Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.590
 
In-ca đã bay tới mặt trời
Lê Hoài Lương

1.

Đó là sự thật trăm phần trăm. Nơi cái làng quê nghèo khổ nép bên dãy núi lớn này, mọi người đều tin rằng chuyện con ông Tấn  thành “ông Địa” sống là do quả báo nhỡn tiền. Con ông Tấn mà sau này thành ông Địa có tên khai sinh là Tới. Tấn tới, cũng là kỳ vọng của mọi cư dân trên vùng đất nghèo khổ và đầy rẫy tai ương. Từ khi sinh ra đến giờ đã ngoài hai mươi năm, thằng Tới chỉ biết ngồi, biết cười tràng dài khạch khạch, biết nói mấy tiếng gọi tên cha là Tấn, nói “ăn”, “uống”, “ỉa”, “đái”, và sau này là thường xuyên “In-ca”, hết! Ăn bao nhiêu cũng được. Uống thì cầm nguyên ấm nước 5 lít mà tu. Và chỉ ngồi một chỗ nên nó càng lúc càng to mập khác thường, nhất là vùng bụng. Gương mặt vô tư lự, cái bụng tròn quá khổ và tiếng cười khạch khạch nhanh chóng biến nó thành ông Địa từ hồi lên mười. Trong con mắt người dân khổ nghèo và mộ đạo vùng này.

 

Chuyện thứ hai cũng thật trăm phần trăm là toàn bộ con ông A lờ khờ ngớ ngẩn, cả trai cả gái tám đứa đều vậy. Ông đặt tên con theo thứ tự như sau: con Ă, thằng Â, thằng E, con Ơ, con O, thằng Ô, con I, thằng U. Sau này ông A giải thích ông không chơi mẫu tự xuôi a bê xê dê đê… và một mẫu tự dễ ký tá nếu không học cũng làm được ông kia bà nọ như ông. Tên ông một mẫu tự thì tên con cũng vậy, nghe ông nói tên ông đứng đầu mẫu tự là có ý của cha ông, thì thế hệ cháu, con ông, tất cũng có ý của ông như đã giải thích. Hàng xóm cứ cười cười khi nhà ông trỗi lên gọi con, nghe như nói ngọng. Thực ra họ cười cợt vì bất chấp ý nghĩa tên gọi những đứa con như ông A giải thích, vấn đề là con ông , trai gái đều dặt dẹo, chập chập, lơ ngơ. Trừ con I, một ông có chữ trong làng gọi nó là In-ca do khi đi nó cứ chớp hai cánh tay như chim. Ông có chữ giải thích rất kỹ rằng có một In-ca từng gắn hai cánh bằng sáp định bay tới mặt trời, giữa chừng mặt trời nung sáp chảy, ước mơ đã từ từng không rơi xuống. Người dân không hiểu lắm ý nghĩa câu chuyện này nhưng nghe In-ca hay hay nên gọi theo. Điều quan trọng là con I rất thích cái tên In-ca và nó càng chớp cánh. Cũng như nhà ông Tấn, nhà ông A dân xóm cho là quả báo nhỡn tiền, tức là báo ứng ngay trước mắt. Vậy hai ông đã làm điều ác gì đến nỗi gánh quả báo ấy?

 

