Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.066
123.234.245
 
Ân hận
Nguyễn Tiến Lợi

- Này! Bắt lấy! Đưa cho chú Đại!

Từ trên mái hiên tây bố gọi xuống, Quỳnh vừa ngước mắt lên, thì bó dây thừng đã rơi trùm lên vai. Mẹ thường bảo bố là người hậu đậu, nhưng hôm nay thì khác, đến Quỳnh cầm được bó dây rồi mà vẫn đứng ngây ra, nghe chú Đại nhắc, Quỳnh mới vội chạy sang đưa cho chú.

Mờ sáng vừa ngủ dậy, Quỳnh đã thấy anh Cường lái xe đưa bố từ đâu về, bố uể oải bước vào nhà quẳng cái cặp da lên nóc tủ, thay bộ com-lê xộc xệch bằng bộ quần áo thường. Ngay sau đó có chiếc xe công nông chở bàn ghế, phông bạt đến như thể nhà sắp làm đám cưới. Với nét mặt buồn bã bố nói với Quỳnh:

- Anh Quân mất rồi con ạ.

- Sao lại mất ạ! - Quỳnh ngơ ngác.

- Đêm qua anh con đèo bạn đi chơi bị tai nạn giao thông.

Thì ra là sắp làm đám ma. Lúc đó có tiếng mẹ gào khóc từ ngoài ngõ:

- ới con ơi, là con...! Sao con vội bỏ mẹ mà đi... hu... hu hu... Trời ơi là trời... Con ơi là con... hu hu...

Bác Liễu và dì Hân dìu mẹ vào phòng trong, chắc là mẹ từ bệnh viện về, Quỳnh đỡ mẹ nằm xuống giường, lấy khăn lau nước mắt và mồ hôi trên mặt, trên cổ. Kêu khóc một hồi rồi mẹ lịm đi.

Có tiếng ô tô ngoài ngõ, Quỳnh nhìn qua cửa sổ, đó là một chiếc xe cứu thương, trên nóc có gắn đèn tín hiệu mầu đỏ đã tắt. Mấy người khệ nệ khiêng chiếc quan tài vào để ngay ngắn giữa nhà. Tự nhiên sống mũi Quỳnh cay cay, Quỳnh chạy ra sân muốn khóc thật to, nhưng trong không khí tĩnh lặng Quỳnh chỉ dám sụt sịt. Mọi người kéo đến đông, không ồn ào, ai vào việc nấy. Bố lấy thang leo lên mái hiên cùng các chú căng bạt, chẳng mấy chốc tấm bạt mầu xanh đã che kín sân, trùm lên cả mấy cây na trước cửa. Các cô, các chị, người thì kê bàn ghế, người thì bày ấm chén. Bên bụi chuối bác Lục và cậu út đang bện rơm, khoanh tròn, quấn chặt bằng những sợi dây chuối, chắc là để đội lên đầu. Trong nhà mấy cô đang cắt vải xô khâu thành những chiếc áo tang, cả khăn nữa, quần thì cắt bằng vải trắng, loại vải dệt bằng tay, không được trắng cho lắm, tiếng xé vải soàn soạt nghe rợn cả gáy. ở góc sân chú Hậu, Phó Văn phòng sở đang loay hoay chỉnh bộ âm ly, tiếng a lô phát ra khàn khàn từ trên cành nhãn. Bác Giám đốc sở đi ra đi vào, chốc chốc lại gọi điện thoại di động, Quỳnh nghe câu được câu mất: "Cứ ghi là tai nạn rủi ro... Rồi, không, bỏ chữ hưởng thọ đi... Rồi, bỏ cả trưởng nam nữa. Rồi, thay mặt gia đình. Rồi, bố là... mẹ là... cùng các em kính báo. Rồi, đưa sang đài truyền hình đề nghị họ phát ngay cho. Rồi, thế nhé!".

Khoảng 8 giờ sáng mọi việc đã chuẩn bị xong. Tiếng chú Hậu trên loa: "Ban tang lễ và gia đình thương tiếc kính báo: Anh Bùi Minh Quân, sinh năm..." Bỗng tai Quỳnh ù đặc không nghe thấy gì nữa, Quỳnh chạy thẳng vào nhà ôm chặt lấy dì Hân. Mẹ Quỳnh nằm co quắp quay mặt vào tường, thi thoảng lại nấc lên, hai tay đập xuống giường yếu ớt. Quỳnh khóc rưng rức, nước mắt, mồ hôi ướt đẫm vạt áo. Thế là Quỳnh mất anh Quân thật rồi!

