Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.232.303
 
Ngày nắng
Trần Lệ Thường

Tôi lột chiếc nón lá xuống cầm tay, đứng ngập ngừng trước cánh cổng màu xanh mở toang và hàng rào cây bùm sụm thấp lè tè có thể nhìn thấy rõ qua mãng sân lát gạch màu đỏ là ngôi nhà màu vôi, cửa kính xanh lấp lóa ánh nắng. Nắng lên cao, dọi bóng những cây mãng cầu bên hè xuống những chiếc băng đá. Nắng xuyên qua kẻ lá làm thành những chiếc hoa vàng trên mặt đất. Tôi bứt một trái bùm sụm chín cho vào miệng. Những trái bùm sụm chín đỏ nhỏ xíu có mùi vị ngọt chan chát, bất cứ đứa trẻ nào trông thấy cũng thích. Con Nhi nhà tôi cũng vậy. Quay qua quay lại, thoắt cái biến đi thì sẽ tìm thấy nó bên hàng rào nhà chú thím Út Cho đang vạch lá tìm trái chín. Nó bệnh rồi, nóng hầm hầm nằm li bì không muốn dậy đi hái trái bùm sụm nữa, để cho tụi thằng Bi, con Son dành hết.

 

“Ủa! Đứng làm gì ở đây? Vô nhà chơi!” Thím Út đi đâu vừa về tới thấy tôi liền bảo. Tôi ngập ngừng. “Con … có chuyện muốn gặp thím”. “Ừ! Vô nhà đã. Chú Út chắc ở đàng sau vườn. Con Mỹ học buổi chiều, không có thím thì cứ vô chơi với nó. Sợ chó hả? Con Vàng hiền lắm”. “Dạ không! Con Vàng quen con, thấy con nó mừng”. Ngôi nhà này tôi và anh Đảnh vào ra không biết bao nhiêu lần mà mỗi lần đến tôi vẫn thấy ngại. Ngại vì khi đến tôi luôn mang theo sự cầu cạnh nhờ vả. Đôi khi anh Đảnh đến tiếp đào ao, kéo cá, làm cỏ, … Có chuyện gì cần thì chú Út lại gọi anh Đảnh. Anh Đảnh làm giỏi cũng có, còn vì chú thím thấy gia đình tôi quá khó khăn về kinh tế. Hai đứa con, thằng Chân đến tuổi vô lớp một rồi mà còn chưa đến trường, con Nhi bốn tuổi nay ốm mai đau hoài. Anh Đảnh làm thuê làm mướn đem tiền về. Nhưng không phải lúc nào anh cũng có việc làm.

 

Thím Út im lặng khi nghe tôi muốn mượn một ít tiền để mua thuốc cho con Nhi. “Uống nước đi”. Thím đẩy ly nước lạnh về phía tôi. Cục nước đá nổi lên trong chiếc ly thủy tinh trong suốt. Cầm ly nước, tôi len lén nhìn thím nhưng nét mặt thím bình thản, không nói lên điều gì. Thím Út trạc năm mươi tuổi, cao lớn nhưng không đẩy đà như những phụ nữ nhiều tuổi khác, nước da ngâm ngâm đen, hàm răng trắng sáng, khi cười gương mặt thím trông thật rạng rỡ. Nghe nói thím là dân thành phố rất xinh đẹp, hát hay còn biết đàn nữa. Gặp chú Út Cho rồi về đây làm dâu, một vùng ven thành phố, thím đã trở nên một người phụ nữ đảm đang chân đất. Chú Út vì hoàn cảnh bắt buộc phải nghỉ học khi hết phổ thông để chăm sóc mảnh vườn ổi khô cằn thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Ba chú sức khỏe kém ngày một yếu đi, thím Út về làm dâu không bao lâu thì ba Chú Út mất trong ngôi nhà lợp mái tole nóng bức. Chú Út đổi sang trồng mãng cầu ta, đào mấy cái ao, đìa thả cá, mở rộng chuồng heo và nuôi gà vịt.

 