Hai ông không làm điều ác nào cả. Hai ông nghèo khổ, hiền lương. Và dốt nát nên chỉ làm mấy việc người ta sai phái. Số đông dân chúng thời nào cũng vậy. Ay là lúc có luồng gió lạ thổi qua làng quê khổ nghèo luôn bị người ngoài bức hiếp. Mọi tôn giáo đều là mê tín dị đoan, căn nguyên của nghèo đói kém phát triển; chỉ có một thiên đường trên mặt đất, ngay trong kiếp sống này. Một hứa hẹn thiên đường trước mắt đã lập tức chinh phục được đám đông nhỏ bé và vĩ đại: thực ra trong thẳm sâu hồn người đã sẵn sàng đánh đổi thiên đường kiếp sau nếu có ai bảo đảm cho họ cuộc sống sung sướng kiếp này. Hai ông xông xáo nhất, cầm đầu một nhóm người đi triệt hạ đình miễu, am đền… Tượng thánh thần được nhốt chung trong bao bố tời thả trôi sông. Những người tham gia hoặc chứng kiến cảnh tượng triệt hạ thu gom và dìm ngộp thánh thần, dù cuồng tín, dù bị ép buộc thi hành đều cảm thấy một phấn khích kỳ lạ của nỗi sợ hãi đã được biến tướng. Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi quanh các đền miễu này đã được cưa hạ lấy gỗ, lấy củi, dĩ nhiên cũng là một bằng chứng cho hữu ích cụ thể cuộc sống kiếp này. Cây đại thụ chuyển mình rồi bất lực đổ ập xuống rung chuyển một vùng con người đang chứng tỏ mình làm chủ. Cũng sau này nhớ lại tất cả mọi thứ người ta cứ kết luận bừa là báo ứng. Đấy, nhỡn tiền. Và rất oan cho hai ông. Nhưng miệng thế, biết làm sao.

 

Ông có chữ chứng kiến tất cả những điều này, kinh sợ về lục khắp kinh sách thánh hiền mà vẫn không thấy một dòng nào báo trước. Phải. Hình như đã có một hệ thống kinh sách khác ông chưa từng biết hướng dẫn việc làm này. Đã có một hệ thống thánh thần khác lên ngôi? Ông không tin nếu không dựa vào một thế lực nào đó, con người không thể không kính sợ thần thánh. Sau này ông gọi con I thành In-ca là có ý. Có ý giễu cợt đôi cánh sáp muốn bay tới mặt trời của những kẻ xử tử thánh thần.

 

Con I thích cái tên này. Nó không muốn cụt lủn. Nó cũng rất thích cái ý bay tới mặt trời, cái ý vốn không phải bắt nguồn từ đầu óc nó. Nó nói với mọi người chung quanh: “I thích làm In-ca!” Mọi người chung quanh luôn vui vẻ tán thành ý muốn của nó vì họ nghĩ họ tỉnh táo.

 

Trừ thói quen chớp cánh, In-ca càng lớn càng xinh đẹp, khác hẳn anh chị em dẹo dặt của nó. Trời có lấy hết của ai cái gì đâu, à không phải, nói vậy thì thành duy tâm mê tín.

 

2.

