Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.213
123.206.657
 
VĂN CHƯƠNG TP. HỒ CHÍ MINH THỜI HẬU ĐỔI MỚI, KHỞI ĐẦU CHO MỘT KHỞI ĐẦU
Inrasara

Nhìn qua lăng kính thơ ca.

 

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Đời sống Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh thời kì hội nhập” tại TP Hồ Chí Minh, 16.10.2007.

 

Một hiện tượng xã hội hay văn chương bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở.

 

I. Hậu hiện đại và hậu đổi mới

1. Thời kì đổi mới và thơ đổi mới:

Thơ đổi mới khởi đầu cùng thời với thời kì đổi mới, nghĩa là từ khoảng năm 1985. Mở cửa – các nhà thơ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo. Họ biết không còn có thể viết như trước. Họ cần làm mới, thức nhận rằng mình phải khác. Phải mang trách nhiệm người viết của thế hệ, của thời đại.

Nhưng mới, khác thế nào?

Tự do –  họ bơi vô căn trong nỗ lực tìm đường, đối mặt với nỗi cô đơn cùng tận trước trang giấy trắng. Sức ép đè nặng lên họ. Họ biết mình phải nỗ lực lớn, gần như bất khả vượt. Thật vậy, trên bước đường, có không ít nhà thơ tài năng đã bỏ cuộc. Trong đó có kẻ về hưu non, số còn lại tạm náu thân chốn báo chí hoặc cứ viết tới như thể “thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”. Nhưng giữa khí quyển văn chương đó, số ít đã đứng vững. Tiếp tục sáng tạo trong cô độc và bất trắc. Bao nhiêu tác phẩm thơ ra đời, sau tháng ngày hoài thai và nung nấu. Với bao nhiêu tên tuổi. Người ta vội đặt cho nó cái tên: thế hệ gạch nối, thế hệ đệm,… và bao nhiêu hạn từ phái sinh nhợt nhạt khác. Dẫu là thế hệ thơ có một định phận kì lạ, họ đã thổi làn gió mới vào khí hậu thơ Việt Nam.

Nó đã thổi như thế suốt 15 năm…cho đến khi Internet xuất hiện, thì thơ Việt Nam mới dịch chuyển theo hướng khác hẳn!

 

2. Hậu đổi mới và hậu hiện đại

a. Hậu đổi mới

Chuyển hướng, khi các Website văn chương cấp tập ra đời, cả trong lẫn ngoài nước: Tienve.org (từ đầu năm 2002), Evan (từ năm 2004 đến năm 2005, sau đó chuyển thành báo đưa tin là chính), Vannghesongcuulong.org (từ 2004, năm 2007 đổi tên là Vanchuongviet.org), Damau.org (từ cuối năm 2006),…Tạm lấy mốc: 2001 để vạch một đường biên, dẫu mờ.

 

Khi người viết trẻ học được cái khác lạ với những gì họ từng được dạy tại Đại học; kĩ thuật vi tính phát triển làm bùng nổ thông tin, thêm lưng vốn ngoại ngữ, họ cơ hội tiếp cận trào lưu văn chương thế giới trùng điệp nẩy nở, lớn mạnh và tàn lụi; khi được mở mắt, mở trí và mở hồn, thế hệ trẻ (không riêng gì Việt Nam) hết còn tin vào các giá trị mới hôm qua ông bà chú bác họ từng tin và cật lực xây dựng, bảo vệ. Ảo tưởng cũ đã mất, các nhà thơ thế hệ mới không còn tin thơ ca của hôm qua! Đây là thời văn chương [của sự] cạn kiệt (the Literature of Exhaustion, chữ dùng của J. Barth) [ít ra, với văn chương Việt Nam], dù người viết ý thức hay không, mỗi văn bản sáng tác chỉ như một “tấm khảm của những trích dẫn” (mosaic of quotations); nhiều/ít, đậm/nhạt,… Nên, thật ngây ngô khi mãi hôm nay có người còn tự huyễn: độc sáng. Nhà văn luôn viết trong tâm thế vướng kẹt. Rộng ra thế giới, người viết trẻ đụng bao nhiêu là trào lưu như cuộn sóng vỗ bờ rồi tan mất. Tất cả thủ pháp hầu như đều bị/được các tên tuổi lớn vắt cạn.

Các nhà thơ trẻ viết gì và viết thế nào, gần mươi năm qua? Tân hình thức rồi hậu hiện đại với nhóm Mở Miệng, và cả nhóm Ngựa Trời sáng tác theo xu hướng nữ quyền luận nữa!

 

b. Theo bước chân hậu hiện đại

Vào thập niên 60 của thế kỉ trước, các nghệ sĩ và giới trí thức áp dụng rộng rãi tại New York khuynh hướng hậu hiện đại. Sau đó hậu hiện đại được các lí thuyết gia châu Âu triển khai vào thập niên 70. Đến đầu những năm 80 hậu hiện đại như là một lí thuyết, mới ra đời tại Pháp; rồi du nhập trở lại vào Hoa Kì để tạo thành một trào lưu tác động rộng rãi đến nhiều lãnh vực: văn học - nghệ thuật, chính trị - xã hội,… Nó nhanh chóng bắt tay với người anh em như hậu cấu trúc luận, nữ quyền luận và đặc biệt, hậu thực dân luận, lan ra khắp thế giới. Từ châu Âu, châu Úc cho đến châu Mĩ Latin và cả châu Á: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,…

 

Tại Hoa Kì, năm 1994, trong lúc tổng kết một giai đoạn thơ, P. Hoover mạnh dạn tuyên bố: “Thơ hậu hiện đại là thơ tiên vệ (avant-garde) của thời đại chúng ta”, chính nó trao cơ hội cho Mĩ có được “nền thơ dũng cảm nhất của mình”; thì ở Nga, “chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành một hiện tượng sống động duy nhất trong tiến trình văn học” (V. Kuritzyn, 1992). Vào đầu những năm 80, nó như một cơn sốt. Cơn sốt lại bùng lên vào cuối những năm 80 rồi chuyển sang Trung quốc. Năm 1994, “Hội thảo khoa học quốc tế văn học đương đại Trung quốc và văn hóa hậu hiện đại” lần đầu tiên khai mạc tại Bắc Kinh càng làm cho chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành “điểm nóng” trên văn đàn (Hoàng Vĩ Tông, 1998), và cả trong giới đại học. Tự giác hay không tư giác, ở mức độ khác nhau, các nhà thơ thuộc Thế hệ thứ ba như: Đảo Tử, Bách Hoa, Dâu Dương Giang Nam, Mạnh Lãng, Chu Luân Hựu,…đều tiếp thu lí luận và khuynh hướng sáng tác hậu hiện đại.

Trên thế giới, các tên tuổi nhà văn lẫy lừng là đại biểu hậu hiện đại chủ nghĩa: G. Márquez, I. Calvino, U. Eco,.. Trong đó lực lượng tác giả xuất thân từ các quốc gia thuộc Thế giới Thứ ba góp mặt đông đảo: J. Cortázar và M. Puig (Argentina), J. M. Coetzee (Nam Phi), M. V. Llosa và A. Echenique (Peru), C. Fuentes (Mexico), N. Farah (Somalia), A. Khatibi và T. Ben Jelloun (Moroc), v.v....

