Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.453
 
Cà Mau vẫn ngát hương rừng
Trần Áng Sơn

Năm 1989 được sự khuyến khích của bạn bè, nhất là Phù Hư, tôi gửi bản thảo tiểu thuyết Kẻ buôn hoa hậu về Nhà xuất bản Long An. Khoảng 15 ngày sau, Chu Hồng Hải (tôi đã từng biết qua những truyện ngắn đăng ở Văn nghệ Quân đội) lên tìm tôi ở câu lạc bộ bia bọt trong khuôn viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố. Chu Hồng Hải hồn nhiên bảo: Ông viết hay vừa vừa chứ, người ta đè ông ra trao giải thưởng bây giờ. Dù chỉ là một câu nói đùa mở đầu cho một chầu bia bọt, nhưng, Chu Hồng Hải như người ta vẫn thường nói, động viên tôi rất nhiều. Sau đó Chu Hồng Hải báo tin tác phẩm của tôi đã được nhà xuất bản đưa vào kế hoạch xuất bản, với một yêu cầu cần có một nhà văn lão thành viết bài giới thiệu, khi phát hành tác phẩm của tôi sẽ có nhiều lợi thế. Tôi đồng ý. Thế là tôi, Phù Hư, Chu Hồng Hải loay hoay tìm người viết bài giới thiệu in kèm trong tác phẩm. Lúc bấy giờ có hai nhà văn thường hay viết bài giới thiệu, một là Hoài Anh của miền Bắc, một là Sơn Nam chúng ta ai cũng biết. Không khó khăn gì chúng tôi đều thống nhất mời anh Sơn Nam viết bài tựa cho lần tái xuất của tôi. Không chút kênh kiệu, Sơn Nam nhận lời. Đầu năm 1990, Kẻ buôn hoa hậu phát hành, chẳng hiểu có phải nhờ bài giới thiệu rất “kinh điển” của Sơn Nam hay không, hoặc là tôi may mắn, nhưng tôi mong tác phẩm của mình đáp ứng được hoặc gãi đúng chỗ ngứa của độc giả, chỉ trong vòng hai tuần lễ 4.100 cuốn bán hết vèo, các đại lý phát hành yêu cầu phát  hành thêm. Thế là Kẻ buôn hoa hậu in tiếp đợt hai, số lượng bao nhiêu nữa thành thật thú nhận cho đến bây giờ vẫn còn là điều thắc mắc. Mặc dù thế, ngay lần tái xuất có thể được xem là thành công như anh Sơn Nam đã nhận định: “Thành công của tác giả là nhắc nhở mỗi người nên cảnh giác để tự cứu mình. Phân biệt đâu là ảo tưởng nhất thời, là hư vinh. Thế giới tưởng như mênh mông của chủ nghĩa cá nhân, rốt cuộc chỉ là xó hẹp, bên lề cuộc sống, trong bóng tối, chập chờn ánh lửa ma trơi”.

 

To tát quá, xin cám ơn anh Sơn Nam; nhưng, khi đọc lại tác phẩm của mình tôi choáng váng vì ngay chương thứ nhất, từ dòng thứ 11 đến hết trang 10 tiếp theo là những dòng không hề có trong bản thảo của tôi. Nhà xuất bản với quyền của mình đã sáng tác thêm giùm tôi gần hai trang in ngay từ trang mở đầu. Tôi không nói đến hay hay dở nhưng cái sai của người biên tập thì không thể chấp nhận được, độc giả người Sài Gòn hẳn sẽ cười thương hại khi đọc những dòng như thế này “…Nghe theo lời khuyên của gia đình, trượt thi vào đại học Văn khoa”. Xin thưa, ở Sài Gòn trước năm 1975 những ai đã thi đỗ Tú tài toàn phần, nếu muốn đều đương nhiên được ghi tên vào học một hoặc cả hai trường đại học Văn khoa và Luật khoa, không phải thi đến nỗi rớt như ông biên tập nhà xuất bản Long An viết thêm vào tác phẩm của tôi một cách tai hại.

