụ ở trước khuôn viên. Cây cổ thụ này thường xuyên được dân người Hoa ở các khu vực lân cận đến thắp hương thờ cúng. Dù vậy ở xóm tôi, mọi người chỉ bắt đầu chú ý và thần thánh hoá miếu thờ nơi này khi xảy ra sự kiện “ Đám cưới ma “ của gia đình hiệu thuốc bắc Vạn Sanh Đường (một ngôi nhà ở đối diện xóm ). Nguyên gia đình Vạn Sanh Đường có lần nằm mộng thấy người con chết non của họ đòi làm lễ cưới với một vương hồn là con của một gia đình khác cũng nằm trên địa bàn thành phố. Hai gia đình bị thế giới vô hình thúc đẩy tìm đến gặp nhau, và xác định cả hai bên đều nằm mộng giống nhau. Họ đến trước gốc cây cổ thụ khấn vái và được chấp nhận ngày giờ tiến hành lễ cưới chính thức. Lễ cưới đó được xem là một cái “ đám cưới ma” trong thế giới có thật vô cùng đình đám tại Đà Nẵng, được báo chí miền Nam làm rùm beng một thời. Từ việc này, ở xóm tôi, gặp những lúc rắc rối khó khăn cũng thường đến cây cổ thụ cầu khấn. Và sự việc khu kiốt bị thông báo giải toả lần thứ ba đã được cúng kiếng xin xỏ nơi đây. Không rõ thần linh có thật và chứng giám ra sao, nhưng chính xác sau lần đó đến ngày hoà bình, không còn nghe ai nhắc đến việc dời nhà.

 

¨            

Ít nhất, gần nửa năm trời kể từ 29.3.1975 ngày Đà Nẵng được giải phóng, gia đình nhà tôi hầu như chẳng chú tâm đến việc làm ăn, buôn bán. Ba tôi cứ mãi sống trong tinh thần phấn khởi, hồ hởi cứ y như là chính ông đã góp phần to lớn trong công cuộc giành được độc lập cho đất nước. Thỉnh thoảng, mỗi ngày một anh bộ đội chính quy miền Bắc nào đó vô tình lạc bước đến cửa hiệu nhà tôi ngắm nghía các loại máy móc điện tử trong tủ kính, lập tức sẽ được ba tôi mời một bữa cơm thân mật và tặng ngay một “ chiếc đài “ bọc vỏ da mới toanh. Những lần như vậy, tôi thường nghe ba tôi khoe  với khách rằng suốt nhiều năm qua, ông đã thường xuyên chuyển lương thực, tiền tài về các vùng du kích ở miền quê Hội An và cưu mang con em những người đi tập kết làm nghề trong nhà, từng bị chính quyền nguỵ theo dõi, gây khó khăn rất nhiều. Sau thời gian các hoạt động của thành phố đã khá ổn định nề nếp, ba tôi sắp xếp giao hết việc nhà cho má tôi và thợ thầy quán xuyến, còn ông tập trung theo đuổi xây dựng các Hợp tác xã thảm len, áo mưa… của phường , quận giao trách nhiệm.

      Tinh thần nhiệt tình cách mạng ba tôi không chỉ dừng lại ở đó. Ông còn quán triệt tất cả anh chị em chúng tôi : “ Gia đình mình là gia đình cơ bản, phải đi đầu làm gương trong mọi chủ trương của chính quyền cách mạng. Do đó, ba muốn các con phải tham gia nhận mọi công tác mà nhà nước đang cần “. Chẳng bao lâu sau, trong gia đình tôi, những đứa con gái lớn đều nhận công tác trong ngành y tế tại các vùng miền núi. Bản thân tôi cũng thi hành nghĩa vụ quân sự trong đợt đầu tiên, và rời xa thành phố  suốt một thời gian dài…

¨           

Năm 1983, má tôi qua đời. Mọi thứ  chung quanh dường như vẫn không nhiều thay đổi. Nếu có khác, là bây giờ dãy phố lại mọc ra thêm vài cửa hiệu điện tử tương tự, mà nguy hại hơn cả, có một người thợ sang băng nhạc đã sáng tạo ra một hệ thống thủ công rọc sợi băng nhạc 3600 feet ( đây là loại băng cối có ruột mỏng, thời gian dài nhất ) biến chế thành ruột băng casette, gây khó cho những cửa hiệu buôn hàng chính thống. Từ đây, song hành với nghề “ độ “ mới vỏ các loại máy móc, băng cassette “ dõm “ đổ bộ ra chợ trời và tràn ngập thị trường miền Trung. Ngay cả gã L.U.  cũng đã ổn định gia đình, xoá bỏ quá khứ lầm than, gia nhập vào đội quân bán hàng “ Hồng Kông bên hông Chợ Lớn “. Khác hơn chút nữa, là các loại hàng điện tử phần lớn đã thay thế các linh kiện transistor bằng IC. Những người thợ sửa chữa ở nhà tôi vốn không trang bị cao về văn hoá, giờ không theo nghề nổi đều về quê qúan làm nông, hoặc chuyển sang nghề khác. Công việc quản lý cửa hiệu thuộc về những đứa em út của tôi – môt thế hệ mới kế thừa, đủ học vấn và sự lém lỉnh để đổi phó với cảnh làm ăn chợ búa hiện thời.