 

Như vậy, thời kì hậu đổi mới của Việt Nam muộn gần nửa thế kỉ so với thời kì hậu hiện đại (Post-modern age, Postmodernity) bên phương Tây, và thơ hậu đổi mới của ta cũng chậm mất 30 năm so với văn chương hậu hiện đại thế giới(2). Nghĩa là ta luôn làm kẻ trễ tàu! Biết thế, các nhà phê bình và dịch thuật đã kịp giới thiệu lí thuyết văn nghệ này đến với người đọc(3). Vậy mà, mãi đến hôm nay, đại đa số văn nghệ sĩ ta do thiếu thông tin hay cố chấp, vẫn còn dị ứng với/sợ hãi cái “từ” hậu hiện đại, tân hình thức,… Nghe nói và, hãi! Từ thành phần thủ cựu đến kẻ [tự nhận] cách tân, thế hệ đổi mới hay các cây bút trẻ, nhà phê bình cho đến người sáng tác,…

Tìm hiểu các trào lưu văn chương này cùng các thủ pháp nghệ thuật của chúng, vừa giúp người đọc hiểu biết phong trào văn nghệ tiên tiến trên thế giới bên cạnh nhận diện văn nghệ đương đại trong nước: sáng tác, phê bình, sinh hoạt hội nhóm, … Nhận diện như chúng là thế mà không thiên kiến, là khởi đầu cho kiểm kê, trang bị và sẵn sàng lên đường khai phá trở lại. Đưa văn chương Việt Nam nhập vào dòng chảy văn chương thế giới, qua đó nó giành được tiếng nói nhất định.

 

II. Văn chương hậu đổi mới: các trào lưu

1. Phong trào tân hình thức Việt

Khi khả tính của thơ tự do đã bị khai thác cạn kiệt, ngôn ngữ thơ rơi vào sự tù túng, khó hiểu; thơ ngày càng tự đóng khung mình trong mấy nhóm thơ nhỏ hẹp, các nhà thơ Mĩ vào những năm 80 muốn đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ bằng cách dùng lại các thể thơ truyền thống, mong cứu vãn thơ trong tình trạng người đọc thơ càng ngày càng quay lưng lại với thơ, đã hình thành một trào lưu mới: Thơ tân hình thức (New Formalism Poetry).

 

Hình thành tự phát với vài nhà thơ tham gia, sau đó nó thu hút được nhiều người, để đến thập niên 1990, tân hình thức trở thành một phong trào. Phong trào đánh dấu mốc quan trọng bằng tuyển tập 25 nhà thơ tân hình thức: Những thiên thần nổi loạn (Rebel Angels) vào năm 1996.

 

“Thơ tân hình thức Việt là một hành trình khác. Thơ tân hình thức Việt khởi đầu với tiểu luận: “Chú Giải Về Thơ Tân Hình Thức” lôi cuốn theo 11 nhà thơ đến với thể loại này. Trong thực hành là sự tiếp nhận thể thơ không vần của thơ tiếng Anh. Nó đã sử dụng hai yếu tố tối ưu của thơ và tối kỵ đối với văn xuôi: vắt dòng và lập lại. Nếu thể thơ không vần với kỹ thuật vắt dòng, chỉ là hình thức, không phải nội dung, là phương tiện nối kết với mọi thế hệ, thì ngôn ngữ đời thường và tính truyện lại là những yếu tố hoàn toàn khác hẳn thơ vần điệu và tự do. Ngôn ngữ đời thường là những câu nói của những người bình thường, dung dị, trực tiếp. Khác với thơ vần và tự do là loại ngôn ngữ bóng bảy, trừu tượng hay khó hiểu. Yếu tố thứ ba, quan trọng đặc biệt cho thơ, nhất là thơ Việt, là nhịp điệu”(4).

 

Từ số Mùa Xuân vào năm đầu tiên của thiên kỉ mới, tạp chí Thơ do nhà thơ Khế Iêm và Ban chủ trương đã giới thiệu với độc giả các tiểu luận quan trọng và các bài thơ mang tính thực hành. Của Phan Tấn Hải, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lưu Hy Lạc, Nguyễn Tất Độ, Giảng Anh Iên…Sau đó không bao lâu, hàng loạt tên tuổi nhà thơ Sài Gòn tiếp nhận lí thuyết tân hình thức và áp dụng: Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Inrasara, Lý Đợi, Bùi Chát,…Rồi năm 2003, Đoàn Minh Hải cho xuất bản tập thơ tân hình thức Việt đầu tiên: Đại nguyện của đá, in photocopy. Không lâu sau đó, tập thơ in chung: Thơ tân hình thức ra mắt “công chúng” thơ dưới dạng này. Nghĩa là tất cả sáng tác phẩm của phong trào “ngoại nhập” mãi sống trôi giạt ngoài sương gió văn đàn hôm nay. Phải đợi đến năm 2006, Inrasara với tập thơ: Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức in tại NXB Hội Nhà văn, thơ tân hình thức Việt mới có mặt trong dòng chính lưu. Nhưng nó cứ bị nhìn một cách đầy nghi kị. Tại sao?

 

Chúng ta nặng mặc cảm cái gì đến từ phương Tây là phản truyền thống. Thậm vô lí! Cứ xem tân hình thức Việt cũng đủ biết. Thủ pháp chủ yếu của tân hình thức là tái sử dụng đủ các thể thơ truyền thống Việt: từ năm, bảy chữ cho đến tận lục bát. Nghĩa là: cứ muốn đậm đà bản sắc! “Tân Hình Thức là một cuộc hòa điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và tự do, giữa nhiều nền văn hóa khác biệt, và ở phần sâu xa hơn, hóa giải những mầm mối phân tranh đã ăn sâu vào kí ức, chẳng phải của một dân tộc mà của cả nhân loại từ hàng trăm năm trước. Chúng ta với thời gian hơn một phần tư thế kỉ, có may mắn cận kề và học hỏi những cái hay của nền văn hóa bao quanh, áp dụng những yếu tố thích hợp vào ngôn ngữ, để làm giàu cho nền thơ Việt(5). Ít ra đó là ý hướng của người chủ trương. Còn nhà thơ vận dụng nó và thành công tới đâu thì còn tùy tài năng của họ nữa. Dẫu sao, hai tuyển tập vừa xuất bản, cũng khá ấn tượng: Wordbridge - The Magazine of Literature and Literature in Translation, Issue7, Autumn 2005; Thơ không vần - Blank Verse, An Anthology of Vietnamese New Formalism Poetry, Hoa Kì, 2006.

