Những năm còn ngồi ở ghế nhà trường, tôi mê cả âm nhạc, hội họa. Về âm nhạc, có thể mang chút di truyền của mẹ tôi, bà có giọng hát rất hay. Gần nhất, tôi chịu ảnh hưởng của người chị – ca sĩ nổi tiếng Mộc Lan và người anh rể – nhạc sĩ Châu Kỳ. Nhưng còn hội họa chẳng hiểu tôi chịu ảnh hưởng của ai vì, gia đình tôi, nội, ngoại, chẳng có ai cầm cọ.
Khoảng năm 1960, sau nhiều lần thử thời vận, khả năng âm nhạc của tôi không vượt khỏi giới hạn văn nghệ học trò, tôi quay sang nghiên cứu âm nhạc bằng cách thường xuyên đến Viện Quốc gia âm nhạc. Những năm 60, Viện Quốc gia âm nhạc thường tổ chức những cuộc trình diễn âm nhạc hoặc kịch nói, tôi không vắng một buổi nào, dù ngày hay đêm. Lý do đơn giản: tôi yêu tiếng đàn tranh của một nữ sinh viên âm nhạc: cô Thu Nga. Nàng có ngón đàn tranh thật tuyệt vời. Sau này, khi đã quen thân, thỉnh thoảng nàng đàn riêng cho tôi nghe bản Văn Thiên Tường, khiến tâm hồn tôi mê mẩn, tôi hóa thành Văn Thiên Tường hay Văn Thiên Tường nhập vào tôi? Chẳng nên phân tích làm gì, chỉ biết từ khi quen với cô sinh viên Viện Âm nhạc, tôi được quen thêm một người: thi sĩ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, thi sĩ cùng theo học lớp đàn tranh cùng cô bạn của tôi. Sa Giang là một thi sĩ rất dễ mến, ngay từ lần gặp đầu tiên anh đã tạo cho tôi cảm giác an toàn, như chúng tôi đã quen nhau từ lâu. Trong thời gian này, tôi chỉ biết anh như một thi sĩ, nhất là từ khi cả hai chúng tôi cùng cộng tác với tờ tuần báo Phụ nữ ngàn khơi, họp với Trần Dạ Từ, Trần Đức Uyển, chúng tôi thành bốn tên họ Trần… Chẳng họ hàng vì với nhau. Thỉnh thoảng Sa Giang còn rủ tôi đến tòa soạn tờ Phổ Thông do thi sĩ Nguyễn Vỹ làm chủ bút, ở tạp chí này Trần Tuấn Kiệt là kiện tướng thi đàn Bạch Nga, một trường phái làm thơ bậc thang do Nguyễn Vỹ đề xướng trong phong trào thơ mới những năm trước 1945. Trong suốt thời gian hợp tác với tờ Ngàn Khơi, tôi thử sức mình ở địa hạt tiểu thuyết, truyền dài “Dòng sông nước lũ” được tôi viết trong thời kỳ này. Tôi rất khát khao được xuất bản tác phẩm đầu tay nhưng thời bấy giờ chưa có “đầu nậu’ như ngày nay, chỉ những nhà văn “chiếu trên” hoặc những nhà văn có tiền mới có tác phẩm xuất bản. Tôi tâm sự với Trần Tuấn Kiệt, anh cười bảo tôi đưa tác phẩm cho anh, còn bảo tôi đi theo đến gặp người nhận in tác phẩm. Trần Tuấn Kiệt đưa tôi đến một cửa hàng bán sách cũ ở đường Lê Văn Duyệt gần rạp Nam Quang, anh gặp một người đàn ông, trao cho ông ta bản thảo của tôi. Thì ra đó là một người Hoa chuyên buôn bán sách cũ kiêm nghề xuất bản loại sách lá cải, ông ta đọc lướt qua vài dòng, áng chừng không phải là loại sách có thể khai thác được, nên trả bản thảo lại. Sa Giang nhìn tôi vẻ thất vọng như