 

Mùa Xuân năm Canh Ngọ, một cô bạn Huế tặng một thùng bia mừng tác phẩm của tôi được bạn đọc chấp nhận, tôi mời một số bạn và cả người tặng bia rửa sách ngay tại câu lạc bộ Hội Văn nghệ theo yêu cầu. Hết thùng bia nhưng tất cả chỉ mới hơi lân lâng, các bạn tôi kéo sang khu bia hơi uống tiếp, cô bạn tôi vội thoái thác, tôi và Trương Đạm Thủy tửu lượng kém nên chuồn êm ra cổng nhưng thiên bất dung gian mới đến cổng gặp ngay Sơn Nam mặt mũi đỏ gay, thấy hai chúng tôi Sơn Nam chặn lại. Thì ra anh Sơn Nam cũng vừa dự liên hoan trên hội trường. Chưa bao giờ thấy Sơn Nam say nên tôi và Trương Đạm Thủy vui vẻ tự nguyện để Sơn Nam bắt cóc. Anh kéo chúng tôi lại quán cà phê lề đường ngay trước khuôn viên Hội, giọng sang sảng gọi bia, anh khoe tết này nhuận bút báo Xuân khẳm, nhất định đãi chúng tôi một bữa. Được Sơn Nam đãi không phải chuyện dễ, không biết đã cạn bao nhiêu ly mà “người”cao hứng đến thế. Bình thường tôi rất quý trọng anh Sơn Nam, nhưng cái khoản bia bọt thì Sơn Nam chỉ làng nhàng như tôi nên tôi và Trường Đạm Thủy vội cản lại, không cho cô chủ quán khui bia. Đang cao hứng Sơn Nam nhất định không chịu tha, không uống bia anh bắt mỗi đứa chúng tôi hết uống nước ngọt lại đến kem, thế vẫn chưa đủ, Sơn Nam còn gọi thuốc lá ba số đãi hai đứa chúng tôi. Khi thấy cô hàng đem ra bao ba số thường Sơn Nam nhất định đòi đổi lấy ba số “inter” như một số tay chơi choai choai vẫn làm. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tôi và Trương Đạm Thủy nhìn Sơn Nam tự hỏi không biết “người” còn cao hứng đến chừng nào. Mặc dù vậy, khi chếch choáng say Sơn Nam thật dễ thương, thật nghệ sĩ, cái vẻ trịnh trọng, uyên bác khi nói chuyện văn học không còn nữa, tôi chợt mỉm cười nhớ đến câu mở đầu khi anh Sơn Nam viết tựa cho tác phẩm của tôi: “Hai tiếng Hoa hậu dường như ngày xưa chưa được dùng đến, hoặc chỉ dùng trong vài trường hợp đặc biệt chăng?”, “Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh chẳng thấy ghi chữ này, phải chăng mấy chữ “Quốc sắc thiên hương” là đủ để nhắc tới “Dương Quý Phi, Tây Thi…”. Luận về người đẹp, tán đến như thế hèn chi Cà Màu chẳng ngát hương rừng.

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 2737
Ngày đăng: 27.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chí Phèo trong truyện ngắn của Nam Cao là con của ai ? - Đoàn Hữu Hậu
Ký ức ngày đầu đông... - Nguyễn Thị Hậu
Chân dung một người bạn - Trần Áng Sơn
Hoa vàng mấy độ - Trần Áng Sơn
Trần Tuấn Kiệt - từ nhà thơ, nhà văn đến võ sĩ - Trần Áng Sơn
Thuở làm thơ yêu em - Trần Áng Sơn
Đông ngàn - Lê Huỳnh Lâm
Vượt lên bất hạnh,tiếng đàn ngân vang - Nguyễn Khắc Phê
Mùa hương - Trần hữu Lục
chị, và em , và … - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả