Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.615
 
Trần Thanh Địch và bốn anh em vượt tuyến
Nguyễn Quỳnh

Lời người gửi:

 

Nhà văn Nguyễn Quỳnh sau nhiều năm công tác (có giữ một trọng trách) tại Nhà xuất bản Kim Đồng, đã hưu trí được mấy năm. Độ này, ông thích ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ về anh em đồng nghiệp và bắt đầu công bố trên Báo Văn nghệ.

 

Tôi nhận được bản thảo của Nguyễn Quỳnh về nhà văn Trần Thanh Địch khi số báo Văn nghệ vừa rồi đã vào nhà in (3-4 ngày trước khi được truyền thông đưa tin buồn), và chắc rằng, số báo sắp ra tuần này sẽ dành chỗ cho nhiều văn hữu nữa của nhà văn Trần Thanh Địch…

 

Vậy nên, tôi kính nhờ VCV công bố bài của nhà văn Nguyễn Quỳnh đã kịp hoàn tất mong để nhà văn đàn anh Trần Thanh Địch đọc và ngậm cười ngay trên cõi trần nầy. Đồng thời, kính nhờ BBT  chuyển tới gia quyến nhà văn Trần Thanh Địch văn bản nầy - một trong những kỷ vật về nhà văn Trần Thanh Địch mà nhà văn Nguyễn Quỳnh hiện giữ…

 

ĐĂNG BẨY

 

Trần Thanh Địch và  bốn anh em vượt tuyến

 

Tháng tám năm 2007 nhà văn Trần Thanh Địch vừa bước vào tuổi chín sáu (96). Ông tròn chín lăm tuổi vào ngày 12 tháng 7  năm 2007. Sinh ra trong một gia đình quan lại phong kiến nghèo, bố mất lúc mới năm tuổi, Trần Thanh Địch sẵn lòng yêu thích thiên nhiên, thích săn, thích bắn súng giàn thun (cao su), câu cá và vào nghề văn rất sớm. Năm 1935 chàng trai Trần Thanh Địch vào Sài Gòn làm báo và chuyên cần đọc sách trong mười năm, đã từng có tác phẩm Thưa các ngài, tôi, nhà văn sĩ in trên Tiểu thuyết thứ bảy và công bố các tập thơ: Phấn thời xanh, Cánh giữa trời, Ta trong vạn kiếp...  

 

Cách mạng tháng Tám thành công, nhà văn Trần Thanh Địch tham gia Đội tuyên truyền lưu động của Thừa Thiên, là Thường vụ Hội Văn nghệ Thừa Thiên. Thời kháng chiến toàn quốc, ông dạy văn ở trường Huỳnh Thúc Kháng, rồi tham gia Đoàn văn công Liên khu IV, là hội viên Chi hội Văn nghệ Liên khu. Hòa bình lập lại năm 1954 không lâu, ông dự trại sáng tác Trung ương, rồi về Nhà xuất bản Kim Đồng. Ông từng là Phó Ban Biên tập Ban Truyền thống của Nhà xuất bản. Hiện ông thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Nhà văn Trần Thanh Địch đã có nhiều tác phẩm văn, thơ và kịch ra mắt bạn đọc nhỏ: Tổ tâm giao, Chông Thừa Thiên, Hải đảo Cô Tô, Dũng sĩ mười ba tuổi, Đôi tai Mèo, Săn và bãy thú, Săn Cọp, Một cần câu... trong đó tác phẩm Một cần câu đoạt giải A Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam.

 

*

Tôi về nhà xuất bàn Kim Đồng thì nhà văn Trần Thanh Địch đã có mặt ở đấy từ lâu. Buổi trưa tôi và ông vì nhà xa nên thường nghỉ trong hành lang của phòng làm việc. Những buổi trưa ấy, ông thường chỉ vẽ cho tôi công việc “bếp núc” của một người biên tập. Tôi rất phục ông về thái độ làm việc cần mẫn và thận trọng trong nhận xét bản thảo cũng như trao đổi với cộng tác viên. Tôi từng nhiều lần cùng ông đến nhà báo Phạm Hữu Tùng, nhà văn Văn An... cán bộ báo Thống nhất để vận động họ viết cho Kim Đồng. Những buổi đi như thế cho tôi nhiều bài học bổ ích.

Tôi còn nhiều lần cùng nhà văn Trần Thanh Địch đến nhà văn Đoàn Giỏi trao đổi đề cương Đất rừng Phương Nam và bản phác thảo đầu tiên của tác phẩm này. Một lần đến nhà, thấy tác giả đang nhặt những nhánh rau càng cua, loại rau mọc dại có rất nhiều quanh hè nhà và cả ngoài vỉa hè. Nhà văn Đoàn Giỏi thích ăn rau sống, đặc biết là loại rau càng cua mọc dại, ăn dòn dòn, cay cay này. Chúng tôi sà xuống ngồi cùng nhặt rau với tác giả. Nhà văn Trần Thanh Địch trò chuyện, trao đổi với tác giả chân tình, nhẹ nhàng, rủ rỉ như là tâm sự, rất có sức thuyết phục. Vừa vặt những nhánh rau càng cua, ông vừa nói:

- Đoàn Giỏi này, bản thảo được đấy! Nhưng mà mới gọi là được đó nghe. Còn “rờm rờm” vì là tác giả nhiều vốn sống quá chừng, mới “hái đại rau”, chớ chưa “nhặt kỹ” thế này. Cái ông lão câu cá sấu ấy, dùng mỡ người mà đốt đèn, làm mồi câu nghe nó thế nào ấy. Liệu tình cảm của trẻ con có tiếp nhận được không? Mà mỡ người lấy đâu ra, ngay cả mỡ của kẻ thù xâm lược cũng thấy ghê ghê. “Thịt da ai chẳng là người” mà.

 

Tác giả Đoàn Giỏi gật gật đầu. Nhà văn Trần Thanh Địch nói tiếp, vừa khen vừa nhắc nhở:

- Ông biết rất nhiều phong tục tập quán Nam Bộ, nên trong bản thảo phong phú lắm, chất “đất rừng” và “phương nam” rất rõ. Nhưng theo Trần Thanh Địch thì phong tục truyền thống tốt đẹp, khảng khái, nhân ái, yêu thương, đùm bọc... thì càng nhiều càng ít. Còn hủ tục thì càng ít càng nhiều, nên gác lại, để đó cho những người lớn khi cần...

 

Nhà văn Trần Thanh Địch quen biết rất nhiều nhà văn tên tuổi. Các nhà văn ấy cũng rất nể, rất quý ông. Ông là một trong những người có công đối với mảng sách về cuộc đấu tranh và chiến đấu của quân dân miền Nam cho độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Nhà xuất bản Kim Đồng.

 

Không rõ có phải nhà văn Trần Thanh Địch thấy tôi đang muốn đi vào nghề viết văn hay không, mà ông thường bàn với tôi về chuyện viết lách. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ nhiều lời khuyên của ông: “Nghề viết lách, trước nhất phải có cái say, cái tâm hồng đã. Cái thiện, cái tâm hồng là quan trọng lắm. Có thể có người, có nghề, kể cả nghề văn không cần cái tâm hồng, mà tim đen cũng nổi đình đám,- ông cười:- Nhưng là nhất thời, không nói làm gì. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài cơ mà. Thứ nữa là vốn sống. Vốn sống trong thực tế và vốn sống từ sách vở... Vốn sống càng phong phú thì nhà văn càng thả sức vẫy vùng, tung hoành ngòi bút. Vốn sống của người cầm bút như là lưng vốn của người đi buôn, của người sản xuất, như là hạt giống của người nông dân. Người viết văn mà không có vốn sống, thì khác gì anh nông dân không có hạt giống, anh đi buôn không có vốn. Sau hết, rất quan trọng là ý chí và nghị lực. Nghề này cực nhọc lắm. Nếu anh nông dân dầm mưa dãi nắng làm ra hạt thóc, thì anh nhà văn vắt trí não, tâm huyết làm ra câu thơ, câu văn, nhưng lắm lúc chẳng gặt hái được gì cả. Không bị thiên tai như anh nông dân, mà trắng tay... Nghị lực và ý chí giúp ta bền bỉ lao động, không huênh hoang khi thành công, khi thất bại không nửa đường bỏ cuộc. Thua keo này, rút bài học, bày keo khác. Có những điều nói trên, mà cộng thêm năng khiếu trời cho thì sẽ trở thành nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Nhưng có người lấy cần cù bù năng khiếu mà cũng gặt hái được những thành quả không đến nỗi, - đến đây, ông nói, giọng chân tình:- Quỳnh có vốn sống thanh niên học sinh. Đặc biệt có vốn sống về nông thôn, về núi rừng, về những con người rừng núi chân chất, về thú vật  rừng. Đó là những vốn quý. Cứ mạnh dạn viết đi!”

