Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.086
123.232.883
 
Cái đuôi
Trần Văn Bạn

“Người có đuôi”, đó là sự kiện nổi bật nhất của năm mà giới báo chí mặc nhiên bầu chọn. Gần hai tháng trôi qua, sự kiện vẫn giữ nguyên tính thời sự. Sự bí ẩn, kỳ lạ của sự kiện đã đánh thức thường trực cái tính tò mò vốn không có giới hạn của con người ta. Lẽ ra, sự kiện “người có đuôi” đã bị người ta nhấn chìm, nếu người có đuôi là một thằng cha căng chú kiết, một thằng khố rách áo ôm, một thằng đầu trộm đuôi cướp nào đó nhưng đằng này, “người có đuôi” lại là một giáo sư, một công dân khả kính, một trí tuệ siêu phàm.

           

Một tờ báo nổi tiếng đã bình luận sự kiện này: “… Đây là một bất công lớn, một trò chơi tai ác của tạo hoá, là sự xúc phạm thô bạo, trắng trợn đến con người, con người với hai chữ viết hoa …”

           

Một hôm, giáo sư T chợt phát hiện ở gần hậu môn, nơi đầu chiếc xương cụt của mình có điều khác lạ. Sau phát hiện đó, suốt ba ngày liền giáo sư luôn cảm thấy khó chịu và giáo sư biết rằng chiếc xương cụt của mình đã có vấn đề. Nhưng nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý cứ trói chặt giáo sư vào công việc. Đến khi giáo sư bứt ra khỏi công việc và nhờ bàn tay y tế can thiệp vào cái vấn đề của chiếc xương cụt thì, ở nơi đó, nơi đầu chiếc xương cụt đã hình thành rõ rệt một khối u. Trước đây, khi giáo sư vừa lọt lòng, bà mẹ ông phát hiện nơi đầu chiếc xương cụt của ông có khúc thịt thừa nho nhỏ. Và cái khúc thịt thừa đó cứ đeo đẳng ông suốt cả thời thơ ấu. Sau đó, không hiểu sao cái khúc thịt thừa ấy tự tiêu biến đi và giáo sư không còn nhớ đến nó nữa. Quả thực đây là một hiện tượng lạ, rất lạ. Vì vậy, các bác sĩ, những thầy thuốc được trau giồi y đức đến mòn đũng quần của cái thời còn ngồi ghế trường y và kể cả sau này, khi đã hành nghề ở bệnh viện, đã không dám khinh suất. Vả lại, họ phải thận trọng với tính mạng của một tài năng. Họ dành nhiều công sức lập ra một “kế hoạch dài hạn” và “hoàn toàn có tính khả thi” để theo dõi chặt chẽ diễn biến của “cái hiện tượng có một không hai” này. Nhưng sự trớ trêu của tạo hoá cứ dai dẳng thách thức trí tuệ con người. Cái khối u bỗng lớn nhanh, cứ như nó muốn trêu ngươi những con người muốn chống lại nó. Chỉ sau một tuần nó đã có dáng dấp, hình thù một cái đuôi.

           

Cái ngày thứ tư, kể từ ngày nằm viện, cái ngày định mệnh hôm đó, giáo sư T ngất đi khi ông đưa tay sờ và phát hiện cái khối u kia những sợi lông mềm bắt đầu nhú ra.

           

“Đây là một cái đuôi, không phải là một khúc thịt thừa”, giáo sư lẩm bẩm trong trạng thái tâm thần hoảng loạn lúc tỉnh lại.

           

Những ngày tiếp theo là cơn vật vã khủng khiếp mà giáo sư phải chịu đựng. Ông cố chống chọi lại với mớ ý nghĩ ảm đạm, nỗi lo âu, phiền muộn được tạo ra từ một trí tuệ siêu việt luôn đầy ắp trong ông, rằng có đuôi là nỗi đau, là sự nhục nhã, là đối tượng để người đời châm chọc, nhạo báng, chế giễu, rằng đó là sự tra tấn, thù địch, phủ nhận bản thân ông …

           

Chính vì lẽ đó, giáo sư vẫn muốn nấn ná ở lại bệnh viện. Ông tin tưởng, dù chỉ là niềm tin mơ hồ, vào khả năng y học. “Còn nước còn tát”, ông nghĩ. Ông sẽ còn ở lại bệnh viện chừng nào những người điều trị cho ông còn chưa phát hiện cái đuôi của ông. Bọn họ thường bảo với ông đó là một cái khối u đang phát triển và ông nghĩ họ chưa phát hiện cái điều ông không muốn và sẽ không bao giờ muốn cho họ biết – cái đuôi.

