Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.195
123.207.864
 
Vài nét về Đồ gốm Việt Nam trên thị trường gốm quốc tế vào thế kỷ 14 đến thế kỷ 17
Nguyễn Đức Hiệp

Từ sau khi độc lập thoát khỏi sự cai quản của Trung Hoa vào thế kỷ thứ 10. Nghệ thuật đồ gốm Việt Nam bắt đầu phát triển và có những sắc thái riêng biệt mặc dầu ảnh hưởng của loại gốm thời Đường và Tống sau này vẫn thể hiện ít nhiều trên các loại gốm sản xuất ở đồng bằng Bắc bộ. Đồ gốm Việt Nam bắt đầu đi vào thương mai quốc tế vào khoảng cuối thế kỷ 13 hoặc đầu thế kỷ 14 (1). Lý do chính yếu là các vua đầu nhà Minh ngăn cấm thương mại đến các cảng phía Nam với các nước vùng Trung Đông và Đông Nam Á. Để thỏa mãn nhu cầu thị trường, kỷ nghệ đồ gốm ở các vương quốc như Ayuthaya (Thái Lan), Pegu (Miến Điện) và Việt Nam phát triển mạnh và thay thế nguồn đồ gốm từ Trung Hoa. Chính trong khoãng thời gian này cho đến giữa thế kỷ thứ 17, một loạt đủ các loại đồ gốm và men được sản xuất ở Việt Nam mang một ít sắc thái đồ gốm Trung Hoa cuối thời Nguyên và Minh.

 

Kỷ nghệ đồ gốm Đông Nam Á tàn dần vào đầu thế kỷ 17 dưới sự bành trướng và cạnh tranh của các nước thương mại Âu châu ở thị trườg Đông Nam Á. Sự bành trướng này, tiêu biểu là sự thành lập công ty Đông Ấn Hòa Lan (Dutch East-India Company, V.O.C) vào năm 1602, đánh dấu một trang mới của nền thương mại hàng hải vùng Đông Nam Á.

 

Trong bài này, các loại và sắc thái của đồ gốm Việt Nam xuất khẩu trong giai đoạn nói trên sẽ được tóm tắt, cũng như các di tích khai quật hoặc hiện có ở các nước chung quanh.

 

(a)    Thương mại vùng Đông Nam Á và các nơi sản xuất đồ gốm

                                                                            

Đông Nam Á là nơi chuyển tiếp quan trọng trong nền thương mại hàng hải giữa Trung Hoa và vùng Trung Đông. Người Trung Hoa ưa chuộng những vật lạ và hiếm như ngọc, ngà voi, sừng tê giác, gia vị. sản xuất ở các vùng Trung đông, Ấn Độ và các nước ở phia Nam Trung Hoa. Ngược lại Trung Đông và Ấn độ là thị trường tiêu thụ những sản phẩm của nền văn minh Trung Hoa như tơ, lụa, đồ mỹ nghệ, vàng.. Từ thế kỷ thứ 3 và 4, con đường thương mại hàng hải quốc tế nối liền Trung Hoa và thế giới Ấn độ, Trung Đông chạy từ các hải cảng ở­ vịnh Ba Tư và Hồng Hải đến bờ biển Ấn Độ, tới Tich Lan (Sri Lanka), vịnh Bengal và bán đảo Mã Lai. Hàng hóa sau đó được trao đổi ở một số địa điểm dọc theo eo đất Kra và chuyên chở qua bờ biển phía đông của bán đảo Mã Lai. Hàng hóa Trung Đông từ đó tiếp tục cuộc hành trình đến Trung Hoa qua vịnh Thái Lan và bờ biển Phù Nam trên những thuyền Mã Lai. Phù Nam là một trạm nghĩ quan trọng trên đường đến Nam Trung Hoa và là một nơi buôn bán sầm uất phát đạt, qui tụ nhiều thương gia quốc tế (3). Di tích các thành phố Phù Nam dọc bờ biển Nam Việt Nam đã được tìm thấy ở gò Óc Eo gần Rạch Giá, và trong năm 1982 ở các địa điểm trong tỉnh Kiên Giang do viện Bảo Tàng Thành Phố Hồ Chí Minh khám phá.

