Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.216
123.206.972
 
Báo cáo của Hội KTS chưa thể hiện tinh thần hội thảo?
Hoàng Thúc Hào

Trở thành KTS thiết kế NQH - công trình tiêu biểu số 1 quốc gia - là mơ ước của mọi KTS. Gần ba tháng trăn trở gắng tìm cho ra một giải pháp kiến trúc - quy hoạch đúng tầm, thích hợp với vị trí trung tâm của không gian Ba Đình, cái vị trí chắn giữa di tích Hoàng thành Thăng Long và quảng trường, đối diện với Lăng Bác, có thể hình dung là "lù lù giữa nhà!". 

 

Đề bài yêu cầu thiết kế công trình có diện tích xây dựng khoảng 8.000m2, trên diện tích đất 1,2 ha, khống chế chiều cao không quá 30m, lại phải bao gồm mọi công năng cần thiết của Quốc hội.

 

Nếu những tác giả dự thi tập trung giải quyết công năng, công trình khối tích tất yếu sẽ lớn, tương quan tỷ lệ giữa Nhà Quốc hội với những tòa nhà xung quanh bị phá vỡ. Điều này có thể thấy rõ qua các phương án dự thi. Nếu có ý tưởng đề xuất giảm khối tích, tạo một sự hài hòa về tỷ lệ và phong phú về không gian thì công năng lại "có vấn đề". Rất nhiều KTS nhận thấy đề bài nhiều bất cập...

 

Chúng tôi đã nghĩ đến những giải pháp theo khuynh hướng: giải tỏa cấu trúc, hightech, hậu hiện đại... nhưng khi đặt những ý tưởng này vào tổng thể Ba Đình - với chiều sâu lịch sử, với ngôn ngữ và tỷ lệ kiến trúc đặc biệt... - thì tất cả đều bị khiên cưỡng. Cả khu Ba Đình rất xanh, êm đềm, dường như cần một Nhà Quốc hội đơn giản và trong sáng.

 

Đề bài cũng chưa phân tích rõ mối quan hệ giữa Nhà Quốc hội với khu di tích Hoàng thành vốn có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa. Nếu xây Nhà Quốc hội với khối tích lớn, sẽ mâu thuẫn như thế nào với các nguyên tắc quốc tế về bảo tồn di sản? Có lẽ mọi đơn vị tham gia chưa đủ thời gian, kinh nghiệm để phán xét, thẩm định điều đó. Hầu hết các phương án mới chỉ đưa ra những giải pháp ứng xử về không gian theo quan niệm riêng của từng tác giả.

 

Phương án của chúng tôi tập trung vào sự gắn bó hữu cơ giữa công trình với tổng thể. Phần lớn tầng 1 để trống, ý tưởng cho phép những mảng xanh lớn từ quảng trường, đường Bắc Sơn và khu Hoàng thành thâm nhập công trình. Rút kinh nghiệm Hội trường Ba Đình hiện tại khá cận đường, phương án đề xuất một khoảng lùi thích hợp (xấp xỉ 35m) nhằm mở rộng tầm nhìn và tạo sự trang trọng cho công trình.

 

Nhưng quả thực chúng tôi chưa có khả năng đặt ra vấn đề là khi xây một Nhà Quốc hội hiện đại như vậy sẽ tác động thế nào đến di chỉ Hoàng thành?

 

Về mặt quy hoạch, đề bài chưa có những dự báo cụ thể và khoa học liên quan đến hệ thống giao thông trong và ngoài khu vực. Nhà Quốc hội mới quy mô lớn gấp 2,5 đến 3 lần Hội trường Ba Đình hiện nay, tỷ lệ các đại biểu và người dân có khả năng dùng ôtô ngày càng tăng... Vậy sơ đồ quy hoạch phát triển giao thông của tổng thể khu vực như thế nào? Có tàu điện ngầm, có cầu vượt...  không? Người dự thi như chúng tôi thuần túy chỉ tập trung thiết kế Nhà Quốc hội là chính, dù cũng có những băn khoăn về quy mô, về giao thông, về chuyện tắc đường, về những hạn chế của địa điểm... 

 

Tôi khá bất ngờ khi đọc báo cáo của Hội KTS Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, bởi báo cáo chưa thể hiện đúng tinh thần buổi hội thảo góp ý cho các phương án thiết kế Nhà Quốc hội do Ban Quản lý đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) phối hợp với Hội KTS Việt Nam tổ chức ngày 12/9/2007.