Uống một hớp nước thím Út đứng lên đi vào trong rồi trở ra với một rổ bánh lá dừa, mùi nếp chín thơm lừng. “Nè! Ăn bánh đi! Thím với Con Mỹ gói tối qua để tối nay thằng Thiện về thăm nhà ăn. Nó thích bánh lá dừa lắm. Ở thành phố ít khi nào nó mua. Nó chỉ thích bánh thím gói”. Tôi cầm lấy một cái lột lớp lá còn âm ấm. Chắc thím Út và Mỹ đã thức canh nồi bánh đến gần sáng. “Thiện sắp sửa tốt nghiệp Đại học rồi phải không thím?”, “Ờ! Năm sau! Chú Thím đang lo chuyện cưới vợ cho nó. Hai đứa nó đã thương nhau cũng đã lâu rồi”. Rồi thím kể tôi nghe chuyện Thiện muốn làm đám cưới thiệt lớn, rước ban nhạc ở thành phố về, thuê quay phim chụp ảnh, cả đoàn xe du lịch đi rước dâu, mời luôn cả thằng bạn từng đánh nhau thời trung học đi đám cưới … “Bộ tiền không có chỗ xài hả?” Chú Út nạt ngang cáu có.”Chủ yếu là tụi bây sống với nhau hòa thuận, hạnh phúc lâu dài. Chụp vài ba tấm ảnh kỷ niệm là được rồi …”. Chú thím Út rất nuông chiều con nhưng chuyện gì không thể thì đừng mong. Được cái Thiện, Mỹ đều ngoan, biết vâng lời, chăm chỉ học hành. Mỹ đang học lớp 12 sang năm lại đi Sài Gòn vào đại học. Thím nói thao thao mà quên lúc đó có tôi làm cỏ trong vườn cùng với mọi người. Thiện cười vớt vát. “Làm đám cưới lớn rồi sống không hạnh phúc sao? Ba!” “Đám cưới đơn giản tụi bây không ăn đời ở kiếp với nhau được hả? Mày sợ không ai biết mày cưới vợ sao?” Chú nói. Chú không phải là một ông già nhà quê hủ lậu, chỉ là bản tánh khiêm tôn, giản dị, nghiêm chỉnh đến cứng ngắc. Có chuyện đi thành phố bằng xe gắn máy, thím Út không chịu đội nón bảo hiểm là chú không đi. Thím thì hay nói đùa. “Đi xe gắn máy gì bây ơi! chỉ mau hơn xe đạp một chút”. Ý than phiền chú chạy chậm.

 

“Thím nói thì bây cứ nói thím nói hoài, chưa già mà lẩm cẩm. Con thử nghỉ lại coi …” tôi chưa ăn hết cái bánh lá dừa thì thím Út nói, cũng vẫn giọng nói trầm trầm dịu dàng. “Một mình thằng Đảnh làm nuôi cả gia đình bốn người thì làm sao sống nỗi. Mà nếu có sống thì sống cũng như không phải chết. Con cái không học hành, nay ốm mai đau …”. Cũng vẫn chuyện thím biểu tôi cho thằng Chân đi học, đem con Nhi gởi mẫu giáo để tôi đi buôn bán. Học thức không có, nghề nghiệp cũng không, lập gia đình rồi tôi chỉ biết ở nhà giữ con. “Bây thấy dì Tư ngọt chưa? Lúc đầu có biết buôn bán gì đâu bây giờ đẩy xe rau cải nhẹ tênh, cuộc sống thoải mái, không chạy đầu này đầu kia vay tiền nữa. Dì Tư mới đổi chiếc tivi 12 inch, bỏ tivi cũ rồi. Ờ! Chiếc tivi hôm trước đem về có xem được không?” “Dạ được! Màn hình trong lắm. Mấy đứa trẻ nhà con rất thích”. Năm ngoái trúng mùa mãng cầu chú Thím mua tivi mới nên cho tôi chiếc tivi cũ rớt đời. “Chiều nói thằng Đảnh qua kéo cá với chú Út. Thím tính hỏi? tháng này cá mới đủ ngày nhưng bây giờ muốn bán để cho con mượn một số tiền để làm vốn buôn bán …” Tôi ngồi im lặng nhìn con Vàng đang nằm dưới chân thím Út phe phẩy đuôi. Con chó này thím tìm thấy bên bờ kênh, nằm thoi thóp sắp chết. Nó có bộ lông màu vàng nên đặt tên là Vàng. Giờ này anh Đảnh đang ở nhà trông chừng hai đứa nhỏ chờ có ai đó kêu đi làm. Con Nhi bị bệnh chắc cũng không màng xem phim hoạt hình chú vịt Đô - Nan nữa. Thằng Chân có lẽ đang nghịch với quả bóng. Nó mơ lớn lên làm cầu thủ bóng đá. Tôi suy nghĩ miên man trong lúc thím nói: “Đừng ngại, cũng không cần phải nói ơn nghĩa gì. Xóm giềng với nhau. Người ta vấp ngã còn đứng lên được”. Tôi ngập ngừng “Con sợ…làm không được”. “Không sợ gì hết, mạnh dạn lên. Tập tành lần lần rồi sẽ quen. Cái gì không biết thì hỏi. Lát nữa thím bàn với chú Út. Bây biết tánh ổng rồi đó. Ổng sẽ ủng hộ thím hết mình”. Tôi nhớ năm làm đường trước nhà, nhà nào cũng dời vô hai mét. Chú dời hàng rào vô trước tiên còn đi từng nhà động viên mọi người. Dĩ nhiên chú cũng bị nhiều kẻ ganh ghét nói mắc mỏ, khích bác nhưng sau đó họ lại tìm đến chú xin lỗi. Chú đầy lòng vị tha bỏ qua hết không để tâm còn sẵn lòng giúp đỡ họ. Ở xóm này ai cũng biết gia đình chú cần cù làm ăn, nuôi dạy con nên người, chấp hành tốt chủ trương Nhà nước. Năm nào gia đình chú cũng được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc.

 

“Nè! Cầm lấy ít tiền đưa con Nhi lên bệnh xá  khám bệnh, mua gì  ngon ngon nấu cho mấy đứa nhỏ ăn. Nghe lời thím đầu năm học này cho thằng Chân vô  lớp một đi”. Tôi xúc động đến lặng người, nhớ đến giấc mơ làm cầu thủ của thằng chân mà ứa nước mắt. Tôi sẽ nghe lời thím Út, tập tành bán buôn để trở nên một người phụ nữ đảm đang, nuôi dạy con tốt để chúng nó có thể thực hiện được những ước mơ. “Chị kêu thằng Chân sang đây em dạy nó học”. Mỹ từ nhà trong đi ra nói rồi đưa cho tôi một hộp giấy cứng nhiều màu. “Chị đưa bộ chữ này cho thằng Chân ráp chữ. Có nhiều màu mấy đứa nhỏ rất thích”. “Cám ơn Mỹ nhiều nghen!”, “Tui nói thiệt lòng đó chớ. Mang ơn quá nhiều biết lấy gì trả”. “Chị tin là có kiếp sau không? Em chờ chị ở kiếp sau đó”. Thím Út nạt khẽ “Con nhỏ này!”. Mỹ rụt vai rồi bước qua cái hồ cá bằng thủy tinh nghịch mấycon cá  kiểng đang bơi quanh hòn non bộ giả, hát khe khẽ: “Chiếu cầu tre xinh xinh nhỏ bé. Không mang nổi người gánh thóc về”. Tiếng hát trong trẻo, véo von và thật hồn nhiên. Tôi bỗng thấy mình già sọp, cằn cỗi trong khi tôi chỉ lớn hơn Thiện có hai tuổi.

 

“Thôi về! Để mấy đứa nhỏ trông. Nhớ nói thằng Đảnh chiều qua đây nghen! Cầm mấy cái về cho con!”. Thím Út dúi vào tay tôi mấy cái bánh lá dừa. Tôi lấy chiếc nón lá từ giã ra về. “ Sẵn sàng đây ở lại ăn cơm rồi hãy về”. Chú Út từ ngoài vườn vào, mặt đỏ lửng vì bắt nắng, nói sang sảng. Tôi đáp lại vài câu rồi đi ra cổng. Con Vàng đi sau tôi đuôi ve vẩy. Bước ra ngoài tôi thấy thằng Bi, con Son đang đứng hái trái bùm sụm dưới trời nắng chang chang. Lòng cồn cào nhớ con Nhi khôn xiết, tôi rảo bước thật nhanh, tay vẫn cầm chiếc nón lá quên đội lên đầu. Một ngày nắng thật đẹp.

Trần Lệ Thường
Số lần đọc: 2471
Ngày đăng: 10.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có một lỗ thủng trong thành phố-1 - Richard Bowes
Có một lỗ thủng trong thành phố-2 - Richard Bowes
Thọai - Lê Nguyệt Minh
Thị trấn bên kia suối-1 - Trần Trung Sáng
Thị trấn bên kia suối-2 - Trần Trung Sáng
Vầng trăng bên kia sông - Lê Minh Tú
Kiếp bèo - Nguyễn Đình Bổn
Tiếng chuông chiều - Lê Hoài Lương
Trận đòn…… - ManTran
Cuồn cuộn… không yêu - Quỳnh Linh
Cùng một tác giả
Mùa đông hoa trắng (truyện ngắn)
Hoa Hòang Anh vẫn nở (truyện ngắn)
Hương đêm (truyện ngắn)
Trầm (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Bài học vỡ lòng (truyện ngắn)
Vòng tay yêu thương (truyện ngắn)
Gió bên hè (truyện ngắn)
Bông lục bình (truyện ngắn)
Thằng Tửng (truyện ngắn)
Đôi chân mày lệch (truyện ngắn)
Đêm ngắn (truyện ngắn)
Dây tóc tiên (truyện ngắn)
Lục Bình trôi (truyện ngắn)
Ngày nắng (truyện ngắn)
Đêm pháo hoa (truyện ngắn)
Song nguyệt (truyện ngắn)
Lan Hồ Điệp (truyện ngắn)
Quên (truyện ngắn)
Hoa cúc trắng (truyện ngắn)
Tóc rối (truyện ngắn)
Trái phá (truyện ngắn)
Hoa Loa kèn đỏ (truyện ngắn)
Ở lại đó (truyện ngắn)
Chùm Khế Ngọt (truyện ngắn)
Con muốn hư hỏng (truyện ngắn)
Gió mát ở sau lưng (truyện ngắn)
Mưa chiều (truyện ngắn)
Biển có sóng (truyện ngắn)
Học trò cũ (truyện ngắn)
Những con cá khô (truyện ngắn)