Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.266
 
Vũ Hữu Định, rượu thơ trần thế
Trần Tuấn*

“Giang hồ đâu có ai phong ấn

Mà nghĩ từ quan trở lại quê ...”

(V.H.Đ)

           

 

Bữa Rằm tháng Giêng Đinh Hợi vừa rồi, trong ngôi nhà trên đường Hải Sơn quanh co nhỏ bé gần mạn biển Thanh Bình - Đà Nẵng diễn ra một bữa rượu “vô tiền khoáng hậu”. Rượu và thơ. Thơ và rượu. Lai láng. Tràn trề. Đổ bể... Hơn hai chục gã đàn ông mái đầu xanh ít bạc nhiều, lúc ầm ào, lúc trầm lặng, lúc khóc lúc cười ngầy ngật như trẻ nít. “Gối chai không mà thương nhớ nhau ...”. Một người đọc to. Cả bọn buông ly, nghèn nghẹn. Thương quá, Định ơi, cái “Đêm mưa thiếu rượu nhớ Lý Hạ” hun hút sâu đầy khốn khó thuở ấy ! Hôm nay giỗ Định, trời quang mây bồng, bạn đông rượu chật, nhớ Định, Định đang ở đâu ? 

 

Trần Phương Kỳ, tức Trần Kỳ Phương (vẫn được gọi là “Kỳ con”, vì thân hình chỉ nhỉnh hơn ... chai rượu, nhà Champa học hàng đầu Việt Nam, làm thơ vẽ tranh cũng vào loại “hạng nặng”), đứng bật dậy đọc thơ. Cao hứng thế nào, vung tay đánh văng chai rượu Tây xịn mới rót được lưng chừng xuống đất, bể tan. Thi sĩ, hoạ sĩ râu tóc rậm rợp bời bời Trần Từ Duy (hoạ danh là Đông Ki Rét) vừa bay ra từ Sài Gòn mang theo một giỏ rượu giỗ bạn, bật cười khà khà : “Định “về” rồi đó !”. Rồi Duy ... Từ Trần, như cách gọi đùa của anh em, kể : Khi còn sống, Vũ Hữu Định có đùa, mà cũng như thật với vợ, rằng khi anh chết, giỗ anh, em chỉ làm mấy đĩa mồi, sơ sơ thôi, còn rượu bạn bè ... mang đến, khỏi lo ! Bởi thời ấy quá nghèo, rượu luôn là “vấn nạn”. Chỉ duy nhất có một lần nhậu, Vũ Hữu Định “chơi ngon” thẳng  tay đập bể nguyên một ... chai rượu, lại là chai Lúa Mới hẳn hoi ! Đó là một sự tày đình, vì thời đó chỉ toàn nước lã pha cồn. Vậy nên, như là định mệnh, trong bài thơ cuối cùng “Bài thơ năm bốn mươi”, viết vào trưa Mùng Một Tết năm Tân Dậu (1981), hai câu cuối thế này : “Ta đang thèm đi để học làm thơ / chờ ta đến xin nhớ phần rượu tặng”. Nay thì hồ hải ở cõi tang bồng nào đó đã 26 năm ròng, chàng thi sĩ có thể nào trưa nay lại không ghé về để “sướng quá, nâng ly, khà một tiếng” cùng anh em. Như anh từng hẹn ước : “Cũng có khi nào anh trở lại/ Mai này, mốt nọ biết đâu chừng/ Và có một lời anh sẽ nói/ giữ giùm nhau một chút hồn chung”.

 

