Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.146
123.225.688
 
Chồng già, vợ trẻ là tiên
Đặng Hoàng Thái

Nghĩ tới nghĩ lui, hết leo lên bộ ván gõ vắt tay lên trán chắt lưỡi kêu trời, lại bước xuống ngắt cục thuốc rê, quấn điếu thuốc tổ chảng, lập bập phì khói, ông Tư Tèo vẫn không biết làm cách nào để giải quyết đàn gà mấy chục con. Ông trời ác thiệt, tự dưng lại sinh ra cái dịch cúm gà, tưởng đâu giống như mắc toi, ai dè xem ti di (TV), thấy thiên hạ than trời, trách đất, cái giống gà truyền mấy con vi trùng "hắc hắc… nờ nờ" gì đó sang người, dễ chừng cũng đã hơn chục mạng rù rù như gà, năm ba bữa là chầu ông bà, ông vải. Cũng may nhờ thằng Út làm việc Thị xã, nhín chút tiền lương sắm cái ti di cũ, để ông coi thời sự, biết thêm này nọ, ta bà thế giới.

 

Mà làm sao bây giờ chứ, ăn thì vợ chồng ông không dám ăn. Già thì già, sắp xuống lỗ nhưng ông vẫn còn ham sống lắm, lỡ chết bất đắc kỳ tử, bỏ bà vợ sau mới băm mấy là chúng lụm tức thì. Thời buổi này, vợ chết bước thêm bước nữa như ông là chuyện thường. Hớ một chút là mấy thằng có vợ con đùm đề nhưng khoái đèo bòng lượn qua, lượn lại. Mà vợ ông thì phây phẩy, ông mà nằm xuống là đám đó bu còn hơn ruồi bu… Ngu ha! 

 

Không ăn được! Hay là đập chết, tiêu huỷ giống như trên ti di? Tội quá! - ông Tư lẹt khẹt, phun cục đờm văng vô trong vách nhà. Công ông chắt mót thóc lúa, mỗi lần trâm miệng "cục cục" là cả bầy nháo nhào chạy tới. Thương lắm, nhất là hai con gà đá "Song hùng kỳ hiệp" với tuyệt chiêu hồi mã thương, tung đâu dính đó nổi tiếng khắp xã. Đó là chưa kể hơn chục con gà mái tơ, đẻ liên hồi kỳ trận cho ông bồi bổ. Rồi tết nhất cúng đất đai, điền thổ, ông bà tổ tiên… tiệt diệt hết, lấy đâu ra gà để mà cúng với quảy, làm sao xem chân gà đoán hậu vận cả năm… Cũng lạ, sao không thấy mấy cha trên Uỷ ban thông báo xã ông có nằm trong vùng dịch hay không vậy cà! Chuyện động trời mà mấy chả cứ nhơn nhơn. Làm gì thì làm, tạm thời gác mấy chuyện vận động xây nhà tình thương, thắt ống dẫn… dẫn… cái quái gì đó sang bên để mà lo chuyện gà qué chứ!

Ông Tư thở dài. Ông với tay lấy bình tích rót trà. Vừa đứng dậy, vén lưng quần đánh cục, miệng khọt khọt, đã thấy bà Tám "dân số" thấp thoáng ngoài rào. Nuốt cái ực, ông Tư lớn tiếng:

- Chị Tám ơi, vô đây… vô đây tui hỏi chút chuyện coi - Cẩn thận vén lưng quần thêm một cục nữa, ông Tư khoác vội chiếc áo "ký giả" đã ngã màu, đôi chỗ sờn rách lên người. Chưa bước vô tới cửa, bà Tám "dân số" đã toét miệng cười kiểu "cầu tài":

- Cô Tư nó có nhà không anh Tư?

- A… à, vợ tui ra thị trấn mua mấy thứ đồ lặt vặt rồi. Ngồi chơi uống nước đi chị!