Nhà văn đàn anh Trần Thanh Địch đã đưa tôi vào con đường văn chương là thế.

 

*

Đọc các sáng tác của nhà văn Trần Thanh Địch càng thấy ông quan niệm, nói (phát biểu trong các cuộc họp hay trao đổi với anh em) và viết (thơ, truyện hay phê bình, nhận xét bản thảo) là nhất quán. Trong tập thơ Đôi tai mèo gồm hai mươi sáu bài của ông là một mảng thiên nhiên  sống động, gần gũi vời thiếu nhi. Đó là những vật nuôi: cô chú cún, mèo ỉn. Đó là chim trong vườn: chào mào, vành khuyên, bông lau, chim sâu, chìa vôi (chích chòe), cu cườm, chim sẻ, cô gà mái, chú gà trống, gà con, vịt con. Đó là những loài cây, loài hoa: cây bưởi, cây chanh, cây hoa mười giờ...

 

Thiên nhiên trong thơ nhà văn Trần Thanh Địch không phải là cái nền bài trí, không phải là môi trường làm bối cảnh, mà là những nhận vật có cuộc sống riêng, có ngôn ngữ riêng, đặc biệt có tâm hồn. Phần nhiều các bài thơ của ông trong tập này đều pha trộn giữa thực và tưởng tượng, giữa màu sắc và hương thơm, giữa thực và mơ... Tất cả đưa đến cho bạn đọc nhỏ cái đẹp và “cái tâm hồng”, ấm áp trẻ thơ.

 

Nhiều tập truyện của nhà văn Trần Thanh Địch không chỉ cuốn hút bạn đọc nhỏ tuổi, mà các lứa tuổi khác, ai đã đọc vài trang đều bị cuốn hút bởi thiên nhên kỳ thú và lạ lẫm. Săn cọp, tập truyện ngắn gồm mười sáu truyện không phải chỉ nói về săn hổ mà là cuộc đấu trí, đấu lực thú vị giữa con người và thiên nhiên, giữa những người gắn liền, hoặc phải tiếp xúc với rừng núi nương rẫy, với cuộc sống hoang dã.

 

Đó là chuyện bầy rái cá đấu trí với Thiện và Đối, hai cán bộ trẻ, khiến “nhà thiện xạ” Thiện phải gác nỏ. Chuyện bố con bác Hai Đùng Đình và hai anh cán bộ kỳ công lần rừng bốn ngày đêm liền với con gấu. Hồi hộp như chuyện ông Ấm Rắn Hổ. Ông lão không chỉ là vua bắt bằng tay không các loại rắn độc: rắn cạp nong, rắn cạp nia, rắn hổ đất, răn hổ chuối, rắn hổ lửa, rắn hổ gió. rắn mai gầm, rắn hổ mang, rắn chúa... mà còn là nhà thổi ống xì đồng kỳ diệu. Ông thổi ống xì đồng bằng mũi me mà lôi tóm được chim đậu trên ngọn cây, cá bơi dưới nước...