Từ trước 1975, Vũ Hữu Định đã để đời với bài thơ “Còn một chút gì để nhớ”, được Phạm Duy phổ nhạc và vút cao với tiếng hát Thái Thanh. “Phố núi cao phố núi đầy sương/ phố núi cây xanh trời thấp thật gần/ anh khách lạ đi lên đi xuống/ may mà có em đời còn dễ thương/ phố núi cao phố núi trời gần/ phố xá không xa nên phố tình thân/ đi dăm phút đã về chốn cũ/.../ em Pleiku má đỏ môi hồng/ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ nên mắt em ướt và tóc em ướt/ da em mềm như mây chiều trong ...”. Nguyên vẹn cả bài thơ mềm mại dài 4 khổ trở thành ca từ, “phù thuỷ âm nhạc” Phạm Duy hầu như không phải sửa hoặc thêm thắt một chỗ nào. Nhà thơ Trương Văn Ngọc – một bạn chí cốt trong nhóm văn nghệ Quảng - Đà thời ấy, kể : Định đang đánh trống phòng trà mưu sinh, nghe hát thơ mình, sướng quá liền mượn tiền bạn bè chạy vào Sài Gòn gặp Phạm Duy. Phạm Duy trả nhuận bút, kèm một băng cassette có những bài hát mới của mình, và cả ... “10 bài Tục Ca” ! Tên tuổi Vũ Hữu Định nổi trong làng văn nghệ miền Nam từ ấy. Nhưng thực ra, thơ Vũ Hữu Định không chỉ có vậy, dù bây giờ nhắc đến cái tên ấy, sẽ có ít người biết, kể cả nhiều tên tuổi khác trong dòng chảy văn chương miền Nam trước 1975. Năm 1996, Nhà xuất bản Trẻ (TP HCM) đã in tập “Còn một chút gì để nhớ” gồm 41 bài của Vũ Hữu Định, nhờ tiền bạc, công sức đóng góp của anh em bạn bè. Sinh thời, Vũ Hữu Định chưa từng in tập nào, ngoài thơ lẻ đăng rất nhiều trên các tạp chí văn học sang trọng ở Sài Gòn thời trước như Văn, Bách Khoa, Nghệ Thuật ...  Mới đây, nhân dịp giỗ lần thứ 25 của thi sĩ (2006), nhóm Thư ấn quán của Trần Hoài Thư – Phạm Văn Nhàn ở Mỹ đã cất công đến các thư viện ở Mỹ sưu tập để cho ra tập “Thơ Vũ Hữu Định” gồm 80 bài chỉ dành riêng tặng người yêu thơ. Và sau đó ra tiếp tập II, gồm 40 bài, từ bản thảo, di cảo chép tay, đánh máy mà bạn bè, gia đình còn lưu. Đó là cách “giữ giùm nhau một chút hồn chung” đầy trang trọng.

 

Thơ Vũ Hữu Định điển hình nhất cho kiếp thi sĩ giang hồ, lận đận. Lận đận do thời thế, và do tính cách tạo ra. Nên thơ anh, những bài hay nhất là khi viết trên đường lang bạt kỳ hồ, bị nỗi khốn khó truy đuổi. Tuổi Nhâm Ngọ (1942) – tên thật Vũ Hữu Định là Lê Quang Trung, quê gốc ở An Cựu (Huế), sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Ông Lê Quang Tấn – em ruột nhà thơ, kể : Nhà nghèo, anh phải vào đời sớm làm lụng phụ nuôi các em. Không còn thiếu nghề gì trên đời mà Vũ Hữu Định chưa nếm trải, từ bán báo, đánh giày, bán đậu phụng, bán bún xôi, vẽ bảng hiệu, chơi nhạc, đánh trống phòng trà ..., nhưng trong túi chưa bao giờ có đồng bạc dư, cả đến lúc chết. Lớn lên bị kêu quân dịch, thế là chui nhủi khắp nơi để trốn lính, nương náu bạn bè. “Trưa ngủ đậu – chiều đi - đêm đợi/ Mai lang thang, mốt biết về đâu ?”. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thua Vũ Hữu Định khoảng mươi tuổi, nhưng chơi với nhau từ khi còn ở Tam Kỳ. Trong ký ức của Nguyễn Nhật ánh có một chuyện cười ra nước mắt thế này : Thời Vũ Hữu Định “dạt” vào Sài Gòn trốn lính, Định đến ánh mượn tiền, không có. Nguyễn Nhật Ánh sau đó đổi nhà trọ. Một hôm có tiền, nhớ đến Định nhưng không cách chi liên lạc được, bèn đăng tin nhắn trên tạp chí Văn. Đến khi hai người gặp được nhau thì Nguyễn Nhật Ánh lại ... nhẵn túi ! Để rồi về sau này, có lẽ chính những tháng năm rong ruổi ấy đã khiến Vũ Hữu Định mắc bệnh “nghiện” đi : “Nhà anh ở gần ga/ đêm thao thức nghe còi tàu giục giã/ giữa đêm vắng chợt thấy lòng xa lạ/ mấy năm không đi trời đất nhỏ dần”.

 

Trốn mãi không thoát, Vũ Hữu Định bị sung vào lính quân cụ (cơ khí) đóng ở Đà Nẵng. Thế nhưng lận đận cũng không buông tha chàng, bởi cốt cách và lối hành xử rất thi sĩ của mình. Trong bài thơ “Cảm ân người vợ khổ” viết cuối năm 1972, có nhắc đến một chi tiết ít người biết :“Lần nào em sinh nở/ ta cũng phải vắng nhà/ Đứa đầu lòng, tù tội/ đứa thứ hai, đi xa...”.