- Tưởng cô nó có nhà, tôi qua hỏi thăm chuyện… chuyện. Mà thôi, chuyện đàn bà, anh đàn ông làm sao bàn được. Để bữa khác…

 

Nghe đến đó, ông Tư đã biết bà Tám "dân số" bàn tính chuyện gì với vợ ông rồi. Đâu được! Ông sáu mươi tuổi thiệt nhưng coi vậy chớ ông cũng còn khoẻ lắm, ông muốn vợ ông ráng đẻ cho ông một đứa con gái giống hệt mẹ nó cho vui cửa, vui nhà. Chứ bà vợ trước đẻ toàn con trai, đứa nào cũng có công ăn, chuyện làm rồi ra riêng, bỏ ông một mình buồn thấy mẹ. Chuyện gì chứ chuyện đó là ông kiên quyết chống tới cùng. Nhưng bây giờ không phải là lúc cãi lộn với con mẹ Tám:

- Ờ! Chuyện đờn bà, có gì chị bàn với vợ tôi. Cho tui hỏi thăm chị chút chuyện. Chứ mấy bữa rày chị có nghe mấy cha Uỷ ban nói gì đến chuyện mấy con gà không? Coi trên ti-di thấy tình hình căng còn hơn I-rắc nữa!

- Mèn ơi! Bộ năm mười hai tháng anh không có lên Uỷ ban sao? Người ta dán cái thông báo bự chảng, xã mình không nằm trong vùng dịch, nhưng ai có nuôi gà vịt thì ráng chú ý dùm, có hiện tượng bất thường gì thì báo cho xã biết! - Bà Tám trợn mắt, phùng mang làm một tăng liên hồi kỳ trận làm ông Tư nhớ tới hồi nẳm, thời đánh Mỹ, mấy thằng biệt kích đi ruồng, đi bố, vô đám bắp nhà bà Tám xăm kiếm hầm bí mật. Xăm tới đâu tụi nó lấy dao phạt ngang, đám bắp ngã rạp. Bà Hai Uỷnh- má Bà Tám - tức quá, đứng chống nạch, hây hẩy chửi: "Bà mẹ tụi bây mấy thằng mủi lỏ, cái quân thất nhơn ác đức, cái quân…". Mấy thằng Mỹ thấy bà đỏ mặt tía tai, tay quơ chân múa, giọng trầm, giọng bổng quay sang hỏi thằng thông ngôn. Thằng thông ngôn không dám nói bả chửi, sợ tụi Mỹ nổi điên thì khổ. Nó nói bà Hai đang tập hát bội để chuẩn bị lễ kỳ yên. Mấy thằng Mỹ khoái quá, có thằng còn rút mấy ảnh ra bấm lia, bấm lịa. Hết biết, mẹ con, cái miệng đãi qua, đãi lại y hệt nhau.

 

Ông Tám dỡ bình tích, rót nước trà, hút trót trót như uống rượu rồi hắt giọng:

- Công chuyện thì nhiều, hai vợ chồng làm không xuể, đâu có rãnh để đi đâu hở chị. Mà hiện tượng bất thường là làm sao…?

- Thì… thì… Ui! Anh lên trển mà coi! Già cả, nội nhớ ba cái vụ kế hoạch hoá, thắt, đoạn, ngừa… đã muốn bể óc rồi! Mà nè, anh cầm cái này đi, coi người ta hướng dẫn trong đó mà sử dụng - bà Tám thải một bịch ni-lông lên bàn, giợm đứng dậy.

- Cái gì đây? Chứ sao chị không chỉ cho tui?

 

Bà Tám "dân số" hứ một tiếng, sải sải bước ra ngoài, mông ngoáy đều như cối xay gạo làm ông Tư mắc cười thiếu điều muốn ngã bổ chững. Ông Tư mở bọc ni-lông coi cái giống gì mà bà Tám hứ ông. Trong bọc, ba hộp giấy đỏ có để chữ Ô kê. Tưởng gì, mấy cái thứ này thằng Năm Khình "lái trâu" ở sau nhà ông hay lấy thổi bong bóng cho con chơi. Cũng nhờ coi ti di nên ba cái vụ này ông cũng hiểu loáng thoáng. Mà mắc chi ông phải xài thứ này, vợ ông còn đẻ được thì cứ để cho đẻ chớ!