chính tác phẩm của anh bị chối từ. Còn tôi, cảm giác lúc ấy thật khó diễn tả. Hơi thất vọng vì tác phẩm đầu tay bị từ chối nhưng, trong lòng lại chen vào một chút an ủi: Nếu tác phẩm của mình được tay lái sách người Hoa này chọn in, số phận cuốn Dòng sông nước lũ chắc cũng sẽ nằm bụi bặm như núi sách trước mặt tôi. Sau cuộc bán chữ nghĩa bất thành, tôi được Trần Tuấn Kiệt cho biết đã nhiều lần anh bán sách cho tay lái sách Hoa kiều này, sách của anh và cả sách bạn bè nhưng đây là lần đầu tiên thất bại. Tôi dài dòng kể về kỷ niệm bán tác phẩm này để chứng minh lòng chân thành của Trần Tuấn Kiệt – nhà văn. Anh còn khoe với tôi đang soạn bộ Thi nhân Việt Nam hiện đại, mỗi tác giả chỉ cần đưa cho anh năm bài thơ ưng ý nhất, một ít dòng tiểu sử, có thể kèm theo một tấm ảnh. Bộ sách biên khảo này được ông chủ hiệu sách Khai Trí, một hiệu sách lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ đỡ đầu. Tôi đã đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Chân – Hoài Thanh và tôi đâm lo không biết bộ sách biên khảo của Trần Tuấn Kiệt sẽ viết như thế nào? Càng chơi lâu với Trần Tuấn Kiệt tôi càng thấy khả năng viết lách của anh thật tiềm tàng, anh viết rất nhiều thể loại, ký nhiều bút hiệu, và tôi phát hoảng khi anh nhảy sang cả lãnh vực võ thuật, anh viết rất nhiều sách rõ từ ta sang Tàu, trong giới bạn bè thường nói đùa với nhau: sách dạy võ của thằng Kiệt chỉ để hù dọa, thằng nào chót dại luyện thử sẽ tẩu hỏa nhập ma, không lé mắt cũng méo miệng. Tôi rất quý Trần Tuấn Kiệt nên hơi hoang mang. Người kể chuyện hay nhất về “võ công” của Trần Tuấn Kiệt có lẽ là họa sĩ Hồ Thành Đức. Đức thuật lại cuộc so tài giữa Cung Văn và võ sĩ Trần Tuấn Kiệt sinh động đến nỗi không ai có thể nín được cười. Thì ra “võ sĩ” Cung Văn và võ sĩ Trần Tuấn Kiệt múa đủ thứ quyền nhưng có một việc duy nhất là xáp lại hạ đối phương thì hai anh không làm, hình như những bậc võ công thượng thừa chỉ cần xuất chiêu cũng đủ phân tài cao thấp cần chi phải đánh nhau đến u đầu sứt tráng một cách tầm thường. Tôi cũng tin là như thế, chỉ có cách đó tôi mới tin nổi võ học của Trần Tuấn Kiệt uyên bác. Thỉnh thoảng gặp tôi, Trần Tuấn Kiệt lại xòe bàn tay ra rồi nắm lại, từ tay anh nổi lên những tiếng kêu răng rắc của các khớp xương càng làm tôi “nể” võ công của bạn mình. Nhưng, mặc tất cả những chuyện râu ria, đối với tôi anh vẫn là Sa Giang hiền khô, vẫn thi sĩ hơn bao giờ, và chỉ riêng với thơ, Trần Tuấn Kiệt đã dấn thân vào những cuộc phiêu lưu đến những xứ sở chỉ có những tâm hồn như anh mới khám phá ra được. Thế nhưng, những sự thành công đều có cái giá của nó, và Trần Tuấn Kiệt không thể pha trộn thơ vào cuộc đời, vì thế, trong thành công vẫn có dư vị. Vì