Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.223.953
 
Nhụy Nguyên LẬP NGÔN QUA “LẬP THIỀN”*
Nguyên Hào

Tập thơ đầu tay mà Nhụy Nguyên cho xuất bản mang tên “Lập Thiền”- cái tên khá mới lạ ngay từ đầu đã gây cho tôi sự chú ý. Tôi đã đọc thật chậm và nghiền ngẫm, cứ như là sợ từng trang giấy sẽ bay mất vậy. Dự định sẽ viết một vài cảm nhận về tập thơ này nhưng chần chừ mãi. Hôm nay, quyết định “ngồi thiền” để đọc lại tập thơ  đã cho tôi một chút thiền định.

 

Trong Lập thiền, Nhụy Nguyên đã kết hợp được phong cách thơ cổ điển truyền thống và phong cách thơ hiện đại của thơ trẻ ngày nay. Có nhiều bài mang hơi hướng thơ Đường luật, nhiều bài được viết theo thể lục bát có cách điệu, và nhiều bài được viết theo thể tự do, phóng túng, đầy chất suy tưởng. Sự kết hợp đó còn thể hiện ngay trong một số bài thơ về cả nội dung lẫn hình thức.

 

Trong Lập thiền, thơ lục bát chiếm một tỉ lệ không lớn nhưng có thể nói Nhụy Nguyên đã khá thành công với thể thơ này. Bài mở đầu tập thơ: “Gửi đất mẹ” và bài “Tiễn nội về xa” rất phù hợp với giọng thơ lục bát đã chuyển tải hết được tình cảm và suy tư của anh bằng những câu thơ chân chất, mộc mạc nhưng ngôn từ rất chắt lọc, gợi lên trong người đọc những suy ngẫm, không chỉ là hoài niệm, ký ức và tình cảm đối với quê hương, những người thân trong gia đình mà còn là những day dứt của bản thân: “…Ngày tôi ngủ mặn trong nôi/ Mẹ cha tiễn Gióng khứ hồi từng cao/ Mẹ giờ thân đã xanh xao/ Cha giờ tóc đã phai màu trước năm…/ Tôi về nhặt hết cổ xưa/ Gieo lên thửa ruộng em vừa cấy xong…”(Gửi đất mẹ); “Nội không còn nữa/ Nội ơi!/ Chừng như mùa đã lặng rơi trước mùa/ Cháu về chốn cũ rào thưa/ Tìm trong vườn vắng dáng xưa nội còm…” (Tiễn nội về xa).

 

Thơ tình lục bát của Nhụy Nguyên cũng mang một nét riêng, chứa đựng những nỗi buồn man mác, ưu tư, đầy tâm trạng nhưng không rơi vào ảo nảo, bi lụy: “Tìm em trong cõi nhân duyên/ Đốt ngày, thắp sáng trời đêm, tôi tìm/ Em thời con gái…/ Vô tình/ trăng tà rọi vỡ/ Vầng trinh ai cầm!?” (Thiền tình); “Đường quay nối lại bờ vui/ Tình ta nối với xa xôi phương nào/ Ừ thôi, rượu đã vương sầu/ Xin nâng ly cụng chân cầu ngả nghiêng…” (Sông Hàn). Trong bài “Đối thoại tình ta”, một bài thơ chất chứa bao nỗi buồn được Nhụy Nguyên nén vào mấy câu thơ rất ngắn theo thể tự do một cách dồn dập: “Trà nguội!/ Nắng tắt!/ Khói thuốc mịt mùng/ Em quàng lấy cổ tôi…/ Nước mắt duềnh lên tràn ứa”, bỗng câu lục bát bật lên đầy vẻ tự tin, yêu đời và nâng niu, trân trọng những cái đẹp, những giá trị cuộc sống đích thực: “- Em à, bể khổ nông sâu?/ Để anh lội xuống vớt câu thơ tình!”.