           

Nhưng sự trì hoãn là có giới hạn. Cái đuôi vẫn lớn nhanh, những sợi lông mềm mại mọc gần như đã bao phủ lớp da. Giáo sư T cấp tốc rời bệnh viện, trở về nhà với quyết tâm “sống để bụng, chết mang theo” cái bí mật kia.

           

Cái ý nghĩ “giáo sư không thể có đuôi” cứ đeo đẳng hành hạ giáo sư, khiến ông muốn phát khóc. Hơn một tuần nằm nhà, giáo sư cảm thấy hết sức tù túng, bực bội. Ông căm giận tất cả. Ông muốn gào thật to cho tất cả bàn dân thiên hạ biết rằng cái đuôi mọc nơi chiếc xương cụt của ông đó là trò chơi bẩn thỉu, là sự bất công, là sự khốn nạn của số phận. Hứng chịu bi kịch này tại sao là ông mà không phải thằng cha nào khác? Hơn sáu tỉ con người tại sao cái bi kịch đó lại chọn chính ông, duy nhất chỉ mình ông? Ông là giáo sư với trí tuệ minh mẫn, với những cống hiến to lớn, ông xứng đáng được thụ hưởng niềm vui cuộc sống? Đằng này, số phận lại đặt ông vào tình thế trớ trêu. Nhưng … đâu hẳn chỉ mình ông? Sao lại chỉ mình ông? Biết đâu đã có hàng triệu triệu thằng đã bị mọc đuôi và chúng cũng đang cố che giấu cái bí mật kia như ông. Chắc chắn phải như thế … Ông, một con người với đầy đủ nghĩa người của nó vẫn bị mọc đuôi thì cái đám người quá nhiều khuyết tật kia không thể không có đuôi. Có thể có thằng đã bị mọc đuôi, có thằng chưa bị mọc nhưng chắc chắn không thằng nào không có đuôi. Nhưng dù thằng nào cũng có đuôi, dù cả bàn dân thiên hạ đều có đuôi, dù hơn sáu tỉ con người trên hành tinh này đều có đuôi thì cái bi kịch ông đang phải hứng chịu không vì thế mà dễ chịu. Ai chia sẻ với ông đây? Mỗi con người là một thế giới tách biệt, một thế giới khép kín. Chỉ mình ông hứng chịu cái bi kịch này mà thôi.

            Hơn nửa tháng, giáo sư T gần như đắm mình trong dòng suy nghĩ miên man. Nhưng rồi nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý lại buộc giáo sư bước đến công sở, trở lại với con người. Ông muốn mượn công việc, sự bận rộn chế ngự nỗi lo đang dằn xé lòng ông.

            Thời gian trôi. Cái đuôi đã phát triển hoàn chỉnh. Nó to và dài, những sợi lông mọc ken dày, trông nó rất giống cái đuôi vượn. Lúc này, cái đuôi không làm giáo sư đau đớn nữa. Đôi khi, nó còn làm ông thích thú. Ông bắt đầu quen dần với cảm giác mềm mại, mát lạnh lan truyền vào bàn tay khi ông đưa tay vuốt dọc chiếc đuôi. Thỉnh thoảng, ngồi một mình trong phòng làm việc của cơ quan, một tay cầm bút hý hoáy viết, tay kia ông lại ngoặt ra sau, nhét sâu vào trong quần, vân vê chiếc đuôi. Về sau, trong tư thế này, chiếc đuôi góp phần hỗ trợ giáo sư tạo ra và gắn kết

một cách lô gic mớ tư duy luôn nảy sinh ngắt quãng và hỗn độn trong ông. Và càng về sau, giáo sư đâm quen: không sờ mó, vuốt ve chiếc đuôi ông gần như không chịu được.