          

Tuy nhiên, ở phía khuôn viên đất trống của Khu giải trí ngày nào thì liên tiếp có nhiều dơn vị nhà nước đổi nhau quản lý, nhưng không thấy một mô hình ổn định dứt khoát. Vì lý do đó, phía cổng sau của xóm có lúc được mở ra , có lúc bị bịt chặt. Rồi dăm ba năm một lần, phong phanh có tin: khuôn viên này sẽ bị giải toả quy hoạch để xây dựng thành một trung tâm thương mại quan trọng của thành phố. Cả xóm xầm xì bàn bạc. Nhưng ba tôi bảo: “ Phải chấp hành thôi. Đây là chính quyền của dân, không như chính quyền của địch truớc kia. Chỉ mong sao mấy ổng đền bù tương xứng “. Cũng không thấy ai đặt hy vọng vào thần linh, vì sau nhiều thập niên xáo trộn, cây cổ thụ ngày nào trong sân Khu giải trí đã không còn. Mọi người vừa tiếp tục kinh doanh mua bán, vừa thấp thỏm đợi chờ …

 

¨                

Sau nhiều lần các bộ phận có trách nhiệm của thành phố đến đo đạc và họp hành phổ biến chủ trương, vào một ngày giữa năm 2005, dãy phố của chúng tôi nhận được quyết định chính thức về việc bàn giao mặt bằng cho nhà nước trước tháng 11 cùng năm. Đúng thời hạn, trong vòng một ngày, ba tôi là người đầu tiên cho tháo gỡ gần hết toàn bộ phần nội thất của ngôi nhà. Vậy mà điều này làm cả xóm rúng động, thất sắc. Thậm chí, có người đến trách cứ ông, tại sao cứ răm rắp chấp hành chính sách nhà nước, không để thư thả chờ, may ra…

        

Và họ vẫn cứ chờ. Một tháng. Hai tháng. Ba tháng... Có lời đồn đãi, chủ trương quy hoạch đã dừng lại. Ba tôi dỡ khóc, dỡ cười. Đi chẳng được, mà dọn về lại thì thật quá ê chề (!)

      

Nhưng rồi cuối cùng, chủ trương quy hoạch cũng được triển khai thực hiện. Hầu hết toàn bộ các hộ dân tại xóm tôi được chuyển đổi đền bù tại một khu đất mới trên tuyến đường Điện Biên Phủ vừa mới khai mở. Trong ngày nhận bốc thăm lô đất mới, vị Chủ tịch Quận vốn là chiến hữu cùng thi hành NVQS đợt đầu tiên với tôi giới thiệu ba tôi cùng vị lãnh đạo thành phố : “ Hộ này thuộc diện gia đình cơ bản. Từ xưa đến nay luôn đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của nhà nước, việc bàn giao đất ở dãy kiốt Hùng Vương, hộ này cũng là gia đình tháo gỡ đầu tiên… “. Chỉ có chừng ấy câu nói thôi mà ba tôi vui vẻ đến mấy ngày liền. Cho đến một lần, tôi đưa ông đi thăm nền gạch còn lại của ngôi nhà cũ chơ vơ  giữa bãi đất đá ngổn ngang hiu quạnh, tôi mới thấy nét mặt ông thoáng buồn, nói vu vơ : “ Tất cả rồi cũng là phù hoa. Mọi thứ đi qua hết. Có vậy, cuộc sống mới không ngừng biến chuyển “.

          

Mai này, một cao ốc của Trung tâm thương mại hoành tráng sẽ mọc lên, thay chỗ cho cái xóm nhỏ một thời của tôi. Rồi sẽ có bao nhiêu trang đời mới, buồn vui mới...

         

Thoáng nhìn lại, mùa xuân đã vừa qua và ba tôi đã ngoài tuổi tám mươi./.

 

GC: Tony Hải là một trong ba nhân vật hàng đầu của băng du đảng Đại Cathay khét tiếng miền Nam thập niên 60, từng được Duyên Anh thần tượng hoá trong tiểu thuyết Điệu ru nước mắt.

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 4202
Ngày đăng: 04.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng Vĩnh Tuy tôi 33% hộ nghèo ! - Vĩnh Nguyên
Tôi dành cho mình quyền được... không ổn định - Hữu Việt
Sao rơi - Nguyễn Thuỵ Nhã
Bứt bổi Bình Điền - Trần Kiêm Ðoàn
Trịnh Thanh Sơn - bé nhỏ và dịu dàng - Nguyễn Linh Khiếu
gặp gỡ ở vùng đất khát - Phùng Phương Quý
Trăng đầu ngọn nước - Nguyễn Nguyên An
Quê nhà ..khi nhìn lại - Vũ Trà My
Thành phố Gyeongju một lần tôi đến - Võ Quê
Lên núi tìm hoa - Bích Ngân
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)