 

2. Hậu hiện đại (Postmodernism) và nhóm Mở Miệng

a. Tinh thần sáng tạo hậu hiện đại(6)

Chủ nghĩa hiện đại đặt Lí tính như một thứ quyền uy duy nhất phán xét cho những gì nó coi là Sự thật để làm nền tảng cho hệ thống tri thức, đã thực sự phá sản. Vài gắng gượng mang ảo tưởng khôi phục trật tự đều vô ích và bất khả. Các nhà hậu hiện đại nhận thức rằng mọi hệ quy chiếu đều phiến diện và đầy áp đặt, bạo động. Con người bất tín vào đấng tối cao [đủ loại đấng tối cao], bất tín hệ thống [triết học hay ý thức hệ chính trị], bất tín ngay cả nhận thức của chính mình. Trước đó, các nghệ sĩ hiện sinh dấn thân đến tuyệt vọng tìm cách chinh phục thực tại như thực, đưa con người trở lại là mình – bất lực! “Hậu hiện đại tháo gỡ vấn đề tha hóa bằng cách tháo gỡ luôn hiện thực” (M. Epstein, 2000), để cái lâu nay chúng ta tưởng là hiện thực lộ nguyên hình là hiện thực giả. Xã hội hậu hiện đại không có bản gốc, chỉ toàn bản sao, là vậy. Tri thức chỉ còn là một trò chơi ngôn ngữ, không hơn không kém. Trong khi “bản chất của ngôn ngữ là dối trá”. Ngôn ngữ sa đọa kéo con người rơi vào vùng xoáy dối trá vô tận của nó. Bùng nổ thông tin – thế giới hậu hiện đại trở thành một thứ thế giới phi trung tâm, hỗn độn và bất khả nhận thức. Khi mọi trung tâm không chắc chắn, không còn con đường nào khác, chúng ta phải học chấp nhận bản chất thế giới là hỗn mang (A. Wilde, 1981).

 

Chìm ngập giữa cõi hỗn mang đó, nhà văn hậu hiện đại làm gì? Họ “không than khóc cho tư tưởng về tình trạng phân mảnh, tạm bợ hay rã đám, mà lại tán dương chúng. Thế giới vô nghĩa ư? Vậy thì đừng giả vờ là nghệ thuật có thể tạo ra ý nghĩa ở đó, hãy chơi với cái vô nghĩa” (M. Klages).

 

Đối mặt với hiện thực thậm phồn này(7), nhà văn hậu hiện đại viết như thế nào?

Tái sử dụng là sáng tạo. Phỏng nhại (pastiche), châm biếm (irony), nhại giễu (parody), lắp ghép ngẫu nhiên (collage),… là sáng tạo. Tất tần tật cái trên trần đời này đều có thể trở hành chất liệu cho nhà văn sử dụng. Xoá bỏ mọi trung tâm và giải-khu biệt hoá (de-differentiation): cao hay thấp cấp, cũ/mới, thanh cao/dơ bẩn, đặc tuyển/đại chúng…chủ nghĩa hậu hiện đại đang mở ra một khả thể vô hạn cho nhà văn trong nền văn chương của sự đầy tràn (the Literature of Replenishment, J. Barth, 1980). Cảm thức như thế, mang tinh thần sáng tạo như thế, nhà văn hậu hiện đại “trong hiện trạng của mình không tránh khỏi vai trò kẻ ngoài lề nổi loạn, bởi luôn “bài bác” những khuôn sáo tư duy, những quan điểm đã được thừa nhận của thời đại mình” (I. P. Ilin, 1996).

 

b. Thơ hậu hiện đại Việt

Có thể nói, Bùi Giáng là nhà thơ đầu tiên sáng tác theo cảm thức hậu hiện đại(8), hoặc gần như thế. Sáng tác của ông giai đoạn sau, nhất là các bài thơ mà tỉ lệ từ Hán Việt lấn át. Có khi bài thơ chỉ là một chuỗi liên hệ âm, thanh, vần, phép nói lái trong ngôn ngữ nối tiếp hoặc chồng chéo lên nhau, lồng vào nhau như thể một ma trận chữ vô nghĩa; rồi cả chuỗi hình ảnh, ý nghĩ dẫm đạp lên nhau, xô đẩy, nhảy cóc rối tù mù. Bùi Thy Sỹ điên chữ là vậy. Tất cả nói lên điều gì? Ngôn ngữ không thể khám phá ra cái gì cả! Và làm thơ như thể là một nhập cuộc vào trò đùa bất tận, trò đùa qua/trong/với sự bất lực đến tận cùng của ngôn ngữ. Ở đó, thi sĩ phó thác mình cho ngôn ngữ thao túng, dồi tung.

 

Cho nên, đọc Bùi Giáng, dù ông bàn chuyện nghiêm túc, nghiêm trọng chúng ta cứ như thấy ông đang bỡn cợt; hoặc cho dù ông đang buồn bã ủ dột, người đọc vẫn cứ cảm thấy vui. Bùi Giáng luôn biết nói điều hệ trọng bằng một lối khinh khoái nhẹ nhàng. Một Lão niên Thy sỹ vui vẻ, như ông tự nhận! Đó là một trong những thái độ căn bản của nghệ sĩ hậu hiện đại.

 

Trở lại với hiện trạng về nhìn nhận thơ của sinh hoạt văn học hiện thời. Bởi chưa tiếp cận hệ mĩ học của trào lưu văn nghệ này, nên giới chữ nghĩa ta cứ giật mình thột mỗi khi nhắc đến hậu hiện đại. Từ đó các sáng tác mang yếu tố hậu hiện đại không thể mon men gần chứ chưa nói nhập dòng chính lưu. Tôi nói: thơ hậu hiện đại chứ không là nhà thơ hậu hiện đại. Bởi một nhà thơ có thể đăng, in sáng tác chính thống (phi-hậu hiện đại) ở các loại báo chính lưu, nhưng với các bài thơ hậu hiện đại của chính mình thì - không! Cũng có nhóm thơ hay các cá nhân nhà thơ tự/bị đặt mình vào tư thế của kẻ sáng tác ngoài lề, thế đối trọng với các quan điểm được thừa nhận của người cùng thời, cách quyết liệt. Như là định mệnh của người nghệ sĩ hậu hiện đại.

 

b. Nhóm Mở Miệng

Nhóm Mở Miệng cùng với Phan Bá Thọ không là đại diện duy nhất cho thơ hậu hiện đại Việt, nhưng chính các thi sĩ này sử sụng thuần thục hơn cả thủ pháp hậu hiện đại trong các sáng tác của họ.

 

Họ là ai? Là Phan Bá Thọ. Là Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán. 4 sinh viên tốt nghiệp, ra trường vô công rỗi nghề trong giai đoạn thơ Việt đang kì ảm đạm, “có mặt bằng nhưng chưa có đỉnh cao”, như chúng ta từng dễ dãi nhận định. Họ tự cho mình [vô] trách nhiệm với nền thơ nước nhà, cấp kì lập ra Nhóm Mở Miệng, trưng bảng nhà xuất bản Giấy vụn và, tuyên xưng! Thế là hàng loạt tập thơ in photocopy chào đời.