 

Chuyện “tù tội” theo lời kể của người nhà thi sĩ, là thế này : Cuối năm 1965, xảy ra lộn xộn về tôn giáo, nhóm lính thợ của Vũ Hữu Định được huy động đến ôm súng đứng gác trước cửa chùa Tỉnh Hội (đường Ông Ích Khiêm bây giờ). Một hôm, đang đứng gác, thi sĩ sực nhớ đã tới ngày ... cưới vợ, bèn gửi súng lại cho bạn, rồi cứ nhắm hướng quê vợ sắp cưới ở gần núi Tuý Vân (vùng đầm phá Cầu Hai, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế bây giờ) mà ... cuốc bộ ! Người vợ trẻ xinh xắn Nguyễn Thị Kim Vân chẳng ai khác, chính là em ruột của anh rể Vũ Hữu Định, từng là nữ sinh Đồng Khánh (Huế), sau bị đau một bên mắt, vào Đà Nẵng sống với chị học nghề thêu đan. Vì tội “bỏ súng cưới vợ”, Vũ Hữu Định sau đó bị kỷ luật, giam mấy tháng, cũng là lúc người vợ trẻ ở nhà sinh hạ đứa con trai đầu Lê Quang Bảo Định. Sau khi mãn hạn giam, Vũ Hữu Định lại bỏ đi biền biệt, chọn một cuộc đời bất định. Giang hồ của Định là loại giang hồ thật, chứ không phải “giang hồ vặt”. “Giang hồ đâu có ai phong ấn/ Mà nghĩ từ quan trở lại quê ...”. Nhưng cuối cùng, chàng thi sĩ cũng phải trở lại quê, chấp nhận tham gia đội Xây dựng nông thôn của chính quyền cũ. Được mấy năm, nhờ bạn bè, Vũ Hữu Định xin vào làm ở Trung tâm Trẻ bụi đời, cai quản dạy dỗ đàn hát cho lũ trẻ cũng “bụi đời” như mình. Sau giải phóng, qua mấy năm trôi nổi, anh xin được một chân nhân viên Nhà đèn (điện lực bây giờ). Tiếng là thế, nhưng như chị Vân kể, chưa bao giờ anh đưa về nhà được một đồng bạc. Được đồng nào, là rượu, đọc thơ với bạn bè, và đi “giang hồ”, có khi cả năm mới về nhà. 5 đứa con nhỏ nheo nhóc, một mình chị Vân gồng sức buôn thúng bán bưng, rồi làm lao công trường học cáng đáng.

 

Những ngày cuối cùng của Vũ Hữu Định, chị Vân kể : “Ba mươi Tết năm ấy (1981), nhà không còn đồng bạc. Anh loay hoay mượn được đâu đó ít tiền, rồi vừa làm thơ, vừa xăng xái giúp vợ làm mâm cơm cúng. Chuyện lạ, vì trước nay anh đâu quan tâm tới chuyện ấy. Xong anh đọc 2 bài thơ mới viết, trong đó có bài “Bài thơ năm bốn mươi” nhân dịp 40 tuổi, dài tới mấy đôi giấy, nghe rất tội, như là bản “kiểm điểm” đời mình. Tôi ứa nước mắt, nghĩ anh đã tỉnh ngộ, bớt sa đà. Nhưng sau Tết, anh ở mấy ngày liền nhà bạn bè ở Quận Ba bên kia sông Hàn. Vậy là vẫn chứng nào tật nấy, tôi chẳng còn biết giận là gì nữa. Nhớ mấy hôm trước anh bảo ảnh sẽ đi. Tôi cứ nghĩ anh lại đi dài ngày như những đợt trước. Giận quá tôi nói: Anh đi thì mang theo mấy đứa con đi luôn. Đâu có nghĩ đó là những ngày cuối cùng của ảnh ...”.