Khi thiên đàng mặt đất không hiện lên sau chuỗi dài vứt bỏ hương khói thánh thần và lao động ngày ngày theo tiếng kẻng tập trung, chung sức chung lòng chung cánh đồng chung ăn chia thưởng thức, ý thức mới mẻ có vẻ hợp lý nhiều tay vỗ nên kêu mình vì mọi người mọi người vì mình xây dựng một xã hội bình đẳng nam nữ bình quyền con người được tha hồ làm chủ tất tần tật làm chủ toàn xã hội là một đại công trường sống và làm việc theo khẩu hiệu cho từng thời khắc cần thiết… có dấu hiệu trục trặc. Vì trong cái mớ chung ấy ai cũng nghĩ mình bỏ công sức nhiều hơn phải được chia phần nhiều hơn ai cũng nghĩ của chung nên tha hồ xà xẻo ăn cắp người ở vị trí thuận lợi thì ăn cắp nhiều kẻ thấp bé hơn trộm vặt và vì chung nên con trâu béo kéo con trâu gầy ai cũng làm trâu gầy cho đỡ nhọc… Lười biếng và ăn cắp vặt làm sao mà giàu lên được, khổ nghèo vẫn hoàn khổ nghèo. Trong bế tắc người ta chợt nhớ tới thằng Tới- ông Địa. Trên mảnh đất khổ nghèo này ông Địa đã hiện lên sờ sờ sao không tới cầu xin ông cứu giúp? Một đồn chục chục đồn trăm trăm đồn ngàn ngàn đồn vạn... Ông Địa nổi tiếng. Người tới lân la hỏi han, ông cười. Cho củ khoai, miếng bánh ông thích. Vài thẻ hương kín đáo đốt lên với lời khấn. Ông Địa thấy đông vui rất thích, được ăn thỏa bụng rất thích, cứ cười khạch khạch và to béo lên mãi. Tiếng thiêng đồn xa, người nườm nượp xếp hàng chờ tới phiên mình vào cho ông một món gì đó để được vuốt bàn chân múp míp của ông, được đốt hương cho mấy lời khấn. Ông Tấn lúc đầu không để ý, cứ nghĩ họ thương con mình bệnh hoạn tới thăm cho nó chút quà bánh, ông hài lòng vì mình là cán bộ được dân yêu mến, vả lại, ngoài trụ sở trăm công ngàn việc ông có mấy khi ở nhà, về thấy có người giúp cho thằng Tới ăn là lỉnh vào trong nghỉ ngơi, núi việc đang chờ ông hôm sau giải quyết. Hỏi thì vợ nói chung chung như ông nghĩ. Biết chồng không thích, bà thường dọn sạch những chân nhang, cất kỹ những đồng tiền cúng. Một lần cấp trên gọi ông lại hỏi thăm chuyện, có thể vị này nể ông nên nói khéo, có thể cũng muốn bí mật cầu cúng gì đó. Ông thì sợ thật, xầm xầm về giữa buổi, quát ầm lên về mê tín dị đoan, đuổi đám đông đang chầu chực với nghi ngút hương khói và cấm họ từ nay không được vào ngõ nhà ông. Đám đông vẫn đến, đứng quỳ ngoài hàng rào vái vọng nhưng sợ không thiêng vì thiếu quà bánh cho ông. Họ có một cứu tinh, con In-ca. In-cahôm đó tình cờ thấy người đi đông trước nhà đã đi theo, nghĩ họ có hội hè gì vui. Nó vốn đãng trí nên dù ở nhà đã nghe nhiều lần tên ông Địa sống cũng quên. Tới ngõ nhà ông Tấn, khi mọi người thậm thụt nó thản nhiên vào cổng và vô cùng thích thú thấy ông Địa to béo dị thường bưng ấm nước tu một hơi rồi cười khạch khạch. Một vài người gọi In-ca nhờ chuyển quà cho ông, nó giúp ngay. Nó thích được khen và giúp đỡ mọi người. In-ca. Liên tục nó được mọi người khen và nhờ vả. In-ca. Nó bay vào bay ra. Ông Địa nghe riết một hồi, nhận quà một hồi cũng bật ra một từ mới: In-ca. Rất lạ là trong vốn từ đã ít ỏi của mình, từ đây về sau, ông chỉ còn mỗi một tiếng In-ca cho mọi nhu cầu cá nhân. Ăn uống ỉa đái đều In-ca. Ông Địa có vẻ vui khi In-ca xuất hiện. Nhưng In-ca còn phải làm việc giúp gia đình, nó đã mười sáu và được xếp công lao động chính, dù cắt lúa nó cũng ẽo ợt như múa, lúa thường rơi vãi và mấy lần cắt nhầm vào tay. Thường thì để được việc, người ta cho một công nhà tới thế chỗ, In-ca hài lòng đến chỗ ông Địa giúp họ. Nhiều người cũng cho In-ca ít tiền hoặc vài thứ, cái kẹp tóc, vòng đeo tay bằng nhựa màu để lấy lòng nó. Nó càng lúc càng đẹp, càng bay hơn. Ông Địa đã thẫn thờ đã giảm hẳn tiếng cười khạch khạch khi không có In-ca. Ông Địa vui hẳn lên khi In-ca lại đưa quà và bao giờ cô cũng vuốt vuốt bàn tay, cái bụng bự để trần của ông. Nó thích thú làm điều này như một trò vui con trẻ còn ông Địa thì có vẻ ưng bụng. Lòng kính tín của những người chung quanh khiến họ không thể tin là ông Địa đã phải lòng In-ca.