 

Sự tự tin, yêu đời, lãng mạn và phóng khoáng về tâm hồn của một thi sĩ trẻ nhưng có vốn sống phong phú và sự chiêm nghiệm khá sâu sắc đó đã giúp Nhụy Nguyên có được những câu thơ lục bát gây được ấn tượng trong lòng người đọc. Đặc biệt, bài “Bộn chộn mùa qua”, một bài thơ có cái tên rất giản dị nhưng theo tôi là bài lục bát hay nhất, thành công nhất của Nhụy Nguyên cả về nội dung và hình thức thể hiện. Với giọng thơ nhẹ nhàng, những câu thơ được cách điệu rất hiện đại, bài thơ làm người đọc hồi tưởng lại những giây phút mơ màng với những cảm giác rạo rực xen lẫn tiếc nuối trong từng mùa qua đi:

“Cánh diều nặng gió chao nghiêng

Đổ hồn thơ

Lạc về miền phù du

Bốn mùa: đông - hạ - xuân - thu

Bóng em?

Phải

Đang ưu tư chọn mùa

 

Tôi ơi đã cưới mùa chưa?

Mùa qua

Vắng!

Kìa lại mùa đi qua….

 

Mây, đất yêu dấu còn xa

Có hay tóc trắng

Sương sa ngang trời?

 

Bước chân em dạo quanh tôi

Nghe run run

Rạc tiếng rơi…

Rơi mùa.”

           

Trong Lập thiền còn có những bài lục bát khá hay nữa là “Tàn thu”, “Gọi tôi, “Dường như”, “Mùa đan áo”, nhưng so với những bài lục bát trên thì chưa có nhiều sáng tạo độc đáo. Dẫu vậy, đối với thể thơ viết dễ nhưng khó viết hay này thì những gì mà Nhụy Nguyên thể hiện trong tập thơ đã chứng tỏ anh rất cầu toàn khi làm thơ lục bát.

           

Những bài thơ lục bát được sắp xếp bên cạnh những bài thơ tự do rất hiện đại, mới mẻ tạo nên những gam màu rất hài hoà trong bức tranh Lập thiền của Nhụy Nguyên. Có thể nói thơ tự do của Nhụy Nguyên tạo một dấu ấn riêng, nó chứa nhiều chất trí tuệ hơn là cảm xúc. Không quá trừu tượng hoá ngôn từ, xâu chuỗi ngôn từ như một số nhà thơ trẻ hậu hiện đại, nhưng cũng không rơi vào hiện thực hoá ngôn từ theo lối viết truyền thống, các bài thơ tự do của Nhụy Nguyên đã tác động khá mạnh đến tư duy người đọc, làm khúc xạ lối cảm nhận, suy tưởng theo mạch thơ bấy lâu: “Nhiều lúc ta đấm vào trống trơ/ Nát vỡ những hạt bụi/ Những e lêc trôn…” (Nắm đấm); “Tháng 6/ Ve níu cành cây khô/ Thét gào sự sống!/ Tháng 6/ Những cánh diều gồng mình kéo trái đất/ Thiên di miền hoang tưởng” (Tháng sáu); “Gấp nợ tình/ hình nếp nhăn trên mặt/ Tôi xốc nổi mùa ném vào lặng im/ Xuân về?/ Hay tiếng chó sủa hoang ngoài ngõ/ Điêu tàn hết thảy những dòng kinh…” (Lập Thiền).

           

Đọc Lập thiền của Nhụy Nguyên, tôi còn thấy một số bài rất mới lạ về nội dung so với những bài thơ tôi đã đọc trước đây của anh trên một số tạp chí - đó là mang đậm chất sử học. Điều đáng chú ý không chỉ ở chất liệu sử học vốn là kiến thức 4 năm đại học ngành Sử mà anh tích lũy được ở trường ĐHKH Huế được anh đưa vào thơ mà là cách anh sử dụng nó để tạo nên những gam màu, những mảng khối thể hiện những ý tưởng pha lẫn phong cách hiện thực và trừu tượng. Thật là độc đáo khi anh vẽ bức tranh của Hoàng thành Thăng Long nhưng lại so sánh với Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn: 1000 năm chìm trong lòng đất/ Hoàng thành Thăng Long sau lần khai quật/ Nhìn trên cao xuống/ chẳng khác chiếu dời đô/ Chưa bao giờ,/ từng con chữ lại được nâng niu đến vậy…” (1000 con chữ).