 

Về cái chết của Vũ Hữu Định, vốn gây nhiều đồn đãi nghi hoặc trong bạn bè văn chương nhiều năm qua, qua lời kể của ông Lê Quang Tấn, người trong cuộc, thì thế này : “Tôi khi đó ít khi nhậu. Tối hôm ấy Tết Nguyên tiêu (16/1 âm lịch, 1981), tôi làm bốc xếp ở Nước Mặn, sau khi liên hoan có mang về ít mồi, gặp anh Định, bèn kéo thêm mấy anh em nhậu lai rai. Nhậu qua mấy chỗ, cuối cùng kéo qua nhà ông Mai Văn Ba gần bờ sông Hàn bên làng An Hải. Ông Ba làm nghề xay nước đá cho tàu cá, không làm văn nghệ, nhưng tính tình cởi mở, rất quý anh em nghệ sĩ. Nhà ông Ba cách nhà tôi có mấy chục mét. Bữa nhậu chỉ còn lại vài ba anh em. Nhậu say, ông Ba bảo thôi để Định ngủ lại. Tôi về nhà nghỉ, một chặp thì nghe anh Định bị té từ trên gác xép xuống. Tôi chạy qua, thấy ảnh có vẻ mệt, bèn  đưa về nhà mình, thay quần áo rồi để anh nghỉ. Sáng hôm sau, trước khi đi làm tôi lay ảnh dậy để đi ăn sáng, thì thấy ảnh mất rồi. Chị Vân từ bên kia sông chạy qua, thuê xe lam chở ảnh về ...”. Bạn bè của Vũ Hữu Định kể thêm : Hôm ấy nhậu xong, anh nói đau đầu, bạn bè bảo lên gác xép nghỉ. Tới tối anh đỡ mệt, lật đật bước xuống thang để về nhà thì bị té, do gác xép không có lan can. Tính ảnh vẫn vậy, hễ say thì nằm luôn, khi tỉnh dậy dù là đêm hôm vẫn tìm cách về nhà. Trần Từ Duy – người viết lời điếu khóc Vũ Hữu Định, nhớ lại : “Sáng ấy, chiếc xe lam tồi tàn chở ảnh chạy trên đường bến phà quận Ba về nhà, đường đá cát gập ghềnh, tôi chạy theo sau, thấy bàn chân anh trắng bạch lắc lư ...”.  

 

Chị Vân kể : “Anh chết, không đủ tiền mua quan tài. Bạn bè xúm góp lại được có 600 đồng, tôi vót vét mãi được một ít, trong khi cái rẻ nhất cũng 1.200 đồng. Tất cả đang ngồi chết điếng, không biết tính sao, thì bà chị của ảnh đi làm ăn xa bất chợt về. Chị bảo không hiểu sao mấy hôm ruột gan cứ như lửa đốt, bèn ôm một số tiền lớn về Đà Nẵng, cũng chưa biết để dùng vào việc gì. Ai ngờ lại về để làm đám tang cho em... Mẹ con, chị em ôm nhau mà khóc không nổi. Đám tang ảnh đông lắm, gia đình, bạn bè một số phải nằm rạp trên rơ moóc chiếc xe công nông, vì sợ bị giao thông phạt. Còn hàng xóm, bạn bè, người xe máy, xe đạp, người lóc cóc chạy bộ theo sau ...”. 

 

Hết mình vì thơ, rượu, và luôn gây “phiền toái” cho bạn bè hồn nhiên đến mức tự nhiên, đến mức thành giai thoại, đó là con người Vũ Hữu Định. Bạn bè lắm khi nổi khùng với Định, nhưng không ai giận lâu, vì bản tính hồn hậu, vô tư của anh, và đặc biệt vì ai cũng biết đó là một thi sĩ đích thực, sống và chết vì thơ. Đoàn Huy Giao – người bạn văn nghệ thân thiết một thời của Vũ Hữu Định đúc kết : “Toàn bộ con người Định là vì thơ. Và thơ của Định cũng là THƠ Vì THƠ”. Bởi hiểu theo nghĩa nào đó, có những loại thơ không phải vì thơ, mà vì những thứ khác, dù rằng thời ấy, kể cả thời nay, thi sĩ nào cũng đều kiết xác như nhau. Chỉ trừ những kẻ dùng tên tuổi, thương hiệu của mình để mưu cầu chuyện khác. Và nữa, thơ Vũ Hữu Định là một thứ “tình thơ” gần gũi nhất với bản thể của nó, không phải “lý thơ” chuyên vặn vẹo uốn éo câu chữ để làm sang. Tình yêu trần thế trong một một đời người nổi trôi, bất định đã tạo ra một giọng thơ phiêu bạt đầy ấn tượng, trước đó chỉ có thể liên tưởng đến một người, đó là Nguyễn Bính. Này là bữa rượu cuối năm giữa ngày tháng giang hồ, khi chàng thi sĩ bất chợt gặp  người em trai non dại cũng bị lốc bụi cuộc đời cuốn đi : “Long lanh mắt chú sao đầy rượu/ mắt có xa quê với bóng thầy/ chú ạ ! vô tình anh mới khóc/ vô tình vuốt mắt để nghe cay”. Này là sự cô độc không thể diễn tả tận cùng hơn : “Năm nay ăn Tết cùng ông quán/ mồng Một đời cay miếng mứt gừng”. Này là một thăm thẳm tiếc nuối : “Mù mù anh đang sống/ mờ mờ anh đang thở .../ lừ đừ anh đang đi/ xa dần màu lúa mỡ/ bạc hết màu trăng xưa/ không còn nghe em thở/ mờ mờ em mất anh/ thời xưa anh tuổi nhỏ .../ mờ mờ anh mất anh/ tắm nắng đông giữa ngọ”. Để rồi trong “Tiếng dội của sương chiều”, thi sĩ cảm giác về cái mong manh vĩnh cửu : “Anh ngồi trong lá xanh/ trên những hồn lá chết/ tay anh nắm tha thiết/ những chiếc lá còn tươi/ thả xuống suối mà chơi/ trôi đi còn tiếng dội ...”. Những câu thơ - tâm trạng thơ ấy theo tôi sẽ còn sống mãi trong dòng thơ Việt.

 

Những năm sau ngày giải phóng, giữa vỡ oà, xáo trộn và gian khó của đất nước, thơ Vũ Hữu Định có nhiều trăn trở, về thơ, về đời sống với cái nhìn sâu lắng, trách nhiệm hơn. Khi lục tìm trong di cảo của Vũ Hữu Định ở nhà anh, tôi tìm thấy một bản thảo chép tay chưa in ở tập thơ nào, bài “Thái độ”, viết tháng 10/1979 : “Nghiến răng cho thơ có tiếng kêu/ thơ làm tiếng nổ/ có tiếng nổ nào không cháy ngòi/ nên dù không vui anh vẫn ở đời/ chịu ô nhục làm thuốc nhồi/ tự trang bị cho mình chiếc ngòi/ cháy chậm”. Giai đoạn này, sự trăn trở của Vũ Hữu Định thể hiện rõ nhất trong bài : “Sống thế nào cho có ích đây em”, cũng viết tháng 10/1979. Đây có lẽ là bài thơ dài hơi nhất của Vũ Hữu Định : “Những đêm anh nằm nghe tiếng thời gian đi/ Tiếng gõ giờ chiếc đồng hồ hàng xóm/ .../ Những đêm anh ngồi với ánh đèn mờ/ Nghe em trăn trở/ Nghe các con đều đều hơi thở/ Giấc ngủ vô tư trong sáng các con yêu/ Đã làm anh ray rứt bao nhiêu/ Những bữa cơm của gia đình chúng ta đã tới thời kỳ thiếu thốn/ ăn chẳng đủ no mơ gì món ngon/.../ Những ngày anh lăn lộn bê tha/ Những cơn say đốt đời cay nghiệt/Những cơn say mỏi mệt/ Qua những phố xưa lạc mất bạn bè/ Những đêm ngơ ngác ngồi giữa vỉa hè/.../ Em ơi/ Biết phải sống thế nào cho có ích/ Khắc phục khó khăn và biết hy sinh/ Chúng ta đã sống những buổi hoàng hôn vànhững bình minh/ Bao lâu nữa cuộc đời sẽ đẹp ?/.../ Những năm tháng chiến tranh tức tưởi/ Vợ chồng ta đã mơ thấy hoà bình/ .../ Cuộc đời chúng mình vốn đã mong manh/ Mong hoà bình cho con được hưởng/ Chúng ta sống với quá nhiều tưởng tượng/.../ Chúng ta biết khinh những kẻ sống hèn/ Nhưng ta khổ vì suốt đời mơ ước/ Đôi khi anh bảo anh không thể được/ Còn thở còn đấu tranh/ Dù một bài thơ không hay nhưng đủ ý đủ tình/ Cũng gửi tới đời câu hỏi/ Nhưng rồi anh không làm được những bài thơ/ Câu hỏi và bao nhiêu lần câu hỏi/ Chẳng có ai trả lời /.../ Có những ngày anh thèm lang thang/ Xách giỏ cầm cần nhìn ra biển rộng/ Anh lắng nghe cái chết của con cá ăn mồi/ Cảm giác của đường giây cuộc sống/ Giữa sông nước mênh mang/ Tâm hồn anh xúc động...”. Có một chút gì ưu tư quặn thắt như Lưu Quang Vũ ở miền Bắc những tháng ngày ngơ ngác, bên nhà chật, con thơ, bên những cảnh đời sau chiến tranh...