   Tiếng chú Hậu bắt đầu giới thiệu từng đoàn người vào viếng. Những vòng hoa trắng lần lượt được đặt vào vị trí trang trọng, rồi lại được chuyển sang đầu hồi nhường chỗ cho vòng hoa khác. Độ mươi mười lăm phút tiếng loa lại thông báo về cái chết của anh Quân, mà sao chú Hậu cứ nhắc đi nhắc lại đến hàng chục lần thế nhỉ? Những người ở xa thì đã biết nên họ mới đến viếng, còn những người ở gần thì từ sáng đến giờ nghe rát cả lỗ tai, vậy mà chú ấy cứ nhắc mãi, nhắc nhiều đến nỗi Quỳnh thuộc cả đoạn thông báo ấy, nghe nẫu cả ruột. Nhưng Quỳnh cứ băn khoăn tại sao lại là "tai nạn rủi ro"? Quỳnh nghe bác Liễu nói với dì Hân: "Bọn chúng rủ nhau đua xe, hai đứa đèo nhau, đâm vào cột mốc bên lề đường lúc hai giờ sáng." Lạ thật anh ấy đi đua xe làm gì không biết? Hồi ở nhà, tối nào ăn cơm xong anh ấy cũng học bài, có đi chơi đêm bao giờ đâu. Mới lên ở với bố trên thị xã để đi học được hơn một năm mà đã... Cũng chỉ tại bố cứ hay chiều anh ấy. Quỳnh thấy ít khi bố từ chối những yêu cầu của anh Quân. Bố thường bảo: "Cứ học cho giỏi vào, muốn gì bố cho". Mà anh ấy có được điểm khá bao giờ đâu, nói gì đến giỏi. Còn Quỳnh năm nào cũng được công nhận học sinh giỏi, Quỳnh có đòi hỏi gì đâu, hay là Quỳnh còn bé chưa có nhu cầu ăn diện, bé gì, Quỳnh đã học lớp bảy rồi. Từ ngày bố Quỳnh lên Phó Giám đốc sở, phải xa nhà, thứ bảy, chủ nhật về thì lại hay có khách, ít khi hỏi han đến việc học tập của Quỳnh. Tiết kiệm mãi bố Quỳnh mua được chiếc xe máy, còn mẹ và anh em Quỳnh thì đi xe đạp. Thế mà anh Quân không biết thương bố mẹ, cứ hay xin tiền, đóng học thì chẳng nói làm gì, đằng này xin tiền chi tiêu vào những việc không đâu. Có lần Quỳnh nghe bố nói với mẹ là anh Quân phải chi nhiều thứ lắm: Nào là tiền đóng quỹ lớp, quỹ đoàn; tiền đóng học thêm các môn còn yếu; rồi tiền họp lớp, mà lớp anh ấy suốt ngày gặp nhau sao lại phải đóng tiền họp lớp? Rồi tiền mua quà đi sinh nhật bạn, sinh nhật gì mà liên tục thế không biết? Có thể bố biết anh Quân bịa ra các lý do để xin tiền, nhưng bố lại cưng chiều con trai, nên không bao giờ từ chối, mỗi lần cho tiền bố chỉ nói: "Tiết kiệm thôi con!". Thành ra lương của bố hàng tháng chỉ đủ chi tiêu trên thị xã.

Anh Quân bảo ở trên ấy bố bận công tác lắm, cứ đi suốt, có khi tiếp khách cả buổi tối. Còn anh ấy thì ăn cơm với bạn, hoặc ăn ngoài quán, ăn xong là đi chơi luôn. Quỳnh nghĩ đi chơi nhiều như thế học dốt là phải. Hình như anh Quân còn dính vào cả ma tuý nữa. Tuần trước về Quỳnh thấy anh Quân ngáp liên tục lúc chập tối, tưởng anh ấy buồn ngủ, sau đó lại xin tiền mẹ nói là trả nợ bạn, mà xin mẹ những 150.000 đồng, nợ gì mà nhiều thế nhỉ? Lúc đầu mẹ không cho, nhưng anh ấy năn nỉ bằng được. Hồi năm ngoái Quỳnh nghe chị Tổng phụ trách đội nói trong buổi tuyên truyền về phòng chống ma tuý là: Những người nghiện ma tuý thường khéo mồm lắm, nịnh nọt, bịa ra nhiều lý do để xin tiền bố mẹ. Quỳnh liên hệ đến anh trai mình quả đúng thật. Hôm ấy anh Quân đi chơi khuya lắm, lúc về không thấy buồn ngủ nữa, đúng là anh ấy nói dối mẹ để đi tiêm chích ma tuý rồi. Lại còn chuyện chơi điện tử nữa, anh ấy bảo bây giờ  trên thị xã có nhiều trò chơi "máu" lắm, không chỉ có "chát chít" như trước đây. Những trò chơi đó anh Quân gọi là "Gêm ôn lai". Không biết trong ấy có gì mà anh ấy bảo là chơi khoái lắm, thì trò chơi nào mà chả khoái. Cứ nhìn nét mặt anh ấy, Quỳnh đoán được là những trò chơi đó phải cực kỳ hấp dẫn, anh Quân còn bảo đã chơi là không thể bỏ được, chơi cả ngày, cả đêm, không ăn uống, ngủ nghỉ gì. Quỳnh nhớ một lần anh Quân khoe với Quỳnh về chiến tích đạt được trong một trận chơi, anh ấy chơi liên tục hai ngày liền. Quỳnh thắc mắc:

- Anh lấy đâu tiền mà chơi lâu thế?