 

*

 

Bà vợ sau của ông Tư năm nay ba mươi lăm, ba mươi sáu gì đó. Tên cha sinh, mẹ đẻ là Tống Thị Thẹp. Lớn lên nghe tên Thẹp cũng hơi kỳ nên sửa thành Tống Thị Thu Đẹp. Sửa thì sửa, làng xóm cũng vẫn cứ tên Thẹp mà kêu. Đến khi về với ông, họ mới chịu kêu theo thứ của ông. Mà đời bả cũng đoạn trường! Dân quê, dân đồng, mười lăm, mười sáu là đã lấy chồng. Gặp phải cái thằng nhà cửa cũng khang trang nhưng có tật rượu chè. Rượu vô là nó quậy. Mà phải chi nó quậy làng, quậy xóm, đằng này cứ nhè vợ mà thoi, mà đá. Mẹ họ, đàn ông thân bảy thước mà đánh vợ thì còn gì là người quân tử. Ở với nhau, chỉ được mỗi đứa con gái, nhưng nó cũng èo uột, suy dinh dưỡng rồi sốt xuất huyết, đi luôn. Sau này, cứ chớm cái thai nào là thằng chồng đánh trôi cái ấy. Ông thấy mà tức, mà tội cho thân nhi nữ. Lần nọ, nó say quắc cần câu, lôi vợ ra đánh. Ông đi ruộng về ngang, "giữa đường thấy chuyện bất bằng". Cái thằng thanh niên trai tráng gì yếu nhớt, ông loi mới có một thoi mà nó nằm nhà thương cả tuần lễ. Nó kiện, bắt ông bồi thường mấy trăm ngàn tiền thuốc. Thường thì thường, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Đâu được hơn tháng sau, nhậu xỉn, ra đường xe lạng quạng sao đó, cam-nhông tung cho nát óc. Chắc trời trả báo! Bà hai của ông để tang chồng đúng 3 năm rồi xách giỏ về nhà ông ở luôn tới bây giờ.

 

Mới đó mà đã 4 năm rồi. Không hiểu sao, ông cũng cố lắm mà chẳng thấy động tĩnh gì hết. Lâu lâu, thấy bà hai thèm chua, ông mừng như con nít, chạy giáp làng kiếm mấy trái me, trái cóc. Nhưng chờ hoài, cái bụng bà hai cứ phẳng lì lì, không u cũng chẳng tròn làm ông rầu thúi ruột. Hổm rày, vợ ông với bà Tám "dân số" cứ rủ rỉ, rù rì, không biết con mẹ nhiều chuyện này có bày trò gì không nữa…!

 

Ông Tư Tèo vừa ra nhà sau, kéo cần vọt xách mấy gàu đổ đầy lu nước là nghe tiếng xe xịch xịch ở nhà trước. Ông biết vợ ông về, nên đặt vội cái gàu lên giàn nước, chạy lên.

- Đi chợ gì lâu dữ vậy bà? Vừa hỏi, ông Tư vừa đưa gáo nước cho vợ.

- Ui! Chợ búa gì lúc này khó mua quá! Gà thì mắc dịch không ai bán, thiên hạ lại đồn đãi heo cũng nhiễm bệnh luôn nên thịt bò lên giá. Tụi mua đỡ mấy con cá về kho tiêu cho ông ăn thôi!

 

Uống hết gáo nước, bà Tư xoay qua, ngồi xuống võng, buông một tiếng thở dài, mặc dàu dàu, ngó lung ra trước ngõ. Ông Tư thấy lạ, định hỏi, nhưng tính ông từ hồi nào giờ không thích tra vặn. Chừng nào bả thích thì nói cho ông nghe. Nhìn bà Tư tòn ten, hai bầu ngực căng căng, phập phồng theo từng hơi thở, tự dưng ông buồn cho cái thân của ông. Ai nói "chồng già vợ trẻ là tiên"? Có nước tiên mắc đoạ thì có. Chừng mươi năm nữa, ông trở thành lão già hết xí quách, còm hom, "trên bảo dưới không nghe". Đời thưở, cái món độc nhất trong tứ khoái mà ông không làm ăn gì được thì chết còn sướng hơn. Đâu phải ông muốn cho riêng mình, ông sợ vợ ông buồn cái cảnh không con, không cái, không người chăm sóc lúc tuổi già, sức yếu. Mẹ họ, tới đâu hay tới đó, chẳng lẽ ông chết, đám con ông lại bỏ dì nó bơ vơ một mình. Đâu được, phép nhà ông dạy kỹ lắm, đứa nào lạng quạng ông hiện hồn về vặn họng.

… Ông Tư trằn trọc trở mình, gác tay lên trán. Từ hồi đi chợ về, vợ ông chẳng nói, chẳng rằng, cứ thở dài miết. Bả không ngủ, chui ra, chui vô, làm sao ông ngủ được. Từ hồi về ở với ông tới giờ, ít khi nào ông thấy bả như thế này. Phải hỏi mới được, vợ chồng cắn đắng chuyện gì, đóng cửa dạy nhau, để bả mang cái mặt này, ông hổng yên tâm. Mà có khi thiên hạ nhiều chuyện, tưởng ông ăn hiếp bả.

 

Ông Tư nhổm dậy, khều vai vợ: - Bà nè, ngủ chưa, dậy tui hỏi chút coi!

- Ngủ thì ngủ đi, bày đặt chuyện này, chuyện nọ gì nữa?

- Bà có buồn tui gì không mà cứ rầu rầu? Tui sai gì bà nói, đựng tui khắc phục. Chứ như vầy, tui hổng yên!

- Không có gì đâu, tại tui nghe mệt mệt trong người thôi, ông ngủ đi!

Nghe bà Tư nói, ông càng lo hơn: - Mệt chỗ nào? Hay để ngày mai tui chở bà ra nhà thương huyện khám?

- Thôi ông, cũng đỡ rồi. Ông ngủ sớm, mai còn lên xã coi mấy anh ở trển hướng dẫn cách phòng chống dịch cúm gà. Để có gì, khổ mình không nói, khổ làng, khổ xóm, tội chết!

Nói dứt câu, bà Tư quay mặt vô vách, kéo mền đắp ngang bụng. Ông Tư biết, hỏi nữa, bả cũng không nói. Ông lẳng lặng vén mùng, đi lên nhà trước mở đèn, lấy gói thuốc rê, vấn một điếu. Phải chi trong đám con của ông với bà trước có đứa con gái nào, ông sẽ nhờ nói hỏi dùm. Biết đâu chỗ đàn bà với nhau, dễ tâm sự.

Chưa tàn điếu thuốc, bà Tư đã bước lên, kéo ghế ngồi đối diện. Búi mớ tóc dài thơm mùi dầu gội đầu Cờ-lia (ông Tư đã phải ra tận chợ huyện mua mới có), bà Tư nói:

- Ông nè! Tui… tui… tui có thai rồi!

- Sao? - ông Tư quẳng điếu thuốc, đứng lên.

- Sao bà biết? Khám hồi nào? Con trai hay con gái? Chừng nào đẻ?

- Mới 2 tháng. Tui khám trên huyện. Nhưng mấy bác sĩ ở trển nói…

- Nói cái gì? - ông Tư với chụp bình thuỷ, đổ nước vào bình tích pha trà, mắt vẫn lom lom nhìn bà Tư.

- Họ nói tui mấy lần sẩy thai, ốm yếu quá, sợ đẻ không được. Có đẻ được, con cũng èo uột, khó nuôi. Có người còn xúi tui bỏ, đoạn sản luôn…

Ông Tư giằn ly trà xuống bàn cái cộp:

- Mẹ họ! Ai mà xúi bậy quá vậy? Bà chỉ đi, tui đập nó thấy ông bà, ông vải luôn. Đẻ, bà phải đẻ, đẻ con gái cho tui. Tui coi rồi, số bà cao lắm, không sao đâu!

- Ừ! Tui cũng muốn đẻ lắm! Ở với ông mấy năm, mà không có đứa con nào, tui cũng khổ tâm. Nhưng… lỡ tui có bề gì…

- Không nhưng nhị gì ráo! Đẻ, bà phải đẻ, đẻ con gái cho tui. Bán đất, bán ruộng tui cũng lo cho bà. Thôi, đi ngủ, bà có thai phải ngủ sớm! Từ ngày mai, việc trong nhà, để tui làm, tới bữa, bà chỉ cần bắc nồi cơm là xong.

 

Ông Tư mừng. Mừng đến nỗi, ông cứ tưởng như mình trẻ lại hai chục tuổi. Coi vậy mà ông cũng còn làm ăn được. Phải vậy chớ, hổng bỏ công ông lùng kiếm mấy con bìm bịp, bổ cũi ngâm ruợu. Chưa kể mấy bình thất mãng xà tửu ông mua mấy trăm ngàn. Mẹ họ, già sáu mươi tuổi ẳm con ầu ơ, ví dầu, chắc ngộ lắm! Đám con ông mà hay chuyện này, thế nào tụi nó cũng chọc ghẹo ông cho coi. Kệ, đứa nào quá trớn là ông cho ăn roi mây hết. Ông Tư cười một mình, quay sang ông bà Tư, lòn tay xuống dưới lớp áo bà ba. Trời tháng này nóng nực, sao bụng vợ ông cứ mát rượi, đã thiệt!