            Thật ra, cái đuôi có cho giáo sư cảm giác thích thú nhưng dẫu sao nó vẫn làm cho ông khổ sở thường xuyên. Sáng nào cũng thế, trước khi đến công sở, giáo sư buộc phải dậy sớm, cuộn tròn “cái của nợ”, bó buộc kỹ lưỡng và ép chặt nó vào bên trên đôi mông. Tuy vậy, với cái sức vóc vâm vấp trẻ trung của nó, những chiếc quần dài đã được giáo sư cho cơi nới hết cỡ vẫn không kham nổi. Bên trong lớp vải, cái đuôi cứ nhô lên muốn thoát ra ngoài. Nhiều lần ngoái cổ nhìn vào chiếc gương đặt phía sau lưng, trông cái khối u bên dưới lớp vải, giáo sư cảm thấy rất chướng. Và ông cảm thấy hình như có một vài thằng chó chết  bắt đầu dòm ngó ông. Điều đó khiến giáo sư T mất hết tự tin khi bước ra ngoài. “Ngộ nhỡ có thằng nào cha nào chơi nghịch đưa tay bóp vào đó thì chết”, ông nghĩ. Nhưng che giấu cái bí mật kia với người ngoài thì giáo sư có thể khắc phục được còn giữ kín chuyện này với người nhà, đặc biệt với bà vợ thì thật là chuyện không thể tưởng tượng được. Khi sinh hoạt trong nhà, chỉ trừ khi ở trong phòng một mình với cánh cửa phòng đóng chặt, giáo sư T luôn phải đóng chiếc quần dài hết sức vướng víu. Trước đây, ở nhà, giáo sư có thói quen để trần và đánh chiếc quần cộc, kể cả lúc ngồi ăn cơm cùng vợ và mấy cô con gái đã đến tuổi cập kê. Nhưng điều khó khăn, vất vả nhất đối với ông vẫn là chuyện ăn nằm với vợ. Từ ngày rời bệnh viện về, viện lý do bận nghiên cứu, công việc bề bộn của cơ quan, muốn được nghỉ ngơi, yên tĩnh để tư duy, giáo sư T cố tránh gặp riêng vợ và hạn chế ăn nằm với vợ bằng cách ông sắp xếp lịch để vợ chồng gặp nhau mỗi tháng một lần vào đêm rằm. Những lần như thế giáo sư chuẩn bị thật kỹ về “vấn đề cái đuôi”, ông buộc nó nằm đúng vị trí nó phải nằm. Nhưng rồi những lần gặp gỡ đó cũng chẳng đi đến đâu. Ông thì muốn cái chuyện đó chóng qua: ông hiểu rằng gần vợ càng lâu thì cái bí mật kia càng dễ bị lộ. Nhưng vợ ông thì cứ muốn kéo dài, kéo dài mãi. Cái sức lực tràn trề ngồn ngộn ở người đàn bà khoẻ mạnh vào tuổi hồi xuân nó cần được giải phóng, cần được tiêu phí một cách hào phóng trong cơn cuồng loạn của các trò chơi xác thịt. Đôi khi cơn hứng khởi bộc phát, bất kể lịch đã sắp xếp, không kiềm chế được lửa tình bà lao thẳng vào phòng ông. Những lúc như thế ông hoảng hồn thu hết sức lực đẩy bà nằm vật ra giường và lủi nhanh vào phòng tắm sắp xếp, bó buộc lại cái đuôi.

           

Song, dù tình huống nào, khi gần gũi vợ, giáo sư cũng đặt vợ nằm bên dưới và dùng đôi tay yếu ớt của mình giữ chặt tay vợ. Ông luôn lo sợ đôi bàn tay táo tợn, mạnh mẽ và nhạy cảm của vợ bứt khỏi tay ông. Lúc trước, khi chưa có cái đuôi chết tiệt kia, lúc âu yếm nhau, trong cơn mê loạn bà có thói quen thường vòng tay siết chặt tấm lưng còm cõi của ông đến ngạt thở và bao giờ cũng thế, khi cái vòng tay kia dường như đã nghiền nát cái vòng ngực ốm yếu, nó háo hức lần xuống phía bên dưới và bóp mạnh đôi mông gần như quắt lại vì đê mê của ông.

           

Có thể nói cái đuôi đã thật sự chi phối công sức, thời gian, trí tuệ và toàn bộ đời sống của giáo sư. Nó xâm phạm nghiêm trọng đời tư của ông. Nó hiển hiện trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ, nó xuất hiện trong từng thời khắc suy nghĩ, trong giờ làm việc, trong lời nói, hơi thở và hành động của ông. Nó trở thành một phần máu thịt, một phần thân thể, một phần đời sống của ông. Phủ nhận sự có mặt của nó thật là chuyện không thể làm được. Những ngày tháng qua giáo sư đã làm một cuộc hành trình vật vã chống chọi lại cái điều mà ông biết sớm muộn gì ông cũng thất bại. Đó quả là sự tra tấn khủng khiếp mà con người trần thế như ông phải chịu. Tuy vậy, giáo sư đã làm bất cứ việc gì ông có thể làm được để che giấu cái bí mật kia. Thế mà … không hiểu tại sao cái bí mật kia lại bị phanh phui và bị tương lên mặt báo.

