Nhưng TTT đã không trở thành thi sĩ ca dao như ông muốn vậy. Ông không có được những bài Lục bát hay . Bài Xuân Ca đăng báo Dân Chủ ở Saigòn 1957 là một bài Lục bát hiếm hoi . TTT chỉ làm thơ tự do theo các trào lưu hiện đại . TTT cho rằng : “ Thơ bây giờ là một sự xáo trộn ngôn ngữ. Ta phải ghi nhận công của phái siêu thực Tây phương đối với ngôn ngữ. Tôi làm thơ, ngoài mối ám ảnh chung về tư tưởng đức lý nói trên, còn theo đuổi một mối ám ảnh về ngôn ngữ. “
Điều này khác xa với Bùi Giáng . Bùi Giáng triệt để phủ định ãnh hưởng trào lưu
phương Tây . "Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy theo đuổi mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ." (6)
Điều lạ lùng là cả hai nhà thơ , dù rất khác nhau về quan điểm , lại từng là bạn cuả nhau và đã có những đóng góp đặc biệt làm mới thơ ca Việt Nam . Thanh Tâm Tuyền và Bùi Giáng đã là những phong cách nghệ thuật độc đáo , những cá tính sáng tạo nổi bật trên thi đàn miền Nam Việt Nam nưả sau thế kỷ XX , mà những thế hệ sau có muốn học tập cũng không dễ gì vượt qua được.
II. Hoàng đế cô độc
Sau khi đã vượt qua những luật lệ và nhập được vào lãnh điạ thơ cuả Thanh Tâm Tuyền , chúng ta hãy đến thăm vị hoàng đế và dạo quanh lãnh thổ cuả người , để tìm kiếm , và may ra , tìm thấy kỳ hoa dị thảo , tìm thấy những suối nguồn tươi mới , và tìm thấy một tân thế giới chưa từng ai đặt chân đến chăng ?
Trên hành trình sang tạo cuả mình TTT người bộ hành cô đơn ( Chim ) , người nghệ sĩ đơn độc , Người ý thức sâu sắc và quyết liệt thân phận cô độc . Cô độc , buồn sầu trong sự chọn lưạ con đường thơ , chọn lưạ làm một tên hề buồn nhất thế giới.
Như kẻ say rót rượu lấy mà uống
Cho vui thêm cuộc hành trình
( Đúng rồi những người thù ghét thơ tôi ơi )
Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc.
( Bao Giờ )
Mày chỉ là tên hề buồn, tên hề buồn nhất thế giới chẳng làm ai cười nổi.
( Sầu Khúc )
TTT cô độc trong ý thức hiện sinh , sợ hãi cả cây cột đèn , hoang vu lạnh lẽo và trần trụi , trong tâm trạng một người sống sót ( Cỏ ) , thường trực đối diện ám ảnh cuả sự nỗi chết ôm ghì , chết đuối , bóp cổ chết , súng bắn vào đầu đạn nổ nhịp ba , cuả biển đen sầu hận , cuả hư vô không cùng
Anh sợ những ngôn ngữ bơ vơ
Sau những chiều động bão
Những ngày kín sương mù
niềm hắt hủi
Khói tím buồn
hàng thân cây cô đơn như mình anh
vùi hận sầu đen tối
Chôn xuống đáy biển sâu
chiều dốc lạnh
Con đường duỗi dài cánh tay người chết đuối
thành phố bỏ trốn
Em có thấy hư vô đắp dưới mền tóc dày
( Bài Hát Buồn )
Trong nỗi cô độc ấy , TTT khao khát xẻ chia , dù trái tim đã thành hòn đá vô tri tĩnh mịch rỗng tuếch
Bạn bè chia tay ném bỏ lại cô đơn
Một mình anh mang nặng
Và chua cay
Vùng biển đen
Mùa hè thiêu đốt cả cô đơn
Em biết không? Em biết không? …
( Sầu Khúc )
Hòn đá vô tri tim tĩnh mịch
Biết gì về tình yêu , anh , đâu biết gì về tình yêu
Đi đâu ? Em đâu ? Đây một mình anh
Một mình anh tôi mọi lũ một mình
Hoang vu phập phồng trong trái tim rỗng tuếch
( Tặng Vật -1962-1963 )
TTT cô độc giưã quê hương đoạ đày
Tôi ngồi khóc bên bờ sông trôi mãi
Em bỏ đi
Những người thân nhất đều hắt hủi
Giữa xứ sở đau thương tôi chịu đoạ đầy
( Về Quách Thoại )
TTT nói Tôi Không Còn Cô độc , và dù đã Tìm Thấy Mặt Trời trong Đêm, nhưng suốt hành trình thơ , TTT ngày càng cô độc và tuyệt vọng
Bị xua đuổi khỏi nơi trú ngụ
Hắn làm tên du thủ vong tình
Cùng xứ sở mắc vòng khốn đọa
Trên hoang phế sau đêm thảm họa
( Hắn Rũ Bỏ Ký Ức Và Ra Đi)
Căn nguyên cuả nỗi cô độc hiện sinh ấy là gì ?