 

Đến tập truyện ngắn Một cần câu lại thú vị nữa - có lẽ nhà văn Trần Thanh Địch yêu thơ và yêu cả nhà thơ Nguyễn Công Trứ, nên mượn ba từ trong câu thơ của tác giả: “Một mai, một cuốc một cần câu” chăng? Cả tập toàn kể chuyện câu cá. Câu với một chiếc cần câu, mà không biết bao nhiêu là cách, bao nhiêu là cảnh, bao nhiêu là tình huống, bao nhiêu tâm trạng. Tâm trạng với con cá “cụ” chỉ vờn mồi. Tâm trạng với đàn cá con háu ăn. Tâm trạng đi câu một mình. Tâm trạng đi câu với người lạ. Tâm trạng đi câu với người lớn. Tâm trạng đi câu với trẻ con. Tâm trạng đi câu với bạn trai. Tâm trạng đi câu với bạn gái. Cách câu cá rô. Cách câu cá giếc. Cách câu cá chép. Cách câu cá quả. Mỗi loài cá lại có một loại mồi riêng. Câu ở ao hồ. Câu ở sông. Câu ở suối. Câu ở biển. Câu tay cầm cần giật giật. Câu giầm có người chực. Câu cắm cần hờ bên bờ... Tất cả các cách cũng chỉ một cần câu. Câu ở bãi sông, bãi suối sạch sẽ. Câu trong các khém đá, rễ cây. Câu ban ngày, câu ban đêm... cũng chỉ một cần câu.

 

Thế mới biết nhà văn Trần Thanh Địch rất giàu. Ông có cả một kho tàng vốn sống cực kỳ phong phú. Nhưng tài ba nghệ sĩ của nhà văn Trần Thanh Địch ở chỗ: chỉ với Một cần câu mà múa, mà trình diễn bao nhiêu “động tác”, tình huống, bao nhiêu cảm xúc trên sân khấu văn chương, song không hề trùng lặp, không hề gây nhàm chán. Truyện này gọi truyện khác như một sự liên hoàn. Điểm mạnh nữa trong các sáng tác của nhà văn Trần Thanh Địch không thể không nhắc tới, đó là chất trữ tình, chất thơ, màu sắc và hình ảnh. Trong tập truyện Một cần câu, chất trữ tình, chất thơ, màu sắc, hình ảnh… càng làm đậm nét cái tâm và nhãn quan tác giả!

 

Đúng như người ta từng nói: “ Văn là người”. Con người nhà văn Trần Thanh Địch như văn ông vậy: chân thật, giàu cảm xúc, vui vẻ dễ gần, một chút hóm hỉnh, một chút tinh nghịch hiền lành. Ông sống trung thực, độ lượng, không chấp nhặt trong quan hệ, không khoa trương, xử sự rất “người lớn”- “Đại nhân năng dung nhân chí quá”- người lớn dễ bỏ qua những lỗi lầm của người khác. Nhà văn Trần Thanh Địch rất ham hiểu biết cuộc sống thực tế. Trong những năm tháng chiến tranh phá hoại ác liệt, nhà văn Trần Thanh Địch rất xông xáo, hăng hái đi thực tế: về các hợp tác xã, ra hải đảo, đến các đơn vị chiến đấu. Đặc biệt có chuyến đi thực tế để lại ấn tượng và kỷ niệm rất sâu khắc, khó quên. Đó là chuyến đi thực tế vào giới tuyến tạm thời hồi chiến tranh phá hoại cực kỳ ác liệt.

 

*

Dạo ấy chiến trường miền Nam đang đánh lớn và thắng lớn. Bên bờ bắc sông Hiền Lương, dịch lên mạn rừng một chút, có một trại an dưỡng cho các cán bộ, chiến sĩ chiến đấu bên kia giới tuyến bị thương tích, ốm yếu ra an dưỡng và điều trị. Trong số những người an dưỡng ở đây có cả các em thiếu nhi là dũng sĩ diệt Mỹ hoặc là liên lạc viên. Miền Bắc thì đang bị giặc Mỹ điên cuồng bắn phá ác liệt. Một số anh chị em, trong đó có nhà văn Trần Thanh Địch đi thực tế Vĩnh Linh, ghé vào thăm trại an dưỡng và khai thác tài liệu, gặp gỡ các nhân vật điển hình… Trong trại an dưỡng lúc bấy giờ có bốn em thiếu nhi không phải liên lạc, cũng không phải dũng sĩ diệt Mỹ, rất được các cô chú ở trại yêu mến. Đó là bốn em khoảng mười, mười một tuổi, bên kia giới tuyến rủ nhau vượt sông Hiền Lương ra thăm các cô chú, các bạn đang an dưỡng và thăm miền Bắc! Thật là một chuyện tày trời, có một không hai!