           

Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long cũng như các di tích lịch sử không chỉ là bảo tồn các di vật, hiện vật mà quan trọng là bảo tồn các giá trị truyền thống hào hùng, bảo tồn nền văn minh, văn hiến, niềm tự hào hàng ngàn năm của dân tộc và nâng lên một tầm cao mới để các thế hệ sau kế thừa, tiếp thu và phát triển - đó là thông điệp thật sâu sắc mà Nhụy Nguyên muốn gửi gắm qua bài thơ. Bởi lịch sử, các nền văn hoá kế tiếp nhau từ “Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun/ Rồi đến Đông Sơn” không chỉ được thể hiện qua khảo cổ học, qua các di chỉ được khai quật cũng như không phải như chúng ta từ lâu nghĩ rằng “đã lật đến tầng văn hoá cuối cùng” mà, “những trang sách được viết từ lòng đất, còn mãi” (Hành trình vào đất). Giá trị lớn nhất, vĩnh cữu nhất vẫn là những giá trị thuộc về Con người - chủ thể của sự sáng tạo văn hoá và hưởng thụ văn hoá cho dù “…hàng chục tỉ năm sau,/ Khi mặt trời phình ra/ tiêu huỷ các hành tinh xung quanh nó - và trái đất.../ Hoạ chăng, đống tro tàn/ bị chôn vùi một cách tàn nhẫn đấy/ mới là trang sách cuối cùng của vũ trụ/ Mang đầy đủ nhất/ hình ảnh Con  người” (Hành trình vào đất).

           

Nâng niu, trân trọng con người đó mới là sự nâng niu, trân trọng và bảo tồn các giá trị văn hoá hiệu quả nhất và bền vững nhất. Điều đó cũng có nghĩa là có sống và hành động một cách nhân văn, hướng tới các giá trị nhân văn thì con người mới đến được với Nàng thơ để tận hưởng các giá trị mà Nàng thơ ban tặng. Tên bạo chúa Nê rô phải “…đau đớn khi nàng thơ ngoảnh mặt/ Dẫu hắn còn bên mình chẳng tính xuể mỹ nhân” là một tất yếu bởi hắn đã “đốt cả kinh thành hắn ngự trị/ Để viết một bài thơ bất hủ về sự cháy/ Trong đấy có vô số người dân quằn quại/ Và những cặp nhân tình đạp biển lửa tìm nhau!/ Tôi đứng xa cách hẳn một đại dương/ Vẫn thấy ngọn lửa táp lên/ Như chính tấc lưỡi của Nê rô bạo chúa”... (Nàng thơ).

           