           

Ngày cái tin “người có đuôi” xuất hiện trên mặt báo là ngày dài nhất, khủng khiếp nhất trong đời giáo sư. Ông như bị đánh gục hoàn toàn. Tinh thần và thể xác ông rệu rã, như vỡ ra từng mảnh. Ông nhìn thấy địa ngục. Và trong cái khoảnh khắc định mệnh ấy, cái khoảnh khắc bất chợt, duy nhất xảy ra trong đời một con người, ông ý thức được rằng địa ngục trần gian khủng khiếp, tàn bạo gấp ngàn vạn lần địa ngục âm phủ. Từng đoàn, từng đoàn nhà báo, hàng vạn con người như âm binh, như “cô hồn các bác” lũ lượt kéo đến tìm ông. Ông có cảm tưởng như cả bàn dân thiên hạ, hơn sáu tỉ con người ở cái thế giới sống này đề đổ xô tìm ông. Ho sục sạo vào khắp mọi nơi, vào bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào có dấu vết của ông để lại. Họ rình rập, chực chờ vồ chụp lấy ông. Họ quay phim, ghi hình bất cứ cái gì họ có thể ghi được và họ chất vấn ông, người nhà của ông, chất vấn những người có liên quan với ông, chất vấn những điều hết sức vớ vẩn. Đặc biệt, họ nhìn ông cứ như nhìn một con vật. Ông xua đuổi, mạt sát họ nhưng mọi nỗ lực của ông, của vợ và hai cô con gái, những trợ thủ đắc lực của ông đều không kết quả. Họ táo tợn, lì lợm tràn về nhà ông như nước lũ. Và thế là ông làm một cuộc trốn chạy. Ông lên rừng, xuống biển, qua sa mạc, đến thảo nguyên, về nông thôn, trà trộn trong đám thị dân thành phố … Nhưng làm sao có thể trốn chạy an toàn trong cái hành tinh vốn bé nhỏ nhưng đầy ắp con người này? Cái đám đông chết tiệt kia cứ quyết tâm rượt đuổi, vây bắt ông đến cùng. Sau cuộc trốn chạy không thành, giáo sư buộc lòng trở về nhà, đóng chặt cửa ở lì trong phòng, từ chối mọi cuộc tiếp xúc, kể cả tiếp xúc với vợ con. Đã hơn một tuần giáo sư thức trắng để đối diện với chính mình. Ông biết rằng ông đang bị tù ngục và ông cũng biết rằng không có sự ân xá, không có sự tha thứ của tạo hoá. Tạo hoá nghiệt ngã và không phải lúc nào cũng công bằng trong các trò chơi – mà chỉ có sự giải thoát ở chính bản thân ông.

           

Một buổi sáng, như thường lệ, bà T đặt các thức điểm tâm qua cửa sổ và khẽ gọi chồng. Im lặng. Bà làu bàu bỏ đi. Thời gian trôi. Người đàn bà linh cảm dường như trong cái im lặng kia có sự khác thường. Bà đập cửa gọi lớn, vẫn không có lời đáp lại. Bà đập và gọi lên hồi, vẫn chỉ là im lặng. Người đàn bà hô hoán trong cơn hoảng hốt. Người ta ra sức phá cánh cửa phòng đang khoá chặt. Một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mặt họ. Giáo sư nằm nghiêng trên giường, giá lạnh, khuôn mặt quắt lại, tay bấu chặt vào chiếc chiếu, trên người chỉ mặc độc chiếc  áo. Đầu kia, trên nền gạch hoa, chiếc đuôi như đuôi vượn nằm cong queo bên cạnh vũng máu đã xỉn màu và quánh lại.

 

Liên kết các tình tiết, người ta biết rằng trong nỗ lực cắt bỏ chiếc đuôi, lúc hấp hối, giáo sư T đã trải qua cơn vật vã đau đớn ghê gớm. Và cuối cùng người ta cũng hiểu ra rằng giáo sư tự giải thoát, đó là giải pháp cuối cùng.

Trần Văn Bạn
Số lần đọc: 2475
Ngày đăng: 20.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hạt cát - Lương Minh Vũ
Luận ngữ cải biên-1 - Nguyễn Hồ
Pugur - Trần hữu Lục
Truông xa xào xạc - Hoa Ngõ Hạnh
In-ca đã bay tới mặt trời - Lê Hoài Lương
Tấm thiếp cưới - Nguyễn Văn Hoa
Đoàn tàu xanh - Đào Bá Đoàn
Không xe hoa không xe tang - Lê Vũ
Nỗi buồn của…… - Lê Minh Tú
Ngày nắng - Trần Lệ Thường
Cùng một tác giả
Thế giới mùi vị (truyện ngắn)
Lửa (truyện ngắn)
Về một sự thật (truyện ngắn)
Cái đuôi (truyện ngắn)
Tái sinh (truyện ngắn)
Điều con muốn biết (truyện ngắn)
Lưỡng tính (truyện ngắn)
Bảy sắc cầu vồng (truyện ngắn)
Khuôn mặt phòng họp (truyện ngắn)
Lụt (truyện ngắn)
Một vụ hiếp dâm 2 (truyện ngắn)
Một vụ hiếp dâm 1 (truyện ngắn)
Thây ma (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Ông Già và Con Ngựa (truyện ngắn)
Khâu miệng (truyện ngắn)
Án văn (truyện ngắn)
Dao và thớt (truyện ngắn)