 

Nhà văn Thái Bá Lợi nhớ lại, năm 1976, Khu V mở Trại sáng tác Trung Trung bộ (đóng tại số 10 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng), dưới sự  quản lý của các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Phan Tứ. Hầu hết những cây bút trong và ngoài quân đội của miền Trung đều được mời về, như Thu Bồn, Thanh Thảo, Trần Vũ Mai, Nguyễn Trí Huân, Ngô Thế Oanh, Thái Bá Lợi, Nguyễn Khắc Phục, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh, Đoàn Huy Giao ..., và sau này có thêm Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Công Khế... Vũ Hữu Định không được tham gia, chỉ chơi “ngoài luồng” với anh em trong những cuộc rượu, thơ và những chuyến lang bạt đây đó, và được tất cả mọi người quý mến. Bởi tính tình hồn nhiên, và đặc biệt là máu văn thơ cuồng nhiệt. Không tham gia trại viết, nhưng Định lại có bài thơ “Mùa gặt tháng Tư với bút danh Lê An Cựu được đăng và lấy luôn tít đề thành tên của tập thơ văn của trại sáng tác chào mừng ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất (tháng 4/1976). Như Đoàn Huy Giao nhớ lại, thời ấy nhiều nhà thơ như Thanh Thảo, Nguyễn Trí Huân, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung ... từng đọc nhiều văn học miền Nam nghe tên Vũ Hữu Định, đã “liên tài, liên tình” ngay khi mới gặp mặt. Không chỉ quý trọng văn thơ, các nhà văn còn “chịu” được cả những trò oái oăm của Định, như có lần Định lén “quy đổi” cái bàn viết của các nhà văn trong trại ra ...rượu, mời mọi người uống xong, ai nấy cũng đành phải ... cười trừ !   

 

Qua dằng dặc thời gian, còn rất nhiều để nhớ Vũ Hữu Định. Cũng mừng cho chàng thi sĩ ngất ngư giang hồ và túng đói, nhờ sự tảo tần thương khó đến vô tận của người vợ, người mẹ – một bà Tú Xương thời nay, cả 5 người con tuy cũng phải bước ra đời sớm như cha, nhưng giờ đều đã phương trưởng, có những người là doanh nhân thành đạt ở TP.HCM.

 

Cùng một nhóm chơi thân thiết với Vũ Hữu Định ở Đà Nẵng bên kia bờ sông Hàn thời trước và sau giải phóng là những tài hoa như bộ ba thi sĩ Tô Như Châu, A Khuê và nhạc sĩ Trần Quang Lộc – tác giả của những bài thơ phổ nhạc lừng danh “Có phải em mùa thu Hà Nội” (Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ/ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/ ... Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Ngày sang thu anh lót lá em nằm ...); “Về đây nghe em” (Về đây nghe em, về đây            nghe em/ Về đây mặc áo the, đi guốc mộc ...). Là Phạm Phú Hải – một thi sĩ thiền sư mắc chứng điên một cách kỳ dị (“Có bàn chân dài hơn con đường/Nên chân trời là những đốt xương/ Của ai bỏ lại ngàn năm trước/Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường ...)”. Toàn những nhân vật âm thầm và rất đỗi lạ lùng ...

 

            Đà Nẵng, 4/2007           

 

(* Toàn bộ trích dẫn thơ in nghiêng là của Vũ Hữu Đinh)

Bài đã đăng trên “Tạp chí Thơ – HNV Việt Nam, số 6-2007)

Trần Tuấn*
Số lần đọc: 3601
Ngày đăng: 09.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thoáng phù hoa - Trần Trung Sáng
Làng Vĩnh Tuy tôi 33% hộ nghèo ! - Vĩnh Nguyên
Tôi dành cho mình quyền được... không ổn định - Hữu Việt
Sao rơi - Nguyễn Thuỵ Nhã
Bứt bổi Bình Điền - Trần Kiêm Ðoàn
Trịnh Thanh Sơn - bé nhỏ và dịu dàng - Nguyễn Linh Khiếu
gặp gỡ ở vùng đất khát - Phùng Phương Quý
Trăng đầu ngọn nước - Nguyễn Nguyên An
Quê nhà ..khi nhìn lại - Vũ Trà My
Thành phố Gyeongju một lần tôi đến - Võ Quê