một lý do riêng, suốt thời gian dài tôi không gặp Trần Tuấn Kiệt. Mãi cho đến sau 1975 tôi mới gặp lại Kiệt cùng với những người bạn thơ, văn cũ và mới khác. Trong thời kỳ “sau chiến tranh” này, không khí nghi ngờ giăng bủa, nhưng riêng đối với Kiệt, tôi vẫn cảm thấy an toàn, sự chân thành toát ra từ ánh mắt của anh đi thẳng vào lòng tin cậy của tôi. Trong thời kỳ này đối với phần lớn những người cầm bút, viết lách là một việc khó khăn. Trần Tuấn Kiệt chuyển sang thổi sáo, ngâm thơ mỗi khi có sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thơ văn. Do nề nếp gia đình “cà cuống chết đến đít vẫn cay” nên có lúc ra đường trong túi chỉ có vừa đủ tiền để uống một ly cà phê đen nhưng tôi vẫn ăn mặc tươm tất, trong khi quần áo Kiệt mặc “thi sĩ đến từng nếp nhàu nát”, không một chút mặc cảm, Kiệt bảo tôi cởi áo, anh lấy áo tôi mặc để lên sân khẩu, sau buổi diễn Kiệt cởi áo trả tôi, tự nhiên như trả cái áo về chỗ cũ. Trong rất nhiều trường hợp, mặc dù thi sĩ đến từng sợi tóc nhưng Trần Tuấn Kiệt lại tỏ ra biết ứng phó thích nghi rất nhanh. Bẵng đi một thời gian dài không gặp nhau, đột nhiên, Kiệt tìm đến nhà tôi rủ đi tỉnh buôn cây kiểng, tôi nhớ lúc này trời sắp Tết, tôi thú nhận với Kiệt tôi rất dốt về buôn bán, hơn nữa vống liếng cũng không có. Buôn cây kiểng phải có vốn rất lớn, vận chuyển cây kiểng từ tỉnh về thành phố rất cực khổ, tốn kém. Nghe tôi nói hình như Kiệt cũng hình dung được những khó khăn, anh lại rủ tôi đi buôn trái cây để bán Tết. Tôi rất tiếc không thể chiều ý bạn. Tôi chỉ có thể “chà đồ nhôm” như anh em thường nói đùa với nhau lúc bấy giờ, còn buôn bán thì chịu chết.
Bẵng đi một thời gian, Tết đã qua từ lâu, gặp lại Kiệt tôi thấy anh có vẻ bơ phờ, anh lắc đầu than vừa mới đi tỉnh buôn tôm đông lạnh. Lúc mua hàng mới lấy ở kho ra còn nguyên một tảng nước đá, khi đem về đến thành phố nước đá tan, trọng lượng mất đi gần một nửa, kết quả: lỗ cả vốn lẫn công.
Hai thằng nhìn nhau cùng cất tiếng cười mà sao nghe buồn quá. Kiệt không thuộc loại người chịu ngồi yên, nhưng cái giống thi sĩ càng tính toán càng lạc lối về. Cuộc đời lâm vào thế cờ bí đành chịu. Tình bạn giữa tôi và Trần Tuấn Kiệt lại một lần nữa bị đứt đoạn, lần này đến lượt Kiệt đột nhiên tuyệt tích. Mãi đến năm 1989 chúng tôi mới gặp lại nhau. Lần này cả hai chúng tôi đều rất bận rộn, tôi đang có nhiều tác phẩm được xuất bản, Trần Tuấn Kiệt cũng viết ngày viết đêm: Cánh cửa văn hóa đang mở rộng. Tôi được Kiệt cho biết anh viết cả sách về nấu ăn, may mặc, thời trang… Tôi bâng khuâng không biết có nên mừng hay không. Quen với Kiệt là đồng thời tôi được quen với nhà văn, nhà biên khảo, võ sĩ… Nhưng thân nhất với tôi chỉ có nhà thơ Trần Tuấn Kiệt mà thôi.