 

Vào khoảng thế kỷ thứ 15, một sự đổi biến quan trọng là sự chuyển hàng qua bán đảo Mã Lai lần lần được bãi bỏ, thay vào đó là con đường qua eo biển Malacca tới biển Java rồi thẳng lên Trung Quốc. Chặng nghỉ cho các thuyền buôn là vùng Đông Nam đảo Sumatra và từ đó phát triển ra đế quốc Srivijaya hung mạnh (3) phát đạt nhờ sự buôn bán với Trung Hoa đời Đường. Đến đầu thế kỷ 11, Srivijaya yếu dần vì sự cạnh tranh của các vương quốc mới ở đất liền như Angkor và Pagan, hai nền văn minh rực rỡ trong giai đoạn này.

 

Quyền lực của Srivijaya ở Sumatra chuyển qua vương quốc hùng hậu Majapahit ở Java. Buôn bán

trong giai đoạn này đạt đến điểm cao dưới triều.Tống ở Trung Hoa. Với nền kinh tế dựa rất nhiều vào thương mại ở biển Nam, triều đình nhà Tống khuyến khích và tích cực tham gia vào sự buôn bán rất có 1ợi này. Cũng trong giai đoạn này đồ gốm Trung Hoa bắt đầu là một món hàng xuất khẩu quan trọng để thay thế sự thâm hụt mất mát nặng nề tiền vàng và tiền đồng ra khỏi nước qua sự buôn bán với Trung Đông và biển Nam. Việt Nam lúc bấy giờ sau khi độc lập và dưới triều Lý bắt đầu tự phát triển nhưng vẫn còn cô lập và chưa bước vào quỷ đạo thương mại hàng hải trong vùng. Hàng gốm Trung Hoa, đặc biệt là hàng gốm xanh cây (greenwares), bắt đầu xuất hiện rất nhiều ở các nướe chung quanh biển Nam. Thuyền buôn Trung Hoa đi khắp vùng từ bờ biển vương quốc Chămpa, vịnh Thái Lan, đảo Sumatra, Java tới Ấn Độ Dương.

 

Từ cuối thế kỷ 13, dưới triều Nguyên Mông Cổ con đường buôn bán hàng hải giữa Trung Hoa và biển Nam được chia ra làm hai đường, đường Đông và đường Tây. Hai con đường này được miêu tả trong quyển Nam Hải Chí viết vào năm 1304. Con đường hàng hải phía Tây ở  biển Nam vẫn giữ liên 1ạc thương mại truyền thống với Ấn Độ, Trung Đông từ biển nam Trung Hoa qua eo biển Malacca hoặc eo biển Sunda tới Sri Lanka, Ấn độ và Trung Đông. Con đường hàng hải mới mở ở phía Đông chạy từ biển nam Trung Hoa tới Phi Luật Tân, bờ biển phía bắc đảo Borneo, đảo Sulawesi, quần đảo Molucca, đến tận đảo Timor và phía Tây của đảo Java. Sự thiết lập con đường này mở ra một thị trường mới và lớn cho hàng hóa và đồ gốm Trung Hoa. Kỷ nghệ đồ qốm Trung Hoa trong giai đoạn này phát triển mạnh và đi vào sản xuất khối lượng để thỏa mãn đòi hỏi của thị trường Đông Nam Á.

Sự phục hồi của triều đại bản sứ ở Trung Quốc dưới sự thành lập triều Minh chứng kiến một sự thay đổi lớn lao và quan trọng trong lịch sử buôn bán đồ gốm ở Đông Nam Á. Sự buôn bán tư nhân giữa người Hoa và người ngoại quốc bị đình chỉ và ngăn cấm. Người Hoa không được phép tham gia vào thương mại quốc tế. Sắc lệnh năm 1371 ngăn cấm người Hoa ra khỏi hải phận Trung Hoa và hàng hóa ngoại quốc bị cấm dùng trong nước. Luồn sóng chống thương mại chưa từng thấy này ở triều đình có một ảnh hưởng trì trệ nặng nề vào nền thương mại quốc tế.