Nghe đồng chí trưởng trại giới thiệu, anh chị em trong đoàn đi thực tế vô cùng sửng sốt. Bốn em chưa qua tuổi thiếu niên, vượt bao đồn bốt giặc đã rất nguy hiểm, lại bơi qua sông Hiền Lương địch tuần phòng nghiêm ngặt, ban đêm đèn pha sáng trưng là thế, để thăm người thân, thăm miền Bắc, thì thật khó tưởng tượng nổi. Bốn em và các anh chị trong đoàn đi thực tế làm quen với nhau rất chóng. Nhà văn Trần Thanh Địch quen thân ngay với bốn em. Các em tò mò hỏi nhà văn về nơi làm việc, chỗ ở. Chiều các em, nhà văn Trần Thanh Địch vui vẻ miêu tả chi tiết... Trên đường về, nhà văn Trần Thanh Địch xúc động nói:

- Ghê gớm thật! Thế này thì miền Nam nhất định thắng, ta nhất định thắng là cái chắc!

 

Dạo ấy Mỹ hạn chế ném bom từ Thanh Hóa trở ra, một số anh chị em biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng về lại Hà Nội làm việc. Một buổi chiều sắp tan tầm, bỗng cô thường trực bước vào phòng, báo:

- Bác Địch có khách! Có bốn cháu miền Nam xin gặp bác!

Nhà văn Trần Thanh Địch sửng sốt. Bốn cháu miền Nam nào? Ông sốt sắng bước ra. Chúng tôi cũng chạy ra theo và cũng vô cùng sửng sốt: bốn em nhỏ vượt tuyến mà đoàn đi thực tế đã gặp ở trại an dưỡng bên bờ Hiền Lương đây sao? Vượt tuyến ra miền Bắc đã là một kỳ công. Từ giới tuyến tạm thời cuốc bộ non nghìn cây số tìm ra Hà Nội trong lúc chiến tranh phá hoại, bom tọa độ dày đặc, đường sá gập ghềnh, cách trở như thế, thì không còn lời nào để ca ngợi, để tán thưởng nữa. Bốn em đã theo chỉ dẫn của nhà văn, ra thăm ông và chúng tôi. Hỏi ra thì được biết các em đã đến nhà ông ở 17B Chợ Hôm, nhưng nhà không có ai, nên lại tìm đến 64 Bà Triệu. Nhà văn Trần Thanh Địch dang rộng hai tay ôm quàng lấy các em. Tôi thấy mắt ông rớm ướt...

 

Nhà văn Trần Thanh Địch cho rằng cuộc đời hạnh phúc nhất của ông là giữ được niềm vui...

 

Nguyễn Quỳnh
Số lần đọc: 3660
Ngày đăng: 16.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vài nét về nữ văn sĩ người Anh vừa đoạt giải Nobel Văn học 2007 - Nguyễn Đại Phượng
Tác giả Người mẹ Bàn Cờ bây giờ ra sao? - Trần Hoàng Nhân
Trịnh Thanh Sơn - người thơ về cõi vĩnh hằng - Chu Thị Thơm
Rồng trong quan niệm Phương Đông và Phương Tây - Bùi Thị Thanh Mai
Giữ cây Ô-liu mãi tươi xanh trong tâm hồn? - Inrasara
Ðiều Kiện Hậu Hiện Đại: Bản Tường Trình Về Tri Thức - Jean-François Lyotard
Mắt xanh trong quản lý văn học nghệ thuật - Lê Đạt
Nhà thơ Quang Dũng: Cẩn tắc vẫn... áy náy! - Phạm Nhật Linh
Về “thị trấn văn chương” - Quang Thiện
Kín mà... hở!? - Tú Ngai