“Có một nhóm sáng tác trẻ tự xuất bản những tác phẩm của họ dưới dạng photocopy, và coi đó như văn bản chính thức. Họ rảo bước qua những đường phố Sài Gòn, những quán cà phê, quán thịt chó, ngày và đêm, ánh đèn, xe cộ, bụi và tiếng ồn... Họ làm thơ. Rồi cả truyện, tiểu thuyết, tiểu luận, trình diễn, sắp đặt, nghệ thuật ý niệm (conceptual art), nghệ thuật thị giác (visual art)... và, họ tuyên ngôn. Tự xếp mình, đúng hơn là tự xem mình nằm trong các trào lưu tiền phong, chẳng hạn như hậu hiện đại, họ đẩy thơ vào “ngõ cụt”, chiếu bí người đọc bằng ý thức đổi mới ngôn ngữ. Họ sẵn sàng thách thức những người làm thơ khác về tính chuyên nghiệp, tính học thuật trong thơ; nhất là, như họ nói thẳng thắn, với lớp nhà thơ bảo thủ, không chịu rời bỏ những sở trường của mình. Và tất nhiên, họ chấp nhận bị thách thức”(9)

Đó là báo Evan xét nét họ. Còn họ tự nhìn nhận mình như thế nào?

In roneo hay photo là một cách thức không có gì mới, nhưng in và quan niệm nó như văn bản chính thức của tác phẩm thì ít người làm như thế (…) [nó] đã bắt đầu mở ra những thể nghiệm thiên về nghệ thuật (…) Ban đầu, việc in photo này được xem là một kiểu làm dáng về hình thức, nhưng càng về sau nó càng tỏ ra hữu dụng và tác động được đến cách nghĩ của người sáng tác, nhất là trong giới trẻ”.

Tinh thần truyền thống không xem đó là văn bản chính thức của tác phẩm đúng nghĩa. Thì họ có cho họ làm thơ bao giờ đâu! “Chúng tôi không làm thơ”. Họ tuyên bố khắp nơi. Ở Evan, Tienve.org, Tapchitho.org,.. và cả trên trang báo chính quy của Hội Nhà văn Việt Nam nữa!(10)

 

Tin ngắn hay bức thư tình, bài thơ cũ hay mẩu quảng cáo sản phẩm mới,…cũng có thể trở thành chất liệu cho các nhà thơ hậu hiện đại sử dụng. Mọi thủ pháp đều được phép. Cắt dán “Thời hoa đỏ” của Thanh Tùng, Bùi Chát chỉ cần vào cái nhan đề, thêm một chữ vào cuối mỗi câu thơ để thành sáng tác mới: Thời hoa đỏ lè! Hoặc anh vô tư bê nguyên xi bài thơ “Bài mùa thu” khá nổi tiếng của Phan Nhiên Hạo, gõ một câu/vài âm Hu… hu…hu ..vào cuối bài, là xong bài thơ.

Về ngôn ngữ, nhóm thơ này dùng lời nói hàng ngày, hơn nữa – tầng lớp dưới đáy xã hội. Lượm nhặt ngẫu hứng bất chợt, không qua sàng lọc, lựa chữ của ý thức “sáng tạo”. Chẳng có từ nào gọi là thô thiển hay sang trọng, dơ hay sạch, xấu hay đẹp ở đây. Tất cả đều bình đẳng trong ý thức/vô thức của người viết. Chúng hiện hữu trong cuộc sống, và thi sĩ xử sự bình đẳng với chúng. Bình đẳng cả lối phát âm địa phương bị cho là ngọng với lối phát chuẩn.

 

Đó là thứ thơ-hàng tiêu dùng. Đề cập các vấn đề thường nhật: cơm áo gạo tiền với cái lo lắng, ưu tư mang tính cá thể, đơn lẻ, vụn vặt, nhà thơ hậu hiện đại xóa bỏ khoảng cách phân ranh giới thơ cao cấp và thơ thấp cấp. Thơ ca không còn là món trang trí cho vua chúa hay giới quý tộc như nó đã từng gánh vác suốt hành lịch quỵ lụy của nó. Hôm nay, nó cũng/càng không chỉ dành cho giới hàn lâm, đại học hay thành phần trí thức bày biện nơi salon sang trọng. Họ quyết trả nhà thơ về vạch xuất phát: là kẻ hát rong, đem câu chuyện đời thường đi hát-kể khắp ngõ thôn, góc phố. Và, thơ không là gì hơn những lời hát rong ấy. Là món hàng, đứng không cao hay thấp hơn bao thứ hàng hóa khác, trong đời sống hiện đại. Đây là thái độ thơ tương hợp với xã hội tiêu thụ (consumer society): làm, có ngay, xài liền rồi, …quên. Bất cần sự vĩnh cửu, từ chối mang ảo tưởng tác phẩm sống sót sau khi tác giả chết đi.

 

Có thể các sáng tác hậu hiện đại tạo cảm giác cho người đọc rằng chúng chỉ là thử nghiệm dị hợm, phá phách nhí nhố. Cũng có thể lắm thế hệ nhà thơ hậu hiện đại hôm nay chưa nẩy nòi ra “tác giả” tài năng để tạo ra “tác phẩm” lớn. Nhưng không sao! Sự xuất hiện của nó buộc chúng ta nhìn lại quan điểm về thơ. Thay đổi quan điểm mĩ học về thơ, nó đòi hỏi lề thói phê bình thơ cũng phải thay đổi. Có thể nói, Mở Miệng là hiện tượng độc đáo của văn học hậu đổi mới.

 

Nhưng gì thì gì, một thái độ quá khích bất kì đến lúc nào đó, cũng cần tự đặt giới hạn cho mình, nếu không muốn …đi vào ngõ cụt mới. Trong sáng tác thơ, chối bỏ ngôn ngữ chợ búa đời thường, thô thiển hay “dơ dáy”, “tục tĩu”, chúng ta chỉ biểu lộ thái độ trịch thượng với ngôn ngữ, thậm phi lí và vô ích. Ngôn ngữ văn học không cần thiết phải đóng cứng trong một số quy ước quẩn quanh với mớ chữ nghĩa cao quý, phân biệt đối xử với ngôn từ bị coi là húy kị. Càng không nên xẻ ranh giữa ngôn ngữ văn chương với ngôn ngữ phi văn chương. Mỗi thời đại, thậm chí mỗi thế hệ đòi hỏi một số hạn từ khác cho văn thơ. Thế nhưng, nếu cứ mỗi trang đều đầy rẫy từ “thô tục” thì chúng thành bão hòa: phản kháng tốt lành phần đầu của thi sĩ thành phản tác dụng nơi khúc đuôi: nó gây phản cảm nơi thẩm mĩ người đọc. Cho nên, dù Mở Miệng đóng góp vào kho tàng văn chương Việt lượng ngôn từ mới đáng kể nhưng, nếu các bạn từ chối vốn từ cao sang, ngôn ngữ thơ của thi sĩ trẻ sẽ nghèo nàn biết bao. Vô hình trung ta tự buộc tay chân mình, chặt gẫy đôi cánh chưa có gì là khỏe khoắn của mình, cuối cùng tự rơi vào thế bí hệt thế hệ hôm qua, nhưng ở chiều ngược lại: đối xử phân biệt với ngôn từ quý phái! Hoặc nếu có cắt dán thì chơi vài “Thời hoa đỏ lè”, hay “Mùa thu hu hu hu” thì được, còn cứ thoải mái hu hu hu thì còn đâu sáng tác cổ điển cho chúng đỏ lè hay đỏ hoe nữa! Trống trơn cái kho rồi còn gì?