 

Trong giai đoạn từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16, đồ gốm Việt Nam và Thái Lan xuất hiện nhiều ở thị trường Đông Nam Á thay thế nguồn đồ gốm Trung Quốc. Từ đời Lê đến Trịnh Nguyễn phân tranh ở Việt Nam, sự buôn bán trao đổi hàng hóa với các nước nqoài càng ngày càng được nới rộng và phát đạt. Đặc biệt là Việt Nam trong giai đoạn này xuất khẩu nhiều đến Trung Đông, Âu Châu qua con đường hàng hải phía Tây và Phi Luật Tân, Borneo, Sulawesi, Java qua con đường hàng hải phía Đông (các hiện vật và di tích tìm được ở các vùng kể trên sẽ được bàn ở phần sau).

 

Hàng hóa trao đổi với nước ngoài đi qua các cửa khẩu ở cả đàng Trong và đàng Ngoài. Các cửa khẩu buôn bán ở Thanh Hóa, Hội An, Qui Nhơn là những cửa khẩu chính. Hàng gốm xuất khẩu Việt Nam được chuyên chở qua các kho chính như Ayuthaya. Sự khai quật của các thuyền xưa đắm gần bờ biển Thái Lan cho thấy các hàng gốm Việt Nam được chuyên chở rộng rãi trong vùng. Các nơi sản xuất đồ gốm quan trọng ở Việt Nam là Bát Tràng, Chu Đậu (Hải Dương), Tam Tố (Thanh Hóa), và Gò Sành, Sa Huỳnh, Qui Nhơn sau này ở đàng Trong. Bát Tràng là nơi sản xuất đồ gốm, gạch ngói, gạch lót từ nhiều thế kỷ trước. Sự khai quật thực hiện bởi O. Janse từ năm 1934 đến 1939 ở đồng bằng Bắc bộ cho thấy sự hiện diện của truyền thống đồ gốm địa phương từ khoảng thế kỷ 1 đến thế kỷ 3 (2). Bát Tràng cũng có được nhắc đến trong ca dao Việt Nam

 

            ...

           Khi nào anh lấy được nàng

       Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây

            Xay dọc rồi lại xây ngang

     Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

       (b) Loại và sắc thái đồ gốm Việt Nam

 

Khi nói đến đồ gốm, ta chia      ra làm hai loại tổng quát:

            - Đồ gốm đất (earthenware, stoneware)

            - Đồ gốm men (porcelain, enamel),

 

Đồ gốm Việt Nam gồm đủ loại hình thái như các loại đồ gốm Trung Hoa nhưng khác biệt và dễ dàng nhận diện vì cách cấu tạo và sự trình bày có một phong thái phóng khoáng và một tinh thần độc lập.

 

Hình dáng gốm Việt Nam gồm có dĩa, đĩa, tô, chén, lọ, chai và bình. Ngay cả những kiểu đặc biệt tạo ra bởi nghệ nhân đời Minh như hũ hình conic và chén có bệ của thời kỳ 1403-1424 cũng có tương đương trong các loại đồ gốm Việt Nam. Đồ gốm đất Việt Nam được cấu tạo dày và chắc hơn đồ gốm đất Trung Hoa. Thân hình cấu tạo bên ngoài màu nâu và ít có bị lẫn chất bụi hoặc sạn. Dưới chân đồ gốm đất hoặc là để nguyên hoặc được tráng.một lớp trơn không màu hoặc một lớp tráng oxide sắt màu nâu.

 

Có đủ loại các 1ớp trán trên đồ gốm Việt Nam. Loại đồ gốm tráng một màu là những loại thông dụng được xuất khẩu trong thời kỳ đầu. Trắng, xanh cây, đen và nâu là những loại thông dụng và được biết nhiều. Sự tiến triển của kỷ thuật đồ gốm trqng giai đoạn đầu là sự trình bày bằng lớp oxide sắt đen và nâu dưới lớp tráng. Sắc thái trình bày rất thanh thoát và giản dị so với lối trình bày tnên đồ gốm Trung Hoa.