Ta phải tìm câu trả lời trong bối cảnh thời đại TTT đang sống . Đặng Tiến cho rằng :
“ Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật. “(7) .Nói như vậy phải chăng cũng đồng nhất TTT với những nhà thơ nhà văn Lãng Mạn 1930-1945. Họ là những trí thức tiểu tư sản thất bại trong chính trị ( chẳng hạn Nhất Linh , Khái hưng .. ) , tìm vào văn chương như một phương cách thoát ly , như một sự tự lưà mị chính mình ?
Trường hợp TTT , theo tôi là khác. Bối cảnh thời đại TTT sống đã khác rất xa bối cảnh xã hội Việt Nam trước 1945. TTT sinh năm 1936 , đến khi toàn quốc kháng chiến chống Pháp 1946, ông mới 10 tuổi. Theo Đặng Tiến (8) , những năm 1950 , ông hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội, cùng với những người sẽ trở thành bạn văn nghệ về sau: Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế ...Sau kháng chiến , đất nước chia đôi , ông vào Nam . Tại Sài Gòn, 1955, ông viết cho các tuần báo Dân Chủ, Người Việt , tham gia biên tập báo Sáng Tạo (1956-1960) do Mai Thảo đứng tên, và ông thường được xếp vào «nhóm» Sáng Tạo . 1962, bị động viên vào Trường Sĩ quan Thủ Đức, được giải ngũ, rồi tái ngũ, phụ trách chủ yếu việc huấn luyện văn hoá, «tám năm quân ngũ chưa nổ một phát súng với địch» (1972), cấp bực cuối cùng là đại uý. Sau 1975, ông bị bắt đi học tập, gần mười năm, tại nhiều trại cải tạo miền Bắc. Sau
khi ra trại ông sang định cư tại Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1990.
Miền Nam những năm sau 1954 , và nhất là từ 1963 trở đi , là một xã hội đầy biến động , đầy âu lo. Chiến tranh ngày càng ác liệt , nỗi chết trở thành ám ảnh thường trực . Sự sụp đổ , sự băng hoại , sự tan rã là không tránh khỏi . Nỗi tuyệt vọng bao trùm , phủ lấp những tròng mắt thâm u , tiềm ẩn trong từng hơi thở . TTT không tránh khỏi hoàn cảnh và tâm trạng này. TTT chìm trong ý thức Hiện sinh .Ông không có một lý tưởng để vươn tới , để dấn thân , để cuộc sống có nghiã . Ông không có niềm tin tâm linh để có thể vác lấy thập giá định mệnh mà vượt qua , ở thời đại cuả ông thượng đế đã chết ( Nietzsche ). Ông cũng không có đủ Bi ,Trí, Dũng cuả một bản thể tự tại để đương đầu với sóng cuồng bão động , và quan trọng là ông không có được quan hệ máu thịt với dân tộc và cội nguồn để trở về ,
“ Giữa quê hương ngoảnh mặt làm ngơ Không còn nơi chốn nào thân thiết” , “ đắm giạt Làng-quê Không-có-đâu” . Ông sống không có niềm tin , dù “ đôi khi anh muốn tin “ ( Lệ Đá Xanh ) để rồi sau cùng lại ra đi , xa lánh lặng lẽ đìu hiu khuất lấp.