Quân đáp:

- Rẻ thôi, mua hai thẻ chơi một trăm giờ mà chỉ có sáu mươi nghìn đồng.

- Trong ấy có những trò chơi gì? - Quỳnh hỏi. Như được khích lệ, Quân kể một mạch:

- "Gêm ôn lai" có rất nhiều trò chơi như: "Cứu công chúa" này, "MU" này, "Game Khan", "Xứng danh anh hùng" này, nhiều lắm, nhưng anh khoái nhất là "Võ lâm truyền kỳ". Phải nói là trò chơi này hay đến mức trên cả tuyệt vời. Anh có thể tung hoành ngang dọc trong ấy, giết thú, luyện công đến hàng chục cấp, nhưng mà khó lên cấp lắm, thằng Lực bạn anh luyện công cấp chín mươi trong ba ngày mà chỉ được có mười hai phần trăm, nó còn nhờ bác chủ đại lý pha cho bát mì tôm, vừa ăn, vừa giết trâu, giết khỉ, nhặt tiền mua nhẫn, mua giày để tăng công lực, có lúc nó dính đòn đau quá kêu như cha chết.

- Em chả hiểu gì cả! Ngồi trước màn hình chứ có đánh nhau thật đâu mà đau được? - Quỳnh hỏi chen vào.

- Em đúng là. Mà thôi! Để anh giải thích. - Quân tiếp tục kể - Bắt đầu vào, mình nhập vai từ khi sinh ra ở một xóm nhỏ Ba Lăng cách chùa Thiếu Lâm ba ngọn núi. Nếu chăm chỉ giết thú đạt đến cấp mười thì được vào chùa làm hoà thượng có võ công "Hàng long bái". Rồi lại ra ngoài giết thú, luyện công đến cấp hai mươi, rồi cấp ba mươi, cấp càng cao thời gian càng dài, đến cấp năm mươi thì được "Xuất sư" phưu lưu trong giới giang hồ. Rồi phải đối đầu với nhiều chưởng pháp của các phái, nếu bị trúng độc của phái Ngũ độc, hoặc bị chìm trong biển lửa của phái Đường môn thì mình sẽ chết, và thế là bọn chúng nhặt hết số tiền do mình kiếm được. Đấy em thấy có ghê không?

- Có thế mà anh cũng say mê. - Quỳnh lắc đầu - Em chẳng thấy có gì thú vị cả.

Quân phân trần:

- Đấy là em chưa được chơi đấy thôi. Mà em là con gái thì làm sao thích được những trò kiếm hiệp này. Nhưng trong ấy có nhiều trò cho bọn con gái chơi đấy. Hôm nào lên thị xã đi theo anh, chơi một hai lần là mê ngay.

- Em chả thèm! - Quỳnh chối thẳng - ở thị trấn này cũng có đầy Internet, thời gian đâu mà vào đấy. Theo em, anh cũng nên bỏ chơi điện tử đi, cả ma tuý nữa.

- Ai bảo em là anh nghiện ma tuý? - Quân sẩn cồ hỏi lại. Quỳnh ngoảnh đi chỗ khác:

- Không ai bảo, em biết cả rồi!

- á à! Mày chỉ khéo bịa. Việc này mà đến tai bố thì tao làm sao xin được tiền để chơi điện tử nữa?

Quỳnh không nói gì. Từ đó Quân không thân mật với Quỳnh như trước nữa, mỗi lần về cứ lặng lẽ như một cái bóng. Quỳnh nghĩ anh Quân hư hỏng thật rồi, thế mà bố mẹ không hề hay biết. Đến bây giờ anh ấy còn dám lấy cả xe máy của bố đi đua xe và để xảy ra tai nạn, vừa thiệt thân, vừa làm khổ bố mẹ. Nhưng Quỳnh nghĩ thời gian qua nếu bố nghiêm khắc với anh Quân chắc là không đến nỗi, bây giờ sự việc xảy ra rồi chắc là bố ân hận lắm.

Thế là lại thêm một nỗi ân hận nữa đến với bố. Trước đây có lần bố nói với Quỳnh là bố rất ân hận khi cứ khất lần, khất lữa không đưa ông ngoại ra Hà Nội viếng lăng Bác. Hễ ông nhắc, bố lại bảo còn bận công tác, mà vội gì, ít ngày nữa bố sẽ đưa ông đi. Chưa thực hiện được mong ước nho nhỏ mà hết sức thiêng liêng đó thì ông ngoại đã qua đời. Nói vậy thôi chứ ai chả có lúc ân hận, ngay như anh em Quỳnh cũng đã từng có chung một nỗi ân hận: Hôm đó hai anh em dùng bảng đen làm “lá két” chơi cầu trên giường. Bố đang ngồi xem ti vi ở ghế sa lông bên cạnh, bỗng quả cầu bay qua trước mặt, anh Quân giơ "lá két" ra cứu quả cầu sượt vào mắt bố. Bố kêu ối một tiếng, rồi hai tay bịt chặt lấy mắt trái, ông đứng dậy lảo đảo chạy vào bếp, không được rồi, bố gọi to:

- Mẹ mày đâu?

- Em đây! Có chuyện gì mà anh hốt hoảng thế? - Mẹ đang băm rau lợn ngoài sân vội chạy vào. Bố ra lệnh:

- Lấy xe máy đưa tôi sang nhà bác sỹ Liên ngay.

Mẹ vừa tìm chìa khóa xe vừa ca cẩm:

- Khổ quá, ông làm sao thế? Bọ xít đái vào mắt à?

- Xít đâu mà đái! Tại hai đứa giặc cỏ kia kìa.

Hai anh em Quỳnh ngây ra như phỗng, mặt tái mét đứng nhìn mẹ chở bố đi. Tưởng là chỉ bị sơ sơ, ai ngờ bố bị rách giác mạc, phải chữa trị hơn một tuần mới tháo băng, mắt trái của bố chỉ nhìn thấy lờ mờ. Từ đó bố có biệt danh là ông Quyết "chột". Làm hỏng mắt bố, anh Quân thấy ân hận lắm, Quỳnh cũng vậy, nếu hôm ấy ăn cơm tối xong hai anh em vào học bài ngay thì đâu đến nỗi.

Mọi người đưa tiễn anh Quân ra nghĩa địa đã về hết, chỉ còn bố và Quỳnh ở lại sau cùng. Mẹ thì ngất lên, ngất xuống không ra đây được. Bố ngồi phệt bên cạnh nấm mồ được đắp lên những vòng hoa trắng. Đau đớn lắm nhưng ông không khóc, từ sáng Quỳnh không thấy ông khóc, có lẽ nước mắt bố đã chảy hết vào trong. Bố ngẫm lại bao ngày chăm lo, nuôi nấng đứa con trai duy nhất, bố không hiểu tại sao lại xẩy ra chuyện đau lòng như thế? Quỳnh thì không kìm nén được như bố, Quỳnh khóc nhiều lắm, cứ mỗi lần tưởng tượng cảnh hai anh em chơi với nhau là nước mắt Quỳnh lại trào ra. Thế là Quỳnh mất anh Quân thật rồi. Anh Quân ơi! Nếu anh đừng sa vào ma tuý, nếu anh đừng chơi điện tử, nếu anh đừng đi đua xe, nếu anh đừng giao du với đám bạn xấu chắc giờ này anh em mình vẫn còn được chơi với nhau. Đấy công lực của anh trong giới giang hồ cao như thế, sao anh không tránh được cái cột mốc bên lề đường, nói gì đến biển lửa, nói gì đến trúng độc (?)

Sự thật phũ phàng đến một cách đột ngột, và ra đi cũng đột ngột. Tại anh Quân, hay tại bố? Có lẽ tại cả hai, nhưng giờ chỉ còn lại bố, nỗi ân hận này của bố còn lớn gấp trăm, gấp nghìn lần so với việc bố thất hứa với ông ngoại./.

Thị xã Hoà Bình tháng 5- 2006.

Nguyễn Tiến Lợi
Số lần đọc: 2589
Ngày đăng: 26.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tái sinh - Trần Văn Bạn
Chuyện mèo - Nguyễn Đình Bổn
Biến hình - Trần Đức Tiến
Cái đuôi - Trần Văn Bạn
Hạt cát - Lương Minh Vũ
Luận ngữ cải biên-1 - Nguyễn Hồ
Pugur - Trần hữu Lục
Truông xa xào xạc - Hoa Ngõ Hạnh
In-ca đã bay tới mặt trời - Lê Hoài Lương
Tấm thiếp cưới - Nguyễn Văn Hoa
Cùng một tác giả
Ân hận (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)