 

Không riêng ông Địa. Vẻ đẹp rờ rỡ của In-ca khiến nhiều trai làng và các ông sồn sồn thích, thói đồng bóng ngờ nghệch hớ hênh của cô làm họ dậy lên nỗi thèm muốn chiếm đoạt. Ông chủ nhiệm bạn cũ của ông A tới nhà đặt vấn đề cho In-ca làm tạp vụ, mức lúa hàng tháng cao gấp đôi công lao động chính. Ngày lễ tết đều có thưởng. Có mơ ông A cũng không dám nghĩ tới đứa con lơ ngơ của mình được làm việc trong cơ quan điều hành lao động cả vùng. Ông sung sướng thấy đã được bù đắp cho bầy con dẹo dặt đi làm chỉ được tính nửa công, lớn ầm rồi vẫn không có tín hiệu nào dựng vợ gả chồng cho chúng. In-ca đã bay tới cơ quan ngay hôm sau, rạng rỡ. Cô nhanh chóng quên ông Địa.

 

3.

Công việc của In-ca khá đơn giản: nấu nước, rửa bình ly, pha trà rồi ngồi chờ ông chủ nhiệm sai vặt, chuyển tờ giấy này qua phòng kế toán, hoặc cùng xuống kho giúp ông kiểm lại số lượng bao hạt giống các loại… ông kiểm là chính vì đếm một lát cô đã quên. Ông vỗ vỗ lên vai cô lên mông cô dịu dàng trách dịu dàng động viên. In-ca không bị la mắng nũng nịu nép vào ông “cháu xin lỗi”. Không la mắng đã đành, ông chủ nhiệm thỉnh thoảng cho cô cái áo may sẵn, đôi dép nhựa mới, cục xà bông thơm… Thường thì tiếp khách ông bảo cô ở lại phụ giúp và cùng ăn. Khách khứa tiệc tùng liên miên, có khách là có tiệc. Ăn uống đầy đủ In-ca tròn đầy hoàn hảo. Thỉnh thoảng cô hãnh diện gói về mấy món ăn thừa khiến cả nhà xúm vào thán phục. Thỉnh thoảng vô cớ cô buột miệng “xin lỗi” khiến mọi người ngơ ngác rồi vui vẻ cho rằng đó là chữ của người văn minh lịch sự. Nhà ông A thực sự đổi đời.

 

Một lần thấy In-ca ríu rít trên đường với ông chủ nhiệm, ông có chữ lẩm bẩm một mình: “Sắp sửa rồi…”

 

Chính thời kỳ thành đạt của In-ca là thời kỳ khó khăn của ông Địa. Ông buồn, ít cười khạch khạch, ít muốn nhận quà, miệng chỉ lúc hét lên bức bối lúc lài nhài độc một tiếng In-ca. Riết rồi mọi người cũng hiểu ông si tình, cũng hiểu ông bệnh hoạn, họ thưa tới hơn rồi dứt hẳn. Ông Địa ủ rũ héo hon, da dẻ dần hiện vết già nua. Ông Tấn càng ít về nhà, nhiều lúc ông ngủ lại trụ sở, vì công việc ngập đầu ngập óc.

 

Những lần xuống kho của ông chủ nhiệm có sự trợ giúp của In-ca càng nhiều. Cô lại đếm lộn và lại nép vào ông nũng nịu “cháu xin lỗi”, chỉ khác là bàn tay sờ vuốt càng dạn dĩ hơn trong lời mắng yêu hổn hển hồi hộp sung sướng. Bàn tay sành sõi ấy cứ mơn man những chỗ nó muốn. Vân vê mơn man. In-ca nhớ lại ánh mắt khát thèm của đám trai làng và những ông sồn sồn chảy trên thân thể mình trước đây. Giờ mới hiểu. Sự hiểu muộn màng này khiến cô vô cùng thích thú. Hơi thở In-ca gấp gấp. Miệng cô khô khô he hé hụt dần tiếng “cháu xin…” Khi cái miệng khô khát của ông chủ nhiệm gắn vào cặp môi hồng xinh mấp máy ấy thì cả hai cùng vừa tựa dần xuống đám bao hạt giống. In-ca chưa bao giờ được bay như thế. Cô  thích thú bay, bay, bay…

 

Những phần chưa hoàn hảo trên thân thể In-ca nhanh chóng hoàn hảo. Và cách đi chân như không bén đất hai tay vẫy vẫy như chim của cô không còn nữa. Thật lắm điều kỳ lạ. Cô đã như mọi người khác, rạng rỡ hạnh phúc, lơ ngơ hạnh phúc.