Đi Xa lánh Như người xưa
lặng lẽ điềm nhiên rảo gót về
bên triền lũng khuất nắng quái hoặcĐạm bạc chiếc bóng đìu hiu
( Chia Tay – 1990 )
Nỗi buồn sâu thẳm trong tất cả những bài thơ cuả TTT là nỗi buồn cuả hiện sinh quy tử ,
cái chết vội vàng , cái chết tan tành không cưỡng lại được . Cũng là nỗi buồn trước thực tại đất nước .Ông dùng hình ảnh ẩn dụ để nói về thời đại mình .Ông không dám nói thật sự tàn bạo cuả nỗi chết . Ông che dấu sự bộc lộ trực tiếp những nghĩ suy về thời cuộc , che dấu sự bi đát thân phận , che dấu mình để khỏi bị trả thù bởi móng vuốt bóng đêm .Ông trốn chạy ,ông buông xuôi “ bập bềnh lả theo trời “, mặc định mệnh . Không có tương lai , không có ánh sáng , chỉ có hoang vu lạnh vắng , chỉ có sợ hãi đớn đau ôm ghì ,chỉ có những hoảng loạn đớn hèn đe doạ được vẽ ra bằng những hình ảnh ẩn dụ : xứ sở mắc vòng khốn đọa , trên hoang phế sau đêm thảm họa , giông bão , mùa đông dài ác nghiệt, núi nhọn , lưả cháy, biệt ly , đau thương đoạ đày ,nhục nhằn , chó dữ , những con chó sói , con mắt đen đen đen , tròng mắt ma quỉ soi, rượt bắt , chập chùng hố huyệt, hấp hối , nỗi chết ,..
Tôi chờ đợi
lớn lên cùng giông bão
Đất nước có một lần
tôi ghì đau đớn trong thân thể
những giòng sông những đường cầy núi nhọn
những biệt ly rạn nức
Tôi chờ đợi
phổi đầy lửa cháy
môi đầy thẹn thùng
vục xuống nhục nhằn tổ quốc
( Bài Ca Ngợi Tình yêu )
sợ chó dữ
con chó đói không màu
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
( Phục sinh )
Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Sao tuổi trẻ quá buồn …
anh đưa em đi trốn
những dày vò ngày mai
( Dạ Khúc )
Mày gặp mày không nhìn nổi ra mày trong bờ bụi
Cơn rượt bắt cuồng cơn hấp hối ngu xuẩn ở trong luồng thôi thúc dữ
Linh hồn cuả con mắt đen đen đen và sáng như cơn mưa rào đầu muà
Mày ở trong mày hai chân lún và ẩn náu
Và đêm ngã vấp và ngày vỡ toang…
Mày còn tấm tặng phẩm , tấm tặng phẩm đớn hèn trên tấm thân mang hiến
Cái chết vội vàng như quả rục cái chết tan tành như tiếng kêu.
( Tặng Phẩm -1962,1963 )
Mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện
Lòng ta lạnh vắng như cỏ cây…
Như phiến gỗ nặng thả theo nước
Bập bềnh trôi nổi ta về xuôi
Như lau lách mọc chen bờ bãi
Phất phơ tóc bạc lả theo trời.
