Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.214.594
 
Thanh Tâm Tuyền ,thi sĩ tuyệt vọng trần truồng-3
Bùi Công Thuấn

Bùi Vĩnh Phúc(10) trong bài Biệt khúc cho Thanh Tâm Tuyền , đọc lại Thơ ở đâu xa , đã viết khá thuyết phục về chặng đường thơ TTT sau 1975 . Ông nhận xét : “ Thơ ông trong tập này đằm chín và sâu lắng. Kinh nghiệm cuộc đời và sự thẩm thấu khổ đau, cái nhìn vào pháp tướng của mọi sự vật trong đời đã làm cho những bài thơ ông mang một tố chất gì đó rất gần với sự tỉnh thức và chấp nhận trong tinh thần giáo lý Công giáo, cùng lúc, cũng mang trong chúng một thiền chất khiến ta thấy chúng, có những lúc, có cái tinh thần đốn ngộ của Thiền tông và cái tinh thần bát nhã của đạo Phật. “. ..” Trong Thơ ở đâu xa, người ta thấy có nỗi buồn và có niềm đau. Có đấy. Có sự cảm nhận buốt sắc về hiện sinh, về định mệnh mình. Nhưng kẻ thi sĩ ấy vẫn không chịu ngã gục hoặc nằm vùi trong sầu khổ.”

 

Phạm Kiều Tùng (11) lý giải theo một cách nhìn khác : “ Tôi nghĩ đơn giản: Anh đã “thoát”. Thanh thoát. Anh đã tìm về – và tìm được, tìm về được – cái minh triết của cổ nhân… Minh triết của cổ nhân dạy rằng thấu hiểu bản chất của những sức mạnh bất khả kháng, thấu hiểu quyền uy của bóng tối chính là chinh phục chúng, là trở nên lớn lao hơn chúng .” ( Phạm Kiều Tùng – Bài Học Đạo đức Kinh cuả Thanh Tâm Tuyền )

 

Nếu tổng hợp ý kiến cuả Bùi Vĩnh Phúc và Phạm Kiều Tùng lại , thì phải chăng tư tưởng cuả TTT sau 1975 là sự tổng hợp cả Phật ( Tinh thần Bát Nhã ), Nho ( định mệnh ), Lão ( Bài học Đạo đức Kinh ) và Thiên Chuá Giáo ?

 

Tôi không tin rằng TTT có thể tổng hợp được tư tưởng cuả các tôn giáo lớn ấy , bởi vì

thơ TTT không phải là thơ tư tưởng. Trong thơ , TTT hoàn toàn không thể hiện  sự giác ngộ chân lý nào cuả các tôn giáo ấy.  Bảo rằng  Ông đã sống trong tù như một hành giả, như một thiền sư “ với tâm thế “ Thiền lao “( Bùi Vĩnh Phúc ) tôi e rằng sẽ là một ngộ nhận , bởi vì TTT đâu có nhìn thực tại là vô thường , vô ngã, đâu có nhận ra Phật tánh trong vạn vật , đâu có vượt qua sắc không ngũ uẩn , đâu có đuợc uy lực Thiền để “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư “. TTT cũng không tự nhận lấy chén đắng và vác lấy thập giá đời mình bước đi , lên đỉnh núi kia , tự đóng đinh , để cưú lấy cuộc đời. TTT đâu có tri Thiên Mệnh , biết nhận ra “ lẽ hưng phế “ để sống thuận theo Thiên Mệnh. TTT cũng chẳng màng đến triết lý

 vô vi ‘ để sống an nhiên.

 

Trước sau TTT vẫn là người tuyệt vọng.  Hắn Rũ Bỏ Ký Ức và Ra Đi rồi Chia Tay,

 từ bỏ mảnh đất nghèo khổ Việt Nam mà có lần TTT nghĩ rằng mình “ Ðứng vững không khuỵu chân  . Sau đó là sự im lặng . TTT đã im lặng trong suốt quãng đời còn lại (từ 1990 đến 2006 , 16 năm , thời gian dài hơn những năm tháng trong trại cải tạo ) .TTT cũng  từ bò  tập bản thảo viết sau thời gian ra trại trước khi đi Mỹ, như là từ bỏ chính mình  . Tôi hiểu nỗi tuyệt vọng cuả TTT là vô phương cứu chưã , tuyệt vọng trần truồng, không che dấu.