Và, điều cốt tủy: khủng hoảng vẫn hoàn khủng hoảng, vì nếu mãi ở lại với giải quyết ức chế xã hội, tuổi trẻ phản ứng và chỉ biết phản ứng, sức sáng tạo sẽ trì trệ, từ đó thơ mất khả tính khai phá và thăng hoa. Khủng hoảng lẩn quẩn mãi trong vòng bế tắc nghề nghiệp với phản kháng mang tính cục bộ, nhất thời, không hứa hẹn được đẩy tới cấp độ cao hơn. Thì làm thế nào tư tưởng chúng ta có thể lớn? Nền thơ tiếng Việt có thể lớn?(11)

 

3. Nhóm Ngựa Trời và cuộc cách mạng nữ quyền dang dở

a. Phong trào nữ quyền

Phát biểu của S. de Beauvoir: “Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ / On ne nait pas femme, on le devient” (Le deuxième Sexe, 1949) dẫu được trích đi dẫn lại đến sáo nhàm, nhưng đến hôm nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Từ xuất phát điểm đó, gần hai thập kỉ sau, R. Stoller dấn thêm bước mới: phân định rạch ròi hai khái niệm giống và giới tính (Sex and Gender: On the Development of Masculinity and Femininity, 1968); hay nói như Dr. H. Benjamin: Giống (sexe) là điều ta thấy, giới tính (genre) là điều ta cảm thấy (Le sexe, c'est ce que l'on voit, le genre, c'est ce que l'on ressent). Giống là của trời cho, gắn liền với các đặc điểm sinh lí; còn giới tính bị quy định triền phược bởi truyền thống văn hóa, tập tục, giáo dục, tôn giáo, chính trị,…nghĩa là toàn bộ những gì ta cảm thấy qua cách nhìn nhận của cá nhân hay tập thể về tính cách nữ/nam. Giống không thể thay đổi, còn giới tính thì có thể. Cái gì có thể thay đổi được thì sẽ thay đổi được. Chính tại điểm nhấn này, các nhà đấu tranh cho nữ quyền thế hệ thứ hai lập thuyết.

Sang thập niên 80, ảnh hưởng chủ nghĩa hậu hiện đại, thế hệ nữ quyền luận thứ ba đẩy tư tưởng nữ quyền tiến thêm một bước quan trọng: vấn đề giới tính thực chất là vấn đề thể hiện. Và cả vấn đề ngôn ngữ nữa; bởi ngôn ngữ hôm nay chỉ là thứ ngôn ngữ do nam giới áp đặt trong đó hầu hết những gì liên quan đến nữ giới đành phải nhận phận hậu tố tòng thuộc hay như phái sinh đầy thứ yếu. Các nhà đấu tranh cho bình đẳng giới từ chối đóng vai tòng thuộc đó. Không phải đảo ngược hay nổi dậy hô hào lật đổ: phụ nữ quan trọng hơn đàn ông, nữ quyền thay thế nam quyền, mẫu hệ đảo chính phụ hệ,…mà là, đạp đổ bức vách ngăn vô hình phi lí đầy tệ hại tồn tại suốt lịch sử nhân loại. Bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó sáng tác và phê bình văn chương có vai trò nhất định.

 

Trên thế giới, nhất là trong các nước phương Tây không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng Mạnh, giới nữ đã khẳng định vai trò và tư thế mình trong xã hội dân chủ: từ nguyên thủ quốc gia cho đến nhà hoạt động hòa bình, từ nhà khoa học cho đến tác gia văn chương, …đâu đâu cũng có khuôn mặt nổi bật. Không phải do cơ cấu mà ở ý thức tự do, bình đẳng và nỗ lực vận động tự thân. Bà Mahatma Gandhi, Marie Curie hay Szymborska,… Họ có đó, không như vài hiện tượng hiếm hoi nữa mà đã thành phổ quát. Trong trào lưu mang tính toàn cầu đó, các nhà văn nữ Việt Nam đứng ở đâu?

 

Nhìn lui, ta có được tấm gương sáng: Hồ Xuân Hương. Trong xã hội bị thống ngự bởi giống đực, viết thơ thôi cũng bị coi là hành vi xúc xiểm rồi, nói chi dùng văn chương để kêu ca về thân phận hèn kém của phụ nữ, hơn nữa phản kháng sự đè ép đầy bất công mà chế độ phụ hệ áp đặt lên phía giới chân yếu tay mềm. Phản kháng ngang tàng oanh liệt, bà chịu nhận cái nhìn dè bỉu hay bị phê phán gay gắt của dư luận là khó tránh khỏi; thế nhưng đó là thứ tư duy mang ở tự thân khả tính cách mạng. Nó vừa chuẩn bị bên cạnh, như báo hiệu trào lưu nữ quyền trong văn chương Việt một ngày không xa.

 

Ở miền Nam trước 1975, những Lệ Hằng, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Túy Hồng,  … đã tự khẳng định với tư cách nhà văn đồng thời qua quan điểm về tính dục phi-truyền thống, họ đã nói lên được sự bất mãn tính dục của chị em trong xã hội bị áp chế bởi thứ chủ nghĩa duy dương vật (phallocentrism). Sau đó, một Lê Thị Huệ viết để chống lại cơ chế xã hội được tạo dựng bởi chế độ đực tính qua hàng loạt kí sự hoặc, một Phạm Thị Hoài phê phán kịch liệt “tư cách trí thức [đàn ông] Việt Nam” trong suốt quá trình lịch sử. Là những vùng vẫy đáng trân trọng. Ở một chân trời khác, Trịnh T. Minh-hà là nhà nữ quyền hậu hiện đại sáng giá, “chị được cộng đồng mỹ thuật quốc tế công nhận như một nghệ sĩ thay vì như một “người Việt Nam” hay “một phụ nữ” (….). Chị đạt được nó vì những ý tưởng “là người Việt Nam” và “là đàn bà”, dù được chị trình bày thẳng thắn và thường xuyên, đã chỉ tồn tại như những đề tài trong nghệ thuật của chị và đã không che khuất cái độc đáo của nghệ thuật của chị”(12).

 

Còn hôm nay thì sao? Nhà thơ nữ Việt giai đoạn qua đứng ở đâu trong hành lịch văn chương và xã hội đầy biến động?

 

b. Nhóm Ngựa Trời

Các bạn thơ nữ thời đại toàn cầu hóa không kiêng nể bất kì cái gì, sex hay không sex, bản năng hay không bản năng, truyền thống với định kiến xã hội: bất chấp tất! Họ thể hiện mình, phơi mở và phô bày cái Tôi chủ quan, không che giấu. Không cần qua trung gian ẩn dụ hay nhờ cậy sự đánh tráo của ngôn ngữ để gợi mà, trực tiếp, đẩy tới, nâng cao, phóng đại. Từ tâm tình, thái độ hay cả hành cử của thân xác trong sinh hoạt dục tính. Tất cả đều được phép, giấy phép họ tự ban cho mình.