( Đỉnh Non Xa -Giai phẩm Văn 3.9.1974)
TTT ôm ghi lấy đất nước đau thương , cùng chia xẻ vòng khốn đoạ với xứ sở , cùng vục xuống nhục nhằn tổ quốc , cùng xớt chia nỗi chết với bao người , còn hy vọng “rằng anh còn trở về/ rằng anh còn người yêu . Trong nỗi bi thương thê thiết ấy Thái độ chính trị cuả TTT là gì ? TTT thấm thía thân phận một dân tộc nô lệ ( Đen ). Thời ấy , người trí thức miền Nam nào cũng đau nỗi đau tủi nhục về thân phận nhược tiểu cuả “ người nô lệ da vàng “ ( chữ cuả Trịnh Công Sơn ) .TTT đứng về phiá những người vô tội chối từ khí giới, phản đối chiến tranh , vì chiến tranh còn những khoảng trống đất hoang ( Chim ), khao khát hoà bình , khao khát một ngày yên vui , đất nước trổ hoa, người người mừng vui , Hà nội Huế Saigòn ôm lấy nhau nức nở
Nhịp ba
Sóng bồi phù sa
Ruộng lúa trổ hoa
Núi cao uốn cây rừng
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu tự do mãi mãi
Đất nước ào ào vỗ nhịp
Triều biển chập chùng
Hà Nội Huế Sàigòn
Ôm nhau nức nở
( Nhịp Ba )
Người đọc nghe trong thơ TTT nhịp đập cuả một trái tim yêu nước không gọi rõ tên , tuy
sâu thẳm nhưng mơ hồ , bởi vì trước 1975 đất nước còn bị chia đôi , đất nước ông nói đến là miền nào ? Không , đó là một đất nước trong thể thống nhất , TTT nhìn thấy “Đất nước ào ào vỗ nhịp / Triều biển chập chùng / Hà Nội Huế Sàigòn / Ôm nhau nức nở”
Trong viễn cảnh ấy , dường như TTT đã thức tỉnh ? TTT trở về sự thật , “Rưả sạch mặt mũi lem luốc chùm ảo vọng “ , tự “ bóp cổ chết gục” để phục sinh
Tôi đứng đấy như con công tôi múa
xoè bộ mã đời mình nũng nịu
như trên chót đỉnh khoe khoang
Tôi đứng đấy những tơ giăng phù phiếm
con nhện rớt hoài
trong màng lưới rách bung
của lời đong đưa trắc nết
( Thầm Nhủ - 1969 )
Tan rồi trái cầu không tưởng
Cuộc phiêu lưu chết sững chốn vô cùng
( Tặng Phẩm- 1962,1963 )
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.
( Phục sinh )
Linh hồn phục sinh cuả TTT đã ánh lên một chút , ( chỉ một chút thôi vì nó ẩn mật ) nỗi đau với những con người đau khổ , với quê hương đất nước . Tâm hồn ấy dường như cháy bỏng khát vọng tự do . Lúc đầu thơ ông vang lên tiếng ca ngợi tự do chính trị , sau đó là chuyển sang tư tưởng cuả tự do Hiện Sinh , nhưng TTT chưa buớc chân vào được chân trời tự do hiện sinh ấy , thơ ông chưa đạt tới tầm vóc cuả thơ tư tưởng .Người đọc chỉ thấy thấp thoáng những tín niệm cuả chủ nghiã Hiện Sinh như buồn nôn , tự do ( La Nausée- J.P .Sartre ) ; kẻ xa lạ ( L’Etranger-A. Camus ) ; sự đánh mất đức tin ( “Thượng đế đã chết “- Nietzsche ) . TTT muốn thơ mình là tiếng nói là tiếng khóc cuả những con người vô tội yêu tự do, là tiếng thơ là tiếng cười cuả Việt Nam ngày mai , nhưng sẽ chẳng bao giờ TTT đạt được uớc nguyện ấy . Đó là tất cả bi kịch cuả TTT .