Chất nhân văn đó chính là chất thiền của những bài thơ trên và đó cũng là tư tưởng chủ đạo của cả tập thơ. Dù chưa hiểu hết ý tưởng thể hiện các quan niệm, triết lý Phật giáo mà Nhụy Nguyên muốn chuyển tải trong tập thơ nhưng tôi cảm nhận được những tình cảm yêu thương mà anh dành cho người thân, sự trân trọng, sự đồng cảm, cảm thông sâu sắc của anh đối với những thân phận… Viết về cha mẹ khi ở xa mình, chỉ với hai câu anh đã gây được xúc động mạnh: “Mẹ giờ thân đã xanh xao - Cha giờ tóc đã phai màu trước năm” (Gửi đất mẹ). Viết về bà nội khi nghe tin nội đã xa lìa trần thế, anh không chỉ thể hiện tình thương cảm, xót xa mà còn nói lên sự day dứt vì không có thời gian ở bên bà để chăm sóc khi lưng nội đã trở nên còm cõi mà vẫn nhọc nhằn rau quả sớm hôm: “Cháu về chốn cũ, rào thưa/ Tìm trong vườn vắng dáng xưa nội còm” (Tiễn nội về xa). Anh trân trọng, biết ơn sự hy sinh của bao liệt sĩ; và anh ước ao: “giá phút mặc niệm của tôi/ Đổi được hơn mười nghìn ngọn nến/ Đặt trước hơn mười nghìn nấm mộ…/ Giá tôi thắp được hơn mười nghìn nén nhang/ Cắm trước hơn mười nghìn nấm mộ…” (Phải) ; anh ước được “chết đi” trong phút mặc niệm ấy để: “thấy được những viên đạn/ Hiện đang nằm trong cơ thể các Anh” (Phải). Những viên đạn, mảnh đạn oan nghiệp mà giặc Mỹ không chỉ găm vào thân thể của những chiến sĩ trong chiến tranh mà nó còn tiếp tục gây ra tang thương, chết chóc trong thời bình, nhưng tội lỗi không phải thuộc về chúng mà là “Nước Mỹ, chủ nhân ơi, nghiệp chướng” (Những mảnh vỡ tội tình). Bằng thủ pháp nhân hoá rất thành công, Nhụy Nguyên đã thể hiện sự bất bình của chính những mảnh vỡ ấy: “Cớ gì mang tôi liệng xuống đất lành?” vì những dân hiền lành, chất phác đã vô tình: “30 năm sau trời đã trong xanh biếc/ Vô tội đào lên một bãi tội tình”(Những mảnh vỡ tội tình).

           

Người lính trở về sau chiến tranh với bao nhiêu hiểm nguy, gian khổ và mất mát nhưng đầy cao thượng và bao dung, họ không nghĩ đến mình mà nghĩ đến người vợ thân yêu của mình bằng tình thương yêu và cảm thông sâu sắc: “Bàn chân em sần sùi, in những vết mảnh chai lỗ chỗ…/ Biết bao lần bàn chân em rỉ máu/ Khi những ngón gầy bám chặt mặt đường quê”(Mạch sống). Sự vất vả, nhọc nhằn đó của những người vợ qua những dòng thơ đầy cảm động của Nhụy Nguyên không chỉ nói lên sự khắc nghiệt của chiến tranh mà điều cao cả là sự cống hiến của họ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc giống như là sự cống hiến, hy sinh của những người lính vậy: “Suốt bốn mùa em lội giữa nắng mưa/ Như tôi từng đi nơi chiến trường một thời đánh Mỹ” (Mạch sống). Thương yêu, đồng cảm và biết ơn người con gái “bất khuất, trung hậu, đảm đang” chính thức trở thành người vợ thuỷ chung của mình, trong “Đêm khởi đầu cho quãng đời hạnh phúc”, người lính ấy đã “hôn lên gót chân em nứt nẻ/ Như mảnh đất quê mẹ/ Đợi mưa về chắp vá những mùa khô” (Mạch sống).

           

Đó là những tình cảm đáng quý, đáng trân trọng và đáng để cho lớp trẻ hôm nay phải suy ngẫm về chiến tranh, về ý thức, trách nhiệm đối với bao lớp cha anh đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do và ấm no, hạnh phúc của dân tộc, cho hoà bình hôm nay. Hơn thế, Nhụy Nguyên còn thể hiện sự xúc động lớn lao, sự ngưỡng mộ tôn kính đối với vị cha già của dân tộc khi vào lăng viếng Bác. Ngắm Bác ngủ yên trong cõi vĩnh hằng mà anh thấy Bác đang suy nghĩ cho tiền đồ của dân tộc: “Bác nằm đó/ Những nếp nghĩ không lặn vào giấc ngủ/ Những nếp nghĩ in hình trên hai miền đất nước/ Phía đợi Bác vào - nặng gánh miền Trung” (Bên ánh hào quang). Anh gọi đó là “những nếp nghĩ vàng sao…”.