 

Cùng thế hệ Tú Trinh, Ngô Thị Hạnh, Nhật Quỳnh… nhưng Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Khương Hà Bùi,… hết còn nền nếp khép mình trong khuôn phép. Nếu lãng mạn - trữ tình của thế hệ hậu đổi mới còn muốn giữ lại cọng hành an toàn, những buông thả mang tính bản năng còn cuộn mình trong kén ý định, thì lãng mạn của cư dân mạng đã khác hẳn. Đây là thế hệ say đắm yêu, nhưng say đắm với con mắt mở lớn đầy ý thức, từ/qua ý thức đòi hỏi bình đẳng giới tuyệt đối.

 

Thanh Xuân: “Tôi đi bằng những bức họa ở EL     rời khỏi bầy đàn             âm thầm như cơn bão” (“Bão cấp”, Evan). Tôi thực sự thích phát biểu này, và chờ cơn bão tới. Thế nhưng, phát ngôn chỉ là những phát ngôn, dẫu chúng táo bạo hay táo tợn đến đâu đi nữa. Đầy cảm tính, chúng ta hay nhầm lẫn lối phát ngôn ngổ ngáo hay gân guốc với sự cách tân thơ! Nhầm lẫn kéo dài gần mươi năm qua, từ thuở hiện tượng thơ trẻ xuất hiện và gây ồn ào, nỗi nhầm lẫn mãi hôm nay vẫn còn chưa có dấu hiệu ngưng lại! Câu hỏi đặt ra: Đây là một khủng hoảng bởi ức chế xã hội hay chỉ thuần bế tắc mang tính thi pháp? Hoặc, tệ hơn: nó chỉ là một cách làm dáng, thời thượng? Bởi không ít người, mượn cớ cách tân, đã sa bước và chìm nghỉm trong cõi hỗn mang của trùng trùng lối viết mà không tự biết, hoặc biết, nhưng tự đánh lừa. Nói cách khác: không nhập cuộc chịu chơi mà bị lôi cuốn vào cuộc chơi, nên chẳng khám phá được gì. Để cuối cùng tự đánh mất mình và đánh mất luôn sự liên lạc với thế giới xung quanh.

 

Thế là họ lên ­đường “đi tìm mình”. Cuộc lên đường tấp nập, nhộn nhịp. Như một tập thể lớn, vừa cố tạo lối đi riêng đồng thời rất sợ cô đơn trong cái mới của thế hệ. Thế là, họ dẫm đạp lên nhau! Do lười lao động nghệ thuật, cái mới rất dễ “lừa mị” người đọc rằng nó độc đáo, khi nó chỉ lo “khác cái cũ” thôi mà bỏ qua không tính tới công đoạn “khác chính nó”. Đó là sự hời hợt và đồng bộ trong cái mới [hay cái ra vẻ mới] hôm nay.

 

Thời đại hôm nay không chấp nhận sự đồng bộ trong lối nghĩ/lối sống, không chịu vong thân giữa cộng đồng bầy đàn như đã. Là ý hướng tốt. Nhưng đó là nói chuyện đời; còn trong thơ thì khác. Khác hay là chết! Bạn phải nỗ lực khai phá tìm tòi thi ảnh lạ, tứ thơ mới. Hoặc, ví có xài hàng cũ, thì thái độ ứng xử với chúng phải khác, trên tinh thần khác: đùa xíu chẳng hạn; chứ tôi thấy các bạn vẫn còn nghiêm nghị căng thẳng bật máu quá xá! Nếu không, vô hình trung các bạn rập khuôn người đi trước và, rập khuôn bạn thơ ở ngay thế hệ mình!

Sau Dự báo phi thời tiết, tập thơ đáng được nghiên cứu cả về khía cạnh văn chương lẫn xã hội, ngoài một Lynh Bacardi có nỗ lực mới, riêng, Ngựa Trời như đang chững lại. Sự thể tạo cho người đọc một sự hẫng!(13)

 

c. …và nỗ lực cắt đuôi hậu tố “nữ”

“Thật nguy hiểm cho nhà văn nào khi viết lại nghĩ về giới tính của mình”Virginia Woolf.

 

Tôi không nói sáng tác của nhóm Ngựa Trời chủ yếu mang tư tưởng nữ quyền. Không thể gán điều thiên hạ không [muốn] mang vác để nhận định về vụ vắng mặt đó. Nhưng nghệ sĩ sáng tạo phải vượt qua nỗi “chấp” (ngã chấp và xã hội-chấp) và vượt bỏ chính sự vượt qua đó, để LÀ sinh thể tự do và tự tại. Ngựa Trời và cả vài khuôn mặt thơ nữ Hà Nội trước đó, đã không đi tới tận cùng nữ quyền luận (feminism) trong sáng tác văn chương. Trong lúc thời hiện đại dành cho họ cơ hội lớn. Bao nhiêu người nữ ý thức sâu thẳm và mãnh liệt rằng mình là một nửa nhân loại. Chính họ đã và đang góp phần tạo nên lịch sử thế giới. Chứ không bị đẩy ra bên mép rìa xã hội hay đứng ngoài lề văn học như đã từng nữa. Trong văn học nghệ thuật, chủ nghĩa Hậu hiện đại chủ trương giải-khu biệt hoá (de-differentiation) và phi tâm hoá (de-centring), dẫu trung tâm đó đó là Âu Mĩ nay hay Trung hoa xưa; ở đây là vị thế đàn ông trong văn hóa phụ hệ, đã tạo đà cho nhà văn nữ tự tin dấn tới.

Nhưng tại sao cuộc cách tân [mạng] của phong trào thơ nữ bất thành, và đã chịu dừng lại ở một dang dở đáng tiếc? Không phải họ thiếu tài năng mà, đơn giản: họ không lập ngôn, không biết tuyên ngôn cho phong trào, thậm chí không hình thành một nhóm cố kết (dẫu ngắn hạn) – là hai trong bốn yếu tố tạo nên cuộc cách mạng văn nghệ –, như Sáng Tạo nửa thế kỉ trước hay Mở Miệng cùng thời. Còn quá đậm đặc ở đó khí hậu thơ hậu-lãng mạn, thiếu một khai phá thi pháp mới,…

 

Sơ kết: Có thể nói suốt lịch sử văn học Việt Nam, chưa có thời kì nào và ở đâu trong thời gian ngắn lại xuất hiện các phong trào thơ ồn ào, sôi động, cấp tập và bề bộn đến thế? Không đâu cả! Chúng chỉ nẩy nở và phát triển phồn thịnh tại đất Sài Gòn. Dù Mở Miệng có bị dị nghị hay tập thơ đầu tiên và duy nhất của Ngựa Trời bị thu hồi, hoặc tân hình thức lẫn hậu hiện đại chưa có đất đứng trong dòng chảy văn học chính lưu,… các phong trào văn chương này đã có mặt, vận dụng mọi phương tiện để đưa sản phẩm văn chương mình đến với người đọc, dù phải chịu thân phận [bị coi là] ngoại vi. Một nỗ lực rất đáng trân trọng.