 

Sự chuyển tiếp từ lối trình bày bằng oxide sắt đến cách dùng cobalt xanh trời là một sự cải tiến quan trọng trong nghệ thuật đồ gốm Việt Nam và chứng kiến một mức độ sản xuất về xuất khẩu chưa từng có trong lịch sử đồ gốm Việt Nam. Nghệ thuật dùng Cobalt xanh trời trên đồ gốm đạt đến điểm cao vào giữa thế kỷ thứ 15. Điển hình là binh gốm tráng men xanh trời và trắng đề năm 1450 ở viện bảo tàng Topkapu Sarayi, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

 

Sự hiểu biết của người Việt Nam về cách dùng cobalt xanh trời trong nghệ thuật trình bày đồ gốm được ước đoán vào khoãng đầu thế kỷ 14 dựa trên các hiện vật gốm trắng xanh trời và trắng, trinh.bày theo kiểu các loại gốm dùng oxid sắt trong thời kỳ trước. Sự chuyển biến từ những loại đồ gốm tương đối đơn giản đến các loại có nghệ thuật cao như chiếc bình gốm ở Istanbul dường như nhờ những kinh nghiệm học hỏi được từ Trung Hoa đã được phát triển từ thế kỷ trước và cách dùng cobalt. Sự thu thập kỷ thuật dùng cobalt xanh trời có thể xảy ra trong lúc triều Minh tạm chiếm và đô hộ Việt Nam trong các năm 1407-1427 trước khi Lê Lợi dành lại quyền tự chủ.

 

Các kiểu trình bày như viền hoa, cúc, sen, viền kiểu chữ Hán trên các đồ gốm xanh trời dưới triều Nguyên và Minh đều có được thể hiện trên các đồ gốm xanh trời Việt Nam ở thế kỷ 15. Sự khác biệt rõ ràng giữa đồ gốm Việt Nam và Trung Hoa được thể hiện trong lối trình bày phong cảnh và chim nước. Những kiểu trình bày Việt Nam có đặc tính thanh thoát, sáng tạo độc lập khác hẳn với sự xếp đặt phong cảnh, sinh thú của lối trình bày Trung Hoa. Chim, cá, ngựa và nai là những sinh thú thường được trình bày cũng như các con vật huyền thoại như lân và phượng. Rồng tuy vậy lại rất hiếm trong các lối trình bày. Con cá trong đồ gốm Việt Nam, không giống cá kiểng đỏ của đồ gốm Trung Hoa, mà là con cá bông của sông ngòi Việt Nam.

 

Đến giữa thế kỷ 15, đồ gốm xanh trời và trắng chiếm vị trí hàng đầu trong những hàng xuất khẩu. Cũng trong khoãng thời gian nay, một loại đồ gốm mới xuất hiện với cách dùng men trắng, chủ yếu màu đỏ và xanh trời, và thường phối hợp với lớp trình bày xanh trời ở lớp dưới. Lớp men trắng này được cấu tạo trên lớp thứ nhất ở một nhiệt độ lò đốt thấp hơn lớp đầu và có khuynh hướng dễ bị tan hỏng khi bị chôn vùi dưới đất hoặc lúc tiếp xúc với vài chất hóa học.

(c) Thời gian của đồ gốm và các di tích

 

Việc xác định thời gian sản xuất đồ gốm Việt Nam là một vấn đề khó khăn, ngay cả trong việc xếp thứ tự thời gian của các loại gốm. Một số ít dữ kiện cho phép chúng ta đoán được thời gian dưới hình thức so sánh với một mẫu gốm có đề năm hoặc phỏng định dựa trên những hiện vật khác cùng khám phá được trong một di tích.

 

Một mẫu gốm đánh dấu quan trọng trong những ngày đầu thương mại đồ gốm Việt Nam là lọ gốm ở viện bảo tàng Topkapu Sarayi, với lớp tráng xanh trời và trắng, có khắc đề “Thái Hoà bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (năm thứ 8 Thái Hòa, 1450, làm ở huyện Nam Sách, do nghệ nhân Bùi Thị Hý cẩn bút). Lọ này là điểm chuẩn để xác định thời gian trong quá trình phát triển của những mẫu gốm khác dựa vào cách trình bày và kỷ thuật để xét đoán là trước hay sau lọ gốm năm 1450 này. Một số lọ khác có khắc năm cũng được nhắc tới gần đây như một lọ dùng trong nghi lễ; cao khoãng 1 mét, đề năm "Năm thứ 3 Diên Thánh" (1575) và một lọ với dấu khắc thuộc vào khoãng năm l578-86 xuất hiện ở phòng đấu giá Christies năm 1979 (1). Nhờ dấu khắc in trên bình gốm ở Istanbul, năm 1980, ông Makoto Anabuki, sau khi công tác ngoại giao ở Thổ Nhỉ Kỳ, được bổ nhiệm Bí thư văn hóa Đại sứ quán Nhật, đã viết thư nhờ tỉnh Hải Hưng cho biết nơi sản xuất lọ gốm trên. Lá thư bị bỏ quên cho đến khi tình cờ các nhà nghiên cứu nghề dệt chiếu ở Chu Đậu khám phá nhiều hiện vật gốm và dấu vết làm gốm vào năm 1983. Lá thư này và sự phát hiện trên đã làm các nhà khảo cổ khai quật tìm được và mới biết là vùng Chu Đậu, huyện Nam Sách xưa kia là vùng sản xuất gốm lam xanh trời và trắng nổi tiếng, mà năm 1999 đã khám phá rất nhiều gốm Chu Đậu trên con thuyền chở gốm bị đắm vào thế kỷ 15, được vớt lên ở gần Cù Lao Chàm, ngoài khơi thành phố cổ thương mại Hội An.