Anh nhớ em cùng một lúc với thành phố
với những con đường anh đi qua một lần
anh nâng niu cuốn sách nói đến cách mạng
nói đến người tâm hồn trái tim tự do
( Liên , Những bài thơ tình thời chia cách )
Nhịp ba
Tình yêu
Tự do
mãi mãi
Tình yêu tự do mãi mãi
Tình yêu tự do
mãi mãi anh ơi
( Nhịp Ba )
Tôi chờ đợi
một người không
nhiều người
ở thành phố thiếu thốn
ở làng mạc đoạ đầy
tôi là tiếng nói là tiếng khóc
những người bỏ đi hẹn trở về
những người mím hơi thừa chịu đựng
tôi chờ đợi
tôi là tiếng thơ là tiếng cười
mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam
( Bài ca ngợi tình yêu )
Sự sống còn một người
Sự sống còn nhiều người
Những người vô tội
Nhân danh
Tình yêu tự do người
Tôi được quyền kêu gọi
Những người đã chết xin có mặt
Những người còn sống xin giơ tay
( Nhân Danh )
anh hứa trở về không đối diện với thù
giòng sông chỉ còn tiếng sóng vỗ
cười tung lồng ngực chứa chan
( Liên , Những bài thơ tình thời chia cách )
cuộc sống phải thừa như không khí
cuộc sống phải thừa như sớm mai
xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
chúng ta đã thắng giữa cuộc đời
( Gửi Quách Thoại )
Nhân vật em trong thơ TTT có thể là cái phao bấu víu sau cùng cuả tâm hồn ông , cũng
là người ông chia xe nỗi niềm . Giọng thơ nói với em là giọng tâm tình chia xẻ , như là bám víu , như là hy vọng trong tuyệt vọng , giọng buồn biền biệt . Thực ra đó là cách TTT bày tỏ lòng sầu héo, nỗi buồn rưng rưng , sự sợ hãi bị bóp chết trong tuyệt vọng trần truồng
Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
(nếu đời người không có những sớm mai)
anh trở dậy
đọc thơ Nguyễn Du
những câu lục bát buồn rưng rưng cuối đường của một ngày
( LIÊN, NHỮNG BÀI THƠ TÌNH THỜI CHIA CÁCH )
Anh nằm trên đồi
Trời chiều ôm dưới ngực
Gió thổi hơi nồng trưa xa khuất
Trưa kia trời cháy đốt trên lưng
Những bãi cỏ khô trơ
Như mắt mở
Đêm trôi dàn
Trên ngánh sông dài như chẳng có
Như cánh tay trườn
Mai Hoa Mai Hoa em
( Tặng Phẩm - 1962 )
Phải làm mới tình yêu
Coi chúng ta là những người thứ nhứt
Trên trái đất này biết yêu nhau
Để những cặp tình nhân khác bắt chước
Để con cái sau này không khổ đau.
( Bài Thơ Cuả Tháng Giêng )
Đêm về khuya tình đã vắng như màn trời
Này em đan cho anh những ảo tưởng
Với ngây thơ nào em còn sót…
Vàm sông nước xoáy như tiếng cười thầm
Ở sau lưng ở trước mặt
Anh thả người trôi nổi
Em biết không? Em biết không?
Anh đốt dần xác thịt như cành nhọn
Giữa chiều mùa đông ở đây trong cốt tuỷ
Tuyệt vọng trần truồng
( Sầu Khúc )
Thơ Ở Đâu Xa đuợc TTT viết trong thời gian ông ở trong trại cải tạo có khuynh hướng tư tưởng , bút pháp và thái độ sống khác hẳn .Theo Phạm Kiều Tùng ( 9 ), thơ TTT sau 1975 là một giai đọan sáng tác khác : “… giai đoạn sáng tác cuối đời của anh, một giai đoạn tạm gọi là giai đoạn “không còn muốn kể nữa”, vì “không có gì đáng kể”?” . Phạm Kiều Tùng căn cứ vào bài học cuả TTT ghi trong cuốn sổ tay mà trước khi sang Mỹ định cư , TTT đã gửi cho ông :
Bài học Đạo Đức Kinh:
Như thể không có sự gì xảy ra, đáng kể; ngoài các câu được viết.
Lời không của ai, không nói với ai.
Cùng một lúc mở và đóng, ở ngoài và ở trong.
Xem tiếp phần 3