           

Có thể nói Lập thiền là một tập thơ có chất lượng, mang một phong cách riêng; khơi dậy những giá trị truyền thống của thơ cả về nội dung và hình thức, đồng thời tìm tòi một hướng đi mới cho thơ trẻ, theo tôi, đó là sáng tạo đáng kể mà anh đóng góp qua tập thơ. Nhụy Nguyên đã bước những bước đầy tự tin xuống biển thơ mênh mông và lập ngôn bằng một giọng điệu riêng thấm đẫm chất thiền. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu chân thô ráp mà anh để lại trên cát. Trong số các bài tứ tuyệt, ngoài “Thiền tình” và “Tàn thu” khá đạt thì các bài còn lại chưa có sự đột phá về ngôn từ, cấu tứ như: “Ngồi ngậm ngụm trà còn lại ngày qua/ Chợt nhận, có vị phèn của váng…/ Tình em tôi chôn dưới đáy mồ dĩ vãng/ Mà giờ khăn tang còn giăng trước tầm nhìn” (Ngày cũ). Bài “Trăng gầy” có tứ nhưng cách thể hiện còn hơi gượng: “Nếu dòng sông là bầu trời lật ngược/ Thì đêm này chỉ có một thuyền trôi/ Ta hì hụp giữa ánh vàng con nước/ Đuổi theo thuyền xin hoá kiếp làm neo!”. Theo tôi, hình như tứ tuyệt là sự thử nghiệm của Nhụy Nguyên, anh có sở trường thiên về thơ tự do và lục bát hơn. Hay chăng đây là tập thơ đầu tay nên tác giả chủ định chọn những bài có nội dung phù hợp với chủ đề của tập thơ? Trong bài “Từ khung cửa sổ”, tác giả thể hiện sự đồng cảm sâu sắc đối với cô gái hàng xóm đã lấy chồng lâu lâu xuất hiện ở khung cửa sổ tầng ba với “khuôn mặt  ấy ló ra/ Dịu dàng. Buồn/ Và cam chịu/ Đấy là sau những đêm cô ta vùng mình khỏi nổi đắng cay”. Nhưng câu thơ tiếp theo với cách dùng từ quá cầu kỳ đã làm giảm mất tính nhân văn đó: “Hay từ phòng ngủ có thằng chồng thường đi làm về muộn” v.v...

           
Dẫu còn có những câu thơ còn chưa làm một người hơi “khắt khe” như tôi bằng lòng nhưng một điều tôi thấy rõ được từ tập thơ Lập thiền của Nhụy Nguyên là có rất nhiều bài thơ hay và chất lượng, và những bài thơ đó không có những câu thơ chưa đạt về cả nội dung và hình thức. Đó là thành công của Nhụy Nguyên trên con đường chinh phục Nàng thơ vừa nghiêm túc lại vừa đỏng đảnh.

                                                                                                           

 

Thơ NHỤY NGUYÊN từ Lập Thiền

 

1.

1000 con chữ

 

1000 năm chìm trong đất

Hoàng thành Thăng Long sau lần khai quật

Nhìn từ trên cao xuống

chẳng khác Chiếu dời đô.

 

Chưa bao giờ,

từng con chữ lại được nâng niu đến vậy

Cho dù không ít trong số đó

đã vụn thành cát

 

Lý Công Uẩn viết Chiếu dời đô

bằng hiện vật

chính từ những lụy tàn của cung điện

thời vàng son...

 

2.

 

Mạch sống

 

Dưới ánh sáng của ngọn nến

Bàn chân em sần sùi, in những vết mảnh chai lỗ chỗ

Như bức tường thành cổ

Hằn lại vết thương của bom đạn giặc thù!