 

Những ủ dột của ông Địa nhanh chóng thành huỷ diệt. Chính ông. Không nói không cười không thiết ăn uống, ông Địa đang sộp dần và đang gần thành người, đúng hơn, xác người.

 

4.

In-ca chửa. Cái bụng mum múp ai có trí bình thường nhìn thấy đều hiểu đó là đang chửa. Trừ cô chưa có kinh nghiệm và không biết vì đâu có đứa bé trong bụng để sinh ra, và sinh ra từ chỗ nào. Nhà có nuôi chó cái nhưng mấy lần chó đẻ In-ca đi đâu vắng không thấy. Chuyện trong kho thì có phần giống chó dính lẹo. Nhưng có phải từ chuyện này mà chó chửa không, In-ca không biết. Chỉ mỗi đứa em là thằng U nhưng lúc mẹ đẻ nó, In-ca 2 tuổi, lẫm đẫm chơi với các anh chị ngoài ruộng khô đầy cỏ và cào cào.

 

Các anh lật bật qua mấy bờ ruộng nhử con diều giấy. Nó thích đôi cánh của cào cào hơn, chẳng cần gió cũng bay được. Biết bay lượn thì khỏi xiên xẹo trên đất như anh chị. Nó vẫy đôi tay nhưng phải lạch bạch chân theo cánh cào cào xanh ngời ánh nắng. Nó cứ vẫy vẫy tay cả trong giấc mơ, thành quen, tới khi ông có chữ gắn cho nó tên In-ca. Giờ thì thói quen này, sau lần đầu khám phá điều thích thú chưa từng biết ở trong kho, tự nhiên biến mất. Thực ra khi được khen đẹp, khi có cảm giác đê mê bềnh bồng ngay từ mấy bao giống, trên đường về nhà, mệt rũ với chút đau âm ỉ và mãn nguyện, In-ca đã không tha thiết chuyện bay lên trời nữa. Bây giờ trong mơ In-ca chỉ còn mỗi mùi thuốc lá và rượu, mùi hôi nách khen khét, và tan ra, rã rời tận chân tóc. Những lần không xuống kho là thể nào tối đó cũng mơ. Sau này dạn dĩ hơn, In-ca thường để ý chỗ ấy của đàn ông cô mới biết vì sao mấy ông anh dặt dẹo thường đưa tay vào trong quần, có trưa ông anh ngủ quần cộc cộm lên. Trong vùng tối hỗn độn của trí não, cô lờ mờ hiểu rằng cô đã thực sự sống, còn các anh chị thì chưa. Đây là sự lớn lên đầy tính bản năng, rất dễ lý giải đối với những bậc thức giả nhưng với đám đông thì không dễ gì, với gia đình In-ca, những người chưa thật hoàn thiện thì chớp loé đó của nhận thức người quả là điên khùng…

 

Và cái đoàn rồng rắn khật khưỡng đang lên cơn ấy hành quân về nhà ông chủ nhiệm, dẫn đầu là tiên phong A như trong các cuộc hành quân triệt hạ thánh thần, lần này dĩ nhiên qua cách họ gầm gào ngọng nghịu trên đường, đối tượng là quỷ sứ! Theo sau đoàn quân đầy nhuệ khí ấy là In-ca nước mắt ròng ròng. Cô không hiểu vì sao việc ông chú chủ nhiệm làm cô hài lòng lại khiến cả nhà tru lên giần giật như thế và vác gậy gộc lên đường đằng đằng sát khí như thế. Họ thấy thua thiệt và đi tìm lẽ công bằng ư? Cho họ hay cho cô? Dù là gì thì diễn biến đều có vẻ đáng sợ, In-ca khóc lóc chạy theo vì nỗi sợ này. Trừ ông có chữ và những người bệnh liệt giường, cả vùng khổ nghèo hiếu kỳ nhập đoàn: phần ác của con người trỗi dậy nhanh chóng khi muốn chứng kiến sự thất bại, bẽ bàng của người khác để hả hê rằng mình không phải là thất bại bẽ bàng, tức là mình hơn họ; thói tọc mạch, tính nhiễu sự thực ra cũng là một biến tướng của phần ác này trong hồn người.