 

Dù sao những bài “ thơ trong đầu “ cuả TTT cũng là một chặng đường sáng tác mới trong hành trình thơ cuả ông  .Ngày 30/4/75 ập đến như bão táp , lật đổ tất cả , quét sạch tất cả những ảo tưởng. TTT cũng như bao người ở miền Nam lúc ấy hoang mang lo sợ , không biết tương lai sẽ thế nào.  Những năm tháng sống trong môi trường cải tạo , TTT từ con người cuả  ý thức hệ duy tâm trước kia giờ đây trở về với cái thực đời thường , sống thật với  sự sống cuả chính mình , sống cùng với sự tồn tại cuả người khác , không còn phải sống trong xáo trộn , xô bồ , lo sợ chết chóc , đối diện với những bất trắc tráo trở phản bội đớn hèn đau thương trước đó . Tâm hồn TTT trở nên yên tĩnh , bình an , trong sáng hơn . Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm kể (12): “Năm đầu cùng chung trại Long Giao. Anh lán 9. Tôi lán 6. Lán là nhà mái tôn dài, trại lính cũ. Gặp tôi, anh mừng rỡ. Năm đầu ở đây, chưa phải lao động nhiều nên có thì giờ nhàn rỗi.” Một dịp tết , Nguyễn Đức Tâm kể :“ngày Tết lén cắp rượu đem vô. Tôi chia cho Thanh Tâm Tuyền một nửa. Anh không uống được nhiều rượu. Một hai chung như thế cũng đủ cho thi sĩ của chúng ta có hứng khởi làm những câu thơ về xuân về Tết trong tù tuyệt vời. “

“...Trời có mấy độ xuân?

Ðất bao nhiêu miền lạ?

Chưa ngấy tiệc trần gian.

Hồn run xanh búp lá.”

 

Bây giờ xung quanh TTT  là rừng thâm u , hẻm núi dốc , đèo cao , trời xanh , gió  mưa , trăng sao , đồi nương  . TTT lao động , sống đời sống người lao động như bao nhiêu người lao động khác , tất nhiên là khổ hơn , như chính dân tộc này mấy ngàn năm qua : thức khuya dậy sớm , làm những công việc lao động : Chủ Nhật Lên Núi Kiếm Củi  , Hái Trà Dưới Trời Mưa Tháng Bảy , Trưa tháng chín trên đồi cọ , Thơ làm khi đi nuôi cá , Tháng mười cấy rau lấp , Chiều nắng hanh trên đồi hương nhu ,  Ngã trên núi Việt Hồng ở Yên Báy khi đi vác nứa

 

Khung cảnh thiên nhiên đất nước cùng với  cuộc sống lao động này đã thức tỉnh hồn thơ dân tộc ở TTT ? Ta gặp những cảm xúc , cách nghĩ , chất liệu thơ TTT giai đoạn này có bóng dáng cuả thơ Thiền ( thời Lý , Trần ), có âm điệu thơ Nguyễn Trãi ( khi ở Côn Sơn ) , có chút tình cuả thơ Nguyễn Khuyến  ( khi về sống với nông dân ) .Hồn thơ TTT sáng trong. Cỏ cây hoa lá , trăng sao , núi rừng , đồi cao,  mưa gió và công việc lao động ánh lên nhiều vẻ đẹp và rực rỡ chất thơ , rực rỡ huơng sắc , chất ngất tình say  .Dường như TTT đã trở về được với cuộc đời chân thực , hội nhập được với tâm hồn dân tộc (?)