 

Những mấu chốt quan trọng khác cũng có thể xác định được thời gian của đồ gốm Việt Nam như chiếc dĩa gốm Việt Nam trong bộ sưu tập Ardebil Shrine ở Teheran (Ba Tư), bộ sưu tập này được thiết lập từ năm 1350 đến 1610. Các cuộc khai quật ở Phi Luật Tân của O. Janse và sau này R. Fox cũng đã tìm thấy đồ gốm Việt Nam cùng với đồ gốm Trung Hoa xanh trời và trắng ở đầu thế kỷ 16. Các đồ gốm Việt Nam này cũng rất tương tự một số đồ gốm khám phá được ở Sa Huỳnh (Qui Nhơn). Gốm sản xuất ở Gò Sành, Sa Huỳnh là gốm thuộc truyền thống Champa, đã sản xuất trước khi vương quốc Champa mất và tiếp tục sau này cho đến khi biến mất hoàn toàn vào thế kỷ 16.

 

Rất nhiều di tích đồ gốm xanh trời và trắng của Việt Nam đã được tìm thấy ở Trowulan, tỉnh Mojokerto, đông Java (Indonesia). Địa điểm này xưa kia là kinh đô của vương quốc Majapahit, phát triển từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16. Những khám phá này không những tìm thấy được các đồ gốm thông dụng dùng trong sinh hoạt gia đình mà còn có đủ loại những gạch lót, gạch lát.

 

Những địa điểm khác ở Java có di tích đồ gốm Việt NamMalang (Đông Java), Cirebon (Tây Java), Mt Muria (giữa Java). Các nơi khác như Jambi, Lampung (Nam Sumatra), đảo Sulawesi. Các viện bảo tàng chứa những hiện vật tìm thấy được ở khắp vùng như các vùng kể trên là: Viện bảo tàng Pusat ở Jakarta, viện bảo tàng Princesshof ở Leeuwarden (Hòa Lan), và các viện bảo tàng quốc gia Singapore và Phi Luật Tân. Viện mỹ thuật South Australia, New South WalesVictoria (Australia) cũng chứa nhiều hiện vật gốm Việt Nam. Ngoài ra còn có nhiều bộ sưu tập của tư nhân ở Australia, Hong Kong (Oriental Ceramics of Hong Kong) và các nơi khác.

 

Ở đông Java, có đền thờ Hồi Giáo với trang trí bên trong là những gạch lót tường nhập cảng từ Việt Nam từ bao thế kỷ trước đã làm ngạc nhiên nhiều du khách đến thăm. Những hũ gốm Việt Nam cũng được vớt lên từ thuyền Koh Khram đắm trong vịnh Thái Lan, thuyền này là thuyền buôn bán từ cảng Ayuthaya vào đầu thế kỷ 15. Ayathuya lúc đó là một thành phố thịnh vượng và là trung tâm thương mại ở Đông Nam Á. Cuối thập niên 1980, một số ngư dân ở Long Hải và Vũng Tàu đã tìm ra các tàu đắm gần Hòn Bà chứa nhiều gốm Việt Nam và Trung quốc có niên đại thế kỷ 19. Một số đã được bán trên thị trường buôn bán đồ cổ ở Thành phố Hồ Chí Minh trước khi được quản lý số gốm tìm được và năm 1993 chính phủ Việt Nam đã vớt lên số còn lại. Ở bờ biển Kiên Giang, những ngư dân dánh cá tìm được một tàu đắm có chứa nhiều gốm Thái Sawankhalok nhưng vì không hiểu giá trị của gốm nên phải đến năm 1993 mới được trục vớt lên. Năm 2002, ngoài khơi Bình Thuận đã vớt lên rất nhiều gốm trên một thuyền Trung quốc chở gốm men xanh lam và trắng từ Dương Châu cho công ty Đông Ấn Hòa Lan (VOC) bị đắm năm 1608. Điều này cho thấy rất nhiều tàu thương mại hàng hải đồ gốm đi dọc theo bờ biển Việt Nam.