 

*

 

Ông Tư đứng ngồi không yên. Gói thuốc Hero thằng Út đưa lúc chiều chỉ còn vài ba điếu. Ông cố ngó qua lớp kính mờ của phòng đẻ, hy vọng nhìn thấy vợ ông. Đi rọi hình, mấy ông bác sĩ bảo vợ ông sẽ đẻ con gái, ông chạy kiếm con heo mọi, quay cúng ông bà liền. Nhưng lúc nhìn bả đau quằn, đau quại, đau bò xuống đất, đau leo lên giường, ông xót lắm. Bà vợ trước có bầu 5 lần, nhưng ông cũng đâu có thấy bả rên la dữ vậy. Nghe mấy bà mụ nói, bả cứ cắn môi, trợn mắt, rặn 3-4 hơi là làm cái ót, tòi ra đứa nhỏ. Còn bà hai của ông sao thấy cực quá! Đau đến mức cứ nắm lấy tay ông mà cắn, mà rứt, thấu trời thấu đất. May mà mấy ngày trước, con dâu Út xin nghỉ phép về phụ với ông.

Cánh cửa phòng đẻ đột nhiên mở ra, ông Tư nhào lại nhưng bị một nữ hộ sinh cũng lớn tuổi đẩy ra:

- Đàn ông, đàn ang, chàng ràng ở đây làm gì? Đợi chút nữa, bác sĩ mổ cho vợ anh xong, rồi đưa qua phòng hồi sức, anh mới vô thăm được.

- Vợ tui sao… sao phải… phải mổ hả cô? - ông Tư phát hoảng chụp lấy tay cô nữ hộ sinh, run lắc.

- Thì ốm yếu quá, khó sinh, mổ bắt đứa nhỏ ra. Mà không khéo… là không xong đâu

Bình thường nghe cái kiểu trả lời sẵng của ai là ông Tư độp liền. Nhưng lúc này, ông không còn tâm trí để đôi co. Tại ông hết, ham làm chi để vợ ông khổ. Hèn gì bà Tám "dân số" cứ một hai kêu vợ ông phải kế hoạch. Còn nói vòng, nói vo, khuyên ông phải tròng ba cái bong bóng. Bả có bề gì chắc ông sống không nổi. Gì thì gì, rổ rá cạp lại nhưng cũng cái nghĩa tào khang chi thê, đầu ấp tay gối, vợ ông ông không thương sao được.

 

… Bà Tư nằm thiêm thiếp trên giường, bên hông là đứa con gái nhỏ nhắn, đỏ hỏn, mắt chưa mở mà miệng đã ngỏn ngoẻn cười. Vợ ông xanh quá! Tội nghiệp, chắc bả đau dữ. Mẹ họ, cái thằng chồng trước của bả là thằng dịch vật, chắc kiếp trước nó là ma, là quỷ gì đó nên nó mới đánh bả đến ra nông nỗi này. Ông bà xưa nói thiệt đúng, đàn ông đi biển còn có có đôi, có cặp. Đàn bà đi biển có mình ên. Đau xé ruột, xé gan đẻ ra đứa nhỏ, nhiêu đó cũng đủ để ông vui cái tình của vợ ông đối với ông rồi.

 

Thoáng thấy bóng nữ hộ sinh ban tối, ông Tư đứng bật dậy, giọng quả quyết: - Cô ơi! Ở đây, có chỗ nào thắt ống gì đó không? Nếu thắt không được… Mẹ họ, cô cắt… dùm tui cũng được.

 

Tây Ninh, tháng 5.2004

Đặng Hoàng Thái
Số lần đọc: 2554
Ngày đăng: 09.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ điệu tuổi mười ba - Trần Thị Ngọc Lan
Người láng giềng tuổi tí - Lê Vũ
Bóng đời - Lê Hà Ngân
Thế giới - Vicente Rivera. Jr(philippin)
Bông Cỏ Giêng - Nguyễn Hiệp
Thuốc đắng-1 - Hư Thân
Thuốc đắng-2 - Hư Thân
Trự lập - ManTran
Xôn xao nắng chiều - Đổ Thị Hồng Vân
Bảy sắc cầu vồng - Trần Văn Bạn
Cùng một tác giả
Chữ tình (truyện ngắn)
Lão Khương Câm (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)