 

Bây giờ TTT “ Ngóng tiếng gà trong thôn “, “ đứng vững trên mảnh đất nghèo khổ “, nhìn ngắm trời xanh như giếng ngọc , nhận ra Ðất hiền thở hương nắng thênh thang, nghe Vang Vang Trời Vào Xuân. Đi hái trà mà hồn lãng mạn quên về , Thiếp mê tình tứ trên đồi cỏ , cả trong mưa vẫn đẹp,  Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới

Cỏ hoa thầm thì hát
Ngoài vườn trăng đêm nay
Xuân ngàn mùa vẫn một
Hương sắc không hề phai
Sự trôi chảy mãi thật
Tình đơn sơ còn đây
( Xuân Tứ )

 

Ðứng ngây trời ẩm sũng
Ngóng tiếng gà thôn gần

(  Dậy Sớm )

 

Ðứng vững không khuỵu chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
( Vang Vang Trời Vào Xuân )

 

 Một tay chống gậy tay dao quắm 

Bò leo dốc đứng thở mang tai

Lên cao trông xuống lũng xanh bấy

Cớ sao lòng chẳng buồn nhớ ai.

(  Chủ Nhật Lên Núi Kiếm Củi )

 

Trời xanh cao vút giếng nước ngọc
Ðất hiền thở hương nắng thênh thang.
( Xuân )

 

nghe gần gũi sa đà trời tháng bảy
gió xa xôi từ mạn lãng quên về
( Hái Trà Dưới Trời Mưa Tháng Bảy )

 

nhìn nắng loé ánh trên tàn lá
cơn sốt tình rực rỡ đắm say
(Trưa tháng chín trên đồi cọ )

gánh cỏ trên vai thơ trong đầu
trời chớm thu hạ mường tượng hồng au
(Thơ làm khi đi nuôi cá )

bước xuống ruộng hồn bỏ trên bờ
chân giẫm bùn tay cấy thẩn thơ
(Tháng mười cấy rau lấp )

 

trong suốt trời sông
vô vàn bóng nguyệt
đêm lộng gương tạc
nhẹ thênh hình dung

(   Bến Mộng )


Tuốt những chùm bông hạt già úa
Ðộng nhánh cành trơ trụi xác xơ
Hè cháy rụi sót hoa nám lửa
(Chiều nắng hanh trên đồi hương nhu )


Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu
(Ngã trên núi Việt Hồng ở Yên Báy khi đi vác nứa )

Tháng Năm nắng trong ủ mật hương
Óng biếc sau mưa những rừng thông
Thiếp mê tình tứ trên đồi cỏ
Ngày nhởn nhơ khoác áo huy hoàng

( Bài Ru Tháng Năm – 5/1981 )

 

Những bài thơ trích ở trên có thể góp cho thơ ca dân tộc  những tứ thơ rất đẹp , mang đuợc vẻ đẹp cuả tâm hồn Việt nam bình dị , sáng trong .Thật hiếm thấy được những tứ thơ như vậy trong thơ TTT trước 1975 . Thơ ở Đâu Xa là tâm hồn TTT  phục sinh trong cuộc sống lao động , gắn bó với thiên nhiên đất nước , toả sáng nhiều vẻ đẹp có bề sâu cốt cách tâm hồn Việt Nam . Quả thực , những trải nghiệm bể dâu cuả TTT đã thăng hoa thành những bài thơ , thực sự có giá trị .

 

Chỉ tiếc rằng từ đề tài , chất liệu đến cảm xúc và cách thể hiện , TTT đã không vượt qua

được những nhà thơ dân tộc đi trước ông.

 