 

Bỗng nhiên xuất hiện ông Tấn.  Khi còn cách nhà ông chủ nhiệm một quãng. Ông xuất hiện như tất yếu của núi công việc hàng ngày và như núi lừng lững, làm khựng lại cơn sóng thần a dua nhanh nhập nhanh tan bằng vài lời giải thích vừa ôn tồn vừa kiên quyết. Dù bắt đầu từ nhà ông A nhưng dường như đám đông mới làm nên sức mạnh căn bản và khi đám đông không còn nữa sự bắt đầu trở nên tiu nghỉu. Cũng có thể ông A và mấy dị tướng của mình đã thoả mãn: đám đông đã dẫn dắt họ và sẽ tới đâu thật khó lường. Giải tán là thắng lợi. Chứ không à, đấy, có chính quyền can thiệp. Ông A đuổi đám tướng lĩnh về và mệt mỏi theo ông Tấn vào một quán nước. Cụng đến ly rượu thứ ba ông Tấn mới thủng thỉnh:

- Tôi với ông là chiến hữu, ông nói thật đi, ông có bằng chứng gì chuyện trai trên gái dưới của con In-ca và thằng chủ nhiệm không?

- Nhưng mà… con bé tôi… nó không biết nói láo…

- Tôi tin điều đó. Đã không có bằng chứng, nó có quyền tố cáo ông chuyện bôi nhọ cán bộ. Bàn dân thiên hạ ai cũng biết con In-ca có phần dở hơi. Ông cứ ra trước toà cùng nó gãy lưỡi bảo nó bị chuyện đó trong kho thì ai tin?

- Nhưng… con In-ca đã…

- Thêm điều này, chúng ta từng là cán bộ, có gì không phải đóng cửa dạy nhau, đâu đến mức phải để dân nhìn thấy cái dở của ta. Đằng nào đi nữa, về quan điểm tôi cũng bảo vệ cán bộ mình cái đã, huống chi ông không có bằng chứng!

- Nhưng… con gái tôi… giờ nó đã…

- Có chửa chớ gì? Tôi nghĩ cũng có thể cứu vãn danh dự cho con In-ca, cho nhà ông, nếu ông cùng tôi hợp tác.

- Ông nói đi. Tôi đang nẫu ruột đây. Có cách nào thì ông cố giúp nhà tôi.

- E hèm. Thôi thì… Tôi nghĩ chuyện này đã lâu… Thế này, ông gả con In-ca cho thằng Tới nhà tôi. Mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Nó về làm dâu nhà tôi thì sẽ không lo gì nữa…

- Thằng… Địa… thằng Tới của ông bị bịnh mà… làm sao nó thành chồng được…?

- Nó có làm được chuyện thằng đàn ông hay không tôi đâu dám chắc nhưng đứa con trong bụng con In-ca sẽ là cháu tôi, cháu ông. Tụi mình già rồi, có cháu là mừng. Cả tôi và ông đâu còn cơ hội nào khác, đúng không?

 

5.

Đám cưới rất vui. Cả cô dâu chú rể đều hài lòng. In-ca được ăn mặc đẹp. Ông Địa trước đó đã bắt đầu ăn uống trở lại khi In-ca tới thăm chơi. Tất nhiên ông Địa cứ ngồi như hơn hai chục năm, ngồi kiệu trong lễ cưới, cười khạch khạch luôn miệng. Cô dâu thì tươi rói vì là vai chính mà trước đây cô từng lẽo đẽo bay lả bay la theo nhìn người. Chú rể cười suốt. Nhiều người cảm động rơi nước mắt. Chao ôi, cũng một kiếp người. Ông có chữ cứ chép miệng lúc lắc đầu. Đáng lý ông phải nói điều gì đó.

 

Đêm tân hôn, chú rể được bồng vô cho nằm trên giường cưới, chuyện này ngoài dự kiến của ông Địa, nhưng ông không thấy khó chịu vì luôn có In-ca bên cạnh. In-ca lần đầu được nằm trên giường với đàn ông, cô cứ nép vào nũng nịu, em xin lỗi… Ông Địa cứ cười. Nhớ chuyện trong kho, cô chờ ông vuốt ve những chỗ nhạy cảm. Chờ mãi không được, cô cầm tay ông đặt lên đó. Bàn tay cũng bóp bóp nắn nắn. Rồi thôi.