 

Suốt bốn mùa em lội giữa nắng mưa

Như tôi từng đi nơi chiến trường một thời đánh Mỹ

Biết bao lần bàn chân em rỉ máu

Khi những ngón gầy bám chặt mặt đường quê

 

Đêm khởi đầu cho quãng đời hạnh phúc

Tôi đã hôn lên gót chân em nứt nẻ

Như mảnh đất quê mẹ

Đợi mưa về chắp vá những mùa khô...

 

3.

 

Tiễn nội về xa

 

Nội không còn nữa

Nội ơi!

Chừng như mùa đã lặng rơi trước mùa

Cháu về chốn cũ rào thưa

Tìm trong vườn vắng dáng xưa nội còm

           

Nhọc nhằn rau quả sớm hôm

Gửi vào đất chết những hòn phù sinh

“Chị Tư heo hút một mình” (*)

Thương thằng em quá... - Nội nhìn chẳng cam (**)

Bây chừ chim báo bão tang

Mùa kia rụng trước xuân sang mấy vần!

 

Thủy Dương, 18 - 11 - 04

--------------

* - Thơ Chế Lan Viên

* * - Hôm viếng linh cữu Chế Lan Viên, “chị Tư” quay đi trước di ảnh em trai mình.

 

 

4.

 

Giọt bình sinh

 

Tôi hướng mắt về ngôi chùa lặng trong tiếng thở

nơi có những bức tường rêu phủ

bật cái màu xanh cổ

trên nền xuân.

Nơi đây

thiếu nữ xiết thân kết vòng hơi ấm

ủ giọt mắt Phật

tan tành phía trần ai

 

Tôi đang đứng ở bậc thấp nhất của ngôi chùa

dõi mắt qua màn sương, nhìn thiếu nữ.

ước: một lần hoá kiếp

đầu thai vào lệ khuya...

 

5.

 

Nàng Thơ

 

Tên bạo chúa Nê rô từng đốt cả Kinh thành hắn ngự trị

Để viết một bài thơ bất hủ về sự cháy

Trong đấy có vô số người dân quằn quại

Và những cặp nhân tình đạp biển lửa tìm nhau!

 

Tôi đứng xa cách hẳn một đại dương

Vẫn nhìn thấy ngọn lửa táp lên

Như chính tấc lưỡi của Nê rô bạo chúa

Diễn tả sự đớn đau khi nàng thơ ngoảnh mặt

Dẫu hắn còn bên mình chẳng tính xuể mỹ nhân...

 

6.

 

Gửi đất Mẹ

 

Quê tôi Thụ Lộc an bình

Có con sông nhỏ hồi sinh cánh đồng

Đất hiền gói những hoài mong

Mái đình lặng lẽ uốn cong góc trời.

Ngày tôi ngủ mặn trong nôi

Mẹ cha tiễn Gióng khứ hồi từng cao

 

Mẹ giờ thân đã xanh xao

Cha giờ tóc đã phai màu trước năm

Sông quê giờ vắng đò ngang

Làng quê vắng bóng mái tranh che mùa...

Tôi về nhặt hết cổ xưa

Gieo lên thửa ruộng em vừa cấy xong!

Nguyên Hào
Số lần đọc: 2496
Ngày đăng: 27.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện tính mùa tạp kỹ * - Một bài tập lập dị có ý đồ và khuynh hướng hậu hiện đại. - Dư Thị Hoàn
Thanh Hoa và những truyện ngắn đầy suy tư về thế thái nhân tình - Triệu Xuân
Đọc tập thơ Bóng Mùa của Nguyễn Thiền Nghi. - Lê Huỳnh Lâm
Vương Huy -Gã ẩn cư giữa ngôi-đền-thơ - Võ Tấn Cường
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh : “Va vào đâu mà đất giật mình ?” - Đổ Huy Thanh
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ !-1 - Lê Xuân Quang
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ -2 - Lê Xuân Quang
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ -3 - Lê Xuân Quang
Lóng lánh một hồn thơ - Phạm Quang Trung
Gương mặt buồn ,mảnh đất buồn và lòng người nhân hậu - Nguyễn Đức Thiện