 

Hôm đó, dù Chủ tọa Hội thảo đã phát biểu là Quốc hội quyết định chọn địa điểm rồi, chúng ta chỉ góp ý cho các phương án kiến trúc thôi, nhưng phần lớn các ý kiến vẫn quay lại bàn về địa điểm vì "chúng ta là những kiến trúc sư, những nhà quy hoạch, chúng ta không thể chỉ góp ý cho các phương án kiến trúc khi biết chắc chắn rằng địa điểm nhiều bất cập".

 

Rất nhiều ý kiến đề nghị chuyển địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội, công trình có thể sẽ là hạt nhân của một khu đô thị mới đúng tầm, hợp với xu thế và quy luật phát triển, đúng như ý kiến của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Trực Luyện. Hoàn toàn không phải là "Việc chọn địa điểm xây dựng tại khu vực Quảng trường là phù hợp với vị thế của Nhà Quốc hội" như báo cáo đề cập.

 

Bản thân báo cáo cũng thể hiện sự không nhất quán. Đã "phù hợp với vị thế", sao lại còn "Khu đất 1,2 ha dành cho xây dựng Nhà Quốc hội là quá nhỏ và hạn chế khả năng tạo ra một công trình kiến trúc phù hợp với không gian của Quảng trường Ba Đình, tương xứng với vị thế Nhà Quốc hội"? 

 

 

KTS Hoàng Thúc Hào

Ý kiến của hầu hết các chuyên gia đầu ngành là nếu cố xây dựng Nhà Quốc hội trên 1.2ha đất, và đương nhiên không thể lấn sang khu di tích khảo cổ thì diện tích này vẫn quá chật hẹp, giao thông ách tắc, thiếu khoảng lùi... không thể tạo ra một Nhà Quốc hội đúng nghĩa.

 

Tôi còn nhớ nhiều ý kiến rất mạnh mẽ, như PGS - TS Nguyễn Hồng Thục khẳng định "không một Nhà Quốc hội nào trên thế giới được xây dựng trên diện tích 8000 m2 cả". Hay TS - KTS Trần Thanh Bình - Viện trưởng Viện Thiết kế trường học tha thiết "nếu có một đơn hiệu triệu của hội kiến trúc sư, tôi sẽ là người đầu tiên ký vào đề xuất không xây dựng Nhà Quốc hội ở đây". TS - KTS Hoàng Phúc Thắng thì chất vấn "Ta giữ Dinh Độc Lập thời Việt Nam Cộng hòa mà lại có thể phá bỏ đi Hội trường Ba Đình - một di tích quan trọng bậc nhất của thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta biện minh thế nào cho hành động này?"...

 

Mật độ xây dựng một công trình tầm cỡ quốc gia thường từ 3 - 5%, đề bài thi cho khu đất và mật độ xây dựng xấp xỉ 70%, chắc chắn không cách nào tạo dựng được Nhà Quốc hội bề thế cả? Điều này bất cứ một KTS chuyên nghiệp nào đều nắm vững.

 

Nên ý kiến "Cần nghiên cứu kỹ hơn địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội tại lô D" như trong báo cáo của Hội KTS là vô thưởng vô phạt.

 

Các ý tưởng dự thi đều cố gắng biến Khu bảo tồn Hoàng thành thành công viên cây xanh để tăng sự thân thiện của Nhà Quốc hội, nhưng vẫn không thể giải quyết được hạn chế căn bản của địa điểm, vậy kiến nghị "Những hố khai quật được lấp cát, làm vườn hoa để bảo tồn, là thành phần của công trình Nhà Quốc hội" sẽ không thể "cho phép có nhiều phương án kiến trúc Nhà Quốc hội đa dạng và độc đáo hơn, phù hợp với cảnh quan khu vực Ba Đình".

 

Phải thẳng thắn thừa nhận trong cuộc thi phương án L787 xứng đáng đoạt giải A, song xem xét kỹ phương án này tồn tại một số hạn chế cơ bản: khối tí ch quá lớn (mật độ xây dựng tới hơn 90%) và sự thiếu tế nhị trong ứng xử không gian quy hoạch (công trình chồm sát ra vỉa hè). Thiết kế bốn phía đều có phòng làm việc, bao lấy phòng họp hình tròn đổ bê tông rồi bọc ngoài bằng kính, nếu xây lên thật sẽ rất kích. Chưa kể, các bản vẽ của họ sai rất nhiều. Đáng nói nhất là họ vẽ khối tròn trung tâm nổi lên rất rõ, nhưng thực tế từ mô hình và các số liệu thiết kế thì đứng tận Lăng Bác vẫn không thể nhìn thấy khối tròn này, nghĩa là từ phía Quảng trường Ba Đình sẽ chỉ nhìn thấy toàn những đường sọc, như một... chung cư.

 

Bất kỳ ai tham dự hội thảo sẽ nhớ kiến nghị thật sự của các chuyên gia đầu ngành là Quốc hội và Chính Phủ nên chọn lựa địa điểm khác, và tổ chức lại cuộc thi với đề bài được nghiên cứu cẩn thận hơn, qua đó Nhà Quốc hội sẽ là hạt nhân của một khu vực đô thị mới, tạo thành cực hấp dẫn mới, như nhiều KTS đề xuất.

 

Bản thân chúng tôi khi dự thi đã rất trăn trở với suy nghĩ: Nếu cuộc thi được tổ chức 2 vòng, vòng 1 chỉ đề xuất ý tưởng với những nguyên tắc chung về kiến trúc - quy hoạch. Khi đó chúng ta có thể có "100 đề xuất", tôi tin không ít kiến trúc sư đề xuất phương án nâng cấp Hội trường Ba Đình hiện tại, gắn với khu Hoàng thành, như Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay KTS Nguyễn Trực Luyện đã nêu, và đã có bài học cụ thể của Nhà Quốc hội Đức với ý tưởng tuyệt vời của KTS nổi tiếng Norman Foster. Vậy là sau vòng 1, BGK sẽ có một bữa tiệc ý tưởng thịnh soạn, và 10 ý tưởng tốt nhất sẽ được chọn để triển khai chi tiết trong vòng 2.

 

Quan điểm cá nhân tôi, với lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm công dân, tôi thật sự muốn giữ lại Hội trường Ba Đình "cho  muôn đời con cháu". Là thế hệ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, ký ức của tôi về cả một giai đoạn hào hùng của lịch sử phần lớn chỉ là những thước phim. Nếu chúng tôi đồng ý phá bỏ Hội trường Ba Đình, có phải là quay lưng lại với lịch sử? Nếu ngày hôm nay chúng ta phá Hội trường Ba Đình, thì cả trăm năm tới, hậu thế sẽ phán xét chúng ta.

 

Giữ hội trường Ba Đình, chúng ta có một quần thể Ba Đình độc đáo cả về lịch sử lẫn kiến trúc. Chỉ cần thêm bàn tay đạo diễn của những chuyên gia landscape cảnh quan tốt, thì cả tổng thể sẽ thành một công viên văn hóa lịch sử độc nhất vô nhị, đúng tầm hành xử của một quốc gia văn hiến.

 

Tóm lại, thượng sách là giữ lại Hội trường Ba Đình làm bảo tàng trưng bày những hiện vật Hoàng thành Thăng Long. Hoặc nâng cấp theo gương Nhà Quốc hội Đức, và tuyệt vời nếu mời trực tiếp một KTS tầm cỡ Norman Foster, đây vẫn sẽ là nơi diễn ra những quyết định trọng đại của quốc dân.

 

Hạ sách là quyết định xây NQH với đầy đủ công năng tại đây, thì như rất nhiều ý kiến của các chuyên gia đa lĩnh vực đã phân tích, sẽ phá vỡ cả không gian văn hóa - lịch sử - kiến trúc của tổng thể Ba Đình.

 

Thượng sách có thể hiện thực hóa dễ dàng, nếu các đại biểu Quốc hội tỉnh táo và dũng cảm trong khả năng điều chỉnh một nghị quyết đã được thông qua hơi vội vàng!

 

 (VietNamNet)

Hoàng Thúc Hào
Số lần đọc: 3301
Ngày đăng: 13.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Bình Dương thăm nhà cổ - Nguyễn Thị Hậu
TP Huế: Tan nát những ngôi đình cổ - Quốc Toản
Vật liệu kiến trúc bằng đất nung tại di tích hoàng thành Thăng Long - Nguyễn Thị Hậu
Nước mắt người xuất gia. - Khánh Phương
Kiến trúc sư,họ là ai ? - Nguyễn Trọng Huân
Vật liệu trong kiến trúc cổ Việt Nam - Tạ Hòang Vân
Giải thưởng Pritzker - Khuyết danh
Ngôi nhà truyền thống của Hàn Quốc - Khuyết danh
Pháo đài Masada cổ đại - Khuyết danh
Diệt vong huyền thoại Maya - Khuyết danh