 

Đêm nào cũng thế. In-ca không hiểu vì sao phải lấy chồng. Có gì hay đâu? Cô buồn hẳn, cứ nhớ nhà kho, nhớ ông chủ nhiệm. Nhớ cảm giác chớ không nhớ người.  Bụng cô càng lúc càng to, ông Tấn bảo con đã có chửa, rồi sẽ sinh con, ông ân cần chăm sóc cô nhiều hơn. Dẫu sao In-ca cũng cứ nhớ cảm giác được bay đê mê từng biết. Cô gầy đi hẳn. Có vẻ cái thai hành dữ, rộc người mà nôn mà thèm ăn mấy thứ lạ đời như phân bò khô, vảy bùn trên ruộng… Ông Địa cứ cười cứ hài lòng ngay cả khi In-ca bức quá luồn tay vào quần đùi ông cho đỡ nhớ. Nhiều lần cô đã nhìn vào chỗ ấy của các anh trai ở nhà nhưng nó mặt mũi thế nào thì cô chỉ biết khi nhìn thấy thằng U và đám trẻ nhỏ tồng ngồng trong xóm. Cô thích chí cười vang khi ông Địa cũng như thằng U hồi còn ở truồng. Cô cười, ông Địa cũng cười. Hơ hơ. Khạch khạch. Hơ hơ hơ hơ khạch. Cười mòn tới ngày sinh, In-ca chỉ còn cái bụng bự. Chỉ còn cái bụng. Ông Địa thì tuy vui vẻ phấn chấn biết cười chịu ăn uống nhưng cũng khô quắt.

 

Ngày In-ca đi sinh, không biết bằng cách nào, ông Địa đã ra ngồi ở vị trí quen thuộc. Cả nhà đang tập trung ở bệnh viện, lo âu vì đã hai ngày mà In-ca cứ vật vã trong cuộc lâm bồn. Bà bác sĩ nắm tay cô động viên: “Em rắng rặn thêm, rặn như rặn ỉa, ráng nữa!” In-ca đã ráng. Nhưng giữa hai đùi cô chỉ có chút nước nhầy. Các bác sĩ ngơ ngác vì cứ đo đi đo lại họ đều lắc đầu bảo không thấy mở.

 

Ở nhà ông Địa cứ ngồi nhắm mắt, những phần thịt trên người ông như tan vào hơi thở nhẹ, rất nhanh chóng, màu da vốn đã sạm càng xám hơn áp sát vào từng vật cứng cuối cùng không dễ tan biến là xương. Cho tới khi hơi thở không còn nữa.

 

Cái bụng của In-ca trở nên quá khổ trên cơ thể gầy tọp của cô. Nó cứng đờ một cách không bình thường. Khi các bác sĩ đang hội ý về một hiện tượng lạ thì cô không còn thấy đau đớn. Cô đang bay. Trước mắt rạng rỡ mặt trời. Sẽ không ai biết trong bụng cô đứa con là trai hay gái hay là một hình thể nào đó, không ai. Tất cả đã quá muộn khi In-ca bay tới vầng dương lộng lẫy loá mắt. Hình ảnh cuối cùng cô nhìn thấy là cái kho với những bao hạt giống thân thiết. Đôi môi cô mấp máy… xin lỗi… xin lỗi.

 

Và như nụ cười mãn nguyện.

 

Suối Trầu, 8 – 7 - 2006

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 2234
Ngày đăng: 13.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tấm thiếp cưới - Nguyễn Văn Hoa
Đoàn tàu xanh - Đào Bá Đoàn
Không xe hoa không xe tang - Lê Vũ
Nỗi buồn của…… - Lê Minh Tú
Ngày nắng - Trần Lệ Thường
Có một lỗ thủng trong thành phố-1 - Richard Bowes
Có một lỗ thủng trong thành phố-2 - Richard Bowes
Thọai - Lê Nguyệt Minh
Thị trấn bên kia suối-1 - Trần Trung Sáng
Thị trấn bên kia suối-2 - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)