 

Sự phát triển của nền thương mại đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 (cuối đời Trần đến Trịnh Nguyễn phân tranh) được thuận lợi khi triều Minh ở Trung Hoa quyết định, ngăn cấm thương mại với các nước khác và đóng cửa cảng vào đầu thế kỷ 15. Đến thế kỷ 16 và 17, thương mại với các nước khác đi đến chổ cực thịnh ở cả đàng Trong lẫn đàng Ngoài. Các cửa khẩu ở đàng Trong như Hội An, Đà Nẵng, Qui Nhơn là nơi qui tụ của nhiều thương gia xuất nhập khẩu đủ mọi quốc tịch kể cả Nhật, Thái Lan (Siam), Bồ Đào Nha. Cũng trong thời gian này, quân đội của chúa Trịnh và chúa Nguyễn học hỏi và nhập khẩu kỷ thuật quân sự của Tây phương qua người Bồ Đào Nha và Hòa Lan. Hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là đồ gốm và gia vị được chuyên chở đi khắp vùng.

 

Đến cuối thế kỷ 17, cả đàng Trong lẫn đàng Ngoài lần lần đóng cửa cảng vì sợ ảnh hưởng của ngoại quốc vào xã hội ta về văn hóa, tôn giáo và trật tự xã hội (giới Công, Thương lần lần có địa vị vì làm được của cải và giàu cho đất nước). Sự phản ứng của đầu óc bảo thủ, cộng với sự cạnh tranh khi Trung Hoa mở cửa lại và sự xuất hiện của công ty Đông Ấn Hòa Lan đi tìm thuộc địa­ chứa gia vị và thị trường mới làm nền thương mại của Việt Nam với thế giới bên ngoài sụp đổ. Kỷ nghệ đồ gốm Việt Nam ở Bát Tràng, Chu Đậu, Thanh Hóa, Gò Sành, Sa Huỳnh, Qui Nhơn tan dần và biến mất. Kinh nghiệm lịch sử ở nhiều nuớc như Trung Hoa, Nhật và mới đây ở các nước trong khu vực Đông Nam Á cho thấy rằng, sự thịnh vượng của một quốc gia chủ yếu là do sự giao lưu, trao đổi, buôn bán và hợp tác với các nước bên ngoài.

 

 

Tài liệu tham khảo

 

(1) Guy, J., Oriental trade ceramics in South East Asia 10th to 16th Century. (selected from Australian collections), National Gallery of Victoria, 1980.

(2) Janse, O.R, An archaeological expedition to Indo-China and the Philippines. Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. VI (1941), pp. 247-267

(3) Coedes, G., The indianized States of Southeast Asia, East-West Center Press, 1968

 

Nguyễn Đức Hiệp
Số lần đọc: 4792
Ngày đăng: 23.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về một loại trang sức cổ độc đáo : khuyên tai hình hai đầu thú. - Nguyễn Thị Hậu
Vài nét về vũ khí cổ Việt Nam - Nguyễn Thị Hậu
Khu di tích GÒ THÁP (Đồng Tháp) trong bối cảnh văn hoá ÓC EO - Nguyễn Thị Hậu
Táng tục mộ chum ở Đông Nam Á. - Nguyễn Thị Hậu
Đồ Gốm cổ tìm thấy ở Sông Đồng Nai - Nguyễn Thị Hậu
Khảo cổ học và môi trường sinh thái. - Nguyễn Thị Hậu
Văn hóa Óc Eo , Một nền Văn hóa cổ ở Nam Bộ - Nguyễn Thị Hậu
Cần Giờ hai ngàn năm trước - Nguyễn Thị Hậu
Vài nét về văn hóa khảo cổ Đồng Nai . - Nguyễn Thị Hậu
Xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Wang-Tai là ai? (lịch sử)