 Nói đến TTT người ta dè dặt về những tháng ngày ông ở trong trại cải tạo . Tôi gọi đó là những tháng ngày bể dâu , và thực ra cả những năm tháng trước đó ở miền Nam , ông đã sống cuộc đời  bể dâu rồi  . Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì những trải nghiệm bể dâu cuả TTT cũng là những trải nghiệm  tử sinh  nhiều nhà thơ , nhà văn lớn cuả dân tộc đã đi qua , mỗi người mỗi hoàn cảnh riêng do lịch sử quy định . Đó là mối kỳ oan nghiệt ngã cuả khách phong vận ( Phong vận kỳ oan ngã tự cư – Nguyễn Du ) : Nguyễn Trãi , Nguyễn Du ,  Hoàng Cầm , Phùng Quán , Trần Dần , …Mỗi người tự vượt qua số phận cuả chính mình bằng sức mạnh cuả lòng tin vào giá trị cuả nghệ thuật , bằng sức mạnh gắn bó với nhân dân , và mang lấy những thăng trầm cuả lịch sử dân tộc , chính nhờ thế họ trở thành những nhà văn nhà thơ lớn cuả dân tộc (*). Hãy nghe Hoàng Cầm tâm sự (13) : “Phải nói thật một điều, thường người ta khó tin, là hồi đó tôi không mang trong lòng – dẫu chỉ một ly – nỗi oán hận, nỗi buồn phiền, hoặc trách móc hờn giận gì ai. Đôi lúc, chỉ nghĩ về chính số phận mình, có chút cay đắng, có xót xa. Nhưng vì “đã mang lấy nghiệp vào thân” như Nguyễn Du nói, cái nghiệp thơ đầy đau khổ, oan trái, nhưng cũng nhiều hào quang toả ra từ tâm linh và từ những câu chữ kỳ diệu đã đem đến cho mình không ít giờ phút say sưa, ngay trong cuộc sống bình nhật cũng không ít hạnh ngộ đẹp, tôi được gặp nhiều người nam, người nữ rất trong sáng, yêu thương mình hết lòng. Dân tộc là thế đấy, thưa các bạn. “ .

 

Tuy vậy,  cũng có người không vượt qua được  , đành rơi vào bi kịch. TTT ở vào trường

hợp này . Đối diện với số phận nghiệt ngã , tầm vóc TTT không thể sánh được với tầm vóc cuả Nguyễn Trãi , tấm lòng cuả TTT không thể sánh được với “ tấm lòng thấu suốt nghìn đời “ cuả Nguyễn Du , sức sáng tạo cuả TTT không theo kịp với Hoàng Cầm ,  bản lĩnh cuả TTT không ngang cân  với thái độ dứt khoát bỏ về đi cày, đi bừa, đi thồ, đi đốn củi , đi xe đá cuả Hữu Loan …

 

 Rất tiếc là TTT đã không đi tiếp con đường trở về với dân tộc , gắn bó với nhân dân

 như các bậc tiền bối . Đọc thơ ông , trước sau , người đọc nhận ra sự thiếu vắng một lý tưởng , TTT không có niềm tin, không có đời sống tâm linh , không tìm đuợc cho đời mình một ý nghiã  . Ông  không vượt qua đuợc cái tôi tiểu tư sản quay quắt trong hiện sinh .

 

Sau khi ra trại, trở lại đời thường, có lẽ chứng kiến nhiều chuyện đau lòng , đổ vỡ , TTT  lại rơi vào tình trạng tuyệt vọng , thế là Hắn Rũ Bỏ Ký Ức và Ra Đi ,  từ bỏ tất cả. Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm , một người bạn cuả TTT kể rằng (14): “Thanh Tâm Tuyền và tôi vào tù cùng ngày cùng chỗ. Gần chín năm sau, ra tù cùng chỗ cùng ngày…. khi về Sài Gòn, hơn tháng trời tôi và đứa con gái 13 tuổi trên chiếc xe đạp cà rịch, ngày ngày tìm đến những địa chỉ khắp cùng ngõ ngách trao thư tận tay những người vợ, người mẹ, người cha, người tình. Sài Gòn, Thủ Đức, Biên Hòa. Nơi xa xôi thì gửi theo bưu điện. Qua việc làm này, tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện buồn vui tủi nhục của những bạn bè cùng cảnh … Tôi đã có ý định ghi lại những hoạt cảnh xã hội này, nhưng cuối cùng không thực hiện vì trân trọng những đau thương đổ vỡ riêng tư. “ Trước khi ra đi TTT  đưa cho Phạm Kiều Tùng (15) tập bản thảo và bảo  : “Cậu xem có dùng được gì thì dùng, không dùng được thì hủy đi, tôi để cậu toàn quyền quyết định” anh cười nói thêm “Hủy đi, như Gogol, Kafka, như Kleist”. Đó là xấp bản thảo TTT viết trong khoảng thời gian từ sau ngày ông được thả khỏi trại cải tạo tới trước ngày ông rời bỏ quê hương.

 

Tôi nghĩ rằng , TTT lâm vào tình trạng bi đát , tuyệt vọng như chưa bao giờ bi đát  tuyệt vọng hơn thế. Giống như Gogol , trong tình trạng khủng hoảng tinh thần , đã đốt bản thảo Những linh hồn chết tập I năm1845, tập II năm1852 ; và F. Kafka để lại di chúc muốn đốt hết tác phẩm cuả mình…

 

TTT sang định cư ở Mỹ  , đất nước cuả nữ thần tự do , cuộc sống vật chất dư đủ , tại sao ông lại sống im lặng , ông lặng im như không tồn tại,  tại sao ông từ bỏ sáng tác ?. Điều này buộc chúng ta phải tìm câu trả lời , bởi vì khi còn ở trong trại cải tạo , cuộc sống tù đày khốn khổ như thế , ông vẫn viết được những bài thơ trong đầu tuyệt bút , vậy mà lúc tự do , ông lại từ chối sự tồn tại cuả chính mình ? Hay phải chăng lại một cuộc bể dâu khác cuả thân phận lưu vong nơi xứ người ? lại chứng kiến những cảnh đau lòng , và một lần nưã , lại sụp đổ những ảo tưởng cuả cuộc  hành trình đời mình chăng ?

 

cuộc hành trình thiêng liêng đi mãi bằng giòng máu 

hoàn thành bao nhiêu tác phẩm

chỉ để sau rốt kết luận một lời

anh hãy từ biệt mọi người bằng tác phẩm của mình

( Định Nghiã Một Bài Thơ Hay )

 

Thi sĩ, giòng giống bị bức triệt

Nương náu miền đầy ải thâm u

Không ngớt tay cuốc xẻng đào huyệt

Tự vùi chôn gương mặt phai nhòa.

( Hắn Rũ Bỏ Ký Ức và Ra Đi )

 

III. Giá trị cuả Thơ Thanh Tâm Tuyền

 

TTT chủ trương cách tân thơ ca , ông đã thực hiện được sự cách tân trong hai tập Tôi Không Còn Cô Độc ( 1956) và Liên  Đêm Mặt Trời Tìm Thấy (1964) . Trong hai tập này , TTT đã cách tân thơ bằng cách miêu tả dòng ý thức , kết hợp với  việc ghi lại những cơn mê sảng Siêu Thực và sử dụng nhiều ẩn dụ ,  viết liền mạch câu thơ không ngắt ý , hoặc ngắt ý không tuân theo quy luật ngữ pháp thông thường để tạo sự tối nghiã , sự hàm hồ . TTT có nhiều hình ảnh thơ khá mới lạ .

 

Nhưng TTT không đi tiếp con đường cách tân ấy , ông lại trở về với thơ ca truyền thống .Từ  dòng ý thức , ông trở về với  thơ tâm trạng cuả thơ Lãng Mạn ( 1930 -1945 ), từ Siêu Thực ông trở về Hiện Thực, từ  ẩn dụ bí hiểm ông trở về với chất liệu đời thường . TTT từ bỏ lối thơ lạ và bí hiểm trở về với lối thơ chân chất tự nhiên. Điều này có ý nghiã gì ? TTT nhận ra con đường  cách tân  là con đường đi vào ngõ cụt . Đó chỉ là những khoe khoang phù phiếm trắc nết ,  những  không tưởng ,

 “ không tưởng cuả những cuộc phiêu lưu chết sững”.

 

Nếu đặt TTT trên dòng lịch sử Văn học Việt Nam hiện đại , bên cạnh  những nhà thơ cùng thời như Nguyễn Đình Thi , Chế Lan Viên , Quang Dũng , Hoàng Cầm , Trần Dần …, TTT có thể có một vị trí nào đó . TTT có công cách tân thơ , đem tư duy thơ miền Nam từ  Tượng Trưng đến Hiện Sinh kết hợp với Siêu Thực và kỹ thuật Tân Hình Thức , tạo thành một thi pháp riêng . Nhưng những cách tân cuả TTT chỉ dừng ở mặt  kỹ thuật viết , chưa đạt tới tầm tư tưởng nghệ thuật , vì thế không tạo ra được một trào lưu như thời kỳ Thơ Mới ( 1930-1945 ). Tôi trộm nghĩ rằng , ngay cả ở chính sự cách tân ấy , TTT chỉ đi tiếp con đường cuả Xuân Thu Nhã Tập trước đó , tất nhiên là có những đóng góp mới hơn , và tồn tại như một hiện tượng thử nghiệm , để rồi chính TTT từ bỏ con đường ấy , không có người  tiếp bước.

 

Nói cách tân trong thơ Việt Nam nưả sau thế kỷ XX, trước hết là cách tân tư duy thơ.

Sau 1945, thơ Việt Nam đã có nhiều cách tân. Lần cách tân thứ nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ,  thơ được đưa trở về với quần chúng , lấy quần chúng công nông binh làm nhân vật trung tâm, bỏ lại sau lưng “ cái tôi “ nhà thơ tiểu tư sản .Tiếp theo , những năm  sau 1954 , Hoàng Cầm và nhóm bạn Lê Đạt , Trần Dần , Đặng Đình Hưng tiếp tục tìm kiếm con đường đổi mới thơ .Hoàng Cầm kể (16) :

 “ …tôi đề xướng với các bạn: lúc này chính là lúc bọn mình phải để tâm vào việc phá ra về thi pháp, phải phá ra khỏi … kiểu thơ cũ mà mình đã chán ngấy. Thế là bốn anh em thống nhất về đường lối sáng tác .”  Tập thơ Về Kinh Bắc cuả Hoàng cầm được viết vào năm 1959 , trong ý thức cách tân thơ cuả Hoàng Cầm . Thơ ca miền Bắc những năm kháng chiến chống Mỹ tiếp tục có những cách tân về tư duy nghệ thuật , tạo nên một nền thơ chính luận trữ tình anh hùng ca , mà trước đó chưa có .Sự bế tắc cuả thơ ca những năm sau 1975 là do chưa có được một tư duy nghệ thuật mới khả dĩ  vượt qua được kiểu tư duy nghệ thuật trước đó .

 

Nói như thế để thấy rằng không chỉ có TTT là người cách tân thơ Việt Nam . TTT có góp phần vào sự cách tân thơ , nhưng nỗ lực cuả ông không đạt được như ý nguyện .Ông đã phủ định con đường cách tân ấy .

                       

Thơ TTT có  ít thành công nếu so sánh  với lời nhạc cuả Trịnh Công Sơn . Thực ra  ca từ cuả Trịnh Công Sơn  là thơ . TTT và Trịnh Công Sơn có một bút pháp gần giống nhau khi viết lời , Trịnh Công Sơn nghiêng về Ấn Tượng . Lời nhạc cuả ông thâm nhập được vào công chúng, thể hiện được nhiều trạng thái tâm hồn cuả công chúng , phát hiện ra nhiều cái đẹp cuả cuộc sống , làm phong phúc đời sống tinh thần cuả thời đại .Trái lại , thơ TTT là một lãnh địa bí hiểm ít người vào được. Có lẽ vì thế mà Võ Phiến đánh giá rằng TTT là nhà văn hơn nhà thơ. Kiệt Tấn kể (17 ): “Hồi Võ Phiến sang chơi Paris và đóng đô tại nhà tôi ở Bagnolet, có bận tôi hỏi, theo ông, Thanh Tâm Tuyền là một nhà thơ hay nhà văn. Võ Phiến đã đáp không do dự: là một nhà văn.

 

Công bằng mà nói , TTT trong  thơ cách tân , đã có được nhiều bài thơ hay như :

Phục Sinh , Lệ Đá xanh , Nhịp Ba , Đen , Bài Ca Ngợi Tình yêu ,Dạ Khúc ,Tĩnh Vật ,…nhưng thật khó tìm thấy bài thơ nào cuả TTT được công chúng yêu mến rộng rãi và lâu dài như Tây Tiến , Đôi Mắt Người Sơn Tây ( Quang Dũng ) , Bên Kia Sông Đuống , Mưa Thuận Thành , Lá Diêu Bông ( Hoàng Cầm ) Màu Tím Hoa Sim ( Hữu Loan ).. .

 

Thơ TTT không thâm nhập được vào trái tim người đọc , vì tiếng thơ ấy không nói tiếng

nói cuả công chúng , không  nói tiếng nói cuả trái tim Việt Nam trong một giai đọan lịch sử mà thơ ca phải là ngọn lưả toả sáng , soi đường và cháy  rực  lên sức sống , sức mạnh cuả một dân tộc . Thơ phải nói tiếng nói cuả dân tộc truớc thời đại và lịch sử . Thơ ca phải ngang với  tầm vóc cuả thời đại  lịch sử

( như thơ ca thời Lý Trần , thơ ca thời Nguyễn Du , ..) .TTT không có được tiếng thơ đó .

 

Có lẽ người đọc hôm nay nên  tôn trọng ý kiến cuả ông :

 

Tôi đã chết nghẹn ngào

ôm tình yêu tự do chật ngực

tôi chết và chối từ

đừng ai gọi tôi là thi sĩ

( Tôi Không Còn Cô Độc )

 

Tháng 7/2007

_______________________________________________

* trong bài viết , tôi trích dẫn nhiều thơ TTT để  bạn  đọc có thể thâm nhập trực tiếp thơ ông , có đủ cứ liệu  để hiểu về ông. ( BCT )

Chú thích :

(1) (2 ) (5) (7) (8) Đặng Tiến , Thanh Tâm Tuyền ,Talawas 4.4.2006

(10) Bùi Vĩnh Phúc, Biệt khúc cho Thanh Tâm Tuyền , (Đọc lại Thơ ở đâu xa) .Talawas 21.4.2006

(12) (14 )Ninh Hạ Nguyễn Ðức Tâm ,Thanh Tâm Tuyền - Những điều nhớ , Talawas 15.5.2006

(17) Kiệt Tấn ,Tôi có còn cô độc? Talawas 6.8.2006

(3), (4) Phạm Xuân Nguyên ,Biến cố thứ nhất của văn học thời hậu chiến:Thanh Tâm Tuyền Talawas 23.9.2006

(*)(*) “ Thực ra, tôi biết nhiều trường hợp các nhà tu Công giáo hay Phật giáo, trong chỗ riêng tư, đều nhìn nhận thời gian học tập cải tạo hay ở tù chính trị như một thử thách giúp họ trở lại với tinh thần tôn giáo, lý tưởng tu trì mà trước đó họ đã ít nhiều xa rời, thậm chí phản bội nữa, nhất là những kẻ có quyền hành đạo đời. Do đó họ coi học tập cải tạo, ở tù như một hồng ân Thiên Chúa ban cho họ để tu tỉnh lại.”

( GS. Nguyễn Văn Trung - I. Tha thứ và xin tha thứ Dũnglạc.net )

 

(13) (16) Hoàng Cầm , Về Kinh Bắc (1959-1960) ( phần Vĩ thanh ), Talawas 5.4.2007

(6) dẫn theo Thanh Tâm Tuyền  , Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn . Talawas . van học miền nam trước 1975

(9) (11)(15) Phạm Kiều Tùng , “Bài Học Đạo đức Kinh” cuả Thanh Tâm Tuyền” ,

                                                                                                       03/21/2007  www.thotanhinhthuc.org.

 

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 3719
Ngày đăng: 06.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gõ đời vào phím cô đơn - Nguyễn Đức Thiện
THANH TỊNH: Mòn Mỏi... Nhớ Huế! - Lê Xuân Quang
Ngọn gió lang thang về đâu . . . - Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Thơ Lục Bát , Một cõi trời mênh mông-1 - Bùi Công Thuấn
Thơ Lục Bát , Một cõi trời mênh mông-2 - Bùi Công Thuấn
CHÍNH HỮU: Ngọn Đèn Đứng Gác - Đã tắt! - Lê Xuân Quang
Thơ Nguyễn Lương Vỵ - Một tiếng gầm tịch liêu - Hồ Ngạc Ngữ
Nhụy Nguyên LẬP NGÔN QUA “LẬP THIỀN”* - Nguyên Hào
Chuyện tính mùa tạp kỹ * - Một bài tập lập dị có ý đồ và khuynh hướng hậu hiện đại. - Dư Thị Hoàn
Thanh Hoa và những truyện ngắn đầy suy tư về thế thái nhân tình - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)