Chớ vội cho sản phẩm đó nhếch nhác, dị mọ. Các phong trào văn chương này đang đi – thế thôi! Sự đi này có thể rơi vào đường cùng, nhưng chính thất bại của họ là bài học đáng giá, chứ không phải thành công của kẻ đi theo lối mòn. Kinh nghiệm đọc của Nguyễn Hiến Lê dành cho nhóm Sáng Tạo rất đáng làm bài học:

“Còn khối Sáng Tạo, do một nhóm nhà văn trẻ ở Bắc di cư vào lập nhóm, và họ muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ kiến thức, tài năng,… mà càng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách báo ngoại quốc và đã trở lại lối viết của Tự lực Văn đoàn trước kia, mà người cầm đầu Sáng Tạo - Mai Thảo - lại có bút pháp cầu kỳ “làm duyên, làm dáng” không hợp thời chút nào, chính bọn họ cũng không theo. Rốt cuộc chẳng được tiếng vang nào cả”(14)

Như thế, không nên và, không thể cản trở các phong trào văn chương. Ở thời đại bùng nổ thông tin này, thái độ đó càng nên tránh.

 

III. Lối thoát nào cho văn chương hôm nay?

1. Internet.

Được khởi động trước đó gần mươi năm, sang thế kỉ XXI, mạng thông tin toàn cầu làm thay đổi thế giới. Riêng lĩnh vực văn học, Internet đã thay đổi cách viết – công bố – đọc – nghĩ – cảm của kẻ sáng tác lẫn người đọc. Đến nỗi, người nào không biết Internet, dễ lạc hậu và lạc thời! Không Internet, người viết hôm nay sẽ rớt lại phía sau thế giới; không Internet, các sáng tác thuộc các trào lưu của mấy trăm tác giả trẻ không cơ hội ra đời. Không thể chối cãi: số lượng người in sáng tác và đọc trên mạng là rất lớn, vượt trội so với văn chương giấy. Và, ngày càng tăng. Khi Website cá nhân rồi Blog ồ ạt ra đời, số lượng người truy cập chắc chắn đạt con số khổng lồ. Đó là hiện thực hôm nay. Vậy mà Hội Nhà văn thành phố mãi đến lúc này vẫn chưa có Website riêng!

 

Việt Nam qua ngàn năm sống trong nền văn chương bình dân (truyền miệng), và chỉ mới trải qua chưa đầy trăm năm văn học chữ quốc ngữ (văn chương giấy), nên khi đối mặt với màn hình, họ dị ứng thì không lạ. Chẳng những coi văn chương trên mạng là phi chính thống hay không chính danh, không ít thành phần cả tác giả lẫn người đọc còn cho nó không phải LÀ tác phẩm nữa kia! Đó đích thị là thái độ bảo thủ, lạc thời. Chính thống hay không chẳng liên quan gì đến phẩm chất đích thực của văn học cả. Có thể gọi đó là khái niệm giả. Đặc điểm hậu hiện đại là tinh thần giải-trung tâm hay phi tâm hóa, trong đó Internet đóng vai trò lớn, như một phương tiện hữu hiệu.

 

Trong tương lai, chắc chắn hai hình thức văn chương giấy và văn chương mạng này cùng sống và hỗ trợ nhau(15).

 

2. Bàn tròn Văn chương và nhu cầu nhóm hội

Đã có không gian bao la là Internet để đăng tải các sáng tác, nhưng việc nhóm hội vẫn cần thiết. Không mãi cứ chờ cơ quan chức năng là Hội Nhà văn mở hội thảo, hội nghị; thời gian qua, không ít nhà văn nhà thơ tự xoay sở hoặc kết hợp với các câu lạc bộ tổ chức buổi ra mắt sách xôm trò. Từ đầu năm 2007, Hội đồng Anh (British Council) cũng nhập cuộc bằng chương trình Càphê văn học xôm tụ. Nhưng có lẽ nhộn nhịp và đều đặn hơn cả là chương trình Bàn tròn văn chương của Ban công tác nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, tại Tp.HCM.

 

Bàn tròn văn chương cần có mặt. “Tại sao giới văn nghệ sĩ thích chòm nhóm; chòm nhóm để nói về mọi chuyện trên đời: từ chuyện phòng the anh em cho đến chính trị quốc tế, chuyện ăn nhậu sắp tới cho đến vụ án vừa xảy ra tối qua,… ngoại trừ chính công việc mình đang làm: tác giả và tác phẩm? Ví có bàn về tác phẩm, chúng ta chỉ khoanh vùng và nói theo quan hệ quen biết, theo cảm tình nên quá ư là cảm tính; hoặc thậm chí chúng ta có thể tham gia góp lời, săng sái nữa là khác, trong khi chưa bao giờ đọc tác phẩm!? Còn nếu có nói về tác giả, chúng ta chỉ tán cái ngoài rìa: về giai thoại vặt của nhà thơ này hay đời tư sôi động gay cấn của nhà văn nọ, chẳng hạn? Vân vân,... Để cuối cùng không làm gì cả! Tại sao nhà văn nhà thơ hôm nay không thể ngồi lại với nhau – cũng chòm nhóm, nhưng chòm nhóm kiểu khác – để tán về tác phẩm, tác giả, đề tài hoặc về khía cạnh nào đó liên quan đến văn chương đương đại - tránh thói ngồi lê đôi mách, rất nhảm?”(16)

 

Mỗi tháng một lần, sau bảy kì Bàn tròn văn chương chòm nhóm phiêu lãng nhưng không thiếu chất chuyên nghiệp. Nó thu hút được đa thành phần: nhà văn nhà thơ có thẻ hay chưa có thẻ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà nghiên cứu, nhà báo, cả các nhà chưa rõ chất nhà; đa lứa tuổi, từ 22 đến 74 tuổi; đa khu vực: từ Bình Dương, Vũng Tàu, Hà Nội, Sài Gòn,… và nhất là đa xu hướng sáng tác, đã chịu ngồi lại với nhau. Vui vẻ, bình đẳng và sôi nổi trao đổi. Là một điểm son đáng ghi nhận. Tiếc rằng, sau kì thứ bảy, BTVC đã tắc mạch.

Vậy đâu là lối thoát [hướng mở] cho hình thức sinh hoạt văn học thích đáng này?

 

3. Nhà phê bình ở đâu?

Sáng tác và sinh hoạt sôi động là thế, phê bình đứng ở đâu?

Sài Gòn vài năm qua vắng bóng nhà phê bình, hoàn toàn không có tiếng nói của phê bình trên diễn đàn văn học. Hà Nội có nhà phê bình báo chí: Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hòa,…nhà phê bình thực hành với Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thanh Sơn,… Rồi Văn Giá, Hoài Nam,…TP Hồ Chí Minh – không! Tạp chí Văn đình bản ba năm qua, báo Văn nghệ thành phố thì phập phù.

 

Phê bình hôm nay thiếu tư tưởng nên mãi ăn theo sáng tác, chịu phận làm nô bộc cung cúc tận tụy cho sáng tác. Từ đó ta hay có lối phát biểu khá lạc hậu là: bởi chưa có sáng tác hay nên nền phê bình ta dậm chân tại chỗ. Nói phê bình ăn theo sáng tác là chưa rốt ráo. Phê bình vẫn có khả năng gợi mở, thậm chí – dẫn đạo sáng tác, nếu đó là phê bình lý thuyết. Tiếc là loại phê bình này chưa có mặt ở Việt Nam. Một hình thức phê bình mang tính tư tưởng sẵn sàng đánh đổ và cho lưu kho các hệ thẩm mĩ từng thống ngự nền văn học trước đó, một phê bình ý hướng quy phạm hóa cái đẹp mới, nó mang ở tự thân khả tính làm thay đổi và mở rộng cách đọc và nhìn nhận của chúng ta về văn học. Phê bình như thế làm chùn bước các nhà phê bình ngoan cố trụ lại nơi căn cứ địa thẩm mĩ lỗi thời, gây bất an cho những người viết còn ẩn nấp trong túp lều quan niệm sáng tạo cũ.

 

Ở thành phố ta đang sống hôm nay, cả ba dạng phê bình trên đều thiếu, thiếu lớn.

Vài năm qua, tôi thử “lập biên bản” các sự biến văn chương (thơ là chính) đang xảy ra. Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay một chân lí đinh đóng hoặc cái đẹp vĩnh cửu. Cũng không từ lập trường văn học trung tâm, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Tôi đã cố giữ nguyên hiện trường như thế với nhóm Mở Miệng, với tân hình thức Việt và các tác giả ý hướng cách tân đơn lẻ khác. Chưa hẳn đồng tình với các quan điểm ấy, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là thế. Nhưng các bài phê bình kia có xuất hiện ở bất kì tờ báo nào tại Sài Gòn không? Hoàn toàn không.

Vậy đâu là đất cho phê bình?

 

IV. Tạm kết

Thơ truyền thống với mĩ học truyền thống – không vấn đề gì cả. Thái độ giữ kho cũng không phải là không cần thiết. Nhưng cần thiết hơn cả vẫn là tinh thần và hành động dứt áo lên đường khai phá vùng đất mới. Nhất là ở lãnh vực văn học nghệ thuật. Đóng góp vào kho tàng văn học dân tộc phải là sáng tác phẩm mới lạ hơn, độc đáo hơn.

 

Bảy năm sau thời kì hậu đổi mới, văn chương TP Hồ Chí Minh chỉ tính riêng thể loại thơ, đã có vài bước đột phá táo bạo. Sẵn sàng mở ra nhiều hướng mới mẻ, chưa từng có trước đó, hứa hẹn nhiều thành quả tốt đẹp. Dù chúng mang tên trào lưu hậu hiện đại hay tân hình thức, dù nhóm thơ đó là Mở Miệng hay Ngựa Trời, và cho dù tất cả chúng chưa có thành tựu lớn như độc giả đòi hỏi, nhưng chính trào lưu và nhóm thơ này đã mang một luồng khí mới khác, dũng mãnh thổi vào khí hậu văn học Việt Nam hôm nay.

 

Nhưng nhìn tới nhìn lui, thành phố gần mười triệu dân này vẫn chưa có đất cho phê bình, thậm chí không có nhà phê bình để giới thiệu, tôn vinh hay “uốn nắn” chúng, Hội Nhà văn thành phố còn chưa tạo nổi Website riêng, rồi cả Bàn tròn Văn chương mới o oe mở mắt chào đời chưa tròn năm đang nguy cơ rã đám.

Thì làm gì văn chương Sài thành cơ hội vươn vai lớn dậy?

 

Sài Gòn, 20.09.2007.

_________________

Chú thích:

* Tham luận có sử dụng lại vài đoạn trong một số tiểu luận trước đó của tác giả.

 

(1) Văn học hậu hiện đại thế giới, 2 tâp: Những vấn đề lí thuyết và Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới,, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.

(2) Thời kì hậu hiện đại được đánh dấu mốc bằng hai tác phẩm: Bernard Rosenberg (Mass Culture) và Peter Drucker (The Landmarks of Tomorrow) cùng xuất bản vào năm 1957; và năm 1972 là mốc thời gian đánh dấu chủ nghĩa hậu hiện đại như một trào lưu văn hóa, khi khối nhà cao tầng thiết kế kiểu nhà đô thị tại thành phố St.Louis (bang Missouri) bị giật sập cùng hệ quả dây chuyền là hàng loạt cao ốc kiến trúc đồng dạng bị phá huỷ tại Mĩ và nhiều nước châu Âu.

(3) Về hậu hiện đại, có thể đọc: Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, California: Văn Nghệ, Hoa Kì, 2002; Nguyễn Hưng quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000; Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.

 (4) Khế Iêm, “Câu chuyện không vần kể lại” Thư gửi nhà thơ Inrasara, tháng 07.2007. Về Tân hình thức, tham khảo thêm: Khế Iêm, Tân hình thức: Tứ khúc và những tiểu luận khác, Văn mới, Hoa Kì, 2003; Tạp chí Thơ (Hoa Kì), từ số Mùa Xuân 2000; Website Thotanhinhthuc.org.

(5) Tạp chí Thơ, số 20, Hoa Kì, 2001, tr. 75.

(6) Tổng hợp từ các tác phẩm: Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, California: Văn Nghệ, Hoa Kì, 2002; Nguyễn Hưng quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000; Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2003; Fredric Jameson, Postmodernism. or, the Culture Logic of Late Capitalism, Durham: Duke University Press, 1993.

(7) “Hiện thực thậm phồn” là từ do hoàng Ngọc-Tuấn dịch từ “hyper-reality”.

(8) Xem thêm bài: “Thái độ hậu hiện đại trong thơ Bùi Giáng”, Hoàng Ngọc-Tuấn, Tienve.org.

(9) Evan.vnexpress.net, 2004. Cũng xin lưu ý là, tất cả trích dẫn được ghi chú từ Evan Evan của năm 2004, chứ không phải sau đó. Vì từ 2005, Website này đã xóa hầu hết sáng tác mang tính cách tân và “ngoại vi”.

(10) Lý Đợi, “Điểm tâm tính danh – hay thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI”, báo Thơ số 4, tháng 10.2003.

(11)  Về Mở Miệng, đọc thêm: “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Tham luận tại Đại hội Hội Nhà văn Tp.HCM, tháng 03.2005.

(12) Hoàng Ngọc-Tuấn, Birgit Hussfeld, Bàn tròn Talawas “Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?”, Talawas.org, 25.10.2002.

(13) Về Ngựa Trời, đọc thêm: Inrasara, “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’”, Tạp chí Nhà văn, tháng 03.2007.

(14) Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn học, tr. 419.

(15) Xem thêm: Inrasara, “Văn chương mạng”, Tạp chí Tia sáng, số 09, 05.05.2007.

(16)  Inrasara, “Bàn tròn văn chương qua ba kì phiêu lãng”, báo Văn nghệ, số 48, 02.12.2006.


Inrasara
Số lần đọc: 3797
Ngày đăng: 21.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tác phẩm văn chương như một sinh thể tinh thần - Phạm Quang Trung
Rất cần một hệ thống lý luận văn chương dành cho nhà văn - Phạm Quang Trung
Thơ hậu đổi mới,và…đang khủng hoảng - Inrasara
Về một đặc trưng của trường ca qua “NGƯỜI CÙNG THỜI” của MAI VĂN PHẤN - Phạm Quang Trung
Về những cuốn tiểu thuyết “khó đọc” - Hào Vũ
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)